Buổi liên hoan kết thúc.
Một đám nam nữ trẻ tuổi, ngà ngà men rượu ra khỏi tiệm lẩu, quàng vai bá cổ nhau đi về trường.
Trần Nhứ và Quách Hương Hương đi cuối cùng. Đêm tối, ánh đèn đường mờ ảo chiếu xuống dải cây xanh, bóng cây đổ xuống loang lổ những khe hở.
Quách Hương Hương tò mò hỏi cô: “A Nhứ, nãy tớ đi toilet mà không thấy cậu đâu cả.”
Bước chân Trần Nhứ dừng lại, cô thấp giọng giải thích: “Vừa rồi tớ gặp Chu Dực, bên đó cũng đang liên hoan. Sau đó bọn tớ ra ngoài hàn huyên đôi câu thôi.”
Bà tám Quách Hương Hương lập tức hào hứng: “Ủa, không phải là anh ta với Tưởng Linh Tê cặp với nhau rồi à? Sao lại… Ôi, tớ biết ngay mà, thánh diễn Tưởng Linh Tê lại đơn phương tuyên bố rồi.”
Lời của cô chưa dứt, đôi nam nữ chính trong chuyện xấu đã xuất hiện ở đầu lối ra. Tưởng Linh Tê khóc như hoa lê đẫm mưa, trông thấy mà thương, Chu Dực có vẻ bực mình hất cánh tay cô ta đang vịn vào mình ra. Cô ta lại đuổi theo, cậu ta thì đã đầu nặng chân nhẹ, người kiệt sức, chống tay xuống đầu gối thở dài một hơi, rồi đành cam chịu ngồi xuống ven đường.
Trước giờ Quách Hương Hương vẫn luôn là một người thích xen vào chuyện của người khác, huống chi qua sự kiện lần trước, cô tự nhận mình cũng có tí qua lại với Chu Dực. Thế là cô chủ động tiến lên trước mấy bước, xán lại hỏi: “Anh không sao đó chứ?”
Trần Nhứ đành phải đi theo.
Chu Dực ngẩng đầu, lờ mờ mãi mới thấy rõ người đứng trước mặt là ai, cậu gắng gượng giật khóe môi. Quách Hương Hương giật nảy mình: “Mặt cậu trắng như quét sơn rồi đấy, có cần đi bệnh viện không đó?”
Cậu ta lắc đầu, chỉ sang Tưởng Linh Tê: “Cô ấy say rồi. Hai người đưa cô ấy về đi.”
Lúc này Trần Nhứ mới thấy cô ta là lạ ở đâu. Chẳng trách cô ấy lại kích động, nói năng lộn xộn như vậy, ra là mượn rượu nổi điên.
Tưởng Linh Tê đã hoàn toàn không để ý đến hình tượng của mình nữa, khóc chảy nước mắt nước mũi tèm nhem. Quách Hương Hương gọi hai nữ sinh cùng phòng ngủ với các cô lại, vừa túm vừa kéo cô ta đi. Hiếm khi cô rộng lượng không mang thù, không để chuyện Vương Tiến và Tưởng Linh Tê trong lòng, còn không quên quay đầu cất giọng sắp xếp: “A Nhứ, cậu biết nhà của Chu Dực, vậy cậu đưa anh ta về đi.”
Bước chân vốn đã chuẩn bị rời đi của Trần Như miễn cưỡng dừng lại, đi cũng không được, mà ở lại cũng chẳng xong.
Sau lưng vang lên một tiếng cười nhạo.
Tính của Chu Dực luôn háo thắng quá mức. Không biết bị điều gì kích thích, khóe mắt cậu ửng đỏ như tường sụp ngói vỡ, nhưng ánh lạnh trong mắt lại hun hút thấu xương, giọng vừa trầm vừa lạnh: “Em cũng đi đi.”
Trần Nhứ xoay người, ngồi xổm xuống, định vịn cậu dậy: “Tôi đưa anh về thôi.”
“Tôi chưa uống bao nhiêu.” Nói rất chi là đường hoàng.
Cậu chống tay xuống đất, vừa đứng lên một cái đã lảo đảo, suýt nữa lại chổng vó lên.
Trần Nhứ thốt ra một câu cẩn thận, vô thức đi qua đỡ lấy cậu, cả người cậu ta đều dựa vào vai cô. Cậu ta cao quá, cái đầu nặng trịch rũ xuống trên vai cô, có vẻ như thật sự đã say mất cả ý thức.
Cô hoảng lên, gọi tên cậu ta liên tục.
Mất ý thức một lúc, cậu lại dần dần tìm lại quyền điều khiển cơ thể, như từ đám mây mềm mại về lại trên đường nhựa cứng cáp. Cậu đẩy cô ra, lại ngồi về trên vỉa hè.
