Nghe tôi nói vậy, Liêu Dục Phong liền ngồi xổm xuống trước mặt tôi: “Nếu cô tin tôi thì cho tôi xin địa chỉ. Tôi cho người về lấy giúp cô, được không? Hoặc là đợi cô khám xong cho người nhà tôi rồi, tôi sẽ đi cùng em về.”
Thấy tôi định từ chối, anh ấy lại tiếp lời: "Trên đường tới đây, tôi có nghe cô kể về nơi cô từng sống hồi nhỏ. Chỗ đó khá hẻo lánh, để cô đi một mình tôi không yên tâm…"
"Với lại, tôi cũng biết ít nhiều về bí mật nhà họ Tang. Giờ cô chỉ có một mình, lại là con gái, lỡ bị kẻ xấu nhắm vào thì sao?"
Những người có thể mời được ông nội và cha tôi ra tay thì chắc chắn không phải người bình thường, nên việc họ biết chút chuyện về nhà tôi cũng không có gì khó hiểu.
Không muốn để Liêu Dục Phong hiểu lầm, tôi giải thích rõ: “Tôi biết anh đang nói đến điều gì. Tôi cũng có thể khẳng định với anh một điều: ông nội chưa từng truyền lại loại thuật pháp gì đó cho tôi. Tôi chỉ là một bác sĩ đông y bình thường thôi, thật lòng thì nếu gặp bệnh gì quá phức tạp, chưa chắc tôi đã chữa được đâu.”
Khi nói những lời đó, tôi cố tình nói lớn hơn bình thường một chút, để những người trong phòng đều nghe thấy.
Tối hôm qua về khách sạn, tôi đã lên mạng tra thử thông tin về nhà họ Liêu... Tài sản của họ còn lớn hơn nhà họ Lương gấp 5 lần.
Tôi không tin một gia tộc lớn như vậy lại không có bác sĩ riêng đáng tin cậy. Việc họ chỉ vì một câu nói mà lập tức kéo nhau đến nhà Liêu Dục Phong... chẳng qua là vì họ tưởng tôi giỏi như cha tôi mà thôi.
Nhưng sự thật là… tôi chỉ là một người bình thường. Họ lại tốn thời gian và công sức để xếp hàng đợi tôi bắt mạch, thật sự không cần thiết đến vậy.
Tôi cứ nghĩ, nói rõ điều đó ra thì nhà họ Liêu sẽ sớm mất hứng thú với tôi.
Không ngờ, người phụ nữ trung niên đến đầu tiên lại mở lời: "Tiểu Du, cháu hiểu lầm rồi, đừng áp lực thế. Năm xưa cha cháu kéo anh cả của cô từ ranh giới sinh tử trở về, cả nhà cô đều rất biết ơn ông ấy."
"Mọi người vội vàng tới đây, một phần là vì thật lòng muốn gặp cháu, phần còn lại là muốn thay nhà họ Liêu gửi lời cảm ơn đã bị bỏ lỡ suốt bao năm qua đấy."
Người phụ nữ trẻ tuổi lúc nãy nói thích đi du lịch cũng tiếp lời: “Hồi đó, bác ruột của tôi vừa khỏi bệnh thì chú Tang đã rời đi, nhà tôi còn chưa kịp cảm ơn thì đã mất liên lạc với chú ấy rồi. Mãi đến khi có tin tức trở lại, mới hay chú đã qua đời... chuyện đó khiến bác ruột ân hận suốt một thời gian dài.”
Chuyện như vậy đúng là phong cách của cha tôi. Ông cứ mải miết chữa bệnh cứu người, chỉ để bù đắp cho nỗi day dứt vì năm xưa không cứu được mẹ tôi, chứ không phải vì tiền.
Tôi liếc nhìn bác Liêu, thấy khóe mắt bác hoe đỏ đang nhìn tôi đầy xúc động:
“Tiểu Du, chắc Dực Phong cũng nói với cháu rồi. Sau khi cha cháu mất, bác đã tìm mọi cách hỏi thăm tin tức của cháu và ông nội. Vài năm trước biết được ông cháu từng đến nhà họ Lương nhưng sau đó thì bặt vô âm tín."
"Gặp được cháu ở Nam Thành lần này… thật sự là chuyện bác chưa từng dám nghĩ tới. Bác hiểu rõ cha cháu đã phải trả giá thế nào để cứu mạng bác. Cháu có thể cho bác một cơ hội, để bác thay ông ấy chăm sóc cháu thật tốt không?"
Tôi cảm thấy hơi luống cuống, không biết phải đối mặt thế nào với tình huống trước mắt.
Năm năm trước cùng ông nội đến nhà họ Lương, đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận lời khám bệnh bên ngoài.
Những năm qua, khi còn ở bên Lương Dự Chu, những bệnh nhân tôi gặp hầu như đều có liên quan đến gia đình họ.
Vì nể tình qua lại, tôi chỉ nhận thù lao mang tính tượng trưng.
Số tiền bảy con số mà tôi nhận từ Triệu Duyệt… Chẳng khác gì là một cách cắt đứt ân oán giữa hai nhà.
Nói trắng ra thì đó là cách Triệu Duyệt dùng để bù đắp cho tôi.
Cha và ông nội tôi đã từng chữa trị cho rất nhiều người, mỗi người trong số họ đều có cách đối mặt với ân tình riêng.
Nhưng chỉ có duy nhất bác Liêu là người suốt bao nhiêu năm qua vẫn luôn nhớ đến cha tôi, nhớ đến tôi và ông nội.
“Cháu đã trưởng thành rồi, có thể tự lo cho mình được rồi, bác ạ.”
Sau vài phút suy nghĩ, tôi nhẹ nhàng từ chối.
May mà họ cũng không ép buộc gì tôi.
Cô út của Liêu Dục Phong gọi người giúp việc đến để sắp xếp thứ tự khám.
“Tiểu Du, nghe Dục Phong nói cháu có ý định mở phòng khám đông y phải không? Cháu đừng áp lực, cứ làm theo lời nó nói, mỗi ngày khám cho năm người, coi như tích lũy thêm kinh nghiệm là được rồi!”
Câu này cũng có lý.
Nghĩ đến việc mình là người tự do, muốn về khi nào cũng được, tôi không còn lý do để từ chối nữa.
Nửa tháng sau đó, ngày nào tôi cũng đúng giờ đến nhà họ Liêu khám bệnh.
Nếu Liêu Dục Phong rảnh thì anh ấy sẽ tự lái xe đưa đón tôi; còn nếu bận thì sẽ nhờ cô anh làm tài xế.
Nhiều lần tôi đã nói rằng mình có thể tự đến… Nhưng đều bị từ chối thẳng thừng.
Ngoài thời gian khám bệnh, tôi thường được em họ của Liêu Dục Phong dẫn đi dạo khắp Nam Thành. Coi như là vừa du ngoạn vừa trải nghiệm cuộc sống mới.