“Cảm ơn cô,” hắn nói, nhấp một ngụm cà phê. “cho hỏi thêm chút. Tại sao cô làm nhân viên tạm thời?”
“Ý anh là sao?” Robin hỏi, đầy nghi ngờ.
“Cô viết đúng chính tả, biết chấm phẩy. Cô phản ứng nhanh. Cô lanh lợi, mấy cái tách và khay nước ở đâu ra vậy? Còn cả cà phê và bánh quy nữa?”
“Tôi mượn của ông Crowdy. Tôi có nói tới trưa sẽ đem trả hết.”
“Ông nào kia?”
“Ông Crowdy, ở tầng dưới. Thiết kế đồ họa.”
“Hắn cho cô mượn không như vậy?”
“Vâng,” Robin trả lời, hơi tự ái. “Tôi nghĩ mời khách uống cà phê thì mình phải có cà phê.”
Cách cô dùng từ “mình” nhẹ nhàng, như muốn động viên tinh thần làm việc của Strike.
“Trước giờ Giải pháp Tạm thời chưa có ai giỏi như cô, tôi nói thật lòng. Xin lỗi tôi cứ gọi cô là Sandra; đó là tên của người trước đây. Cô tên gì?”
“Robin.”
“Robin”, hắn lặp lại. “Tên vậy thì dễ nhớ quá.”
Strike vừa định đùa một chút, có ý bóng gió đến Người dơi và phụ tá Robin nhưng chưa kịp mở miệng thì chợt nhận ra Robin đang đỏ bừng mặt . Đã quá muộn, mấy lời nói có vẻ vô tội của hắn giờ trở nên thật kỳ cục. Robin quay ghế nhìn vào màn hình máy tính, Strike chỉ còn thấy cạnh gò má cô đang đỏ gay. Trong một giây bối rồi, căn phòng như bị thu nhỏ lại, tưởng chỉ còn bằng cái buồng điện thoại công cộng.
“Tôi đi ra ngoài một chút,” Strike nói, đặt tách cà phê còn y nguyên xuống và đi ngang như cua về phía cửa, tay với lấy áo khoác. “Nếu ai có gọi…”
“Anh Strike…, trước khi anh đi ra tôi nghĩ anh nên xem cái này.”
Mặt vẫn còn đỏ, Robin rút ra từ trên chồng thư đã mở bên cạnh máy tính một tờ giấy màu hồng chói và một cái bì thư cùng màu, cả hai đều đã được Robin cho vào bì nhựa trong suốt. Strike để ý thấy chiếc nhẫn đính hôn khi cô đưa tay lên.
“Có người dọa giết anh.” Cô nói.
“À, ờ,” Strike đáp. “Cô đừng lo. Cứ mỗi tuần lại có một cái như vậy.”
“Nhưng…”
“Đó là một thân chủ cũ không hài lòng. Hơi khùng. Ông ta nghĩ dùng giấy màu đó sẽ đánh lạc hướng tôi.”
“Được thôi, dù vậy anh cũng phải đi báo cảnh sát chứ?”
“Để họ cười cho à?”
“Chẳng có gì tức cười, đây là thư dọa giết!” Robin đáp, và Strike nhận ra vì sao cô ta lại bỏ lá thư cùng với phong bì của nó vào bì nhựa riêng. Hắn thấy hơi cảm động.
“Cô cứ xếp chung với mấy cái trước,” hắn nói, chỉ tay về phía tủ hồ sơ trong góc. “Nếu ông ta muốn giết tôi thì đã giết rồi. Trong đó cô sẽ thấy ông ta gởi thư như vậy đã được chừng sáu tháng. Cô ở đây một mình ổn chứ, khi tôi đi ra ngoài!”
“Tôi sẽ chịu được,” Robin trả lời. Strike thấy hơi buồn cười vì trong giọng Robin có chút gì chua ngoa, cộng thêm sự thất vọng rõ rệt khi thấy hắn không hề có ý định lấy dấu vân tay trên lá thư màu hồng in hình mèo con chi chít.
“Nếu cô cần gì thì cứ gọi theo số di động của tôi trên danh thiếp, ở trong ngăn kéo đầu tiên.”
“Được rồi.” Robin đáp, không nhìn Strike lẫn ngăn kéo.
“Nếu cô muốn ra ngoài ăn trưa thì cứ tự nhiên. Chìa khóa dự phòng ở đâu đó trong ngăn bàn.”
“OK.”
“Hẹn gặp lại.”
Strike dừng lại ngay bên ngoài cửa gương trước lối vào toilet chật chội. Bụng hắn sôi lên, nhưng hắn cảm thấy tác phong làm việc của Robin, cũng như cách cô quan tâm tới sự an toàn của hắn đều cần phải được ghi nhận. Quyết định ra quán ngồi rồi hẵng tính tiếp, hắn đi xuống cầu thang.
Ra tới đường, Strike đốt một điếu thuốc, rẽ trái và đi ngang qua quán Bar Café số 12 vẫn còn đóng cửa, ngược lên lối hẹp của Ngõ Denmark, rồi băng qua trước tiệm bán đàn sặc sỡ tường dán đầy quảng cáo, xa dần tiếng máy khoan ầm ầm không ngừng nghỉ. Vòng vèo quanh đám gạch đá và rác rưởi ngay trước Centre Point, hắn bước qua bức tượng Freddie Mercury vàng chóe trước cửa nhà hát Dominion bên kia đường. Frieddie Mercury đứng cúi đầu, một nắm tay giơ lên trong không khí, trông như bị tà thần giữa tất cả sự hỗn loạn chung quanh.
Mặt tiền hoa mỹ kiểu thời Victoria của quán Tottenham hiện ra ngay sau đám gạch đá và công trường xây dựng. Strike đi tới, thấy dễ chịu khi nhớ tới cục tiền trong túi. Hắn đẩy mấy lớp cửa, bước vào một không gian kiểu Victoria trầm mặc với những chi tiết nội thất uốn lượn bằng gỗ sẫm màu và đồng thau bóng loáng. Vách ngăn kính mờ, băng ghế bọc da thuộc đã lên nước, gương soi mạ vàng, tượng thiên thần và sừng dê trang trí trong quán gợi lên một thế giới ngăn nắp, đáng tin cậy, trái ngược hẳn với đường sá bị đào xới bên ngoài. Strike gọi một vại Doom Bar và đem ra phía sau quán bia đang vắng vẻ. Hắn đặt cái ly xuống một cái bàn tròn cao, ngay dưới vòm kính lòe loẹt trên trần nhà, và đi thẳng vào nhà vệ sinh nam khai nồng nặc.
Mười phút sau, khi thấy dễ chịu hơn nhiều, Strike đã uống hết một phần bal y bia, men bia làm hắn tê người, trong khi vẫn rã rời. Loại bia xứ Cornwall này làm hắn nghĩ tới gia đình, sự yên ổn và bình an mà hắn đã đánh mất từ lâu. Đối diện Strike là một bức tranh khổ lớn lờ mờ vẽ một thiếu phụ thời Victoria đang nhảy múa, tay cầm hoa hồng.
Cô gái trong tranh bẽn lẽn nô đùa, nhìn về phía Strike qua một lớp cánh hoa tung bay, bộ ngực tràn trề lấp ló dưới lớp áo màu trắng. Trông cô khác xa với một người phụ nữ thật, cũng như cái bàn hắn đang ngồi hay người đàn ông béo phì tóc đuôi ngựa đang đứng bơm bia sau quầy bar.
Strike lại miên man suy nghĩ về Charlotte. Charlotte là người thật không thể chối cãi; xinh đẹp, dữ dội như một con cáo cái bị dồn vào đường cùng, thông minh, đôi lúc rất hài hước, và theo lời ông bạn già nhất của Strike, là “điên từ trong xương.” Liệu lần này mọi thứ đã chấm dứt, thực sự chấm dứt hay chưa? Co mình mệt mỏi, Strike nhớ lại những hình ảnh tối qua và sáng nay. Cuối cùng Charlotte đã làm điều mà Strike không thể tha thứ được, và chắc hắn sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn khi liều thuốc tê tạm thời này hết tác dụng: nhưng trước mắt hắn vẫn phải đối mặt với vài chuyện thực tế. Mới hôm qua hắn còn đang ở chỗ Charlotte; một căn nhà nhỏ, sành điệu và đắt tiền ở Đại lộ Holland Park. Điều đó cũng có nghĩa là, kể từ hai giờ sáng hôm nay, hắn đã trở thành kẻ vô gia cư tự nguyện.
(“Bluey, dọn vô với em đi. Anh biết vậy là hợp lý mà. Như vậy anh có thể tiết kiệm thêm tiền trong khi gây dựng công việc, và em có thể chăm sóc anh. Anh không nên ở một mình khi vẫn còn đang hồi phục. Đừng ngớ ngẩn thế Bluey…
Không còn ai gọi hắn là Bluey nữa. Bluey đã chết.)
Đây là lần đầu tiên trong mối quan hệ dài lâu và rắc rối này hắn lại là người bỏ đi trước. Ba lần trước đều do Charlotte đòi chia tay. Dường như cả hai luôn hiểu rằng, nếu hắn bỏ đi, nếu hắn đã thấy đủ rồi, cuộc chia tay sẽ hoàn toàn khác so với tất cả những lần Charlotte đòi cắt đứt, lần nào cũng đau khổ và lộn xộn nhưng không hề dứt khoát.
Charlotte sẽ không dừng tay với hắn, cho đến khi trả thù đến hả dạ. Như cảnh sáng nay, lúc cô ta tìm ra hắn trong văn phòng cũng chỉ là màn khởi đầu cho những gì sắp xảy ra trong những tháng, thậm chí là năm tới. Hắn chưa thấy ai lại mê trả thù đến vậy.
Strike đi cà nhắc tới quầy bar, gọi thêm một vại bia nữa và trở về bàn, tiếp tục ủ rũ suy tư. Chia tay với Charlotte đã đưa hắn tới chỗ bần cùng. Hắn nợ nhiều quá, đến nỗi nếu không có John Bristow giờ đây hắn đã phải xách túi ngủ ra đường. Thực tế là nếu Gillespie đòi trả lại món nợ mà hắn đã vay để đặt cọc văn phòng thì Strike sẽ không còn đường nào khác ngoài màn trời chiếu đất.
(“Chào anh Strike, tôi gọi xem mọi chuyện thế nào, vì tháng này tiền trả góp vẫn chưa thấy đâu… Anh sẽ trả trong mấy ngày tới chứ?”)
Và cuối cùng (bởi vì hắn đã bắt đầu mổ xẻ sự thất bại của cuộc đời mình thì sao không làm luôn cả thể?) là dạo nay hắn phệ ra gần cả chục kí lô, hắn không chỉ thấy mình béo ị và yếu sức, mà còn cảm thấy áp lực tăng lên trên phần chân giả đang đặt dưới bàn. Strike phải đi cà nhắc vì trọng lượng tăng thêm làm mỏm chân cụt bị trầy xước. Cuộc đi bộ xuyên qua London sáng sớm nay với cái túi nặng trên vai càng làm chân hắn đau hơn. Nhưng biết được cảnh cơ hàn đang đợi mình phía trước, Strike đã quyết định chọn cách đi rẻ tiền nhất.
Hắn đến quầy gọi vại thứ ba. Trở lại bàn dưới vòm kính, hắn rút điện thoại ra gọi cho một người bạn ở Sở Cảnh sát London, mặc dù hắn mới quen vài năm nhưng đã trở thành thân thiết trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Cũng như Charlotte là người duy nhất gọi hắn là “Bluey”. Sĩ quan điều tra Richard Anstis là người duy nhất gọi Strike là “Mystic Bob”. Anstis rống lên khi nghe tiếng hắn trên điện thoại.
“Có việc nhờ mày đây,” Strike nói với Anstis.
“Nói luôn đi.”
“Ai làm vụ Lula Landry?”
Anstis vừa tìm số điện thoại vừa hỏi chuyện công việc, cái chân phải và vị hôn thê của Strike. Strike trả lời, nói dối về cả ba.
“Tốt lắm,” Anstis nói vui vẻ. “OK đây là số của Wardle. Tay đó cũng được, hơi tự cao, nhưng còn được hơn cha Carver; cha đó tệ lắm. Tao sẽ nói trước với Wardle. Tao sẽ điện ngay luôn nếu mày muốn.”
Strike lấy một tờ rơi quảng cáo du lịch ở kệ gỗ trên tường và ghi lại số điện thoại của Wardle ngay giữa hình mấy con ngựa Hoàng gia.
“Khi nào mày tới chơi?” Anstis hỏi. “Đem cả Charlotte nhé.”
“Ừ, hay đó. Tao sẽ điện sau, giờ bận lắm.”
Sau khi cúp máy, Strike ngồi suy tư thêm một lúc lâu, rồi gọi thêm một người quen lớn hơn Anstis nhiều tuổi và trong một giới hoàn toàn ngược lại.
“Nhờ ông anh một chuyện.” Strike nói. “Đang cần ít thông tin.”
“Việc gì?”
“Tùy ông anh. Thằng em cần chút gì để trao đổi với cớm.”
Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng hai mươi lăm phút, có nhiều lúc cả hai đều im lặng, những khoảng ngừng càng về sau càng dài và căng thẳng hơn, cho đến khi Strike có được mẩu thông tin tạm coi là địa chỉ và hai cái tên, hắn chép lại ngay giữa hình mấy con ngựa, và thêm một lời cảnh báo mà hắn không ghi lại nhưng nhớ rất kỹ. Hai bên chấm dứt khá vui vẻ, lúc này Strike vừa ngáp vừa điện cho Wardle. Wardle cầm máy ngay, giọng to và cụt ngủn.
“Wardle.”
“Vâng chào anh. Tôi là Cormoran Strike và….”
“Anh là ai chứ?”
“Cormoran Strike,” Strike nói “tên tôi”.
“Ờ ờ” Wardle đáp. “Anstis mới gọi. Anh là tay thám tử tư? Anstis nói anh muốn hỏi về vụ Lula Landry?”
“Đúng rồi.” Strike nói tiếp, cố không ngáp, mắt nhìn vào mấy tấm ván trần, trên có vẽ tranh cảnh chè chén say sưa, nhìn kỹ thì hóa ra là tiệc thần tiên trong vở Giấc mộng đêm hè, trong tranh có một người đàn ông đầu lừa. “Tôi muốn lấy hồ sơ vụ đó.”
Wardle cười phá lên.
“Anh mới cứu mạng tôi hả?”
“Có mấy thông tin anh quan tâm. Tôi nghĩ biết đâu anh muốn trao đổi chút.”
Im lặng một lúc.
“Tôi đoán chắc anh không muốn trao đổi qua điện thoại?”
“Hẳn rồi,” Strike đáp. “Hôm nào hết giờ đi làm một vại ở đâu đó được không?”
Sau khi ghi lại tên quán bia gần Scotland Yard và đồng ý gặp đúng một tuần sau (nếu không sớm hơn được), Strike cúp máy.
Trước đây Strike rất khác. Hai năm trước hắn vẫn có oai với nhân chứng và nghi can; giống như Wardle vậy, một người luôn bận rộn hơn người khác và có quyền chọn cuộc phỏng vấn diễn ra lúc nào, ở đâu và bao lâu. Cũng như Wardle, hắn không cần mặc đồng phục và lúc nào cũng toát ra vẻ công chức và uy quyền. Giờ đây, hắn là một thằng cà nhắc mặc áo nhăn nhúm, đổi chác với người quen cũ, xuống nước làm ăn với mấy tên cớm mà trước đây còn mừng rúm mỗi khi hắn gọi điện.
“Đồ khốn,” Strike nói to, vọng vào ly bia. Ly bia thứ ba hết vao nhanh chóng, chỉ còn một chút xíu dưới đáy.
Điện thoại đổ chuông; số văn phòng hiện lên trên màn hình. Chắc là Robin gọi nói chuyện Peter Gillespie đòi tiền. Hắn không trả lời, Robin để lại lời nhắn. Hắn uống cạn ly rồi đi ra.
Đường phố sáng sủa và lạnh lẽo, vỉa hè ẩm ướt, những vũng nước ánh lên mỗi khi mặt trời ló ra khỏi mây. Strike đốt tiếp một điếu thuốc nữa ngay ngoài cửa quán Tottenham, vừa hút vừa nhìn đám công nhân sửa đường di chuyển quanh cái hố. Hút xong, hắn lững thững về phố Oxford giết thời giờ, chờ cho đến khi Giải pháp Tạm thời đi về để hắn trở lại văn phòng ngủ một giấc.