Giờ này vườn trẻ vốn chẳng có mấy đứa, vì gần đây có dì nhỏ hay sang chơi nên Đản Đản thường bầu bạn với Quan Quan cũng được đón từ sớm
Nhìn thấy con trai ngồi một mình, gần như lần nào cũng bị đón muộn nhất, trong lòng Chúc Chu cảm thấy rất có lỗi, nhìn thấy Quan Quan đi tới lập tức bế lên, để Quan Quan tạm biệt cô giáo, ôm Quan Quan về nhà.
Chúc Chu ôm con rất quen tay, bởi vì đã quen nên không thấy mệt, ai bảo đây là cục vàng cục bạc nhà anh chứ.
Vì bù đắp cho con, anh hôn nhẹ lên khuôn mặt nhỏ bé của Quan Quan: “Bảo bối, hôm nay con muốn ăn gì không, baba mua cho con.”
Hôm nay Quan Quan yên tĩnh đến lạ, dựa lên người Chúc Chu, nhẹ nhàng vòng tay ôm cổ Chúc Chu, khẽ lắc đầu, ra ý không muốn mua, không muốn ăn gì.
Chúc Chu cho rằng Quan Quan đang mệt, không nói liên tục nữa, lúc sắp về nhà, Quan Quan bỗng bật ra một câu.
“Con muốn ăn cơm baba làm.” Âm thanh nhẹ nhàng, mềm mại, tựa như sợ tăng thêm phiền phức cho Chúc Chu.
Chúc Chu ôm Quan Quan đi vào trong thang máy, xoa xoa đầu Quan Quan nói: “Sáng ngày mai baba làm bữa sáng cho con nhé, được không?” Công việc hiện giờ của Chúc Chu thoải mái hơn trước một chút, buổi sáng không có thời gian quy định như lúc trước. Có lúc Diệp Hàng không rảnh thì sáng anh cũng không cần đi làm. Mỗi sáng dạy y nấu ăn một hai giờ là xong, sắp đến giờ cơm thì rời đi. Diệp Hàng biết anh là đầu bếp nhà Thời Đường, tuyệt đối không chiếm dụng thời gian anh làm cơm cho Thời Đường.
Chỉ là thời gian rảnh khá rải rác, không thể đưa Quan Quan ra ngoài chơi một hai hôm, nhưng đợi anh được làm việc chính thức thì mỗi tháng sẽ có hai ngày được tự do sắp xếp, như vậy có thể rút ra hai ngày đưa Quan Quan đi chơi cho đã.
Anh nói xong hôn lên mặt nhỏ của Quan Quan một cái. Trên đời này, Quan Quan là người thân cận nhất của anh, cũng là người anh cần bảo vệ chặt chẽ nhất, anh hận không thể cho con những đồ tốt nhất. Không có ai yêu Quan Quan hơn anh, càng hy vọng Quan Quan được sống vui vẻ.
Nhưng người sống trên đời nhất định phải tạm buông tay một số thứ, không có ai được tự do làm theo ý mình, trẻ con cũng thế.
Chỉ có thể cố gắng hết sức khiến bé vui vẻ hơn một chút.
Quan Quan nghe thấy Chúc Chu nói như vậy, lộ ra khuôn mặt tươi cười, ngẩng đầu lên hôn hai má Chúc Chu.
Chúc Chu ngửa đầu ra sau: “Mặt baba đầy dầu, giờ đừng thơm.”
Quan Quan ôm chặt lấy Chúc Chu nói: “Bây giờ con muốn thơm thơm baba cơ.”
Chúc Chu cười bất đắc dĩ, trong ánh mắt lộ vẻ yêu chiều, thang máy mở ra, anh ôm Quan Quan ra ngoài, mấy lần Quan Quan muốn xuống tự đi, Chúc Chu đều cự tuyệt. Sau khi mở cửa vào nhà mới thả Quan Quan xuống đất, sau đó ngồi xổm xuống đổi dép cho Quan Quan.
Sau khi Quan Quan mang dép vào, lẹt xẹt lẹt xẹt đi vào phòng khách, bên cửa sổ trong phòng khách có một giá sách bày sách truyện và giá để đồ của bé, giá để đồ chủ yếu bày họa cụ, bảng vẽ của bé, còn có các loại bút nữa.
Quan Quan rất yêu thích vẽ vời, tranh vẽ ra như thư pháp, màu sắc thiên sáng, rực rỡ sắc màu, không đoán được bé vẽ cái gì, nhưng vừa nhìn đã thấy tâm tình vô cùng sảng khoái yêu đời.
Khi Chúc Chu còn bé cũng thích vẽ vời, nhưng lớn lên không vẽ nữa, cho nên đối với việc Quan Quan thích hội họa, anh cảm thấy đây nhất định được di truyền từ anh.
Bởi vì mẫu gen anh chọn ngày ấy rất đắt, đắt cũng có nghĩa là gen của đối phương rất tốt. Cho nên ngoài khả năng vẽ vời tốt của Quan Quan, năng lực học tập những thứ khác cũng rất tuyệt, thuộc những học sinh đứng đầu, khi phải trả lời câu hỏi, bé không chủ động trả lời, nhưng khi cô giáo gọi, bé luôn có thể trả lời rất rành mạch, chưa sai bao giờ.
Chúc Chu đã tham gia hai buổi tham quan của vườn trẻ, xem Quan Quan lúc lên lớp.
Cô giáo từng trao đổi với anh, nói Quan Quan rất thông minh, học mọi thứ rất nhanh, nhạc thiếu nhi học một lần là nhớ, dù là hát hay đọc vè đều vô cùng lưu loát, từng tiếng rõ ràng, thậm chí còn có thể đối thoại đơn giản với thầy cô dạy ngoại ngữ.
Lúc ấy bé mới chỉ là một bạn nhỏ học lớp mầm, Chúc Chu thề là ở nhà chưa từng nói chuyện tiếng anh với Quan Quan, cùng lắm là nói Ok với Yes thôi, ngược lại thì cho bé xem mấy phim cổ tích ngoại ngữ, nhưng lúc ấy bé không thích nói chuyện, chỉ lẳng lặng xem phim hoạt hình, không nói gì.
Chúc Chu nghe cô giáo nói vậy, biết chắc phương diện học tập của bé không phải di truyền từ anh rồi. Hồi anh đi học lúc nào cũng mơ mơ màng màng, ham chơi hơn ham học, mỗi lần đoạt giải cũng chỉ là mấy bằng khen trong khía cạnh vui chơi giải trí, còn hội họa hay khéo tay hay làm, ca sĩ linh tinh, thần đồng nhí gì đó, một tấm bằng khen anh cũng không có.
Cô giáo kết luận rằng, Quan Quan rất hiểu chuyện, nhưng có lúc hơi yên tĩnh quá mức, nếu cô giáo không dắt bé ra tham gia hoạt động thì bé có thể lẳng lặng tự mình làm cái gì đó, im lìm không nói lời nào.
Sau đó ở nhà Chúc Chu cũng cố gắng dẫn dắt Quan Quan nói chuyện, kỳ nghỉ hè kết thúc, Quan Quan tiến bộ hết sức rõ rệt, sẽ giao lưu cùng bạn cùng lớp, số lần nói chuyện ở nhà cũng nhiều lên, cũng kết được bạn thân của mình.
Bé trở nên sáng sủa hơn trước.
Tuy so với mấy nhóc tì bướng bỉnh bình thường, Quan Quan vẫn thuộc loại yên tĩnh.
Chúc Chu thay xong giày thì đi theo sau Quan Quan, thấy bé quỳ gối trên sàn nhà, đặt họa cụ và bảng vẽ lấy trên giá lên bàn, thuận miệng hỏi: “Hôm nay con ở vườn trẻ thế nào? Hình như hai ngày nay Đản Đản được đón sớm, lúc ba đến bạn ấy đã về rồi.”
Quan Quan cúi đầu, lấy bút của mình ra vẽ một đường màu xanh lam trên giấy trắng.
Bé nghe vậy thì đáp: “Vừa tan học thì Đản Đản đã được đón đi rồi.”
Chúc Chu tò mò hỏi: “Không phải Đản Đản là đồng bọn hay được đón muộn cùng con sao?”
Quan Quan nói: “Dì của bạn ấy tới đón.”
Chúc Chu liên tục ồ ấy tiếng: “Hiểu rồi, mấy hôm nay có dì của bạn ấy trông nên đón bạn ấy từ sớm.”
Quan Quan gật gật đầu, vẽ đường thẳng kia thành một đám mây, dáng vẻ nghiêm túc.
Chúc Chu nhìn thấy bé muốn vẽ bèn nói: “Chờ con vẽ xong rồi mình đi tắm nhé?”
“Vâng.”
Chúc Chu vào nhà bếp mở tủ lạnh ra nhìn, lúc này điện thoại bỗng kêu một tiếng.
Chúc Chu điện thoại di động để lên bàn, Quan Quan thấy là một tin nhắn, cao giọng gọi Chúc Chu: “Baba, có tin nhắn.”
Chúc Chu đi tới, mở ra xem, ảnh đại diện là ba của Đản Đản, là một tin nhắn thoại, vừa nhấn nghe thì thấy là tiếng của Đản Đản.
Nhóc gửi tin để nói chuyện với Quan Quan.
“Quan Quan, là cậu sao? Mình gọi cho cậu đúng không? Mình hỏi mẹ rồi, mẹ nói bây giờ mình có thể nói chuyện với cậu đó.” Ý của nhóc là “Quan Quan, cậu về đến nhà chưa? Mình có thể gửi tin nhắn thoại cho cậu không? Mình hỏi mẹ rồi, mẹ bảo giờ mình có thể nói chuyện với cậu.”
Quan Quan nghe được âm thanh của Đản Đản, nhìn về phía Chúc Chu.
Chúc Chu cười đưa điện thoại qua, sau đó mở chế độ rảnh tay, giao cho Quan Quan.
Quan Quan đặt bút xuống, cầm điện thoại lên, cũng không lâu lắm, trong điện thoại lại truyền ra giọng của Đản Đản
Mấy hôm nay vì Đản Đản có dì chăm, mỗi ngày được đón từ sớm, cứ như vậy, thời gian hai bé ở chung ít đi, Đản Đản rất nhớ đồng bọn của mình, nên mới không nhịn được mà gửi tin nhắn thoại cho Quan Quan.
Hai nhóc ngồi một bên thủ thỉ, nói mấy chuyện thiếu dinh dưỡng thậm chí khôi hài, Chúc Chu mặc kệ cho hai đứa tán gẫu.
Khi chuẩn bị quay về bếp, chuông cửa vang lên.
Chúc Chu đoán là anh hàng xóm, bởi vì lần trước anh đưa cho Chu Nhất Thành hai hộp hoành thánh.
Chúc Chu đi ra cửa, quả nhiên thấy được Chu Nhất Thành, trong tay y là hai cái hộp rỗng.
Chu Nhất Thành nhìn Chúc Chu ra mở cửa nói: “Cảm ơn hoành thánh của cậu, ăn xong rồi, hộp đã được rửa sạch, ăn quá ngon.”
Chúc Chu nhận lại hai cái hộp, mời Chu Nhất Thành: “Anh thích là được, muốn vào trong ngồi không?”
Chu Nhất Thành vung vung tay nói: “Tôi vừa tắm xong, mấy ngày nay tăng ca muốn điên luôn, cuối cùng hôm nay cũng xong, có thể ngủ ngon giấc. Giờ tôi phải đi ngủ bù cái đã, có thể làm hàng xóm với cậu, tôi thực sự quá hạnh phúc. Lần sau có làm cái gì ngon đừng quên tôi đấy!”
“Được, ngủ ngon.”
“Ngủ ngon.”
Đừng chỉ thấy Chu Nhất Thành luôn muốn ăn ké Chúc Chu, thật ra Chu Nhất Thành cũng không phải nhận đơn phương, thường thường khi đi công tác về còn mang quà cho Quan Quan, phần lớn là mấy món đồ chơi hoặc gấu bông hoạt hình mà trẻ con thích, giá cả phải chăng, sẽ không khiến Chúc Chu ngại giá quá đắt mà không tiện nhận, vậy cũng coi như đáp lễ.
Bên này Chúc Chu vẫn lo toan cho cuộc sống của mình như trước, bên kia Thời Đường còn đang hơi khó chịu.
Từ khi được trải nghiệm cảm giác có cơm hộp phục vụ tận cửa, buổi trưa Thời Đường ăn cơm mà không tài nào nuốt nổi.
Cũng không phải do cơm ở canteen công ty không ngon, thật ra canteen rất đa dạng, món tàu món tây, thậm chí món thái món hàn cũng không thiếu.
Nhưng dạ dày cùng miệng lưỡi của Thời Đường chỉ nhớ kỹ đồ ăn của Chúc Chu thôi, canh ở canteen vẫn không có được hương vị được cẩn thận chế biến như của Chúc Chu.
Thời Đường phân tích món canh này.
Canh của canteen, nguyên liệu rất phong phú, nhưng thời gian không đủ, vì theo đuổi hiệu suất, hầm xong thì vẫn luôn giữ ấm, đến khi mọi người dùng, nó không còn mới mẻ như lúc vừa nấu xong nữa, thêm nữa là mùi vị quá mức nhạt nhẽo, không ngon đậm đà được như của Chúc Chu.
Có câu nói, từ nghèo lên giàu thì dễ, từ giàu thành nghèo mới khó.
Giờ Thời Đường đã được nếm cơm hộp buổi trưa của Chúc Chu rồi, buổi trưa không tài nào ăn được thức ăn canteen.
Là một kẻ đứng trên cao đã tự thân phấn đấu nhiều năm như vậy, sao Thời Đường có thể không có chút nghị lực nào được? Trong lòng thì nhớ nhung cơm canh Chúc Chu nấu, nhưng không lập tức bảo Chúc Chu bắt đầu nấu cơm trưa đem cho hắn.
Giờ Chúc Chu còn chưa vượt qua thời gian thử việc.
Dù sau đó có muốn anh nấu cơm trưa cho hắn thì Thời Đường cũng phải đợi thử việc xong mới bàn bạc quy tắc chi tiết với bên đại lý.
Trong mắt Thời Đường, Chúc Chu chỉ làm một cỗ máy chế tạo mỹ thực, chưa đủ để hắn kết thúc thời gian thử việc sớm, cái gì cũng phải công tư phân minh.
Chúc Chu không biết ý nghĩ trong lòng ông chủ này, sau khi Quan Quan tán gẫu cùng Đản Đản xong, vì đã muộn lắm rồi nên không để Quan Quan vẽ tiếp nữa, đưa bé đi tắm rửa, sấy tóc, thay áo ngủ, dỗ bé ngủ.
Vốn Chúc Chụ định kể chuyện cổ tích cho Quan Quan, Quan Quan lại mở hai mắt thật to nói: “baba, con có thể tự ngủ mà.”
Chúc Chu cất truyện đi, nói: “Quan Quan của ba lớn thật rồi.” sau đó đặt một nụ hôn lên trán bé, chỉnh lại chăn mền cho bé, chúc con ngủ ngon rồi đứng lên, đi tới cửa tắt đèn đóng cửa rồi rời đi
Chúc Chu bận rộn cả ngày, trở lại phòng ngủ, nằm ở trên giường, đầu vừa dính gối đã tiến vào giấc ngủ.
Không biết qua bao lâu, Chúc Chu cảm thấy có gì đó chui vào chăn của anh, anh mở mắt, mò tay vào, mò được một bên vai tròn tròn, tiếp đó là cánh tay.
Là Quan Quan.
Quan Quan một tay ôm gối, đang chu mông chui vào chăn của Chúc Chu, người thì vào rồi mà cái mông vẫn lộ ra ngoài. Bé còn chưa kịp nằm vào lòng Chúc Chu đã bị Chúc Chu đột nhiên tỉnh giấc bắt quả tang.
Quan Quan bị Chúc Chu lôi vào trong ngực, lập tức nói với anh: “baba, con muốn ngủ cùng ba.” tay níu lấy áo ngủ của Chúc Chu.
Trước khi đi học, Quan Quan đều ngủ cùng giường với Chúc Chu, từ sau khi được đến lớp, Quan Quan liền ngủ ở phòng của mình, cái giường trẻ em kia vẫn quá to so với bé con.
Sau khi quen với việc ngủ một mình thì cũng chẳng có gì, thế nhưng hôm nay vào giờ nghỉ trưa, bé bỗng nhớ baba đến lạ, không nhịn được rơi nước mắt, tuy không ai phát hiện, nhưng bé vừa nằm lên giường của mình đã không ngủ được, muốn được dựa vào baba.
Rõ ràng baba vẫn đang ở nhà, nhưng bé vô cùng vô cùng nhớ ba, nhớ khí tức trên người ba, nhớ lồng ngực của ba.
Cho nên bé không nhịn được, trèo từ trên giường xuống, ôm gối của mình, thân thể nho nhỏ một mình lặng lẽ đến phòng ngủ của Chúc Chu.
Sau khi bị Chúc Chu phát hiện, bé lập tức níu chặt áo ngủ của Chúc Chu, sợ bị Chúc Chu đưa về phòng, âm cuối còn hơi run run, như thể nếu Chúc Chu không đồng ý thì bé sẽ bật khóc ngay.
“Baba…” Giọng bé mềm mại nhè nhẹ gọi Chúc Chu, tay nhỏ lắc lắc.