- Các hạ sẽ được thích thú. Còn như có được dễ dàng hay không, còn tùy nơi các hạ có chấp thuận dễ dàng những điều kiện của tại hạ.
Lão trầm giọng tiếp :
- Điều kiện thứ nhất, các hạ làm cách nào lấy được Đại Phong Cao của Tử Y Hầu. dĩ nhiên lấy được rồi phải trao cho tại hạ!
Vương Bán Hiệp không do dự :
- Điều kiện đó rất dễ dàng!
Mộc Lang Quân thoáng cau mày :
- Các hạ đáp ứng nhanh quá, khiến lại hạ lại nghi ngờ!
Vương Bán Hiệp cao giọng :
- Điều cốt yếu là ngươi giao trả Kiềm Lậu cho bọn ta. Còn ta có đáp ứng nhanh chẳng qua cái tánh ta cương trực thẳng thắn, được là đáp ứng nhanh được. không là từ chối nhanh, không cần quanh co mất thời giờ. Ngươi phải hiểu, chúng ta đây là những người có ít nhiều danh dự trên giang hồ, lời nói của chúng ta quý hơn sanh mạng, có khi nào chúng ta quên lời nói được chăng? Dù chỉ hứa riêng với ngươi, ta cũng giữ lời huống chi hôm nay ta hứa với ngươi trước mặt đông người?
Mộc Lang Quân giương tròn mắt nhìn Vương Bán Hiệp một lúc, gật đầu :
- Tốt lắm, khi nào các hạ lấy được Đại Phong Cao rồi, tại hạ phải biết và sai ngươi đến tìm ngươi tiếp nhận. Còn điều kiện thứ hai, có phần nào khó khăn hơn... và cũng chẳng phải các hạ là người đáp ứng điều kiện này!
Vương Bán Hiệp hỏi :
- Ngươi muốn ai đáp ứng?
Mộc Lang Quân đứa mắt nhìn Hồ Bất Sầu, đưa tay vào mình lấy ra một chiếc bình bằng gỗ màu xanh, thốt :
- Trong bình có một loại thuốc, không màu sắc, không hương vị, bỏ vào trà, chẳng một ai phát giác nổi....
Hồ Bất Sầu không đợi lão nói dứt câu, chận liền :
- Các hạ muốn tại hạ trao bình thuốc này cho Phương Bửu Nhi, bảo hắn tìm cách cho vào trà lừa Thủy Thiên Cơ uống?
Mộc Lang Quân bật cười khanh khách :
- Đúng vậy!
Hồ Bất Sầu gật đầu :
- Dễ lắm, giả sử điều kiện của các hạ có khó khăn đến gấp mười gấp trăm lần, tại hạ cũng đáp ứng ngay, huống hồ việc này nhằm vào Thủy Thiên Cơ, là người mà tại hạ hết sức bất mãn?
Y dừng lại một chút, rồi tiếp :
- Tại hạ, dù chưa là một nhân vật thành danh trên giang hồ. Song đã là người tôn thờ chánh nghĩa, hằng gìn hiệp khí, hảo tâm! Tự nhiên lời nói xem trọng bằng ngàn cân vàng, chẳng dám bội tín.
Y mỉm cười, tiếp luôn :
- Tại hạ đã hứa, các hạ cứ yên tâm, nhất định điều kiện đó sẽ được thực hành đúng theo ý muốn của các hạ!
Mộc Lang Quân đã tin một người, hắn phải tin được người kia, lão trao ngay chiếc bình bằng gỗ cho Hồ Bất Sầu.
Hồ Bất Sầu nhận lấy chiếc bình, khẳng khái lấy, chẳng hề do dự, miễn cưỡng.
Mộc Lang Quân ngẩng mặt lên không, cưới lớn :
- Các hạ muốn tìm một thích thú, nên đáp ứng đủ hai điều kiện, tại hạ có gì tiếc chẳng đem cho các vị niềm thích thú đó?
Lão nhún chân nhảy vọt lên không, tà tà lao thẳng ra ngoài. Một phút sau bay trở vào, dưới nách lão có người họ Kiềm, tên Lậu.
Kiềm Lậu sưng vù đôi má. Chừng như Mộc Lang Quân đã phát tiết cái hận trên đôi má của hắn, cũng khá nặng tay.
Mộc Lang Quân quăng hắn xuống nền sảnh.
Trông thấy Kiềm Lậu. Vương Bán Hiệp thở phào, bước vội nâng hắn lên, thốt gấp :
- Chiến thơ đây rồi!
Người áo trắng rùn vai :
- Chiến thơ đâu?
Bình sinh, dù gặp phải chuyện gì kỳ quái đến đâu, y chẳng bao giờ biến đổi sắc mặt. Nhưng lần này, măc dù hỏi thế, y nhìn Kiềm Lậu, trong ánh mắt thoáng vẻ kinh ngạc.
Vương Bán Hiệp cởi nhanh chiếc áo da Kiềm Lậu, để lộ hai bờ vai và ngực, ở những nơi đó, có bảy vết kiếm, nằm khoảng giữa hai huyệt đạo Kiên Tĩnh và Nhũ Tuyền. Bảy vết kiếm tung hoành ngang dọc, không khác gì những vết kiếm thường, có điều giữa những vết kiếm, có vô số đường gân đỏ liên lạc với nhau, vẽ chằng chịt, nhìn kỹ mới biết những đường gân đỏ đó do mũi kiếm vạch nên.
Trong khi Vương Bán Hiệp cởi áo Kiếm Lậu, người áo trắng bước tới gần, nhìn vào các vết kiếm.
Tòa đại sảnh Liên Vân trang bỗng im lặng như cảnh tha ma. Mọi người đều theo dõi từng diễn tiến, nơi Vương Bán Hiệp, nơi người áo trắng, ngoài ra họ còn nhìn vào thân thể của Kiềm Lậu.
Gương mặt của người áo trắng, vốn lạnh như tiền, bỗng chốc biến đổi. Trên gương mặt đó, niềm phấn khởi hiện lên. Cũng theo niềm phấn khởi, màu hồng nhuận nhuộm tươi khuôn mặt y.
Đột nhiên, người áo trắng đưa nhanh tay ra! Trong nháy mắt đã xuất thủ đủ bảy chưởng, mỗi chưởng chiếu vào một vết thương trên mình Kiềm Lậu, Kiềm Lậu kêu lên một tiếng, qua tiếng kêu đó, những gì ứ đọng trong buồng ngực từ lúc rời chiếc thuyền buồm ngũ sắc đến giờ, thoát theo ra ngoài, thở ồ một tiếng dài, rồi hắn vùng khỏi vòng tay của Vương Bán Hiệp, chạy vội ra khỏi tòa đại sảnh, nhưng qua khỏi cửa, hắn ngã nhào.
Người áo trắng không buồn nhìn hắn, tay vung kiếm, loang lên mấy vòng, rồi chống mũi kiếm thẳng lên không, mũi kiếm hơi rung rung, môi y rung rung. Chừng như y đang lâm râm khấn nguyện điều gì đó, sau cùng, y thốt thành tiếng :
- Trời đất không cùng, thì ra cũng có người cùng ta đối thủ!...
Y vụt quỳ xuống, cúi thấp đầu một chút. Đầu cúi thấp, mái tóc bỏ xõa phủ kín trông như lượt vải đen trùm quanh y. Có lẽ y đang tạ trời, tạ đất đã giúp cho y gặp được người khả dĩ cùng y so kiếm, so kiếm để học hỏi cái hay, của võ thuật.
Một con người chí thành với võ thuật như thế, thật chẳng còn ai hơn!
Mọi người nhìn y, kinh dị ra mặt. Một con người bình sinh chỉ biết sống vì võ thuật, chỉ vui với võ thuật!
Hồ Bất Sầu kích động thật sự, đôi mắt đẫm ướt lệ thông cảm.
Bỗng một tiếng kêu kinh hãi vang lên, tiếp theo đó là một tiếng ngựa hí vang rền, rồi Mộc Lang Quân phi thân bay vút ra ngoài. Thì ra gã mặt ngựa Kiềm Lậu thừa lúc mọi người không lưu ý đến hắn, nhảy lên lưng của một con ngựa do Hồ Bất Sầu và Mã Lương đoạt được của Cam Tôn cưỡi đến đây, hắn thúc mạnh gối vào mông con ngựa, ngựa cất vó sải nhanh. Thoáng mắt đã ra khỏi Liên Vân trang.
Mộc Lang Quân ra đến bên ngoài, Kiềm Lậu đã khuất dạng, còn lại một con Hãn Huyết Mã, lão không do dự, nhảy phóc lên liền.
Năm gã đại hán, thuộc hạ của Bành Thanh lướt tới định ngăn chặn. Vô ích, chúng làm gì ngăn chặn nổi Mộc Lang Quân? Lão vỗ tay lên bờm ngựa, ngựa cong hai vó trước lướt qua trên đầu chúng. Đồng thời Mộc Lang Quân quay lại, cao giọng thốt vọng vào :
- Những điều giao ước xin đừng quên...
Câu nói vừa buông dứt, Mộc Lang Quân đã khuất dạng bên ngoài cổng trang viện Liên Vân.
Không ai biết lão đi về đâu, nhưng ai ai cũng hiểu là lão theo dấu gã mặt ngựa Kiềm Lậu.
Mã Lương dậm chân :
- Đáng tiếc! Đáng tiếc! Một đôi Hãn Huyết Mã?...
Hồ Bất Sầu cười mỉa :
- Ngựa không của ta, không của ngươi, không nuôi được một ngày, không bỏ một phân bạc ra mua, sao lại tiếc? Nam tử hán tiếc rẻ về một sự đắc thất cỏn con như thế được sao?
Mã Lương giật mình, ngây người nhìn họ Hồ một lúc, Hồ Bất Sầu lại cười sang sảng, Hắn tỉnh ngộ, thở dài :
- Hồ đại hiệp có cái tâm khoáng dật vô cùng. Tôi hết sức hổ thẹn nhận ra mình còn ti tiện quá!
