Mắt Hà Tiền thị phát sáng. "Thật sao? Tiểu Lý tướng công thật sự nói là muốn tặng cho mọi người?"
Mộc Lan gật đầu. "Đến chiều khi bọn ta quay về sẽ đặt câu đối trước cổng nhà, đến lúc đó nhà nào chưa kịp mua câu đối có thể lấy một bộ mang về." Mộc Lan không nhấn mạnh rằng mỗi người chỉ có thể lấy một bộ mà chỉ nhàn nhạt nói "...có thể lấy một bộ".
Câu này đương nhiên không vào trong đầu Hà Tiền thị, giờ bà chỉ nghĩ chiều nay đi sớm hơn chút, lấy thật nhiều câu đối, nếu có thể đem lên chợ bán vậy chẳng phải kiếm được một khoản sao?
Đi theo sau Hà Tiền thị nghe lỏm, Hà Trần thị và Hà Vương thị không hẹn mà cùng nổi lên tâm tư này.
Hà Tiền thị lập tức mở miệng cười nói: "Vừa khéo nhà ta cũng chưa kịp mua câu đối nữa, buổi chiều ta phải đến sớm không thì không giành được câu đối của Tiểu Lý tướng công, ta nghe nói chữ viết Tiểu Lý tướng công rất đẹp nha."
Mộc Lan muốn thông qua Hà Tiền thị loan truyền chuyện này, buổi chiều nhà nàng quay về đỡ phải đi một chuyến, có điều thấy đám thôn dân vểnh tai nghe lỏm các nàng nói chuyện. Mộc Lan nghĩ cho dù Hà Tiền thị ích kỷ không muốn nói cho người khác thì cũng không cần lo lắng người trong thôn không biết chuyện, ở đây có không ít người, chung quy sẽ có người truyền tin thôi.
Lý Thạch liếc nàng một cái, biết nàng còn oán trách chuyện lần trước ba huynh đệ Hà gia nói những lời đó, cười khẽ một tiếng, mở miệng nói: "Bởi vì không đủ câu đối cho nên chỉ cho phép mỗi nhà lấy một bộ, bằng không với giao tình hai nhà chúng ta nhất định cho Hà tam thẩm nhiều hơn chút."
Vẻ mặt ba vị thẩm thẩm Hà gia nhất thời có chút cứng đờ.
Tô Văn ở bên cạnh thoáng liếc mấy bà, tỏ ra hồn nhiên nói: "Tỷ phu, nhà nào mà không phải dán một bộ câu đối chứ?"
Hà Tiền thị cứng nhắc cười nói: "A Văn còn nhỏ tuổi, sợ là không biết thôi, ngoại trừ cổng chính thì các cửa phòng khác cũng phải dán câu đối."
Tô Văn ngạc nhiên nói: "Cái này ta không biết, từ nhỏ đến lớn ta chỉ thấy phụ thân dán cổng chính, chưa thấy ai đến cả cửa phòng cũng muốn dán nha, vậy chẳng phải ngay cả chuồng bò, chuồng gà cũng phải dán à? Hà tam thẩm, vậy mỗi năm nhà các thẩm mua câu đối tốn không biết bao nhiêu tiền đâu."
Lý Thạch ở bên cạnh nghiêm chỉnh giáo huấn Tô Văn. "Cái này có thể là tập tục phủ thành, về sau không cần kinh ngạc như thế."
Tô Văn vội vàng tiếp thu.
Hai người nói dăm ba câu liền vạch trần lời nói của Hà Tiền thị, ba vị thẩm thẩm Hà gia thấy bọn nhỏ không đáp ứng, đang muốn nói tiếp thì người gần đó cười nhạo một tiếng, có chút châm chọc nhìn mấy bà.
Rốt cuộc da mặt không dày bằng trượng phu, ba người đồng thời trầm mặc, cười trừ một tiếng rồi kiếm cớ rời đi.
Lập tức những người theo chân Mộc Lan cũng rời đi, bọn họ đã nghe được tin tức mình muốn, không cần phải ở đây chờ đợi.
Nhà nàng lần này cần mua rất nhiều đồ, tế tổ(1) phải có pháo, gà với rượu, còn có vải để may y phục mới, bánh kẹo, chi tiêu lớn nhất vẫn là lương thực, những thứ đó đều phải mua.
Bởi vì sắp đến Tết, Lý Thạch hiếm khi hào phóng một lần, cùng Mộc Lan dẫn bốn đứa nhỏ đến quán ăn một chuyến. Lúc trở về nhà trên mình mỗi người đều mang đồ, Mộc Lan cùng Lý Thạch đẩy xe đẩy chất đầy đồ trở về.
Trước cổng chính tụ tập không ít người, mọi người tươi cười chào hỏi Lý Thạch, Mộc Lan. Lý Thạch cười mỉm xuyên qua đám đông, ôn hòa nói: "Chư vị hương thân đợi một lát, tiểu tử lập tức đi lấy câu đối."
Sáng nay, Lý Thạch đã viết xong bài tử(2), câu đối vốn đã phân loại xong, chỉ cần lấy ba cái ghế đẩu để đó là được.
Lý Giang khiêng ba cái ghế đẩu ra ngoài, Tô Văn cùng Lý Thạch bê câu đối và bài tử, Mộc Lan thì đem hàng Tết thu xếp tốt.
Lý Thạch thấy người tới cũng không nhiều, thoáng thở dài nhẹ nhõm một hơi. "Câu đối này chia làm ba loại, các hương thân xem thích loại nào thì xếp hạng phía trước, bọn ta lấy cho các ngươi."
28 Tết, hàng Tết nên mua cũng mua xong rồi, dù sao các hộ trong thôn không như nhà Mộc Lan tính toán sổ sách để xác định tình hình năm nay lời hay lỗ, sở dĩ tới bây giờ có nhà còn chưa mua câu đối, một là có người suy đoán câu đối của Lý Thạch e rằng bán không hết, đến lúc đó khó tránh khỏi việc hạ giá; hai là nhà thật sự khó khăn, chờ đến cận Tết mới mua một bộ câu đối giá rẻ không hoàn chỉnh cho có không khí, mặc dù nhìn chung thôn Minh Phượng khá sung túc nhưng không có nghĩa là không có người nghèo, ở thôn Minh Phượng, có mấy nhà nghèo đến nổi phải thay phiên nhau mặc y phục; ba là có người ôm tâm tư giống Hà gia, nghĩ đến lúc đó bán không được, cậy là hàng xóm nên muốn lấy không một phần.
Bây giờ Lý Thạch đặt ra quy củ, làm bọn họ không tiện mở miệng, dẫu sao cũng nhiều người nhìn như vậy.
Hà Đại cau mày bước lên trước lựa bộ câu đối tốt nhất, Hà Tam thì hung hãn trừng mắt nhìn Lý Thạch. Tô Văn ở bên cạnh thấy vậy tức giận, cho không gã, chẳng những không được tiếng thơm còn bị trách móc.
Lý Giang khinh thường nhìn ba huynh đệ Hà gia, cũng không mở miệng, đại ca chưa từng để người Hà gia vào trong mắt, nhà cậu hà tất phải nổi nóng với hạng người như vậy chứ?
Hà Đại lang mang câu đối về ném cho Hà Trần thị. "Cất đi, 30 Tết mang ra dán."
Hà Trần thị vội vàng bắt lấy, chỉ sợ làm hư, thấy Hà Đại lang ném lung tung liền có chút tức giận. "Cái này 20 văn tiền đấy, ngươi cẩn thận chút."
Hà Đại lang đột nhiên nhảy dựng lên, hét lớn: "20 văn tiền? Ngươi tốn tiền sao?"
Hà Trần thị hoảng sợ, sợ Hà Đại lang vung nắm đấm đánh bà, bèn trốn sang một bên, cãi lại: "Cho dù không tốn tiền, ở ngoài nó bán cũng là cái giá này, nói chung cẩn thận một chút."
"Ta khinh! Lấy đồ người khác không cần đền đáp, cũng phí công bọn nó nghĩ ra được. Nếu hào phóng như thế, sao mỗi nhà chỉ cho lấy một bộ? Có bản lĩnh thì đặt trước cổng mặc chúng ta lấy!"
Hà Trần thị nhíu mày, biết tật đỏ mắt(3) của trượng phu lại tái phát, không tiếp tục nói chuyện với gã nữa, cầm câu đối xoay người rời đi.
Đôi mắt dần đỏ hoe, nếu không phải năm đó trong nhà không còn gạo, mắt thấy mấy đệ đệ muội muội sắp đói chết, bất kể ai nói gì bà cũng không gả cho một nam nhân như vậy đâu.
Hà Vương thị ở trong phòng trông thấy, sâu kín nhìn thoáng qua trượng phu đang đắp chăn ngủ trên giường, châm biếm một tiếng rồi tiếp tục cầm kim chỉ ở cửa thêu thùa.
Hà Tam lang về phòng mình đập phá một hồi. Hà Tiền thị bĩu môi, tuy trong lòng cũng bất mãn với quy định của Lý Thạch nhưng với trượng phu mình thì càng khinh thường hơn. Đó là đồ nhà người ta, người ta muốn làm thế nào thì làm thế đó, ngươi dựa vào đâu ở đây đập phá đồ đạc hả? Lại quên rằng đó cũng là điều khiến bà không vui.
Hôm sau là 29 Tết, trong nhà hoàn toàn nhàn rỗi. Mộc Lan dừng làm y phục cho Thục Nữ Phường, lấy vải hôm qua mua làm y phục cho mấy đứa nhỏ.
Làm y phục cho sáu người nghe có vẻ nhiều nhưng so với làm y phục cho Thục Nữ Phường thì đơn giản hơn nhiều. Y phục giao đến Thục Nữ Phường phải tỉ mỉ thêu hoa màu, còn có yêu cầu thế này thế kia, làm cho bọn nhỏ thì đơn giản hơn nhiều, chỉ cần may y phục rồi nhét bông vào, sau đó thêu một ít hoa văn trên cổ tay áo, góc áo là được.
Nếu có máy may, vậy thì càng nhanh hơn!
Chờ đến khi mặt trời lên cao, sương sớm đọng trên lá cây cũng tan đi. Mộc Lan đứng dậy nói với Lý Thạch: "Ta vào rừng xem thử." Tính ra đã hai ngày nàng chưa vào núi coi bẫy.
"Vậy ngươi phải cẩn thận."
Mộc Lan gật đầu, đeo gùi mang theo cung tên vào núi.
Từ nhà Mộc Lan muốn lên núi phải đi ngang qua Hà gia, Hà Đại lang thấy Mộc Lan đeo gùi vào núi, mắt liền híp lại.
Hà Tam lang lảo đảo bước ra, kêu một tiếng "Đại ca" liền muốn đi ra ngoài. Hà Đại lang giữ hắn lại. "Lão Tam."
"Có chuyện gì?"
Hà Đại lang ra hiệu hắn nhìn Mộc Lan. "Chúng ta bám theo nó."
Hà Tam lang nhìn bóng dáng Mộc Lan, vội lắc đầu. "Đại ca, trong rừng có sói còn có lợn rừng, ta không dám vào đâu."
Hà Đại lang đánh đầu hắn một cái. "Đồ hèn, một đứa trẻ như nó còn dám vào, chúng ta có gì mà không dám?"
"Cái đó sao giống được? Nó biết bắn tên, ngươi không phải chưa thấy qua kết cục của Lưu Nhị."
Hà Đại lang cười khẩy một tiếng. "Chúng ta bám sau nó, có thể có chuyện gì?"
Hà Tam lang thoáng im lặng, tròng mắt xoay chuyển, thấp giọng hỏi: "Đại ca, ngươi muốn?"
"Lợn rừng do nó bẫy được, ngươi nói nếu lúc này lại bẫy được một con thú lớn..."
Hà Tam lang động tâm không thôi. "Nhưng nó ở đó, chúng ta làm sao cướp được?"
Hà Đại lang hừ lạnh một tiếng. "Một mình nó chắc chắn khiêng không nổi, đến lúc đó phải đi gọi người giúp, chúng ta liền nhân cơ hội cướp thú săn đi, còn không được nữa thì đánh nó hôn mê ném trong rừng, ai biết là chúng ta làm?"
Hà Tam lang lập tức rùng mình một cái, bị ném trong rừng vào thời tiết này, cho dù không bị thú dữ cắn chết cũng sẽ lạnh chết. Hà Tam lang không rõ đại ca vì sao nảy ra chủ ý như vậy, ngẩng đầu liền thấy đại ca âm u nhìn hắn.
Hà Tam lang cười gượng hai tiếng, vội đồng ý.
Hà Đại lang xoay người lấy cái liềm, đưa cái cuốc cho Hà Tam lang, hai người từ xa bám đuôi Mộc Lan vào núi...
Tôn Phương thị nghi hoặc nhìn bóng dáng hai gã, hai huynh đệ Hà gia sao lại vào núi? Đột nhiên trong phòng truyền ra tiếng động lớn, sắc mặt Tôn Phương thị trắng nhợt, rùng mình một cái, vội vàng xoay người trở về.
Mộc Lan đi qua cái bẫy thứ ba, lúc gỡ lồng thỏ mới phát hiện bản thân bị theo dõi.
Khi chạy nạn, nàng lúc nào cũng phong thanh hạc lệ(4), đối với nguy hiểm sinh ra trực giác gần như thành bệnh. Mấy tháng nay cuộc sống an nhàn khiến tính cảnh giác giảm sút, nhưng đây là rừng núi nguy hiểm nên nàng vẫn như cũ phát giác được.
Lúc nàng gỡ bẫy thỏ, bụi cỏ sau lưng hình như thoáng động đậy, nàng tưởng rằng mình gặp thú dữ, nhưng ngay sau đó ánh mắt dòm ngó mãnh liệt làm cho nàng biết, ánh mắt này đến từ con người.
Mộc Lan không quay đầu lại, trói chặt con thỏ bỏ vào gùi, cũng không ngoảnh đầu mà tiếp tục tiến vào trong rừng.
Ở phía sau, Hà Đại lang đang gắt gao nhìn chằm chằm bóng dáng Mộc Lan, thấy Hà Tam lang rục rịch thì thấp giọng trách mắng: "Ngu xuẩn, một con thỏ thì có ích gì? Tiếp tục bám theo, ngươi không thấy nó bố trí không ít bẫy sao?"
Hà Tam lang kiềm chế tâm tình, tiếp tục theo đuôi Mộc Lan.
Thời điểm Mộc Lan đi được hai mươi mấy bước liền chuyển hướng, lập tức rời khỏi khu vực quen thuộc, chạy đến phương hướng mà bản thân vẫn luôn kiêng dè.
Ánh mắt nàng u tối nhìn về phía trước, khóe miệng hơi mím lại, ánh mắt sắc bén, trông rất không vui. Nàng không biết người phía sau vì cái gì mà lén lút theo nàng nhưng tóm lại không phải là thiện ý. Chuyển tới phương hướng này, nàng đã cân nhắc qua, có thể từ nơi này thoát ra ngoài được hay không thì phải xem vận khí của bọn họ!
━━━━━
(1)Tế tổ: Thờ cúng ông bà tổ tiên.
(2) Bài tử: Cái bảng, tấm biển dùng để đề chữ làm dấu hiệu hay thông báo.
(3) Đỏ mắt: Nghĩa là nhìn thấy người khác có danh lợi hay đồ vật tốt mà sinh lòng đố kỵ.
(4) Phong thanh hạc lệ (风声鹤唳): Tiếng rên rỉ của gió cùng tiếng kêu của hạc. Một cảm giác thấy thoáng qua về sự nguy hiểm trong những tiếng nhỏ nhất. Miêu tả hoảng hốt lo sợ, hay tự mình nghĩ loạn đâm ra sợ hãi lo buồn, tự dọa chính bản thân.