Ngược dòng Võng Hà lên phía Tây Bắc, tại khu vực mà Bách Lĩnh Hoành Liên Sơn và Vô Tận Tung Sơn gặp nhau, đồng thời cũng là biên giới giao tranh của hai phương thế lực, Thập Minh và Cảnh Môn Đại Đế Quốc: cửa ải mang tên Khe Kính Nghiễn (#1).
Nhìn từ trên cao, ải này kỳ thực là một rãnh nứt sâu hun hút, bề mặt trơn láng, nhẵn bóng như gương, kéo dài tới hơn mấy trăm cây số, bất quá, lại có hình cung tròn hướng xuống phía Nam, nên lợi thế phòng ngự nghiễm nhiên thuộc về phe Thập Minh. Cảnh Môn Đại Đế Quốc nằm bên kia mạn Bắc, dù muốn tiến đánh Nam Cương, thì cũng chủ động né Khe Kính Nghiễn ra.
Dù chỉ khiêm nhường được gọi là ‘khe’, nhưng bề ngang của nó tính từ bờ này sang bờ đối diện, chỗ hẹp thì một hai ngàn, còn chỗ rộng có thể lên tới cả chục ngàn mét. Dưới đáy lại có cả dòng Mặc Tuyền đen ngòm, sơ sảy ngã xuống liền vạn kiếp bất phục.
Không ai biết, không ai dám tìm hiểu thì đúng hơn, do đó vùng này mặc nhiên ít cần để mắt tới; số lượng đồn trú và chòi canh dọc theo đôi bờ Kính Nghiễn của cả hai phe - Cảnh Môn và Thập Minh - cũng cực kỳ thưa thớt, ‘mỏng’ hơn hẳn các khu vực chiến sự khác.
...
Hơn tháng trước, tức mới bước vào lập đông, Bắc Quốc bên kia, thập phương tuyết phủ, trắng xoá long lanh, Nam Cương bên này, một trời giông tố, mây giăng xám xịt, hoàn toàn đối lập.
Tại một góc rừng tối, lẩn khuất đâu đấy bên bờ Nam Khe Kính Nghiễn, trong âm thanh sấm giật đì đùng, hàn khí tê tái như cắt da cắt thịt, có bóng ‘người’ lúi húi, tứ chi quỳ sát đất, đang vô cùng khó nhọc bò tới cạnh mép vực.
Thân ảnh kia dường như cố ói thứ gì đó, từ miệng nhả xuống dòng Mặc Tuyền thăm thẳm phía dưới, liên tục sau gần nửa tiếng mới dần chậm lại. Bất thình lình, nó nằm ngửa ra, ngã vật trên mặt đất, tiếng thở dốc lẫn ho khan trộn chung, giọng nữ hài khò khè, đoạn rít lên từng chặp.
“Hộc hộc... Nghén thế này, còn những mười tháng nữa... Khụ khụ... Các con ta, mau xuôi dòng Mặc Tuyền, lấy huyết... hoạ trời Nam... Khụ khụ khụ...”
...
Ba ngày trước, ở Noạ Bức Sơn, trời mới đầu giờ chiều nhưng đã tối xầm, từng chùm Nhục Mễ lớn chứa hàng ngàn hạt xum xuê chắc nịch, treo trên các nhánh cây Kết Tràng, cuồng phong gào thét điên dại khiến chúng đung đưa dữ dội, chỉ trực đứt lìa.
Bình thường, trong những ngày giông bão kéo về thế này, đám Noạ Bức theo tập tính, sẽ ru rú trốn trong hang, thà chết đói chứ không chịu ra ngoài kiếm ăn, nhưng hiện giờ thì trái lại, cả đàn đang lũ lượt lượn quanh mấy gốc Kết Tràng, hết chao trái rồi liệng phải, hình thành quỹ đạo kỳ dị.
Noạ Bức Tam huynh đệ dẫn đầu ba nhóm dơi đông đảo, nối đuôi nhau cứ thế lướt đi, dù thuận hay ngược gió, vẫn vô cùng vững vàng, đội hình trật tự chỉnh tề, không chút loạn động, có thể miễn cưỡng coi như đang ‘Ngự Phong’.
Mục Tử đứng giữa ba trận hình luân chuyển liên tục, mắt liếc ngang dọc, thỉnh thoảng chớp léo tinh mang, thông qua Viễn Lý Hồn Giao, thoải mái hiệu lệnh cho ba huynh đệ kia.
Kể từ lần trước, nó thực sự ngưng tụ được Ngạ Thú Đan, khai ra một khẩu, đến nay đã củng cố tu vi Nhất Khẩu nhất nha, so với ca ca nó, Mục tử chính thức gia nhập Tu Nguyên giới sớm trước một bước.
Tương đương Nhân Tu Ngũ Cảnh, đương nhiên cũng tồn tại Thú Tu Ngũ Cảnh. Nhục thân Mục tử do ăn nhiều và lười vận động, nên thậm chí có phần kém hơn Lạc Thạch, nhưng bù lại, nó nhanh chóng bén duyên cùng Nguyên lực, không chút gian nan mà xông phá Dựng Khí Cảnh.
Và đúng như kết quả Trắc Chủng, bản thân Mục tử nhạy cảm với Phong Nguyên Tố, Phong Chủng đồng thời đã lờ mờ hiện hữu bên trong Ngạ Thú Đan. Thứ này giúp nó ‘nhìn’ được các ‘nếp gấp’ vô hình của gió, phân biệt rõ ràng những điểm tụ hay tán phong, vì vậy mới có thể điều khiển đàn dơi nương nhờ vào gió, tạo nên Đoạn Phong Bức Bích, nhằm che chắn Nhục Mễ, ứng biến tạm thời trước cơn bão lớn.
Sau khi đạt thành thoả thuận với Noạ Bức Vương, Mục tử vẫn chứng nào tật nấy, cường thế không bỏ, ép cả bọn tiến hành diễn luyện điên cuồng, giúp nó thực nghiệm ‘Kiến Phong’, và vô tình truyền dạy luôn cho chúng kỹ năng ‘Ngự Phong’.
Noạ Bức vốn lười động não, cứ rập khuôn theo chỉ điểm của Mục tử mà bay, nhưng được cái, chúng bắt chước chuẩn xác không sai một ly, chắc cũng tại làm biếng nghĩ cách thoái thác.
Nó chợt phát lệnh triệu tập, ba con Noạ Bức lớn nhất lập tức tách đoàn lướt lại bên cạnh, đoạn bắt đầu báo cáo tình hình.
“Nhị ca, từ mấy nhóm Thám Bức truyền về, nguồn nước dưới chân núi có hiện tượng lạ, bất quá, là tin tốt...”
“Ồ, tin tốt? Ý gì?” Mục tử nhướng mày, thanh âm mang chút tò mò.
“Nhị ca không biết đấy thôi, Sô Điệp đặc biệt yêu thích những nơi đất màu mỡ, nước ngầm nhiều dưỡng chất, thì Nhục Mễ mới mây mẩy như thế chứ...”
Phàm chỗ nào Sô Điệp chọn sinh sôi, tuyệt đối đều là điền thổ trù phú, ảnh hưởng tới sản lượng; bên cạnh đó, nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng không kém, quyết định trực tiếp chất lượng của Nhục Mễ.
Nó gật gù đã hiểu, Noạ Bức Vương liền tiếp lời.
“Trong nước xuất hiện dị vật bất thường, mà trước nay chưa từng thấy qua ở vùng này, hình như là trứng của... Không! Đệ khẳng định là Lão Hoá Trùng”.
“Lão Hoá Trùng? Có gì hay ho?” Mục tử ngạc nhiên, lại thêm một thứ mà nó mới nghe qua lần đầu.
“Hê hê, chúng đồng dạng với loài Khưu Dẫn (#2), bản tính thích đào xới, vô tình giữ cho đất trồng luôn tơi xốp, nên được coi là bạn của nhà nông. Lão Hoá Trùng thậm chí còn kỳ diệu hơn rất nhiều...”
Giun đất đương nhiên không lạ, nhưng riêng Lão Hoá Trùng thì lại khác. Khưu Dẫn gặp vùng Toan Thổ - mà nông dân hay gọi đất bị chua, canh tác khó khăn - sau một khoảng thời gian sẽ tiến hoá lên Lão Hoá Trùng, lâu hay mau hoàn toàn phụ thuộc vào toan độ yếu hay mạnh của thổ nhưỡng.
Lão Hoá Trùng ăn nhằm đất chua, qua hệ tiêu hoá xử lý, lần nữa bài tiết ra ‘đất sạch’ - đã lọc bớt những chất gây hại cho cây trồng, trong đó có cả cường toan - và lớp ‘niêm dịch’ phủ kín ngoài da, khiến mọi thứ tiếp xúc phải đều bị kích thích, thúc đẩy quá trình lão hoá diễn tiến nhanh hơn, kể cả đối với chính bản thân chúng.
Tuy hành động này chẳng khác nào tự sát, bởi nó làm vòng đời Lão Hoá Trùng co ngắn khủng khiếp, nhưng điều quái lạ là, cơ thể chúng vẫn đạt được kích thước tương đương Khưu Dẫn trưởng thành.
Đến khi chết đi, thân xác chúng cũng không hoà vào đất, mà keo lại, tạo kết tinh ‘Cam Thổ’, cây cối vô tình hấp thu liền như ăn được dinh dưỡng cao cấp, lớn nhanh vùn vụt.
Nông dân rỉ tai nhau, “Nếu coi Khưu Dẫn là bạn, thì Cam Thổ đích thị là món quà chia tay ý nghĩa nhất mà chúng giành cho bằng hữu, thế nên phải hết sức trân trọng”.
“Ồ, lũ lười các ngươi, chuyện này mà cũng biết?!” Mục tử lườm qua, giọng điệu dè bỉu thấy rõ.
“Bọn người ng... À nhầm, người nông dân họ không biết tới sự tồn tại của Lão Hoá Trùng, còn loài Noạ Bức tui đệ, cái gì cũng kém, chỉ duy khả năng thám thính là giỏi thôi”.
Lồng ngực Noạ Bức Vương như thể hơi ưỡn lên, tiếp tục khoe đầy tự hào.
“Nhị ca nghĩ lười là nhược điểm phải không? Nhưng lười đến độ được đặt thành tên như loài bọn đệ, thì dĩ nhiên lại có vài cái ưu điểm. He he he...”
“Ngưng tỏ vẻ bí hiểm trước mặt Mục gia gia ngươi...”
Mấy loại mặt dơi tai chuột lươn khươn này, không bày ra chút thái độ lẫn sức mạnh liền chứng nào tật nấy, Mục tử híp mắt, gân xanh nổi cục, khiến ba huynh đệ chúng giật thót, bèn thật thà thưa thốt.
“Theo ‘ký ức loài’ bẩm sinh mách bảo, tổ tiên của bọn đệ vốn có họ hàng gần gũi với Điền Hữu Thám Bức, từng được một vị đại năng ở phương Nam điểm hoá, mà bằng lòng hỗ trợ nông dân báo vụ mùa...”
Thời Thượng Cổ, Thám Bức chia làm mấy loại, nhưng tất cả đều mang chung một đặc điểm, đó là cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi hệ sinh thái. Tiên thiên thần thông giúp chúng đánh giá hết sức tỉ mỉ ba yếu tố chủ chốt, bao gồm: đất, gió, nước - thứ ảnh hưởng trực tiếp lên môi trường sống - vô tình lại phù hợp với nhu cầu dự báo nông vụ của người nông dân, nên họ mới gọi thân mật là Điền Hữu - ‘bạn vườn’.
Còn Noạ Bức chỉ như họ hàng xa, từ Thượng Cổ, huyết mạch tổ tiên mỏng manh đi ít nhiều, bất quá, do lười, nên chúng đã chọn lọc và giữ lại khả năng trinh sát sắc bén, nói ra cũng thực sự khó tin, mục đích nhằm né tránh phiền nhiễu, và đảm bảo điều kiện lý tưởng cho... Sô Điệp sinh sôi.
“Cái gì?”
“Nhị ca không nghe nhầm đâu, bọn ta khoái ăn Nhục Mễ, đồng thời cũng làm biếng bay xa, nên thường sống luôn tại chỗ Sô Điệp xây tổ, giúp canh chừng, thậm chí còn giải quyết hộ luôn những vấn đề phát sinh cho chúng. Thêm vào thiên phú thần thông chuyên dùng để thám thính được tổ tiên truyền thừa một phần nho nhỏ, nên loài Noạ Bức bọn đệ nào có khác gì bảo mẫu đâu...”
Mục tử ngao ngán, thì ra khả năng trinh sát vượt trội cũng chỉ để phục vụ cái sự lười, đoạn lắc đầu ra lệnh.
“Nếu là tin tốt thì cứ từ từ đã, cơn mưa giông trước mắt mới đáng lo kìa. Ba người các ngươi chủ trì, không được phép sơ xảy. Xong việc này, liền tiếp tục dò xét nguồn nước sau...”
