Phàn Thanh đang đi trên một con lộ rất hẹp, phía hai bên là những hàng cỏ héo úa, phảng phất một mùi tanh rất khó chịu, nồng nặc trong không khí. Chàng đưa vạt áo bịt mũi lại, ánh đèn pin trên tay chập chờn le lói, hoàn toàn có thể bị bóng tối nuốt chửng bất cứ lúc nào. Con đường mòn duy nhất dưới chân, ngoằn nghèo và đứt khúc, kéo dài chưa đầy 200 mét. Phàn Thanh men theo đó, bước những bước trong vô thức, cơ thể hoàn toàn mất tự chủ, dường như đang có một ngoại lực mãnh liệt nào đó dẫn lối cho chàng. Cho tới khi dừng lại, chợt nhận ra trước mặt là một chiếc cầu bằng gỗ khá dài, dọc hai bên thành cầu là những bóng đèn màu vàng nhạt, tỏa ra ánh sáng không mạnh hơn chiếc đèn trên tay Phàn Thanh là bao nhiêu.
Lúc này, sương mù mỗi lúc một trở nên dày đặc, chàng vừa đi vừa khua khua tay dò đường, cẩn thận trong từng cử chỉ và bước chân, và rồi chẳng mấy chốc, chiếc bóng lẻ loi của chàng bị hòa lẫn, rồi biến mất trong màn sương trắng đục.
Khi đã qua tới quá nửa cây cầu, Phàn Thanh chợt nhận ra ở đầu bên kia, có những bóng người đã đứng đó chờ sẵn từ bao giờ. Chàng nheo mắt lại, cố gắng định hình đối phương, nhưng cũng không thể nhận ra họ là ai, gồm bao nhiêu người, bởi vì mọi thứ đều đang rất mờ ảo trong sương khói. Chàng cẩn thận tiến tới gần, những bóng người trong làn sương dần dần hiện ra rõ nét hơn, có điều, hình như họ không hề động đậy, cơ thể và dáng dấp đang trong tư thế cứng ngắc, hoàn toàn không có sức sống.
Ánh đèn được chiếu tới, Phàn Thanh gần như đứng tim.
Thì ra chỉ là những hình nộm ma-nơ-canh.
Tuy nhiên không chiếc nào hoàn chỉnh, tất cả đều mất một vài bộ phận khác nhau, là đầu, tay hoặc chân. Riêng chỉ có một bộ phận còn nguyên vẹn, là cánh tay phải, ngón trỏ được đưa lên, bốn ngón khác thu lại, tư thế rõ ràng là đang định hướng cho người đối diện.
Gần mười cánh tay đồng loạt chỉ về phía bên phải của chúng.
Phàn Thanh nhìn theo hướng đó, phát hiện thấy một con đường khác. Ở phía cuối, xuất hiện một cái bóng lớn, giống như bóng của một cây đại thụ, đâm ra những cành cây cong queo, ma mị, đung đưa trong gió, tạo nên những hình hài hết sức kì quái.
Phàn Thanh như không còn điều khiển được chính cơ thể mình nữa, chàng cứ đi về hướng đó trong vô thức, mặc cho cái lạnh đang cấu xé da thịt, và những làn gió khô khan tạt rát da mặt. Khi đến gần sát với cái cây khổng lồ, chiếc đèn pin trên tay chàng chợt phát lên những tiếng xẹt xẹt, rồi ánh sáng bỗng trở nên chập chờn mờ nhạt. Ngay bên dưới gốc cây, là hai hình nộm khác đang đứng đó, bị một mảnh vải màu trắng toát trùm lên từ đầu đến chân, chỉ lộ ra bàn tay đang chỉ xuống một mô đất cạnh đó.
Phàn Thanh phát hiện thấy mô đất này hơi cộm lên so với mặt bằng xung quanh, lại hơi tơi vụn chứ không cứng như chỗ khác, rõ ràng là mới bị đào bới và được lấp lại cách đây chưa lâu.
Chàng ngồi quỵ hẳn xuống, dùng hai bàn tay bới đất lên, tốc độ mỗi lúc một nhanh dần, hơi thở cũng dồn dập không kém. Chẳng mấy chốc, chàng chạm được tới một thứ, cứng và lạnh, liền lập tức chiếu đèn xuống, chỉ trong chưa đầy một giây sau, đôi mắt chàng nhăn lại, đồng tử mở to ra, miệng ú ớ không cất lên thành lời.
Đúng lúc này một làn gió cực mạnh thổi ngang qua, khiến mảnh vải đang trùm lên người hai hình nộm trước mặt bị bắn tung ra.
Là hai xác người chết, khuôn mặt méo mó vô hồn, máu từ những vết thương rách nát trên thi thể chảy xuống đến chân Phàn Thanh.
Không, không!
***
7 giờ sáng, chủ nhật, ngày 2 tháng 2 năm 2000.
‘’Kính thưa toàn thể quý vị và các bạn đang xem đài, thể theo tục lệ từ xưa đến nay, cứ vào các ngày mùng 2 tháng 2 hàng năm, thành phố chúng ta luôn tổ chức một Festival với chủ đề văn hóa và nghệ thuật, kéo dài hai đêm một ngày nhằm phục vụ cho nhu cầu giải trí của người dân. Hơn thế nữa, đây cũng là một dịp lễ hội để chúng ta có cơ hội gặp nhau, giao tình, cũng như để thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc sắc của nước nhà. Và dĩ nhiên, đến hẹn lại lên, năm nay cũng không phải ngoại lệ, Festival với chủ đề ‘Rối nước và con người’, đã được đầu tư và chuẩn bị công phu trong nhiều tuần lễ, được ra mắt các bạn và chính thức mở màn vào 20 giờ tối nay, ngay tại hồ Kim Quy của thành phố. Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ ban tổ chức và các nghệ nhân của các phường rối nổi tiếng, đến từ khắp nơi trên các tỉnh thành đất nước, chúng tôi xin bảo đảm với quý vị một buổi lễ tuyệt vời và lắng đọng nhất! Và như các bạn đã biết, múa rối nước là một loại hình nghệ thuật lâu đời, bắt nguồn từ… ‘’
Phàn Thanh với tay tới chiếc điều khiển tivi gần đó, ấn nút chuyển kênh. Mấy ngày hôm nay báo đài hay kênh truyền hình của thành phố đều đăng tin rầm rộ về buổi Festival này, khiến chàng có đôi chút ngán ngẩm. Biết rằng truyền bá và phổ biến văn hóa truyền thống là tốt, nhưng chỉ có một bản tin mà cứ nhắc đi nhắc lại mấy ngày liền, dù là người kiên nhẫn đến mấy cũng phải bực mình, nhất là với người theo dõi phương tiện truyền thông hàng ngày như Phàn Thanh.
Thời điểm này đất nước phát triển khá nhanh, hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một chiếc TV trong nhà. Tuy nhiên các kênh truyền hình chưa nhiều và đa dạng lắm, cho nên hầu như ai ai cũng đều theo dõi những chương trình giống hệt nhau. Vì vậy, nhiều khi ban biên tập cho phát đi phát lại một bản tin, cốt là để truyền đạt hay nhấn mạnh vào một tin tức quan trọng nào đó, điều này rất dễ gây khó chịu, nhưng khán giả cũng đành phải ngậm đắng nuốt cay chứ chẳng còn cách nào khác.
Bên ngoài lúc này trời vẫn chưa sáng rõ, lại đang trong tháng lạnh nhất của mùa đông, nên ít nhất phải đến gần 9 giờ thì mặt trời mới lên hẳn. Vào mùa này người ta không mấy mặn mà với việc dậy sớm, hơn nữa lại rơi vào ngày nghỉ, cho nên đường phố bên ngoài vẫn rất vắng lặng và im lìm.
Phàn Thanh đang ngồi trên chiếc ghế sa-lông ở phòng khách, lơ đãng nhìn ra bên ngoài thông qua kính cửa sổ. Thỉnh thoảng, chàng đưa cốc cà phê trên tay lên miệng, khoan khoái nhấp một ngụm rồi lại bỏ xuống. Uống cà phê thật nóng vào một buổi sáng sớm ngày chủ nhật lạnh giá, là một thú vui mà Phàn Thanh rất tâm đắc. Chàng thường không ngủ nhiều, mặc dù đang trong thời kỳ khỏe mạnh nhất của nam giới, nguyên do vì giấc ngủ chập chờn luôn là cái rắc rối đeo bám chàng suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhờ đó mà chàng mới vô tình tìm thấy được một sự bình yên vô cùng quý giá, đồng hành cùng tách cà phê nóng, hay một bản tin sáng, mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được.
Trên TV lúc này đã chuyển sang chương trình ca nhạc, sau những nốt nhạc dạo đầu, những câu hát đầu tiên trong ca khúc ‘Niệm khúc cuối’ vang lên, dưới giọng hát trầm ấm của nam ca sĩ Tuấn Ngọc:
‘’Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây, hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy
Dù sao, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em… ‘’
Phàn Thanh ngân nga hát theo, vẫn là cái giai điệu ấy, dù nhẹ nhàng và sâu lắng, nhưng dường như lại hừng hực lan tỏa một thứ tình cảm nồng cháy của một người con trai, dành cho cô gái mà anh ta yêu. Phàn Thanh gần như chìm đắm trong ấy, tưởng chừng như những nốt nhạc này đang vẽ lại chính tuổi trẻ của chàng.
Phàn Thanh quen Vy vào năm cả hai người tròn 16 tuổi. Lúc ấy nhà Vy rất giàu, lại là con một của một thương gia có tiếng trong vùng, còn chàng chỉ là một cậu thanh niên từ miền núi xuống, còn nhiều bỡ ngỡ. Cả hai quen nhau trong một ngày cuối thu se lạnh, mùi hoa sữa thoang thoảng và êm đềm phảng phất trong không khí, là nhân chứng của nhiều cuộc gặp gỡ bối rối. Vy đẹp lắm, vẻ đẹp của nàng ma mị đến khỏ tả, từ ánh mắt đến nụ cười, đều rất khác biệt với người khác. Nàng giống như một giọt nước chứa đầy tinh hoa của trời đất, rơi lẫn và đan xen trong hàng vạn hạt mưa đổ xuống, nhưng lại nổi bật một cách lạ kỳ.
Vy có rất nhiều người theo đuổi, từ những cậu thanh niên tầm thường, cho đến những chàng khá giả, rồi tới các công tử có gia thế nổi bật. Tuy nhiên nàng lại không hề để tâm tới bất kỳ ai, dù chỉ là một ánh nhìn đơn thuần.
Phàn Thanh gặp Vy trong một lần dạo phố, vừa thấy nàng là cậu đã bị hút hồn vào cái ánh mắt đầy mê hoặc ấy. Vy cũng tương tự, cái nét đơn giản và phong trần của Phàn Thanh vô tình lại làm trái tim nàng rung động, phải chăng đây chính là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, mà những chàng nhạc sĩ viết tình ca đều khổ sở vì nó?
Cả hai cứ đứng nhìn nhau, giữa dòng người qua lại, tưởng chừng như khoảnh khắc ấy đang được lưu đọng lại giữa dòng không gian vội vã. Nàng chợt mỉm cười, Phàn Thanh lúc này mới bừng tỉnh, dường như cơ thể cậu đang trở nên tê dại để phản ứng lại với nụ cười ấy. Cậu ú ớ:
‘’À, ừm, chào… chào bạn!’’
Vy không nói gì, cô chỉ giữ nụ cười trên môi, trước khi đi lướt qua Phàn Thanh, còn ghé sát vào tai cậu, thì thầm:
‘’Xin chào, chàng trai bối rối!’’
Phàn Thanh ngẩn ngơ nhìn theo dáng người của Vy để lại phía sau, một cảm xúc lâng lâng khó tả đang trào dâng, rõ ràng cậu đã biết, tâm hồn mình đã bị nụ cười ấy cướp đi rồi.
Bên ngoài trời lúc này cũng đã dần sáng rõ, tách cà phê trên tay cũng đã nguội dần, Phàn Thanh nhìn lên đồng hồ trên tường, đã là gần 8 giờ sáng. Lúc này con bé Linh từ phòng bước ra, bộ dạng ngái ngủ hiện rõ trên khuôn mặt, vừa thấy Phàn Thanh, nó uể oải nói:
‘’Sao ba dậy sớm thế? Mà bên ngoài có mưa không ba?’’
‘’Dậy rồi à, để ba xem xem.’’ Vừa nói chàng vừa đặt tách cà phê xuống, đưa tay mở cửa sổ rồi ngó ra bên ngoài, vài giây sau quay vào đáp: ‘’Không mưa, thậm chí chút nữa còn có nắng đẹp.’’
‘’Phù, may quá.’’ Con bé thở phào, cùng lúc đó đi vào phòng tắm. Tiếng vòi nước chảy xuống, đồng thời giọng nó lại vang lên: ‘’Chút nữa con đi học thêm anh ngữ, sau đó tới nhà bạn sinh nhật, có thể tối muộn mới về đó ba.’’
‘’Tối nay không cùng ba tham dự Festival sao?’’
‘’Chắc là không, mà mấy cái đó không còn hợp với con nữa đâu.’’ Con bé ngó mặt ra, nhoẻn miệng cười. Phàn Thanh nhận ra nó không còn là một đứa bé nữa, đã không còn cái thời phải bồng bế, dắt tay khi hai cha con thả bước trên những con đường gập ghềnh. Đã đến thời điểm nó cần tự do bay nhảy trên nền trời của tuổi trẻ. Thời gian quả thật trôi quá nhanh và hững hờ, khiến cho con người ta không kịp trở tay.
Sự trưởng thành của con cái, đôi khi chính là một vết thương không bao giờ lành trên da thịt người làm cha mẹ, đôi lúc nhói đau và rỉ máu, nhưng điều ấy lại cần thiết để giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn.
Phàn Thanh cười hiền hòa, trong nụ cười khó giấu một nét thoáng buồn, chàng nói:
‘’Được, không sao, hãy cứ làm những gì mình thích, con nhé!’’
Con bé gật đầu, nở một nụ cười tươi, trong đôi mắt và nụ cười ấy, thấp thoáng đâu đó hình bóng của Vy.
Nếu em còn ở đây thì tốt biết bao, để thấy con chúng ta đã lớn như thế nào!
***
20 giờ tối, chủ nhật, ngày 2 tháng 2 năm 2000.
Hồ Kim Quy tối nay đông nghịt người qua lại, tạo thành những hàng người dài tới vài chục mét, đứng chắn ngang cả đường đi lại của xe cộ. Ở phần giữa hồ được đặt một cái sân khấu rất lớn, nửa chìm nửa nổi trên mặt nước, mà theo như nghệ thuật múa rối nước thì nó được gọi là ‘Thủy đình’, sẽ là nơi trình diễn của các con rối được điều khiển bởi các nghệ nhân.
Hồ Kim Quy có niên đại xấp xỉ hơn 200 năm, rộng khoảng gần 20 héc-ta, có từ triều Nguyễn, trước đó chỗ này chỉ là một vùng nước trũng được hình thành sau một trận động đất lớn từ vài thế kỉ trước. Sau đó các mạch nước ngầm từ đâu chảy về càng nhiều, cộng với nước mưa, tạo nên hồ nước cho đến ngày nay. Hồ này tuy có nguồn gốc không rõ ràng, lại là nơi dung hợp của nhiều nguồn nước khác nhau đổ về, tuy nhiên mặt nước lại luôn trong xanh đến lạ kỳ, vào những ngày mùa hè, ánh nắng mặt trời chiếu xuống, có thể nhìn thấy rõ những đàn cá đang bơi dưới đáy, khung cảnh thơ mộng không sao tả xiết.
Hồ này lúc mới hình thành có tên là hồ Tẩm Hương, tuy nhiên sau đó được đích thân vua Gia Long của triều Nguyễn đổi tên thành hồ Kim Quy.
Theo truyền thuyết kể lại, vua Gia Long là người rất thích đi du ngoạn, một năm ra khỏi cung không dưới hai lần, một phần là vì muốn đi thăm dò và khảo sát tình hình cuộc sống của người dân trên khắp đất nước, một phần vì sở thích thưởng hoa lãm nguyệt của ông. Vào một hôm, vua Gia Long trong lúc đang du ngoạn trên hồ Tẩm Hương, thì từ phía đằng xa, nổi lên một vật màu vàng chói đến lóa mắt, lấp lánh dưới ánh nắng. Vua Gia Long thấy lạ quá, trong lòng dấy lên tính hiếu kỳ, mới ra lệnh cho thuyền tiến tới gần vật đó để quan sát.
Lúc đến gần sát thì mới nhận ra thứ đang bồng bềnh trôi nổi ấy chính là một con rùa mai vàng, một loài vật cực kỳ hiếm thấy, nhiều người còn cho rằng, nó là linh vật do trời phái xuống, để trấn long mạch, đồng thời giữ yên bình cho lãnh thổ. Vua Gia Long lúc vừa nhìn thấy nó, liền quỳ xuống, thành kính vái ba lạy, các quan và quân lính cũng làm theo. Cho đến khi ngẩng đầu lên thì rùa mai vàng đã biến mất tự bao giờ. Từ đó về sau, hồ được đổi tên thành hồ kim Quy, phỏng theo truyền thuyết ‘Hoàng đế kiến linh quy’ của vua Gia Long, và được chăm sóc bảo vệ cho tới tận ngày nay. Mặc dù hồ có niên đại khá lâu đời, tuy nhiên cho đến tận bây giờ, vẫn chưa ai có diễm phúc được tái kiến thần rùa mai vàng ấy thêm một lần nào nữa.
Hồ Kim Quy vào ngày thường đều rất đông người đến thăm thú, vì được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh trí tuyệt đẹp, hơn nữa xung quanh hồ còn được trồng rất nhiều loài cây quý, rồi các loài chim hiếm bay về làm tổ theo đàn, khiến cho cảnh sắc nơi đây giống như bồng lai tiên cảnh của trần gian.
Tối nay thì lại càng náo nhiệt hơn nữa, mặc dù thời tiết vẫn đang lạnh căm, thỉnh thoảng lại có vài làn gió thổi mang theo hơi nước từ dưới hồ lên, làm không khí xung quanh trở nên rét buốt gấp mấy lần. Tuy nhiên điều ấy lại không thể ngăn được cái nhiệt huyết của những nghệ sĩ múa rối nước, càng không thể ngăn được sự thích thú của những khán giả đến đây, cho nên dù cơ thể đang trong trạng thái run lên cầm cập, nhưng trên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ như nắng mùa xuân.
Phàn Thanh và Cao Lâm đang ngồi uống rượu ở trên tầng hai của một quán gần đó. Quán này cách hồ không xa chút nào, cho nên ngồi ở vị trí này hoàn toàn có thể theo dõi được toàn cảnh của buổi diễn. Hơn nữa lại không phải nhọc công chen chúc trong đám đông, đã vậy còn được nhâm nhi ly rượu nóng cùng bằng hữu, một công đôi việc, thử hỏi trên đời này còn gì sung sướng bằng?
Phàn Thanh và Cao Lâm hôm nay đã thỏa thuận với nhau, sẽ tạm gác chuyện phá án sang một bên, để thưởng thức cái không khí của buổi lễ một cách trọn vẹn nhất.
