Trạng thái tinh thần của Mễ Trị Văn càng khiến Na Lan không hiểu ra sao. Lão nói rặt những chuyện hão huyền, là biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt thật, hay là những lời bịa đặt đã được thiết kế tỉ mỉ? Lão có thể nói ra tâm tư của cô, rằng thâm tâm cô có ý nghĩ chấm hết cuộc đời tội lỗi của lão; thậm chí lão biết cả động cơ ban đầu thúc đẩy cô theo học tâm lý tội phạm… lão là con bệnh tâm thần phân liệt cực thông minh.
Kỳ cục nhất là tại sao lãi phải chơi cái trò chế chữ đoán chữ? Tại sao lão muốn cô tham dự?
Riêng điều này thì Na Lan không hề nghi ngờ, từ đầu đến chân Mễ Trị Văn toát ra toàn tà khí! Có lẽ cách đối xử nhân đạo nhất, đối với lão là đưa vào bệnh viện cao cấp điều trị thật kỹ càng thật chuyên nghiệp, còn đối với những nạn nhân từng bị lão xâm hại là tống lão vào ngục tối vĩnh viễn.
Ra khỏi buồng bệnh, câu đầu tiên Na Lan nói với Ba Du Sinh là, “Ai bảo lãnh cho lão được điều trị ở ngoài?”
“Tôi!” Một giọng nữ thản nhiên vang lên phía sau Na Lan.
Người ấy ngồi trên xe lăn. Làn da nõn nà với suối tóc đen dài buông xuống cùng ánh mắt trong veo. Một vẻ đẹp lạnh lùng thanh cao.
“Cô không ngờ chứ gì? Tôi là Hồng thái úy của ông ta.”
Na Lan ngẩn người một lúc mới nhớ ra điển cố “Hồng thái úy lỡ sổng yêu ma” trong truyện Thủy Hử. “Yêu ma” là một hình dung rất phù hợp để ví với Mễ Trị Văn tuổi tác như hiện nay. Na Lan sợ mình nhầm, bèn trố mắt nhìn kỹ đến mức gần như bất lịch sự, cuối cùng reo lên, “Ôi, cô gai1o Đổng Bội Luân! Em xin lỗi, đọc tài liệu chưa kỹ. Em không biết là cô.” Na Lan vốn định kêu ca về chuyện người đứng ra bảo lãnh dù người đó là ai, nhưng bây giờ cô không thể nói gì được.
Thực ra cô đọc tài liệu rất kỹ. Cách đây ba năm Mễ Trị Văn cưỡng bức Đổng Bội Luân, tuy không thành nhưng khiến chị ta bị thương nặng, lão bị kết án tù chung thân.
Thế mà bây giờ chính cô giáo này lại bảo đảm cho lão được điều trị ngoại trú!?
Đúng là truyền kỳ mạn lục chân thực nhất mà Na Lan từng nghe!
Na Lan ngoảnh lại nhìn Ba Du Sinh, ngụ ý, sao anh không sớm cho em biết? Trong các tư liệu mà Ba Du Sinh đưa cho cô, họ tên người bảo lãnh đã bị xóa đi.
Ba Du Sinh ho khan một tiếng, vẻ mặt anh không lúng túng không trách móc và không thanh minh gì cả. Chắc hẳn Đào Tử, cô bạn chung phòng với cô sẽ nhận xét đây là một người rất “đàn ông”. Đổng Bội Luân đã nhận ra ánh mắt và đôi mày nhíu lại của Na Lan. “Rốt cuộc tôi đã gặp được em rồi! Tôi cứ mong mãi.” Chiếc xe lăn chạy điện của chị từ từ nhích lên. Lúc này Na Lan mới nhận ra phía sau chiếc xe lăn còn có một bác sĩ cao tuổi.
Na Lan bước lại bắt tay Đổng Bội Luân, những ngón tay thon dài, mềm mại, giá lạnh. Chị ta nở nụ cười khó hiểu. “Chính tôi muốn đội trưởng Ba Du Sinh giữ kín họ tên người bảo lãnh. Chẳng phải tôi muốn tỏ ra bí hiểm, mà chỉ vì tôi muốn chính mình nói cho em biết.”
“Vâng. Vậy em muốn hỏi tại sao cô lại bảo lãnh cho lão?” Theo các tư liệu Ba Du Sinh đưa cho Na Lan thì Mễ Trị Văn không còn cha mẹ, sống một mình, không ai thân thích, lẽ ra sẽ không có ai chủ động bảo lãnh cho lão được điều trị ở ngoài. Bởi vậy cô vẫn rất nghi hoặc, ai đã làm việc đó, và động cơ của người ấy là gì? Hóa ra, người đảm bảo cho một tên tội phạm cưỡng dâm như Mễ Trị Văn lại chính là nạn nhân của lão!
Đổng Bội Luân không trả lời ngay, chị đăm đăm nhìn Na Lan hồi lâu rồi mới nói, “Tôi dường như nhìn thấy chính mình năm xưa.”
Có nên sửng sốt khi được so sánh với tuyệt thế giai nhân này không? Na Lan gần như muốn lớn tiếng phản đối hai chữ “năm xưa”, bà chị chẳng qua chỉ hơn tôi vài tuổi chứ mấy! Nhưng kinh nghiệm làm về tâm lý hơn một năm qua khiến cô nhanh chóng hiểu ra cảm nhận của cô giáo Đổng Bội Luân, ba năm trước gặp nạn, rồi bị tổn thương nặng nề cả tinh thần lẫn thể xác, tất nhiên sẽ có cảm giác mình đã trải qua rất nhiều năm tháng. Na Lan nhìn khuôn mặt không son phấn và đôi mắt thăm thẳm như nước hồ thu của Đổng Bội Luân, cô bỗng hiểu ra và khẽ gật đầu.
Đổng Bội Luân mỉm cười, “Tôi đoán rằng em đã hiểu tâm ý của tôi khi đảm bảo cho lão được điều trị ở ngoài.”
“Chắc cho rằng lão bị trừng phạt chưa đủ, muốn lão bị bệnh tật hành hạ lâu hơn chứ không được chết nhanh?” Na Lan nghĩ vậy thôi chứ không nói ra lời. Cô chỉ gật đầu và lại cảm thấy gai người.
Đổng Bội Luân nắm chặt tay Na Lan. Hai đôi tay đều nhỏ nhắn mềm mại nhưng đều giá lạnh, tựa hồ khí sưởi đang lan tỏa trong khu buồng bệnh chẳng có tác dụng gì. Đổng Bội Luân nói, “Em thông minh hơn tôi tưởng, tôi rất yên tâm.”
Người bác sĩ đứng sau xe lăn tên là Chu Trường Lộ, tuổi ngoài 60, là bác sĩ chủ nhiệm, phụ trách giám hộ điều trị cho Mễ Trị Văn. Chu Trường Lộ hơi gù, vẻ mặt hơi khắc khổ, nhưng vẫn có thể nhận ra hồi trẻ ông rất đẹp trai. Ông để bộ râu ria ngắn được cắt tỉa gọn gàng, đeo kính khá dày, bên trong chiếc áo blu trắng cũng là sơ mi trắng, thắt cà vạt xanh. Ba Du Sinh thường gọi ông là “Giám đốc Chu”. Ông là phó giám đốc phụ trách nghiệp vụ của Bệnh viên Phổ Nhân, cũng là Giáo sư khoa Nội của Đại học Y khoa Số 2 Giang Kinh.
Vào phòng làm việc của bác sĩ, Chu Trường Lộ nói, “Chúng tôi cũng nhất trí với cán bộ y tế bên cảnh sát, rằng bệnh nhân Mễ Trị Văn đang ở tình trạng rất nặng, cần được chăm sóc điều trị 24/24. Nói thật lòng, những người yêu nghề y hẳn sẽ hứng thú với một ca ‘bệnh tật đầy mình’ như ông ta. Một đời bác sĩ chưa chắc đã gặp được trường hợp nào tổng hợp đủ mọi thứ bệnh như thế này, khi chuyên gia các khoa cùng hội chẩn về nguyên nhân gây bệnh, bệnh lý, phản ứng chéo giữa các triệu chứng và phương án điều trị, toa thuốc và phương châm phẫu thuật… Chưa kể, những ca dạng này rất hữu ích cho việc đào tạo bác sĩ trong các bệnh viên trực thuộc.” Nhắc đến “cống hiến” của con bệnh Mễ Trị Văn đối với y học, Chu Trường Lộ đặc biệt phấn khích, ánh mắt rực sáng như muốn xuyên qua cả tròng kính dày.
“Một bệnh nhân như thế điều trị trong bệnh viên chắc phải rất tốn kém?” Na Lan hỏi, đồng thời nhìn sang Ba Du Sinh. Anh có vẻ lơ đãng, nhưng cô biết anh vẫn nghe không sót một chữ.
Chu Trường Lộ gật đầu, “Phần lớn do Bội Luân chi trả. Mễ Trị Văn cũng là đối tượng, nghiên cứu khoa học của tôi. Tôi phải thuyết phục mãi cô ấy mới đồng ý cho tổ nghiên cứu chúng tôi chi trả một phần phí tổn, ví dụ một số chi phí xét nghiệm.”
Na Lan biết, Đổng Bội Luân đã can đảm rũ bỏ quá khứ bị hại, bắt tay sáng lập một công ty công nghệ cao chuyên về những dự án phát triển phần mềm mở, chỉ sau ba năm, từ một nhân viên, Đổng Bội Luân đã trở thành giám đốc một tập đoàn, là một truyền kỳ và cũng là một giai thoại ở thành phố Giang Kinh. Cô nhìn ông Chu Trường Lộ bằng ánh mắt đầy kính trọng. Cô biết những năm gần đây con đường làm giàu của các học giả, giáo sư là rút ruột kinh phí nghiên cứu khoa học, nhưng ông Chu Trường Lộ lại chủ động xin chia sẻ phí tổn, đủ thấy là người rất cao thượng.
Ba Du Sinh dò hỏi, “Giám đốc Chu và Sếp Đổng có vẻ rất thân thiết.”
Chu Trường Lộ nói, “Cách đây ba năm, buổi tối hôm Bội Luân ngộ nạn, người ta đưa cô ấy vào viện chúng tôi cấp cứu, tôi đang là trưởng ca trực của bệnh viện, chịu trách nhiệm chính. Về sau tôi lại trực tiếp tham gia quá trình phục hồi sức khỏe cho cô ấy, vì thế chúng tôi có tình cảm bạn bè. Nói thực lòng, tuổi cao như tôi vẫn còn có cơ hội kết bạn với một phụ nữ kiên cường quả cảm, thực là vinh dự.” Qua câu nói này có thể thấy Chu Trường Lộ thuộc mẫu người đậm chất trí thức.
Ba Du sinh đứng lên nói, “Trong thời gian phạm nhân Mễ Trị Văn nằm viện, có thể phải làm phiền đến giám đốc Chu, tôi xin có lời cảm ơn sự hợp tác của ông.”
Na Lan vẫn chưa định ra về. Cô nói, “Mong giám đốc Chu giúp cho việc này. Cháu muốn được xem tiền sử bệnh thần kinh của Mễ Trị Văn, nhất là những báo cáo chẩn đoán gần đây của các bác sĩ?”
[1]. Tiêu đề này đặt phỏng theo tiểu đề hồi đệm của Thủy Hử, “Trương thiên sư cầu yên ôn dịch, Hồng thái úy lỡ sổng yêu ma”.