Cô ta đưa cho em coi một chiếc áo len dài tay, cổ cao, màu đen nhánh mịn màng. Đúng sở thích, Ái Lan yêu cầu cô cho phép mặc thử. Cô bán hàng vui vẻ đưa Ái Lan vào phòng thử áo. Nhìn vào tấm gương lớn, hình ảnh một cô nữ sinh khỏe mạnh tươi tắn hiện ra rõ rệt. Chiếc áo len mới, mặc vừa khít, càng làm tôn màu da trắng như trứng gà bóc và đôi má đượm nắng hanh ửng hồng tự nhiên.
Cô bán hàng, ngay từ phút đầu tiếp Ái Lan, đã có cảm tình với ngôn ngữ dịu dàng của em. Nay đối diện với hình ảnh vui tươi xinh xắn trong tấm áo len mới, cô hân hoan trò chuyện :
- Trời ơi ! Cô biết không mỗi lần hai chị em Bích Mai, Bích Đào tới mua hàng là tụi tôi ngán quá vậy đó ! Con gái ông Phàm khó tính nổi tiếng ở Thành phố Đà Lạt này đó cô !
- Tôi biết ! Rồi ra không còn ai thương nổi hai chị em cô ấy đâu ! Kỳ quá ! Họ cứ tưởng là mọi người ai ai cũng phải dưới quyền sai khiến của họ hết đó !
Cô bán hàng mỉm cười thật buồn :
- Và rồi tới khi ông bố được hưởng trọn cái gia tài vĩ đại của cụ Doanh nữa thì không biết còn lên mặt tới mức nào nữa. - Cô hạ thấp giọng : - Nghe đâu việc này còn chưa ngã ngũ ra sao mà xem chừng cả nhà các cô ta đã có vẻ hí hửng lắm rồi đó, cô ạ ! Có một hôm, tôi nghe thấy cô Bích Mai bảo em rằng, khi nào ông Chưởng Khế và mấy ông luật sư có một quyết định chung thì trắng đen mới rõ ? Theo tôi và một số bà con cô bác tại Đà Lạt này thì gia đình ông Phàm, ngoài mặt cố làm ra vẻ chắc ăn lắm rồi, nhưng thực ra thì cũng lo sốt vó lên đấy, cô ạ ! Họ chỉ sợ lỡ có tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh để lại thật, thì họ sẽ bị mất hết quyền hưởng gia tài của cụ đó !
Ái Lan im lặng nghe chuyện mà không nói một tiếng nào. Tuy còn ít tuổi, em cũng đã biết dè dặt ý tứ, không để bị lôi cuốn say mê vào câu chuyện, lỡ nói câu gì hớ hênh rồi lại đôi co rắc rối làm phiền lòng người lớn. Và quả nhiên sự im lặng của em đã có lợi. Điều em vừa được nghe từ miệng cô bán hàng đã khiến em vui mừng vô hạn. Gia đình ông Phạm văn Phàm có lo lắng thật. Và tại sao họ lo lắng ? Vì họ tin rằng đã có một tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh làm tiếp theo và tờ này biết đâu lại chằng trái hẳn với tờ trước. Thêm nữa, mấy người bà con nghèo khổ của cụ Doanh cũng không dại gì mà chịu ngồi khoanh tay. Họ sẽ khiếu nại với pháp luật để đòi hỏi quyền lợi của họ chứ.
Ái Lan nhận hộp áo len mới đi ra quầy trả tiền. Em chợt nhận ra là mặt trời đã gần tới đỉnh đầu. Chân bước vội vã, em tiến về phía cầu thang xuống lấy xe :
- Phải lẹ lẹ một chút mới được, kẻo ba lại phải chờ đợi !
Cũng may là văn phòng làm việc của luật sư Minh ở cách chợ không xa. Năm phút sau, Ái Lan đã tới trước cửa. Vừa kịp ông Minh cũng đang sửa soạn bước ra.
- Sao ba ? Luật sư Công có nhận lời mời của ba không, ba ?
- Có ! Trưa hôm nay ông Công sẽ ăn cơm với ba ở nhà hàng Nam Sơn ! À... này Ái Lan ! con liệu xem... có nên dò hỏi luật sư Công về chuyện gia tài của cụ Doanh không hả con ?
- Nên lắm chớ, ba ! À ba ơi ! chuyện này mỗi lúc lại càng trở nên ly kỳ lắm ba à ! Chưa biết nói sao cho rõ ra cái gì đã làm cho con tin chắc, nhưng... nhất định là cụ già Doanh quả đã viết tờ di chúc thứ hai rồi đó, ba à !
Luật sư Minh bất giác mỉm cười :
- Phải công nhận là trực giác của con đã nhiều lần trở thành sự thực rồi. Vậy ba cũng phải cố gắng hết sức dò dẫm xem luật sư Công có biết tí gì về chuyện này không mới được ! Nhớ nghe con ! Nhớ đừng có để lộ liễu cái ý muốn thâu lượm tin tức ra nghe con ! Ông khách của chúng ta mà biết được cái lý do tại sao cha con mình mời ông ấy ăn cơm thì ... hỏng cả đấy, nghe !
Ái Lan bật cười :
- Ba yên trí đi, ba ! Con sẽ ngồi im thin thít như một... bức hình vậy đó.
Nhà hàng Nam Sơn chỉ cách văn phòng luật sư Minh có mỗi con đường dốc Minh Mạng. Hai cha con để xe trước cửa văn phòng rồi đi bộ. Tới nơi, đã thấy luật sư Công ở đó rồi. Ông Minh giới thiệu con gái với bạn. Đoạn cả ba tiến vào giữa gian phòng rộng rãi của nhà hàng, ngồi vào một cái bàn trải khăn trắng dành sẵn.
Câu chuyện trao đổi giữa hai người lớn chỉ loanh quanh mấy vấn đề thời tiết, mùa màng, rau cỏ, dâu, mận tại Đà Lạt. Chán rồi hai ông lại nhắc nhở đến những kỷ niệm ngày xưa, hồi còn theo học trường Đại Học Luật Khoa, tới lúc bắt đầu đặt những bước chân bỡ ngỡ vào ngành Pháp chế Tố tụng. Bữa cơm cứ tàn dần theo với câu chuyện nở như bắp rang. Các món ăn vơi dần, khiến trong lòng Ái Lan nóng như lửa đốt, mà hai ông luật sư vẫn chưa đả động gì đến vấn đề em mong mỏi, không khác người bị khát khô cổ họng đợi chờ ly nước mát.
Mãi tới khi chiêu đãi viên bưng cà phê lên, mới thấy ông Minh khôn khéo xoay hướng câu chuyện theo chiều hai cha con ước muốn : ông thảo luận với bạn về một vài vụ kiện tụng quan trọng, gay go, mà ông đang cứu xét. Và vờ làm như vô tình, ông đem trường hợp vụ gia tài của cụ Doanh ra làm thí dụ :
- Như cái chuyện thừa kế gia sản của cụ Phạm Tú Doanh chẳng hạn. Vì không để ý đi sâu vào chi tiết, thành thử tôi cũng chả hiểu là gia đình ông Phàm đã bắt đầu hưởng dụng của cải của ông anh họ chưa... À, tôi lại còn nghe có người nói là mấy người bà con nghèo khổ của cụ Doanh có ý định khiếu nại về tờ di chúc thứ nhất hiện ở trong tay ông Phàm đấy !
Mấy câu nói có mục đích "gợi chuyện" của ông Minh hình như không đem lại kết quả như ý hai cha con mong muốn mà lại chỉ có tác đụng đem lại... sự im lặng. Ái Lan ngầm lo ngay ngáy : luật sư Công có ý không muốn gợi chuyện gia tài của cụ Doanh !
Y như rằng, luật sư Công lên tiếng, như có ý nói lảng ra :
Danh Sách Chương: