Trong lúc Lâm Xuân Tư nấu bữa tối, Phó Yến thiếp đi vài phút trên sofa.
Cậu thẽ thọt bưng chén đũa ra bàn, vừa làm vừa đáp mắt lên ghế. Anh tựa đầu về sau, đường viền yết hầu như chạm khắc, dưới sợi gân thanh mảnh có một vết tụ máu to cỡ móng tay cái. Màu sắc tươi nhuận như quả xuân đào chín, làm người ta muốn cắn một miếng.
Lâm Xuân Tư bày bàn xong, tiến lại cúi đầu hôn anh. Phó Yến tỉnh dậy, đôi mắt mơ màng ngậm cười.
Lâu lắm mới lại được thấy gương mặt vui vẻ của anh, trái tim cậu như tắm trong hũ mật.
Phó Yến không muốn tay cậu bẩn - cái lý do mà Lâm Xuân Tư cũng chẳng hiểu nổi - nên giành việc rửa bát. Cậu chỉ đành ở bên cạnh nhìn chằm chằm phòng trường hợp anh mệt quá rồi lại bất thần gục xuống.
Tiếng chén đĩa va chạm vang lên nho nhỏ, anh làm khá chậm rãi, bờ mi rợp trên gò má, dịu dàng yếu ớt.
Lâm Xuân Tư đã nghe những chuyện trước kia của anh, nào ai dám miêu tả anh 'dịu dàng yếu ớt'. 'Dịu dàng yếu ớt' kiểu gì mà lại dám uống rượu lái xe, 'trượt tay' chụp ảnh người khác phạm lỗi, lúc nào cũng đem theo máy ghi âm...
Dẫu lòng đa nghi nặng đến thế nhưng với cậu, Phó Yến luôn nhẹ giọng nói khẽ, nâng niu chở che, ngay cả tức giận cũng tràn ngập tình ý.
Lâm Xuân Tư xoa dấu răng còn rõ trên vai, bỗng nhận ra nào giờ chỉ có cậu giận anh chứ anh có giận cậu lần nào đâu.
Phó Yến bất ngờ bôi bọt lên mũi chàng trai đang nghĩ ngợi: "Em cứ nhìn tôi miết vậy hửm?"
"Lâu rồi em không được ngắm anh." Cậu lau mũi, ôm lấy anh từ đằng sau.
"Bao lâu rồi ấy nhỉ?" Anh thầm thì.
Bao lâu rồi? Lâm Xuân Tư tự tính nhẩm: mười tháng, hai ngày, mười bốn tiếng.
Cậu năm nay hai mươi tư, sự nghiệp trôi chảy, một đường nở hoa.
Hai năm trước cậu chỉ biết ngây ngốc lẽo đẽo theo sau anh, việc gì cũng đi hỏi, dựa hơi anh mà làm trời làm đất.
Sau khi chia tay anh, cậu một lòng chuyên chú với công việc, tiết kiệm giữ gìn, không dám tiêu pha cho chính mình.
Bởi vì cậu có một ý niệm. Nếu như Phó Yến hồi phục thất bại, nếu như anh thực sự trầm luân đến hết thuốc chữa, nếu như anh vì cậu mà vứt bỏ những thứ khác... thì cậu sẽ nuôi anh.
Cậu không thể cho anh một tòa lâu đài nhưng chắc chắn cho anh được một mái nhà che mưa chắn gió.
Lâm Xuân Tư úp mặt vào vai anh, tự nhiên cảm thấy anh rửa bát mãi cũng được.
Anh phụ trách rửa bát, cậu phụ trách ôm anh.
Có lẽ Phó Yến có cảm nhận giống cậu nên anh sắp chà bong cả lớp chống dính của bạn chảo rồi.
Lâm Xuân Tư phì cười: "Sạch lắm rồi đó anh."
"Ừm." Anh khẽ đáp: "Làm vậy để được bên em lâu hơn."
"Giờ này em đâu tính về nhà nữa."
"Tôi biết. Nhưng... tháng sau tôi phải bay về Pháp."
Lâm Xuân Tư ngỡ ngàng, sực nhớ ra anh vẫn đang trong quá trình hồi phục.
"Còn bao lâu vậy anh?" Cậu ủ rũ cụp hết tai đuôi.
"Chừng nửa năm nữa."
Vài phút sau đó không ai nói gì. Phó Yến lau khô tay thì nghe chàng trai của mình bảo: "Em chờ anh về."
Phó Yến đột ngột túm cổ áo cắn lên yết hầu khiến Lâm Xuân Tư giật cả mình, mắt tròn mắt dẹt nhìn anh nghiến răng: "Em chấp nhận dễ dãi quá nhỉ? Ba trăm lẻ sáu ngày và mười bốn giờ, không một giây nào là tôi không nhớ đến em, vậy mà em thậm chí còn chẳng buồn níu kéo tôi lấy nửa câu. Có phải là có người khác rồi không?"
Anh hậm hực nhìn cậu, trong mắt đầy uất ức.
Chao ôi, sao tự nhiên lại ghen rồi?
Cả ngày hôm nay cậu rất ngoan mà.
Lâm Xuân Tư che cổ, thành khẩn đáp: "Em thề, suốt hai năm qua em chỉ có một mình anh."
Phó Yến xoay lưng bỏ vào phòng ngủ.
Lâm Xuân Tư soi gương nghía qua 'vết ghen' đỏ ửng, ló mặt nhìn vào, thấy anh túm hết chăn lăn vào góc trong, bắt chước cách ghen của cậu. Cậu không nhịn được phì cười.
Lâm Xuân Tư ngồi xuống nệm, kéo kéo chăn: "Anh ơi anh."
Anh chẳng chịu đáp.
Cậu chàng đằng hắng một tiếng: "Phong cách ghen của em có bản quyền. Anh muốn xài thì phải xin phép trước."
"..." Thế này tức là cậu không thương anh nữa rồi phải không?
"Anh ơi, hay là anh nói câu này thì khỏi xin phép."
"Câu gì?" Giọng anh ủ rũ.
"'Tôi yêu Lâm Tinh Tinh nhất nên không giận nữa'."
Phó Yến đánh nhẹ vào ngực cậu, mắng: "Nhóc con!"
Lâm Xuân Tư giở chăn chui tọt vào, ôm chặt lấy eo anh, thấp giọng hỏi: "Em với anh cùng đi thăm ông nội Phùng nhé?"
Phó Yến bất ngờ nhìn cậu. Chàng trai cúi đầu, vẻ mặt nghiêm trang.
"Em thật sự muốn đi?"
"Vâng."
Hối hả ngược xuôi, may mắn biết bao anh lại về bên cậu, cậu không muốn anh phải đơn độc đối diện bất kỳ khó khăn nào nữa.
"Phó Yến." Lâm Xuân Tư mổ khóe môi anh: "Hai năm qua em chỉ có một mình anh, có tin em không?"
Anh vòng tay ôm chặt lấy cậu: "Tin."
Tối đấy hai người ngủ sớm. Phó Yến có một giấc mơ. Anh và cậu đứng trên sân ga hối hả. Đoàn tàu tị nạn chật ních trẻ em và phụ nữ. Người với người hai hàng nước mắt đưa tiễn giữa tiếng còi inh tai.
Anh kéo tay Lâm Xuân Tư, chợt nhận ra mình nhỏ bé như trẻ con. Cậu đột ngột nhấc bổng anh lên đoàn tàu sắp lăn bánh. Anh hốt hoảng níu áo cậu, muốn kéo cậu lên theo.
Trời đêm lấm chấm những điểm sáng đỏ rực, lại một đợt dội bom. Tiếng nổ đùng đoàng rúng động mặt đất. Một quả cầu lửa dội trúng sân ga, sóng xung kích chia lìa đôi tay nắm chặt của bọn họ.
Phó Yến choàng tỉnh, mồ hôi nhễ nhại.
Lâm Xuân Tư còn đang bị anh nắm chặt tay, ánh mắt lo lắng: "Phó Yến, anh gặp ác mộng."
Bốn giờ mười ba phút sáng.
Viền lửa đỏ rực ăn vào giấy cuốn, Phó Yến hút vài hơi để tỉnh hẳn: "Tôi có nói mớ gì không?"
"Anh gọi em." Lâm Xuân Tư ngồi xuống bên cạnh, đáp: "Đầy đủ họ tên em."
Anh búng tàn thuốc, thả lỏng cơ thể dựa vào cậu: "Tôi kể em nghe một câu chuyện..."
Một câu chuyện nằm dưới tầng tầng lớp lớp tro tàn của chiến tranh, đi qua những cơn mưa bụi miền nam mà tẩy rửa, rồi trổ sinh rộ đồng hoa cải tươi vàng.
Lâm Xuân Tư lặng lẽ lắng nghe anh.
Phó Yến nhìn đồng hồ: bốn giờ ba mươi phút. Cứ ngỡ là một câu chuyện dài nhưng chẳng qua chỉ gói gọn trong bằng đấy thời gian.
Không rõ từ bao giờ anh đã thu mình lại trên ghế, giống như một đứa trẻ không cảm thấy an toàn.
Trên mặt kính cửa sổ lấm tấm những hạt mưa.
"Em biết không? Thực ra bệnh viện là chỗ tôi ghét nhất trên đời. Chẳng một ký ức nào của tôi gắn với bệnh viện mà tốt đẹp. Hồi nhỏ mỗi lần phải nhập viện, tôi đều ôm ấp hi vọng mẹ sẽ về, nhưng tình hình luôn tiến triển vào cuộc khắc khẩu giữa hai người lớn vì sức khỏe của tôi... Lâu dài như vậy, tôi bắt đầu cảm thấy mẹ không về thì tốt hơn.
"Thực ra tôi không hận mẹ như mọi người tưởng. Trước đây có oán trách nhưng từ lâu tôi đã chẳng còn quan tâm nữa. Tôi biết tính cách ba rất cố chấp, vì chuyện của ông bà nội nên ông luôn muốn mẹ tôi sẽ làm một người vợ theo quan niệm bảo thủ. Mẹ lại không muốn phải từ bỏ lý tưởng vì một gia đình không như ý - lúc ấy bà chỉ mới hai mươi tuổi. Khi tôi hai mươi tuổi, tôi hiểu được những ý nghĩ trong đầu bà hồi còn trẻ."
Một cô thôn nữ vâng lời cha mẹ lập gia đình để có thể tiếp tục học đại học. Một người chồng và đứa con làm cô vỡ mộng về tương lai. Áp lực cuộc sống khiến cô chỉ muốn kết thúc cuộc hôn nhân. Nhưng ở thời điểm đó, một người vợ bỏ chồng là việc không thể chấp nhận được trong mắt người đời. Chính do vậy, Diệp Đình Thấm luôn muốn Phó Đình bán phứt cánh đồng để dọn lên thành phố. Bà không về nhà nữa bởi không muốn nghe xóm làng dạy mình 'cách làm một người đàn bà'.
Lâm Xuân Tư chợt nghĩ đến chuyện mẹ cậu cũng đã từ bỏ sự nghiệp để lấy bố.
Ở những thập niên của bố mẹ bọn họ, người đương thời rất khắc nghiệt với phụ nữ.
Phó Yến rít một hơi thuốc, bờ mi rủ xuống: "Thời gian là một thứ thuốc đáng gờm. Lúc mười lăm tuổi, tôi có thể tuyệt vọng, phẫn nộ thề sẽ không tha thứ cho mẹ vì bỏ rơi bố con tôi. Nhưng khi tôi hai mươi tuổi, tôi chẳng còn nghĩ đến nó nữa, mọi phức cảm giống như một cơn mưa mang theo tất cả bã cặn hòa vào dòng sông thời gian, rồi bốc hơi - bắt đầu một vòng tuần hoàn mới với người khác. Tôi chưa tha thứ cho bà ấy, cũng không giận bà ấy, tôi chỉ đơn giản là không nghĩ tới nó nữa.
"Tôi nói với em những điều đó để em đừng có thành kiến với bà ấy. Không lâu sau khi em đi, tôi chợt nhận ra một điều: việc tôi làm ngơ mẹ, hay ông nội, đều không khác gì hành động trong quá khứ mẹ từng làm với bố con tôi."
Đôi lúc, ta tránh né những tình cảm mà ta không thể đáp lại.
Tuy nhiên, điều đó có thực sự cần thiết không? Khi Lâm Xuân Tư rời khỏi anh, Phó Yến bỗng nhận ra chuyện trốn tránh rất vô nghĩa.
Mẹ anh, hay ông nội đều chỉ đang cố gắng bù đắp cảm giác áy náy trong lòng họ. Anh đâu cần phải đáp lại, chỉ cần nhận lấy thôi.
Như vậy, mẹ và ông nội được nhẹ lòng, anh cũng không mất gì. Những khúc mắc vấn vương rồi sẽ theo thời gian mà nhạt nhòa như nước lã.
Đều là anh sai. Anh lấy tình yêu của cậu làm thành lồng giam chính mình, bóp méo tình cảm cậu dành cho anh.
Phó Yến nhắm chặt mắt đưa điếu thuốc sắp tàn lên môi, hai ngón tay hơi run rẩy, giữa chừng bỗng bị Lâm Xuân Tư cướp lấy hút đến tàn. Cậu ghé vào tai anh nói:
- Thế bây giờ không có em thì anh vẫn ổn phải không?
Phó Yến đột ngột phát điên lên, vứt điếu thuốc rồi đè vai cậu hôn xuống, đầu gối kẹp chặt thắt lưng cậu. Hơi thở của Lâm Xuân Tư trộn lẫn với mùi thuốc lá tràn vào môi miệng anh. Nụ hôn cuồng loạn này kéo dài bất tận, ê dại cả cuống lưỡi, rồi mang theo hơi thở loạn nhịp dời lên vừng trán, sống mũi, mí mắt, gò má... sà xuống yết hầu và vai cậu.
Anh cầm tay cậu đặt lên môi, sờ chạm từng khớp xương, mu bàn tay, ngón tay, móng tay. Nếu Lâm Xuân Tư không cản lại, có lẽ anh sẽ tiếp tục hôn đến tận ngón chân cậu.
"Lâm Tinh Tinh, em đừng đi... Ba trăm lẻ sáu ngày qua, tim tôi còn đập chỉ vì chờ thời khắc này. Em đã quay lại rồi thì không được đi nữa." Bàn tay trượt lên cổ cậu, Phó Yến nghiến răng nghiến lợi: "Em dám đi, tôi đánh gãy chân em."
Lâm Xuân Tư không kìm được bật cười. Cậu ôm chặt lấy anh cười đến nghiêng ngả, đôi mắt cong tít như mảnh trăng lưỡi liềm vén lên mây mù, lộ ra bầu trời đầy sao rực rỡ.
"Phó Yến, em giúp anh đặt ra luật - từ giờ, hễ Lâm Tinh Tinh nhìn ai nhiều hơn ba phút, cười với ai nhiều hơn ba lần, rồi đi đâu mà không báo cho anh biết, về trễ hơn tám giờ tối mấy phút, dám lớn tiếng với anh mấy chữ thì anh cứ ghi hết vào sổ. Mỗi ngày thanh toán với em một lượt. Dạy chồng thì phải dạy như vậy, chứ nếu anh chờ em chạy đi mất rồi thì tìm đến bao giờ mới đánh gãy được chân em? Lúc đó chỉ sợ anh thương em quá, chẳng nỡ đánh em thì không phải người chịu uất ức chỉ có mỗi mình anh sao?
"Phó Yến, hứa với em, nếu về sau em bị chiều hư, đối xử với anh không tốt thì anh nhất định phải vứt bỏ em, làm cho 'em hư hỏng' đó ân hận muốn chết, phải chủ động chạy theo xin lỗi nhé? Hồi trước em hỏi anh: có biết em yêu anh nhiều thế nào không? Bây giờ anh đã biết chưa?" Cậu nghiêm túc nói.
Phó Yến gần như ngừng thở để nén giọt nước mắt ngấn lên: Sao tôi lại không biết chứ? Thế giới hỗn loạn của tôi được tái thiết lại trong tình yêu của em.
Tôi nguyện làm bề tôi của tình yêu này, sống chết đều vì em.
Cuộc phẫu thuật thứ hai diễn ra thuận lợi, sức khỏe của ông cụ Phùng cứ như diều gặp gió phơi phới tung bay. Bấy giờ cả hai mới thu xếp công việc đi thăm ông.
Lâm Xuân Tư túm tóc lên, thấy có hai vết cào mới toanh xuất hiện, mỉm cười vuốt ve 'chiến tích' bên cổ. Tóc cậu không dài đến mức có đuôi ngựa, bình thường cậu cũng ít khi túm lại vì cái 'nhúm cọ' ấy đâm vào gáy hơi ngứa.
Cậu cạo râu xong thì kéo dây chun ra, kẹp gọn tóc lên để ăn sáng.
Giữa lúc dọn dẹp, điện thoại đổ chuông. Phó Yến rút ra một điếu thuốc đi nghe máy. Lâm Xuân Tư để ý thấy anh hầu như không hé răng, chốc lát lại ừ hữ, nét mặt thờ ơ. Ngắt máy, anh lật tay áo xuống, cài khuy măng-sét bằng đá xanh thẫm.
Ven đường mòn dẫn vào biệt thự lớn nhà họ Phùng trồng hai hàng cây bạch quả. Lá hình quạt vàng ruộm bay lả tả tựa như một trận mưa nén vàng. Lâm Xuân Tư nhớ tới lời hứa đi thăm cánh đồng hoa cải, cổ họng hơi chua chát.
Phó Yến dẫn cậu đi vào. Quản gia được dặn trước là hôm nay có khách, ông biết mặt Lâm Xuân Tư nên khá sửng sốt: "Chào cậu Cả... Ơ, cậu Lâm?"
Phó Yến dịu giọng hỏi: "Ông nội đang làm gì vậy chú?"
"Ngài ấy đang nghe đài ạ."
Anh gật nhẹ đầu: "Em ấy đến thăm ông nội."
Quản gia mỉm cười: "Vâng, tôi dẫn hai cậu lên."
Phùng Mậu không thích xa nhà, nhất định không chịu nằm ở bệnh viện. Hồi hổm ông cụ cấp cứu xong, mặc kệ con cháu khuyên lơn, cứ nằng nặc đòi về. Buộc lòng Diệp Đình Thấm phải gọi điện cho cậu Cả đang an vị trên máy bay phải chạy đến, ông cụ mới ngoan.
Cái hôm phẫu thuật, ông cụ lại kỳ kèo tới lui, cứ nói chắc khỏi mổ cũng không sao, vẽ chuyện để câu giờ. Sau cùng lại phải gọi điện cho Phó Yến. Anh đi vội đi vàng nên chẳng kịp che chắn cái gì cả, dấu hôn trên cổ lồ lộ cả ra. Song vì lo cho ông nội Phùng nên chưa ai hỏi kỹ.
Trong nhà đang mừng thầm vì cậu Cả rốt cuộc cũng chịu an bề gia thất thì hôm nay cậu Lâm đến...
"Anh Cả vừa mới về ạ?"
Lâm Xuân Tư ngẩng mặt lên, thấy một người phụ nữ mặc váy dài bằng satin.
"Cô Lâm, đây là bạn của cậu Cả, cậu Lâm Xuân Tư." Quản gia giới thiệu.
"Chào anh, tôi là vợ của cậu Hai." Cô ấy mỉm cười.
Trong đầu Lâm Xuân Tư bật ra hai chữ 'vợ sếp', đây là bà chủ của công ty Lưu Sa. Theo cậu nghe đồn thì ông chủ của Lưu Sa, hay là cậu Hai Phùng không hợp tính với Phó Yến nhà cậu lắm. Hồi anh còn ở công ty, mọi người cũng hầu như không nhắc tới quan hệ giữa anh với anh 'em trai'.
Nhưng vợ của cậu Hai lại có vẻ thân với anh. Cô ấy hỏi: "Anh Cả có muốn em mang trà bánh gì tiếp đãi bạn anh không?"
Phó Yến cười mỉm đáp: "Là người nhà. Em dâu không cần câu nệ."
Cô ấy khựng lại.
Lâm Xuân Tư cũng thót mình, ôm tim thầm than: anh đừng có thông báo đột ngột vậy.
Bỗng Lâm Giai Kỳ che miệng cười: "Anh Cả nói đùa hay thật. Em suýt hiểu lầm rồi đấy. Vậy anh Lâm Xuân Tư sắp trở thành thông gia với nhà ta sao? Em là Lâm Giai Kỳ, rất vui được gặp anh Lâm.".
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Chú! Xin Ký Đơn!
2. Cô Dâu Bảy Tuổi: Làm Dâu Âm Phủ
3. Chúng Ta Bắt Đầu Lại Nhé
4. Anh Chỉ Thích Em Thôi
=====================================
Nghe thế, Lâm Xuân Tư còn ngạc nhiên hơn: cô ấy không tin là cậu với Phó Yến yêu đương.
"Thôi em không làm phiền hai anh nữa." Cô vê đuôi tóc: "Em rất mong được gặp chị dâu đấy."
Phùng Mậu đang nằm trên giường xem tin tức, dang tay để bác sĩ riêng đo huyết áp thì thấy Phó Yến và Lâm Xuân Tư xuất hiện trước cửa. Ông cụ thong dong nở nụ cười vẫy hai người tiến vào.
Ông cụ gầy yếu như cây khô quắt nhưng quanh thân luôn hiện hữu một sự lão luyện làm người ta phải kính nể thời gian.
Bác sĩ đỡ ông cụ ngồi lên. Phùng Mậu cười: "Lâu rồi mới gặp cháu, nghe nói năm nay lại nhận được đề cử phải không?"
Ông cụ không đề cập gì tới mối quan hệ giữa hai người, chỉ nhàn thoại xoay quanh sức khỏe của mình và công việc của Lâm Xuân Tư, hoàn toàn không đả động Phó Yến.
Chẳng hiểu sao cậu có cảm giác ông cụ đang dỗi anh.
Quản gia gõ cửa hai cái rồi lễ phép nói: "Cậu Cả, cậu có điện thoại."
Phó Yến đứng lên đi ra nhận, Phùng Mậu nhìn cánh cửa khép lại rồi thấp giọng: "Ta nhờ cháu một việc được không?"
"Dạ?" Lâm Xuân Tư lắng nghe.
"Trong điện thoại của Gia Yến có một đoạn video quay vào ngày 20/08, cháu giúp ta xóa nó đi nhé."
"Tại sao ạ?" Đụng tới anh, cậu nghiêm túc hẳn.
Phùng Mậu hắng giọng: "Cháu an tâm, video đó chẳng có gì quan trọng."
"Nhưng cháu cần biết lý do ông muốn xóa nó."
"... Cháu phải hứa sẽ không mở lên xem."
Lâm Xuân Tư hứa tắp lự.
Chẳng là cái hôm cấp cứu xong thì Phùng Mậu náo loạn với các con bởi không chịu phẫu thuật. Người già mà, đôi khi cứ như con nít ấy. Lúc đó con dâu cả mới gọi điện cho Phó Yến tới dỗ ông. Cả tiếng đồng hồ sau, anh đủng đỉnh đi vào, bật video vừa mới quay, nói: "Bây giờ cháu cho ông hai lựa chọn: một là lên bàn mổ; hai là trong tang lễ của ông, cháu sẽ phát video này cho khách viếng thăm xem."
Phùng Mậu một đời oai hùng, không thể để mất mặt vì đoạn video ông lèo nhèo sợ mổ nên chỉ có thể nuốt lệ trèo lên cái thớt của bác sĩ.
Lâm Xuân Tư dùng hết sức lực để thôi miên bản thân: không được cười, không được cười...
Phùng Mậu đỏ cả mặt già: "Cháu hứa rồi đấy, nhất định phải xóa video đó cho ta!"
Cậu nén cười hứa thêm lần nữa cho ông cụ vui. Điều dưỡng đi vào, cậu liền đứng lên tạm biệt ông.
Lâm Xuân Tư nhìn hai đầu hành lang, không biết Phó Yến đi đâu nên quay lại sảnh tiếp khách. Bỗng nghe một tiếng gọi, "Cậu chủ nhỏ?"
Cậu bất ngờ quay đầu, thấy một bác sĩ đeo kính không gọng cũng ngạc nhiên không kém nhìn mình.
"Anh Lý Hảo?"
"Vâng, là tôi." Anh ta đi đến trước mặt cậu: "Sao cậu chủ nhỏ lại ở đây?"
Vốn là bạn cũ trùng phùng nhưng trong đầu Lâm Xuân Tư vô thức dán nhãn:
- Bạn của Thời Thác.
Lời tác giả: Tôi không cổ vũ cho hành động bỏ rơi chồng con của mẹ Phó Yến nhưng có thể phần nào hiểu cho bà ấy. Một người con gái đôi mươi có nhan sắc, có học thức, tại sao phải nghe người ta dạy mình cách làm 'vợ'? Tại sao phải cam lòng làm người đàn bà quê mùa loanh quanh nơi xó bếp? Bản thân bà ấy cũng từng tìm cách giải quyết vấn đề trong hôn nhân: chuyển lên thành thị, nhưng không đạt được tiếng nói chung với chồng.
Một câu chuyện hôn nhân sắp đặt kiểu cũ nhưng nỗi đau thì không lỗi thời.