Chuyện hôm nay Hải Đăng nhìn thấy mặc dù đã nghe Diệu Anh giải thích rồi nhưng cậu vẫn không yên tâm. Hải Đăng rất tin tưởng Diệu Anh, cô đã nói cậu nhìn lầm thì chắc chắn là vậy, dù sao lúc đó Hải Đăng cũng đứng ở xa. Nhưng điều đó không có nghĩa Hải Đăng tin tưởng Duy Bảo. Linh tính mách bảo, à không, khẳng định một trăm phần trăm Duy Bảo cũng giống như cậu, có tình cảm với Diệu Anh.
Mười năm trước Hải Đăng đã để mất Diệu Anh rồi, không thể để mười năm sau vẫn như vậy được. Hơn nữa, Hải Đăng tin chắc rằng trên đời này không có người con trai nào hiểu rõ Diệu Anh và phù hợp làm một nửa còn lại của Diệu Anh hơn cậu cả.
Hải Đăng mở ngăn cuối của tủ quần áo ra, là một chiếc hộp gỗ. Thoạt nhìn có chút cũ kĩ nhưng đúng là vậy, chiếc hộp này đã lâu rồi và cả những thứ bên trong cũng có từ rất lâu, đó là những thứ của vài năm về trước. Thứ đầu tiên đập vào mắt Hải Đăng là chiếc nhẫn bằng nắp keng, đó là thứ đơn sơ nhất. Còn nhớ khi trước để chứng minh cho lời hứa của Diệu Anh, cậu đã tìm một cái nắp keng làm nhẫn “ đính hôn “ , ban đầu Diệu Anh rất thích, cô còn nói sau này nhất định sẽ làm vợ cậu, cùng Hải Đăng sống chung dưới một mái nhà do chính cậu thiết kế. Nhưng một lần Hải Đăng sang nhà Diệu Anh chơi thấy cô vứt cái nắp keng trên bàn học, lúc đó cô đã nói đeo hoài đau tay lắm.
Thế là Hải Đăng xin lỗi, cậu giữ lại nắp keng đó cho đến bây giờ. Khi ấy Hải Đăng đã hạ quyết tâm sau này sẽ cầu hôn Diệu Anh bằng một chiếc nhẫn kim cương thật đẹp, cho cô một cuộc sống sung túc không lo về vật chất, tiền bạc. Muốn được như vậy yêu cầu đầu tiên Hải Đăng phải học thật giỏi, và đó là động lực khiến Hải Đăng có thành tích như ngày hôm nay.
Phía dưới nắp keng đó là một xấp giấy dày đã dần ngả màu. Khi hai người học lớp một rất xui xẻo không được xếp vào chung một bàn. Diệu Anh ngồi cách Hải Đăng những hai cái bàn, trong giờ học những lúc rảnh rỗi làm xong bài tập hai người thường viết thư tay rồi nhờ bạn bè trên dưới chuyền đi. Thậm chí có lần chuyền giấy lên xuống nhiều quá khiến Sarah phát bực hét lên giữa giờ học luôn, lần đó Sarah bị phạt đứng góc lớp cả tiết.
HĐ : Tan học ai đón cậu?
DA : Đi bộ về chứ biết sao giờ.
HĐ : Nếu vậy về chung luôn.
Có lẽ lúc đó Diệu Anh chỉ biết cười toe toét mừng rỡ vì có người đi bộ chung với cô, nhưng Diệu Anh không biết rằng vì cô Hải Đăng phải để xe đạp ở trường. Sau khi hai người về đến nhà Diệu Anh rồi Hải Đăng mới bí mật trở về trường lấy xe đạp. Cậu biết Diệu Anh rất ghét đi một mình, cô không thích cô đơn.
HĐ : Biết hôm nay ngày gì không?
DA : Ngày gì cơ?
HĐ : Không biết thật đấy à? Hôm nay cậu không xem lịch sao? Cô dặn mỗi ngày ra khỏi nhà phải xem lịch để biết hôm đó thứ mấy ngày mấy mà
DA : Đâu có, tớ rất nghe lời cô dạy mà. Sáng nào tớ cũng xem lịch cả đấy. Nhưng ngày gì thì tớ không biết đâu.
HĐ : Thôi đi, tớ không thèm nói chuyện với cậu nữa. Bo xì!
Cái thời trẻ trâu nó là thế đấy! Hồi đó cứ hở tí chả bo xì nhau nghỉ chơi thì còn chiêu gì nữa đâu. Thế là Hải Đăng bo xì Diệu Anh thật, tan học cậu về nhà trước luôn, không thèm đợi cô như mọi hôm nữa. Mặc kệ Diệu Anh í ới gọi đằng sau Hải Đăng vẫn đạp xe đi về. Buổi tối Diệu Anh hậm hực sang nhà Hải Đăng, sau đó ném thẳng hộp quà trong tay vào người cậu, không nói không rằng chạy về mất. Từ trong chiếc hộp rơi ra chiếc đồng hồ, có một tấm thiệp ghi tên Diệu Anh và Sarah, thì ra hai người dồn tiền vào để mua quà sinh nhật cho Hải Đăng. Lúc nhỏ Hải Đăng rất thích sưu tập đồng hồ, mỗi lần xem ti vi cậu đều trầm trồ đồng hồ này đẹp, đồng hồ kia nam tính. Không biết trong tủ Hải Đăng có bao nhiêu đồng hồ tất cả nữa, đều là do mẹ chiều cậu mua chúng về. Lát sau Sarah gọi điện đến, cô kể Diệu Anh nhớ rõ sinh nhật Hải Đăng nhưng Sarah đã dặn phải nói là không nhớ để tạo bất ngờ. Sarah không hề biết Hải Đăng sẽ phản ứng như vậy.
Lúc đó đã chín giờ rồi Hải Đăng vẫn sang nhà Diệu Anh, thấy cô đang học bài cậu mới xin lỗi, còn nói rất thích đồng hồ đó nữa. Diệu Anh luôn là người rất dễ nguôi giận, Hải Đăng nói vài câu cô lại tươi cười hớn hở ngay. Bọn họ không bao giờ giận nhau quá lâu được.
Hải Đăng vô tình liếc mắt sang chiếc đồng hồ trên tay, thì ra dù Diệu Anh có mất trí nhớ hay không, món quà cô muốn tặng cậu lúc nào cũng là đồng hồ. Còn rất nhiều những thứ linh tinh khác nữa nhưng Hải Đăng đã cất chiếc hộp về chỗ cũ, những thứ đó mãi mãi là hồi ức, khi cần có thể mở ra để hoài niệm. Bây giờ là hiện tại, mặc dù Hải Đăng và Diệu Anh đang ở chung một chỗ nhưng cậu luôn có cảm giác trái tim của cô không đặt ở nơi này.
- Anh, đối với cậu tôi là gì? Một chút tình cảm đặc biệt với tôi, cậu có không?
Đáp lại cậu chỉ là màn đêm tĩnh mịch, yên ắng.
Hải Đăng lặng lẽ rời khỏi phòng giống như cậu chưa từng bước vào đây. Đâu đó trên gương mặt Diệu Anh, một giọt nước mắt chảy dài...
~~~~~
Sáng sớm Diệu Anh đã thức dậy, cô mặc lại quần áo hôm qua của mình vào rồi về nhà, tất nhiên trước khi đi Diệu Anh không quên để lại mảnh giấy note dán lên cửa phòng đề phòng trường hợp Hải Đăng không để ý.
Dọc đường về Diệu Anh cứ thơ thẩn như người mất hồn, đêm qua cô mệt nên khó ngủ. Diệu Anh biết Hải Đăng ngồi ra sàn xem cái gì đó, nhưng cô không có hứng thú để tìm hiểu. Cô đã nghe được câu nói cuối cùng của Hải Đăng trước khi ra ngoài, nhưng Diệu Anh không hiểu lý do tại sao Hải Đăng nói như vậy, lại càng không hiểu câu nói đó có ý nghĩa gì. Chẳng phải Hải Đăng đã có người con gái trong lòng rồi sao, không những như vậy còn thích cô ấy rất nhiều nữa, từ lúc năm tuổi cơ.
Nghĩ nhiều nhức đầu Diệu Anh đưa ra một kết luận chốt lại mọi vấn đề : Hải Đăng nửa đêm tâm tình không ổn nên mới hỏi bậy hỏi bạ thôi. Người ta luôn nói ban đêm luôn là lúc con người suy nghĩ theo hướng trái ngược hoàn toàn với thường ngày, sự thật chứng minh điều đó đúng. Bởi vì Diệu Anh cũng vậy, cô không bao giờ đưa ra một quyết định quan trọng nào đó vào ban đêm, vì thời điểm đó không ổn.
Ở nhà không có Quỳnh Giao, lúc đầu Diệu Anh cứ nghĩ Quỳnh Giao đêm qua không về nhà. Nhưng khi nhìn thấy cửa bị khóa cô đã loại bỏ suy nghĩ đó ngay, bởi vì đêm qua gấp gáp ra khỏi nhà Diệu Anh sao có thể khóa cửa? Chỉ có thể là sáng sớm Quỳnh Giao đã ra khỏi nhà thôi. Khi đi ngang qua nhà bếp Diệu Anh có dừng lại một chút, gương mặt nhăn lại đôi chút, chén đũa hôm qua vẫn còn. Điều quan trọng là phía đối diện chỗ Diệu Anh- tức là chỗ Hải Đăng ngồi hôm qua, tuy đũa có dính chút thức ăn nhưng chén lại sạch bong. Hôm qua thực sự Hải Đăng không ăn gì cả sao?
Diệu Anh thật sự cảm thấy hối hận vì cô đã tham ăn húp hết bát cháo của Hải Đăng. Rõ ràng cả đêm qua cậu không có gì bỏ vào bụng. Haizzz, càng ngày Diệu Anh càng gây ra nhiều lỗi hơn...
Hải Đăng vừa định mở cửa vào phòng gọi Diệu Anh dậy đã thấy tờ giấy note mỏng manh trên cửa :“ Tôi phải về nhà đây. Cám ơn cậu đã chăm sóc nhé! Một ngày vui vẻ :) “ . Cái kiểu tin nhắn gì thế này? Đã không nói không rằng im lặng bỏ về rồi còn chúc vui vẻ cái quái gì nữa. Hải Đăng mở cửa bước vào phòng, trên giường là chiếc váy của Sarah đã được gấp gọn gàng. Đâu đó trong căn phòng còn vấn vương mùi hương thuộc về riêng Diệu Anh, thoang thoảng nhẹ nhàng, dịu dàng quấn quýt quanh chóp mũi. Căn phòng này trước đây chưa từng có con gái hiện diện, hôm nay lại có hơi thở của Diệu Anh, vì Diệu Anh đã từng ở đây nên Hải Đăng cảm giác được căn phòng này dường như có chút ấm áp hơn ngày thường.
Uể oải nằm lên giường, Hải Đăng mở to mắt nhìn trần nhà, có lẽ Diệu Anh đi chưa lâu, nệm vẫn còn hơi ấm của người. Diệu Anh, Diệu Anh, cái tên này đã khắc ghi vào tâm trí Hải Đăng theo từng năm tháng. Thử tưởng tượng một ngày Diệu Anh thật sự không có tình cảm với Hải Đăng thì sao, mặc dù cậu rất tự tin sẽ lay động trái tim cô nhưng ai có thể biết trước được mọi chuyện không phải ngược lại? Đến lúc đó Hải Đăng phải làm gì? Chúc cô hạnh phúc và tìm người con gái khác sao?
Ngót nghét mười hai năm rồi, thử hỏi một người chiếm giữ trái tim Hải Đăng suốt chừng ấy năm nếu muốn quên dễ lắm sao? Có như vậy đi chăng nữa Hải Đăng cũng sẽ cố gắng quên cô, ít nhất cậu sẽ không trở thành vật cản hạnh phúc của Diệu Anh.
Yêu một người, nhìn người đem lại hạnh phúc cho cô ấy không phải là cậu mặc dù rất đau lòng nhưng Hải Đăng tình nguyện chịu như vậy. Có trách thì trách Hải Đăng quá tệ hại, đến trái tim của một người con gái cũng lay động không nổi.
Điện thoại Hải Đăng hỏng rồi nên mẹ cậu phải gọi sang điện thoại bàn, đây là một trong những phương thức ba mẹ Hải Đăng dùng để quản lý cậu, để chắc chắn rằng ở giờ quy định Hải Đăng có mặt ở nhà.
- “ Điện thoại con bị sao mẹ gọi hôm qua tới giờ không được? “
- “ Bị thấm nước mưa hỏng rồi ạ. “
- “ Ừ, mẹ chỉ muốn nhắc là gần vô học rồi con lo chuẩn bị đi là vừa. Năm nay lớp mười hai rồi đấy. “
- “ Con nhớ mà, mẹ không cần nhắc đâu. “
Hoàng Thanh Liên trước giờ rất tin tưởng vào ý thức học tập của con trai, nhưng bà vẫn phải nhắc chừng Hải Đăng xem sao.
- “ Được rồi. Nhớ giữ gìn sức khỏe, cần gì nói mẹ. À, dùng tiền trong thẻ mua điện thoại mới đi, mẹ sẽ gửi vào sau. “
- “ Vâng. “
Hải Đăng ngắt máy rồi thay quần áo ra ngoài ngay. Mua điện thoại xong Hải Đăng lưu số điện thoại đã thuộc lòng từ lâu vào số một. Cậu gọi vào máy Diệu Anh, mãi một lúc rất lâu cô mới nghe máy, giọng nói còn có vẻ mệt mỏi.
- “ Gì đấy? “
- “ Đang ở đâu vậy? “
- “ Nhà chứ đâu. “
- “ Có muốn ra ngoài mua sách không, còn gần một tháng nữa là vào học rồi. “
- “ Ok, cậu sang nhà tôi đi. Tôi chuẩn bị liền. “
Tầm mười phút sau Hải Đăng đã xuất hiện trước cổng nhà Diệu Anh, cậu chưa kịp bước vào Diệu Anh đã chạy ra. Cũng may tốc độ thay quần áo của Diệu Anh nhanh mới kịp với tác phong làm việc của Hải Đăng, cậu làm việc gì cũng nhanh gọn cả. Thấy Diệu Anh khóa cửa Hải Đăng mới lấy làm lạ.
- Quỳnh Giao đâu?
- Nó nhắn tin báo với tôi đã về quê rồi.
Hải Đăng gật đầu, chuyện Quỳnh Giao đi hay ở cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cậu cả, cái đáng nói là Quỳnh Giao và Diệu Anh gần đây hình không thân như trước.