- Khỏi.
Lý Cẩn Dung dường như lúc nào cũng vội vội vàng vàng, bà cúi đầu khoát tay, lại hỏi:
- Chu tiên sinh và Vương lão phu nhân đều không hồi âm?
Nữ đệ tử làm việc vặt cho bà miệng mồm lanh lợi nói:
- Dạ chưa, lần này Bắc Đẩu chơi thật rồi, người của chúng ta ở phương Bắc đều mất liên hệ với trại, Vương lão phu nhân trong thời gian ngắn hẳn không thể làm gì. Nhưng Vương lão phu nhân của chúng ta là ai? Bà ấy dù có gặp Bắc Đẩu ngay trước mặt, cũng phải là Bắc Cẩu nhường đường, người cứ yên tâm ạ.
Lý Cẩn Dung không để ý tới câu an ủi này, vì theo bà, “an ủi” cũng là một dạng phí lời, bà vẫn cau mày như cũ, hỏi:
- Nhóm Mã Cát Lợi lần trước đưa thư đến nói gì?
Nữ đệ tử nghe lời đoán ý, nuốt xuống những lời thừa, nói:
- Lần trước viết thư báo hình như mới ra khỏi đất Thục, Lý sư muội lần đầu ra ngoài, có chút nghịch ngợm...
- Viết phong thư hồi âm họ, bảo Lý Nghiên đàng hoàng lại, ở ngoài không thể so với trong nhà, không cần dung túng nó, nên đánh cứ đánh nên mắng cứ mắng.
Lý Cẩn Dung day day trán, vừa tính toán trong lòng xem mình có bỏ sót gì không, vừa lơ đãng nói:
- Ngươi lo công việc đi, ngày mai chúng ta xuất phát sớm, dùng bữa tối xong thì gọi trưởng lão các trại đến chỗ ta một chuyến.
Nữ đệ tử không dám quấy rầy nhiều, dạ một tiếng rồi lui ra.
Lý Cẩn Dung thở dài, nhớ khi mình 17 tuổi, mang một thanh đao, chỉ vài người mà dám một mình lên Bắc, nói đi là đi, lúc về suýt hết tiền lộ phí. Mấy năm vội vã, gánh nặng trên người bà càng lúc càng nhiều, ra ngoài một chuyến quả thực giống như di dời cả tòa núi.
Chuyện trong nhà, chuyện bên ngoài, tất cả đều phải bàn giao rõ ràng, chỉ mang theo vài người ngựa bên cạnh, thế mà cũng rề rà hết mấy ngày. Một người nhanh nhẹn như bà đã bị gia nghiệp to lớn làm trở nên chậm chạp bất lực.
Lý Cẩn Dung đi đến thư phòng nhỏ của bà, cẩn thận cài cửa.
Trong phòng phần lớn là đồ Chu Dĩ Đường để lại, sách vở bút nghiên vẫn còn nguyên, chưa từng di chuyển, trong góc tường có một dãy kệ sách lớn, bên trên chất đầy tứ thư ngũ kinh và điển tịch các nhà, nếu xem và hiểu thấu hết toàn bộ sách trên kệ này thì đại khái đã đủ thi lấy công danh. Nhưng từ khi Chu Dĩ Đường rời đi, những quyển sách này không người thăm hỏi, giờ đây đã phủ một lớp bụi.
Lý Cẩn Dung tiện tay lấy ra quyển “Đại học”, phủi bụi bên trên, mở ra thấy những nét chữ chú giải quen thuộc trong sách còn nhiều hơn cả chính văn, mùi thư hương như phả vào mặt, bà không kiềm được mỉm cười, nhẹ nhàng đặt sang một bên, lần lượt lấy những quyển sách ở khung giữa kệ xuống, đưa tay sờ lên kệ, sau đó kéo rồi móc một cái, “cạch”, gỡ xuống một mảnh gỗ.
Chỗ bức tường phía sau mảnh gỗ có một hộc ngầm, bên trong để một hộp gỗ nhỏ bình thường.
Không biết đã bao nhiêu năm chưa lấy ra, hộp nhỏ đó quả thực sắp mọc rễ nảy mầm trong tường.
Lý Cẩn Dung không hề chê bẩn, tùy tiện xắn ống tay áo lên, lấy hộp gỗ ra, kiểm tra bên ngoài một phen, bà rất hài lòng___cái hộp cũ đủ khiến Ngư lão nhảy dựng lên gào thét này chỉ hơi bị mốc meo ở viền ngoài, chưa mọc nấm, với tiêu chuẩn của Lý Cẩn Dung thì nó xem như được bảo tồn hoàn hảo.
Trục sắt của hộp gỗ đã bị gỉ sét hết cả, vừa mở hộp, nó “cọt kẹt” một tiếng rồi về chầu tiên tổ.
Nhưng ngoài dự liệu, những thứ trong hộp được Lý đại đương gia nhọc tâm gìn giữ không phải là châu báu bí tịch gì mà chỉ là một đống đồ linh tinh.
Phía trên cùng là một chiếc áo vải hoa hai lớp đã phai màu, vai hơi hẹp, kích thước không lớn, đại khái là chỉ có tiểu cô nương 13 14 tuổi mới mặc vừa, Lý Cẩn Dung đưa tay vuốt ve những nếp nhăn dày đặc bên trên, y phục này đã quá lâu rồi, sờ lên có cảm giác dính dính kỳ lạ, nếp nhăn như đã thành một phần của y phục, tựa như những đường kim mũi chỉ vậy.
Lý Cẩn Dung nghiêng đầu quan sát nó chốc lát, những ký ức phủ bụi nhiều năm hiện lên_____
- Phá Tuyết Đao của con có chỗ không...
Thiếu nữ lỗ mãng lao vào cửa, bước chân chợt khựng lại:
- Cha, cha làm gì thế?
Nam đao trong truyền thuyết cong ngón tay búng, sợi chỉ trên đầu kim lập tức bứt ra gọn gàng, ông đưa “kiệt tác” của mình lên nhìn kỹ, dường như vô cùng hài lòng, ném về phía thiếu nữ:
- Bắt lấy.
Lý Cẩn Dung thời thiếu nữ không dám sơ suất, dù cha ném qua một miếng vải, bà cũng lùi về sau hai bước, điều chỉnh tốt tư thế mới đưa tay đón, thứ Lý Chủy ném qua là một chiếc áo hoa hai lớp vô cùng sống động, cắt may thành thạo, đường kim mũi chỉ chỉnh tề, tay nghề tuy không tinh xảo nhưng cũng xem như ổn. Bất kể là kiểu dáng màu sắc hay kích thước đều có thể nhìn ra là may cho bà mặc.
Lý Cẩn Dung sững sờ, lập tức mặt đỏ lên, bà tự ý thức được mình đã là một đại cô nương mà vẫn để cha may y phục cho mặc thì quá mất mặt, liền thở hổn hển nói:
- Sao cha lại... con muốn mặc y phục mới thì tự con không biết may sao?
- Tay áo của con sắp ngắn tới cùi chỏ rồi mà có thấy con may cái nào đâu.
Lý Chủy lườm bà, cằn nhằn trách móc:
- Tiểu cô nương mà luộm thuộm như con, thật không biết giống ai, tương lai có thể gả cho ai được? Haiz. Lấy đồ về thử, không vừa thì đem qua đây cha sửa cho. Cẩn Dung à, cha nói con này...
Sau đó chính là những lời tràng giang đại hải vô biên vô hạn, Lý Cẩn Dung để y phục cũ xuống, khóe môi bất giác nở nụ cười dịu dàng.
Bất kể bên ngoài đồn đại bao nhiêu phiên bản truyền thuyết Nam đao, trong ký ức của Lý Cẩn Dung, Lý Chủy vĩnh viễn là một “kỳ nam tử” không nhanh không chậm, lải nhải càm ràm liên tu bất tận_____
Lý Cẩn Dung luôn nghi ngờ thỉnh thoảng Lý Chủy rảnh rỗi tìm bà kiếm chuyện, nói dài nói dai nói mãi đều là cố ý, lần nào nói đến mức bà nổi cơn tam bành thì ông giống như đạt được đại thành tựu gì đó, vui vẻ bồng bềnh rời đi.
Lúc còn trẻ, bà cứ luôn như ý của ông.
Về điểm này, Lý Cẩn Dung cảm thấy Chu Phỉ không quá giống bà, tuy phần lớn thời gian Chu Phỉ đều là một dã nha đầu không thích phản ứng người khác, nhưng tâm tư nặng hơn bà lúc trẻ nhiều, Chu Phỉ thấy cái gì, nghĩ thế nào, đều không quá muốn lộ ra ngoài, trừ việc “hiền hòa lễ độ” là không học được thì tính tình của Chu Phỉ giống với Chu Dĩ Đường hơn.
Tuy Lý Cẩn Dung rất ít đưa ra lời khẳng định trước mặt vãn bối nhưng nói thật lòng, bà cảm thấy bất kể là Lý Thịnh khéo léo đưa đẩy hay Chu Phỉ sắc bén, đều tốt hơn bà năm xưa được Lý Chủy cưng chiều rất nhiều_____dù thiên phú tập võ của hai người họ dường như đều không mang họ Lý.
Có điều, dù rằng võ vô đệ nhị nhưng một người có thể tiến bao xa, đôi lúc do thứ ở ngoài võ công quyết định.
Lý Cẩn Dung không khỏi thất thần____không biết Chu Phỉ và Lý Thịnh bây giờ đã đi đến nơi nào, chạy chơi thỏa thuê bên ngoài không ai quản, chút công phu khó khăn lắm mới nhét vào đầu đừng để phí.
Lý Cẩn Dung lắc lắc đầu, để những tâm tư hỗn loạn và đồ vật cũ sang một bên, lấy dưới đáy hộp ra một chiếc vòng tay vàng.
Đó là một chiếc vòng tay hở vô cùng đơn giản, không có hoa văn thừa, kích cỡ dành cho đứa trẻ choai choai, thần sắc Lý Cẩn Dung trở nên nghiêm túc, lần dò một lượt bên trong vòng tay, cuối cùng sờ được vết lồi lõm ở gần chỗ hở, bà đưa nó ra ánh sáng quan sát cẩn thận chốc lát, chỉ thấy nơi đó khắc một hoa văn sóng nước.
Lý Cẩn Dung nheo mắt, lấy trên người ra một phong thư, vội vàng lật tới chỗ lạc khoản___chỗ đó cũng có một con dấu giống y như đúc hoa văn sóng nước trên vòng tay.
Phong thư này cực kỳ ẩu tả, giống như viết trong lúc vội vã, chỉ viết rõ một địa danh, kế đó dặn một câu “chuyện bất trắc lão trại chủ gặp năm xưa có lẽ có ẩn tình”, ngoài ra không còn gì nữa.
Lần này, Lý Cẩn Dung quyết định rời khỏi Thục Trung, ngoại trừ nguyên nhân gần đây các trạm ngầm 48 trại phương Bắc liên tiếp bỗng dưng mất liên hệ, khiến bà không thể không xử lý, nguyên nhân khác chính là phong thư này.
Từ nhỏ đến lớn, Lý Chủy chỉ tặng bà một chiếc vòng tay này, sau đó thấy bà không thích thì không mua cái thứ hai nữa, đây vốn chỉ là một chiếc vòng vàng bình thường, tuy cũng đáng ít tiền nhưng không hề quý, không có gì đặc biệt.
Nếu không có di ngôn của Lý Chủy.
Bà nghe rất rõ ràng câu cuối cùng của ông:
- Phải giữ kỹ vòng tay cha tặng con.