Từ lúc Kiềm Lậu thoái đi, Mộc Lang Quân đuổi theo, sảnh đường có phần nào huyên náo đó chẳng hề ảnh hướng đến người áo trắng. Y trầm lặng lâu lắm, sau cùng từ từ đứng lên, lẩm nhẩm :
- Lấy vết kiếm làm thơ, làm được vậy kể cũng là tay khá!
Y hỏi :
- Người dùng kiếm biên thơ, hiện giờ ở đâu?
Vượng Bán Hiệp đáp nhanh :
- Tại bờ Đông Hải!
Người áo trắng lạnh lùng :
- Cảm phiền đưa ta đến đó!
Hồ Bất Sầu ứng tiếng :
- Ta tình nguyện hướng đạo!
Người áo trắng quay qua nhìn y một thoáng :
- Được? Đi ngay!
Thốt xong, người áo trắng bước ra cửa, vừa đến cửa, vội quay trở lại, tiếp nối :
- Tinh thần võ đạo cao như núi. Núi càng cao, người trèo núi càng thích. Gặp núi cao phải trèo núi cao, không cần trèo núi thấp nữa!
Y dừng lại chỗ đó, đưa tay vẫy Hồ Bất Sầu rồi từ từ bước ra cổng.
Từ đại sảnh đến cổng, bọn đại hán vẫn còn túc trực thấy y bước nhưng tất cả tản nhanh ra hai bên, nhường lối.
Y bước đi, gương mặt lạnh như tiền. Bước chân đều đều. Mỗi bước đúng một thước bảy tấc, trên thế gian này không có hấp lực nào, mãnh lực nào gây nổi cho y cái gấp bước hoặc chùn bước. Trong bất cứ trường hợp nào, vui buồn, gấp hoảng, y vẫn bước đều mỗi bước một thước bảy tấc đúng.
Bước đi chững chạc, tỏ rõ niềm cương quyết như trên đời chẳng có một mãnh lực nào ngăn trở y tiến đến đỉnh cao của tinh thần võ đạo.
Hồ Bất Sầu từ biệt mọi người rồi bước nhanh ra cửa.
Thiết Ôn Hầu kêu to :
- Cuộc chiến ở Đông Hải sắp khai diễn trong nay mai, đúng là không tiền, khoáng hậu. Nghìn xưa chẳng có nghìn sau sẽ không có, chúng ta có thể bỏ qua chăng? Các vị thì sao chẳng biết chứ tại hạ thì nhất định sẽ đến đấy rồi. Mất dịp này thì cầm như một đời võ nghiệp vứt đi!
Bành Thanh cao giọng :
- Một cuộc chiến như vậy, còn ai không ước vọng được mục kích? Tại tệ trang có sẵn ngựa tốt. Mỗi vị chọn một con rồi lên đường gấp!
Vương Bán Hiệp mỉm cười :
- Bình sinh lão không quen cưỡi ngựa, các vị ở lại chọn ngựa lão xin đi trước.
Vù một tiếng, lão như đợt khói mờ, quét ngang đầu bọn đại hán túc trực bên ngoài. Đợt khói tan, Vương Bán Hiệp mất dạng.
* * * * *
Bên bờ Đông Hải
Sóng nước trập trùng
Áo tía, áo trắng
So kiếm tranh hùng!
Sóng nước trùng trùng,
Kiếm ảnh trùng trùng.
Danh hùng về ai?
Đó là câu nói của hào kiệt võ lâm. Khi biết được tin hai tay đại kiếm khách sẽ ấn chứng võ công trong một trận chiến không tiền khoáng hậu!
Tử Y Hầu, Đệ nhất kiếm khách võ lâm hiện đại, sẽ so tài với tay kiếm hải ngoại vào Trung Nguyên, từng hạ mấy mươi cao thủ thượng thặng trên giang hồ, một tay kiếm chưa hề thất bại, chưa từng dùng đến nhát kiếm thứ hai từ ngày vào Trung Thổ!
Cái tin đó truyền đi, nhanh vô tưởng.
Chẳng mấy hôm mà khắp nẻo sông hồ đến tận miền hút gió đèo heo, sơn cùng thủy tận, ai ai cũng nghe.
Và nghe được rồi, ai ai cũng náo nức, bồn chồn, rạo rực, cố tìm mọi cách có mặt tại đấu trường, để mục kích một trận chiến kinh hồn...
Tại Yểng thành, Cửu Hoa Thương Nhạc Hùng, dòng dõi họ Nhạc đời Tống, vô địch thương pháp, đang uống rượu, nghe được tin đó, quẳng chén, bất chấp bạn bè giữa tiệc, bất chấp hành trang, chạy luôn ra cửa, bất chấp ngựa xe, rong bộ thẳng đường dài sang Đông Hải.
Dọc đường, y gọi thêm mấy bằng hữu cùng đi, ai nghe y gọi cũng hớt hơ hớt hải chạy đi, gấp rút hơn người chạy nạn.
Tại trấn Dư Kỳ, Khoái Mã Song Tiên Hồ Diện Thọ, dòng dõi họ Hồ, đang trầm mình tắm ngựa ở bờ sông, nghe được tin đó lập tức chụp lấy chiếc áo, nhảy phăng lên ngựa, giục vó đi liền, ngựa chẳng cần yên, người không cần hành lý.
Tại trấn Dương Quang, Long Hổ Đao Đồ Chánh Phương, sau bữa cơm, tản bộ trên đường, thấy Hồ Diện Thọ chạy ngang, hỏi qua mới biết sự tình, vội nhảy lên lưng ngựa, ngồi sau họ Hồ hai người một ngựa đến thẳng Đông Hải.
Tại Điền Gia An, Ngọa Hổ Điền Thông có mặt tại Chánh Dương Quang, lúc đó đang cũng bằng hữu uống rượu trên lầu cao, nghe được tin đó, vội vọt mình qua cửa sổ đáp xuống bên dưới gặp một con ngựa của ai cột tại cổng, giật đứt dây, nhảy vọt lên lưng, thúc gối vào lưng ngựa sải liền. Dĩ nhiên là đi về Đông Hải.
Tại Vũ Hồ, tay đại hào Khoái Thủ Phân Kim Tùy cùng Phi đao tướng Dương Thế Nghĩa đang tranh chấp về thị trường lúa gạo, nghe được tin đó, cả hai bỏ ngay cuộc tranh chấp, cũng đoạt một cỗ xe của khách du lướt ngang qua chỗ đó rồi cùng nhau đánh xe thẳng đến Đông Hải. Dọc đường họ đàm đạo với nhau, tương đắc như đôi bạn thân, cuộc tranh chấp chết sống vừa qua đã biến tan trong ký ức.
Có nhiều người trầm tính hơn, nghe được tin đó rồi hoặc cho gia nhân chạy ngựa thông báo bằng hữu cùng đi, hoặc cho bồ câu mang tin tức cho đồng đạo hẹn nhau khởi hành.
Hầu như tất cả hào kiệt trên giang hồ đều rầm rộ lên đường về Đông Hải, riêng người áo trắng và Hồ Bất Sầu thì mới đến địa phận đất Dự.
Những kẻ hay tin sau cùng, cấp tốc lên đường thẳng đến nơi, sợ trễ mất dịp may hy hữu.
Tử Nhiêm Long Thọ Thiên Tề, tay đại đạo khét tiếng vùng duyên hải đã đoán biết trong kỳ đại chiến giữa hai tay kiếm phi phàm này, hẳn phải có mặt toàn thể nhân vật võ lâm lưỡng phái hắc bạch, nên đã chọn địa điểm tốt, dựng tạm lên độ hai trăm gian phòng nghinh đón khách bốn phương.
Khách, tuỳ theo thanh khí của nhau, hoặc đôi ba người một phòng, hoặc năm bảy, mươi người một phòng. Những ké đến trước chiếm trọn số phòng, ai đến sau phải đành ở cội cây tàng lá.
Chỉ trong vòng mấy hôm, quần hùng khắp nơi quy tụ nơi bờ Đông Hải đông hơn kiến, rồi hàng quán dựng lên, người mua kẻ bán tấp nập, địa điểm trở thành một cái chợ bất ngờ...
* * * * *
Vào một ngày, hoàng hôn xuống, đồng hoang nhuộm nắng nhạt trải tận phương trời.
Người áo trắng và Hồ Bất Sầu đã qua Nhữ Hà.
Cả hai tiến bước đều đều, xuyên cánh đồng dưới ánh tịch dương. Họ không theo lộ cái, chọn những con đường tắt mà đi. Họ đúng là những con người hoàn toàn hiến mình cho võ thuật. Võ thuật đối với họ là trên hết, trên cả lẽ sống của họ. Mệt nhọc, buồn ngủ, gặp đâu ngủ đó, đói không cần vào hàng quán, cứ đi. Gặp chim gặp thú, bắt là nướng, là ăn, ăn xong lại đi, khát thì đã có sông, có suối, dọc đường, khát đâu uống đó.
Không có một trở lực nào, không có một nhu cầu nào làm cho họ chậm hành trình.
Người áo trắng đã thế, mà Hồ Bất Sầu cũng thế. Có lẽ y đã nhiễm cái tánh của người áo trắng, nhiễm mau, nhiễm mạnh nên giờ đây y chẳng khác gì người áo trắng.
Lắm lúc, họ gấp rút quá, bắt được con thú, bắt được con chim, không kịp nướng chín, cứ xé sống mà ăn, vừa đi vừa ăn...
Xuyên đồng vượt núi, đốt giai đoạn hành trình. Ăn sống ăn tươi, nếu là ai ở vào trường hợp họ, chắc chắn không kham nổi.
Hồ Bất Sầu bám sát người áo trắng như bóng theo hình, hình ăn, bóng ăn, hình nghỉ, bóng nghỉ.
Chiều hôm đó, họ qua sông Nhữ. Họ đã đi từ sáng sớm đến giờ. Tuy dọc đường không có sự gì quan trọng xảy ra, song Hồ Bất Sầu cảm thấy mình kiệt sức, y vẫn cố gượng bước đều, gượng một chút lại cảm thấy không còn chịu nổi được nữa. Dù vậy, y chưa than van, y cứ cười cứ cố gắng bước đều.
Người áo trắng thoáng nhìn qua, thấy vậy liền dừng chân, tìm chỗ ngồi xuống.
Hồ Bất Sầu kín đáo thở phào, ngồi xuống theo người ằo trắng. Vừa ngồi xuống liền nằm dài ra, duỗi chân, duỗi tay, nghe khoan khoái vô cùng. Nằm, có ai trên đời này lại thiếu cái nằm? Nhưng ở vào trượng hợp của Hồ Bất Sầu mới biết giá trị của một cái nằm như thế nào.
Bỗng người áo trắng ngẩng mặt nhìn buột miệng thở dài :
- Bạch Tam Không! Lão ấy là con người khá lắm!
Từ lúc rời Liên Vân trang đến hôm nay, đây là câu nói thứ nhất của người áo trắng, mà lời nói thứ nhất lại đề cập đến vị sư phó của y.
Hồ Bất Sầu hết sức kinh ngạc, vừa kinh ngạc vừa hân hoan, y muốn chen vào một câu, nhưng chẳng biết phải giáo đầu như thế nào.
Lâu lắm người áo trắng lại tiếp :
- Còn ngươi, ngươi cũng khá lắm!
Hồ Bất Sầu càng kinh ngạc hơn nữa. Lần này thì câu nói nhắm vào y, y có thể chen lời. Y ấp úng :
- Đa... đa tạ...
Người áo trắng lại nhìn lên khoảng trời trong xanh, không gợn chút mây chiều, mơ màng chẳng nói gì thêm.
Đối phương không nói, thì Hồ Bất sầu chẳng dám kinh động, y cũng nín luôn.
Rồi gió từ từ lên; mây từ bốn phướng từ từ bay về, bầu trời trong xanh dần dần gợn hồng, gợn bạch... thoáng mắt có đủ sắc màu của hoàng hôn. Rồi mây trôi, nối tiếp trôi qua, ánh mắt của người áo trắng cũng chơm chớp theo mây.
Hắn đang nghĩ gì?
Đồng rộng mêng mang, hai con người ở giữa cánh đồng mênh mang xem nhỏ bé quá!
Người nhỏ bé, nhưng hoài bão to lớn! Chính cái to lớn đó tạo cho họ vẻ thê lương của người nuôi mộng.
Hồ Bất Sầu len lén nhìn hắn. Lòng y phát sanh muôn cảm khái. Y thở dài, nghĩ thầm :
- Trọn đời hắn, hắn cứ như thế mãi sao? Hắn tứ cố vô thân, hắn chẳng có một bằng hữu nào trên vạn nẻo sông hồ? Bình sinh hắn làm gì? Hắn nghĩ gì? Hừ! Cho hắn có đạt đến đỉnh cao của võ đạo có ai cùng hắn chia hưởng thành công? Có ai cùng hắn chia hưởng vinh quang?
Bất quá hắn cũng tịch mịch như lúc ban sơ, hắn tịch mịch suốt đời, đến hơi thở cuối cùng hắn cũng tắt trong tịch mịch!
Trong một lúc, Hồ Bất Sầu cảm thấy người áo trắng đáng thương hại quá. Võ công hiển hách thật, nhưng kiếp sống lại chìm sâu trong đen tối của dòng đời...
Bỗng, người áo trắng cất tiếng ca. Lời ca gọi trời, gào đất, oán than tạo vật vô tình, buồn than cái chí khó thành, cái khí khó bình. Bao nhiêu năm dài, xách kiếm lang thang đi khắp đó đây, người không tri kỷ đã đành, mà kiếm cũng khống tri kỷ!
Lời ca trầm trầm, giọng bi ai, nhưng hàm chứa một khí hùng, dù con người lạc phách như thế nào, khí hùng vẫn bất diệt.
Hồ Bất Sầu không dằn được tính hiếu kỳ. Từ lúc rời Liên Vân trang thẳng đường về Đông Hải, đã mấy lượt y toan gợi chuyện với người áo trắng dò la tâm ý của hắn. Song lượt nào cũng thế, sắp sửa mở miệng là ngại trong lòng. Do đó suốt cuộc hành trình đến đoạn đường này, y chưa có cuộc đối thoại nào với bạn đồng hành.
Giờ đây, dịp khá thuận tiện, y chẳng bỏ qua, nhóng một câu :
- Cái thân đơn độc đã đành, mà hành động, cũng cô độc nốt. Các hạ tự cầu tịch mịch chăng? Với tài nghệ quán tuyệt trần gian các hạ thừa phương tiện tạo cho mình một nhiệt náo thích thú, tại sao lại tự chuốc lấy cô liêu tịch mịch cho mình?
Người áo trắng không đáp liền. Lâu lắm mới từ từ cất tiếng :
- Không! Lời ca đó không hẳn là phản ánh tâm tư của ta! Lời ca đó, chính là của cha ta.
Hắn muốn nói nhiều hơn, hắn muốn nói lưu loát hơn. Nhưng có cái gì ngăn chặn bên trong, câu nói chi thoát ra được ngần ấy rồi ngưng lại.
Hồ Bất sầu hiểu rõ hắn đang có một u hoài, một thứ u hoài thâm trầm, dù có muốn bộc lộ, nó cũng chẳng trào dâng. Y chỉ thở dài, rồi một lúc sau, y lại nói :
- Hẳn lệnh tôn là một bậc phi thường? Mà đã là phi thường, tất phải có tao ngộ phi thường?
Người áo trắng lại trầm lặng một lúc sau cũng thốt :
- Thân phụ là một bậc kỳ tài, am tường bách nghệ, vì cái chỗ am tường quá nhiều đó, nên có phần nào phân tâm. Khi phân tâm rồi chẳng thể tinh thông võ thuật đủ cả bách nghệ. Phàm võ học là giới canh vô bờ bến, càng học càng thấy huyền diệu, cao thâm, thì sự tinh thông lại càng khó đạt. Vả lại dù tài giỏi đến đâu, trăm thắng cũng có một bại. Bại mình thì thẹn, bại người thì chuốc lấy đố kỵ, hận thù. Tiên phụ phải lạc phách giữa dòng đời, thế nhân ngoảnh mặt. Cuối cùng người phải tìm đến một nơi xa, thật xa, tận phương trời, qua nhiều năm tháng...
Hồ Bất Sầu thầm nghĩ :
- Rút kinh nghiệm qua lối đối xử với chính mình, của người đời quen thói xu thừa, phụng hưởng, phụ thân của hắn, có lẽ đã bảo con, nên bỏ sự việc trên thế gian, chuyên tâm nghiên cứu võ đạo. Lời ca tỏ rõ cái nỗi bất bình, bi thống. Lão ấy chắc lúc chết không nhắm mắt vậy! Hắn ngay từ lúc ấu thơ đã bị cái bi thống, bất bình của cha thâm nhiễm quá nặng nề rồi, thành thử hắn tiếp nối cái di sản tinh thần của cha, hắn hoàn toàn là một phản ánh trung thực của cha, hoàn toàn hiến thân cho võ đạo!
Luận con người đối diện như thế đó, Hồ Bất Sầu chẳng thiết mình kính sợ hay hân hoan, hay thương hại... Người áo trắng lại từ từ tiếp :
- Thân thế của ta, trên thế gian này, chẳng ai có quyền biết đến.
Giả sử hôm nay ta bốc đồng một chút, tiết lộ cho ngươi nghe rồi, thì nghe bên tai này, nên để cho ra bên tai kia, đừng bao giờ nhớ đến!
Giọng nói của hắn lạnh lùng, tàn khốc làm sao, giọng nói không một chút cảm tình nào. Giọng nói còn khô khan hơn âm thanh của một đao phủ trước khi huơ đao chặt đầu tử tội.
* * * * *
Trên chiếc thuyền buồm ngũ sắc trong một khoang, trang trí như khuê các của các nhà hàng thiên kim. Tiểu công chúa đang cắm hoa vào lọ.
Nàng xắn tay áo khá cao, để lộ đôi cánh tay tròn lẳn trắng ngà.
Cánh tay đó tận cùng bằng một bàn tay cũng tròn, mịn, trắng, có năm ngón thon thon. Cánh tay, bàn tay, ngón tay gồm đủ vẻ quý phái, vẻ mỹ miều, vẻ sung túc và luôn cả vẻ mãn nguyện. Có thể bằng vào các vẻ đó mà cho rằng nàng yêu đời được chăng?
Dù sao thì cũng chưa có ai biết được hoài bão của nàng. Chưa ai biết được nàng để mộng với đời những đường tơ tình màu sắc gì.
Cánh tay đó, bàn tay và ngón tay đó, đang kề hoa. Người nhìn vào chẳng rõ chú ý đến hoa nhiều, hay chú ý đến tay nhiều...
Phương Bửu Nhi ngồi một bên nàng, nhìn đến xuất thần.
Thủy Thiên Cơ ngồi bên đối diện, tay cầm một quyển sách, nhưng quyển sách chỉ mở hờ, chẳng rõ lúc đó nàng đang đọc hay mơ màng đến tận đâu đâu? Khung cảnh đó, đúng là một bức mỹ đồ, tiếc thay bức đồ không phải ghi trên vuông lụa bằng một nét bút thần mà chỉ hiện giữa không gian, rồi sẽ thay đổi theo không gian... Bức họa có người đẹp, có hoa đẹp, có y phục đẹp...
Bỗng, Tiểu công chúa buông cành hoa xuống, giận dỗi :
- Thôi! Chẳng cắm nữa!
Phương Bửu Nhi trố mắt :
- Tại sao?
Tiểu công chúa hờn :
- Có ngươi ở một bên ta, ta cắm không đẹp?
Thủy Thiên Cơ uốn mình cho đỡ mỏi, nhẹ điểm một nụ cười :
- Tiểu trượng phu của ta kia, sang qua ghế này mà ngồi với ta, xem sách với ta. Đeo mãi một bên đó chi tổ làm phiền người, không cho người cắm hoa đúng ý!
Nàng đưa tay qua bàn, nắm lấy Phương Bửu Nhi kéo qua ghế nàng.
Nàng cười nực :
- Lại đây, ngồi gần một bên ta đây, xem có được chăng? À vậy mới phải chứ! Vợ chồng mà!
Cả hai dán sát vào nhau, đọc chung quyển sách.
Tiểu công chúa nhìn họ, vụt đứng lên, đi tới đi lui hai lượt, rồi ngồi xuống, cầm chiếc kéo cắt vụn mấy cành hoa!
