• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:


Hoắc Kinh Đường chắp tay đi phía trước, cả đường không nói lời nào.
Đỗ Công Tiên không đoán ra thái độ của hắn, lòng sinh thấp thỏm, thi thoảng liếc mắt về phía Hoắc Kinh Đường, ánh mặt trời vàng nhạt đậu lên gò má tiểu quận vương tỏa ra phong thái mạnh mẽ khiến cho lão nhớ đến tiểu quận vương mười lăm tuổi đánh bại Đột Quyết, hồi kinh dự Quỳnh Lâm yến mà mình tình cờ gặp được.
Tiểu quận vương vội vàng dự tiệc, chốc lát lại rời đi hệt như một thoáng kinh hồng, hình ảnh ngày đó dường như đã in sâu vào trong lòng tất cả mọi người.
Về sau nữa, tin tức có liên quan đến tiểu quận vương chỉ còn lại việc hắn trở về từ Nam Cương, trao trả binh quyền, im hơi lặng tiếng ở trong phủ quận vương, cả Kinh Đô đều đồn đại tiểu quận vương này tướng mạo xấu xí, tính tình lại còn hung tàn.
Mấy lần gặp mặt tiểu quận vương đều đeo mặt nạ sắt, càng chứng mình tin đồn mặt mũi hắn xấu là thật.
Năm ngoái hắn trở về từ Hoài Nam, tuy ít giao du với bên ngoài, nhưng thỉnh thoảng ra vào triều cũng không đeo mặt nạ nữa, dáng vẻ và phong thái đẹp đẽ đến độ khiến cho đám quan lại trẻ tuổi chưa trải sự đời phải kinh ngạc.
Nếu như tiểu quận vương sóng vai với Triệu Bạch Ngư nữa, thì hiểu quả đẹp mắt sẽ tăng lên gấp đôi đó!
Chỉ sợ rằng Lâm An quận vương và Triệu Bạch Ngư không biết với vẻ ngoài xuất sắc ấy, bọn họ đã trở thành đôi vợ chồng tình cảm sâu đậm nhất Kinh Đô trong lời của các phu nhân các nhà trong phủ, đến cả một vài văn nhân sĩ tử cũng từng nghe đến và cho rằng đúng thật là vậy.
Mọi người thường khoan dung hơn với những người đẹp, nhất là văn nhân và phu nhân các nhà, bọn họ không hề che giấu việc theo đuổi giá trị nhan sắc cao, cũng xem đó là thứ tình cảm có ý nghĩa.
"Đỗ đại nhân."
Hoắc Kinh Đường bỗng nhiên lên tiếng, Đỗ Công Tiên bèn chắp tay theo phản xạ: "Xin tiểu quận vương hãy phân phó."
Vừa nói xong mới kịp phản ứng, lúng túng thả tay xuống.
Hoắc Kinh Đường quấn vòng Phật quanh cổ tay, sau đó lại cởi từng vòng ra, nhàm chán lặp đi lặp lại động tác đó, hờ hững đáp: "Đỗ đại nhân rất tán thưởng tiểu lang quân nhà ta sao?"
"Tiểu Triệu đại nhân có kỳ tư diệu kế, không thiếu gan trung gan nghĩa, tất nhiên là ta sẽ không keo kiệt mà tán thưởng rồi."
"Cho nên ông lợi dụng y giúp ông đối phó với bộ Hộ? Được Đỗ đại nhân yêu thích, bổn vương đúng là phải xin miễn thứ cho kẻ bất tài."
Lòng Đỗ Công Tiên run rẩy, biết tiểu quận vương đây là đang bao che khuyết điểm, vì vậy chỉnh cho giọng mình nhún nhường hơn một chút: "Tiểu Triệu đại nhân có chí thanh vân, trước đây liên lụy chuyện nhà, bỏ phí mấy năm ở Nha môn phủ Kinh Đô, uổng mất tài hoa, nếu không chỉ bằng một bụng kinh luân đó, y nên sớm danh quan Kinh Đô, chậm rãi ổn định leo đến kinh quan ngũ phẩm, nay cần gì phải lăn lộn trong cái Nha môn nghèo nàn lụi bại kia chứ?"
Hoắc Kinh Đường như cười như không: "Hóa ra Nha môn Thủy vận trong mắt Đỗ đại nhân là một nơi nghèo nàn lụi bại, không phải là ván cầu sao?"
Đỗ Công Tiên: "Là nơi nghèo nàn lụi bại, cũng là một cơ hội hiếm có.

Thân phận của tiểu Triệu đại nhân phức tạp, chẳng hạn như nguyên nhân y chỉ có năng khiếu bẩm sinh chứ không phải tiến sĩ cũng khiến cho quan vận của y khó khăn, nếu không có cơ hội chỉ có thể ở ngũ phẩm đến cuối đời.

Muốn đứng hàng tam công, làm tể tướng trên vạn người thì nhất định phải nghiêng người cầm kiếm, làm chuyện người khác không dám làm, dùng chính tích đẹp đẽ có một không hai chặn hết miệng chỉ trích của đám người ngoài kia."
Hoắc Kinh Đường: "Rõ ràng là chiếm phần lợi ích về cho mình, qua miệng ông nói ngược lại biến thành đối xử chân thành với người khác.

Chẳng trách Đỗ đại nhân không kết bè đảng với ai, không đè đầu chèn ép người khác mà vẫn có thể ngồi vững vị trí Tam ty sứ này.

Hơn hết, đòi nợ xóa sổ là việc mà ai cũng e ngại, nhưng từ trước đến giờ trăm quan triều đình vẫn đánh giá Đỗ đại nhân không tệ, trừ Lại bộ Thượng thư.

Trước kia bổn vương chưa nghĩ ra nguyên nhân, bây giờ mới tỏ hóa ra Đỗ đại nhân suy nghĩ nhanh nhẹn, rất có tài tranh biện, có thể nói đen thành trắng."
Đỗ Công Tiên: "Mỗ thật sự sợ hãi, làm sao gánh nổi suy đoán của quận vương điện hạ? Mỗ không chèn ép ai, không kết bè đảng là vì tốt cho người khác, hơn nữa là vì năng lực bình thường, không thể tranh đúng sai với người khác.

Không bàn thị phi, tất không thù oán."
Lời qua tiếng lại như giáo như khiên, Đỗ Công Tiên đáp lời không để lọt một giọt nước, giữ nguyên điệu bộ nhún nhường từ đầu đến cuối.
Hoắc Kinh Đường liếc lão một cái, cũng không giận chỉ hỏi: "Đỗ đại nhân muốn cải cách thủy vận sao?"
Đỗ Công Tiên: "Nha môn Thủy vận nghèo khó lung lay, việc cấp bách trước mắt tất nhiên là cải cách."
Hoắc Kinh Đường: "Liên quan đến thu thuế, trong lòng Đỗ đại nhân biết rõ, nhưng ông phải dán cho chặt cái miệng vào, bổn vương không thích lượn quanh nút thắt với ông.


Bạc thuế thủy vận có liên quan đến cơ chế thương thuế, một sớm một chiều không thể tách rời khỏi sự quản lý của bộ Hộ, coi như bệ hạ có lòng chỉnh lý thủy vận, đại thần văn võ cũng đồng ý, nhưng đó chỉ là một Nha môn mới mở, không uy tín, không nhân mạch, thế đơn lực bạc, căn bản không thể lay chuyển được.

Trước đây tiểu lang chưa từng tiếp xúc qua biến động lớn của một cơ chế, không biết để thúc đẩy một chính lệnh cần phải hao phí bao nhiêu sức người, sức vật, tiền của, nhưng Đỗ đại nhân làm quan hai ba mươi năm rồi, chẳng lẽ ông cũng không biết sao?"
Đỗ Công Tiên: "Muôn sự tại người."
Không biết từ lúc nào hai người đã đi đến cửa cung, đương lúc sắp mỗi người một ngã, Hoắc Kinh Đường đột nhiên dừng chân, xoay người nhìn về phía Đỗ Công Tiên, ánh mắt sắc bén như lưỡi dao lạnh giá đâm vào sâu trong nội tâm không thể lẩn trốn được của lão.
"Là vì Lưỡng Giang?"
Giọng Hoắc Kinh Đường rất nhỏ, nhưng rơi vào tai Đỗ Công Tiên thì chẳng thua gì sấm sét kinh người, tâm tình vốn đã bình tĩnh ung dung thời khắc này đã tan thành mây khói.
Đỗ Công Tiên không nhịn được ngẩn đầu, nhìn Hoắc Kinh Đường mà hãi hùng, đôi con ngươi màu lưu y của đối phương tựa như nhìn thấy được tất cả yêu ma quỷ quái trên thế gian này vậy.
Đỗ Công Tiên ngập ngừng: "Làm sao ngài..."
Làm sao lại đoán được Lưỡng Giang?
Phải tích lũy ít nhất mười năm kinh nghiệm với thế cục triều đình, mới có thể hiểu rõ như lòng bàn tay, nếu không thì sẽ không thể nào thông qua một Triệu Bạch Ngư lão đề bạt đến Nha môn mới làm việc mà đã thấy được Lưỡng Giang ở rất xa phủ Kinh Đô.
Sao Hoắc Kinh Đường có thể tường tận thế cục triều đình như vậy?
Mười hai tuổi hắn đã rời khỏi trung tâm chính trị, sau khi hồi kinh nhàn nhã ở nhà, trong tay còn chẳng có thực quyền, đường tắt nào để hắn nắm rõ được tình hình đến thế?
Đấy là kỳ tài ngút trời, nếu không có mạng lưới giao thiệp, không có dây mơ rễ má, thì không có khả năng chỉ nhìn một hai việc nhỏ là suy ra đại cuộc được!
Trừ phi hừng hực dã tâm, ý tại hoàng vị.
"Đỗ đại nhân bớt để tâm đi thì hơn.