Sau đó loáng thoáng có một câu “đừng tìm hiểu...” gì gì đó.
Nhưng đừng tìm hiểu cái gì? Ông đã không còn cơ hội nói rõ nữa.
Hoa văn sóng nước trên vòng tay đại diện cho thứ gì?
Tại sao trên lá thư này lại có một dấu ấn y hệt?
Người viết lá thư này là một vị trưởng bối mà bà vô cùng tín nhiệm, vào lúc người này không tìm được cách liên hệ với 48 trại đã nhờ Chu Dĩ Đường chuyển giao.
48 trại là nơi thế ngoại đào nguyên độc lập với thế giới bên ngoài, cũng là một kỳ tích.
Thành tựu của kỳ tích này ở chỗ bên trong nó triệt để đánh nát cái nhìn về môn phái, và sự khép kín cực đoan với bên ngoài, hai điều này không thể thiếu điều nào, Lý Cẩn Dung cai quản 48 trại nhiều năm, quá rõ điểm này nên nhiều năm nay bà luôn nỗ lực duy trì sự cân bằng đó, mệt mỏi bao che khuyết điểm để tạo ra một góc thái bình ở Thục Trung, về đối ngoại cơ bản đã làm được sáu chữ “không bằng hữu không thân thích”, nhưng vẫn có một vài người, bà không thể bàng quan bỏ mặc.
Bất kể là lời căn dặn lúc lâm chung của lão trại chủ, hay là phụ thân của nữ nhi bà.
Sau khi Lý Cẩn Dung nhận được phong thư thần bí ấy liền nhận được tin trạm ngầm phương Bắc liên tiếp xảy ra chuyện, trong lòng bà chợt có dự cảm không lành.
Lúc quyết định đích thân đi một chuyến, bà đã gửi thư cho Vương lão phu nhân và Chu Dĩ Đường, để Vương lão phu nhân mau chóng đi đường vòng phía Nam cho an toàn, có thể tạm gửi đám thanh niên rườm rà chỗ Chu Dĩ Đường, rồi bà lại viết thư cho Chu Dĩ Đường, dùng tiếng lóng chỉ hai người họ hiểu để nói rằng mình “ít ngày nữa sẽ rời khỏi Thục Trung, làm xong vài chuyện có thể sẽ đi gặp”.
Lý Cẩn Dung không giống như Chu Phỉ chỉ thu dọn hai bộ đồ là có thể đi, chuyện lớn chuyện nhỏ trong 48 trại, bà phải an bài sắp xếp một lượt từ trên xuống dưới, cứ thế, từ khi quyết định đi đến khi bắt đầu chuẩn bị đã kéo dài hết mấy tháng.
Điều khiến bà càng thêm bất an là trong hai tháng này, cả Chu Dĩ Đường và Vương lão phu nhân đều không có hồi âm.
Thông tin ở phương Bắc bị trở ngại, thư từ của Vương lão phu nhân đi chậm một chút là bình thường, nhưng chỗ Chu Dĩ Đường là xảy ra chuyện gì?
Nếu ông thật sự xảy ra chuyện, không thể nào giấu giếm không nói, vậy chỉ có thể là con đường truyền tin có vấn đề... lẽ nào không chỉ trạm ngầm phương Bắc xảy ra chuyện mà phương Nam còn có nội gián?
Khi ý nghĩ này hiện lên, Lý Cẩn Dung chưa từng có một giấc ngủ ngon, dù có vô số tai mắt trong 48 trại nhưng bà vẫn không yên tâm, bèn tìm một nhóm tâm phúc tin tưởng được đưa Lý Nghiên rời đi.
Cuối thu năm Kiến Nguyên thứ hai mươi mốt, thế cuộc Nam Bắc sau một thời gian ngắn yên ổn, động tác xuôi Nam nhiều lần của Bắc Đẩu trở nên mờ ám không rõ ràng, nửa giang sơn phía Nam dưới sự cai trị hà khắc của Kiến Nguyên Đế, được sự tích lũy của hai thế hệ, tất cả các mặt binh lính, quan lại, thuế má, ruộng đất, thương nghiệp đã hoàn thành việc tân trang cải cách mà năm xưa gián tiếp suýt lấy mạng tiên hoàng như róc xương trị độc... có điều người giang hồ không để ý mấy thứ này, chẳng ai quan tâm.
Điều họ quan tâm là, Hoắc gia bảo sụp đổ trong một hôm; Bắc Đẩu sau khi chất chứa oán hận suốt hai mươi năm vẫn không để võ lâm Trung Nguyên dần suy thoái vào mắt, càng lúc càng ngang ngược; Hoắc Liên Đào chạy trốn xuống phương Nam bắt đầu lôi kéo thế lực các nơi, dùng danh nghĩa “quốc gia” và “đại nghĩa”, có ý định tụ tập đại hội anh hùng lần nữa; dưới chân Hành Sơn, truyền nhân Nam đao đột nhiên xuất hiện, giết thủ lĩnh tứ thánh, ngoại trừ Chu Tước chúa Mộc Tiểu Kiều phản lại tứ thánh thì đám người của hai tên trùm khác ở núi Hoạt Nhân Tử Nhân thi nhau bày tỏ phải báo thù này; chủ nhân Kình Vân Câu gần đây thanh danh đang thịnh vốn tuyên bố dùng đao khiêu chiến khắp Trung Nguyên không ngờ lại bại dưới tay “Nam đao” mới kia, thanh niên trai tráng xứ man hoang thế mà không sợ mất mặt, ngang nhiên công bố kết quả này khiến hiện giờ hắc bạch lưỡng đạo của Nam triều đều đang tìm vị hậu bối thần kỳ đó... cùng với đại đương gia Lý Cẩn Dung của 48 trại lặng lẽ rời trại, phong vân khắp nơi đã nổi.
Mà điều Lý Cẩn Dung không ngờ tới là, ngay khi bà vừa rời khỏi 48 trại, người bà an bài lúc sắp đi đã trở về.
Mã Cát Lợi tuy mang trọng trách vận chuyển cục phiền toái Lý Nghiên đến Kim Lăng nhưng sau khi nghe xong Chu Phỉ và Ngô Sở Sở kể lại từ đầu đến cuối những chuyện gặp dọc đường thì không thể không tự quyết định thay đổi lộ trình, quay về Thục Trung... nhất là sau khi gã Dương cục than giỏi thêm phiền phức kia không sợ mất mặt ngang nhiên tuyên dương kết quả bại trận của mình ra ngoài khiến Chu Phỉ càng đứng trên nơi đầu sóng ngọn gió.
Tuy Lý Nghiên lần đầu ra ngoài lại bị đổi lộ trình giữa chừng nhưng muội ấy không hề phản đối, sau khi nghe chuyện ở vùng Hoa Dung Nhạc Dương, các trưởng bối ai nấy đều sắc mặt nặng nề, Lý Nghiên không chút kiêng kỵ òa khóc lớn, chút mong đợi về giang hồ đều hoàn toàn tiêu tan khi nghe tin qua đời của Thần Phi sư huynh.
Mã Cát Lợi sai người đưa thư cho Lý Cẩn Dung rồi cấp tốc chuẩn bị ngựa xe, cải trang khiêm tốn đi về phía Thục Trung.
Có người nhà mình dẫn đường, quãng đường còn lại thuận lợi hơn rất nhiều, có thể liên hệ với trạm ngầm 48 trại khắp nơi, Chu Phỉ cũng biết mình đã gây ra phiền toái cỡ nào nên rất đàng hoàng một cách hiếm thấy.
Chớp mắt đã đến gần Thục Trung, không khí vui vẻ tách rời loạn thế dần phả vào mặt, Mã Cát Lợi cho họ nghỉ ngơi một đêm, cách hôm sẽ truyền tin, chính thức đưa người vào 48 trại.