• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Bỗng nhiên trong đầu Mạc Hi linh quang chợt lóe, nói: "Ta nhớ ra rồi, trách không được ta cảm thấy kiếm pháp của Ân tiền bối nhìn quen quen. Phương vị xuất kiếm cùng tiết tấu của ông ấy có vài phần tương tự Hà Quần Thanh tiền bối. Kỳ quái, chẳng lẽ ông ấy dùng là kiếm pháp Thục Sơn, mà không phải võ công Đường Môn?"

Đường Hoan nói: "Xem thân thủ của ông ấy, quả thật không phải võ công bổn môn. Nói đến cũng lạ, trong các vị trưởng lão Đường Môn võ công của ông ấy là tốt nhất. Trưởng lão khác hoặc dựa vào tư lịch (tư cách và sự từng trải) hoặc dựa vào huyết mạch dòng chính mà được vào Trưởng Lão Viện, riêng ông ấy là ngoại lệ, là bằng võ công. Hơn nữa ông ấy cũng không sửa họ Đường, vẫn giữ họ Ân vốn có."

Mạc Hi vừa suy tư vừa nói: "Mộc Phong Đình nói trượng phu của Đường Tâm tên Mạnh Đào. Mà Mạnh Đào từng là đệ tử Thục Sơn. Huynh nói có thể hay không Ân tiền bối biết Mạnh Đào, kiếm pháp Thục Sơn của ông ấy là Mạnh Đào truyền lại?" Thầm nghĩ: có thể là vì Ân Thu Thực không phải là Đường Môn dòng chính, lại nói chuyện không cố kỵ, mới bị trưởng lão khác xa lánh đến giữ tàng thư lâu.

"Vô cùng có khả năng, xem ra ngày mai cần phải nói chuyện với Ân tiền bối rồi."

Hôm sau. Phá Quyển Lâu.

Đường Hoan cùng Mạc Hi hai người lên đến đảo, xa xa liền thấy Ân Thu Thực ngồi trong Quyện Diệp Đình thưởng trà. Đình này bốn phía thông gió, mỗi khi đến mùa thu liền có vô số lá vàng lượn vòng, cho nên có tên như thế.

Đường Hoan tiến lên cười nói: "Ân lão thật hưng trí, một mình ở đây ngắm tuyết phẩm trà."

Ân Thu Thực thấy hai người, đứng dậy cười nói: "Chưởng môn mới là thật hưng trí, sáng sớm liền tới đây thăm lão đầu này." Lại nói với Mạc Hi: "Cô nương đến Đường Môn ta làm khách, lão hủ cũng nên khoản đãi một phen. Nhị vị mời ngồi, bình phẩm ấm ngọc lộ này của lão hủ."

Đường Hoan nói: "Đây là chưng thanh trà mà Trà Thần Lục Vũ ghi trong sao?"

Ân Thu Thực vừa vì hai người châm trà, vừa nói: "Chưởng môn kiến văn rộng rãi. Ngọc lộ này phải hái vào những ngày trời trong. Sau đó trải qua chưng, đảo, chụp, sấy, xuyên, gói, thao tác theo thứ tự những bước này. Nói tóm lại chính là hái lá trà tươi, dùng hơi nước 'lao thanh' cho mềm đi, sau đó vò, sấy, nghiền mà thành."

Mạc Hi thầm nghĩ: "Chưng thanh" này chắc là trái ngược với "sao thanh". Nàng ở thời hiện đại uống trà xanh đều là loại làm ra từ quy trình "sao thanh", chưa bao giờ uống qua trà chưng ra.

Ân Thu Thực lại nói: "'Chưng thanh' này có tam lục (ba màu xanh lục). Trà khô gặp ánh sáng có màu xanh nõn, nước trà đầu có màu xanh nhạt, xác trà sau khi đổ phần nước đầu ra lại có màu xanh biếc."

Mạc Hi nhìn màu trà trong chén sứ trắng, quả thực giống như cỏ non. Thưởng thức một ngụm trà, quả nhiên ngọt thuần thanh trong.

Ân Thu Thực lại nói: "Chưởng môn không đi chơi với cô nương, lại tới tìm lão hủ, sợ là có chuyện cần hỏi đúng không."

Đường Hoan ho nhẹ một tiếng, nói: "Không giấu Ân lão, Hoan xác thực có một chuyện thỉnh giáo. Lần trước ở tàng thư lâu ngài dùng là Thục Sơn kiếm pháp?"

"Chưởng môn thật biết nhìn." Nghe Ân Thu Thực trả lời như thế, Đường Hoan cùng Mạc Hi hai người liếc nhau.

Đường Hoan nói tiếp: "Tiền bối có thể cho biết là ai truyền dạy không?"

Ân Thu Thực hơi hồi tưởng, vẻ mặt sùng kính, nói: "Không dối gạt chưởng môn, kiếm pháp này của lão hủ là Mạnh Đào thiếu gia truyền lại."

Mạc Hi nói: "Xin hỏi Ân tiền bối cùng Mạnh tiền bối có quan hệ sâu xa thế nào?"

"Lão hủ cùng Mạnh Đào thiếu gia cũng không thể nói là sâu xa, tập kiếm pháp của Thục Sơn đều liên quan đến đại tiểu thư. À, hai vị còn trẻ, có thể chưa từng nghe qua tục danh của đại tiểu thư, cô ấy tên Đường Tâm. Lão hủ từ nhỏ được Đường Môn thu dưỡng, lại bởi vì tư chất bình thường, không được thiếu gia tiểu thư xuất thân dòng chính của Đường Môn chọn làm bồi luyện, cùng tập võ. Đến phiên đại tiểu thư là huyết mạch chi thứ chọn người, cô ấy đã lựa chọn ta, vả lại còn cho phép ta giữ lại họ cũ. Năm đó đại tiểu thư mới mười tuổi, lại vô cùng trí tuệ, người thường nói xuất thân của một người thế nào không quan trọng, quan trọng là không bị xuất thân hạn chế, ngày sau phải có thành tích. Khi đó, lão hủ là một đứa bé bảy tuổi, nhưng dưới ngôn hành (lời nói và hành động) hằng ngày của đại tiểu thư mưa dầm thấm đất, hiểu được đạo lý này."

Mạc Hi cùng Đường Hoan trao đổi vẻ mặt, đều nghĩ: Ân Thu Thực có thể nói là người hiểu biết việc Đường Tâm năm đó nhất, thật sự là đắc lai toàn bất phí công phu (không tốn chút công sức mà lại tìm được).

Đường Hoan nói: "Tiền bối có thể nói thêm về chuyện của Đường Tâm tiền bối không?"

"Chuyện có liên quan đến đại tiểu thư, chưởng môn tới hỏi lão hủ, có thể xem như hỏi đúng người. Đại tiểu thư lúc nhỏ tướng mạo bình thường, lại bởi vì là chi thứ của Đường Môn, không được coi trọng. Nhưng người không phục, luôn nói sớm muộn gì sẽ làm mọi người nhìn với cặp mắt khác. Khi cô ấy hơn mười tuổi bởi vì có thiên phú tuyệt vời trong chế độc, dần dần ở Đường Môn hiển lộ bản lĩnh." Ngừng một chút, ông lại nói: "Lại nói tiếp, đại tiểu thư không riêng gì kỳ tài chế độc, còn là mỹ nhân ít có trong chốn võ lâm. Mọi người nói nữ đại mười tám biến (con gái mười tám liền thay đổi), người quả thật càng lớn càng xinh đẹp, đến mười sáu mười bảy tuổi đã trở thành mỹ nhân hiếm có của Đường Môn, người thích cô ấy đếm không hết. Đại tiểu thư lại không để ý tới, toàn tâm toàn ý nghiên cứu độc thuật cùng khinh công. Cho đến năm mười tám tuổi, lên Thục Sơn ngắm cảnh, quen Mạnh Đào thiếu gia."

Mạc Hi nói: "Thứ ta mạo muội, Ân tiền bối có biết Đường Nghi tiền bối vì sao họ Đường mà không phải họ Mạnh không?"

Ân Thu Thực trên mặt lộ vẻ thương cảm nói: "Sau khi đại tiểu thư kết hôn với Mạnh Đào thiếu gia liền có tiểu chủ tử Đường Nghi, vợ chồng hai người đối với nàng yêu như trân bảo. Chỉ là trước khi đại tiểu thư lâm chung đã biết tuổi thọ của mình đã hết, liền đưa Đường Nghi tiểu chủ tử về Đường Môn, sửa lại họ Đường, để được chăm sóc tốt nhất."

Mạc Hi cố ý thăm dò: "Đường Nghi tiền bối nói vậy chắc cũng thiên tư thông minh, kế thừa một tay độc thuật xuất thần nhập hóa của Đường Tâm tiền bối." Thầm nghĩ: theo lẽ thường mà nói, nếu Đường Tâm yêu nữ nhi như trân bảo, chắc chắn sẽ truyền thụ sở học cả đời. Huống chi bà tự biết không còn sống bao lâu, cũng nên vì tương lai của Đường Nghi mà dạy thêm một phần năng lực tự bảo vệ mình.

Ai ngờ Ân Thu Thực nói: "Việc này lão phu cũng không thể hiểu nổi, đại tiểu thư lúc còn sống luôn dặn dò, tiểu chủ tử Đường Nghi cuộc đời này có thể làm mọi việc theo ý mình, chỉ riêng một việc, không thể dính đến độc thuật. Vả lại tiểu chủ tử Đường Nghi mới ba tuổi liền bị buộc lập lời thề, không thể tu tập độc thuật."

Mạc Hi thầm nghĩ: trách không được Đường Nghi trị không được tên độc bình thường trên vai mình. Chỉ là Đường Tâm cả đời say mê độc thuật, vì sao không truyền y bát (y bát vốn là từ chỉ áo cà sa và bát mà những nhà sư truyền lại cho môn đồ, sau này chỉ chung tư tưởng, học thuật, kĩ năng… tất cả những sở học có thể truyền lại cho đời sau) của mình ái nữ duy nhất, ngược lại bức nàng từ nhỏ thề cả đời không thể tu tập độc thuật? Một khi đã như vậy, vì sao lại đưa nàng về Đường Môn nơi độc thuật có một không hai trên thiên hạ để nuôi dạy?

Đường Hoan nói: "Không biết tấm bia đá của Đường Nghi tiền bối ở mộ viên sau núi là Ân tiền bối lập ra sao?"

Ân Thu Thực lắc đầu nói: "Không phải, Đường Nghi tiểu chủ tử làm việc so với đại tiểu thư năm đó còn lớn gan hơn vả lại hoàn toàn không sợ miệng đời. Lão hủ nhớ lời dặn năm đó của đại tiểu thư, cho nên đối với những hành vi người bên ngoài nghĩ là trái với lẽ thường, cũng chưa bao giờ khuyên nhủ. Đường Nghi tiểu chủ tử từ sau khi thành niên liền cực ít ở lại Đường Môn, lão hủ có thể làm chỉ là ở đây, chờ người quay về châm một chén trà nóng cho người. Năm đó lão hủ nghe tin tiểu chủ tử chết, từng một mình lên Thục Sơn tìm kiếm. Lão hủ ở Thục Sơn nửa năm, vẫn không thu hoạch được gì mới trở lại Đường Môn, ai ngờ mộ phần của người đã lập xong. Lão hủ nghĩ đến đại tiểu thư làm việc xưa nay luôn tính trước làm sau, đã âm thầm an bài người khác chiếu cố tiểu chủ tử cũng chưa biết chừng."

Mạc Hi nói: "Ân tiền bối biết năm đó còn ai tùy tùng Đường Tâm tiền bối không?"

"Năm đó được đại tiểu thư chọn còn có một bé gái cùng tuổi ta, cô ấy vốn là thị nữ của đại tiểu thư, ai ngờ, đến năm đại tiểu thư mười sáu tuổi, cô ấy đã lén rời khỏi Đường Môn, từ đó về sau không chút tin tức. Sau đó lão hủ cũng chưa từng gặp lại cô ấy."

Mạc Hi hỏi tiếp: "Tiền bối có nghe nói đến 'Phấn La Sát' chứ?"

"Đương nhiên có nghe qua. Yêu nữ này nhiều lần tới tìm đại tiểu thư gây chuyện. Nhưng mỗi lần đại tiểu thư đều không cho ta ở lại. Ta chỉ biết lần cuối cùng hai người đánh nhau, yêu nữ này không địch lại, bị thương mà đi, từ đó về sau liền không xuất hiện qua."

Đường Hoan nói: "Ân lão có biết tin tức về Lang Gia trượng không?"

"Điều này, lão hủ chỉ biết là đại tiểu thư truyền cho Đường Nghi tiểu chủ tử. Về phần Lang Gia trượng hiện ở nơi nào, lão hủ hoàn toàn không biết."

Mạc Hi bỗng nhiên nghĩ đến ghi chép về võ công giấu trong Lang Gia trượng, liền hỏi: "Đường Tâm tiền bối lúc còn sống có biết bơi không?"

"Đại tiểu thư cả đời say mê độc thuật cùng khinh công, hai loại này quả thật rất chăm luyện tập. Về phần có biết bơi không, xin thứ cho lão hủ không biết. Lão hủ chưa bao giờ thấy đại tiểu thư bơi. Nhưng mà, sau khi đại tiểu thư rời khỏi Đường Môn cùng Mạnh Đào thiếu gia song túc song phi, có một khoảng thời gian rất dài, lão hủ không gặp người. Có thể sau đó người từng học bơi cũng chưa biết chừng." Ngừng một chút, biểu tình trên mặt ông giống như nhớ tới những năm tháng đi qua, tiếp tục nói: "Năm đó lão hủ mười tuổi, thường xuyên đi theo đại tiểu thư ra vào tàng thư lâu, xem người luyện tập khinh công. Người thích nhất chính là vào thời khắc mặt trời lặn phi thân lên đỉnh tố phong đăng kia. Lão hủ lựa chọn ở chỗ này trốn thanh tĩnh cũng là bởi vì năm đó thường xuyên tới đây. Huống chi nơi này còn có phù điêu cẩm thạch mà Mạnh Đào thiếu gia đã làm cho đại tiểu thư. Lão hủ năm đó cũng có may mắn thấy qua đại tiểu thư múa."

Mạc Hi thầm nghĩ: thì ra Ân lão là tự nguyện sung quân tàng thư lâu. Đường Tâm sợ là đối với chụp đèn kia có tình ý, bằng không vì sao lại ở nơi đó luyện tập khinh công. Hơn nữa trong tàng thư lâu có quá nhiều vật phẩm quý giá, chẳng lẽ bà không sợ vô ý làm hỏng, bị trách cứ sao.

Đường Hoan nói: "Đa tạ Ân lão giải thích nghi hoặc. Vì chuyện liên quan đến Lang Gia trượng, hai chúng tôi mới đến hỏi thăm chuyện liên quan đến Đường Tâm tiền bối, xin Ân lão thứ lỗi."

Ân Thu Thực nói: "Chưởng môn không cần khách khí. Không ai cùng lão hủ nói chuyện đại tiểu thư, đúng là việc cầu còn không được. Huống chi Lang Gia trượng đối với Đường Môn ý nghĩa phi phàm, chưởng môn cứ hỏi tự nhiên. Nếu có gì cần, bất cứ lúc nào cũng có thể đến tìm lão hủ."

Hai người từ biệt Ân Thu Thực liền đi về phía tàng thư lâu.

Mạc Hi nói: "Trong tàng thư lâu có võ công bí tịch của Đường Môn không?"

Đường Hoan mỉm cười, nói: "Có thì có, nhưng võ học Đường Môn cũng không xuất sắc, nàng võ công tốt như vậy, nhất định sẽ chướng mắt."

Mạc Hi cười nói: "Mới không thèm võ công bí tịch của huynh đâu. Ta là suy nghĩ, Đường Tâm có được võ công trong Lang Gia trượng, có thể chép thành một bản khác, để trong tàng thư lâu, tạo điều kiện để đời sau của Đường Môn học tập hay không."

Đường Hoan nói: "Cũng rất có thể giống như lời nàng nói. Lát nữa chúng ta đi tìm thử xem."

Chú thích:

Chưng thanh là một phương pháp dùng công nghệ hơi nước để tạo ra trà xanh. Trà tạo ra bằng cách này gọi là chưng thanh trà, nó còn giữ lại khá nhiều chất diệp lục, protit, axit amin,… Chưng thanh trà có số lượng rất ít, hai loại nổi tiếng của chưng thanh trà là Ân Thi Ngọc Lộ của Hồ Bắc và tiên nhân chưởng trà. Cách chế biến trà này bắt đầu từ đời Đường, sau đó đã rơi vào tay người Nhật, dần dần phát triển thành trà xanh của Nhật Bản hiện đại.

Năm 1965, Ân Thi Ngọc Lộ được bầu chọn là một trong Trung Quốc thập đại danh trà, năm 2009, được chọn đệ nhất danh trà trong lịch sử của tỉnh Hồ Bắc. Nơi sản sinh ra loại trà này chính là thành phố Ân Thi tỉnh Hồ Bắc. Đây là một trong số ít những loại trà được chế biến bằng phương pháp chưng thanh.

Trà kinh là một tác phẩm của Lục Vũ - người đặt nền móng cho trà đạo Trung Quốc, nó được vinh danh là “bách khoa toàn thư về trà”. Trà kinh là bộ chuyên tác giới thiệu về trà của Trung Quốc ra đời sớm nhất, hoàn chỉnh nhất, toàn diện nhất hiện nay còn tồn tại trên thế giới. Cuốn sách này là một tác phẩm tổng hợp nghiên cứu về lịch sử sinh trưởng, phát triển, kĩ thuật trồng trà, kỹ nghệ uống trà, nguyên lý trà đạo, là một bộ trà học chuyên tác vượt thời đại.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK