Đinh Thường Y và lão giả đã đi trước, biến mất sau một tòa giả sơn.
Đường Khẩn và Hứa Cát đang đứng ngây người ra thì chợt nghe có người thấp giọng gọi:
– Ê! Bên này! Bên này!
Chỉ thấy một người ăn mặc như gia đinh đang vẫy tay ra hiệu, rồi chạy ra một góc vườn. Đường Khẩn và Hứa Cát vội vàng đuổi theo, chẳng mấy chốc đã thấy một cánh cửa bán nguyệt, bên ngoài có bốn đại hán và hai cỗ kiệu lớn đang đứng đợi.
Chỉ nghe từ bên trong cỗ kiệu thứ nhất truyền ra thanh âm thấp trầm của Đinh Thường Y:
– Nhanh! Lên đi!
Hứa Cát ậm ừ một tiếng, cùng Đường Khẩn nhanh chóng chui vào cỗ kiệu thứ hai.
Hai người ngồi ép sát vào nhau, sát đến mức có thể nghe thấy cả tiếng thở của đối phương nữa.
Bọn họ vừa vào trong kiệu thì cỗ kiệu liền được nhấc lên, lắc lư lắc lư tiến về phía trước.
Bên trong kiệu, Đường Khẩn và Hứa Cát nghe thấy rất nhiều âm thanh hỗn loạn, tiếng bước chân, tiếng vó ngựa, tiếng hò hét, còn có tiếng người đang tranh chấp, cãi nhau, tiếng trẻ con khóc ...
Hai cỗ kiệu đột nhiên dừng lại.
Phía trước có người quát hỏi:
– Hê! Trong kiệu là ai! Ta phải kiểm tra!
Lại nghe một người khác lên tiếng ngăn lại:
– Ê! Ngươi không nhìn thấy đây là kiệu của Cúc Hồng Viện à? Bên trong nhất định là cô nương của Cúc Hồng Viện rồi, hí hí ...
Người phát thoại đầu tiên liền đổi giọng khinh nhờn, cợt nhả nói:
– Ồ, bên trong là vị cô nương nào vậy?
Chỉ nghe đại hán khiêng kiệu nói:
– Đây là kiệu của Mẫu Đơn cô nương.
Hai gã chặn đường nghe xong đều như có vẻ sợ hãi, vội rối rít nói:
– Không biết là kiệu của Mẫu Đơn cô nương, đắc tội, đắc tội! Mời đi qua!
Nói đoạn liền nhường đường cho hai cỗ kiệu đi qua.
Đường Khẩn toát mồ hôi lạnh đầy người, ẩn ước nghe hai tên phía sau thấp giọng nói với nhau:
– Mẫu Đơn cô nương đó ... cô ta không phải rất thân với Lỗ đại nhân của chúng ta sao ...
– Đứng nói lớn thế, ngươi chưa từng thấy thủ đoạn của Lỗ đại nhân à?
Đường Khẩn khẽ vén màn kiệu nhìn lại, chỉ thấy tên quan binh nói trước le lưỡi lắc đầu, không dám nói thêm gì nữa.
Hai cỗ kiệu tiếp tục đi, bỏ lại hai gã quan binh ở phía sau, đến một tòa phủ đệ rất sang trọng. Trước cửa giăng đèn kết hoa, bên ngoài vang tiếng oanh yến lả lơi mời gọi.
Tuy Đường Khẩn trước giờ đều sống trong Tống Khê trấn, nhưng cũng chưa biết qua tòa kỹ viện lớn nhất của huyện Thanh Điền này ở đâu.
Gã cũng không thể nào ngờ rằng mình vừa ra khỏi lao ngục đã bước ngay vào kỹ viện.
Bốn đại hán khiêng kiệu đi thẳng vào Cúc Hồng Viện, lũ tú bà và quy nô cũng không chạy đến ngăn cản.
Hai cỗ kiệu đi thẳng một mạch lên trên cầu thang, lên đến hành lang trên tầng ba mà bốn đại hán khiêng kiệu vẫn không đỏ mặt, hơi thở điều hòa, hiển nhiên đều là cao thủ có cơ sở nội công rất vững chắc.
Đến đây Đường Khẩn mới có thể lờ mờ đoán được, những người này tưởng tất đều đến từ một tổ chức bang hội nào đó, bình thường mỗi người đều có nghề nghiệp riêng của mình, từ kiệu phu, người làm thuê, đến phong trần nữ tử tùy theo năng lực và sở trường, nhưng ai ai cũng đều thân hoài tuyệt kỹ. Lần này bọn họ đến vốn là để cứu Quan đại ca, không ngờ Quan đại ca lại vì một phút nhân từ mà bị tặc tử ám hại. Nghĩ đến đây, bất giác máu nóng nổi lên phừng phừng.
– - Lũ cẩu quan! Lũ sai dịch mượn thế hiếp người! Bọn chúng đều không có tư cách chấp pháp!
Kiệu đi đến hành lang thì liền chia làm hai hướng, cỗ kiệu của Đinh Thường Y đi sang hướng đông, phòng nào phòng nấy đều sặc mùi phấn hương, hoa lệ phi phàm, còn cỗ kiệu Đường Khẩn và Hứa Cát đang ngồi thì ngoặt sang hành lang phía tây, nơi đây chỉ có mấy gian phòng nhỏ, nhưng rất thanh nhã, sạch sẽ.
Cỗ kiệu được khênh vào tận trong phòng.
Hứa Cát gật đầu với Đường Khẩn một cái, vén màn bước ra.
Chỉ thấy hai đại hán khênh kiệu, thần tình thập phần nôn nóng, một người nghẹn ngào hỏi:
– Quan đại ca ... huynh ấy ... thật đã ...?
Hứa Cát khó khăn lắm mới mở miệng được:
– Đại ca ... bị tặc tử ám toán!
Đại hán kia lập tức lộ vẻ kiên quyết, rút Ngưu Nhĩ Tiêm Đao, định đi ra khỏi phòng. Đại hán râu xồm còn lại liền đưa tay chộp lấy y, thấp giọng quát:
– Ngươi định làm gì vậy?
Đại hán kia liền nghiến răng đáp:
– Đêm nay tên cẩu quan họ Lý kia sẽ đến đây tầm lạc, hắn hại chết đại ca, ta đi cho hắn một đao.
Đại hán râu xồm quát:
– Lão lục, Lý Ngạc Lệ võ công cao cường thế nào chẳng lẽ ngươi còn không biết?
Đại ca còn chưa chắc đã là đối thủ của hắn, ngươi nóng nảy hành sự chỉ hại tất cả mọi người mà thôi!
"Lão lục" cười lạnh nói:
– Lão bát, ngươi không dám thì không cần đi!
Hứa Cát vội nói:
– Lục ca, không thể đi. Đại ca đã không còn, chúng ta nhất nhất đều phải nghe theo lệnh của Đinh tỷ hành sự, huynh không còn nhớ bang quy hay sao? Lý Ngạc Lệ chỉ dẫn tên cẩu quan họ Lỗ kia đến thôi chứ chưa chắc gì hắn đã đến, huynh làm sao mà hạ thủ được?
"Lão lục" nghe xong, liền cúi đầu không nói.
Hứa Cát liền giới thiệu Đường Khẩn với họ:
– Vị này là Báo Tử Đảm Đường Khẩn, là huynh đệ cùng chung hoạn nạn với đại ca ở trong lao ngục.
Đường Khẩn chắp tay chào hai đại hán:
– Đa tạ ân cứu giúp của hai vị.
Hai người vừa nghe Đường Khẩn là người cùng chung hoạn nạn với Quan Phi Độ trong lao ngục, thái độ đối với Đường Khẩn liền trở nên tôn trọng hơn. Lão bát cung tay nói:
– Ta họ Kê, huynh cứ gọi ta là Kê lão bát được rồi.
Lão lục cũng nói:
– Vừa nãy ta nhất thời nóng giận, mong Đường huynh đệ chớ trách. Ta họ Vạn, cứ gọi ta là Vạn lão lục.
Đường Khẩn vội nói:
– Hai vị đại ca nghĩa bạt vân thiên, cái chết của Quan đại ca quả thật khiến người người đều bi phẫn, Đường mỗ chỉ có kính phục, nào dám trách móc gì hai vị.
Lúc này, có hai nữ tỳ xinh xắn, trông có vẻ lanh lợi bưng hai chậu nước nóng bước vào phòng, đổ thêm vào bồn nước đặt ở nội thất, trong nước còn có lá thơm và cánh hoa, định rửa mặt, lau người cho bọn Đường Khẩn. Kê lão bát, Vạn lão lục dường như không quen để người ta phục vụ, liền nói:
– Thôi, thôi ... chúng ta ra phía sau tự làm cũng được.
Nói xong liền bước ra ngoài, trong phòng giờ chỉ còn lại Hứa Cát và Đường Khẩn.
Đường Khẩn thấy hai nữ tử này định đến giúp mình thay quần áo, hết sức ngại ngùng, không biết làm sao mới tốt, Hứa Cát liền mỉm cười nói:
– Các người ra ngoài đi!
Hai nữ tỳ liền để lại chậu nước nóng rồi lui ra ngoài.
Hứa Cát dùng tay ra hiệu, bảo Đường Khẩn đến lau mặt, tự mình cũng bước đến vốc nước lên rửa mặt.
Đường Khẩn lau mặt, rồi trầm mình vào trong bồn nước rửa sạch hết những đất bẩn bám trên người sau mấy tháng ngồi trong lao ngục. Hứa Cát cười nói:
– Huynh phạm phải tội gì? Không ngờ lại được ra nhanh như vậy đúng không?
Đường Khẩn thở dài một tiếng.
Hứa Cát vội hỏi:
– Sao vậy? Có phải tôi đã nói sai gì không?
Đường Khẩn thở dài than:
– Hứa huynh nói chẳng sai chút nào, nếu không phải mọi người cứu thoát, thật không biết năm nào tháng nào tôi mới được nhìn lại ánh mặt trời nữa.
Hứa Cát nói:
– Như vậy thì đúng rồi. Đáng lẽ Đường huynh nên cao hứng chứ, tại sao lại thở ngắn than dài làm gì?
Đường Khẩn nói:
– Tôi thì đã ra khỏi đó, nhưng những huynh đệ cùng bị bắt với tôi đều là người vô tội, có người đã chết, cũng có người vẫn còn bị giam trong đó ...
Hứa Cát trầm mặc hồi lâu, rồi vỗ vai Đường Khẩn nói:
– Có lẽ đến một ngày nào đó thực lực của chúng ta đủ mạnh, thì có thể thưởng thiện phạt ác, phóng thích những người vô tội.
Đường Khẩn cười khổ, người trong lao ngục nhiều như vậy, cũng không biết ai là kẻ tốt thực sự hay ai là người có tội, cho dù là có thể phá được lao ngục đi chăng nữa, e rằng sau đó cũng không biết phán quyết thế nào.
Đường Khẩn cũng vỗ vai y nói:
– Các vị ở đây là ...
Hứa Cát cười cười nói:
– Thì kỹ viện chứ còn là gì nữa.
Đường Khẩn vẫn hỏi:
– Các vị là ...
Hứa Cát:
– Tạp vụ trong kỹ viện!
Y thấy Đường Khẩn ngây người ra, liền mỉm cười nói tiếp:
– Những người này vốn là người trong một tổ chức, có người làm kiệu phu, có người làm tiều phu, có người lại tàng thân trong kỹ viện. Ở trong cái thời loạn thế đầy sài lang hổ báo này, bọn họ phân tán ra khắp nơi. vì bách tính mà làm một số việc nhỏ ... Tổ chức này tên gọi là Vô Sư Môn, không có sư phụ, mà chỉ có một vị đại ca, chính là Quan Phi Độ Quan đại ca ...
Đường Khẩn nghe ngữ khí của y liền hỏi:
– Huynh với bọn họ là ...
Hứa Cát nhoẻn cười, để lộ ra hàm răng trắng và đều tăm tắp:
– Tôi là người mới được đại ca dẫn tiến vào Vô Sư Môn.
Đường Khẩn ồ lên một tiếng, nói:
– Quan đại ca nhất định rất tốt với các người rồi?
Hứa Cát nói:
– Nào chỉ có tốt không thôi, tôi nghe các huynh đệ nói, nếu như không có đại ca và Đinh tỷ thì mọi người sớm đã bị lũ tham quan ô lại ép đến không còn chỗ chôn thây rồi, làm sao học được một thân bản lĩnh như ngày nay.
Đường Khẩn không nhịn được hỏi:
– Vị Đinh tỷ đó ...
Hứa Cát mỉm cười:
– Đinh Thường Y, Đinh tỷ tỷ.
Hứa Cát lại nói tiếp:
– Huynh yên tâm, Đinh tỷ tuy là bậc nữ lưu, song tỷ ấy còn kiên cường hơn lũ nam tử hán chúng ta rất nhiều, sẽ không có chuyện gì đâu.
Sau đó lại nói:
– Ta ra ngoài có chút việc, huynh ở đây không được loạn động, nơi này náo tạp, người lại đông, tránh gây phiền phức là hay nhất.
Đường Khẩn khẽ gật đầu, Hứa Cát liền đứng dậy đi ra khỏi phòng.
Đường Khẩn tắm rửa xong liền thay y phục, bước ra ngoài lan can nhìn xuống dưới, chỉ thấy gió lạnh nhè nhẹ táp vào mặt, tịch dương như họa, khung cảnh đẹp mê hồn, xa xa có thể thấy từng đàn chim đang quay về tổ, biển mây bồng bềnh, gần có thể thấy thược dược khoe sắc, sen xanh tỏa hương. Phóng mắt nhìn ra xa, có thể nhìn đến tận thành môn. Cổng thành phòng thủ thập phần thâm nghiêm, dường nhưng đang xếp đội binh mã để chuẩn bị nghi thức đón tiếp một nhân vật quan trọng nào đó.
Đường Khẩn đang buồn bực trong lòng, chợt nghe một tiếng "vù" nhẹ, Đường Khẩn vội quay người lại, tựa hồ như có vật gì vọt qua trước mắt, rồi lập tức biến mất, tựa như chưa bao giờ từng tồn tại vậy.
Đường Khẩn ngỡ mình bị hoa mắt, nhưng trong một sát na đó, đích thực đã có người vừa lướt qua sau lưng gã.
Gã ngẩn người. Dưới lầu vẫn truyền lên tiếng đùa cợt, tiếng chúc rượu, tiếng cười nói râm ran.
Nhưng gã vẫn khẳng định vừa nãy thực sự đã liếc thấy bóng người.
Bất quá cảm giác này rất kỳ quái, rõ ràng là đã nhìn thấy có người vọt qua, nhưng hình dạng của người này phảng phất như không hoàn toàn, giống như thấy một con chim không có cánh, một bông hoa không màu sắc vậy.
Gã nghĩ ngợi giây lát, bất giác thò đầu ra quan sát.
Không có người.
Nhưng gã đã nhìn thấy những gian phòng cao nhã, hoa lệ bên hành lang phía đông.
Đường Khẩn quay trở về phòng, tịch dương như dán lên khung cảnh một tấm giấy cũ lâu năm ngả ố vàng. Đường Khẩn đột nhiên nghĩ đến Đinh Thường Y. Đinh Thường Y vận tử bào phất phơ, mệt mỏi và đầy phong trần. Đường Khẩn thấy nàng đang đứng trước mặt mình, liền đưa tay lên dụi mắt, mới biết là ảo giác.
Gã có thể dụi đi ảo giác, nhưng không thể dụi đi được hình ảnh tận trong sâu thẳm trái tim con người, phảng phất như là Đinh Thường Y vẫn còn đứng đó vậy. Cảm giác này hòa lẫn với tiếng cười đùa lả lơi dưới lầu, giống như là tiếng than van oán hờn của một nữ tử đã quen với tuế nguyệt vô thường ở trong cuộc đời đầy thị phi này vậy.
Đường Khẩn cảm thấy chỉ cần gã nghĩ ngợi là không thể nào ngăn được bản thân tiếp tục nghĩ về nàng.
Đinh Thường Y đẹp tựa một đóa mẫu đơn nở rộ về đêm, nhưng lại mờ mờ huyền ảo như sương khói, phiêu hốt bất định. Quan hệ của nàng và Quan đại ca thế nào? Quan đại ca chết rồi, nàng nhất định rất thương tâm? Hiện giờ nàng đang làm gì, hiện giờ nàng đang ở đâu?
Đường Khẩn nghĩ đến đây, không tự chủ được đứng dậy đi đến nhà phía đông.
Lúc này mặt trời đã dần dần ngã về tây, chiếu những tia nắng ấm áp lên mái hiên, nóc nhà, cột nhà ..., tạo nên một cảm giác phong trần, người cũng trở nên lười nhác hơn.
Đường Khẩn đi qua ba bốn căn phòng, đều nghe thấy những tiếng ca hát, tiếng chúc rượu, tiếng cười đùa cợt nhả dâm đãng, trong lòng bất giác thấy loạn lên, đi qua mấy gian phòng mà không biết đó là gian nào.
Lúc này, chợt có tiếng "ý ", một cánh cửa phòng bật mở.
Đường Khẩn cảm thấy gã như bị người ta nhìn soi mói, trong lòng khẽ hoảng, liền lui bước dựa lưng vào một cánh cửa khác, nhưng do tâm loạn nên đã dụng lực hơi mạnh, cánh cửa đột nhiên bị đẩy vào, cả người gã liền lọt luôn vào căn phòng đó.
Đường Khẩn bị vấp vào trong phòng, nhất thời cũng cảm thấy kinh hãi, chỉ thấy trong phòng bày bố thập phần thanh nhã, u hương nức mũi, hiển nhiên là khuê phòng của nữ tử. Đường Khẩn đang định rời khỏi thì dường như nha đầu ở căn phòng đối diện nghe thấy gì đó, thò đầu ra nghe ngóng. Đường Khẩn vội lui trở lại vào trong gian phòng đó.
Đường Khẩn đợi một lát để cho nha đầu đó đi khỏi, đang định rời khỏi thì chợt nghe thấy tiếng khóc từ bên trong vọng ra.
Thanh âm này vừa lạ lùng lại vừa quen thuộc, dưới sự thúc động của tính hiếu kỳ, Đường Khẩn tiến dần vào bên trong. Căn phòng này được bố trí rất đặc biệt, càng vào trong lại càng rộng rãi, sau tấm bình phong màu đen tịnh nhã, hãy còn một lớp màn dày nữa.
Đường Khẩn cảm thấy nghe lén tư sự của người khác như vậy dường như có phần không thỏa đáng, đang định đằng hắng một tiếng để báo hiệu thì nghe thấy một thanh âm vừa thê lương vừa thấp trầm, tựa hồ như đang đem tất cả đau thương tích tụ lại thành những mũi tên băng giá đâm vào tim mình vậy.
– Quan đại ca, huynh chết rồi, bảo muội phải làm sao đây? Huynh chết rồi thì được tiêu dao tự tại rồi, còn muội thì sao đây? Không phải chúng ta đã nói rồi sao, ai cũng được chết trước cơ mà! ...
Đường Khẩn nghe đến đây thì chấn động tâm thần, rõ ràng là tiếng nói của Đinh Thường Y.
Lúc này lại nghe thấy Đinh Thường Y run giọng nói:
– ... Huynh để lại tàn cục này cho muội, huynh thật không công bằng, muội không muốn quản nữa. Huynh còn sống, muội giúp huynh liệu sự, nhưng giờ huynh chết rồi, muội phải làm gì đây? Huynh thường bảo các huynh đệ phải chịu đựng, bằng mọi giá phải sống cho tốt, nhưng tại sao huynh lại chết trước? Huynh chết rồi ... muội, muội cũng muốn cùng đi với huynh! Đại ca ... huynh hãy chậm bước ... đợi muội với ...!
Thanh âm hết sức quyết đoán! Đường Khẩn cả kinh, vội bất chấp tất cả, hô lên một tiếng, xông vào bên trong.
Gã liếc thấy Đinh Thường Y đang cầm cây kéo sắc, chỉ vào cổ mình.
Đường Khẩn hét lớn một tiếng:
– Đinh cô nương, không thể được ...
Bởi vì xông vào quá mạnh, nên cả người bị cuốn vào trong tấm màn dày, nhưng vì gã vẫn cố sức xông về phía trước nên cả tấm màn liền bị giật tung xuống đất.
Đường Khẩn lao đến trước mặt Đinh Thường Y, hai tay vẫn bị tấm màn quấn lấy, nhất thời không rút ra được để đoạt lấy cây kéo trên tay nàng.
Chỉ thấy Đinh Thường Y thân vận nội y trắng toát, tóc xõa ngang vai, tư thái u buồn lại càng tăng thêm vẻ diễm lệ tuyệt trần, tuy rằng nhãn thần của nàng hơi có chút kinh hãi và phẫn nộ, song vẫn hết sức bình tĩnh.
Đường Khẩn thấy vẻ đẹp của nàng, ngây người ra trong giây lát, lòng càng thêm đau, gấp giọng nói:
– Đinh cô nương, nàng không thể chết, nàng không thể chết ...
Vừa nói gã vừa giãy dụa hòng thoát ra khỏi tấm màn, sức lực gã mạnh như trâu mộng, giãy dụa một hồi thì tấm màn liền bị rách ra, song càng rách tấm màn càng quàng chặt vào người gã, trùm lên mặt gã, cả miệng cũng bị che lấp, nhất thời nói không ra tiếng.
Khó khăn lắm gã mới giật được tấm vải ra khỏi mặt, đang định lên tiếng. Đinh Thường Y cũng không nhịn nổi mỉm cười một cái.
Nụ cười này dường như đã làm khiến mọi u buồn tan biến đi, cả tấm kính, bàn trang điểm và tấm áo lam treo sau lưng cũng sáng bừng lên.
Đôi môi nàng vừa hồng vừa mọng như mật hoa phụng tiên, mặt trắng như tuyết, đôi lông mày cong vút như trăng đầu tháng, Đường Khẩn cũng không cầm được nhìn đến như si như dại, quên cả gỡ bỏ tấm màn đang vướng vào người.
Trên mặt Đinh Thường Y như được phủ một lớp sương mỏng:
– Ngươi đến đây làm gì?
Đường Khẩn ngạc nhiên nói:
– Nàng không phải muốn tự sát ...?
Mục quang gã chợt liếc thấy mấy lọn tóc rơi trên bàn.
Đinh Thường Y không nhịn được nhoẻn miệng cười, cắn môi nói:
– Đi ra ngoài!
Đường Khẩn giật mạnh tấm màn ra khỏi người nói:
– Xin lỗi, ta ngỡ là cô nương muốn ...
Nói đoạn quay người bước ra ngoài.
Đinh Thường Y đột nhiên gọi giật lại:
– Nói cho ta biết, ngươi quen biết Quan đại ca vào lúc nào? Huynh ấy ... huynh ấy sống trong đó có tốt không?
Đường Khẩn quay đầu lại nhìn, ngoài cửa vầng tịch dương chiếu trên các mái hiên, có một cây không biết thuộc loại nào đang rì rào trong gió, mấy chú chim không tên đang hót vang chào hoàng hôn.
Gã liền cảm khái nói:
– Quan đại ca, huynh ấy vừa vào lao ngục, thì những người ở trong đó liền như có cứu tinh. Cô nương không biết chứ, trước giờ mấy tên cai ngục trong nhà lao đó thường thích làm gì thì làm, ngang tàng vô lối. Có một lần, bọn chúng dùng một loại hình cụ hết sức dã man, bẻ gãy từng ngón tay của Vi lão gia, nhưng đại ca đã kịp thời phá nhà lao xông ra, cô nương nói kết quả thế nào ...?
Hai mắt Đinh Thường Y sáng lên:
– Thế nào?
Đường Khẩn vỗ đùi:
– Đại ca ba quyền bốn cước đã đánh ngã mấy tên tàn ác vô nhân đạo đó, sau đó dùng thứ hình cụ để bẻ ngón tay kia, bẻ từng chiếc răng của chúng! Cô nương nói xem đại ca nói thế nào? Đại ca nói:
các người hại người mà cao hứng như vậy, lần này ta để các ngươi nếm thử mùi vị bị người khác hại xem thế nào! Nguyên khí của đại ca dồi dào, vừa lên tiếng thì toàn bộ huynh đệ trong nhà lao đều nghe thấy, không ai là không vỗ tay khen hay!
Đinh Thường Y bất giác cũng thấp giọng hô một tiếng:
– Hảo!
Đường Khẩn thấy Đinh Thường Y có vẻ hứng thú như vậy, liền kể thêm mấy chuyện anh hùng của Quan Phi Độ trong nhà lao. Quan Phi Độ ở trong nhà lao tuy là hổ lạc bình nguyên, nhưng vẫn không ngừng hành hiệp trượng nghĩa, ra tay cứu giúp kẻ yếu.
Đường Khẩn càng nói càng hăng, gọi hai chữ "đại ca" hết sức thân thiết, phảng phất như gã thực sự đã thành một lão huynh đệ sinh tử hoạn nạn bên cạnh Quan Phi Độ vậy, vừa nói vừa ưỡn ngực, nói đến mức quên cả bản thân mình là ai nữa.
Đinh Thường Y cũng nghe hết sức chăm chú, thỉnh thoảng còn mỉm cười, có lúc lại đưa tay lên chấm nước mắt.
Bên ngoài vầng thái dương ngả dần về phía tây, trời đã ngã dần về đêm.
Hai người trong phòng vẫn một nói, một nghe, hết sức chăm chú.
Chỉ là vị anh hùng trong những câu chuyện anh hùng đó cũng giống như trăng sao trên bầu trời kia vậy, dù có anh hồn, nhưng cũng chỉ có thể lấp lánh mà thôi.