Chàng đưa tay rót rượu cho Lâm, sau đó rót sang cho mình, rồi nâng ly lên nói:
‘’Dạo này công việc căng thẳng, hiếm có dịp nào như hôm nay, cho nên, tôi kính cậu một chén!’’
Cao Lâm đưa ly lên cụng, do hơi mạnh tay, rượu tràn ra ngoài một ít. Cậu ta hí hửng đáp lớn:
‘’Được! Làm cho ra làm, mà chơi cho ra chơi, hôm nay chúng ta hãy quên hết những thứ đau đầu phiền não kia đi, nào uống!’’
Ly rượu nóng thấm qua dạ dày làm cơ thể ấm hẳn lên, khiến cả hai đều rất thoải mái. Phàn Thanh châm một điếu thuốc, hít một hơi thật sâu, khoan khoái thở khói ra, sau đó hỏi:
‘’Gia đình vẫn ổn chứ?’’
Lâm cũng châm một điếu, trả lời:
‘’Mọi thứ đều ổn, mụ vợ tôi hết giận dỗi rồi, dạo này còn dạ dạ vâng vâng, tự dưng lại ngoan đột xuất.’’ cậu ta cười khà khà.
‘’Chắc là cô ấy đã biết thông cảm cho cậu rồi, tôi nói rồi mà, trong một gia đình thì khó tránh khỏi mâu thuẫn. Mâu thuẫn càng nhiều thì lại càng trở nên hiểu và thông cảm cho nhau hơn.’’ Phàn Thanh vỗ vai Lâm.
Cao Lâm thở khói ra, gật gù xác nhận lời Phàn Thanh:
‘’Cậu nói phải, cái gì cũng cần thử thách.’’ Cậu ta uống cạn một ly, sau đó khà ra một tiếng để cho cổ họng đỡ khé, ‘’À, vậy còn cậu, bao giờ tính đi tiếp bước nữa?’’
‘’Tôi ấy à, chẳng còn thời gian đâu mà nghĩ tới chuyện ấy, cứ sống thế này cũng ổn rồi.’’ Phàn Thanh cười.
‘’Không được! Đẹp trai phong trần như cậu, không cưới thêm thì uổng lắm, mà con bé con cũng lớn rồi, nó cũng sẽ hiểu cho cậu thôi.’’
‘’Không phải tôi lo chuyện đó, chỉ là… ‘’ Phàn Thanh chợt ngừng lại, ánh mắt thoáng hiện chút hoài cổ.
‘’Còn nhớ Vy hả?’’ Cao Lâm tiếp lời, sau đó đột nhiên cảm thấy hơi sượng, liền chữa lời: ‘’Xin lỗi! Tại tôi vô ý.’’
‘’Không sao, người chết chẳng thể sống lại, nhắc đến hay không thì cũng chỉ là vô nghĩa.’’ Phàn Thanh cười nhẹ, ‘’mà cậu nói phải, có lẽ tôi cũng nên đi thêm bước nữa.’’
‘’Có thế chứ! Nào, cạn ly!’’
Bằng hữu tốt nói với nhau cả đời không hết chuyện, hai người cứ thao thao bất tuyệt như vậy, cho đến rất lâu sau, khi trên bàn đã chứa đầy vỏ rượu. Cao Lâm lúc này đã gục hẳn xuống mặt bàn, tiếng thở phì phò lớn nhỏ phát ra, Phàn Thanh thì chỉ cảm thấy hơi lâng lâng, chứ không đến nỗi vật vạ như Lâm, chàng nhìn bộ dạng cậu ta thì chỉ biết lắc đầu cười, rồi lặng lẽ nhìn sang lễ hội bên hồ.
Bây giờ là khoảng gần 11 giờ đêm, lúc này thì màn múa rối nước cũng đã gần được kết thúc, chỉ còn một tiết mục cuối cùng, cũng là tiết mục đặc sắc nhất của đêm nay, đang chuẩn bị được trình diễn. Người xem mặc dù đã thưa dần, nhưng nhìn chung thì vẫn còn rất đông, chủ yếu ngóng chờ màn biểu diễn được cho là đặc sắc nhất này. Một thành viên của ban tổ chức, giữ vai trò làm người dẫn chương trình, đang đứng trên một con thuyền nằm giữa lòng hồ, xung quanh ông ta là gần chục con thuyền khác, trên mỗi chiếc đặt một hình nộm bằng rơm, mục đích là gì thì chưa ai biết.
Ông ta kê chiếc micro ghé sát miệng, nói lớn:
‘’Thưa quý vị và các bạn, đêm đầu tiên của Festival rối nước nghệ thuật đã đến hồi kết thúc, chúng tôi rất cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của quý vị và các bạn trong suốt buổi tối ngày hôm nay, và cuối cùng, để khép lại đêm diễn, sẽ là một tiết mục trình diễn có một không hai của hội nghệ sĩ rối nước chúng tôi, mong quý vị và các bạn cho một chàng pháo tay cổ vũ thật nồng nhiệt!’’
Tiếng hò hét và những tràng pháo tay rầm rộ vang lên, làm không khí càng thêm phần sôi động. Đúng lúc này, hai quả pháo hoa từ đâu được bắn lên trời, nở ra những chùm sáng lấp lánh, kèm theo những tiếng bụp bụp rất vui tai, làm cho đám đông càng thêm phấn khích, tiếng reo hò mỗi lúc một lớn dần.
Sau khi pháo hoa trên trời lịm xuống, thì lúc này một con rối nước hình rồng rất lớn từ dưới hồ vùng lên, dài khoảng mười mấy mét, uốn lượn mấy vòng trên không trung, động tác cực kỳ điêu luyện và đẹp mắt. Chưa dừng lại ở đó, lúc này những con thuyền chứa những hình nộm bằng rơm đang bồng bềnh di chuyển trên mặt nước, tạo nên một hình vòng tròn bơi quanh con rồng. Nó uốn lượn thêm vài vòng, rồi cuối cùng đâm thẳng lên không trung, trong lúc lộn xuống thì từ miệng phun ra những hàng lửa màu xanh rất bắt mắt, thiêu đốt toàn bộ những chiếc thuyền và hình nộm xung quanh nó. Ngọn lửa hừng hừng và rực rỡ, được sắp xếp theo ý đồ của đội hình thuyền rơm, tạo nên những quầng lốc xoáy màu vàng chói, trôi nổi trên mặt nước. Người ta thường nói lửa nước kỵ nhau, nhưng màn biểu diễn này đang cho thấy điều ngược lại, lửa bơi trên nước, hòa hợp đến không tưởng.
Tất cả cùng đồng loạt ‘’ồ’’ lên.
Cảnh vừa rồi rất đẹp, phải chứng kiến tận mắt mới thấy sự tinh diệu của nó, Phàn Thanh ngồi trên cao tuy có hơi xa nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì tính nghệ thuật của màn biểu diễn này.
Con rồng phun thêm vài tia lửa nữa, và cuối cùng ngửa đầu lên, từ miệng nó bắn ra liên tiếp ba, bốn lượt pháo hoa hướng lên trời. Sau đó chỉ vài giây, bầu trời bỗng nở rộ những ánh hào quang chứa đủ mọi màu sắc phối kết hợp, tạo nên những cánh cầu vồng đan xen nhau, sáng lóa và rực rỡ, như đang thắp nắng giữa trời đêm.
Thật quá xuất sắc!
Mọi người vỗ tay rất lớn, kéo dài đến vài phút, như để trả ơn những nghệ sĩ đã hết mình phục vụ, đem lại cho họ những màn biểu diễn hết sức sâu sắc và tuyệt vời.
Những nghệ sĩ rối lúc này mới bước ra từ phía sau thủy đình, quần áo họ đều ướt sũng, quả là một sự hy sinh vì nghệ thuật không hề nhỏ. Họ cúi đầu chào khán giả, liền được nhận thêm những tràng pháo tay nữa, khiến họ rưng rưng cảm động.
Lúc này những con thuyền làm đạo cụ biểu diễn đã được dập tắt lửa, mọi người đang lục đục chuẩn bị ra về, phía ban tổ chức cũng đang bắt đầu dọn dẹp.
Đúng lúc này, một vài người trong đám đông chỉ tay về phía bên kia hồ, rồi nói lớn với ban tổ chức: ‘’Hình như còn một chiếc thuyền chưa được dập lửa!’’
Tất cả cùng nhìn về phía đó, quả nhiên có một con thuyền vẫn đang trôi dạt phía xa xa, hình nộm trên đó vẫn đang bốc lửa ngùn ngụt.
Một người trong ban tổ chức nói: ‘’Không thể nào! Chúng tôi đã đếm đủ số thuyền biểu diễn trước khi thu về rồi, con thuyền này từ đâu ra vậy?’’
Nói xong ông ta liền điều hai anh trợ lý chèo thuyền ra đó xem xét tình hình. Trên gương mặt họ có vẻ không vừa ý, nhưng cuối cùng cũng đành phải tuân lệnh. ‘’Rõ ràng là đếm đủ rồi cơ mà, làm sao còn thừa một cái trôi dạt ra tận bên đó nhỉ?’’ Một cậu thanh niên quay sang nói với cộng sự của mình, cậu kia chỉ lắc đầu, cả hai đang vội vã đẩy mái chèo, ánh mắt đầy vẻ nghi vấn.
Lúc cả hai đã gần tiến tới đến chiếc thuyền đó thì chợt cảm thấy có gì đó không bình thường, bởi vì hình nộm rơm trên đó vẫn đang bùng cháy rất mãnh liệt. Nếu như nó bị bén lửa trong màn trình diễn khi nãy, thì đến giờ này rơm phải cháy hết từ lâu rồi mới phải. Cả hai có cùng một thắc mắc và đều cảm thấy khó hiểu nhưng cũng chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau.
Mái chèo gỗ trên tay họ mỗi lúc một thoăn thoắt hơn, chẳng mấy chốc đã đến rất gần với mục tiêu.
Và cho đến khi khoảng cách được thu hẹp lại một cách rõ rệt, cho phép họ nhìn rõ cái thứ trước mặt, thì cũng chính là lúc họ cảm nhận được một sự kinh hãi đến tột độ, đang lan rộng khắp cơ thể, một sự kinh hãi mà họ chưa bao giờ gặp phải, khiến chân tay cứng đơ lại, miệng lưỡi ú ớ không nói được lời nào, mãi cho đến vài giây sau, hai người cùng đồng thanh hét lên thật to, những tiếng hét đứt đoạn vang lên giữa màn đêm tĩnh mịch.
Trên con thuyền trước mặt họ là một xác người, được đặt trong tư thế ngồi rất thoải mái, đang bị ngọn lửa dữ dội thiêu cháy đến đen sì, hai con mắt lồi hẳn ra, miệng há to hết cỡ, da thịt đã bị cháy thui, tàn tro rơi rớt xuống, cảnh tượng rùng rợn đến kinh hoàng.
Phàn Thanh ngồi ở tầng hai của quán rượu đang hút thuốc, đột nhiên nghe thấy tiếng ồn ào bất thường của khán giả phía dưới, liền quay sang thật nhanh. Ở phía xa xa có hai chiếc thuyền, một chiếc đang bốc cháy ngùn ngụt, chiếc còn lại đang chèo ngược lại về hướng này. Những tiếng hét từ phía chiếc thuyền đó vọng lại, trong âm thanh chứa đựng sự sợ hãi và hoảng loạn. Trong lòng Phàn Thanh bỗng chợt dấy lên một cảm xúc bất an khó tả, tim đập thình thịch, đôi môi run run.
Chẳng lẽ nào…
Lâm! Lâm! Dậy mau, có chuyện rồi!