Thủy Thiên Cơ thấy rõ việc đó bật cười khanh khách :
- Cái đức ông chồng tí hon của ta không ngồi bên cạnh công chúa mà sao công chúa chẳng cắm hoa cho vừa ý?
Tiểu công chúa nhấp nhấp chiếc kéo dậm chân hằn học :
- Bực chết? Bực chết được đi thôi!
Thủy Thiên Cơ lại cười ngặt nghẽo, cười đến rung chuyển cả không gian, rung luôn mấy đoạn hoa vụn, đưa tay vỗ vỗ vào mình Phương Bửu Nhi bảo :
- Ngươi xem kìa, ngươi ngồi đó người ta bực. Ngươi đi rồi người ta cũng bực. Thật ta chẳng biết làm sao cho người ta hết bực!
Tiểu công chúa không nhắp kéo nữa, mà cắn chặt môi, cắn mạnh đến suýt bật máu :
- Hắn chết! Hắn chết là tốt hơn hết! Hắn chết là ta hết bực!
Thủy Thiên Cơ vẫn cười, tiếng cười dịu lại phần nào.
- Ý! Hắn chết rồi, tôi thành quả phụ sao?
Nàng vòng tay sau lưng Phương Bửu Nhi, ôm chàng, nhấc bổng lên, thốt :
- Không! Ông chồng tí hon của ta không thể chết được đâu! Phải không phu quân?
Phương Bửu Nhi gật đầu :
- Ta không chết đâu, nàng yên trí!
Đột nhiên Tiểu công chúa đứng lên, rồi nhảy vọt tới, chụp cánh tay hắn, đưa lên miệng, cắn mạnh.
Phương Bửu Nhi kêu oai oái mấy lượt. Đau quá, chàng ngã xuống sàn.
Vừa lúc đó, có tiếng lục lạc khua nhẹ leng keng, leng keng, từ xa vọng đến.
Linh nhi xô cửa bước vào, cười thốt :
- Đùa gì đùa tợn thế, làm tròng trành cả chiếc thuyền to. Rõ trẻ con có khác.
Thủy Thiên Cơ trừng mắt mắng :
- Liễu đầu, ngươi cho ai là trẻ con?
Linh nhi cười khanh khách :
- Ngươi không là trẻ con, thì còn ai trẻ con?
Thủy Thiên Cơ nhào tới vừa cười vừa mắng :
- Hay! Hay cho ngươi...
Đoạn đưa tay chụp cánh tay Linh nhi nhưng Linh nhi đã gập người lại mà cười, tránh được cái chụp của nàng, rồi tạ lỗi :
- A! Thơ thơ! Tha cho Linh nhi đi! Thơ thơ không là trẻ con, thơ thơ là... lão bà... lão thái bà...
Linh nhi nhìn Phương Bửu Nhi, kêu lên :
- Bửu Nhi! Bửu Nhi! Cứu ta với chứ! Lão thái bà ngươi định ăn thịt ta đây!
Vừa cười vừa kêu lên, Linh nhi vừa thụt lui ra cửa, tiếng cười, tiếng kêu nhỏ dần, rồi ngưng bặt luôn.
Vừa lúc đó, Châu nhi bước vào, gằn giọng :
- Các ông, các bà ơi! Làm gì mà ồn ào lên như thế? Người ta sắp đi hết rồi đó, không ai đợi các ông bà đâu?
Thủy Thiên Cơ hỏi nhanh :
- Ai đi?
Linh nhi cũng đã trở lại, đáp thay Châu nhi :
- Đùa mãi ta quên mất việc quan trọng! Hầu gia đang ở đại sảnh chờ các người đấy, chừng như để phân phó điều gì đó!
* * * * *
Tại đại sánh, một mùi thơm của y phục mới thoảng trong không gian. Hơn hai mươi thiến nữ vận áo gấm, đang rủ rỉ cười nói, những ánh mắt của người nào cũng ẩn hiện vẻ ưu tư, nghi ngại.
Không rõ Hầu gia sẽ phân phó việc gì đó cho chúng...
Bọn Phương Bửu Nhi kéo đến, nhập vào chúng.
Chừng như tất cả người trên thuyền đều có mặt đầy đủ, nhưng Tử Y Hầu chưa đến nơi. Phương Bửu Nhi nép mình qua bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Lúc đó dương quang rất thịnh, rải vàng trên đầu sóng nhô cao, sóng vỗ trập trùng, sóng gào ầm ĩ. Nơi bờ biển, có bóng người, lao nhao lố nhố.
Những người đứng bên bờ đều hướng mắt ra chiếc thuyền buồm ngũ sắc, có người đưa tay chỉ trỏ, có người cười cười, nói nói, tiếng cười, tiếng nói của họ hòa lẫn với tiếng gió, tiếng sóng tạo thành một nhiệt náo quái dị.
Có chỗ, người ta quây quần ba mạng, năm mạng, hoặc mười mạng, cũng ngồi ngay trên bờ uống rượu, dạo đàn, cao hứng quá, lại ca vang ầm lên.
Nhìn quần hùng tụ họp nơi đất liền, Phương Bửu Nhi thầm phục cái hào khí của họ. Họ đúng là con người của sông núi gió mây, sống cuộc đời phóng túng, không thúc không câu. Tuy còn ngụp lặn trong trần thế nhưng đã đưa tâm hồn thoát khỏi tục trần.
Bỗng, có tiếng đằng hắng khác vang lên. Gian sảnh đường trong thuyền trở nên tịch tịnh. Phương Bửu Nhi quay nhìn lại thấy Tử Y Hầu đã đến, đang ngồi trên chiếc ghế trước bình phong.
Đôi mắt của Tử Y Hầu quét quanh mọi người một lượt, ánh mắt vẫn dịu hiền như thường ngày, song có ẩn một oai khí sum nghiêm. Ánh mắt đến đâu, người cúi đầu đến đó.
Tử Y Hầu chưa mở miệng nói tiếng nào, nhưng tất cả đều cảm thấy một sự bất thường đang lởn vởn đâu đây. Do đó khung cảnh đang tịch tịnh lại càng thêm tịch tịnh, chẳng còn ai dám thở mạnh nữa.
Mọi người thừ ra đó, như bao nhiêu tượng gỗ dựng đứng. Có khác chăng là đôi mắt còn mở, còn sáng, nhưng mắt cũng không chớp...
Rồi có tiếng chân từ xa vọng lại, tiếng chân của nhiều người, tiếng chân đến gần. Hai mươi người đàn bà, dáng dấp khỏe mạnh khiêng hai mươi chiếc rương bằng gỗ tử đàn, rương khá to, nối đuôi cá tiến vào khách sảnh.
Tử Y Hầu trầm giọng :
- Để xuống, rồi mở ra!
Hai mươi chiếc nắp rương liền bật lên.
Khung cảnh gian khách sảnh vụt sáng rực lên, như hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cùng đốt lên một lượt đột ngột.
Hai mươi chiếc rương đựng toàn châu ngọc to có, nhỏ có, đủ hình, đủ màu. Viên ngọc nào cũng có giá trị liên thành.
Tử Y Hầu từ từ thốt :
- Tài sản của ta phần lớn là ở trong mấy chiếc rương đó. Trừ con gái ta, Châu nhi và Linh nhi, các ngươi hãy nhận mỗi người một chiếc!
Ta tặng các ngươi đấy!
Trời! Phân chia tài sản! Như vậy là phân ly! Sanh ly hay tử biệt?
Bao nhiêu thiếu nữ hiện diện đều thất sắc, cũng rung rung giọng thốt :
- Hầu gia! Thế này là sao hở Hầu gia? Hầu gia định... định...
Tử Y Hầu cười nhẹ :
- Các ngươi theo ta đã nhiều năm rồi, nếu ngày mai thì rất có thể ta bất hạnh mà chết đi. Ta không nỡ để cho các ngươi thiếu thốn trên dòng đời. Một chiếc rương châu ngọc đó cũng đủ bảo đảm cho cái ăn cái mặc cho các ngươi trọn kiếp sống. Ta chỉ mong các ngươi có chỗ nương tựa an toàn. Được như vậy mới không uổng phí thời gian tụ hội vui vầy với nhau. Ta chết đi mà các ngươi không đói rách, thì cái công hầu hạ ta cũng được đáp đền...
Bọn thiếu nữ cũng rớm lệ rập đầu thốt :
- Hầu gia còn tráng kiện. Số thọ hẳn phải dài, sao bỗng nhiên nói thế, bọn chúng tôi đau lòng biết bao!
Tử Y Hầu mỉm cười :
- Cường địch ở trước mắt trong cuộc chiến đấu sắp diễn ra. Chưa biết sống chết thế nào, ta phải có cách an bài cho các ngươi. Như vậy ta mới vững tâm mà chiến đấu chứ!
Nói đến chuyện sanh tử mà Hầu gia lại cười được. Đủ biết con người trầm tĩnh phi thường. Tuy nhiên trong giọng cười, có phần nào ảm đạm...
Bọn thiếu nữ giờ đây đã quỳ sát sàn thuyền. Nàng nào cũng muốn nói một câu, nhiều câu, những chẳng ai tìm được một lời thích hợp với tình cảnh.
Tiểu công chúa khóc to hơn ai hết, nàng gào lên :
- Gia gia nếu không nắm được cái lẽ tất thắng, thì còn giao đấu với hắn làm gì?
Tử Y Hầu trầm gương mặt gắt :
- Con còn nhỏ tuổi, nào đã biết gì mà nói. Dù cha biết trong cuộc chiến này, cha phải chết, cha cũng chẳng từ chối được. Cõi thế tất chiến là phải chiến, dù chẳng nắm được lẽ tất thắng con ạ? Huống chị đối với hắn có năm phần thắng, năm phần bại, như vậy cũng chẳng đáng lo ngại gì. Con hãy nhớ kỹ điều này, là có việc không nên làm, có việc phải làm. Phàm con người chọn nghiệp võ như cha, không ai không gìn câu đó như phương châm bảo vệ tác phong.
Tiểu công chúa không dám nói nữa chỉ khóc muồi...
Phương Bửu Nhi nghe lão nói, có việc không nên làm, có việc phải làm. Hắn nghe máu nóng trong người sôi động, trào dâng.
Hắn đảo mắt nhìn quanh khách sảnh, thấy người nào cũng sụt sùi, đổ lệ. Tiếng khóc to nhỏ bất đồng, có người nức nở từng cơn, có người cắn môi nén hận...
Đến Thủy Thiên Cơ cũng nhòa lệ thảm, Phương Bửu Nhi thương cảm quá, quay mặt chỗ khác, chẳng dám nhìn ai lâu.
Tử Y Hầu đưa mắt trông mây trời qua khung cửa sổ thuyền, lâu lắm lão mới thốt :
- Linh nhi! Châu nhi! Đáng lý ta cũng phải trả tự do cho hai ngươi, như hai mươi người kia, ngại gì...
Khẽ thở dài, khẽ thở dài chỉ Tiểu công chúa, đoạn tiếp :
- Vì nó còn nhỏ tuổi quá, nó cần phải có người chiếu cố. Mà các ngươi gần bên nó từ lâu, biết tánh với nhau, quyến luyến nhau. Ta phải tạm lưu hai ngươi lại, bầu bạn với nó. Chiếc thuyền này, luôn cả những gì còn lại trên thuyền, giao lại cho hai ngươi...
Lão lại thở dài, rồi tiếp :
- Thực ra, ta bất nhẫn quá. Hai ngươi đang tuổi thanh xuân, lại phải giam hãm tuổi xuân trên thuyền, chẳng mấy chốc, xuân qua, già đến!...
Châu nhi, Linh nhi khóc ngất, gào lên :
- Sao Hầu gia nói thết? Dù Hầu gia có bảo chúng tôi chết, chúng tôi cũng sẵn sàng, huống gì việc hầu hạ công chúa? Dù có hầu đến suốt đời, chúng tôi cũng vui!
Bọn thiếu nữ khóc quá, thành khan tiếng, chúng cất giọng khàn khàn phụ họa theo Linh nhi và Châu nhi :
- Bọn chúng tôi tình nguyện ở lại trên thuyền với Châu thơ và Linh thơ, hầu hạ công chúa mãn đời, chết cùng chết, nhất định không rời khỏi thuyền này.
Tử Y Hầu trầm nghiêm giọng :
- Có nhiều việc xảy đến cho con người, thế tất phải chịu. Không nên gượng gạo ngược lại chuyển biến của dòng đời. Huống chi các ngươi đang ở luống tuổi thanh xuân, tương lai rộng sáng, đừng khinh thường mà mỗi việc mỗi lấy cái chết tự hẹn với mình!
Mặt lão thì ngưng trọng, nhưng thần thái lại trấn tĩnh phi thường...
Phương Bửu Nhi lại nhìn tất cả, mọi người đều thiểu não phạc phờ.
Riêng lão lại bình tĩnh cực độ, khí thái kiên hùng. Bất giác lòng hắn phát sinh một cảm khái kỳ dị, hắn nghĩ :
- Sắp dấn thân vào cảnh sống chết khó lường mà giữ được khí độ như Tử Y Hầu, nếu không là con người có dòng máu lạnh, hẳn phái là một bậc chánh đại anh hùng...
Bỗng từ trên bờ, tiếng la hét vang lên, ồn quá, lấn át cả tiếng sóng, tiếng gió.
Tuy tiếng la hét ồn ào, sóng nhưng chỉ là những tiếng giống nhau, nên nghe rất rõ, chẳng cần phải suy nghĩ :
- Đến! Đến rồi!
Tự nhiên Phương Bửu Nhi lại giật mình, chẳng khác nào sự việc hôm nay có liên quan hệ trọng với hắn. Không dừng được, hắn quay đầu nhìn lên bờ.
Hắn chưa thấy gì trên bờ, trước hết hắn thấy một con thuyền nhẹ, lướt sóng như bay. Chèo thuyền là hai đại hán mình trần, đang gồng tay đẩy mái chèo. Nơi mũi thuyền, một đại hán khác, đôi chân bẹt ra, đứng vững như trồng, Dù thuyền nhồi mạnh theo sóng, còn cách xa thuyền buồm ngũ sắc đại hán đó cao giọng thốt :
- Trình với Hầu gia! Kiếm khách áo trắng vừa đến.
Tất cả mọi người trong khách sảnh đều biến sắc.
Mặt Tử Y Hầu vẫn thản nhiên như thường. Chỉ có đôi mắt thì sáng rực lên. Một thứ ánh sáng kỳ lạ, ánh sáng đó tạo cho lão một vẻ mặt siêu phàm, biến lão thành một nhân vật thần thoại.
Phương Bửu Nhi cứ rung động mãi mấy ngón tay, chứng tỏ thần kinh hắn khích động mạnh. Hắn không thích võ công, nhưng những gì diễn tiến quanh hắn nói lên một cuộc chiến mà hắn nghĩ là không tiền khoáng hậu. Bởi hy hữu, nên mới quy tụ được hầu hết những tay thượng đẳng trong giang hồ nơi bờ Đông hải như hôm nay. Hắn cũng cảm thấy nao nao với niềm hứng khởi. Hắn nắm lấy bàn tay Thủy Thiên Cơ bóp mạnh, Thủy Thiên Cơ cũng tỏ lộ sự khích động như hắn.
* * * * *
Trên bờ biển, sự khích động của quần hùng lên đến cực độ. Niềm khích động của họ vượt xa Phương Bửu Nhi và Thủy Thiên Cơ, chỉ vì Phương Bửu Nhi và Thủy Thiên Cơ đang ở lại thuyền, chẳng thấy gì ngoài bọn thiếu nữ đang bi lụy, khổ sở, còn quần hùng thì trông thấy được chính mắt, người áo trắng đến nơi với Hồ Bất Sầu!
Trong những ngày gần đây, sự xuất hiện của người áo trắng trên dải đất Trung Nguyên đã gây chấn động mạnh trong võ lâm. Và bất cứ nơi nào có sự họp mặt của hào kiệt anh hùng, người áo trắng cũng là đầu đề câu chuyện.
Giờ đây, hắn cùng Hồ Bất Sầu sánh vai với nhau, xuất hiện tại Đông Hải. Họ mới có dịp trông tận mắt con người khét tiếng với một đường kiếm duy nhất lấy mạng đối phương như trở bàn tay, không cần dùng đến nửa chiêu thứ hai.
Tất cả hò hét, gào lên. Tiếng hò, tiếng hét, tiếng gào của hàng ngàn người hẳn phải to lớn đến bậc nào. Gia dĩ họ gây huyên náo với tất cả niềm khích động cao độ, sóng gió như mất cái oai khí trước sự bồng bột của họ mà lắng dịu âm vang...
Tiếng hoan hô của họ có thể làm chuyển động cả núi rừng, nhưng không phá vỡ nổi vẻ lạnh lùng nơi khuôn mặt người áo trắng. Chừng như tai hắn chẳng nghe huyên náo, mắt hắn chẳng thấy quây quần, mắt hắn chỉ nhìn thẳng ra ngoài, nơi có chiếc thuyền buồm ngũ sắc đang neo...
Tử Nhiêm Long Thọ Thiên Tề, người có nhiệm vụ tiếp tân tại bờ Đông Hải trong cuộc so kiếm hôm nay, nghe động, biết là người áo trắng đã đến, vội sai bốn vị đầu mục nghinh đón.
Trong bốn vị đại đầu mục, có một vị râu ngắn tựa râu rồng, vóc to, vừa trông thấy người áo trắng, vụt biến sắc mặt. Vẻ sợ hãi hiện rõ như trẻ con thấy quỷ dữ hiện hình, đôi chân của gã run run rồi từ từ nhũn lại, gã ngã sụm tại chỗ.
Người áo trắng cũng đã trông thấy đại hán. Đôi mắt của hắn sáng rực lên, hắn không tiến ra bờ biển, hắn quay trở về hướng Thọ Thiên Tề và bốn vị đại đầu mục.
Đại hán râu rồng càng biến sắc mặt hơn. Còn Thọ Thiên Tề và ba đại đầu mục kia thấy ánh mắt của người áo trắng bắt rùn mình. Họ chẳng hiểu lại sao hắn chăm chú nhìn đại hán râu rồng như thế.
Khi người áo trắng đến gần, đại hán râu rồng cố gắng hỏi một câu :
- Ngươi không chết?
Người áo trắng nhìn gã một lúc trong ánh mắt có vẻ khinh miệt đối phương rõ rệt, hắn gằn từng tiếng một :
- Ngươi chẳng xứng đáng cho ta xuất thủ!
Rồi hắn quay mình, trở lại bờ biển.
Đại hán râu rồng thở phào, lồm cồm ngồi dậy, mồ hôi đẫm ướt đầu, kết thành dòng, rơi xuống đất, nghe rõ độp độp.
Vậy mà hắn chẳng đưa tay lau khô. Chẳng rõ gã quá sợ, không dám làm một cử chỉ nào, hay gã chưa hoàn hồn, nên quên mất là mình xuất hạn như đi trong mưa.
Thọ Thiên Tề lấy làm lạ hỏi :
- Sự tình như thế nào?
Đại hán râu rồng đáp :
- Người đó từ phương đông, cỡi thuyền vượt biển, ngang qua Lao Sơn, bị anh em chúng tôi phát hiện. Thấy thuyền của hắn khẳm đừ, mường tượng là chở đầy vàng bạc châu ngọc, do đó anh em chúng tôi mới xuống nước, lặn ra ngoài khơi, đục thuyền của hắn, thuyền chìm.
Từ chỗ thuyền vào bờ, ít nhất cũng trên một dặm đường, anh em chúng tôi đinh ninh là hắn phải chết chìm, ngờ đâu...
Gã thở dài, lặp lại :
- Ngờ đâu?...
Gã không ngờ cũng phải, vì gã có biết đâu người trên thuyền có võ công đạt đến mức hỏa hầu, có thể phong bế các khí quan trên người ít nhất cũng hơn nửa khắc thời gian. Cho nên sau khi thuyền đắm, hắn dùng thiên cân trụy pháp, trầm mình xuống đáy biển, theo dòng biển vào thẳng bờ.
