Ninh Thái Thần người Triết Giang, tính tình khảng khái, chính trực, tự trọng. Chàng thường tuyên bố với mọi người:
- Ngoài vợ chính ra bình sanh không biết đến người đàn bà thứ hai.
Có việc đi Kim Hoa, Ninh đến vùng cổng Bắc, đặt hành trang ở một ngôi chùa. Trong chùa, điện tháp như không có dấu chân người qua lại. Hai ngôi nhà tăng bên đông và bên tây, cánh cửa khép hờ, chỉ có căn nhà nhỏ phía nam, khóa cửa còn mới. Ở ngoài góc đông điện có rặng tre, cây to bằng chét tay, phía dưới là một cái ao lớn, mặt ao hoa súng nở rộ. Ninh đã có ý thích nơi thanh u này. Dịp này phủ sở tại mở khoa thi khảo thường kỳ, trong thành giá cả ăn ở đắt đỏ, cho nên Ninh quyết ở đây cho tiện.
Nghĩ thế, Ninh dạo bước quẩn quanh, đợi nhà sư về. Trời đã sẩm tối, một sĩ nhân đến, mở cửa căn nhà phía nam. Ninh bước tới chào hỏi và nói rõý định của mình. Sĩ nhân nói:
- Nhà này không có chủ, tôi cũng chỉ là một người ở ngụ. Nếu anh không chê cảnh hoang vắng, sớm tối tôi được chỉ giáo thì hay lắm!
Ninh mừng, trải cỏ làm giường, ghép ván làm ghế, tính kế ở lâu. Tối hôm đó trăng cao lồng lộng, trời trong như gương, hai người bạn mới quen kề đùi gác vế dưới mái hiên, chuyện trò thân thiết. Hỏi đến tên họ, sĩ nhân đáp:
- Tôi họ Yến tên là Xích Hà.
Ninh cứ tưởng anh ta là thí sinh đợi thi, song nghe tiếng không phải là người Triết Giang, hỏi ra quê ở mãi Thiểm Tây. Cứ xem cung cách nói năng thì anh ta là người chất phác thật thà. Chuyện vãn đã cạn, hai người chia tay đi nghỉ.
Ninh lạ nhà, mãi không ngủ được, chợt nghe phía bắc nhà có tiếng rì rầm như có người nói chuyện. Chàng vùng dậy, nấp bên cửa sổ đá, ghé mắt nhòm qua. Thì ra bên ngoài tường ngăn đá ấy còn có một ngôi nhà nhỏ, một người đàn bà ngoài bốn mươi tuổi và một mụ vú đang chuyện trò với nhau dưới ánh trăng. Mụ vú già lưng còng, dáng điệu lọm khọm, mặt một cái áo cũ màu hồng bợt bạt, búi tóc gài lược to (phục sức kiểu cổ). Người đàn bà ca cẩm:
- Con Tiểu Thiện sao mãi không thấy đến?
- Ta cứ đợi, nó sẽ đến đấy. - Mụ vú đáp.
Nó có ca thán gì với mụ không?
- Con bé ấy, không việc gì phải nể nang lắm đâu.
Nói chưa dứt lời thì một cô gái trạc tuổi mười bảy, mười tám đến, trông loáng thoáng có vẻ xinh xắn. Mụ vú cười bảo:
- Không nên tán chuyện người sau lưng. Hai chúng ta đang nói về mày, thế mà cái con tiểu yêu này lẻn đến lúc nào lẹ thế, không một tiếng động. May mà chúng ta không nói gì xấu.
Lại nịnh:
- Ôi tiểu nương tử mới xinh tươi như người trong tranh vậy. Giả sử thân già này là đàn ông ắt hẳn cũng bị bắt mất hồn luông rồi.
Tiếng cô gái:
- Vú mà không tán thơm tôi thì còn có cái gì để mà nói tốt nói đẹp.
Rồi không rõ họ còn nói với nhau những gì. Ninh cho đó chỉ là người trong gia đình hàng xóm, cho nên không buồn nghe nữa, quay vào đi nằm. Lát sau, tất cả lại yên ắng, không còn tiếng rì rầm trò chuyện.
Ninh đang ngà ngà sắp ngủ, bỗng cảm thấy có người vào chỗ nằm của mình, vội vùng dậy xem ai thì hóa ra cô gái lúc nãy ở bên nhà phía bắc. Chàng sửng sốt hỏi, cô gái cười và trả lời:
- Đêm trăng không ngủ được, xin đến chung tình.
Ninh nghiêm sắc mặt:
- Cô phải phòng điều dị nghị mà tôi thì sợ lời cười chê. Chỉ có một bước lỡ chân, còn đâu là liêm sỉ.
Cô gái năn nỉ:
- Đêm hôm ai biết đấy là đâu?
Ninh lớn tiến, nhưng cô gái cứ lần lựa, dường như còn muốn nói điều gì. Ninh phải quát lên:
- Cút ngay, không tôi kêu to cho người học trò bên kia biết.
Cô gái có vẻ sợ, lùi ra đến ngoài cửa. Rồi lại vào đặt một thoi vàng lên chỗ nằm. Ninh cầm quẳng ra sân:
- Của phi nghĩa chỉ làm bẩn túi ra.
Cô gái thẹn, quay ra nhặt lấy vàng, lẩm bẩm một mình:
- Anh này là sắt đá hay sao ấy!
Sớm hôm sau, có một người học trò ở Lan Khê dẫn theo một người đầy tớ đến trọ đợi thi, ngụ ở mái đông chùa, tối đến đột nhiên chết, bắp chân có một lổ nhỏ như dùi đâm, máu rỉ ra. Không ai biết là duyên cớ vì đâu? Tối sau, người đầy tớ chết nốt, cũng có những vết tích như vậy.
Buổi chiều Yến về, Ninh hỏi tại sao hai người thiệt mạng. Yến cho là yêu tinh. Ninh vốn là người khí phách cương trường, không cho là phải. Nửa đêm cô gái lại mò đến, bảo Ninh:
- Tôi đã từng trải nhiều người, không ai có lòng dạ sắt đá như anh đâu. Chàng thật là bậc thánh hiền, tôi không dám lừa dối. Tôi họ Nhiếp tên là Tiểu Thiện, chết yểu năm mười tám tuổi, chôn ở cạnh chùa. Tôi bị yêu tinh cưỡng ép phải làm những điều kinh tởm hèn hạ, mặt dạn mày dầy với mọi người, thực lòng chẳng vui thú. Nay trong chùa không còn ai giết đượcnữa, sợ chính quỷ Dạ Xoa sẽ hại tới chàng.
Ninh cả kinh, hỏi cách thoát thân. Cô gái mách:
- Chàng cứ ngủ chung một nhà với Yến sinh là yên.
Hỏi:
- Sao không dám mê hoặc Yến sinh?
- Ông ta là bậc kỳ nhân nên không dám tới gần.
Vậy cô mê hoặc người ta thế nào?
- Ai ôm ấp tôi, tôi giấu dùi đâm vào chân, người đó lập tức mê đi rồi hút máu cho yêu tinh uống. Hoặc đưa cho vàng, thực không phải là vàng mà là xương quỷ La Sát để kiếm cớ lưu lại rồi moi hết tim gan. Hai cách ấy làm được cả thì tốt nhất.
Ninh ngỏ lời cảm tạ, hỏi phải phòng bị vào thời gian nào? Cô gái mách: Đêm mai. Đến khi từ biệt, người con gái khóc mà rằng:
- Thiếp rơi vào bể khô, muốn tìm lên bờ mà không được. Chàng là người nghĩa khí, ắt có thể cứu thiếp qua khỏi khổ nạn. Chàng có thể đem nắm xương tàn của thiếp về chôn cho mồ yên mả đẹp, như thế cũng có thể ví với ơn tái tạo.
Ninh khẳng khái nhận lời và hỏi mộ cũ. Trả lời:
- Ở chỗ cây bạch dương, trên ngọn có quạ làm tổ.
Nói đoạn ra cửa vụt biến mất.
Hôm sau, Ninh sợ Yến đi vắng, ngay từ sớm đã mời Yến sang chơi, sửa soạn cơm rượu cùng ăn để lưu Yến lại. Ninh còn rủ ngủ chung giường. Yến lấy cớ ưa tĩnh để khước từ. Ninh không nghe ép phải mang giường chiếu sang. Yến bất đắc dĩ chiều ý, và còn dặn Ninh:
- Tôi biết túc hạ là bậc trượng phu cho nên rất kính mộ phong độ. Tôi còn chút niềm riêng chưa sớm bộc bạch được, vậy xin chớ mở xem cái tráp của tôi. Nếu không cả hai chúng ta đều bất lợi.
Ninh hứa nghiêm cẩn tuân theo. Rồi ai nấy đi nghỉ. Yến để cái tráp trên cửa sổ, vừa nằm một chút đã gáy vang như sấm. Ninh không ngủ được. Khoảng gần trống canh một, thấp thoáng có bóng người ngoài cửa sổ. Một lát, cái bóng ấy tới gần cửa sở nhòm vào, mắt trợn trừng dữ tợn. Ninh hoảng đang định gọi Yến. Bỗng có một vật gì như dải lụa vọt từ trong tráp bay ra, vút như một mũi tên, cắt phăng cái chấn song đá cửa sổ rồi vụt quay vào trong tráp như một ánh chớp lặn biến.
Yến biết trở dậy, Ninh giả vờ ngủ xem sao. Yến bưng cái tráp, lấy ra một vật, vừa soi vừa nhìn hít ngửi dưới trăng. Nó dài khoảng vài tấc, đẹp như lá lúa, ánh bạc lóng lánh. Xem rồi, Yến bọc lại mấy lớp cẩn thận, bỏ vào cái tráp đã thủng, lẩm bẩm một mình:
- Cái con yêu cụ này khá lớn mặt, làm thủng mất tráp rồi.
Đoạn định đi nằm. Ninh ngạc nhiên không biết ra sao, liền trở dậy nói hết những điều mình đã trông thấy và hỏi Yến. Yến bảo:
- Đã là bạn tri giao tâm ái với nhau, tôi đâu dám giấu: Tôi là kiếm khách. Nếu không vướng cái chấn song đá thì con yêu tinh kia tức khắc chết rồi. Tuy nhiên nó cũng bị thương.
Hỏi:
- Vật anh bọc lại đó là cái gì?
- Thanh kiếm đấy. Tôi vừa ngửi thấy có yêu khí.
Ninh muốn được nhìn tận mặt một chút. Yến lấy ra đưa cho xem một thanh đoản kiếm sán lóa. Ninh càng thêm kính phục.
Hôm sau trở dậy, Ninh xem xét bên ngoài cửa sổ, quả nhiên vẫn còn vết máu. Ra phía bắc chùa quả có một nấm mồ sè sè dưới gốc bạch dương, trên có tổ quạ.
Công việc đã giải quyết xong. Ninh thu xếp hành trang định về quê. Yến bày tiệc tiễn, tình nghĩa thật dạt dào. Rồi chàng đưa tặng Ninh một cái bao da đã rách, dặn rằng:
- Đây là cái bao kiếm, xin giữ cẩn thận, có nó thì lũ yêu quái không dám tới gần.
Ninh ngỏ ý xin học đạo. Yến bảo:
- Túc hạ là người tín nghĩa, cương trực, có thể học được. Song túc hạ thuộc dòng phú quý, không phải là người trong mạch đạo.
Chia tay với Yến rồi, Ninh nói thác là mình có cô em gái chôn ở đây, đào mồ lấy hài cốt, gói bọc trong quần áo, đưa xuống thuyền chở về quê.
Thư phòng của Ninh ở rìa làng, sat với cánh đồng cho nên chàng đem hài cốt Tiểu Thiện chôn và xây mộ ngay ngoài thư phòng. Khi tế mộ chàng khấn:
- Thương nàng hồn ma côi cút, nên chôn nàng ở cạch nhà khi cười khi khóc cùng nghe để khỏi lũ quỷ đàn ông làm nhục. Một bát nước mưa mời uống, có gì chưa được ngọt xin đừng chấp.
Khấn xong quay về, nghe đằng sau có tiếng gọi:
- Xin đợi cùng về với!
Ninh quay lại nhìn thì hóa ra là Tiểu Thiện. Cô ta vui mừng ra mặt, ngỏ lời cảm tạ:
- Chàng là bậc tín nghĩa, em dù có chết mười lần cũn không đủ đền đáp. Xin cho được theo về chào lại song thân cho lòng này khỏi hối.
Chàng nhìn kỹ Tiểu Thiện, da nõn nà như trứng gà bóc, chân tay thon thả như búp măng non, ban ngày ban mặt lại càng thấy đẹp. Hai người cùng vào thư phòng. Ninh dặn nàng ngồi đợi, vào trước thưa với mẹ. Mẹ ngạc nhiên, nhân vợ Ninh ốm đã lâu, dạy rằng chớ có nói cho biết, e chị ta kinh sợ. Còn đang đôi hồi thì cô gái đã nhẹ nhàng bước vào, phục lạy dưới đất. Ninh giới thiệu:
- Thưa mẹ, đây là Tiểu Thiện.
Bà mẹ hoảng hốt nhìn cô gái, lòng bứt rứt không yên. Cô ta thưa:
- Con lênh đênh trơ trọi một mình, xa cha mẹ anh em, nay nhờ ơn công tử đến từng chân tơ kẽ tóc xin nguyện được sửa túi nâng khăn để báo đền ân nghĩa lớn.
Bà mẹ thấy cô ta cũng ra dáng xinh xắn đáng yêu, lúc ấy mới dám tiếp lời:
- Được nương tử chiếu cố đến con tôi, thân già này mừng không để đâu cho hết. Song tôi chỉ có một mình nó, những mong đợi có giọt máu nối dõi tông đường, cho nên không dám cho gá nghĩa cùng ma.
Cô gái buồn rầu thưa lại:
- Con thực không dám hai lòng. Người dưới suối vàng đã không để mẹ tin thì con thờ chàng làm anh trai. Từ nay xin nương tựa nơi mẹ, sớm tối hầu hạ, như thế có được không?
Bà mẹ cảm thương cô ta lòng thành, tỏ ý chấp nhận. Cô ta xin vào lạy chị dâu, song bà mẹ can vì chị ta đang ốm. Cô ta lập tức xuống bếp thay mẹ sửa soạn xơm nước, vào buồng sắp xếp giường chiếu như đã quen thuộc ở đây lâu. Tối đến bà mẹ vẫn còn e sợ, không dám đặt giường trải nệm cho cô. Biết ý cô lập tức quay ra. Qua thư phòng, cô định vào lại ra, cứ ngập ngừng ngoài cửa như e sợ điều gì. Ninh gọi vào, cô ta nói:
Trong nhà có kiếm khí toát ra kinh người. Đi qua em không dám vào là vì thế.
Lúc ấy Ninh mới biết là vì cái bao da, liền tháo đem treo sang buồng khác. Cô gái đến ngồi cạnh đèn, không nói không rằng. Lâu sau mới hỏi:
- Tối anh có đọc sách không? Hồi bé em tụng kinh La Nghiêm nay quên quá nửa. Xin anh cho mượn một quyển, tối rảnh em đến nhờ anh chỉ cho.
Ninh nhận lời. Cô ta ngồi yên lặng như trước, mãi đến canh hai mà chưa muốn đi. Ninh phải giục, cô ta mới ão não nói:
- Ở cõi âm cô hồn này khiếp nấm mồ hoang lạnh lẽo lắm.
Ninh an ủi:
- Trong thư phòng không có cái giường riêng nào để nằm. Vả chăng anh trai em gái không nên quá gần cận, tránh hiềm nghi.
Cô gái miễn cưỡng đứng dậy, mặt ủ mày chau, tưởng sắp phát khóc, loạng choạng cất bước ra khỏi cửa. Cám cảnh xót thầm, Ninh muốn lưu cô ta ngủ giường khác song lại e mẹ la rầy.
Từ đó, chiều hôm cô ta múc nước, bưng thau hầu mẹ, xuống nhà chăm sóc việc nhà việc cửa, không điều gì là không theo ý mẹ. Vào khoảng xẩm tối, cô ta lại cáo lui, đi qua đầu thư phòng đốt đèn tụng kinh. Đến khi thấy Ninh sắp đi ngủ, cô ta mới buồn bả lủi thủi trở ra.
Từ lâu, vợ Ninh ốm nặng bỏ bê việc nhà, bà mẹ không kham được nhọc nhằn vất vả. Sau khi Tiểu Thiện đến, bà cụ được thư thái, trong lòng đã mến cô gái, rồi lâu dần càng yêu quý như con đẻ, không còn bị ám ảnh là ma nữa. Do vậy bà cụ không nỡ chiều chiều để mặc cô gái ra khỏi nhà mà lưu lại ngủ chung giường. Lúc đầu cô gái mới đến không hề ăn uống gì, nửa năm sau dần dần mới hớp miếng canh cháo. Cả hai mẹ con cùng thương yêu cô ta, kiêng không nhắc đến điều quỷ ma cho nên mọi người cũng không ai biết cô ta không phải là người.
Không bao lâu vợ Ninh chết. Bà mẹ muốn cho lấy Tiểu Thiện song lại sợ ma hại. Cô gái thoáng ý ấy, thừa dịp thưa với mẹ:
- Con về đã hơn một năm, hẳn mẹ hiểu thấu lòng con không phải đi gieo vạ cho người. Con theo công tử chỉ chăm chắm một lòng, không hề có ý khác, là vì thấy chàng quang minh lỗi lạc, cả trời và người đều khâm phục, cho nên thực lòng muốn nương tựa và phục giúp cho chàng để nhờ hơi được chút sắc phong (phong cáo. Thời phong kiến một người làm quan, cha mẹ vợ con thường được tặng phẩm hàm theo) hồn được vẻ vang ở dưới tuyền đài.
Bà mẹ cũng rõ rằng cô ta chẳng có ác tâm, song còn e không có cháu nối dõi. Nàng thưa:
- Con cái là do số trời. Tên chàng đã được ghi trong “sổ phúc”, rạng vẻ tông đường, có ba con trai, không vì lấy vợ ma mà bị cắt giảm.
Bà mẹ tin cùng con trai bàn bạc. Ninh được lời mừng lắm, sửa soạn cỗ bàn để cá với họ hàng bầu bạn. Có người muốn được coi cô dâu mới. Nàng trang điểm lộng lẫy, thản nhiên bước ra, người đầy một nhà, ai ai cũng trố mắt nhìn, không dám ngờ là ma mà cứ tưởng là tiên. Bởi vậy họ hàng nội ngoại đều biện lễ đến mừng, tranh nhau mời mọc làm quen. Còn Tiểu Thiện lại giỏi họa, nàng vẽ hoa lan, hoa mai lên giấy thước đưa tặng lại đáp lễ. Người nào được tặng đều vinh dự quý giá, bọc thật kỹ để giữ cho bền.
Một hôm, nàng cúi đầu đứng bên song, vẻ rầu rầu như mất vật gì. Đột nhiên nàng hỏi chồng:
- Cái bao da đâu rồi ạ?
Đáp:
- Vì mình có ý hãi nó, cho nên tôi bọc lại để chỗ khác.
- Em tiếp thụ được sinh khí đã lâu nên không còn sợ nó nữa. Chàng nên lấy về treo ở đầu giường.
Ninh hỏi sao phải thế? Nàng đáp:
- Ba ngày vừa rồi, tim em cứ hồi hộp không yên. Em e rằng lũ yêu tinh ở Kim Hoa hận em bỏ trốn đi xa, sớm muộn sẽ tìm cho bằng được.
Ninh đem cái bao da về, Tiểu Thiện lật trái lật phải xem kỹ rồi nói:
- Bao kiếm này, tiên đã dùng để bỏ đầu người. Nó đã rách nát đến thế này, không biết số kẻ ác bị giết là bao nhiêu? Bây giờ em trông thấy đây, vẫn còn sởn cả da gà.
Bèn đem treo. Hôm sau lại bảo Ninh đem treo lên trên cửa. Đêm đến nàng ngồi bên đèn, hẹn Ninh chớ ngủ. Bỗng có một vật như con chim bay rơi xuống. Tiểu Thiện hoảng sợ nép vào tấm rèm che. Ninh nhìn coi vật ấy hình như quỷ Dạ Xoa mắt lập loè như chớp, mồm nhễ nhãi những máu, tay chấp chới như chộp bắt, lừng lững tiến vào. Đến cửa nó dừng bước quẩn quanh, lúc sau tới gần cái bao da, lấy móng giật xuống tựa như muốn xé rách. Cái bao da tự nhiên “soạt” một tiếng, nghe như hai miếng cái sột đập vào nhau, từ trong bao một nửa hình quỷ ló ra, kéo giật Dạ Xoa vào bao. Bao co rút lại như cũ.
Chứng kiến sự việc kỳ lạ ấy, Ninh cũng bàng hoàng. Cô gái ra khỏi chỗ nấp mừng rỡ kêu lên: “Yên tâm rồi!” Hai người cngươilại cái bao, bên trong chỉ có độ mấy bát nước trong mà thôi.
Sau đó mâý năm, Ninh đỗ tiến sĩ, Tiểu Thiện sinh một con trai. Ninh lấy vợ lẽ, một vợ lại sinh một con trai nữa. Về sau cả ba con đều đỗ tiến sĩ, có danh tiếng đương thời.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch.