Đợt mới từ trường về, tôi chẳng làm cái gì, dẫu sao làm việc ở công xã, có ra sức làm hay không vẫn chia ngần ấy điểm. Mẹ bảo, "Mày cứ khom lưng đứng sau mẹ, không việc gì phải nhọc công!"
Chị hai Phạm Hạ Thảo bất mãn: "Mẹ! Sao mẹ có thể nói như thế! Đây là lời phận người nông dân nên nói sao! Mẹ vứt phẩm chất cách mạng cần mẫn chân chất của chúng ta đi đâu rồi?"
Có điều làng chúng tôi ở bên bờ sông Hoài, đất ướt nhão, đã định sẵn chẳng kết nổi thứ hoa trái nào nên hồn.
Thái độ của làng tôi với Đại Cách mạng Văn hóa rất chi là mập mờ. Cũng chỉ là bí thư huyện xuống, trưởng làng mở họp để truyền đạt. Đại hội họp được một nửa lại bắt đầu bàn mấy chuyện đâu đâu. "Ruộng dầu Đại Cảng! Hể... vậy sau này dầu chúng ta ăn cũng múc ngay từ trong vườn lên như nước giếng ấy hả?"
"Ăn ăn ăn, ăn cho đẫy họng ra đi! Đó là dầu cho máy móc ăn, người ăn vào là chết!"
"Tôi đếch tin."
"Không tin thì đi mà ăn."
"Tôi không ăn đấy... cũng không tin! Ông làm gì được tôi?"
Chị hai tôi rất bất mãn với tình trạng này. Chị ấy suốt ngày săm soi trưởng làng rồi viết khẩu hiệu, phát loa. "Làng ta lạc hậu rồi!"
Trưởng làng hỏi: "Lạc hậu gì cơ?"
Chị hai tôi đã ba mươi rồi mà còn chưa cưới gả, bộ ngực căng đét, eo bé tin hin, ngón tay cóng lại như năm củ cà rốt. "Tư tưởng của Đảng Trung ương không được cấp tốc truyền đạt lại cho nhân dân, chúng ta đã tụt lại đằng sau thời đại rồi! Trưởng làng à, bác là dân cách mạng lão làng! Sao mới ăn được mấy bữa cơm nhà nước đã nhiễm thói ủy mị dâm dục thế!"
Trưởng làng bị chị ấy chửi đến độ mặt nhăn như bã thuốc, tức tối hất cái mũ lưỡi trai màu xanh trên đầu, tới nhà tìm ba tôi. "Phạm Xuân! Ông coi con gái của ông đi kìa! Sau này ai mà dám lấy nó!"
Ba tôi chân chất thật thà, ngồi chồm hổm trên bậc cửa, gẩy tàn thuốc, "Nghiệp chướng!"
Sau khi tôi biến thành chó vẫn thường xuyên về thăm nhà. Thấy mẹ đút cơm cho "Chu Tướng Quân" bị trói vào cột, mỗi miếng cơm chan một hàng lệ, tôi đau lòng kêu oăng oẳng: "Mẹ ơi, người khác không nhận ra con, chẳng lẽ mẹ cũng không nhận ra thằng con trai mẹ đấy ư! Cho dù Phạm Chiếu con vận số xui rủi thế nào đi nữa, cũng đâu thể nào làm ra những chuyện mất mặt nhường ấy!"
Nhưng mẹ không hiểu lời tôi nói. Bà ấy một lòng cho rằng con trai mình bị ma bắt mất rồi, còn lôi cả cái đê mà mình chẳng nỡ dùng ra biếu "mụ quỷ già" để mụ ấy trừ tà cho tôi.
Tôi không nỡ nhìn tiếp nữa, quay đầu rời đi.
Lại nói về hôm đó, tôi cùng Vương Răng To vừa cắn hạt dưa, vừa đi về phía cái ao sau đơn vị, thấy có người nằm dưới gốc phong bên bờ ao. Làng chúng tôi có ba cây cổ thụ: Cây hồng đầu làng, cây phong bên ao, và cây bạch quả trước cổng nhà tôi. Thân cây đều to ngang eo người, tán cây to bằng cả cái nhà, ít cũng phải được trăm năm.
Ôn Bất Câu nằm giữa thảm lá phong đỏ chói, người vừa mảnh vừa dài, tựa như một phiến lá liễu trôi nổi giữa bọt nước.
Tôi bước tới, có lòng hỏi thăm: "Sao không đi coi tuồng?"
Khuôn mặt cậu ta trắng nõn, cằm nhọn. Khuôn miệng hồng hào, đường nét cũng hao hao lá phong, phần giữa môi thì chúm chím, khóe môi chợt thu lại mảnh dẻ sắc bén.
Có một khoảnh khắc, tôi đã suýt cảm thấy tên này rất tốt đẹp.
Vậy nhưng lúc cậu ta mở mắt ra thì tôi biết là mình lầm rồi.
Kể cả là lúc nằm, cậu ta cũng nguýt mắt cho được. "Liên quan đếch gì tới anh."
Đó không phải là lần đầu tiên cậu ta mắng tôi, đương nhiên càng chẳng phải lần cuối cùng. Chẳng hạn như hiện giờ, bụng cậu ta đã to lắm rồi, vẫn không chịu ngoan ngoãn nằm một chỗ mà cứ chạy lung tung khắp nơi. Tôi không thể để mặc thế được, thế nhưng hễ định nhắc nhở "Tiểu Ôn, bụng em nặng rồi đấy, đừng có chạy ra ngoài mãi thế!"
Cậu ta càng thêm cáu tiết, dùng móng hất đổ bát nước, chỉ vào bụng mình, quát tôi: "Tại ai hả!"
Tôi vội vàng dỗ dành, tình cờ nhìn vào vũng nước được ánh trăng chiếu thành mặt gương trên đất... Ôi trời ơi, bộ dạng tôi lúc cười lên nhìn mới giống người cha già hiền lành chân chất của tôi làm sao.
Ấy thế mà chẳng biết thế nào, lần ấy ngực ấm ách bốc hỏa, nhất thời máu nóng dồn hết lên đầu, tôi túm cậu ta dậy. "Mẹ kiếp, ngon nói lại lần nữa coi!"
Cậu ta thấp hơn tôi nửa cái đầu, nhưng thần thái ra oai thì không thua kém miếng nào, còn trợn trắng mắt với tôi. "Tai điếc à? Tôi nói liên quan đếch gì tới anh!"
Tôi giáng nắm đấm xuống, cậu ta ngẩn ra. Tôi có hơi hối hận. Đánh thanh niên tri thức, bảo to chẳng phải to, nhưng cũng chẳng phải là chuyện nhỏ.
Lúc cậu ta vung nắm đấm tới, tôi bỗng chốc thấy nhẹ nhõm nhiều... Dù sao ẩu đả cũng dễ giải quyết hơn.
Đệt! Ôn Bất Câu, thằng ranh này nặng tay thế!
Nắm đấm của cậu ta chào hỏi với mũi tôi, lúc rút về còn vương máu. Chẳng biết là máu mũi của ông đây hay là tay cậu ta quẹt vào răng tôi chảy máu, dù sao thì hai đứa tôi cùng lao vào đánh nhau túi bụi.
Vương Răng To hào hứng tiến tới "khuyên giải", máu trên mặt tôi còn bị trét ra nhoe nhoét hơn. "Tao đi gọi người tới đây!"
Cút đi!
Đằng trước đang diễn tuồng, hai đứa tôi thì đánh nhau giữa đống lá phong, tiếng đều bị át cả đi. Gió thu thổi tới từ mạn bắc, không đi qua sông Hoài, đâm ra vừa dữ dội vừa oi bức. Mùi hoa quế ngào ngạt trải khắp làng.
"Ư ử ư ử..."
Tôi đang cưỡi trên người Ôn Bất Câu vung nắm đấm, đột nhiên nghe thấy có tiếng gì sau cây. "Dừng dừng dừng! Đình chiến hai giây!"
Tôi túm chặt nắm đấm như vòi bạch tuộc của Ôn Bất Câu lại, cưỡi trên người cậu ta, vươn cổ ra dòm.
Hai con chó đang giao cấu, Chu Tướng Quân cưỡi trên người Ba Gạo.
Cảnh tượng vô cùng khó xử. Động tác của chúng tôi thế mà lại đồng nhất với hai con chó kia. Tôi và Ôn Bất Câu nhìn nhau, cậu ta ba máu sáu cơn, tựa như lá phong thành tinh, nhào tới cắn tôi...
Đó là ký ức cuối cùng của tôi lúc làm người.