Trần Nhứ giật mình nhớ lại một hạt bụi ký ức bị cô đánh mất giữa dòng thời gian. Chẳng biết tại sao, cô bỗng nhớ tới gian miếu nơi họ gặp nhau kia, cô quỳ gối trước phật, thành kính khẩn cầu cho tương lai, cậu ta từ sau đài sen đi ra, bước vào vạn trượng hồng trần. Họ tranh chấp và đối thoại… Vô số suy nghĩ lướt qua trong nháy mắt, một kết luận nào đó khiến người ta khó mà tiếp nhận đang hiện ra rất sinh động.
Cô siết chặt ngón tay, rồi lại buông ra: “Anh… thấy khó chịu chỗ nào không?”
Lòng Chu Dực chợt trầm xuống, hai vai cậu ta run nhẹ đến mức không thể thấy được. Giọng cậu khàn khàn: “Ừ, tôi uống say. Em gọi cho tôi cái xe đi.”
Một lát im lặng, lại một lát lặng im.
Trần Nhứ không truy vấn, quay người vẫy một chiếc taxi lại.
Chỗ này cách nơi ở của Chu Dực rất gần.
Trần Nhứ kiên trì muốn đưa cậu ta về nhà, cậu ta cũng không chối từ nữa. Hai người ngồi song song ở ghế sau, suốt quãng đường về không nói tiếng nào.
Tài xế dừng xe trước đoạn cầu thang cao ngất kia.
Chu Dực mở cửa xe ra, đôi chân dài vừa cất bước, trực tiếp bước lên hai bậc. Cậu ta phát hiện ra động tác phía sau, lập tức đóng cửa xe lại, xoay người nhìn Trần Nhứ trong cửa sổ xe nửa mở từ trên cao.
Mi tâm hơi nhíu lại, ánh mắt cậu ta sáng quắc như tỏa hơi nóng: “Em về đi, tôi không tiễn em nữa.”
Trần Nhứ mím mím môi, cũng không kiên trì: “… Được rồi, anh nghỉ ngơi cẩn thận vào đó.”
Taxi dần dần rời khỏi tầm mắt của cậu. Từ kính chiếu hậu, cô nhìn bóng cậu ta dần dần thu lại thành một điểm đen mờ. Cậu ta đứng đó, chăm chú nhìn con đường không bóng người thật lâu. Ngực trái bỗng đau như dao cắt, cậu ta đặt tay lên, ở nơi trống rỗng đó đã có một câu được nhắc đi nhắc lại từ lâu.
Dừng ở đây thôi, sau này không cần gặp lại nữa.
Nói với cô, cũng nói với mình.
Nhưng chẳng biết sao, tới tận bây giờ vẫn không thốt được nên lời. Hẳn sâu trong đáy lòng vẫn còn lưu luyến chút tình cảm không bỏ được ấy.
Có những điều chỉ có thể giấu trong lòng, một khi đã nói ra miệng, thì sẽ thật sự mất đi ý nghĩa.
Khoảng thời gian sau đó không có gợn sóng nào.
Tháng bảy, giữa hè nóng nực.
Trần Nhứ chính thức bắt đầu thực tập. Sở Sự Vụ tọa lạc trong kiến trúc đặc trưng thời giải phóng ở vùng Giang Bắc, cô bắt đầu từ những việc vụn vặt nhất như pha cà phê, photo tài liệu văn bản, sắp xếp hồ sơ… gập ghềnh trải qua cuộc sống của một ma mới trên chức trường.
Tạ Nghiêu Đình xin nghỉ thăm người thân, về Giang Thành một chuyến.
Diệp Dĩnh đang nằm viện.
Bà đã sắp đến tuổi về hưu, nhưng lại càng không chịu ngồi yên. Gần đây bảo tàng thành phố tổ chức một triển lãm đồ sứ, bà bận túi bụi nên lúc băng qua đường, mất tập trung giữa giao lộ, bất cẩn bị xe điện đụng ngã, nứt xương cổ chân, đang phải tĩnh dưỡng.
Mấy hôm nay tự dưng đau nặng hơn, đi viện kiểm tra ra tràn dịch, cần phải ở lại viện quan sát. Trước đó vì Tạ Nghiêu Đình khăng khăng đòi đổi công tác, bà đã hơi khó chịu trong lòng, năm lần bảy lượt không cho người bên cạnh nói cho con trai mình gặp chuyện ngoài ý muốn.
Nhưng mỗi ngày bà đều than dài thở ngắn, nói bóng nói gió một cách rõ ràng.
