Editor: SQ
_____________________
Đắm tàu trong vùng biển của anh
Sau khi trở về từ nghĩa trang, Trình Trạc nghe một cuộc điện thoại, đến nhà ông nội ăn cơm, trong lúc ăn ông cụ nhắc đến bố con anh, rồi hiếm hoi nhắc đến Thư Vãn Kính.
Ngay lúc đó, bà vú già đang bới cơm cho Trình Trạc đặt chén xuống, thầm liếc nhìn vẻ mặt của Trình Trạc, không có gì thay đổi, chỉ im lặng lắng nghe.
Bao năm qua, cả gia đình này xem ba chữ Thư Vãn Kính là điều cấm kỵ, nhưng thật ra ai cũng thừa biết rằng nếu xét kỹ lưỡng thì bên có lỗi là nhà họ Trình, không nhắc đến chính là vô tội.
Thậm chí sau khi Thư Vãn Kính qua đời, dù Trình Trạc muốn quay về căn biệt thự kia cũng không được phép, muốn ba chữ đó được xóa bỏ hoàn toàn.
Lúc này, ông cụ bỗng thở dài nói: “Lúc đó mẹ con cũng không dễ dàng gì, chuyện tình cảm không thể ép buộc, tóm lại là có lỗi với nó.”
Vẻ mặt của những người giúp việc xung quanh vô thức thay đổi.
Trình Trạc dừng đũa, định buột miệng nói một câu “Đã qua hết rồi”, nhưng anh kìm lại, mấy lời như chuyện đã qua lâu rồi thì không suy xét đúng sai nữa quá lạnh lùng, cũng quá vô trách nhiệm.
Anh không muốn nói.
“Lớn tuổi thì bớt bùi ngùi lại đi.”
Một lúc sau, Trình Trạc nói sang chuyện khác: “Con đưa hai con rùa cho ông, ông nuôi thành mười sáu con, thế giới động vật cũng không có con nào sinh sản kiểu đó đâu.”
Ông cụ nghe vậy, bị anh chọc cười, “Người ta tặng cho, nuôi chung cả đám cho xôm tụ.”
Bà vú già bưng món cuối cùng là canh lên, đứng cạnh cười nói thêm: “Không xôm tụ sao được, lần trước Tiểu Cách ghé đây chơi thấy còn nói sao mà nhiều quá, đòi dắt ông cụ ra đầu ngõ Giáp La mở gian hàng bán rùa kia kìa.”
Ông cụ đã về hưu nhiều năm, rất ít tham gia mấy buổi gặp mặt, cũng chẳng mấy khi hỏi đến chuyện công ty, nhưng thực tế thì vẫn nắm quyền hành trong tay.
Sự hòa thuận ngoài mặt của cả đại gia đình này được duy trì nhờ vào điều đó.
Mặc dù mấy năm nay đã báo bệnh với người ngoài, nhưng quy tắc không gặp người ngoài sau bốn giờ chiều cũng chẳng thể cản hay chối từ những người đến “đạp đổ” ngưỡng cửa nhà ông.
Bất cứ khi nào biết được ông cụ có thêm sở thích mới, thì chưa bao giờ thiếu người vồn vã nịnh nọt.
Lớn tuổi rồi nên bớt quyết đoán, bớt suy xét đúng sai cũng bớt phải vòng vo với người khác, chuyện gì cũng qua loa cho có, chỉ khi mấy đứa cháu láu lỉnh đến thăm ông, pha trò hài hước nói linh tinh, ngoài miệng ông mắng cho, nhưng trong lòng thì vui hết biết.
Trình Trạc nói: “Được quá còn gì, treo bảng hiệu vàng của ông, Từ Cách lo phần tiếp thị, không sợ ế.”
Ông cụ nói: “Anh thì sao, anh cũng phải làm chút gì chứ.”
Trình Trạc suy nghĩ rồi nói: “Con lấy lại Ngọc Thụ Lâm Phong của con, hàng không bán.”
Bầu không khí hòa thuận, có thể xem là một bữa cơm trọn vẹn.
Sau đó bác cả của Trình Trạc đến, vào phòng làm việc nói chuyện với ông cụ nửa tiếng.
Trình Trạc ngồi uống trà trong phòng trà, khi ông cụ qua đây, tay cầm theo một chiếc chìa khóa.
Rất quen thuộc với Trình Trạc.
Khai giảng lớp 11, trường trung học phổ thông số 14 tổ chức chuyến du lịch leo núi, anh bất cẩn bị thương, còn bị sốt hai ngày liên tiếp.
Trước đây anh chưa từng bị bệnh nặng như thế, mấy người phụ nữ trong nhà nói ra nói vào, chiếc chìa khóa này bị tịch thu, anh không được phép quay lại nơi Thư Vãn Kính từng ở.
Chiếc chìa khóa nhỏ chạm vào mặt bàn, vang tiếng động nhẹ.
Bàn tay già nua của ông cụ ấn xuống chiếc chìa khóa, chầm chậm đẩy đến trước mặt Trình Trạc.
“Sau này ông cũng nghĩ, nếu lúc đó ông đừng quá kiên quyết, thì có lẽ lúc con học cấp ba sẽ không om sòm với bố con đến mức đó, con không thích bàn bạc chuyện của con với người khác, cớ sao phải thế, cô ta là thân phận gì, con là thân phận gì? Chỉ tổ làm dơ tay mình.”
Trình Trạc nắm chiếc chìa khóa đó, không trả lời.
Đáng lẽ món đồ cũ này phải gợi ký ức cuồn cuộn ùa về, nhưng không có gì cả, anh rất bình tĩnh nhớ lại, thậm chí không nhớ được rất nhiều chi tiết.
Như thể toàn bộ ký ức thời cấp ba của anh đều hỗn loạn và viển vông.
Ra khỏi nhà ông nội, xe lao thẳng về phía hẻm Ngô Đồng, khi kẹt trong biển xe đêm, anh lại liếc nhìn chiếc chìa khóa trên hộp tỳ tay.
Xuống cao tốc, ma xui quỷ khiến quay đầu xe, chạy xe đến Bạc Duyệt Thiên Thành.
Nơi này là nhà Thư Vãn Kính và Trình Tĩnh Viễn sau khi lấy nhau, Trình Tĩnh Viễn hiếm khi về đây, Trình Trạc lúc nhỏ không ở đây nhiều bằng ở nhà ông nội, giữa anh và Thư Vãn Kính cũng không có mấy ấm áp.
Kể từ khi anh có thể nhớ được, mẹ anh là một người phụ nữ lạnh lùng và yếu đuối, cả người đầy gai.
Người giúp việc ở đây đến từ bên nhà ông nội, chỉ cần có gì đó không ổn là gọi điện ngay về nhà bên kia.
Trong trí nhớ mơ hồ của anh, có vô số cảnh tượng Thư Vãn Kính và Trình Tĩnh Viễn cãi nhau, đều khi trời đã khuya.
Đèn đóm sáng đến thế, khi ngẩng đầu, bầu trời tối đen như mực dày đặc đ è xuống đầu, không thể tránh được.
Trình Trạc vô cảm để bà vú già và quản gia đón đi, không hề sợ hãi, chỉ như khúc gỗ để mặc những người này di chuyển, không biết đến khi nào mới có thể ổn định.
Trình Tĩnh Viễn cũng đi, ông ta hầu như chẳng ở lại đây.
Đây là nơi Thư Vãn Kính ở một mình.
Nhưng từ nhỏ đến lớn, bất cứ khi nào cần điền địa chỉ nhà, Trình Trạc nhìn chữ “nhà”, cuối cùng sẽ viết địa chỉ ở Bạc Duyệt Thiên Thành, luôn nhớ đến lời Thư Vãn Kính từng nói, bà chỉ có anh, nếu ngay cả anh cũng không xem nơi này là nhà, vậy thì bà thật sự chẳng còn gì nữa.
Dù lạnh lẽo đến đâu, từ trước đến giờ anh vẫn luôn xem nơi này là nhà mình.
Rõ ràng đã lâu lắm rồi không đến, nhưng có một loại ký ức khắc sâu trong thâm tâm khiến anh quen thuộc với tất cả.
Đỗ xe ở vị trí dừng xe ngoài cổng, anh cởi dây an toàn, không xuống xe, nhìn phòng mình trên tầng qua cửa xe, điện nước trong nhà đã bị cắt kể từ khi nơi này bị phong tỏa.
Khung cửa sổ đó sẽ không bao giờ sáng lên nữa.
Anh xuống xe đi về phía căn nhà, cả con đường vào nhà được lát đá ô vuông, cỏ dại đã lấp kín các kẽ hở, chiếc hòm thư xanh lá đứng trước cửa đã tróc sơn vì dãi nắng dầm mưa, ngay cả khe đút thư cũng phủ một lớp rỉ sét màu vàng nâu.
Bên cạnh là ổ khóa bốn chữ số.
Chắc hẳn ổ khóa cũng đã rỉ sét, anh vặn ngày sinh của Thư Vãn Kính không mấy trơn tru, đến chữ số thứ 4, bị kẹt lại, có xoay thế nào cũng không xoay được.
Anh định bỏ cuộc.
Đã rất nhiều năm, trong một hòm thư cũ cũng sẽ chẳng có gì.
Nhưng chính ngay lúc đó, ổ khóa vặn như đã vượt qua cửa ải khó khăn, một tiếng “cách” vang lên, trong bóng tối, quay về vị trí ban đầu như chỉ dẫn.
Vòng khóa bỗng mở ra.
Trình Trạc tháo ổ khóa, cánh cửa sắt không còn bị vòng khóa trói buộc tự động mở ra, tiếng “kẽo kẹt kẽo kẹt” vang lên.
Bên trong thực sự có thư.
Khá nhiều bức, Trình Trạc lấy ra xem, có thư mời từ các tổ chức nghệ thuật, thư cảm ơn vì các hoạt động phúc lợi công ích, có cả hóa đơn tiêu dùng, tất cả đều đã quá hạn.
Tìm đến bức cuối cùng, một bức thư rất bình thường, viết gửi Trình Trạc bất thình lình ập vào tầm mắt.
Đầu ngón tay không khỏi run nhẹ, anh nhìn chằm chằm, không dám tin mà nhìn hai chữ “Trình Trạc”, thể Sấu Kim quen thuộc, lần đầu tiên nhìn thấy là ở đâu?
Là trên đường rời khỏi đường Kim Lâm, đi ngang qua quảng trường Bảo Đại, ở hàng ghế sau tối om, cô gái đã say cẩn thận kéo góc áo của anh.
Rõ ràng anh biết cô hơi phiền, nhưng thấy mắt cô đỏ hoe, không kìm được mà mềm lòng dỗ dành cô, bảo tài xế chạy về hội sở Bách Tân, nhờ người tìm chiếc bánh kem không hề nổi bật của cô.
Hai chữ Trình Trạc được viết trên cả bánh kem và thiệp, chúc anh sinh nhật vui vẻ.
Là thể Sấu Kim có nét chữ mảnh, nhưng kiêu hãnh và mạnh mẽ.
Trình Trạc cảm thấy hô hấp như nghẹn lại, anh bỏ những bức thư khác lên phía trên hòm thư, mở bức thư trong tay ra.
Qua bao năm tháng dài đằng đẵng, ngay cả miệng phong thư cũng đã có chút phấn, anh lúng túng lẫn gấp gáp, lỡ tay xé mất một góc, phong bì vẫn chưa mở hết.
Đầu ngón tay anh đang lơ lửng trong không khí.
Tê rần, còn run nhẹ, giống như một lớp gỉ cũ bị bong ra, những phần bị khuất phía trong mất cảnh giác tiếp xúc với oxy, rất đột ngột.
Hai giây sau, anh mở toàn bộ bìa thư, rút giấy viết thư bên trong ra, hít nhẹ một hơi, rồi mở hai mép giấy được gấp ngay ngắn ra.
Trình Trạc:
Chào anh!
Em là Mạnh Thính Chi lớp 10/12, muốn viết thư cho anh từ rất lâu, biết được tin anh ra nước ngoài, em mới đánh liều viết bức thư này.
Đọc đến đây, có lẽ anh sẽ nhíu mày nghĩ Mạnh Thính Chi là ai nhỉ?
Anh sẽ không nhớ được vào ngày khai giảng của khối 12, anh ở căn tin chỉ vào trà sữa tương tư cho một học sinh lớp 10 mới vào trường, hôm đó anh mặc áo thể thao số 14, mướt mồ hôi, nhận túi nước của cả đội qua cửa căn tin, rồi đi qua tấm màn nhựa ở cửa, bước vào ánh mặt trời.
Em sững sờ hồi lâu, em không biết anh là ai, cũng không biết vì sao trà sữa đậu đỏ lại được gọi là trà sữa tương tư, ông chủ căn tin nói với em, bởi vì bao nhiêu đậu đỏ bấy nhiêu tình.
Sau kỳ huấn luyện quân sự, em đen đi hẳn, lúc nhập học lại rất sợ gặp phải anh ở bất kỳ ngóc ngách nào trong khuôn viên trường, nhưng chưa giây phút nào em thôi mong được gặp anh.
Lúc nào trong giờ giải lao cũng có bạn nữ nhắc đến cái tên Trình Trạc, em không nghe kỹ, cho đến trước kỳ nghỉ Quốc Khánh, chiều hôm đó trường đóng cửa sớm, nghe nói có một trận bóng rổ giữa các trường, cô bạn bàn trên kéo em đến sân bóng, em nghe thấy có người gào khản cổ nói Trình Trạc cố lên trong biển người tấp nập.
Cô bạn bàn trên kéo em chen vào đám đông, anh ném vào một cú ba điểm, cô ấy hét to bên tai em, chỉ vào anh nói, anh Trình Trạc đẹp trai quá.
Khoảnh khắc đó, em cứ như đã xông nhầm vào một hành tinh chỉ thuộc về Trình Trạc, nền văn minh của hành tinh này rất rập khuôn, tất cả mọi ký tự và ngôn ngữ đều liên quan đến Trình Trạc.
Cuối cùng, em tập trung cao độ và im lặng cùng cực, trở thành đồng loại với các cô ấy.
Nhưng em không nói gì, em là một thường dân bị câm trong đất nước của anh, biết bao niềm yêu thích áp đảo dành cho anh, tr@n trụi và thẳng thắn, ngập tràn tình cảm, em chỉ là một phần bé nhỏ không đáng kể trong đó.
Anh rời trận, lau mồ hôi, cái nhìn lướt qua khán đài đó, thậm chí sẽ không dừng lại 0.01 giây vì em.
Em không nên mơ mộng quá viển vông, nhưng tháng 11, kỳ thi giữa học kỳ một, em khóc trên sân thượng, anh cởi đ ồng hồ cho em mượn, em lại bắt đầu sa vào.
Mỗi buổi sáng, anh đi trên con đường dài của đình Tú Sơn để đến trường số 14, em đi phía sau anh, đồng hành với anh một đoạn đường, lúc nào cũng cảm thấy ngày tháng thế này rất đẹp đẽ.
Có lẽ việc được người khác thích đã trở thành rắc rối với anh, em chưa từng nghĩ đến chuyện tỏ tình, nhưng em quá muốn nhìn thấy anh, dù chỉ nhìn từ xa thật xa cũng được.
Trước giờ em không viết văn hay, em cũng không thích viết lách, nhưng vì em cực kỳ muốn nhìn thấy anh mà không phải làm phiền đến anh, cho nên em tham gia vào tòa soạn báo của trường, có lẽ vì có quá nhiều người giỏi giang, tòa soạn báo trường thiếu kiểu người chịu cực chịu khó như em, em thuận lợi được nhận.
Tuần nào em cũng được đến phát báo cho khối 12, khối 12 có tổng cộng 43 lớp, trong 27 lần em phát báo, anh có mặt trong lớp 11 lần, nhận báo từ tay em, không đọc một chữ, nhét vào hộc bàn.
Lần nào phát báo xong, tay cũng dính mực in, em phải chà rất lâu mới có thể rửa sạch, giống như với anh, rất thích rất thích, nhưng em giấu rất kỹ, không ai hay biết.
Anh cũng không biết.
Đây là lần đầu tiên em thích một người, em không hề biết thích đơn phương lại khó chịu đến thế, những niềm vui bất chợt và nỗi buồn đột ngột đó khiến thanh xuân vốn dĩ mờ nhạt của em trở nên trọn vẹn.
Tin tức anh đi du học đến không hề báo trước, kết thúc lễ chào cờ tuần trước, rất nhiều cô gái lên diễn đàn trường đau lòng buồn bã, họ chúc anh thế này thế kia.
Em không có lời chúc nào dành cho anh, một người trời quang trăng sáng như anh, ắt hẳn đi đến đâu cũng sẽ thuận lợi, anh vẫn luôn tỏa sáng cơ mà, em chỉ mong rằng, vầng trăng cô đơn của em không bao giờ rơi xuống.
Trình Trạc trong lòng em, mãi mãi vui vẻ.
Sau khi anh ra nước ngoài, em bần thần mấy ngày liền, hôm nay em buộc dây giày bên cửa sổ tầng hai nhà mình, trước đây em lề mề như thế để đợi anh đến đây, nhưng em quên mất rằng, anh sẽ không đi ngang qua nữa, không bao giờ xuất hiện trong cửa sổ nhà em lần nào nữa.
Em bị trễ giờ, quyết định trốn học.
Trời đang đổ mưa, Tô Thành chưa bao giờ có mưa to đến thế, mùa hè đã đến thật rồi, anh cũng đã thật sự biến mất, em đang viết bức thư này.
Bỗng em có thể nhìn thấy trước tương lai của mình, là một mặt biển không ngừng gợn sóng, tất cả những con sóng cách đảo rất xa, anh cũng thế.
Em từng hỏi chính mình, anh thậm chí không biết em là ai, thích thế này thì có là gì đâu chứ.
Cho đến hôm nay, em mới hiểu ra.
Yêu thầm là mang theo tất cả vàng bạc châu báu, đắm tàu trong vùng biển của anh.
Nếu không có gì bất ngờ thì sẽ khó được nhìn thấy ánh mặt trời, người khác không cứu được, còn anh sẽ không đến, em sẵn lòng đắm chìm, chịu chết không phản kháng.
Nhưng em vẫn tham lam lắm, rất nhiều rất nhiều năm sau nữa, Trình Trạc, em có còn được gặp lại anh không?
Cuối thư là Mạnh Thính Chi.
Thời gian là tháng 6, bảy năm trước.
Một lúc lâu sau, tám chữ cuối cùng giống như một nhát búa đè nặng trái tim, loại lực ép tràn lan khắp phía đó khiến Trình Trạc thấy đau đớn trong từng hơi thở.
Anh nhắm mắt lại, cứ như có thể nhìn thấy cô gái mười sáu tuổi đó mặc đồng phục trường trung học phổ thông số 14 đứng trước mặt anh, sợ sệt nhưng dũng cảm hỏi anh, rất nhiều rất nhiều năm sau nữa, em có còn được gặp lại anh không?
Hỏi xong thì đôi mắt mềm mại đó sẽ đỏ hoe.
Chiếu vào Trình Trạc của bảy năm sau đã vỡ tung từng mảnh.
Từng câu từng chữ trong thư không ngừng quẩn quanh trong tâm trí, anh không chịu nổi, tay siết lá thư, điều chỉnh hơi thở, cố gắng xoa dịu nỗi đau đang lan tràn trong tim.
Nhưng không có tác dụng.
Anh nhìn hòm thư cũ này, nghĩ đến chuyện bảy năm qua bức thư của cô bị bỏ lại ở đây, không được nhìn thấy mặt trời, anh không thể không nghĩ rằng, nếu anh không gặp lại cô ở trung tâm triển lãm của khoa Mỹ thuật, nếu anh không có cơ hội mở hòm thư này.
Thì còn bao nhiêu lần bảy năm phải bỏ lỡ nữa?
Nếu anh thật sự không biết Mạnh Thính Chi là ai, ngay bây giờ khi mở lá thư này ra, có lẽ chỉ đọc một lần rồi thôi, hoặc thậm chí là không kiên nhẫn đọc hết đã đặt sang một bên.
Không ai chú ý.
Không ai chú ý đến Mạnh Thính Chi mười sáu tuổi.
Sau khi thở ra một ngụm không khí ứ đọng trong phổi, Trình Trạc đọc lại bức thư, ánh mắt dừng lại ở câu cuối cùng.
Anh từng cho rằng vì đã quá lâu, bức thư đã bị thất lạc, rõ ràng cũng đã hỏi cô, hỏi cô viết gì trong thư, rất sợ rằng cô có một điều tiếc nuối nào đó, vì năm xưa anh đã thiếu cô.
Nhưng cô không nói, cô chỉ nói mình là một trong những người chúc anh tương lai rộng mở.
Lại nói dối anh.
Nhưng khi thật sự đọc được bức thư này, tâm trạng khó chịu, anh đâu chỉ thiếu cô một điều tiếc nuối.
Trình Trạc gọi cho cô, nói cô nói dối, cô không hề chúc anh tương lai rộng mở, điều mà cô nói là cô vẫn tham lam lắm, rất nhiều rất nhiều năm sau này, Trình Trạc, em có còn được gặp lại anh không?
Cuối cùng anh hỏi cô, “Mạnh Thính Chi, em còn muốn gặp anh không?”
Trong điện thoại im lặng một lúc, như thể nhận ra anh đã biết được gì đó, giọng nói bỗng dịu đi, có chút run rẩy, đầu tiên là “Ừm”, sau đó nói thêm:
“Em muốn gặp anh.”
Trình Trạc: “Nói cho anh biết, em đang ở đâu?”
Mạnh Thính Chi ngẩng đầu nhìn biệt thự số 6, rồi nhìn đèn âm đất được cố tình giữ lại bên cạnh, nghẹn ngào đáp lại: “Em ở khu căn hộ Chẩm Xuân……Trình Trạc, em đang ở nhà cũ của tụi mình.”
Anh hít một hơi thật sâu, giọng nói vỗ về.
“Chờ anh, Mạnh Thính Chi, anh chắc chắn sẽ đến, em đừng khóc.”
Cô muốn đồng ý với anh, nhưng khi vừa lên tiếng đáp ừm, đầu cúi xuống, nước mắt lập tức mất khống chế rơi lã chã, cô vội vàng lau đi, cầm điện thoại khó chịu trả lời: “Em chờ anh, Trình Trạc……”
“Em luôn chờ anh.”
Danh Sách Chương: