Quý Hoàng và Quan Diệp đều tốt nghiệp trường Đại học S, ngôi trường trăm năm tuổi với bề dày truyền thống lâu đời, từ lâu đã nổi tiếng mạnh nhất về khoa Văn. Khoa Văn trường F đứng thứ nhì toàn quốc, những năm gần đây tiến bộ vượt bậc và có dấu hiệu ngang sức ngang tài với trường S.
“Nói cụ thể thì tôi là đệ tử của cô Quan”, Quý Hoàng nói. “Tuy khi tôi vào học thì cô ấy đã tốt nghiệp nhiều năm rồi. Năm ngoái, trong lễ mừng thọ sáu mươi tuổi của thầy hướng dẫn, tôi có gặp cô ấy ở Bắc Kinh.”
Thái Hồng tròn xoe mắt: “Anh cũng là học trò của Tô Thiếu Bạch?”
Khi nói đến nghiên cứu lý luận văn chương, không ai không biết đến Tô Thiếu Bạch, bảo vật của khoa Văn – trường Đại học S, người có quyền uy nhất trong giới lý luận văn nghệ. Lúc thi cao học, Hà Thái Hồng còn đọc qua cuốn sách chuyên ngành Tự sự học của ông. Nhưng nghe nói ông là người cương trực, tính khí cao ngạo, đối với học trò kén cá chọn canh… nên không được lòng người lắm. Những người hướng dẫn tiến sĩ tương đương tuổi ông từ khi có tư cách hướng dẫn đến lúc nghỉ hưu ít nhất cũng hướng dẫn được hai mươi mấy học trò, nhưng đến nay, số học trò của Tô Thiếu Bạch chỉ có ba người tốt nghiệp tiến sĩ.
“Đúng.”
“Nói vậy… anh chính là… người trong truyền thuyết?”
Anh gật đầu.
“Nghe nói Tô Thiếu Bạch theo chủ nghĩa độc thân?”
“Đúng.”
“Thế còn anh? Anh cũng vậy hả?”
Anh ngẫm nghĩ một lát, nói: “Không phải.”
“Nghe đồn thầy Tô bình thường luôn nghiêm khắc, nhưng trong lễ tốt nghiệp của học trò mình thì cười toe toét, cùng học trò chụp ảnh?”
Anh lặng lẽ quay mặt lại, chăm chú nhìn cô một lát, lắc đầu: “Có chuyện này sao? Tôi không nhớ lắm…”
Khi nói lời này, ngữ khí của anh khiến Thái Hồng cảm thấy anh như đang thất thần. Suy cho cùng, anh cũng không thể tham gia lễ tốt nghiệp của hai học trò kia của Tô Thiếu Bạch được. Không muốn bầu không khí chùng xuống, Thái Hồng hỏi tiếp:
“Thế thì trong lễ tốt nghiệp, anh có cười không?”
Câu trả lời lần này rất chắc chắn: “Không.”
“Tại sao? Anh không vui khi tốt nghiệp ư?”
“Vui thì nhất định phải cười sao?”
“Nếu không cười thì ai biết được anh vui hay không chứ?”
Anh xoay đầu qua nhìn cô, chậm rãi đáp: “Tôi vui hay không, không cần người khác biết.”
“Thầy Quý, năm nay có một từ rất thịnh hành, đó là “ra vẻ ngầu”.” Cô không kiềm chế được, bật cười, cười nửa buổi mà Quý Hoàng chẳng thèm cười lấy một cái, đành cúi xuống nhìn chân mình.
Lúc này di động của cô bỗng đổ chuông, Thái Hồng đưa mắt nhìn màn hình: “Hi! Đông Lâm.”
“…”
“Em vẫn ổn.”
“…”
“Em… đang ở trường. Hôm nay có cuộc họp.”
“…”
“Đừng đến đón em! Kết thúc cuộc họp, thầy cô trong khoa mời đi ăn. Anh biết đó, em là ma mới, đâu dám không đi, chắc sẽ về muộn.”
“…”
“Cũng không biết mấy giờ mới về. Nói là ăn cơm xong sẽ đánh bài, đánh suốt đêm cũng nên.”
“…”
“Yên tâm đi, đồng nghiệp có xe, nếu về muộn sẽ đưa em về.”
“…”
“Ngày mai? Ngày mai… không rảnh. Anh cũng biết đó, sắp phải làm luận án tiến sĩ, em đăng ký lớp Tiếng Anh buổi tối rồi.”
“…”
“Không đâu, tiếng Anh của em tệ lắm. CET-6 sao đủ?”
“…”
“Vậy đi, khi nào rảnh em nhất định sẽ gọi cho anh, được không?”
“…”
“Tạm biệt.”
Thái Hồng cúp máy, bất giác đưa tay lau mồ hôi. Ngoảnh đầu qua nhìn Quý Hoàng, mặt anh không chút biểu cảm.
Cô nhún vai: “Là một người bạn của tôi. Tôi không muốn anh ấy thấy bộ dạng mình hiện giờ.”
“Cô Hà, năm nay có một từ rất thịnh hành, đó là “ra vẻ ngầu”.”
Cô ngẩng mặt, cau mày: “Này, thầy không được trêu chọc tôi.”
“Hả?”
“Đừng quên là tính theo vai vế thì thầy là trưởng bối của tôi đó.”
“Thật sao?”
“Thầy là sư đệ của Quan Diệp, tôi là học trò của Quan Diệp, cho nên, thầy là sư thúc của tôi.”
Quý Hoàng mấp máy môi, rồi im lặng.
Giao thông dưới cầu vượt rất phức tạp, taxi chỉ có thể dừng ở bên kia đường, nhưng Quý Hoàng lại một mực đòi đưa Thái Hồng qua đường.
“Trời ơi, thầy Quý, thực sự không cần đâu. Nhà tôi ở ngay phía đối diện, tôi có thể tự sang đường được. Cảm ơn thầy đã đưa tôi về.”
“Nhớ là thấy đèn xanh rồi mới được qua đường đấy.”
“Tôi qua đường không bao giờ nhìn đèn.”
“Tại sao? Cô không sợ chết ư?”
“Thầy có biết không? Đối với con người, gông cùm lớn nhất không phải chủ nghĩa phụ quyền, cũng chẳng phải chế độ chính trị độc tài, mà là giao thông. Tin tôi đi, đây mới là gông cùm lớn nhất của xã hội hiện đại đối với nhân loại.”
“Cho nên cô không thèm nhìn đèn? Bởi vì… cô muốn giải thoát khỏi gông cùm ấy?”
“Đúng thế. Tôi tính toán khoảng cách và tốc độ của xe trước và xe sau, canh có chỗ trống vừa đủ là tôi đi qua. Trước giờ đều thế, chưa sai lần nào. Đây là kỹ năng cơ bản của một người dân thành thị.”
“Tôi là người dưới quê, chẳng trách tôi không hiểu.”
Nói dứt câu, anh bèn nắm lấy cánh tay cô: “Cô Hà, lần này để tôi sang đường với cô, cô có thể nhân nhượng một chút cho cảm giác an toàn của tôi không?”
Đến khi đèn xanh bật lên anh mới chịu buông tay.
Nhìn vẻ mặt nghiêm túc của anh, Thái Hồng không nén được, khẽ cười: “Thầy Quý, thầy là anh cả trong nhà đúng không?”
“Sao cô biết?”
“Khí chất toát ra từ người anh nói cho tôi biết.”
“Thế cô chắc chắn là con gái một rồi.”
“Sao anh biết?”
“Khí chất toát ra từ người cô nói cho tôi biết.”
“Khoa học đã chứng minh, con một hoặc là giống con cả hoặc là giống con út, anh nói tôi thuộc loại nào?”
“Con út.”
“Tôi… Tôi…” Cô đứng giữa đường giành cho người đi bộ hét lớn: “Tôi có chỗ nào giống con út hả?”
Cô chỉ một người ăn mày bên đường, hỏi: “Chú ơi, chú có thấy cháu giống con út không?”
Người ăn mày tròn mắt: “Cô gái à, cô cho tôi hai tệ tôi sẽ nói cho cô biết.”
Thái Hồng lấy ví tiền, đưa hai đồng xu cho ông ta.
“Không giống. Cô giống con cả.”
“Này, chú gạt cháu.”
“Bạn trai cô chắc chắn đồng ý với tôi.”
Mặt Thái Hồng chợt đỏ ửng: “Anh… anh ta không phải bạn trai cháu!”
“Sao không phải? Cô nghĩ tôi già nên mắt mũi kèm nhèm sao? Là một ăn mày giàu kinh nghiệm, tôi đã gặp bao người rồi cô biết không hả?”
Quý Hoàng ngồi xuống, đưa cho ông ta năm tệ, ân cần hỏi: “Chú, năm nay ở quê mất mùa à?”
“Ối mẹ ơi, tôi nói chú em nghe, chú tưởng tôi từ nông thôn ra sao? Tôi là người thành phố đấy, không giống sao?” Ông đưa một chân ra: “Giày tôi mang là giày da đấy!”
“Mùa đông sắp đến rồi, chú có nơi để ở không?”
“Thành phố lớn, thiếu gì chỗ để trú thân! Trạm xe lửa, bến xe khách, ga tàu điện ngầm, còn không nữa thì vờ lăn ra bất tỉnh để vào bệnh viện… Nói thật cho chú em biết, thành phố lớn là thiên đường của ăn mày đấy!”
“Chú ơi, chú ở đây cũng lâu rồi, có Cái Bang thật không?”
Thái Hồng hỏi.
“Không có. Tôi chỉ sợ quản lý thành phố thôi. Mà bây giờ đút chút tiền gọi là quản lý phí, họ cũng chẳng đến kiếm chuyện nữa.”
“Chú ơi, cháu thấy chú cũng khỏe lắm, thành phố lớn thế này có lẽ sẽ tìm được công việc gì đó để làm.” Quý Hoàng nói một cách nghiêm túc.
“Khỏe? Khỏe cái con khỉ! Tôi bị ung thư. Ung thư phổi giai đoạn cuối.”
Hai người giật nẩy mình, một lúc sau Thái Hồng mới định thần lại: “Không đúng, lần trước không phải chú nói chú bị ung thư gan sao?”
“Cô nghe nhầm rồi. Ung thư gan là bà xã của tôi, đã chết rồi.”
“Không phải lần trước chú nói người chết là con trai chú à?”
“Con trai tôi cũng chết rồi. Tôi là người già neo đơn!”
“Thế thím đưa cơm cho chú trưa nay là ai?”
Người ăn mày sững ra, nhất thời cứng họng, trợn mắt, xua xua tay: “Được rồi, được rồi, hai người mau đi đi, đừng có ở đây cản trở chuyện làm ăn của ông già này.”
Quý Hoàng đứng dậy, mỉm cười: “Chú bảo trọng! Chúc chú vui vẻ!”
Thái Hồng nhìn gương mặt anh, trái tim bất chợt loạn nhịp.
Không thể nào! Quý Hoàng cười rồi! Anh mỉm cười một cách chân thành nhưng không phải với cô, một nữ trợ giảng xinh đẹp của khoa Văn, mà là với một kẻ ăn mày tóc tai rối bù, răng ố vàng, mặt rỗ, toàn thân hôi hám…
Có cần vậy không, Quý Hoàng? Anh còn chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái, có cần phải tặng nụ cười tuyệt đó cho một gã ăn mày không hả?
Bỗng cô nhận ra tại sao anh chàng này rất ít khi cười. Một người đàn ông như anh không thể cười thường xuyên được. Quý Hoàng ơi là Quý Hoàng! Thái Hồng không ngừng được gào thét trong lòng, nụ cười mỉm của anh thực sự là nghiêng nước nghiêng thành!
“Nhìn không ra thầy Quý lại có hứng thú với ăn mày của thành phố đến vậy!” Lúc tạm biệt, cô buông một câu cảm thán.
“Mỗi ngày, mỗi người trên đời này đều đang kể câu chuyện của chính mình”, anh nói nghiêm túc. “Cô cũng không ngoại lệ, không phải sao?”
“Câu này sâu sắc quá, thầy Quý!” Cô phì cười, khóe mắt lấp lánh.
“Cô Quan có câu chuyện của cô Quan, Trần Vĩ Bình có câu chuyện của Trần Vĩ Bình, cô cũng có câu chuyện của cô”, anh nói. “Điều duy nhất chúng ta có thể làm là cố gắng không cản trở người khác kể chuyện, cũng không nên áp đặt câu chuyện của mình lên người khác.”
“Cái gì?” Cô tức giận nhảy cẫng lên. “Anh nghĩ tôi rảnh rỗi lo chuyện bao đồng sao?”
“Luận văn của cô là phân tích chủ nghĩa cấu trúc, đúng không?”
“Thế thì sao?”
“Đó là bệnh của những người theo chủ nghĩa cấu trúc.”
“Vậy còn anh? Anh theo chủ nghĩa gì?”
“Chủ nghĩa giải cấu trúc.”
“Vậy để tôi nói cho anh biết bệnh của người theo chủ nghĩa giải cấu trúc nhé!”
“Xin rửa tai lắng nghe.”
“Chúng ta sinh ra trong một thế giới đầy ắp các cấu trúc, nhưng lại ảo tưởng về việc lật đổ tất cả để xây dựng tất cả để tạo dựng cái mới”, cô nghiến răng nói. “Chúng tôi nghiên cứu cấu trúc, ít ra cũng biết được nơi nào có kẽ hở để lách qua. Còn anh? Anh là cả một thế hệ tuyệt vọng.”
Anh hờ hững nói: “Cô Hà, lật đổ để tạo dựng cái mới không khó như cô nghĩ đâu.”
Hai tuần tiếp đó, Thái Hồng xin nghỉ ốm. Tuần đầu mặt cô sưng như cái bánh bao, tím bầm, ngại gặp người khác. Đến khi mặt cô hết sưng, cô lại cảm nặng, nằm trong bệnh viện truyền nước ba ngày… Trong thời gian này, cô phải chấm bài của hai môn, Quan Diệp gọi điện nói đã giúp cô chấm xong rồi. Thái Hồng trở lại trường đúng lúc thi giữa kỳ, công việc bận rộn, nhân lực không đủ, chủ nhiệm khoa chỉ đích danh cô sang giúp Quý Hoàng chấm bài thi, nói rằng thầy Quý mới đến đã đảm nhiệm môn học đại cương, còn dạy lớp nghiên cứu sinh nữa, quá nhiều việc nên hy vọng cô giúp anh một tay.
Chấm bài thi của một trăm hai mươi sinh viên, có giải thích danh từ, hỏi đáp, còn thêm hai bài tiểu luận, đều yêu cầu phải có lời phê bình, nhận xét… đây quả thực là nhiệm vụ nặng nề, mà thời gian lại gấp rút. Suốt tám ngày, Thái Hồng miệt mài chấm bài, đến mức trời đất quay cuồng. Chấm xong, Thái Hồng cho bài thi vào hai túi lớn, hì hục mang lên lớp của Quý Hoàng. Anh chỉ buông một từ cảm ơn nhẹ bẫng, tựa như đây là phận sự của cô. Thái Hồng giận đến mức chỉ muốn cầm dao chém chết anh cho rồi.
Gửi xong bài thi, chẳng thèm nói câu nào, cô quay gót bỏ đi. Bỗng Quý Hoàng nói: “Cô Hà, cuối tiết học cô có thể đến lớp một chút không?”
Công việc mà, dù thế nào vẫn phải tỏ thái độ tích cực! Tuy từ nhỏ Thái Hồng được Minh Châu cưng chiều trở thành một đứa trẻ to xác nhưng cô vẫn hiểu rõ sự khác biệt giữa trong nhà và ngoài xã hội. Mới chân ướt chân ráo bước vào đời, lại không có bản lý lịch hoành tráng như tên họ Quý kia, nên dù có hận anh ta đến đâu cũng không dám tùy tiện nói “không”. Công việc ra công việc, cô chỉ còn cách hỏi với vẻ khách khí: “Đến một chút? Tại sao?”
“Tôi trả bài thi bây giờ, sợ rằng sinh viên có thắc mắc gì đó, cuối giờ học đích thân cô đến giải thích vẫn là tốt nhất.”
Lý do này cũng chấp nhận được. Hơn nữa, giọng điệu của thầy Quý cũng hòa nhã.
“Chuyện đó… được thôi.” Thái Hồng mở to đôi mắt thâm quầng, giả vờ do dự một chút, ít ra cũng để anh biết rằng cô không phải người dễ bị bắt nạt. “Tôi không muốn khi hết tiết lại phải quay lại, hay là tôi ngồi trong lớp học đợi luôn vậy.”
“Cũng được, nếu cô muốn.”
Cô ngồi ở dãy bàn cuối của giảng đường, cả tiết học chả có chữ nào lọt vào tai, cô gật gà gật gù trên bàn, chỉ mười phút sau đã thiếp đi.
Khi giờ học sắp hết, cô giật mình tỉnh dậy, có ba sinh viên đang đứng đợi cô.
Cô nhanh chóng giải quyết vấn đề của hai người đầu tiên. Người cuối cùng là một cậu sinh viên dáng người nhỏ nhắn, mặc quần áo thể thao hiệu Nike, dáng vẻ rất lạnh lợi. Cậu lấy bài thi của mình ra, chỉ vào một câu hỏi trong đó, nói: “Cô ơi, những ý chính trong câu này em đều trả lời hết, tổng số điểm của câu này là hai mươi, tại sao cô chỉ cho em mười điểm thôi?”
Cô cầm bài thi lên em xét, giải thích: “Ý chính đúng là đầy đủ, nhưng em phân tích còn thiếu, dẫn chứng cũng không toàn diện. Câu trả lời thế này chỉ đạt mười điểm thôi.”
“Nhưng bạn em cũng trả lời giống em mà cô lại cho nó mười tám điểm, như vậy là không công bằng.” Biết Thái Hồng là giáo viên mới, giọng điệu của cậu ta liền trở nên gay gắt: “Cô giáo, năm học trước em là học sinh ưu tú, đạt được học bổng cao nhất của khoa. Em đã tốn rất nhiều công sức vào môn này, học hành rất nghiêm túc, em nghĩ cô phải cộng cho em tám điểm nữa.”
Tính toán chi li, so đo thiệt hơn đến cỡ này đúng là ác mộng của giáo viên đứng lớp.
Thái Hồng tiếp chiêu rất sắc sảo: “Em nói vậy nhưng không có chứng cớ. Em nói cô cho bạn ấy mười tám điểm, đưa bài thi cho cô xem.”
Quả nhiên có chuẩn bị trước, cậu ta lấy từ trong ba lô ra một bài thi khác: “Cô xem đi.”
Cô đọc lại thật kỹ, quả nhiên câu trả lời của người đó tương tự của cậu sinh viên này, phân tích có kỹ hơn một chút nhưng cũng không đáng được mười tám điểm, chỉ đáng được mười lăm điểm thôi. Cô cũng chẳng hiểu tại sao mình lại cho điểm hai bài thi có đáp án tương tự nhau số điểm cách biệt đến thế, có lẽ khi chấm đến mấy bài cuối, tâm trạng bực bội, không tránh khỏi chấm điểm thẳng tay hơn.
“Thế này đi, cô cộng cho em thêm hai điểm.” Cô nói rồi lấy bút đỏ ra.
Nào ngờ cậu ta giật phắt bài thi, rất bình tĩnh nói: “Không phải như thế, cô giáo. Đáp án của em với bạn ấy giống nhau, em cảm thấy cô cũng phải cho em mười tám điểm mới đúng!”
Cô bực bội, ngẫm nghĩ nhức cả đầu, không biết phải làm sao, đành nói: “Chuyện này… Sửa điểm thì được, nhưng phải có sự đồng ý của giáo viên đứng lớp. Em đợi chút, cô đi hỏi thầy Quý.”
Cô bước nhanh đến bục giảng, kể tóm tắt sự việc cho Quý Hoàng nghe.
“Uhm…” Anh cầm lấy bài thi của hai người liếc sơ qua, nói với cậu sinh viên kia: “La Tiểu Hùng, mời em qua đây.”
“Cậu Trịnh Kiến Đô này rất tốt nhỉ! Rất hào phóng cho em mượn bài thi của mình.”
“Đúng vậy. Cậu ta là bạn tốt của em mà.”
“Phiền em gọi cậu ta đến đây một lát được không?”
Một cậu sinh viên cao ráo đi từ bên kia sang, vừa đi vừa lắc lư, trông y như dân chơi rock.
Hà Thái Hồng biết cậu ta, cậu ấy đăng ký môn Văn học đương đại, nhưng không bao giờ đến lớp, nghe nói thành tích rất tệ.
“Trịnh Kiến Đô, La Tiểu Hùng nói bài thi này chấm điểm không công bằng. Bài thi này có phải em cho cậu ta mượn tham khảo không?”
“Dạ đúng… Cậu ấy muốn xem thì em cho xem thôi.”
Thoáng im lặng, Quý Hoàng nói: “Tôi đã xem kỹ câu trả lời của hai em, đúng là rất giống nhau, chỉ đạt mười điểm.” Anh lấy bút đỏ ra sửa tổng điểm của Trịnh Kiến Đô, trừ đi tám điểm, mấy câu khác, Trịnh Kiến Đô trả lời rất tệ, bài thi của cậu ta vốn chỉ đạt sáu mươi hai điểm, nay bị đánh rớt.
Sửa xong, Quý Hoàng ném bút đỏ lên bàn, nói: “Cô Hà, nhờ cô sửa lại bảng điểm một chút. Hai em còn câu hỏi nào nữa không?”
“Không… Không ạ.”
Thái Hồng há hốc miệng kinh ngạc, hai cậu sinh viên kia cũng vô cùng sửng sốt, bực bội quay về chỗ ngồi, tức thì vang lên tiếng cãi cọ ầm ĩ.
“Thầy Quý!” Thái Hồng thấp giọng nói. “Làm vậy có ác quá không?”
“Không.” Quý Hoàng lạnh lùng nói. “Tôi phải cho cậu ta biết hậu quả của việc bán đứng bạn bè là như thế nào!”