Vì không thấy người áo trắng nổi lên mặt nước, bọn của gã đại hán râu rồng tưởng gã chìm lỉm mà chết luôn. Rồi giờ đây, quần hùng võ lâm quy tụ tại đây chờ xem một người, mà người đó lại là kẻ xưa kia bị gã và bằng hữu của gã hãm hại để đoạt của...
Tự nhiên, gã phát sợ hãi!
Gã cúi đầu gầm xuống trong khi Tử Nhiêm Long Thọ Thiên Tề hỏi :
- Trên thuyền có tất cả mấy người?
Gã đại hán râu rồng ấp úng :
- Chỉ có... một người! Hắn!
Rồi gã liếp :
- Thấy hắn rồi, thuộc hạ nhớ việc hắn đơn thân độc lực, vượt thuyền lướt biển từ hải ngoại xa xôi đến Trung Nguyên, biết ngay hắn là tay ghê gớm. Hơn nữa nhìn ánh mắt sáng rực của hắn, thuộc hạ tự lượng sức mình chưa phải là đối thủ! Hắn có trông thấy thuộc hạ rõ ràng đâu lúc thuộc hạ đục thuyền hắn, vậy giờ đây thoáng trông qua thuộc hạ, hắn nhận ra ngay. Đủ biết nhãn lực của hắn thật phi phàm.
Gã thở dài, tiếp nối :
- Thuyền của hắn khẳm đừ, chẳng phải hắn chở vàng bạc châu ngọc gì, mà chỉ là những táng đá to, dùng dằn cho thuyền vững sóng.
Thọ Thiên Tề căm giận, gằn giọng :
- Vậy mà gặp ngươi, hắn tha thứ cho ngươi được?
Đại hán râu rồng lộ vé thiểu não :
- Hắn không báo thù, điều đó thực là trên chỗ tưởng tượng của thuộc hạ!
Thọ Thiên Tề nói :
- Hắn tha cho ngươi, nhưng ta chẳng thể tha thứ cho ngươi được!
Ngươi bất chấp cái đạo nghĩa của kẻ sinh hoạt trên mặt biển, cái đạo nghĩa của hạng người lấy biển rộng trời cao làm nhà, lại hạ độc thủ với kẻ cô lữ trong bước hải hành, ngươi đã phạm vào tội gì theo luật hải hồ, ngươi biết chăng?
Đại hán râu rồng biến sắc nhợt nhạt, run run giọng :
- Thuộc hạ biết! Thuộc hạ đáng tội chết!
Thọ Thiên Tề hừ một tiếng :
- Ngươi đã biết tội mình, thì hãy tự xử gấp!
Y chẳng buồn nhìn thoáng qua gã đến nửa mắt, bước đi liền. Y đi theo người áo trắng.
Đại hán râu rồng ngẩng mặt lên không, than thở. Gã hướng qua ba bạn đồng chức, quỳ xuống cất giọng thê thảm :
- Nếu các vị còn nhớ đến tình nghĩa giữa chúng ta ngày nào, xin chiếu cố đến vợ con của tôi! Được vậy tôi sẽ ngậm cười nơi chín suối!
Ba đại hán kia đau lòng quá, nhưng còn biết làm sao hơn? Họ đồng đáp nhanh :
- Bằng hữu yên trí! Hãy đi đi, mọi việc anh em chúng tôi xin chu toàn cho quý quyến?
Đại hán đưa tay rút thanh chủy thủ dưới đế giày, trong khi ba người kia quay mặt nơi khác, không dám nhìn thảm cảnh.
Gã cầm thanh chuỳ thủ, chống mũi ngay ngực, khoảng con tim đâm mạnh vào.
Một tiếng phập vang lên, mấy tia máu phun ra, thân hình đại hán từ từ ngã xuống.
Đến lúc đó, ba vị đầu mục kia mới quay lại nhấc bổng gã lên bê xác gã đi nhanh về phía người áo trắng và Thọ Thiên Tề.
Quần hùng chứng kiến cảnh dó, phải thầm phục quy luật giới hải đạo hết sức nghiêm. Cái chết của gã đại hán râu rồng làm cho mọi người hiện diện xao lòng phần nào hứng khởi trước cuộc đấu sắp khai diễn.
Nghe tiếng động sau lưng, người áo trắng quay đầu nhìn lại.
Thọ Thiên Tề bước tới cao giọng thốt :
- Thuộc hạ của Thọ tôi, ngày ấy đã có hành động trái với luật hải hồ, sai công đạo, thì...
Người áo trắng dù không mục kích những gì đã xảy ra, sau khi buông tha gã đại hán râu rồng, chừng như hắn biết trước cái kết cuộc là phải như thế, hắn buông gọn :
- Mang xác gã ấy lại đây!
Thọ Thiên Tề vẫy tay, ba vị đại đầu mục đưa xác gã đại hán râu rồng đến trước mặt hắn, đặt xuống đấy.
Thọ Thiên Tề đảo mất nhìn ra bốn phía, đoạn dõng dạc tuyên bản án :
- Bất nhân! Phải chết! Bất nghĩa, phải chết? Quy luật hải hồ không dung thứ những kẻ bất nhân, bất nghĩa! Hắn chết để chứng minh công đạo trường tồn!
Quần hùng vỗ tay hoan hô vang dội. Người áo trắng lạnh lùng nhìn qua xác chết, lại buông gọn :
- Tốt lắm!
Thọ Thiên Tề lại cao giọng :
- Kẻ phạm tội trực tiếp, đã đền tội. Người có tội gián tiếp, không thể trốn tránh. Thọ lôi xin bồi thường thiệt hại cho kiếm khách. Trong nửa khắc nữa, sẽ có một chiếc thuyền mới, hiến cho quý khách.
Người áo trắng nhìn thoáng qua xác chết, không nói lời nào cả.
bước thẳng đến bờ biển.
Một giọng nói từ chiếc thuyền buồm ngũ sắc vọng đến bờ :
- Các hạ đã luyện được kiếm pháp vô song, xứng đáng được gọi là Vô Song kiếm khách, chẳng hay các hạ có thể cùng tại hạ giao đấu ngay trên mặt biển chăng?
Giọng nói không lớn lắm. Gia dĩ lúc đó gió biển tuy không thổi mạnh, vẫn nghe rào rào, sóng biển tràn bờ cuốn cát vàng xì xèo. Vậy mà quần hùng đều nghe lọt, chẳng khác nào người thoại rỉ bên tai.
Khẩu khí đó, dĩ nhiên đúng là của Tử Y Hầu. Bây giờ mọi người biết rõ giai đoạn quan trọng nhất của cuộc ước hẹn hôm nay đã đến, ai ai cũng im hơi lặng tiếng, cố trút hết tinh thần theo dõi...
Người áo trắng vẫn lạnh lùng như muôn thuở từ từ hỏi lại :
- Tại sao phải chiến đấu ngay trên mặt biển?
Hắn đáp, cũng nhẹ nhàng, cũng rõ rệt như Tử Y Hầu, có điều thanh âm hơi lạnh lùng hơn một chút.
Trên thuyền, Thủy Thiên Cơ, Phương Bửu Nhi và Tiểu công chúa tất cả bọn thiếu nữ thừa hiểu cuộc quyết liệt đã bắt đầu. Trừ Phương Bửu Nhi ra, còn thì tất cả đều biết ít nhiều võ công. Họ suy qua âm thinh của người áo trắng, họ ước độ võ công của người áo trắng nên không ai không lo ngại cho Tử Y Hầu.
Tử Y Hầu bình tĩnh, hỏi chứ không đáp :
- Các hạ muốn nghe một lời giải thích?
Người áo trắng trầm ngâm một lúc :
- Không nghe cũng chẳng sao!
Tử Y Hầu lại hỏi :
- Chúng ta cùng lên thuyền, hội diện nhau trên mặt biển, các hạ nghĩ thế nào?
Người áo trắng thản nhiên :
- Càng hay!
Từ bờ đến thuyền buồm ngũ sắc, khoảng cách ít nhất cũng trên mấy mươi trượng. Song phương đối thoại với nhau chẳng khác hai người ngồi trong một gian phòng, đối diện với nhau. Họ không tỏ lộ có dùng một công lực truyền âm, như vậy đủ biết mức tu vi của họ đã đến mức độ cao thế nào. Quần hùng phải công nhận họ là những tay quán thế!
Trên gương mặt của quần hùng, sự khẩn trương hiện rõ, tưởng chừng như chính họ là người trong cuộc, chứ chẳng phải bàng quan.
Nghe song phương ước hội với nhau trên mặt biển. Thọ Thiên Tề vẫy tay lên, lập tức có một chiếc thuyền nhẹ lướt tới, cập sát bờ.
Người áo trắng quay qua Hồ Bất Sầu, hỏi :
- Người có thể chèo thuyền cho ta?
Hồ Bất Sầu đáp nhanh :
- Rất sẵn sàng!
Đại hán đưa chiếc thuyền nhẹ đến, vội nhảy lên bờ.
Người áo trắng khẽ nhích đôi chân, thân hình tà tà lướt khỏi mặt đất, đáp xuống mũi thuyền. Hồ Bất Sầu không chậm trễ, nhảy theo ngay, vừa đáp xuống lái thuyền là tay vớ ngay chèo, chuyển mũi ra khơi, đẩy mái!
Tử Y Hầu cũng ra khỏi đại sảnh, đến mũi thuyền nhìn xuống, chiếc thuyền nhẹ do đại hán vừa rồi mang tin kiếm khách áo trắng đã đến hỏi :
- Cuộc giao đấu này, dữ nhiều lành ít, chẳng hay ngươi có dám chèo thuyền cho ta hội diện với Vô Song kiếm khách chăng?
Đại hán đó còn mong gì hơn. Chính hắn muốn xin cái ân huệ được theo bên cạnh Tử Y Hầu, xem cuộc chiến. Giờ đây bỗng nhiên Hầu gia gọi đến, hắn cầm như bắt được vàng, vội ứng tiếng :
- Được thế là hân hạnh cho tiểu nhân lắm!
Lập tức hắn bảo tên chèo thuyền cho hắn tạm lên thuyền buồm ngũ sắc, còn hắn thì lùi lại lái thuyền, cầm chèo, chờ Tử Y Hầu xuống.
Tử Y Hầu quay lại, nhìn bọn người trên thuyền, điểm một nụ cười :
- Các ngươi thận trọng nhé!
Lão nhìn Tiểu công chúa, như muốn nói thêm điều gì, nhưng không rõ nghĩ sao, lại thôi, đoạn nhảy xuống thuyền nhẹ.
Người trên thuyền buồm ngũ sắc không ai không khóc ròng...
Thoạt đầu Phương Bửu Nhi chưa bị kích thích lắm, chừng thấy tất cả đều rơi lệ, hắn cũng khóc luôn.
* * * * *
Hàng ngàn cặp mắt từ trên bờ, giương tròn nhìn theo bóng hai chiếc nhẹ, lướt sóng từ từ ra khơi.
Vầng thái dương đã chếch, hoàng hôn sắp về, nắng vàng trải khắp mặt biển nhấp nhô, như giữa muôn vàn hạt kim cương lóng lánh.
Hai chiếc thuyền con rẽ sóng tiến tới...
Khi hai chiếc thuyền đến gần, Tử Y Hầu hai tay nâng cao thanh kiếm từ từ thốt :
- Xin mời!
Người áo trắng cũng rút kiếm cầm tay, từ từ thốt :
- Xin mời!
Bỗng, hai tiếng thép ngân dài, trong vạn đạo kim quang bốc từ đầu sóng, có hai đạo kiếm khí xung lên, cao vút.
Ánh tà dương, ánh sóng vàng, ánh kiếm cùng chiếu rực trên bãi biển. Quần hùng giương mắt theo dõi từng diễn tiến giữa hai người. Ai ai cũng chóa lên, không dám nhìn lâu nhưng không nhìn thì lại tiếc, thành ra có nhức đầu, có hoa mắt, họ vẫn cố nhìn...
Hồ Bất Sầu giữ vững tay chèo, không đẩy tới nhưng chẳng cho thuyền lùi lại, duy trì bộ vị của đầu thuyền trong tầm kiếm.
Tâm thần theo dõi cuộc nghinh diện của song phương, phần cố gắng giữ con thuyền nguyên vị, y xuất hạn đẫm ướt mình. Gió biển từ ngoài khơi thổi về không làm dịu cơn nóng trong cơ thể y, mồ hôi vẫn đổ.
Người áo trắng đứng tại mũi thuyền thẳng mình như thanh kiếm trong tay, nhưng mũi kiếm chúc xuống.
Tử Y Hầu thì cầm kiếm thủ ngực.
Hai con thuyền nhẹ, nổi trên mặt biển sóng cồn. Dù tay chèo có cứng đến đâu cũng chẳng giữ được thuyền vững. Song dù thuyền lắc lư, cả hai đấu thủ vẫn đứng vững như trời trồng, hai thanh kiếm không hề dao động.
Hai con thuyền từ từ đến gần nhau, hai con thuyền nhích từng tấc một, khó khăn vô cùng bởi một mái chèo đẩy tới, là sóng tràn về phía hậu ngay, có khi còn xa hơn vị trí cũ.
Đấu thủ căng thẳng tinh thần đã đành, người cầm chèo vẫn căng thẳng tâm tư như họ.
Cái khó của kẻ cầm chèo là ngoài việc giữ thuyền vững, còn chú hết tinh thần theo dõi cuộc đấu. Bởi vì thích nhìn tận mắt một cuộc đấu vô tiền khoáng hậu, họ mới tình nguyện làm trạo phu, chứ có lợi lộc gì?
Còn hai đấu thủ chỉ có việc ghìm nhau thôi, chẳng phải lo nghĩ đến việc điều khiển con thuyền...
Một người ghìm mũi kiếm xuống, một người hoành kiếm ngang ngực, họ chú hết tâm tư, nhận định từng cử động nhỏ nhặt của đối phương, giả sử lúc đó, biển có sôi trào, hay từ ngang trời bay xuống một hòn núi rơi kề cận, họ cũng chẳng dám xao lãng ý chí.
Tử Y Hầu ngưng đọng thần sắc đến trắng nhợt. Còn người áo trắng thì phấn khởi lạ thường, người áo trắng cho rằng từ lúc múa kiếm đến nay mới có dịp so tài cùng người đáng so tài.
Hai con thuyền đến gần, đến gần... vụt, hai con thuyền lướt qua, một tả, một hữu, như hai cái thoi dệt phóng nghịch chiều.
Thuyền qua ngang nhau là chiêu thứ nhất được thi triển.
Từ Y Hầu đã vung kiếm trước.
Thế kiếm của lão rất bình thường, chẳng có gì ngụy dị, kỳ ảo, chỉ có mũi là rung rung, nếu đếm được, tất cả phải nhận ra có hơn hai mươi lần rung. Tất cả những cái rung đó, đều hướng vào ngực, hai bên sườn, bụng, yết hầu của đối phương. Cái đích là hơn ba mươi yếu huyệt của đối phương trong phạm vi đó.
Nên hiểu là họ đang thi triển kiếm khí, chứ chẳng phải dùng ngay chất thép quật chan chát vào nhau như những tay vừa học tập múa kiếm, cho nên với một chiêu, họ có thể công được mấy mươi nơi.
Do đó, dùng hai tiếng xuất kiếm, bất quá chỉ để nói lên họ đã thật sự khai diễn cuộc đấu mà thôi. Thân kiếm hơi nhích động một chút, chứ chẳng bay vèo sang địch, đâm chém như những kiếm thủ thông thường.
Tuy nhiên, khí kiếm vẫn lợi hại, gấp trăm, gấp ngàn lần thép kiếm. Hơn nữa, địch dễ tránh thép kiếm chứ kiếm khí đi nhanh bằng ý tưởng, khiến địch khó khăn định được phương hướng mà lùi hoặc tạt qua bên này, bên kia,...
Người áo trắng cũng nhích động cổ tay, thanh kiếm nhích động theo, độ hơn ba mươi lượt song quanh quẩn tại vị trí cũ, chẳng hề được cử cao lên, hay đổi chiều.
Thuyền qua ngang nhau, rồi tách nhau, mũi xa, lái gần.
Xong rồi chiêu thứ nhất!
Song phương lấy lại tư thế trước, đứng vững tại mũi, và như vậy chưa có sự thắng bại lẫn nhau, và như vậy người áo trắng không hạ nổi Từ Y Hầu với chiêu duy nhất giúp hắn thành công từ lúc cập bờ Đông Hải, đi sâu vào Trung Thổ.
Mà, Tử Y Hầu cũng chẳng hạ nổi đối phương.
Quần hùng trên bờ nín thở từ lúc hai con thuyêdn sắp sửa ngang qua nhau. Giờ đây tất cả đều thở phào. Tiếng thở của họ cùng phát ra một lượt, lại mạnh, mang theo cái dồn ép, hồi hộp, nghe như còn lớn hơn tiếng gió biển từ ngoài khơi lộng về.
Trận chiến diễn ra trên mặt biển cách bờ hơn ba mươi trượng song quần hùng cũng trông thấy rõ, bởi hiện diện tại đây những tay thượng đẳng trong võ lâm, nhãn lực của họ hết sức tinh vi, nhìn đêm như ngày, nhìn xa rõ như gần.
May mắn hơn tất cả, Hồ Bất Sầu đóng vai trạo phu, được nhìn tận mắt cuộc đấu. Y nhận ra chiêu thức của Tử Y Hầu, giống như chiêu Xuân Phong Lôi Động trong Hồi Phong Vô Liễu kiếm pháp gồm bốn mươi chín thức của phái Điểm Thương, một kiếm pháp tân kỳ, một tuyệt học trấn sơn của phái này. Nhìn kỹ một chút chiêu đó lại giống chiêu Long Vũ Cửu Thiên trong Thiên Long Bí Kiếm pháp của Lý gia trang lại Lạc Dương, đất Hà Nam. Rồi nhìn một lúc nữa y lại thấy giống chiêu Thái Cực Sơ Sanh trong Lưỡng Nghi kiếm pháp mà võ lâm đang xem như một kiếm pháp vô địch trên giang hồ.
Bốn chiêu đó, vừa lợi hại vừa nhanh vừa ảo, thế mà Tử Y Hầu chỉ thi triển một chiêu gồm đủ bốn chiêu, gom lại cái tinh túy của bốn chiêu vào một thế hiểm, thật là một sự kiện không thể có trong tưởng tượng của mọi người, chứ đừng nói là có người thi triển nổi.
Nhưng, Hồ Bất Sầu còn nhận ra điều này nữa, là đưa một chiêu gồm đủ tinh túy của bốn chiêu, Tử Y Hầu chưa chịu phát huy trọn vẹn tinh túy đó, lão chi chuyên về thế thủ hơn thế công, chính đó là cái khó nhất cho người cầm kiếm lấy chiêu công làm chiêu thủ.
Thanh Bình kiếm khách Bạch Tam Không từng luyện được cái tính trầm ổn bình tịnh như nước ao thu, võ công lại đạt đến mức tinh túy tột cùng, bình sinh nghiên cứu hầu hết các thế thủ của những môn phái trên giang hồ, rút ra cái hay, so sánh cái lợi hại, sở đắc bao nhiêu điều đem ra truyền dạy cho môn đồ, mà Hồ Bất Sầu lại là một đệ tử tâm ái, cho nên y lãnh hội trọn vẹn những kinh nghiệm của sư phó hiện tại. Y có một nhận xét rất kỹ về chiêu thức hỗn hợp của Tử Y Hầu.
Ngoài sự tổng hợp bốn chiêu thủ như y đã thấy chiêu thức đó còn mường tượng chiêu Hải Yến Hà Thanh của Nhị Lang Thần Tiễn mà tượng thờ tại miếu Nhị Lang Thần nơi quán Giang Khẩu biểu trưng, rồi lại giống chiêu Phong Vũ Bất Thấu trong Thất Oanh kiếm pháp của phái Hoa Sơn, mà cũng giống chiêu Long Vi Phụng Thủ trong Long Phụng thập cửu thức của phái Côn Luân, ngoài ra còn giống chiêu Huyền Băng Như Thiết trong Trường Bạch kiếm pháp của phái Trường Bạch.
Còn như so sánh với kiếm pháp của Thanh Bình kiếm khách thì chiêu đó giống chiêu Bát Phương Phong Vũ.
Những chiêu sau này, là những thế thủ tối nghiêm mật trong các kiếm pháp từng nổi tiếng trong võ lâm. Hiện tại Tử Y Hầu lại gồm được tất cả vào một chiêu, đủ biết cái công phu nghiên cứu kiếm thuật của lão phải khổ nhọc lắm và trải qua rất nhiều năm tháng.
Một chiêu tuy nhìn qua, thấy rất thông thường, nhưng bao gồm tinh túy của gần mười môn kiếm, thì cái lợi hại không thể lường, đủ cương, đủ nhu, đủ thủ, đủ công, xem thì yếu nhưng mạnh vô tường. Giả sử đối phương là một người nào khác, không phải kiếm khách áo trắng, chắc chắn Tử Y Hầu không quá dè dặt mà sử dụng một chiêu tuyệt diệu như vậy.
Nhưng cái hay của Tử Y Hầu, theo Hồ Bất Sầu suy uận, là ở chỗ dùng một chiêu thức thông thường, biểu lộ được tinh túy ảo diệu, điều đó thiết tưởng ngoài lão ra không còn một ai làm nổi!
Bình sinh y mới được dịp mục kích một tay kiếm pháp thi triển cái sở học của mình...
Hai con thuyền quay mũi, từ từ tiến đến gần nhau, rồi từ từ vượt qua.
Tử Y Hầu khẽ hạ một bên vai, thân hình hơi nghiêng một chút, thanh kiếm nhếch lên độ mấy tấc, rồi giữ cứng lại đó không nhích động.
Lão thi triển chiêu thứ hai. Chiêu này cũng thuộc về thế thủ. Tuy nhiên với chiêu thứ hai của Tử Y Hầu, người áo trắng ngưng đọng thần sắc thấy rõ, hắn hoành kiếm ngang tầm trán, mường tượng một tấm màn sẵn sàng buông xuống ngăn chặn mọi xâm nhập bất ngờ vào thân thể.
Bởi hắn biết, chiêu thức của Tử Y Hầu, dù chuyên về thủ, vẫn có thể tấn công bất ngờ, mà khi tấn công thì nhanh không thể tưởng, công với nhiều biến thế khôn lường.
Gió biển vẫn gầm gào, sóng biển vẫn cuộn trào ầm ĩ. Con thuyền tự nhiên phải dao động, nhưng đối thủ vẫn đứng như trồng. Cái cứng của họ không chôn chân theo thuyền, bởi chôn chân theo thuyền là cũng phải dao động luôn, họ tài tình ở chỗ thuyền lắc, thuyền chao làm sao.
Mặc thuyền. Họ giữ đúng giác độ của kiếm, của bộ vị, chẳng khác nào họ vừa giao đấu với phong ba...
Do đó, kiếm thế song phương vẫn kín đáo chặt chẽ như đang giao đấu trên bình địa.
Hai đấu thủ ghìm nhau đến tinh thần căng thẳng đã đành, mà hai trạo phu cũng khẩn trương chẳng kém, nhất là Hồ Bất Sầu.
Bởi đến Đông Hải là vâng theo di ngôn của sư phó, nhờ Tử Y Hầu báo cái hận một nhát kiếm ngày nào cho sư phó. Giờ đây Tử Y Hầu đã chấm đến người áo trắng, dĩ nhiên y khẩn trương. Càng khẩn trương hơn nữa là y chưa thấy Tử Y Hầu chiếm được ưu thế nào...
Còn như tên trạo phu kia, bất quá vì tính hiếu kỳ, vì đam mê kiếm thuật mà thôi, chứ thực ra, cuộc hiến chẳng có liên quan mảy may nào đến cá nhân của hắn, hoặc người thân thuộc của hắn.
Vì tinh thần quá khẩn trương, vì quá cố gắng giữ con thuyền ở nguyên vị trí cho song phương có đủ tầm thi triển kiếm pháp. Hồ Bất sầu mệt quá, không còn kìm thuyền nổi, đánh lỏng mái chèo, sóng đẩy thuyền lướt đi, hái con thuyền lại qua ngang nhau. Thuyền vượt qua, thế là chiêu thứ hai đã qua.
Người áo trắng chẳng bao giờ phải dùng đến chiêu thứ hai để hạ đối thủ, từ ngày hắn đặt chân đến Trung thổ. Thế mà giờ đây, chiêu thứ hai đã qua, Tử Y Hầu không việc gì, như vậy là Tử Y Hầu thừa sức cầm cự với hắn, Tử Y Hầu không bại, là hắn không thủ thắng nổi.
Suy theo đó Hồ Bất Sầu có hy vọng rất nhiều nơi Tử Y Hầu. Niềm hy vọng của y, nếu có, chẳng qua vì tình nghĩa sư đồ. Chứ thực ra, về phương diện cá nhân, y chẳng có lợi lộc gì đến nỗi phải mong mỏi người áo trắng phải thất bại.
Y cảm thấy thương hại hắn. Nếu hắn có thất bại trước kiếm pháp thần diệu của Tử Y Hầu, dù hắn có là kẻ thù chung của toàn thể nhân vật võ lâm Trung thổ, hắn có những ý niệm thầm kín đáng thương hại, ngoài ra hắn có đủ tư cách một bậc anh hùng, đáng sùng đáng kính...
Y miên man nghĩ ngợi, quên cả đẩy mái chèo mà đại hán bên thuyền kia cũng thế, ngây người ra mà nhìn. Thành thử hai con thuyền vượt qua nhau rồi, cứ trôi đi, khoảng cách xa dần...
Hai đấu thủ vẫn giữ nguyên tư thế không hề nhích động thân hình.
Hồ Bất Sầu thầm mong hai con thuyền cứ ở trong cảnh đó mãi, rồi dần xa nhau hơn, mỗi con thuyền sẽ đi một hướng đừng bao giờ gặp lại nhau nữa. Thuyền không gặp nhau là cuộc đấu cầm như hủy diệt. Tử Y Hầu và người áo trắng chẳng bao giờ ai thắng ai và cũng chẳng ai bại ai...
Bởi, sự thắng bại của họ có quan hệ trọng đại đối với y, y không muốn có sự phân định thấp cao giữa họ, ít nhất cũng trong thời gian này!
Muốn như vậy, là vì y bắt đầu có cảm tình với người áo trắng, cái cảm tình phát xuất từ sự đồng cảm cảnh ngộ bi đát của người áo trắng.
Nhưng, Hồ Bất sầu giật mình, một tiếng “Chạc” vang lên, tiếng “Chạc” do con thuyền ấn mạnh mặt nước. Con thuyền chao động, rồi dứt ra làm hai đoạn, một đoạn mũi một đoạn lái, hai đoạn rơi hẳn ra, y đứng tại phần lái, người áo trắng đứng tại phần mũi.
Thì ra, người áo trắng không thể chờ thuyền quay lại, hắn vận dụng công lực, chấn đoạn con thuyền làm đôi tự mình điều động mũi để xáp nhanh lại thuyền của Tử Y Hầu.
Tử Y Hầu cũng nóng nảy như hắn, cũng dùng nội lực chấn đoạn thuyền điều khiển đoạn mũi xáp lại.
Còn lại một nửa con thuyền, Hồ Hất Sầu và đại hán kia, dĩ nhiên không thể chèo chống được nữa, nước ào ào, đoạn thuyền chìm, cả hai loi ngoi, nhưng cũng cố ngóc cao đầu nhìn xem hai đấu thủ xuất chiêu như thế nào.
Trên bờ, quần hùng theo dõi đến đó, cũng kinh khiếp. Họ nhốn nháo lên nhưng họ quá khẩn trương, chẳng ai thốt thành liếng...
Trong khi đó, Tử Y Hầu và người áo trắng càng phút càng đến gần.
Sóng biển dâng cao ngọn, bất quá hiện tại, cả hai đứng trên gỗ thuyền, chứ thuyền đã vỡ rồi, cho nên từ trong bờ trông ra, thấy họ như chập chờn trên đầu sóng...
Chập chờn trên sông nước, cả hai trông như thiên phủ thần tiên giáng trần vào buổi hoàng hôn.
Quần hùng theo dõi cuộc đấu, xuất thần.
Cảnh đẹp, người hùng hoàn toàn hấp dẫn tâm tư của họ. Chẳng ai thở mạnh. Ven bờ biển hiện quy tụ hơn ngàn người, vắng lặng như cánh tử tịch, trừ tiếng sóng, tiếng gió ầm ngoài xa xa... họ bất động bên ngoài nhưng trong nội tâm họ dao động. Gió đùa sóng biển bên ngoài ì ầm, trong lòng của họ cũng dâng tràn lên ì ầm. Bên trong họ là một trận bão do muôn ngàn tạp niệm phát sinh, tất cả đều xuất hạn đẫm ướt y phục.
Ánh kim quang của tà dương, ánh kiếm của hai đấu thủ, ánh sóng chớp ngời, vạn ánh sáng giao chuyền chớp động, tạo thành một vầng ngũ sắc quang huy linh động trên mặt biển không ngừng.
Tử Y Hầu và người áo trắng trong thoáng mắt đã trao đổi nhau hơn ba mươi chiêu tuyệt kiếm.
Không một ai nhận định rõ rệt những đường kiếm thần của họ. Bất quá họ chỉ thấy kiếm quang chơm chớp, hai bóng người xê dịch như hai vệt khói mờ mà thôi.
Bỗng một tiếng ngân dài do thép kiếm phát lên, rền rĩ từ ngoài khơi vọng vào bờ...
Tiếng ngân chừng như vô tận, tiếng ngân chưa dứt, Tử Y Hầu lảo đảo thân hình rơi ngay xuống biển.
Còn người áo trắng hai tay chắp kiếm đưa cao lên, bất động, nơi thuyền còn nửa đoạn.
Sóng biển cứ đùa, gió biển cứ gào, người trên bờ cứ nín thở, một Tử Y Hầu cứ chìm lỉm dưới nước, còn một người áo trắng cứ đứng sững như trời trồng. Bóng trắng đứng giữa vầng ngũ sắc quang huy, trông rực rỡ làm sao...