Tạ Thế Thanh sống với bà đã hơn nửa đời người, sao lại không hiểu tính bà, vội vàng tìm bậc thang cho bà xuống nước, lén gọi điện cho con trai.
Biết chuyện từ chỗ cha, Tạ Nghiêu Đình rất áy náy, đặt vé máy bay trong đêm cấp tốc* về Giang Thành.
(*) nguyên bản là “chuyến bay mắt đỏ” (red-eye flight), nghĩa là chuyến bay khởi hành vào buổi đêm và cập cảng vào buổi sáng hôm sau. Sở dĩ được gọi là “mắt đỏ” vì đây là biểu hiện mỏi mệt vì phải bay suốt đêm. Editor mạnh dạn đổi thành “chuyến bay cấp tốc”.
Trần Nhứ bận việc không rời tay được, cũng không lập trường gì để đồng hành. Cô biết mình không hợp mắt Diệp Dĩnh, trong lòng không khỏi trào dâng nỗi bi quan về tương lai vô định. Để tránh bị cảm xúc tiêu cực này ăn mòn, cô trút hết tâm huyết vào công việc. Nhưng dù sao cô vẫn tài năng kém cỏi, nên chỉ có thể làm những việc đơn giản nhất.
Giang Tư Mạc tiến vào tòa nhà chọc trời này đúng lúc nghỉ trưa. Trần Nhứ đi ra từ thang máy, đang định đi gọi một combo cơm hai người ở tiệm ăn nhanh dưới tầng, ngẩng đầu lên đã thấy cậu.
Tóc đã dài ra, da đen đi một chút, đường nét gương mặt cũng đã bớt phần ngây ngô, lộ ra góc cạnh. Lúc dựng mày, ánh mắt kiên định, trên chiếc cổ cao gầy treo một đôi tai nghe màu đỏ đang nổi hiện nay.
Dưới nắng gắt, cậu cười xán lạn với cô.
Trần Như hoảng hốt, đến lúc phản ứng lại được, lập tức đi lên chào hỏi.
Cô ngửa đầu cười rộ: “Sao cậu lại tới đây?”
Cậu cong môi: “Cuối tuần này tớ đi Mĩ, nên qua thăm cậu tí trước khi đi thôi.”
Giang Tư Mạc bồi hồi một vòng quanh cửa âm, đã xuất viện được hai tháng, người cũng khỏe hơn nhiều. Dấu chân cậu trải rộng hơn phân nửa Trung Quốc – đọc vạn quyển sách không bằng đi vạn dặm đường, những trải nghiệm lắng đọng lại, những niềm vui đạt được, những độ lượng mất đi, đã để cậu thật sự giải thoát khỏi những trói buộc trong quá khứ, thay da đổi thịt như bây giờ.
Rời Á Đinh – Đạo Thành*, cậu trực tiếp đi Sơn Thành. Cậu có một weibo cập nhật rất đều đặn, nhất là sau khi đăng ảnh người thật lên, số lượng fan hâm mộ lập tức tăng vùn vụt.
(*) Á Đinh – Đạo Thành: huyện Đạo Thành, thuộc tỉnh tự trị Tây Tạng Ganzi thuộc Tứ Xuyên, là cửa ngõ giáp ranh tiến vào Tây Tạng. Á Đinh là một khu bảo tồn quốc gia xếp vào hàng đẹp nhất đất nước nằm ở phía tây nam của vùng đất này.
Trần Nhứ cũng follow, biết gần đây cậu đang lưu luyến vùng Nam Xuyên*.
(*) trong bản raw ghi là “Xuyên Nam”, song khi editor tra cứu thì chỉ tìm được địa danh Nam Xuyên là một quận của thành phố Trùng Khánh, cũng gần với tỉnh Tứ Xuyên ở trên. Editor mạnh dạn phỏng đoán ý của tác giả là dạo này bạn Giang Tư Mạc mê các điểm quanh vùng này.
“Sao cậu lại biết tớ ở đây?”
Cậu khoát khoát tay, giọng nhạo báng, vẻ còn ai vào đây cho tớ biết nữa: “Vụ chú nhỏ của tớ bắt chước Hồng Phất đêm chạy* kia, cũng nhờ công tớ thêm mắm dặm muối giật dây cổ vũ đó. Nhắc đến thì cậu cũng nợ tớ đấy nhé.”
(*) Hồng Phất đêm chạy: một điển tích dân gian TQ. Mỹ nữ Hồng Phất lưu lạc do chiến loạn thời Nam Triều, bị bán vào phủ tư không Dương Tố thời Tùy ở Trường An làm ca kỹ. Gặp tài tử Lý Tĩnh lòng mang chí lớn đền nợ nước trong phủ, sinh lòng cảm mến, đêm đó lớn mật tìm tới bày tỏ nỗi lòng. Cả hai hiểu nhau thương nhau, tự kết thành vợ chồng, thừa dịp đêm đen rời khỏi thành Trường An.
Trần Nhứ nhớ tới đêm Tạ Nghiêu Đình không quản ngàn dặm xa xôi, sáng đi chiều đến ấy, trừng to mắt, à một tiếng.
Giang Tư Mạc cười rộ lên: “Không biết công này có đủ để cậu mời tớ bữa cơm chưa?”
Hai người đi khắp hang cùng ngõ hẻm, dừng lại trong một quán nhỏ ruồi cũng không bâu ở một hẻm con, gọi hai bát mì với đủ thứ ăn kèm.
Họ ngồi đối diện nhau, thoải mái tâm sự.
“Chú nhỏ của tớ về rồi à?”
Trần Nhứ vừa lau bát đũa, vừa trả lời cậu: “Ừ, mẹ anh ấy vào viện rồi.”
Giang Tư Mạc cười đùa, “Thật ra cậu cũng có thể về cùng với chú nhỏ, thăm hỏi bà Diệp mà. Nói thế nào ấy nhỉ, con dâu xấu cũng phải gặp cha mẹ chồng thôi.”
Cô lại coi là thật, rũ mí mắt, cúi đầu, buồn bực nói: “Bà ấy… không thích tớ lắm.”
Cậu không cho là đúng: “Sao cậu biết?”
“Cảm giác thôi. Tớ có thể cảm giác được, bà ấy… thích loại người lõi đời, khéo đưa đẩy hơn. Mà tớ thì không phải như vậy. Trước mặt người lớn, để tớ nói còn khó nữa là.”
Giang Tư Mạc dừng lại: “Cậu nghĩ nhiều quá. Thật ra, đôi lúc cậu cảm thấy trước mặt mình là một quả núi lớn không thể vượt qua, nhưng đến nơi sơn cùng thủy tận, kiểu gì chẳng phát hiện một tia hi vọng*. Không chừng dưới ngọn núi đó lại có đường hầm, cả lạch trời cũng biến thành đường đi** thì sao.”
(*) trong hoàn cảnh khốn khó, tìm được lối thoát. Nguyên câu thơ là của Lục Du "Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ/Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn" (Du Sơn Tây thôn) - Sơn cùng thuỷ tận ngờ hết lối/Liễu rủ hoa cười lại gặp làng
(**) câu này không có bản dịch tiếng Việt. Nguyên văn câu thơ là “Nhất kiều phi giá nam bắc/Thiên tiệm biến thông đồ” (Thủy điệu ca đầu du vịnh – Mao Trạch Đông) – Một chiếc cầu nối liền nam bắc/Lạch trời sâu cũng biến đường đi (editor phỏng dịch). Câu thơ này xuất phát từ sự kiện cầu Vũ Hán được xây dựng vào năm 1957, nối liền thông thương giữa hai miền nam bắc sông Trường Giang – nơi hiểm yếu của TQ bấy giờ. Ý của tác giả là khó khăn nào rồi cũng sẽ tìm được lối ra.
(Editor toát mồ hôi hột khi tra đống điển tích điển cố trong chương này)
Cô bị sự lạc quan của cậu cảm nhiễm, không nhịn được cười rộ lên.
Cậu cường điệu lại: “Tớ nói thật mà.”
Trần Nhứ khoát tay, nói sang chuyện khác, gắp một đũa mì lên: “Bao giờ cậu về?”
Cậu ngừng lại, nghiêm mặt nói: “Khó mà biết trước được. Tớ sẽ đi Boston, học ngành công trình điện tử ở MIT*, tốt nghiệp rồi định sang Anh. Cha mẹ tớ cũng tính di cư qua đó. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, chắc là tớ sẽ không về nữa.”
(*) MIT (viết tắt của Massachusetts Institute of Technology): viện Công nghệ Massachusetts, nằm ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kì. Boston là thủ phủ của bang này.
Trần Nhứ run lên, thất thần ngẩng đầu nhìn Giang Tư Mạc, nhất thời im lặng.
Người qua đường đến rồi đi, cuộc sống chẳng chờ ai bao giờ, thời gian cũng nhoáng cái đã qua. Quá khứ dần đi xa, ánh sao cuối cùng trên trời đêm đáng quý thật, nhưng càng đáng mong đợi hơn là tương lai mà bình minh ló rạng.
Cô tiễn cậu ra sân bay.
Giữa biển người đông đúc, họ ôm lấy nhau. Hẳn đó, là câu tạm biệt trước sự chia ly của thanh xuân.