Củng đạo nhân, không có tên tự, cũng không biết là người ở đâu, có lần đến xin ra mắt Lỗ vương, nhưng người canh cổng không cho vào.
Có người thân tín trong vương phủ đi ra, đạo nhân vái chào và ngỏ ý muốn. Thân tín thấy ông xấu xa bẩn thỉu, lại xua đuổi thêm.
Ông đi rồi trở lại. Thân tín nổi giận sai thủ hạ vừa đuổi vừa đánh. Đến chỗ vắng vẻ không ai, đạo nhân cười và đưa ra cho trăm lượng vàng, nhờ kẻ đuổi theo nói hộ với vị thân tín kia rằng:
- Bản tâm ta không cần giáp mặt vương đâu, chỉ nghe tiếng vườn hoa sau vương phủ có cây cối lâu đài, đẹp nhất thế gian, nếu sẵn lòng dẫn ta đi xem một phen là đủ mãn nguyện.
Nói xong lại móc tiền bạc ra đút lót người đuổi theo mình. Anh này thấy tiền mừng rỡ, quay về thưa lại thân tín.
Thân tín cũng mừng, liền dẫn đạo nhân vào cửa sau, xem đủ mọi cảnh, rồi bước lên lầu. Thân tín đang đứng dựa bên cửa sổ, đạo nhân xô một cái, tự nhiên thấy mình té xuống bên ngoài, may có dây leo vướng bụng, thành ra treo tòn teng lơ lửng giữa trời. Ngó xuống thấy sâu thăm thẳm mà nghe dây leo kêu rắc rắc, dường như sắp đứt, sợ hoảng hồn xám mặt, thân tín kêu la vang trời.
Mấy tên thái giám chạy đến, trông thấy cũng sợ khiếp đảm, vì nhắm thân tín thấy cách xa mặt đất cao quá. Họ chạy tuốt lên lầu cùng xem, thì ra đầu dây cột vào bao lơn, muốn cởi ra để cứu nhưng thấy dây leo vấn vít cả nùi, nhắm bề không thể dùng sức mà tháo gỡ nổi. Đi tìm đạo nhân thì đạo nhân đã biệt tăm dạng, họ nghĩ bó tay hết kế, bèn chạy tâu cho Lỗ vương hay.
Lỗ vương đến mục kích lấy làm lạ, đành sai lính tráng rải cỏ khô và bông gòn dưới đất, rồi sẽ chặt đứt dây leo cho thân tín rớt xuống khỏi bể đầu nhừ xương. Công việc dự bị vừa xong, thì dây leo tự đứt mà chỉ cách mặt đất không đầy một thước thôi, ai nấy cùng tức cười.
Xong đó Lỗ vương sai người đi tìm xem đạo sĩ ở đâu. Nghe tin ông ở đậu nhà thầy tú tài họ Thượng, lính đến đó hỏi, thì ông đi ngao du chưa về. Họ thất vọng, bảo nhau trở về, may gặp ông ở giữa đường, liền dẫn tới trước mặt Vương.
Vương mời ngồi ăn tiệc, và yêu cầu đạo sĩ làm trò lạ cho xem. Đạo sĩ thưa:
- Thần là người quê mùa, chẳng có tài giỏi chi, nay ngài thương đến mà sai bảo, vậy xin dâng nữ nhạc để chúc thọ ngài.
Nói đoạn, mò trong tay áo ra một mĩ nhân đặt xuống đất; Nàng cúi đầu chào vương rồi đạo sĩ sai diễn tuồng Dao Trì tứ yến, chúc vương muôn năm. Nàng vừa ra sân khấu hát mấy câu, đạo sĩ lại thò vào tay áo lấy ra một người nữa, tự bạch là Tây Vương Mẫu. Giây lát nào Đổng Tiên Nga, nào Hứa Phi Quýnh, cả đám tiên cô trên trời, lần lượt xuất hiện. Sau hết tới Chức Nữ ra trò, hiến Lỗ vương một bộ áo trên trời, màu vàng rực rỡ, chói rạng khắp nhà.
Lỗ vương nghĩ là đồ giả, đòi xem tận nơi. Đạo sĩ vội vàng cản ngăn, nói rằng không nên. Vương không nghe, cứ việc lấy xem, quả nhiên áo trời liền lạc một mảnh, không có đường may nào hết, thật sức người không sao làm đặng. Đạo sĩ không vui, nói:
[ truyen cua tui @
@ Net 】 - Thần hết lòng tôn kính đại vương cho nên mượn bộ áo trời của Thiên tôn đem xuống, nay bị trọc khí nhuốm vào rồi, làm sao trả lại nguyên chủ được đây?
Lỗ vương lại nghĩ những nàng ca hát, tất đều là tiên cô, cho nên muốn giữ lại vài cô, nhưng khi nhìn kĩ, thì không ai khác hơn là con hát thường ngày trong phủ mình. Vương xoay ra ngờ khúc hát họ chưa từng học qua sao mà hát được? Hỏi ra chính họ mù mịt chẳng biết tại sao.
Đạo sĩ lấy bộ áo trời châm lửa mà đốt, rồi mới bỏ vào trong tay áo mình. Mới đó mà người ta khám xét, chẳng thấy dấu tích gì cả mới kì.
Từ đó, Vương rất trọng đạo sĩ, giữ ở trong phủ. Nhưng đạo sĩ từ chối, lấy cớ mình quen tính bình dân, ở cung điện xem như ở trong lồng chậu, không bằng ở nhà thầy tú tài quen, được tự do hơn.
Thế rồi ban ngày vô phủ Lỗ vương, nhưng thế nào tối cũng về nhà Thượng tú tài. Có lần Vương nài ép lắm thì cũng ngủ lại trong phủ. Mỗi khi giữa yến tiệc thường đảo lộn hoa cỏ bốn mùa để làm trò chơi. Vương hỏi:
- Ta nghe nói người tiên cũng chẳng khỏi động tình thích gái, có quả thế chăng?
Đạo sĩ đáp:
- Không chừng người tiên mới thế, còn tôi không phải người tiên, cho nên lòng như cây khô héo vậy.
Một đêm, ông ngủ lại trong phủ, Vương sai một ả đào non đến rình xem.
Nàng vào phòng, kêu mấy tiếng không nghe thưa, thắp đèn soi thấy đạo sĩ nhắm mắt ngồi trên giường. Lay gọi, ông hé mắt một chút lại nhắm nghiền lại. Lay gọi nữa thì tiếng ngáy khò khò. Xô đẩy thì liền thấy ngã lăn xuống giường mà vẫn ngủ say và ngáy vang như sấm. Gõ trên trán, chỉ thấy ngón tay mình đau như gõ vào nồi gang hũ sắt vậy. Nàng trở về phục mạng, kể rõ tình đầu cho Vương nghe. Vương sai lấy kim mà đâm. Kim đâm không vào. Người ta cố sức xô đẩy, thấy nặng không thể lung lay. Thêm mười mấy người nữa, xúm nhau khiêng ông quăng xuống chân giường, nghe có tiếng nặng trịch như tảng đá ngàn cân rơi huỵch xuống đất vậy.
Sáng ngày đến dòm, ông vẫn ngủ nguyên dưới đất. Tỉnh dậy cười và nói:
- Một giấc ngủ say, rơi xuống chân giường mà không biết.
Lần khác, Vương sai lũ con gái trẻ măng sắc đẹp, nhè lúc nằm ngồi, đến bên véo thịt ông làm vui. Nhưng bận đầu véo còn thấy thịt mềm, qua bận sau đã cứng như sắt đá rồi.
Đạo sĩ ở nhà Thượng tú tài, thường khi suốt đêm không thấy về, tú tài khoá cửa đi ngủ, tới sáng đã tháy ông ngủ vùi trên giường hồi nào.
Nguyên trước, Thượng tú tài nhân tình với đào hát Huệ Kha, đôi bên thề thốt lấy nhau. Huệ hát cực hay, đường tơ giọng hát vang dậy một thời. Lỗ vương nghe tiếng, vời nàng vào ở trong phủ hầu hạ, vì thế Thượng tú tài với nàng dứt tuyệt đi lại, nhiều khi thương nhớ muốn chết, mầ không có cách nào thông tin được với nhau.
Một đêm, Thượng hỏi đạo sĩ vào phủ có trông thấy Huệ Kha lần nào không? Đạo sĩ nói:
- Đào hát trong phủ đều thấy, duy không biết Huệ Kha là cô nào.
Thượng tả hình dung và cỡ tuổi, đạo sĩ mới nhớ ra. Nhân đó Thượng cầu nhắn giùm một đôi lời. Đạo sĩ cười nói:
- Tôi là người tu hành, không làm chim xanh cho ông đặng.
Thượng nằn nì mãi, đạo sĩ đưa tay áo lên và nói:
- Nếu nhất định muốn thấy mặt người yêu một phen thì chui vào đây, tôi đưa đi.
Thượng dòm bên trong thấy rộng rãi như cả gian nhà, liền chui mình vào, lại thấy lộng lẫy sáng sủa, bàn ghế, giường mùng, chẳng thiếu thứ gì, cho nên ở trong thấy sung sướng, không buồn rầu chút nào. Đạo sĩ vào phủ, ngồi đánh cờ với Lỗ vương, thừa dịp Huệ Kha tới gần, giả vờ phe phẩy tay áo để giũ bụi. Huệ Kha bị thu hút vô trong, mà chẳng một người nào trông thấy.
Khi đó, Thượng đang ngồi tơ tưởng một mình, chợt nghe có vật gì từ mái nhà rơi xuống, nhìn lại té ra Huệ Kha. Hai người sửng sốt mừng rỡ, kể lể tình xưa. Thượng nói:
- Cái duyên lạ lùng của đôi ta hôm nay, không lẽ không ghi nhớ bằng văn chương. Vậy tôi với mình làm thơ liên cú để kỉ niệm nhé.
Chàng nói rồi viết câu mở đầu trên vách tường:
Hầu môn thăm thẳm bấy lâu nay
Huệ Kha nối theo:
Ai ngỡ chàng Tiêu lại gặp đây
Thượng tiếp câu thứ ba:
Tay áo mênh mông trời đất rộng
Huệ Kha đọc câu kết:
Trai thương gái nhớ được sum vầy.
Viết bài thơ vừa xong, bỗng có năm sáu người áp vào, bịt khăn đầu rìu, mặc áo màu hường, nhìn ra đều không quen biết, mà họ cũng lẳng lặng không nói gì, chỉ bắt Huệ Kha dẫn đi. Thượng kinh hãi chẳng hiểu nguồn cơn tự đâu.
Về nhà đạo sĩ gọi Thượng ở trong tay áo ra, hỏi chuyện tình tự có hả lòng chưa, Thượng còn giấu giếm không nói hết, đạo sĩ mỉm cười, cởi áo lộn bên trong đưa cho chàng xem. Chàng nhìn kĩ thấy có tự tích lờ mờ, nhỏ tí, tức là bài thơ tình tự hai người liên cú hồi nãy.
Cách sau mười mấy hôm, chàng lại xin chui vào tay áo lần nữa. Trước sau gồm ba lần. Huệ Kha bảo Thượng:
- Em nghe trong bụng cục cựa, nghĩ mà lo quá, thường ngày em lấy lụa buộc bụng thắt lại, còn có thể giấu nhẹm được, nhưng trong vương phủ tai mắt rất nhiều, một mai ở cữ, làm sao giấu được đứa trẻ khóc oa oa, vậy chàng phải bàn tính với đạo sĩ, chừng nào em sinh đẻ, thì ông ra tay cứu cho mới đặng.
Thượng nghe lời, đêm ấy trở về quỳ mọp trước mặt đạo sĩ, chưa kịp nói chi, đạo sĩ đã nâng đỡ trở dậy và nói:
- Thôi mà, anh chị căn dặn nhau những gì, tôi biết dư rồi. Xin ông đừng lo, dòng giống nhà ông nhờ có một chút đó, lẽ nào tôi chẳng hết sức giúp đỡ. Nhưng từ nay trở đi chớ đòi chui vô tay áo nữa nhé! Tôi muốn báo đáp ông, chẳng phải nguyên ở tự tình mà thôi đâu.
Mấy tháng sau, một hôm đạo sĩ ở ngoài về, tươi cười và nói:
- Tôi đã rước cậu bé về đây, sửa soạn tã lót mau!
Người vợ Thượng vốn hiền lành, ngoài ba chục tuổi sinh nở mấy lần, chỉ nuôi được một đứa con trai, vừa lại sinh con gái, đầy tháng thì bỏ, nay nghe chồng báo tin, vui mừng khôn xiết, tức tốc chạy ra đón rước đứa bé.
Đạo sĩ thò vào tay áo, lấy đứa bé ra; Nó đang ngủ say và rốn chưa cắt. Vợ Thượng đón lấy bồng trên tay, bấy giờ nó mới khóc oa oa. Đạo sĩ cởi áo và nói:
- Máu đẻ vấy dơ cả áo thế này, đạo môn kị nhất. Nay vì sự giúp đỡ ông, mà vật cũ hai chục năm, bỗng chốc phải bỏ đi.
Thượng đưa áo khác cho đạo sĩ thay. Đạo sĩ căn dặn:
- Cái áo cũ của tôi, chớ nên bỏ uổng. Để làm thuốc trị bệnh hay lắm đó. Chỉ xé một miếng độ một chỉ mà đốt, hoà với nước nóng, có thể cứu được truỵ thai và sinh đẻ khó.
Thượng xin vâng lời.
Đạo sĩ ở một thời gian lâu nữa, chợt bảo Thượng:
- Chiếc áo cũ nên để dành nhiều ít, về sau tự mình cần dùng, điều đó sau khi tôi chết cũng không nên quên, nghe!
Thượng cho là lời nói bất tường, nhưng đạo sĩ lẳng lặng ra đi, vào phủ Lỗ vương nói:
- Tôi muốn chết bây giờ.
Vương thất kinh hỏi tại sao. Đạo sĩ thưa:
- Đó là số trời đã định còn phải nói chi!
Vương không tin, cố giữ lại chơi, đánh xong một ván cờ, đạo sĩ vội vàng đứng lên. Vương lại ngăn cản. Chừng xin phép ra nhà ngoài, Vương mới y cho. Đạo sĩ ra đó nằm vật mình xuống, xem lại thì ông đã chết rồi. Vương sắm sửa quan tài chôn cất đủ lễ. Thượng rất thảm, bấy giờ mới hiểu lời ông nói hôm nào tức là báo trước vậy.
Cái áo cũ ông để lại làm thuốc cho đàn bầ đẻ mau, thật là linh nghiệm. Người đến xin, chen vai nối gót ở trước cửa. Ban đầu còn cho cái tay áo có vấy máu, lần hồi xé tới cổ áo, bất cứ chỗ nào làm thuốc cũng hay. Sau nhớ lại câu đạo sĩ căn dặn, e chính vợ mình sẽ có tai vạ vì sinh sản, cho nên cắt lấy một miếng vải có máu, to chừng bàn tay, cất kĩ để dành.
Gặp hồi Lỗ vương có nàng ái phi chuyển bụng ba ngày không đẻ, bao nhiêu lương y đều bó tay. Có người mách Thượng có cách chữa tuyệt diệu. Vương gọi Thượng vào, quả thật chỉ một chén thuốc là ái phi sinh đẻ dễ dàng. Vương mừng hết sức, trả lễ bằng tiền bạc gấm vóc cực nhiều. Nhưng món gì Thượng cũng từ chối không nhận. Vương hỏi:
- Vậy anh muốn chi?
- Thưa, tôi không dám nói ra.
Vương gạn hỏi đôi ba lần, Thượng cúi đầu nói:
- Nếu đại vương ban ơn cho, tôi xin người đào hát cũ Huệ Kha là đủ.
Lập tức, Vương gọi nàng ra hỏi bao nhiêu tuổi. Nàng thưa:
- Thiếp vô trong phủ từ hồi 18 tuổi, trái 14 năm nay rồi.
Vương thấy tuổi nàng đã lớn, bèn cho phép Thượng chọn lựa trong đám đào hát son trẻ, muốn lấy cô nào cũng cho. Thượng không chọn cô nào cả, khăng khăng chỉ chọn cô đào già Huệ Kha mà thôi. Vương cười nói:
- Anh học trò này khờ quá, Hay là đôi bên đã đính hôn từ mười năm về trước chăng?
Thượng kể chuyện thật từ trước đến sau. Vương liền sai thắng xe ngựa chở cả Huệ Kha và những tiền bạc gấm vóc đã cho, để làm tư trang cho nàng đi về nhà chồng.
Đứa con trai Huệ Kha đẻ lúc trước tên là Tú Sinh, có ẩn nghĩa là đẻ trong tay áo, lúc này đã được 11 tuổi.
Hàng ngày vợ chồng nhớ ơn đạo sĩ, năm nào đến tiết thanh minh cũng đi viếng mộ.
Có người ở Tứ Xuyên lâu năm, gặp đạo sĩ ở giữa đường trao cho một quyển sách và nói đó là sách trong phủ Lỗ vương, vì đi vội vàng, quên chưa nộp lại, nay phiền đem về trả giùm.
Người đó về, nghe tin đạo sĩ đã chết, thành ra không dám tâu bày cùng Lỗ vương. Sau nhờ Thượng trả quyển sách và tâu hộ tự sự, Lỗ vương mở ra coi thì quả là một quyển sách của mình đã cho đạo sĩ mượn coi năm xưa. Nhân đó, Vương sinh nghi, đào mả đạo sĩ lên xem, thì ra chỉ còn cái hòm trống rỗng.
Về sau, chính thằng con trai của vợ Thượng sinh ra chẳng may chết yểu, nhờ có Tú Sinh nối dõi tông môn, đúng lời tiên tri của đạo sĩ.
Đào Trinh Nhất dịch