Nạo Bức tam huynh đệ vâng dạ, lập tức bay vút đi, gia nhập Bức Bích vẫn đang miệt mài luân chuyển. Mục tử khẽ lượn lên trên, đưa mắt nhìn bầu trời xám xịt, thở dài lầm bầm.
“Lão Hoá Trùng? Nặc lão chắc có kiến thức hơn đấy nhỉ? Ài... Nhắc mới nhớ, hơn tháng nay chưa quay về Trai, đại ca và lão đầu đang thế nào rồi? Chờ thu hoạch xong mớ này không biết đến bao giờ...”
...
Lại đến nửa đêm, Khinh Vũ rơi càng dày khiến ánh sao trở nên nhoè nhoẹt, bất quá, hoàn toàn không mang lại cho người ta cái cảm giác nhớp nháp khó chịu.
Mọi người giờ đang hướng bếp lửa, lâm râm cầu nguyện. Mấy đứa Kỷ, Nhiễm, Phàm vẫn túm tụm góc sân, tuy quỳ một chỗ nhưng vẫn thì thầm nói chuyện riêng.
“Lần này là cái Ương gì vậy?” Lạc Kỷ không nén nổi tò mò cất tiếng hỏi nhỏ.
“Tam Ương - Hạn Hán!” Lạc Nhiễm nhanh chóng trả lời, đoạn hất cằm về phía khay phủ kín vải đỏ trên mặt đất “Thứ kia chắc hẳn là ‘Trục Vân Điểu’ đi?”
Đám trẻ con nghe vậy cũng cố nghển cổ lên nhìn, tiếng xì xào khiến cho Phiên bà bà phải đằng hắng mấy câu, “e hèm” nhắc nhở mới dẹp yên được.
Lễ nghi hoàn tất, một lúc sau, mọi người ngồi tụ tập quanh Lạc Nhiễm hóng chuyện, bóng đổ đan xen vắt ngang sân nhỏ, theo ngọn lửa bập bùng mà nhảy nhót không yên.
“Trục Vân Điểu, cái tên liền làm liên tưởng ra khả năng kỳ quái của loài chim này: ‘xua mây’...”
Thông thường, chúng đặc biệt yêu thích khí hậu khô nóng, chủ động chọn hoang nguyên hoặc sa mạc để quần cư. Nghe đâu, nơi mà Trục Vân Điểu tập trung, mây mù không thể ngưng tụ, vùng đó vì thế sẽ càng thiếu mưa, gây hạn hán kéo dài, dần dà trở thành khu vực chết chóc, ngoài chúng ra thì chẳng còn loài nào sống nổi.
Nam Cương may mắn chỉ tồn tại rất ít hoang địa khô cằn, khí hậu vốn dĩ đã ẩm ướt, nên giống phi cầm này cũng không phổ biến. Tuy vậy, trong cuốn Biên sử Giang Thành hộ Nam Cương đích thực ghi nhận, từng có những khoảng thời gian, ông trời bỏ quên nông vụ phàm nhân, cả năm chẳng rơi lấy nổi một hột mưa. Trục Vân Điểu được dịp sinh sổi nảy nở náo nhiệt, tràn ra kéo theo cả Hạn Hán, giống như bệnh dịch, lây lan khắp nơi.
“Hiện nay, Trục Vân Điểu ở Nam Cương sắp tuyệt diệt rồi, chỉ số ít nhà phú hộ, thỉnh thoảng chịu trả giá thật cao, đặt Liệp Thương Đội săn về làm sủng thú, nuôi chơi trong nhà. Thịt của chúng dai chắc ít mỡ, hầm càng lâu chẳng những càng ngọt nước, mà còn trở nên mềm mại chứ không bở nát, ngon vô cùng đó nha...”
Lũ trẻ gật gù, bình phẩm sôi nổi. Trẻ con khi nghe tới đồ ăn và sự vật kỳ dị, đương nhiên sẽ có rất nhiều đề tài để tranh luận.
Lạc Thạch tựa người vào đụn rơm khô, chong mắt nhìn màn mưa tựa sương muối rắc đầy đêm đen, đoạn mỉm cười, thầm lẩm bẩm.
“Mục tử dạo này sao rồi nhỉ? Đã lâu chưa thấy nó...”
“Nhắc mới nhớ, đang vào vụ thu hoạch Nhục Mễ, nhiệm vụ lão phu giao phó, không biết nó còn nhớ không?” Nặc lão đồng thời lên tiếng, xong liền thở dài, lặng yên ngắm Khinh Vũ tung bay.
(#1): nghiên mực nhẵn như gương.
(#2): giun đất.