Chuyến này thì hầu hết mọi người ở đây đều nghĩ là xong rồi, không phải bọn chúng tôi có ý đồ phản nghịch, nhưng mà con hổ to xác đó chỉ cần há mồm ngoạm một cái thì hậu quả không cần phải nghĩ đến. Chị Trinh lúc này vẫn đứng chắn trước mặt quan gia, tôi đột nhiên có ý giữ vua bỏ hậu. Ý nghĩ chỉ chợt thoáng qua nhưng làm tôi tự trách không thôi, dù sao chị Trinh trong cung này với tôi cũng là người thân duy nhất.
Tôi đứng phía sau hai người bọn họ, cùng lúc đối mặt với con hổ từ khoảng cách xa. Tay tôi vớ lấy con dao mà ai đó đã bỏ lại trên sàn, vừa chạy vừa nhắm vào mắt phải con hổ mà ném, đến lúc này trong lòng lại nhớ tới Quốc Tảng, nếu như anh ta biết tôi dùng kỹ năng của anh ta dạy để cứu vua, chắc anh ta cũng an ủi phần nào.
Tôi nhìn theo hướng con dao, thấy nó sượt qua tầm mắt quan gia, thiết nghĩ chắc anh cũng không trách tôi, bởi tuy có hơi mạo hiểm một tí, nhưng chung quy cũng vì cứu mạng anh mà thôi. Vị quan gia như cảm nhận được có ám khí bay về phía mình, khẽ nghiêng đầu một cái, con dao đã rẽ gió cắm phập vào giữa mắt phải con hổ. Con thú gầm lên rống giận, tôi thấy Trần Khâm nhanh như chớp ôm lấy chị Trinh thoái lui ra sau.
Chỉ trong vài cái chớp mắt thì con thú đã bị cấm vệ quân chế trụ, tôi chưa kịp thở phào, thì đột ngột nhìn thấy gương mặt của anh ta, cả tứ chi tôi đột nhiên tê dại.
Lúc này ký ức ở thành Vạn Kiếp đột ngột ùa về, trong đêm đó anh ta vận viên lĩnh màu ngọc, đầu đội kim quan, mày kiếm mắt sắc, anh khí ngút trời, đứng giữa những ánh đèn lồng mà toả ra loại khí chất khiến người ta ngộp thở. Giữa trăm ngàn con người trong đêm hội, anh ta như vượt trên tất cả, hoá ra, anh ta chính là vua của Đại Việt.
Tôi đứng nhìn anh ta như trời trồng, vết thương trên vai cũng đau âm ỉ, không biết do tôi dùng sức quá mức, hay bị sự bực tức trong lòng gây ra. Tôi chợt nhớ đêm tất niên, anh ta chê tôi cầm đao kiếm như một tên võ biền, lúc đấy tôi đã ngờ ngợ nhưng do đang say rượu nên không nghĩ tới, hoá ra anh ta chính là kẻ đã hại tôi phải nhận lấy một dao chí mạng, hại tôi nhớ về quá khứ không đẹp đẽ của mình, nay lại hại tôi phải chôn chân trong cung vàng gác tía.
Đứng nhìn một lúc, cuối cùng tôi cũng chẳng thể nhìn nổi nữa, trong lòng dâng lên một nỗi ê chề, tôi thở hắt ra một cái, rồi cúi người trước bậc đế vương uy nghi, không nói tiếng nào liền quay đầu đi khỏi. Có lẽ anh ta cũng không chấp nhất việc làm của tôi đâu, dù sao chính tôi mới là kẻ bị lừa, và dù sao tôi cũng có công cứu giá.
Thấy chị Trinh đuổi theo, bước chân tôi càng vô thức đi nhanh như chạy, tôi loáng thoáng nghe được tiếng anh ta gọi chị trở về. Trong lòng tôi chua xót, cũng không biết vì cái gì nữa.
Tôi lững thững bước đến chỗ Đan Thanh, bảo em ấy đưa nhóc Thuyên về, chính mình thì đi lang thang trên bờ hồ Thuỷ Tinh. Hồ thuỷ tinh rất rộng, ánh nắng trưa gay gắt chiếu xuống mặt hồ, tôi chợt nhớ đến ngày ra đi, mặt sông ở Lục Đầu Giang cũng loá mắt như vậy, tôi cứ đứng trên thuyền lớn mà nhìn Quốc Tảng càng lúc càng xa.
Hoá ra Quốc Tảng bị điều đi duyệt binh cũng là do anh ta sắp đặt, có lẽ vì việc Quốc Tảng liều mình cứu tôi trong đêm đó mà anh ta nhận ra tình cảm Quốc Tảng dành cho tôi, rồi để tránh việc bị cản trở mà anh ta đã làm vậy. Tôi cứ tưởng chỉ vì anh ta nghe ngóng được tôi là chị Tĩnh mà bất chấp tất cả lấy tôi, ai ngờ đâu chuyện vẫn còn uẩn khúc. Rốt cuộc anh ta muốn lấy tôi hay chị Tĩnh thì tôi vẫn không thể nghĩ ra. Tôi bỗng nhiên tức cười, không có sự ngu xuẩn nào đáng xấu hổ hơn là tưởng rằng mình biết những điều mà thật ra mình không biết!
Tôi cứ vừa đi vừa vẩn vơ suy nghĩ giữa cái nắng chang chang buổi ban trưa, cuối cùng lại hại bản thân say nắng ngất đi ở bờ hồ, cũng may lúc tỉnh lại đã thấy mình nằm trong một gian phòng sạch sẽ, nếu không thì mình xem ra cũng không thoát khỏi việc chung số phận với mấy con cá khô ở hồ Thuỷ Tinh.
Tôi thẩn thờ trong gian phòng xa lạ một hồi, thì có một cô gái lạ mặt đi tới, tuổi cũng trạc tuổi tôi nhưng gương mặt lại có vẻ tiều tuỵ xanh xao lắm. Cô gái mặc quần áo sạch đẹp, chắc lại là một công chúa hay cung nhân nào đây.
Thấy tôi nhìn chằm chằm, cô nàng mỉm cười hiền lành ngồi xuống bên tôi nhẹ giọng nói:
- Đây là cung Diệu Hoa, em là Thanh Vân, chủ cung này.
Quả nhiên lại là một cung nhân của bệ hạ. Tôi choàng người ngồi dậy, Thanh Vân liền đỡ lấy tôi, điệu bộ nhẹ nhàng thanh thoát. Tôi chậc lưỡi, so với tôi thì cô nàng này dịu dàng hơn cả ngàn lần. Lúc này tôi cũng phần nào đoán được thân thế của Thanh Vân, trong miệng của chị Trinh thì cô ấy chính là một kẻ ở ẩn, mỗi năm chỉ thấy mặt được vài ba lần vào lễ lớn, bình thường chỉ quanh quẩn trong cung. Tuy nhiên hôm nay chính kẻ ở ẩn này lại cứu tôi khỏi vận hạn trở thành con cá khô ở Cấm Thành.
Tôi cười đáp lại, nhìn thấy khuôn mặt cô ấy còn trẻ hơn cả tôi, không biết trong người mang bệnh gì mà trông sa sút đến độ này. Đầu óc tôi bây giờ vẫn còn choáng váng, đành tựa vào đầu giường mà đáp lời người ta.
- Cảm ơn em đã cứu giúp, chị là Tĩnh ở cung Quân Hoa.
Nét mặt của Thanh Vân khẽ biến, em ấy liền vội đứng dậy, cúi đầu với tôi:
- Em không biết mặt chị Tĩnh, mong chị tha thứ.
Tôi chẳng hiểu em ấy xin lỗi mình vì chuyện gì, một lát thì ngớ ra chắc có lẽ do mình thân phận có cao hơn một chút. Thanh Vân này địa vị còn thấp hơn cả Tô Ngọc Lan, nên đối với tôi chắc cũng mang tâm lý e dè. Tôi kéo Thanh Vân ngồi xuống, vỗ vỗ bàn tay em ấy, trấn an:
- Không cần phải sợ chị, em vừa mới giúp chị, chị còn phải cảm ơn em nữa chứ.
- Em không dám ạ!
Tôi trông nét mặt em ấy, đoán chừng sống ở đây cũng không được thoải mái gì.
Trò chuyện một lát mới biết hoá ra Thanh Vân là con gái của tri huyện Văn Chấn ở trấn Thiên Hưng, thuở xưa có công cứu giá nên được Thượng hoàng ban cho chức tước, nhưng do phía nhà mẹ xuất thân không cao, nên hiện tại dù là cung nhân cũng chỉ là một cung nhân có phẩm vị nhỏ bé. Thanh Vân xót xa nói với tôi, kể từ khi bước vào Cấm Thành, một năm em ấy chỉ gặp quan gia vài ba lần, cũng chỉ có phúc phận ngắm nhìn từ phía xa xa.
Lúc ra về, trong lòng tôi cũng mang nhiều khó chịu, phần vì khúc mắc giữa tôi và quan gia, phần cũng bị tâm trạng của cô nàng Thanh Vân ảnh hưởng. Tôi bỗng có suy nghĩ, trong cái nơi cá lớn nuốt cá bé này, một mình Thanh Vân mới cô độc làm sao, chợt muốn bên cạnh bảo bọc cho cô nàng, dù sao em ấy cũng vừa giúp tôi một mạng.
Tôi về đến cung Quân Hoa thì trời cũng vừa chập tối, Đan Thanh thấy tôi thì hốt hoảng chạy ra, Thuỵ Hương thì vội sai người báo cho hoàng hậu một tiếng, hẳn là mọi người đã lo sốt vó lên rồi. Tôi kể với họ một lượt, bọn họ mới chịu để yên cho tôi. Đan Thanh đứng cạnh tôi liên tục càu nhàu:
- Bọn em lục tung cái hoàng cung này lên cũng không tìm được chị, còn tưởng chị xảy ra chuyện gì rồi.
Tôi cười hề hề, khoát tay với cô ả:
- Chị thì xảy ra chuyện gì được chứ?
- Còn không phải là say nắng đến ngất đi sao? Ban nãy chị gặp quan gia thì chạy vụt đi, phía hoàng hậu còn tưởng chị trốn khỏi Cấm thành rồi.
Tôi thở dài, ban nãy đúng là mình hơi kích động thật, nhỡ đâu chọc vị quan gia kia giận thì không biết hậu quả ra sao, tôi quên mất là sau lưng mình còn cả Hưng Đạo vương phủ. . Ngôn Tình Xuyên Không
- Ban nãy quan gia có nói gì không? – Tôi hướng tới Đan Thanh khẽ hỏi.
Đan Thanh liền phụng phịu với tôi:
- Không ạ, ngài chỉ dặn bao giờ chị về thì sai người báo một tiếng.
Ồ, chắc có lẽ anh ta thấy mình có lỗi đây. Tôi thiết nghĩ.
Cơm nước xong, tôi ra cửa tập lại vài thế võ rồi thơ thẩn lên giường đi nằm. Hôm nay có lẽ buổi trưa ngủ hơi nhiều, thành ra cứ gác tay lên trán mãi vẫn không vào giấc được. Tôi lăn qua lộn lại, trong đầu lần lượt nhớ về chuyện hôm nay, từ việc con hổ sổng, đến việc vô tình gặp được Thanh Vân ở hồ Thuỷ Tinh.
Tôi nghe nói tất cả cung nhân và quần thần đi xem đấu hổ hôm nay ngoại trừ tôi và chị Trinh đều bị phạt bổng lộc, xui xẻo nhất là Tô Bình, anh ta bị mất chức vì chẳng làm được gì khi con hổ sổng. Tôi không khỏi thở dài, thầm nghĩ nếu con hổ kia không vô tình bị sổng thì tôi có diễm phúc biết được mặt mày của vị quan gia nọ sớm vậy hay không. Tôi đã đinh ninh rằng quan gia vô tình xem mình là Tĩnh, mình cũng chỉ vô tình sống dưới thân phận của Tĩnh nên cũng chẳng phải bận tâm làm gì, nếu như quan gia chỉ lấy tôi để thoả mãn mong nhớ đối với Tĩnh, rồi khi phát hiện ra tôi không phải chị ấy thì bọn tôi sẽ sống cuộc sống nước sông không phạm nước giếng tới hết đời.
Nhưng tôi lại không ngờ anh ta lại chính là người hại tôi và Tảng không ở lại được với nhau, tôi không biết là anh ta vô tình hay cố ý. Nếu như vô tình, mọi chuyện sẽ vẫn như tôi hằng nghĩ, nếu như cố ý, liệu anh ta có ý gì với tôi hay không? Tôi tự nghĩ rồi lại tự bào chữa, có thì sao chứ, tôi dù sao cũng là vợ của anh ta rồi.
Nghĩ thế không biết sao nước mắt lại trào ra, nếu như ngày đó tôi không lo chuyện bao đồng thì hôm nay liệu có ra nông nổi này hay không chứ. Quốc Tảng, tôi thật có lỗi với anh, có lỗi với chúng mình.
- Không ngờ cũng có lúc nhìn thấy em khóc.
Tôi giật mình tá hoả ngồi bật dậy thì thấy có bóng dáng một người đàn ông ngồi vắt va vắt vẻo trên bậu cửa sổ đang quay mặt về phía tôi chẳng biết tự bao giờ. Ánh trăng đêm mồng mười còn chưa tròn hẳn rọi ánh sáng thanh lạnh vào phòng tôi qua cửa sổ mở, có lẽ vì thế mà anh ta thấy tôi đang khóc, còn tôi vì nhìn ngược sáng nên chỉ thấy bóng lưng thẳng tắp cùng mái tóc xoã hơi rối của anh ta.
Tôi ném cái gối về phía anh ta, dằn lại lồng ngực còn đang mãnh liệt phập phồng, cũng không biết do buồn hay sợ.
- Anh đến đây làm chi, tôi không muốn gặp anh. Anh lừa tôi hết lần này tới lần khác.
Anh ta dường như hơi khựng lại một chút, rồi lẳng lặng xách cái gối đó về phía tôi. Tôi lại giật bắn, ôm chăn ngồi thu lu một góc nhìn bóng dáng cao lớn của anh ta từ từ tiến lại mình.
Trần Khâm đặt gối xuống rồi nằm ngay bên cạnh tôi, tự nhiên kéo chăn lên đắp như phòng của anh ta vậy. Tôi ngớ ra, ờ thì cả cái nước Đại Việt này đều của anh ta được không, anh ta muốn làm gì thì ai mà cản được. Tôi ngồi nhìn anh ta suốt nửa khắc, mới nghe tiếng anh ta vọng lên trong đêm như đang cười:
- Sao hôm nay con hổ lại biến thành con mèo rồi? Chỉ biết gầm gừ thôi vậy?
Thế chả lẽ tôi đánh anh ta vài cú để anh ta khép tôi vào tội tạo phản à? Tôi tức anh ta chứ tôi nào có ngu.
- Ngủ đi, tôi chỉ tiện thể ghé sang thăm em một tí, chốc lát sẽ đi ngay.
Nhắm chừng anh ta cũng biết hôm nay tôi bệnh nên cũng không muốn cùng tôi cù cưa, ăn nói rất ngay thẳng. Mà tôi thì lại không tin tưởng mấy sự ngay thẳng đó của anh ta, vẫn cứ ngồi yên không nhúc nhích. Anh ta nhìn tôi chăm chăm, lát sau thì bật dậy đè tôi xuống giường. Tôi chưa kịp la lên thì anh ta đã bịt chặt lấy mồm tôi rồi đắp chăn cho tôi lên đến cổ, tôi vùng dậy nhưng chẳng xê dịch nổi dù chỉ một li.
Lúc này cái đầu kém nhanh nhạy của tôi lại đột nhiên phát hiện ra một chuyện, lần trước vì không biết anh ta là kẻ tôi gặp ở Vạn Kiếp nên vốn không để ý đến sức lực mạnh mẽ của anh ta. Ngày ở vương phủ, cả Quốc Uất còn không có cửa giữ chặt được tôi như thế, tức có nghĩa là anh ta phải có sức lực từ cỡ Quốc Uất đổ lên, thậm chí là ngang ngửa hoặc hơn cả Quốc Tảng, vậy lúc ở Vạn Kiếp không lý nào anh ta lại không đối phó nổi với bọn áo đen kia.
Suy nghĩ đó làm tôi bừng tỉnh, hoá ra lần đó là anh ta bỏ mặc tôi một mình đối phó với lũ gian ác. Được rồi, nếu thế thì trưa nay ở Vọng Lâu cũng là tôi một lần nữa lo chuyện bao đồng. Nhưng mà thế thì sao, tôi cũng chẳng có tư cách gì để nổi giận cả, anh ta là vua một nước, người khác dùng cả tính mạng để bảo vệ thì đã sao?
Thấy tôi đã thả lỏng, Trần Khâm bèn thả tôi ra. Tôi hít một ngụm khí lạnh, dùng chất giọng khô khốc nói:
- Quan gia muốn ở hay đi thì nói với tôi làm gì, tôi cũng chẳng có quyền can thiệp đến.
Trần Khâm chắc nghe ra tôi đang giận, tôi nghe tiếng anh ta thở dài.
- Tôi xin lỗi vì đã lừa em.
Tôi không biết anh ta xin lỗi vì đã lừa tôi chuyện gì, trước giờ anh ta lừa tôi không ít chuyện. Nhưng mà tôi và anh ta cũng chẳng cần thiết phải rạch ròi như vậy làm gì, giữa hai bọn tôi gặp nhau được mấy lần, trò chuyện được mấy câu, anh ta chẳng qua coi tôi là một kẻ thế thân, còn tôi, tôi thì coi anh ta như một người xa lạ.
- Tôi không trách anh lừa tôi, nếu là chuyện anh muốn, thì chẳng cần phải lừa anh vẫn có thể đạt được. Tôi chỉ trách mình ngu ngốc, hết lần này tới lần khác bị anh lừa đến suýt mất mạng.
- Chung quy em vẫn giận tôi.
Thú thật thì tôi cũng không tìm được lý do gì để mình không giận anh ta.
Trần Khâm đứng dậy, lại thở dài thườn thượt, tôi lại thấy điệu bộ này khác hẳn với dáng vẻ ung dung lẫn chút bất cần của anh ta thường ngày. Anh ta đắp chăn cho tôi, rồi đứng lên rời đi thật. Tôi nhìn khuê phòng trống trải, thầm nghĩ anh ta cũng chẳng thèm để lại một lời giải thích đàng hoàng cho mình.
Có lẽ đối với kẻ làm vua như anh ta, giải thích là việc không cần thiết, anh ta chẳng cần giải thích thì cũng có hàng vạn người cố gắng thấu hiểu cho anh ta, hoặc cho dù không hiểu thì cũng chẳng ai dám dò đoán. Việc anh ta mở miệng ra xin lỗi một kẻ như tôi thì cũng là cực hạn rồi. Chỉ có điều cho đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu là vì sao anh ta vẫn chưa ngả bài với tôi nữa, hay là cảm thấy trêu đùa tôi vui sướng lắm chăng?
Tôi bật dậy chong đèn, lại đem bài thơ của anh ta ra ngắm nghía. Lần trước anh ta nhờ tôi chép một bản, không biết có thỉnh thoảng đem ra ngắm như tôi hay không. Bài thơ này tên là Xuân Hiểu, là do tôi đặt tựa.
Tôi tỉnh dậy trong giấc ngủ chập chờn, cả người mỏi mệt, vừa ra cửa đã thấy Thanh Vân ngồi đó tự lúc nào. Tôi quay sang định hỏi Thuỵ Hương thì Thanh Vân đã lên tiếng trước:
- Là em dặn họ đừng gọi chị dậy.
Tôi gật đầu tỏ ý đã hiểu, Thuỵ Hương liền mang bát cháo trắng lên cho tôi. Tôi nhìn bát cháo trắng lại nhớ tới chị Anh Nguyên, không biết bây giờ chị ta đã sửa lại thói quen ăn uống hay vẫn cứ bỏ bữa sáng như vậy. Ngày đó tôi thường sang ép chị ta cùng ăn, hiện tại nhìn Thanh Vân, chợt nhớ chị Anh Nguyên da diết.
- Em đã ăn sáng chưa, ăn cùng chị nhé, ở đây chỉ ăn đơn giản như thế thôi.
- Vậy là đã tốt lắm rồi. – Thanh Vân cười nói.
Tôi vừa ăn vừa trò chuyện cùng Thanh Vân rất hợp ý, Thanh Vân tuy sống trong cung đã lâu nhưng tư tưởng lại rất thoáng, có lẽ vì thế mà em ấy khó hoà hợp được với người ở đây. Theo lời Thanh Vân thì chị cả Tô Ngọc Lan kia của tôi hay giúp đỡ em ấy nhất, đến đây thì tôi phải dành cho chị ta một lời khen, thật là kẻ biết thu phục lòng người.
Một buổi chiều xuân nắng vàng rực rỡ, tôi ngồi tựa gốc đào đọc thơ của Lý Thanh Chiếu, Thanh Vân và Thuỵ Hương đan giỏ bắt cá, còn Đan Thanh thì pha trà. Dạo gần đây thằng nhóc Thuyên ít sang đây nữa, vì nó đã đến tuổi đi học, lại càng phải chăm chỉ hơn xưa. Thỉnh thoảng có ghé thăm tôi thì cũng chỉ vì miếng ăn mà đến. Quanh đi quẩn lại, cũng may mà có Thanh Vân bầu bạn bên tôi.
Cũng sắp cuối tháng Giêng, hoa đào đã đi được nửa mùa, tôi lại dặn Thuỵ Hương ủ rượu nhiều một chút, người ở cung Quan Triều kia rất thích uống, đợi đến khi hết mùa hoa thì vẫn còn để dùng dần. Người đó và thằng nhóc Thuyên quả đúng là cha con, mỗi lần thằng bé đấy sang đây là tôi phải canh thật kỹ, bởi chỉ cần sơ sẩy là nó lại lén uống rượu, mà hễ nó uống rượu thì chị Trinh lại mắng tôi.
Tôi chẳng biết vị quan gia đó là người thế nào, mặt mũi thì quanh năm suốt tháng chẳng thấy đâu, mà rượu và trà thì đúng ngày là lại sai người đến lấy. Anh ta nếu không phải kẻ lớn nhất ở đây, là tôi đã sớm đuổi người của anh ta đi rồi. Không lẽ anh ta nghĩ làm vậy sẽ khiến tôi nguôi giận chứ.
Có điều tôi cảm thấy, cái không khí tĩnh mịch của nơi đây, cộng với việc ở ngay sát tầm mắt của hoàng đế đã mài mòn đi tính khí trước kia của tôi rồi. Anh ta muốn làm gì thì làm, miễn sao đừng đả động tới tôi là được. Trải qua bao nhiêu chuyện, tôi cũng chẳng còn là kẻ cùng chị An Hoa xông vào Tĩnh Lâu tìm Quốc Tảng để mà đánh ghen nữa rồi.
Nghe nói cá ở hồ Thuỷ Tinh rất nhiều, tôi đã định bụng đi bắt trộm một phen cho bõ tức. Tôi cứu anh ta hai lần, lại bị anh ta lừa mấy bận, nếu không đòi anh ta vài con cá tẩm bổ thì thật là lỗ to. Thế nên chọn ngày không bằng đúng ngày, hôm nay sẵn tiện có Thanh Vân ghé chơi, hai bọn tôi liền kéo nhau đi bắt cá.
Lúc còn ở vương phủ thì cùng chị Anh Nguyên đi bắt gà trộm chó, những tưởng vào cung thì chẳng có ai cùng mình làm loạn, ấy vậy mà may mắn sao lại gặp được Thanh Vân. Tôi lấy cành khô kết lại thành bè, tự mình xuống thử trước mấy vòng mới rủ Thanh Vân cùng xuống, trông cũng rất chắc chắn, cũng nhờ hai bọn tôi đều gầy.
Bởi vì hai đứa bọn tôi chọn giờ hành sự vào lúc xế chiều, nên cũng chẳng có ai lai vãng lại đây. Tôi không biết do nguyên nhân gì mà hồ Thuỷ Tinh khá là yên tĩnh, phải nói đúng hơn là vắng vẻ, lần trước tôi ngất cũng chỉ có Thanh Vân là phát hiện ra. Hai bọn tôi trôi lênh đênh giữa hồ, nhìn trời xuân xanh ngắt, xung quanh là liễu rũ bóng xuống mặt hồ, trong không trung vang lên tiếng chuông gióng xa xa.
Thanh Vân nói với tôi rằng trước khi lập công thì nhà em ấy vốn xuất thân từ nghề chài lưới nên mấy việc này làm rất quen tay. Tôi bèn chèo bè ra giữa dòng nhìn em ấy thuần thục quăng lưới, ánh hoàng hôn rạng rỡ đậu trên khuôn mặt gầy gò còn chút trẻ con của em, tôi chợt cảm thấy thương em vô cùng. Một người con gái vùng quê chẳng may vào cung sống cuộc sống hiển quý, mà không phải ai cũng có khát vọng cao sang như vậy.
Chèo được một vòng rốt cuộc cũng có cá to, quả nhiên là lời đồn không sai. Tôi nhìn vảy cá lấp lánh ánh bạc, thầm nghĩ tối nay sắp có một bữa no nê rồi. Đang vừa bỏ con cái vào giỏ thì nghe một tiếng tõm, hỡi ôi, cái bè chắc chắn của tôi bị bung dây rồi, Thanh Vân cũng rơi xuống hồ trước tôi rồi.
Đang loay hoay thì chính mình cũng cùng chung số phận rơi tõm xuống, nước hồ lạnh lẽo bao lấy làm tôi rùng mình. Có điều tôi và Thanh Vân nếu đã có gan ra giữa hồ bắt cá thì cả hai đứa đều phải chuẩn bị hành trang tối thiểu là biết bơi. Tôi và Thanh Vân nhìn nhau, không nén nổi bật cười.
Thú thật thì tôi chưa bao giờ nhìn thấy bản thân mình chật vật như thế, quần áo đầu tóc thì ướt nhem, tay ôm tay vịn vào mấy mảnh gỗ rời rạc của chiếc bè. Chẳng hiểu sao cả hai rủ nhau đi bắt cá nhưng cuối cùng phải cùng chung số phận với lũ cá này.
Đang lênh đênh trên mặt hồ thì phốc một tiếng, một đoạn tầm vông cắm phập xuống vùng nước bên cạnh tôi, tôi hết hồn xoay người thì thấy có một chiếc thuyền con từ lúc nào đã bơi đến sát bên cạnh. Tầm này thì đúng là mèo mù vớ được cá rán, tôi vội nắm lấy đoạn tầm vông leo được lên thuyền, rồi kéo Thanh Vân lên nốt.
Hai đứa nhìn nhau thở không ra hơi, tôi ngước mắt định cảm ơn ông lái, thầm nghĩ hồ trong cung vua cũng có kẻ dám lai vãng ở đây thì bất thình lình hiện ra một gương mặt quen thuộc. Tôi ướt nhem ngồi trên khoang thuyền, gió lành lạnh tạt vào lớp áo ướt, dưới ánh tà dương trên mặt hồ rực rỡ, tôi thấy anh ta nhìn mình mỉm cười.
- Ồ, tình cờ ghê! – Tôi cười đáp lại.
Thanh Vân rỉ tai tôi, không biết do lạnh hay do người đàn ông này, mà em ấy run run giọng:
- Ông hoàng sáu đấy chị, Chiêu Văn vương, chị có quen ông ấy hả?
Tôi nhìn chàng trai trẻ tuổi trước mặt, ước chừng chỉ hăm bốn hăm lăm, ấy vậy mà lại là Chiêu Văn Vương lừng lẫy. Hèn gì anh ta lần đó không nói danh tính cho tôi, chắc sợ tôi nghe xong sẽ hoảng hốt đây mà. Không sai, anh ta chính là chàng trai áo xanh tôi gặp dạo đó trong đêm rằm tháng Chạp. Về anh chàng này thì tôi chỉ từng nghe qua sơ sài, nghe đâu tên là Nhật Duật, rất giỏi ngoại giao. Nhưng tôi nghĩ một người trẻ tuổi như anh ta lại được cha tôi hết mực coi trọng, thì ắt hẳn cũng không phải hạng tầm thường.
Còn về vai vế, ha ha, tôi là phu nhân của bệ hạ, vậy thì phải gọi anh ta bằng chú rồi.
Nhật Duật vẫn yên lặng tựa mũi thuyền, tôi nhìn thấy trong giỏ anh ta có mấy con cá đang đớp nước, chắc là đang quăng câu gần đây. Anh ta nhìn tôi chằm chằm, hẳn đoán xem tôi là ai mà dám đi bắt trộm cá ở hồ Thuỷ Tinh. Quả nhiên nhìn chán một hồi, đã thấy anh ta lơ đễnh nói:
- Ta vốn cứ tưởng cá ngon chỗ này chỉ mình ta dám bắt.
Tôi và Thanh Vân nhìn nhau, dù chưa hiểu đầu đuôi câu nói kia ra sao nhưng cũng theo bản năng ớn lạnh một cái. Tôi hắt xì, không biết do người ướt gió lạnh hay vì câu nói của anh ta.
Tình cờ gặp anh ta ở chốn này, vốn dĩ có rất nhiều thứ để nói. Chẳng hạn như thằng bé Mạc Đĩnh Chi dạo này ra sao rồi, lại chẳng hạn như đã lâu không gặp cả anh và anh năm có khoẻ không, hoặc là anh ta có khi cũng thắc mắc tôi là ai, tại sao lại ở chỗ này. Nhưng có điều gặp anh ta trong hoàn cảnh không hẳn là dễ coi như thế thì tôi cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Hơn nữa Thanh Vân đang ở đây, tôi càng không thể tiết lộ mình trốn đoàn rước dâu đi chơi được.
Tôi nhìn chiếc áo choàng ấm sạch sẽ quý giá của anh ta, không kìm lòng nuốt nước miếng một cái. Nhật Duật hình như cũng phát hiện ra được, mà anh ta chỉ nhìn tôi cười mỉa. Tôi thở dài rồi thấy ngậm ngùi trong bụng, đúng là nơi đất lạ quê người, nếu là ở vương phủ, nói không chừng mấy người bọn họ còn tranh nhau cho tôi áo choàng ấy chứ.
Thanh Vân ngồi co ro sau lưng tôi, lúc này mới ló đôi mắt hạnh ra, nhỏ giọng bảo tôi:
- Chị ơi, ông ấy nói thế là sao ạ?
Tôi nhìn em ấy trợn mắt nói:
- Em vào đây trước chị bao lâu, bây giờ lại hỏi ngược lại chị?
Gió hồ thổi lộng, mà giọng tôi lại hơi lớn. Tôi hơi giật mình xoay người ngó Nhật Duật vẫn ngồi yên lặng như một bức tượng điêu khắc ở đầu thuyền bên kia, anh ta cũng lẳng lặng ngó tôi, rồi chậm rãi hất hàm về bên trái.
Tôi nhìn theo hướng anh ta chỉ, chỉ thấy xa xa ước chừng mười trượng là hậu viện của cung nào đó dựng trên mặt hồ, có lẽ do xung quanh là cổ thụ um tùm nên tôi không hề phát hiện ra. Ở đó có một người mặc áo màu ngọc đứng dõi mắt ra đây, tay anh ta vịn lên lan can nên dáng người khom khom khó thấy, duy chỉ có đôi mắt sắc bén cứ như dao phóng về phía này làm tôi lạnh sống lưng.
Trong đầu tôi thầm kêu hỏng bét, lần này đi trộm bị chủ nhà bắt tại trận rồi. Tôi nhăn mày nhăn mặt hỏi Nhật Duật:
- Sao anh không nói với tôi ở đây gần cung vua?
- Không phải gần mà đây là hồ cá của bệ hạ. – Anh ta nhàn nhạt nói.
Nói tóm lại thì bây giờ tôi cũng giải thích được tại sao trong Cấm Thành chỉ mỗi hồ Thuỷ Tinh là có cá lớn, hoá ra đây là hồ cá của vua, ấy vậy mà kẻ như tôi lại đi vuốt râu hùm. Thanh Vân ngồi bên cạnh run lập cập, trong lòng tôi cũng đầy bất an, bây giờ tôi chỉ biết tự trách mình làm việc không suy tính.
Thuyền rồng nho nhỏ của bệ hạ đã chèo đến giữa dòng, một người nội nhân quỳ trên thuyền rồng lớn giọng hô:
- Thưa vương gia, thưa phu nhân, bệ hạ cho thuyền đến rước phu nhân vào cung gặp mặt.
Tôi ngó con thuyền nho nhỏ được chạm trổ hình rồng trước mũi thuyền tinh xảo, mành lụa vàng quý giá buông thỏng, trong lòng thấp thỏm không yên. Nội nhân dìu tôi và Thanh Vân lên thuyền, choàng áo ấm cho chúng tôi, rồi cung kính vái chào Chiêu Văn Vương vẫn còn bập bềnh trên con thuyền câu bé tí. Anh ta phất tay cười cười, tôi thấy nét mặt anh ta liếc nhìn tôi ngập tràn hứng thú của kẻ đi xem kịch, thật muốn cốc đầu anh ta một cái ghê.
Tôi ngồi trong khoang thuyền vén rèm nhìn ra, thấy thuyền rẽ nước một đường thẳng đến cung Quan Triều, trái tim lại treo trên cổ. Thú thật mỗi lần gặp phải vị bệ hạ oái oăm kia, là tim tôi cứ không tự chủ đập bang bang trong lồng ngực, chẳng hiểu vì lý do quái quỷ gì.
Thanh Vân bị giữ lại ở cửa cung, tôi vỗ vỗ mu bàn tay em ấy bảo hãy yên tâm, rồi để nội nhân tiễn em ấy về, chính mình thì sửa sang quần áo lại một tí rồi chậm rãi bước vào trong. Nội nhân đưa tôi đi thay quần áo, lúc thay xong bước ra đã thấy bóng lưng thẳng tắp của Trần Khâm ngồi ngay ngắn trên sập đang xem tấu chương.
Lúc này đã tới giờ cơm chiều, tôi liếc nhìn trên bàn của anh ta ngoài một chén trà đã sớm nguội lạnh ra thì chỉ là chồng tấu chương cao ngất, thầm nghĩ anh ta làm vua cũng không dễ dàng gì, có lẽ vì thế nên tính tình đâm ra hơi xấu một tí. Anh ta không đợi tôi quỳ xuống đã phất tay cho tôi miễn lễ, tôi đứng cúi đầu lóng ngóng trước án thư hết lén nhìn anh ta lại cúi xuống nhìn chiếc đỉnh đốt trầm đang nhả khói, trong lòng cũng có chút mê man.
Hình như vừa phê duyệt xong một tờ văn thư, anh ta lúc này mới chú ý đến tôi vẫn còn đang đứng trước mặt, bèn gọi tôi đến cùng ngồi. Tôi luýnh quýnh hết cả tay chân, mới dè dặt trèo lên sập chọn chỗ ngồi xa tít. Tôi tự mỉa mình mấy câu, cũng chẳng biết ngày xưa động lực nào khiến tôi đủ can đảm đại náo Tĩnh lâu không biết.
Trần Khâm ngồi xích lại gần tôi, ôn hoà nói:
- Uống chén nước gừng cho ấm bụng nhé, chốc nữa ở lại đây ăn cơm.
Hai tay tôi vò nhàu vạt áo, mặt cúi gằm xuống bàn, mồ hôi chợt rịn ra ướt cả lòng bàn tay. Ngày xưa lúc Quốc Tảng và cả Quốc Uất trêu đùa tôi cũng chưa từng có cảm giác ngượng ngùng đến vậy, tôi thầm nghĩ nếu như chị Anh Nguyên mà biết đến cớ sự này, không cười tôi thối mũi mới là lạ đó.
Phía đỉnh đầu tôi lại truyền đến giọng nói giống như nhịn cười:
- Bị mắng suốt nên nhìn cảnh này có chút không quen.
Tôi ngẩng phắt đầu dậy, nhìn gương mặt đáng ghét của anh ta nhìn mình cười cười, thật muốn mắng một trận cho bõ tức mà không dám, đành cúi đầu xuống tiếp tục hành hạ vạt áo của mình.
Bỗng nhiên một bàn tay to lớn nắm lấy tay tôi, tôi giật bắn người, đến nghĩ cũng chưa kịp nghĩ vội rụt tay lại, trên đôi bàn tay lạnh lẽo vẫn còn lưu lại một chút ấm áp. Trần Khâm cau mày, nhỏ giọng nói, trong chất giọng trầm khàn của anh ta tôi nghe ra được anh ta đang gằn nhẹ.
- Ta và em giờ đã là vợ chồng!
Tôi quắc mắc nhìn anh ta, chợt nghĩ cái danh xưng vợ chồng này vốn không phải là tôi nguyện ý, mà tôi cũng chẳng phải là người anh ta cần, có chăng chỉ là do anh ta tự huyễn hoặc rồi làm ra chuyện chia loan rẻ thuý. Tôi nghiêng người bước ngay xuống sập, đối mặt với anh ta, gắt lên:
- Tôi không phải là Tĩnh!
Trần Khâm lặng người nhìn tôi, thấy nét mặt anh ta thâm trầm tôi biết là mình đã lỡ lời. Nhưng tôi biết làm sao hơn, bởi sự thật chính là như vậy, tôi lại không phải người vì muốn anh ta vui lòng mà lừa người dối mình, tự gạt bản thân.
Trái với suy nghĩ của tôi, anh ta chỉ ừ nhẹ một tiếng, rồi chầm chậm hỏi tôi:
- Vậy em là ai?
- Là ai? – Tôi thì thầm tự hỏi, rồi mệt mỏi tựa người vào cột đình, khẽ đáp – Tôi cũng không biết!
Tôi mơ màng nhìn lên nóc điện, thấy từng viên ngói lưu ly vàng óng quý giá xếp ngay ngắn, cũng biết rõ mình là ai, nơi này là nơi nào. Tôi vốn dĩ đón chờ một cơn thịnh nộ của Trần Khâm, vì ba lần bảy lượt không cho anh ta chút mặt mũi, vậy mà anh ta lại hành xử giống như những lời nói và hành động của tôi mấy hôm nay không phải dành cho anh ta. Trần Khâm không hề giải thích với tôi, anh ta chỉ nói những câu mà tôi không tài nào đoán được.
Tôi cười mỉa, nếu như tôi đoán được anh ta nghĩ gì, thì anh ta đã không thể ngồi được ngôi vị hoàng đế rồi.
- Em về đi. – Trần Khâm nói. Thấy tôi ngước lên nhìn, anh ta lại tiếp – Bao giờ nhớ ra mình là ai, thì nói với ta.
Tôi cúi người lạy anh ta một cái, rồi xoay người rời đi. Dù không ngoái lại nhìn, nhưng cảm giác ánh mắt nóng bỏng của Trần Khâm vẫn dõi theo tôi cho đến khi tôi khuất bóng ở cửa cung Quan Triều hoa lệ.
Đó, cứ như thế, nhiều khi những cuộc nói chuyện giữa tôi và Trần Khâm kết thúc một cách tẻ nhạt và lãng nhách giống như vậy.
Tháng ba, chúa vùng Đà Giang là Trịnh Giác Mật gửi hoa ban tiến cống. Giống hoa này nghe nói ở xứ Đà Giang nở rất nhiều, cũng giống như mùa hoa đào ở Thăng Long vậy. Trịnh Giác Mật hằng năm cứ tháng ba hoa ban nở lại gửi đến không ít, cung Quân Hoa của tôi cũng được thơm lây.
Trịnh Giác Mật này trùng hợp lại là kẻ chủ mưu gây ra mấy vết thương trên vai tôi thuở trước, lần đó nghe chị Anh Nguyên nói, đến bây giờ tôi vẫn mang máng nhớ được. Lúc đó tôi vẫn rất thắc mắc tại sao không thể làm gì bọn chúng, giờ mới biết nguyên do là vì bọn chúng cũng là vua chúa một vùng, thế lực không hề nhỏ.
Thằng nhóc Thuyên chạy vòng quanh cây hoa ban thích chí cười ha ha, nó nằng nặc muốn trồng để mỗi năm không cần phải đợi xứ Đà Giang tiến cống nữa. Tôi nhìn cây hoa to to đã bị xén mất phần rễ, thầm nhủ bọn người này quả nhiên hẹp hòi, chỉ một giống hoa cũng tính toán.
Nghĩ đến Thanh Vân ở cung Diệu Hoa, tôi bèn sai người mang cho em ấy một cành.
Nhưng tôi lại không ngờ đến cành hoa ban đó suýt nữa hại chết Thanh Vân.
Hoa ban vị ngọt, trong hoàng thất có rất nhiều người yêu thích vị của nó nên hằng năm chúa đạo Đà Giang vẫn theo thường lệ tiến cống. Cũng không biết là ai đã ác ý tẩm độc lên cánh hoa, khiến Thanh Vân ăn vào liên tục nôn mửa, suốt ba ngày nằm gục trên giường không dậy nổi. Tôi ngồi bên giường nhìn em ấy sắc mặt tiều tụy, trong lòng vốn biết nếu không có Thanh Vân thì kẻ nằm đây bây giờ chính là bản thân mình. Tôi âm thầm hạ quyết tâm phải tìm ra được kẻ hạ độc thủ, nếu không chỉ e mình sẽ trở thành miếng mồi ngon cho kẻ khác tha hồ xâu xé.
Sự việc hệ trọng liên quan đến mạng người, tôi càng không dám khinh suất, nhưng nếu làm rùm beng lên thì lại sợ đánh rắn động cỏ. Vì thế ngay khi Thanh Vân vừa khỏe lại đôi chút, tôi lập tức đến ngay cung Thúy Hoa tìm chị Trinh, hi vọng với thực lực của chị trong cung, có thể âm thầm tìm ra kẻ thủ ác.
Chị Trinh ngồi trên sập gỗ, cau mày nhìn tôi:
- Từ trước đến nay trong cung chưa từng xảy ra những chuyện này.
Tôi thở dài, trong lòng không khỏi ảo não, chẳng biết số phận mình ra sao mà hễ đi đến đâu là nơi đó có chuyện.
- Lần này Thanh Vân bị hại tính ra lại là điều may. Thuyên nhi cũng rất yêu thích loại hoa này, người đó đã muốn hại em, nếu như lần này không phải vô tình là Thanh Vân mà là Thuyên nhi thì…
Chị Trinh nói đến đây, cả hai bọn tôi đều âm thầm hít khí lạnh.
Đồng ý là người mà kẻ đó nhắm đến là tôi, nhưng cũng không thể phủ nhận xung quanh tôi có quá nhiều người có thể bị liên lụy. Hôm nay là Thanh Vân, ai biết ngày mai ngày kia có phải là nhóc Thuyên, chị Trinh hay Đan Thanh, Thụy Hương hay không chứ? Cho dù có là ai cũng khiến tôi rét lạnh trong lòng.
Tôi nắm chặt lấy tay chị Trinh, khẩn khoản:
- Em chỉ muốn biết kẻ đó là ai, em thân cô thế cô, ở trong cung lại chưa biết rõ ràng đầu dây mối nhợ. Bây giờ em chỉ biết trông cậy vào chị thôi.
Chị Trinh xoa tay tôi, an ủi:
- Em cứ yên tâm, em là em gái chị, chị sẽ không để em xảy ra chuyện gì đâu.
Thật tình tôi cũng không trông đợi ở chị nhiều, phần vì chị quanh năm không giao thiệp với ai, phần vì người thiện lương như chị cũng khó lòng lường nỗi trước những thủ đoạn hiểm ác. Nhưng chị cũng cần biết để tự phòng vệ cho mình, dù sao thêm một người giúp sức cũng tốt hơn, tôi vẫn còn mù mờ về nơi đây lắm.
Ngoài dự liệu của tôi là việc Tô Ngọc Lan lần nữa đến tìm tôi. Lần này chị ta không tỏ ra xa cách như lần trước mà rất bình thản khi thấy tôi ra đón tiếp, thậm chí tôi còn nhìn ra vẻ áy náy trên gương mặt chị ta trong chốc lát thoáng qua, mà tôi cứ nghĩ mình nhìn nhầm.
Tô Ngọc Lan lặng người nhìn tôi một lát, rồi nhẹ giọng phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng đến ngột thở:
- Chị cứ tưởng.. tưởng rằng em bị người ta hại chết rồi…. cũng may..
Móng tay tôi dưới vạt áo đâm vào lòng bàn tay đau rát, nhờ ơn chị ta mà tôi thoát khỏi cảnh địa ngục đó, nhờ ơn chị ta tôi quên đi tất cả mọi thứ đau buồn, cũng nhờ ơn chị ta mà tôi được vào vương phủ, đáng ra tôi phải biết ơn chị ta mới đúng. Bây giờ chị ta đến tìm tôi để đòi trả ơn hay sao?
Tôi làm ra vẻ mặt ngạc nhiên, dè dặt nhìn chị ta rồi xa lạ hỏi:
- Chị nói gì em không hiểu, làm sao em lại bị người ta hại chết?
Tô Ngọc Lan nhìn tôi, ánh nhìn như muốn đâm xuyên qua tôi để thấu rõ tâm tư trong đó. Tôi nhíu mày, cũng nhìn lại chị ta một hồi.
Thú thật tôi không muốn công khai đối đầu với Tô Ngọc Lan, người có ý định hại tôi là ai tôi còn chưa nắm rõ. Huống hồ trong Phượng Thành này, ngay cả vị quan gia ngồi trên cao kia còn muốn đối nghịch với tôi thì khác nào tôi là kẻ tứ bề thọ địch đâu chứ.
Tô Ngọc Lan nhìn tôi một lúc lâu, chợt nhiên nắm lấy tay tôi, rưng rưng nước mắt:
- Linh Lan, em mất trí đúng không, rốt cuộc em đã gặp phải chuyện gì mà chị em ta lại gặp nhau trong hoàn cảnh này. Cha mẹ ở nhà ngày đêm mong nhớ em, cớ sao em lại trở thành con của Hưng Đạo Vương chứ?
Tôi có chút hoảng hốt gỡ tay chị ta ra, không phải tôi sợ, chỉ là lần đầu nghe thấy tên thật của mình nên trong lòng đột nhiên sinh ra cảm giác khó nói nên lời. Nhưng có lẽ vì thế mà trong mắt của Tô Ngọc Lan lại tăng thêm mấy phần tin tưởng vào biểu hiện của tôi, có thể chị ta nghĩ rằng tôi đã quên mất chị ta thật, hoặc thật sự chỉ là người giống người, tôi hoàn toàn không phải người em gái kém may mắn của chị ta.
Tôi bị mất trí, nhưng thân thể này quả nhiên là Tô Linh Lan, một nỗi căm hận lan ra từ tim tôi chạy dọc tứ chi, khiến tay chân tôi tê dại đến mất đi cảm giác. Tự dặn lòng phải bình tĩnh, nhưng lại không nén nổi phát run. Tôi che giấu nỗi niềm ghê tởm đối với chị ta, không ngờ sau những việc chị ta đã làm, thì hôm nay chị ta vẫn ngồi đây, khóc lóc nói với tôi những lời này.
Tôi lấy khí thế của người vương phủ, đứng thẳng dậy lạnh nhạt nói:
- Chị nhận lầm người rồi, mời đi cho!
Nói xong, tôi quay mặt bước trở vào mà không thèm nhìn chị ta lấy một cái.