Bổn vương thích cuộc sống nhàn nhã, tất nhiên cũng hy vọng tiểu lang có thể làm một người giàu sang rảnh rỗi.

Chỉ là y có chí lớn, bổn vương đành phải ủng hộ, nhìn y làm mọi việc suông sẻ, chứ không phải trở thành thương giáo để các ngươi lần một lần hai tùy ý cầm đi sai khiến." Ánh mắt Hoắc Kinh Đường nguy hiểm, giọng lạnh lẽo khẽ vang: "Mưu tính của vị trong cung kia thì thôi, kẻ làm bề tôi không cách nào bác bỏ, nhưng để tay lên ngực tự hỏi đi, ông là cái thá gì?"
Đỗ Công Tiên sinh lòng tức giận, nể tình Hoắc Kinh Đường vì yêu mà nóng lòng, quan tâm ắt loạn, lão bèn nhẫn nại nguyên bảo: "Chưa nhắc đến quan trường vốn luôn tính toán lẫn nhau, phải mắc mưu mới chứng minh được tiểu Triệu đại nhân không phải người vô dụng tầm thường, lại bàn đến việc quận vương điện hạ ngài muốn che chở cho tiểu Triệu đại nhân, ngài có thể che chở cho cả đời quan đồ của y suông sẻ hay sao? Y cũng đường đường là nam tử hán, giỏi giang hơn hàng vạn nghìn nam nhi khắp thiên hạ, là người có tài đứng hàng tể tướng, cớ sao phải để cho y núp dưới bóng một người đàn ông khác hưởng thụ đời người bình an nhưng tầm thường? Để yên cho Triệu Bạch Ngư ở lại cái Nha môn rách trong phủ Kinh Đô, không bằng buông tay đưa y ra tỉnh ngoài lăn lộn."
Cái mà Đỗ Công Tiên gọi là tận tình khuyên bảo đều xuất phát dựa trên mong muốn mài giũa Triệu Bạch Ngư thành thanh đao bén nhọn bổ xuống Lưỡng Giang, cho nên lão chẳng khuyên được Hoắc Kinh Đường dù chỉ là nửa câu.
Hoắc Kinh Đường nhìn sắc trời, khảy vòng Phật, vừa đọc thầm kinh Phật tiêu trừ lệ khí vừa nói: "Đáng tiếc khi không có cùng suy nghĩ với Đỗ đại nhân, có điều lời nên nói bổn vương cũng nói hết rồi.

Nếu như Đỗ đại nhân thật sự có lòng chỉnh đốn Lưỡng Giang thì có thể đích thân ra trận, đừng đến gieo họa cho tiểu lang quân của ta, nếu không —— "
Bàn tay khảy vòng Phật khựng lại một chút, Hoắc Kinh Đường chỉ hơi mạnh tay bóp một cái, một viên tròn trong chuỗi hạt gỗ tử đàn vỡ tan thành bụi.
Hù dọa không cần nói miệng cũng đã khiến đối phương sợ đến mức hồn bay phách lạc.
Đỗ Công Tiên nuốt nước bọt, lúc Hoắc Kinh Đường bước đi lão như có phản xạ tự nhiên nhảy ra sau lưng Cấm quân canh phòng ở cửa cung, tốc độ chạy trốn nhanh như người tập võ, hồi lâu mới dám ló đầu ra nhưng phát hiện trước cửa đã trống trơn, Hoắc Kinh Đường đi từ lâu rồi.
Đỗ Công Tiên còn chưa hoàn hồn, chạy về kiệu của mình ngồi lau mồ hôi lạnh trên trán, vừa nghĩ đến lúc lão thúc đẩy Nguyên Thú đế nghe tiến trình kế hoạch, không khỏi lắc đầu thở dài đầy khổ sở.
Quan trường Lưỡng Giang nguy hiểm, nhưng cũng có nghĩa chỉnh đốn được nơi đó là có thể trở thành danh thần một đời, còn được vào chiêu huân các, cơ hội vô cùng tốt để ghi danh sử sách!
"Bao nhiêu tân khoa tiến sĩ muốn trở thành danh thần thiên cổ, khao khát có được một cơ hội đại triển quyền cước, nhưng cũng có biết bao nhiêu người cả đời hèn hạ không có chí tiến thủ, tên tuổi không lưu sử xanh.

Tiểu Triệu đại nhân có chí lớn, sao lại không buông tay cho y xông vào núi đao biển lửa một lần?"
Đỗ Công Tiên không nghĩ ra, tiếp tục thở dài.
***
Buổi đàm phán cùng Đông cung giải tán trong không vui, Triệu Bạch Ngư đi lang thang không đích đến trong phủ Kinh Đô, từ khu chợ sầm uất đến tận cầu Châu, hai bên đầu cầu bày đầy sạp nhỏ, dưới vòm tròn giữa cầu là vô số thuyền hàng chở đầy lương thực qua lại, bị trạm thu thuế gần đó cản lại đòi phí qua cầu.
Triệu Bạch Ngư đứng trên cầu nhìn Công sứ thu thương thuế, lái buôn ở bên cạnh hỏi: "Tiểu lang quân, có muốn thưởng thức thử cua say rượu, vịt kho không?"

Triệu Bạch Ngư nhìn gã, đó là một người đàn ông da ngăm chừng bốn mươi tuổi, trước mặt là hai chiếc tủ hình chữ nhật lớn, có thể thoang thoảng ngửi thấy mùi hương của món ăn trong đó.
"Mùa này mà vẫn có cua ngon à?"
"Tiểu lang quân chưa từng nghe câu xuân ăn cua hạ ăn sam sao? Cua xuân không béo khỏe bằng cua thu, nhưng có mùi vị đặc biệt, thịt cua rất tươi, mới vừa bắt từ sông lên ngâm qua nước lạnh, bóc vỏ ra là có thể ăn sống thịt cua bên trong, nếu như ngâm vào trong rượu chưng hai ngày một đêm rồi lấy ra ăn là vừa có thịt tươi lại vừa có rượu thơm, không có một chút mùi tanh nào cả."
"Cho ta bốn con cua rượu và bốn lạng vịt kho."
"Có liền!"
Trong lúc chờ hàng Triệu Bạch Ngư bỗng nhiên hỏi chuyện: "Các ngươi bày sạp ở chỗ này, quan phủ có thu thuế không?"
"Không thu.

Kinh doanh nhỏ thôi, tiền đâu mà đóng thuế? Có điều nghe nói dưới phủ Kinh Đô có một vài huyện thành phải thu đấy, ra vào huyện là thu, bày sạp hàng trên vỉa hè cũng thu, qua cầu lại thu tiếp...!Chúng tiểu dân làm sao chịu nổi? Thế là ai nấy đều ra ngoài làm ăn, hoặc là chỉ rao hàng trong thôn, miễn cưỡng sống qua ngày thôi."
"Triều đình có mệnh lệnh rõ ràng, không thu bất kì đồng bạc thuế nào của sạp buôn nhỏ."
"Hỡi ôi! Trên có chính sách dưới có đối sách, lão hoàng đế ở tít trên cao, nào có nhìn thấy chúng hạ dân dưới đáy sống ra làm sao chứ." Gã bán hàng đóng gói thức ăn cho Triệu Bạch Ngư, cẩn thận quan sát khí chất, áo quần của y, rồi đến mặt mũi sạch sẽ, không nhịn được cúi người gật đầu: "Tiểu lang quân đừng trách, tôi đây không phải đang oán hận thiên gia và triều đình.

Thánh thượng đại phát từ bi, mở chợ đêm khích lệ buôn bán, lại miễn thuế kinh doanh cho buôn bán nhỏ lẻ chúng tôi, cho chúng tôi ăn cơm no còn có thể để tiền tiết kiệm, chúng tôi còn chưa kịp biết ơn nữa mà!"
Triệu Bạch Ngư cười ôn hòa: "Không cần căng thẳng, ta không phải nhân vật lớn gì đâu.

Mà trong phủ Kinh Đô không có ai thu thuế lung tung sao?"
Người bán hàng do dự một chút rồi đáp: "Mấy năm trước cứ năm dặm là có một trạm thu thuế, sau đó không biết vì sao mà có rất nhiều trạm bị dỡ bỏ đi, vậy nên nhiều danh mục thuế ngặt nghèo lặt vặt còn thiếu lắm."
Triệu Bạch Ngư nói cảm ơn, nhận thức ăn trả tiền xong rồi đi, y lại đến chỗ mấy cây cầu, bến thuyền và cửa cống trong phủ quan sát, không biết từ khi nào đã đi đến ngự nhai*, gặp được Trần Sư Đạo mới vừa tan ca trực.
(*) Ngự nhai là con đường nơi mà vua đi lại trong Kinh Đô
Trần Sư Đạo gọi y lại: "Không tập trung tinh thần gì cả, đang lo lắng chuyện gì sao?"
Triệu Bạch Ngư cười đáp: "Công việc gặp phải chút phiền toái thôi ạ, không có gì đáng ngại."
Trần Sư Đạo nhìn y chằm chằm, khịt mũi ngửi ngửi: "Có rượu có đồ tươi sống...!Là cua say rượu à?"
Triệu Bạch Ngư mở hộp thức ăn tinh xảo ra: "Thầy này, lão ham ăn đúng là danh bất hư truyền."
Trần Sư Đạo xoa tay cười khà khà, nắm cánh tay Triệu Bạch Ngư lôi y vào quán rượu gần đó, tìm một chỗ sát bên cửa sổ ngồi xuống, đối diện phía dưới là dòng sông Biện, ông cụ gọi thêm mấy đ ĩa thức ăn và hai bình rượu, nhất quyết bắt Triệu Bạch Ngư uống cùng với mình.
Triệu Bạch Ngư không từ chối được, liều mình uống cùng thầy mấy ly, đến khi ngà ngà say rồi, thần kinh căng thẳng mới được thả lỏng ít nhiều, giương mắt thấy thầy đã ăn xong hai con cua rượu, ông cụ còn đang định xử đẹp con thứ ba, y đã vội vàng vươn tay giữ khư khư phần còn lại như bảo vệ, sau đó cũng đẩy luôn vịt kho ra ngoài.
"Hoắc Kinh Đường còn chưa ăn, phải để lại hai con cho hắn."
Trần Sư Đạo trợn mắt: "Ăn một con lấy vị là được rồi, ăn hai con sẽ nghiện đấy, hăng quá hóa dở."
Triệu Bạch Ngư rất kính trọng Trần Sư Đạo, trước kia không có đại nho nào nguyện ý dạy y học, chỉ có Trần Sư Đạo là chỉ dạy không phân biệt, luôn đối xử công bằng với y, sau đó phát hiện ra trí tuệ và thần dị của y nên hết lòng dạy dỗ, dành cho Triệu Bạch Ngư tình yêu thương và sự quan tâm của một trưởng bối.
Nếu như không có Hoắc Kinh Đường, hoặc là y đang không say, nhất định sẽ để cho Trần Sư Đạo hưởng hết số cua đó.
Nhưng bây giờ y đã là người có gia đình, tuy ngà say nhưng ý thức vẫn tỉnh táo, chỉ là hơi buông lỏng tâm trạng mà thôi.
Vì vậy, Triệu Bạch Ngư nghiêm túc nói với Trần Sư Đạo: "Thầy hai con, Hoắc Kinh Đường hai con, con không thể bên nặng bên nhẹ được."
Trần Sư Đạo vốn không cảm thấy gì, nghe được lời này, trong lòng lập tức mất cân đối: "Bên nặng bên nhẹ là thế nào? Tiểu quận vương có thể so với thầy sao?"
Triệu Bạch Ngư tỏ vẻ khó xử.
Trần Sư Đạo không dám tin, chủ công và ân sư bên nào thân cận hơn chẳng lẽ còn cần phải lựa chọn à? Còn do dự đến thế cơ đấy? Ông cụ nghĩ quan hệ với chủ công tốt nhất chỉ nên dùng từ tri kỷ mà thôi, nhưng giờ mới nhận ra hình như y đã thật sự yêu hắn, thương hắn, rõ ràng xem là người nhà rồi!
Vẫn chưa tròn một năm, trong lòng cậu học sinh bé nhỏ, chủ công đã quan trọng hơn cả ân sư rồi sao?

Sau khi xoắn quýt nội tâm một phen, Triệu Bạch Ngư quyết định đợi lát nữa lại chạy ra mua thêm mấy con cua ngâm rượu mang về phủ quận vương, thế là y đẩy hộp cua trong ngực ra bàn: "Thầy, thầy ăn đi."
Trần Sư Đạo: "Thầy không thèm nữa, ăn chút đậu phộng là được rồi."
"..." Cũng may Triệu Bạch Ngư là cao thủ vuốt lông, chậm rãi nói: "Cua sống tính hàn, kèm thêm rượu nếp càng không tốt cho dạ dày, ân sư vốn cũng có bệnh đau dạ dày, còn thích nhắm rượu, cho nên học sinh cảm thấy ân sư chỉ cần nếm lấy vị thôi là được."
Trần Sư Đạo vuốt v e sợi râu nhỏ, khóe môi muốn cong mà không chịu cười: "Đau dạ dày thôi, cũng chẳng phải vấn đề gì lớn lao, kêu thái y kê chút thuốc là được.

Con đúng là lo nghĩ nhiều, bệnh vặt vãnh thôi mà cũng để trong lòng..."
Đây nào phải bệnh vặt, Hoắc Kinh Đường cũng bị đau dạ dày.
Triệu Bạch Ngư lắc lư chơi đùa ly rượu trong tay, vừa để tinh thần đi dạo đâu đấy, vừa nghe Trần Sư Đạo lải nhải, đây chính là thiên phú một công đôi việc của y.
Trần Sư Đạo đột ngột chuyển chủ đề: "Đã quen với Nha môn mới chưa?"
Triệu Bạch Ngư choàng tỉnh, hơi sững sốt một hồi mới đáp lại: "Cũng được ạ."
Trần Sư Đạo: "Vậy là gặp vấn đề rồi." Hớp một ngụm rượu nhỏ, ông chắc chắn nói: "Con là học sinh của ta, lòng bồi dưỡng cho con của ta còn nhiều hơn cả thằng nhóc Phương Nhung nữa.

Phương Nhung chỉ khôn vặt thôi, còn con là người vô cùng thông minh.

Có một câu nói dung tục nhưng rất có lý, đó là khôn ngoan hại người.

Con đó, người như con thật ra thì thích hợp làm một ẩn sĩ hơn, học đòi văn vẻ, ngắm núi hỏi nước, mai thê hạc tử*, thỉnh thoảng có quý nhân trong nhân gian đến cầu con, con vừa ra chiêu đã quyết thắng thiên lý...!Như vậy, truyền miệng truyền tai, con liền trở thành truyền kỳ."
(*)Dịch nghĩa: lấy cây mai làm vợ, lấy chim hạc làm con.
Hoa mai và chim hạc là hai hình ảnh gợi lên nét thanh khiết, xuất trần nên thường được liên tưởng đến tiên tử và cõi tiên trong nhiều nền văn hóa như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Vì lẽ đó, câu thành ngữ này ám chỉ người ở ẩn, mang khí chất cao khiết thoát tục.

(Chu Diệp Hi)
Triệu Bạch Ngư bật cười: "Thầy xem nhiều truyện quá rồi phải không?"
Trần Sư Đạo hớp một ngụm rượu, lắc đầu thở dài: "Con không hợp vào quan trường.

Tiểu Bạch Ngư, quan trường dơ dáy lắm, không ai có thể thoát khỏi bùn lắng mà không bị nhiễm bẩn." Ông cụ giương mắt, ánh mắt mãnh liệt không hề vẩn đục, chất chứa vẻ thông suốt của một lão thần đã bước qua ba triều: "Quan trường muốn có người thông minh, cũng phải cần có kẻ hồ đồ, người thông minh làm chuyện của người thông minh, còn chuyện vớ vẩn giao cho kẻ hồ đồ, đã vào quan trường cần trông trước ngó sau, không được để lọt một giọt nước, cũng không được để lại sơ hở, còn phải ứng xử linh hoạt trước quyền biến, chọn người đúng khả năng, những thứ này con đều biết, thậm chí con còn giỏi hơn cả thầy.

Nhưng một khi đã chân chính bước vào quan trường, con phải học cách thỏa hiệp, biết tiến biết lui, phải hòa mình vào trong quy tắc ngầm của quan trường, tạo cho mình một lớp vỏ bọc mà ngay cả chính con cũng không quen không biết."
Triệu Bạch Ngư mím môi không nói, đầu ngón tay cầm ly rượu trắng bệch.
Trần Sư Đạo: "Có nhớ lời trước kia thầy từng nói không? Khi con học được cách nhún nhường, yếu thế, tọa sơn quan hổ đấu, thì mới được coi như là đã bước vào quan trường, bởi vì chừng đó con đã biết vận dụng quy tắc của quan trường để làm việc.

Chỉ lúc ấy, con mới nhận ra quan trường sẽ không tuân theo lòng con, ý con, mà chính con phải khuất phục trước chúng."
Triệu Bạch Ngư thấp giọng hỏi: "Thầy biết họ hàng của mình lợi dụng danh tiếng của thầy để buôn bán ở ngoài sao?"
Trần Sư Đạo: "Ừ, bọn họ chỉ muốn sống ổn định cho qua ngày thôi, chỉ cần không vượt quá giới hạn, thầy sẽ mắt nhắm mắt mở không quan tâm."
Triệu Bạch Ngư: "Vậy thầy cũng biết chuyện thủy vận trốn thuế chứ?"
Trần Sư Đạo: "Trên đời này không có bức tường nào không lọt gió."
Triệu Bạch Ngư nhìn sông Biện dập dềnh sóng nước, nơi đó đang có ba chiếc thuyền hàng chở đầy hàng hóa, lái về phía cửa khẩu, trên dưới cầu nhộn nhịp, buôn bán sôi nổi, có thể từ đó nhìn thấy được quang cảnh thịnh thế trong tương lai.
"Chỉ là con hy vọng thời thế thái bình, có thể giảm bớt vất vả cho dân chúng mà thôi."
Ở thời đại này, cuộc sống của người dân thật sự khốn khổ quá, người ta luôn cho rằng y hiền lành, khen y lòng dạ Bồ Tát, chỉ là bởi vì bọn họ không biết y đã từng được nhìn thấy cuộc sống của con người ở nơi mà nhân phẩm được coi trọng.
Trần Sư Đạo nói: "Thầy đã từng tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của các triều đại, cũng trải qua vô vàn cuộc tranh đấu, chém giết lẫn nhau trong quan trường, từ nhiều cuộc chiến loạn, dịch tử nhi thực*, một nghèo hai trắng cho đến khi biên giới được dẹp yên, trăm họ ăn cư lạc nghiệp.

Đại Cảnh ngày càng không ngừng đi lên, Hoàng đế dốc lòng xây dựng đất nước, dù triều đình không trong sạch như nước, thiên gia cũng không đến nỗi khoan dung độ lượng, nhưng ít nhất trên dưới đồng tâm, cả triều văn võ đều có lòng dạ riêng, cũng không hẳn không có người gây chuyện thật...!Cho nên, thầy cũng tin rằng mình sẽ nhìn thấy được cảnh thời thế thái bình, Tiểu Bạch Ngư, rồi con cũng sẽ được nhìn thấy thời thế thái bình như mong muốn thôi."

(*) Lỗ Tấn trích dẫn 4 chữ "dịch tử nhi thực" (易子而食) nghĩa là "đổi con cho nhau mà ăn thịt" trong Xuân Thu Công Dương truyện, năm Tuyên công thứ 15, lúc ấy nước Tống bị nước Sở vây khốn, trong thành hết lương, người dân nước Tống phải đổi con cho nhau mà ăn thịt, chặt xương mà nhóm lửa (易子而食之,析骸而炊之)
Không giống nhau.
Triệu Bạch Ngư quay đầu nhìn Trần Sư Đạo đáp: "Dạ."
Thịnh thế trong mắt Nguyên Thú đế, Trần Sư Đạo chính là trăm họ không đói không rét, nhưng thịnh thế trong mắt Triệu Bạch Ngư không chỉ có như vậy.
"Con hiểu rồi." Triệu Bạch Ngư cười, "Con tin lời thầy."
Bộ Hộ muốn ba thành thương thuế thủy vận mà thôi, kỳ vọng ban đầu của y cũng chỉ là muốn bốn năm phần thuế thủy vận được chảy vào quốc khố, nhìn lại, nếu bộ Hộ lấy đi ba thành thuế đó cũng coi như có thể giúp y một tay, bảo vệ chế độ thuế ổn định đã là chuyện tốt ngoài dự liệu rồi.
Triệu Bạch Ngư hít sâu một hơi: "Con đúng là điên rồ mà."
Y bị lòng hơn thua nhấn chìm, cứ luôn nghĩ đến chuyện đấu pháp giữa Nha môn Thủy vận và bộ Hộ, muốn được chiến thắng, nhưng đã quên mất mục đích ban đầu.
Đến sòng bạc còn có tỷ số hòa, không phải chỉ có hai kết quả thắng và thua, huống chi là quan trường?
Trần Sư Đạo nhìn Triệu Bạch Ngư chằm chằm, chắc chắn y đã suy nghĩ thông suốt rồi mới an tâm.
Ông cụ chỉ sợ không thể lay chuyển cậu học sinh mà mình tâm đắc nhất, nếu không là lại phải tranh thị phi trong quan trường một phen rồi, cũng may Tiểu Bạch Ngư vô cùng thông minh, không hổ là học sinh vừa ý nhất của ông!
Trần Sư Đạo bắt đầu nói vào chính sự, nếu như Triệu Bạch Ngư nghĩ không thông, ông sẽ không nói tiếp đến nước này.
"Thật ra thì thuế thủy vận trong phủ chỉ chiếm một phần nhỏ trong thương thuế hàng năm của Đại Cảnh mà thôi." Trần Sư Đạo ra dấu bằng đầu ngón tay út, thần bí nói: "Tuy thủy vận trong phủ nối liền nam bắc, nhưng phần lớn thuyền hàng đi qua Kinh Đô đều không dừng lại, chỉ ghé qua kiểm tra thuế, còn hơn nửa thuyền hàng vận chuyển lương thực thì đều được miễn thuế, thương thuế có thể thu được không nhiều.

Đông cung cũng không tầm thường, nhưng tay hắn lại chỉ có thể với đến bốn kênh phía bắc, tiền tham ô được dùng đề kết bè đảng riêng, không phủ nhận rằng hắn cũng dùng vào chuyện khác, nhưng nói chung thương thuế trong phủ được ổn định không thể thiếu sự kiểm soát của bộ Hộ.

Nội hà tiền triều chỉ cho phép vận chuyển quan lương, cấm tiệt thông thương, đến giờ này mới thả lỏng ra, cho nên nền móng không sâu, bạc thuế thu vào quốc khổ chỉ vừa đủ chữa cháy cho những việc cấp bách của quốc gia mà thôi,"
"Phần chính thật sự nằm ở thủy hải vận phía nam."
Ánh mắt Triệu Bạch Ngư lay động.
"Hẳn là con đã dùng số bạc thuế bị bộ Hộ tham ô của Nha môn Thủy vận để tính toán sơ bộ bạc thuế thủy vận cả nước rồi phải không?"
Triệu Bạch Ngư gật đầu.
"Là con số thiên văn* đúng chứ?"
(*) Số thiên văn ý chỉ những con số rất lớn từ hàng trăm triệu trở lên.
"Gấp đôi tổng thuế thu một năm của cả nước."
"Con cho rằng bộ Hộ tham hết sao? Thầy nói cho con biết, không phải đâu." Trần Sư Đạo nói như đinh chém sắt.
"Phương nam giàu có sung túc, tù xưa đến giờ đã vậy.

Tiền triều mở cảng Quảng Châu, cảng Tuyền Châu, khuyến khích buôn bán qua đường biển, thành lập Thị Bách ty, thiết lập quan hệ với bảy mươi nước, đặt nền tảng vững chắc và hoàn hảo cho thương mại hàng hải với các quốc gia đó, xuất khẩu lá trà, đồ sứ, tơ lụa trong nước, đổi lấy bảo vật từ nước ngoài, không ngừng xoay chuyển, đổ vào Giang Tây, đến nay còn có chính sách khích lệ thương mại thủy vận, con cảm thấy lợi nhuận của nó thế nào?"
"Con số rất lớn."
"Nhưng từ khi dựng nước đến nay, hải vận phương nam vẫn bình thường, bạc thuế thu vào hàng năm chỉ được chừng bốn triệu lượng."
Con ngươi Triệu Bạch Ngư co rút nhanh, y đoán được nạn tham ô hải vận ở phương nam nghiêm trọng, nhưng sự thật vẫn quá sức tưởng tượng.
"Thuyền hàng hải vận cần đi vào dòng sông nội địa, con có biết nơi trung chuyển nằm ở đâu không?"
"Lưỡng Giang."
"Thầy tính toán qua loa thôi, chỉnh đốn một Lưỡng Giang, ta có thể nuôi sống Đại Cảnh năm mươi năm."
Triệu Bạch Ngư mở to mắt, con số này khiến cho y ngạc nhiên.
"Danh hèn ngũ phẩm chui rúc Nha môn Thủy vận làm sao có thể ngăn cản được con? Con là giao long sao có thể bị vây ở bãi cạn được? Kinh quan không ngoại phóngthì tìm kiếm thành tựu lớn cho sự nghiệp như thế nào? Chỉ bằng này chính tích sao có thể xếp vào hàng tế tướng? Tiểu Bạch Ngư, thầy nói con không phù hợp với quan trường, nhưng thầy biết lòng dạ con buộc với thiên hạ, là thứ con không thể tách rời, nếu như con hy vọng bản thân mình không bị quan trường chi phối thì phải làm tể tướng, vào hai phủ, mà đường tắt tốt nhất có thể trợ giúp con bước vào trung tâm chính trị nằm ngay tại Lưỡng Giang! Chính là ở —— "
Trần Sư Đạo vươn ngón tay ướt rượu của mình ra viết chữ lên mặt bàn, ánh mắt nóng bỏng nhìn Triệu Bạch Ngư không rời, mà dường như đến bây giờ, Triệu Bạch Ngư mới hiểu ra trong lòng thầy mình vẫn luôn có kế hoạch bá nghiệp to lớn, Trần Sư Đạo cũng muốn nhìn thấy sự xuất hiện của một thời đại thái bình, ông cụ muốn tận mắt nhìn thấy thịnh thế ra đời trong tay Triệu Bạch Ngư.
Triệu Bạch Ngư dời tầm mắt, dừng lại trên mặt bàn, Trần Sư Đạo đã viết ra hai chữ.
Hồng Châu.
==
Min: Mấy chương gần đây dài và cũng khá khó nhưng mình sẽ cố gắng cập nhật nhanh nhất có thể cho mọi người để không bị đứt đoạn nội dung quá lâu ^^ có gì sai sót thì cmt nhắc mình với nhe.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK