– Lỗ mãng cái gì, cẩn thận!
Nói rồi, ông thận trọng xách trường kiếm trong tay, đưa mắt ra hiệu cho người khác.
Các đệ tử được huấn luyện nghiêm chỉnh bước lên, mọi người tản ra để có thể vừa canh gác cho nhau vừa tự mình tìm tòi chốc lát, chợt có người kêu lên:
– Mã tổng quản!
Mã Cát Lợi dẫn người qua xem, thấy cổng sắt trạm gác đầu tiên nhìn như khép nhưng không hề đóng chặt, thi thể các đệ tử trạm gác được xếp thành hàng chỉnh tề sau cổng, toàn bộ đều bị một kiếm cứa cổ gọn gàng lưu loát, vết thương ngoại trừ chí mạng thì không có gì lạ, căn bản không nhìn ra được là kiếm pháp của nhà nào.
Mã Cát Lợi sa sầm mặt bước về trước một bước, đưa tay thăm dò trên thi thể, đè thấp giọng:
– Không có phản kháng, không có vết thương khác, thi thể vẫn còn ấm.
Nếu là trước đây, Chu Phỉ chắc chắn không nghe ra ông có ý gì, nhưng sau khi xuống núi hơn nửa năm quay về, nàng có thể trong nháy mắt hiểu được ẩn ý của Mã Cát Lợi – kẻ giết người rất có thể là người mình trong 48 trại, vả lại còn chưa đi xa.
Đây là… 48 trại lần thứ hai nội loạn?
Lý Nghiên bị gió đêm lạnh thổi rùng mình, sau lưng nổi một lớp da gà, không kìm được lùi về sau một bước, vừa vặn giẫm lên cành cây “rắc” một tiếng.
Mã Cát Lợi bị âm thanh này kinh động, tay cầm kiếm khẽ run, quay đầu nhìn Lý Nghiên.
Lý Nghiên cố sức lấy hơi, run run nói:
– Xin… xin lỗi…
Mã Cát Lợi nhìn Lý Nghiên, thở dài, thần sắc bình thường lại, tiếp đó hình như hơi do dự, quay đầu nói với Chu Phỉ:
– Ta sai rồi, không nên đưa họ tới, A Phỉ, ta cho con vài người, con dẫn khách và muội muội mau trốn xa một chút, con có thể…
Ông còn chưa nói xong, Lý Nghiên đột nhiên như con thỏ bị hoảng sợ nhảy lên chạy tới bên cạnh ông.
Người ở đây ngoại trừ Ngô Sở Sở thì thính lực đều không yếu, lập tức nghe được tiếng bước chân hỗn loạn từ xa xa truyền đến.
Mọi người lập tức cảnh giác, Mã Cát Lợi theo bản năng che chở Lý Nghiên phía sau, đúng lúc này, người tới thở hổn hển hiện ra, lên tiếng:
– Người tới là ai? Dám tự tiện xông vào 48 trại… hả? Mã tổng quản, không phải ông đi Kim Lăng ư, sao giờ lại về rồi?
Lời này vừa thốt, Lý Nghiên thở phào một hơi, ra sức vỗ vỗ ngực, mọi người tuy đều chưa buông bỏ cảnh giác nhưng cũng hơi thả lỏng, chỉ có tấm lưng Mã Cát Lợi vẫn căng thẳng, nắm chặt kiếm trong tay.
Chu Phỉ nheo mắt nhìn đệ tử tuần đêm lạ mặt này, nhẹ giọng hỏi:
– Đây là môn hạ của phái nào?
Xung quanh chưa kịp trả lời thì người nọ đã chạy tới trước mắt, khom người thi lễ với Mã Cát Lợi, tự giới thiệu:
– Vãn bối là đệ tử đời thứ ba của Minh Phong…
Minh Phong… Minh Phong lâu?
Bỗng dưng Chu Phỉ nhớ tới câu chuyện mà Ân Bái kể trong mật đạo Hành Sơn.
Trong nháy mắt, nàng không kịp suy nghĩ mối liên hệ trong đó, theo bản năng nhấc Vọng Xuân Sơn, cùng lúc đó, khóe mắt nàng thấy ánh bạc lóe lên, nàng đẩy người bên cạnh ra, vào lúc mọi người còn chưa phản ứng lại, “Phong” tự quyết đã cuốn ra ngoài.
Sống đao Vọng Xuân Sơn va phải thứ gì đó, một lọn tóc mai Chu Phỉ phất phơ bị cắt đứt, cảm giác quen thuộc khiến Chu Phỉ lập tức biết ngay nó là gì – dây trong dây trận!
Mã Cát Lợi kinh hãi nói:
– A Phỉ không thể lỗ…
Chữ “mãng” còn chưa ra khỏi miệng, Chu Phỉ thình lình ép trường đao trong tay xuống, “Bất Chu Phong” gần như không chút chuyển ngoặt đã bước sang “một đao trấn núi”, “vút” một tiếng – dây trận ở đây dẫu sao cũng không thể so với loại liên kết chặt chẽ với đá tảng như trong sông Tẩy Mặc, bị một đao của nàng ép cong.
Tạ Doãn đột nhiên lấy trong ngực ra một viên pháo hoa giống hệt viên hắn dùng ở Hành Sơn phóng lên.
Pháo hoa phút chốc bay lên trời, nổ ra ánh trăng giữa bầu trời tĩnh lặng của 48 trại, cũng khiến cho mấy kẻ ẩn nấp trên ngọn cây hai bên hầu như hòa thành một thể với cây cỏ không còn chỗ che thân.
Hóa ra họ dùng một người để thu hút sự chú ý, thích khách chân chính sớm đã mai phục xong xuôi – hèn gì mấy người trạm gác đều chết trong câm lặng.
Vọng Xuân Sơn trong tay Chu Phỉ mơ hồ hơn sợi dây gọt vàng chém ngọc một bậc, ép sợi dây biến hình, sau đó nàng quát khẽ một tiếng, hai người “giật dây” trước sau lăn xuống khỏi cây, nàng dùng một chiêu đã đắc thủ, Vọng Xuân Sơn lướt qua tầng tầng dây, hung hãn lao vào trận của mấy sát thủ Minh Phong, trường đao trong tay nàng biến chiêu lần nữa, lần này là “Trảm”!
Lưới dây trận chưa thành hình không chịu nổi sự sắc bén đó, nhất thời nát vỡ dưới đao nàng, dây văng tứ tán, cũng trói cả người giật dây vào, Lý Nghiên che mắt nhưng không kịp, đã nhìn thấy hai cái đầu lâu bay lên ở khoảng cách gần.
Mà dư uy Phá Tuyết đao trong tay Chu Phỉ chưa hết, trực tiếp đặt trên cổ họng tên đệ tử Minh Phong chạy tới thu hút tầm mắt kia.
Tất cả mọi người phía sau Mã Cát Lợi đều bị ba đao nhanh nhẹn này làm sợ ngây người.
Lúc Chu Phỉ ở bên ngoài, không hiểu sao vận may lại kém đến thế, ngày nào cũng phải trăn trở giữa các đại cao thủ nên rất chật vật, căn bản không có thời gian rảnh để biết về sự tiến bộ thần tốc trong Phá Tuyết đao của chính mình.
Bây giờ nàng cũng không thấy biểu cảm kinh hãi của mọi người phía sau, lưỡi đao đặt trên cổ tên thích khách, lạnh lùng nói:
– Ai sai khiến ngươi?
Thích khách Minh Phong nọ nhìn nàng, khẽ “ồ” một tiếng, than thở:
– Lại là Phá Tuyết đao, số mệnh.
Kế đó ánh mắt hắn ta dời khỏi mặt Chu Phỉ, không biết nhìn vào chỗ hư không nào đó phía sau nàng, nở nụ cười quái dị rồi bất ngờ lao về trước. Chu Phỉ muốn thu tay đã không còn kịp nữa, thích khách nọ cứ thế mang theo nụ cười tự đâm vào đao nàng mà chết!
Chu Phỉ khẽ run lên, đúng lúc này, một ánh lửa pháo hoa còn chói mắt hơn cái của Tạ Doãn được phóng lên trời từ sau núi.
Không biết là ai lớn tiếng nói:
– Sông Tẩy Mặc! Đó là sông Tẩy Mặc!
Giữa lúc đêm khuya, Lý Cẩn Dung ở bên ngoài nhưng không hề ngơi nghỉ, lòng băn khoăn hết chuyện này đến chuyện khác, bàn tay lật một quyển du ký miêu tả về cố đô.
Người ta hay nói “ba mươi năm đầu ngủ không tỉnh, ba mươi năm sau tỉnh không ngủ” – người trẻ tuổi đa phần tham ngủ, sau khi có tuổi mới càng ngày càng ngủ ít đi.
Lý Cẩn Dung có một bí mật không lớn không nhỏ, từ năm 18 19 tuổi bà đã bắt đầu mất ngủ, hai mươi năm nay cũng từng thử điều trị mấy lần nhưng không hiệu quả, may mà người tập võ thân thể cường tráng, thực sự ngủ không được thì cùng lắm ngồi thiền điều hòa hơi thở đến hừng đông, cũng không làm lỡ chính sự ngày hôm sau.
Lúc này, Lý Cẩn Dung đã dẫn người rời khỏi đất Thục, dọc đường không khỏi nghe được “công tích vĩ đại” của nhân vật phong vân mới nổi Chu Phỉ, nhưng khác với tưởng tượng của Chu Phỉ, bà không nổi trận lôi đình mà ngược lại có chút lo âu.
Lý Cẩn Dung nghe mấy phiên bản truyền thuyết, phản ứng đầu tiên không phải là khó hiểu Chu Phỉ lừa gạt người ta thế nào với Phá Tuyết đao kia – mà là rốt cuộc vì nguyên nhân gì khiến Chu Phỉ không ở bên cạnh Vương lão phu nhân.
Chu Phỉ không phải Lý Nghiên, từ nhỏ thích yên tĩnh nhiều hơn, sẽ không làm ra loại chuyện vô duyên vô cớ chạy loạn lung tung.
Rốt cuộc xảy ra chuyện gì mới khiến Chu Phỉ thoát khỏi tầm mắt trưởng bối?
Đặc biệt là chuyện trong thành Hoa Dung, các phiên bản truyền thuyết được thổi phồng càng lúc càng lố.
Trong đó, Chu Phỉ thuận lợi chạy thoát ngay dưới mắt hai vị sát thần Tham Lang, Lộc Tồn như thế nào không quan trọng, dù sao theo những điều tiếp sau trong câu chuyện thì Chu Phỉ thoát vô cùng thành công, không cụt tay không gãy chân – nhưng điều khiến Lý Cẩn Dung nghĩ không thông là, võ lâm Trung Nguyên rốt cuộc có ai đáng cho hai kẻ Thẩm Thiên Khu và Cừu Thiên Cơ hợp lực vây bắt?
Trong mấy lời đồn kỳ bí kia, có một vài lời đồn nhắc tới người nhà của Ngô tướng quân.
Tuy gia quyến phản tướng đương nhiên sẽ bị Bắc triều truy nã nhưng đó chẳng qua là cô nhi quả phụ tay trói gà không chặt, tùy tiện vài tên binh tôm tướng tép cũng có thể giết họ dễ như trở bàn tay, cần gì phải điều động hai đại Bắc Đẩu… thậm chí là Tham Lang đích thân tới?
Chó của Tào Trọng Côn ăn no rửng mỡ ra ngoài tiêu cơm sao?
Lý Cẩn Dung thoáng cảm thấy mình có lẽ đã bỏ sót thứ gì, nhưng suy đi nghĩ lại, bà phát hiện toàn bộ sự việc đều ẩn trong một lớp sương mù dày đặc, mà từ đầu đến cuối bà luôn không nắm được điểm mấu chốt.
Bà đặt quyển du ký nửa ngày không lật được một trang qua một bên, dùng sức day day giữa trán… mình rốt cuộc đã bỏ sót thứ gì?
Đúng lúc này, có người bên ngoài kêu lên:
– Đại đương gia!
Lý Cẩn Dung lập tức thu lại biểu cảm hoang mang không chút dấu vết, hơi nghiêng đầu, cất giọng:
– Vào đi.
Bà chưa nghỉ ngơi, cửa phòng chưa cài, ở bên ngoài đẩy nhẹ là mở ra, vị nữ đệ tử giúp bà làm việc vặt vội vàng xông vào. Lý Cẩn Dung xấu tính không chỉ ngày một ngày hai, đệ tử có thể đi theo bên bà chắc chắn vô cùng lanh lợi và biết chừng mực, rất hiếm khi lỗ mãng như vậy.
Lý Cẩn Dung nhướng mày, vẻ mặt dò hỏi không kiên nhẫn.
Đệ tử kia nói:
– Người mau xem là ai tới này!
Một người từ phía sau nữ đệ tử bước nhanh ra, kêu:
– Cô cô!
Lúc này, Lý Cẩn Dung bị giật mình sâu sắc, hồi lâu mới tìm về lại giọng nói của mình:
– …Thịnh nhi?
Dù là nam nhân lớn muộn thì tới 17 18 tuổi, về cơ bản sẽ không còn thay đổi gì long trời lở đất nữa, nhưng khi Lý Thịnh đứng trước mặt bà, Lý Cẩn Dung suýt không nhận ra.
Hắn gầy đi hai vòng, đầu bỗng cao thêm một đoạn.
Ở nhà, tuy Lý Thịnh không thể gọi là kiêu căng nhưng ít nhiều có chút tính công tử, quần áo tóc tai tất nhiên phải chỉnh tề ngay ngắn, đứng ở đâu cũng phong độ ngời ngời, hận không thể dán bốn chữ “Lý đại thiếu gia” lên trán. Nhưng người thanh niên đứng trước mặt Lý Cẩn Dung bây giờ trông không khá hơn kẻ ăn mày là bao, hai thanh đoản kiếm đã mất đi một nửa – chỉ còn lại một miếng sắt mất vỏ, lấy dây thừng rơm quấn vài vòng.
Mặt hắn gầy đến mức chỉ còn lại lớp da, miếng vải rách rưới quấn bên xương má, trên mặt còn một mảng đen không biết do quẹt phải tro bụi hay vết thương đóng vảy để lại, môi rách mấy chỗ, loáng thoáng có thể thấy máu thịt trong đó, chỉ có ánh mắt là cứng rắn hơn không ít, thậm chí dám nhìn thẳng vào Lý Cẩn Dung.
– Rót cho nó cốc nước.
Lý Cẩn Dung căn dặn rồi luôn miệng hỏi:
– Sao con lại ở đây một mình? Sao lại biến thành như vầy? A Phỉ đâu?
Lý Thịnh giống như bị khát dữ dội, ngay cả câu “đa tạ” cũng không để ý nói, bưng cốc lên liền đổ luôn vào họng, không biết sao mà động tới vết rách trên môi, mặt thoáng vẻ đau đớn nhưng không kêu ra tiếng. Lý Thịnh nhanh chóng uống xong, đặt cái cốc rỗng không thừa một giọt qua một bên, nói:
– A Phỉ không đi chung với con. Việc này nói ra rất dài, cô cô, con nói đơn giản nhé, có một vị tiền bối tên “Xung Vân Tử” nhờ con chuyển đến cô cô một câu.
Lý Cẩn Dung:
– …Cái gì?
Cái tên này khiến bà không thể không khiếp sợ, vì phong thư có hoa văn sóng nước nhưng nói không rõ ràng kia chính là được kí tên “Xung Vân Tử”, chưởng môn Tề môn ẩn cư, cũng là bạn cũ mấy chục năm của lão trại chủ.
– Ông ấy nói câu này cho cô cô nghe là để phòng ngừa, nếu cô cô nghe không hiểu là tốt nhất.
Lý Thịnh cau mày rất rõ, hình như đến bây giờ vẫn không hiểu lão đạo sĩ có ý gì:
– Câu đó là “năm tháng không thể quay ngược, người chết không thể sống lại, chuyện quá khứ nếu đã là kết luận được đóng nắp quan tài, đào mộ lôi nó ra chắc chắn không có ý tốt, đại đương gia, bất luận người khác nói gì với con, đừng tin, hãy nhớ, đừng truy cứu”… Sư tỷ, phiền tỷ cho đệ thêm cốc nước.
Lý Thịnh nói một hơi tới đây, cổ họng khó chịu, hắn ra sức ho mấy cái, gần như nếm ra được mùi máu.
Lý Cẩn Dung không chút biến sắc hít một hơi, dưới vẻ mặt bình tĩnh là trong lòng sôi sùng sục.
Xung Vân Tử đạo trưởng của Tề môn đã cắt đứt liên hệ với 48 trại từ lâu, nhưng trước sau trong vòng mấy tháng lại truyền đến cho bà hai phong thư, một phong viết trên giấy nhờ Chu Dĩ Đường chuyển giao, một phong khác truyền qua miệng đứa cháu ruột được bà nuôi lớn từ nhỏ, mà nội dung hai phong thư này lại mâu thuẫn với nhau, hoàn toàn trái ngược!
Nếu không phải lão đạo sĩ kia của Tề môn bị điên thì trong hai phong thư này ắt có một phong có vấn đề.
Lý Thịnh không để ý tới sự trầm ngâm không nói của bà, nhanh chóng nói tiếp:
– Còn một việc nữa, cô cô, lúc đi đường, Đặng Chân sư huynh từng nói kỹ với con vị trí các trạm ngầm dọc đường, khi đó Bắc Đẩu hoành hành ngang ngược ở giao giới Nam Bắc, con tránh né mũi nhọn, bất đắc dĩ mới vòng qua đất Nam triều, dừng chân ở Hành Dương. Vì sợ hỏng việc nên lúc đó con định viết một phong thư thông qua trạm ngầm ở Hành Dương để đưa cho cô cô, không ngờ trạm ngầm ở Hành Dương sinh lòng phản bội… con không biết là thế lực nào, kẻ xúi giục là ai, lúc đó không kịp truy cứu, suýt bị họ bắt lại, khó khăn lắm mới trốn ra được, bị người ta truy sát suốt đường tới đây – không phải kiểu truy sát bình thường, một mình con không dính líu tới ai hết, lẽ ra ẩn nấp trong phố chợ hay ngoài hoang dã đều rất dễ, nhưng cô cô, con nghi ngờ người họ điều động là thích khách nghiêm chỉnh, trong trạm ngầm Hành Dương có người của Minh Phong hay không?
Trạm ngầm của 48 trại phân bố khắp nơi đều là các môn phái chia nhau đóng giữ, mọi người không phân biệt với nhau, bởi vậy người trong trạm ngầm đều hỗn tạp.
Nhưng Lý Cẩn Dung biết, Minh Phong luôn hành động độc lập.
Đây là quy tắc cũ mà các trưởng lão trong trại đều biết.
Lý Cẩn Dung không phải không muốn thay đổi, nhưng một là người của Minh Phong bề ngoài đều rất quái gở, hai là… dù nghe vô cùng kỳ lạ, nhưng đây là quy tắc cũ do đích thân lão trại chủ Lý Chủy đặt ra.
Mà trong các thư từ quan trọng của 48 trại, nếu dùng tiếng lóng, đề phòng bị người khác phá giải, thì thư từ qua lại luôn không đi cùng một con đường.
Chẳng hạn như từ Thục Trung đi Kim Lăng có hai con đường, một đường là sau khi rời Thục thì dừng lại ở trạm ngầm Thiệu Dương, một đường khác trùng hợp chính là Hành Dương! Lá thư Xung Vân Tử nhờ Chu Dĩ Đường chuyển giao chính là đi đường Hành Dương, vậy thì khi Lý Cẩn Dung viết thư cho Chu Dĩ Đường sẽ tránh Hành Dương mà đi đường Thiệu Dương, nếu Chu Dĩ Đường hồi âm cho bà mà bà không nhận được thì chính là nó bị kẹt ở trạm ngầm Hành Dương.
Nếu đúng là trạm ngầm Hành Dương xảy ra vấn đề, vậy…
Lý Cẩn Dung chợt đứng dậy, bà hiếm khi rời khỏi 48 trại, lần này ra ngoài là muốn chỉnh đốn lại các trạm ngầm nên đã dẫn theo không ít nhân vật tinh anh… Bà chậm rãi bước mấy bước trong phòng, ra lệnh cho nữ đệ tử luôn ngẩn người bên cạnh nãy giờ:
– Gọi tất cả mọi người lại đây, chúng ta lập tức quay về!
Đệ tử vâng dạ, nhanh chóng chạy đi.
Lý Cẩn Dung nói với Lý Thịnh đang thở phào một hơi:
– Con đi theo cô cô, kể hết tỉ mỉ chuyện dọc đường cho cô cô biết.
– Cô cô.
Lý Thịnh hơi xấu hổ nói:
– Có đồ ăn không ạ? Ơ… lương khô là được, con có thể cầm vừa ăn vừa kể.