Tôi về chỗ ngồi. Nhưng tôi không đi bằng chân. Tôi như Tôn Ngộ Không, cưỡi mây, đã thế còn mây trắng, bồng bềnh.
Việt vụt đứng lên. Nó là đứa khá nhất trong bọn con trai, và do đó, luôn luôn ghen tị với đứa khá nhất trong bọn con gái:
-Thưa Thầy, bạn Ly xem phim “Gatsby” thì được 10 điểm. Còn em xem phim “Tèo Em” thì được bao nhiêu điểm ạ?
Thầy giáo ngạc nhiên nhìn nó:
-Thầy không cho điểm phim. Mà cho điểm Lịch sử qua phim. Bao giờ em tìm được sự liên quan giữa “Tèo Em” và Lịch sử, Thầy sẽ xét.
Bọn con gái rầm rộ vỗ tay. Bé Việt cô đơn ngồi xuống tẽn tò.
Dừng lại
Các bạn học sinh ơi, các bạn chắc chắn cũng như Ly Cún này, luôn luôn được thầy cô nhắc nhở là học phải đi đôi với hành.
Nhưng thực tế thì sao?
Thực tế là khi chúng ta đi ăn phở, luôn luôn thấy có hành. Đi ăn hủ tiếu cũng vậy. Đặc biệt, khi ăn cơm tấm, không có hành tươi thì cũng có hành khô. Ngoài ra không thấy hành ở đâu nữa hết.
Nói tóm lại, ta chỉ có khả năng học, mà không có khả năng hành, trừ khi đi ăn phở. Mà phở là món đắt, đâu ăn được thường xuyên. Và Ly Cún, Mai Tồ cùng các bạn cứ tưởng chuyện ấy đời đời không thay đổi.
Nhưng hôm nay, thầy giáo Lịch sử đã làm khác. Đã rắc hành không phải lên một món ăn, mà là lên cái đầu Ly Cún.
Tiếp tục
Khỏi phải nói, cái điểm 10 Lịch sử của tôi gây nên một cơn chấn động thế nào trong lớp 11A, và có thể trong cả trường cấp III An Hòa nơi tôi theo học, trong cả nền giáo dục, không chừng.
Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi biết học Lịch sử có thể không nhất thiết phải chúi mũi vào sách, vào bảng đen, mà có thể chỉ cần chúi mũi vào phim, vào kịch, vào ti vi và vào vô số thứ hấp dẫn khác.
Trời ơi, điều đó mới tuyệt vời làm sao?
Nếu như vừa vô rạp coi phim, vừa nhận điểm 10, thì còn đứa nào muốn trốn học nữa? Tin tôi đi.
Chuông reo. Tiết học chấm dứt. Học sinh ùa ra khỏi lớp.
Thầy giáo thu xếp sách vở, cho vào cái cặp vẫn đeo chéo ngang vai. Nếu học sinh nam mà không biết thì hãy nghe và nhớ lấy đây: Con trai đeo túi chéo qua vai luôn đẹp. Các nữ sinh cảm nhận rõ điều này. Vậy, trai tráng hãy làm theo.
Quai chéo làm con trai vừa oai phong vừa trẻ trung, lộng lấy. Hãy xem phim chiến tranh (Lại phim!). Sẽ thấy các chàng lính luôn luôn đeo chéo băng đạn trước ngực chứ không khi nào đeo lủng lẳng như cà vạt hoặc khoác trên vai lòng thòng như cái bị.
Thầy giáo dạy Sử không những đẹp trai mà còn biết cách giữ gìn, nâng cao vẻ đẹp đó. Ngược lại với bọn nam sinh trong lớp 11A, đã xấu còn ra sức làm xấu thêm. Đứa thì đi những đôi giày bẹp rúm ró, có lẽ ba thế kỷ rồi chưa rửa hay chùi một lần. Đứa thì mặc những cái quần lôi thôi, bèo nhèo, rộng thùng thình và bay phất phơ như miếng giẻ. Đứa thì cổ áo nhào nát, vạt áo cũng nhét trong một cái thắt lưng cũng nát nhàu.
Con trai đừng cứ ngoác mồm chê con gái là cứ mê các anh Hàn Quốc. Thử nhìn nam sinh Hàn Quốc đi, quần áo, đầu tóc đẹp đến mức bà già còn mê, sá gì tới nữ sinh.
Thầy đã bước xuống từ lúc nào, đi qua sát bên tôi, gật đầu:
-Chào Ki Ki.
Ơ. Ơ. Ơ. Ki Ki. Ki Ki. Thầy vẫn nhớ cái danh hiệu đó.
Tôi tê dại, đến mức không kịp chào lại. Thầy bước ra. Từ góc xa, thằng Việt hét toáng lên:
-Chợ Bến Thành, bà con ơi.
À quên, tôi chưa thông báo, trong lớp 11A có ba địa điểm: Chợ Bến Thành, khách sạn năm sao và rạp xiếc.
Chợ là những cái bàn ở giữa lớp, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể nhảy bổ vào tụ tập để phát biểu một điều gì đấy. Do bản chất chả đứa nào nghe lời đứa nào, chợ chỉ toàn hàng tôm, hàng cá.
Khách sạn năm sao là những cái bàn ở bên phải lớp, nơi mà bọn con gái thường tụ tập và lôi các thứ ra ăn. Tiệc ở đây chả thiếu món gì: cóc, ổi, xoài, xôi, bánh mỳ, xí muội. Khách sạn luôn có loại khách trơ tráo, không góp đồ ăn mà chỉ góp mồm.
Còn rạp xiếc là góc bên trái lớp, nơi học sinh phù phép, chép bài, chế tạo “phao”. Tiết mục chủ yếu nơi đây là ảo thuật. Thầy cô giáo tuyệt đối không khi nào được làm khán giả.
Ly Cún phi tới chợ, ở nơi đó, Việt vừa béo vừa lùn đang vung tay:
-Chúng mày ạ, tao thề là thầy dạy Sử không tốt nghiệp trường Sư phạm. Thầy là ca sĩ hoặc diễn viên, mới có lối cho điểm văn minh như vậy.
Minh gật gù:
-Văn minh. OK.
Nga chép môi:
-Tiếc rằng Thầy không dạy thêm các môn khác.
Sơn Bóng rụt rè đưa ra ý kiến:
-Đừng mơ mộng các em ơi, thầy cô nào cũng tỏ ra kỳ lạ ban đầu, rồi sau đó mới siết dây cương, lúc đó các em ná thở.
Nhân tiện nói thêm, Sơn là một chàng trai cơ bản là tốt, nhưng nó theo tâm trạng hoài nghi. Ví dụ như cho nó một cái bánh, lập tức nó nghi bạn sắp hỏi bài, hay bạn đang yêu nó.
Quang trầm ngâm:
-Không, tao thấy ông thầy này rất phức tạp, cư xử táo bạo, ngẫu hứng, phá cách.
Tôi dẫu môi, “xì” một cái. Tôi biết Quang là con của một nhà thiết kế nổi tiếng, mỗi lần quần áo của bà ta được trình diễn trên ti vi là lại nghe thấy bình luận câu “táo bạo, ngẫu hứng” đến ra rả cho nên những từ đó nó luôn luôn gài sẵn trong mồm.
Ngọc khoái chí cười hí hí nửa giống dê, nửa giống bê:
-Tớ không biết. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, tớ khoái môn Lịch sử.
Ô, điều đó thì đúng quá. Vụt một cái, như sao băng, như tia chớp, môn Lịch sử trở thành ngôi sao. Thầy giáo trở thành nghệ sĩ.
Mai Tồ quăng ra giữa chợ một câu bất hủ:
-Tớ thấy một điều rõ ràng: Những người đẹp trai làm gì cũng đúng.
Định lý đấy mới tuyệt làm sao. Mới chính xác làm sao.
Cùng một que kem, nếu chụp anh xấu trai đang bỏ nó vào mồm, ta chỉ liếc qua không tới nửa giây, đầu óc chả nhớ gì ngoài hàm răng anh lổn nhổn.
Nhưng cũng vẫn cây kem ấy, mà do một anh đẹp trai đưa lên miệng cắn, tấm hình được phóng to, treo ở ngã tư, chắc chắn sẽ có hàng triệu đứa con gái đứng sững lại nhìn, sau đó lao đi mua kem, dù có phải ăn trộm tiền của cha mẹ.
Cùng một chai nước ngọt, anh xấu trai cầm uống trên ti vi, các cô gái nhìn thấy vội vàng đi súc miệng. Nhưng khi một anh đẹp trai uống, các bạn gái hăng hái mua cả thùng nước, vừa uống vừa dội vào đầu.
Ly Cún có thể kể ra muôn vàn ví dụ khác để các bạn thấy từ màn ảnh, từ ti vi, từ pa-nô quảng cáo cho tới mấy tờ giấy dán ở hiệu thuốc tây, các anh đẹp trai tung hoành ngang dọc, ăn, uống, gọi điện, đi xe, gội đầu, uống thuốc đau bụng... khiến cả thành phố say mê, còn các anh xấu trai âm thầm, lượn lờ vật vờ như bóng ma bên dưới.
Cho nên nếu các bạn nam nào đọc tới đây thì cố gắng đẹp trai đi.
Như vậy, cái giờ Lịch sử vừa qua tuyệt diệu do thầy giáo đẹp trai hay thầy giáo văn minh? Mọi cặp mắt của bọn hàng tôm, hàng cá trong chợ lúc này đều đổ dồn vào Ly Cún, tức Phạm Ngọc Lưu Ly, nữ sinh duy nhất đạt điểm 10 Lịch sử trong quá trình tồn tại và phát triển của lớp 11A danh giá. Do đó Ly Cún kiêu kỳ, cân nhắc, dõng dạc nói từng chữ một:
-Thầy cho điểm như vậy là chính xác. Vì Thầy là Leonardo DiCaprio.
Cả khu chợ ngớ ra. Chả đứa nào hiều Ly Cún nói gì.
Tội nghiệp quá. Tội nghiệp vô cùng. Tội nghiệp tới mức đau thương.
Phần lớn học sinh lớp 11A thường đi xem phim, nhưng hoàn toàn không có thẩm mỹ ra hồn. Chúng chui vào rạp như ruồi chui vào mật vì các lý do sau:
-Hôm ấy giá vé giảm.
-Hôm ấy thầy giáo, cô giáo ốm, cúp cua.
-Hôm ấy đang chiếu một bộ phim ma, hoặc hài, do bạn bè đồn thổi.
Nhưng Ly Cún không thế. Nàng xem phim vì tài tử, như đã từng tiết lộ, Hàn Quốc nàng có Lee Min Ho, Mỹ nàng có Leonardo DiCaprio.
Lào và Campuchia nàng chưa có ai cả.
Nếu bạn dại dột hỏi Ly Cún Leonardo DiCaprio là gì, nàng sẽ kinh hãi nhìn bạn như nhìn một con chuột chết.
Đó là một nam tài tử đẹp đến dã man, hào hoa, dễ thương nhưng lại có một chút đểu giả, làm cho Ly Cún say mê.
Dừng lại
Nữ sinh không nên thích đểu giả, tôi biết thừa như vậy.
Cho nên các chàng trai đừng có chửi thề, đừng có xăm lên mình con diều hâu, con tắc kè hay còn gà, con vịt. Ly Cún sẽ không bao giờ liếc mắt tới, bởi đó là những thứ ngớ ngẩn, quê mùa đầy trong thùng rác. Còn Leonado DiCaprio thì khác. Những nét đểu giả của chàng rất đáng yêu và khác thường. Chàng nhếch mép, chàng vung tay, đều có một chút gì cao ngạo, sang trọng, bất cần. Đó là đểu giả pha oai hùng. Con gái nào cũng mơ thấy.
Tiếp tục
Khác với lớp 11A, Ly Cún xem phim theo tài tử. Từ “Titanic” cho tới “Bắn chậm là chết”, “Kim cương máu”, “Hòn đảo địa ngục” rồi tới “Gatsby vĩ đại”, hễ có chàng Leonardo DiCaprio là Ly Cún mua vé vào xem.
Đấy mới là khán giả cao cấp. Thầy Lịch sử không còn cách nào khác khi cho nàng Ly Cún điểm 10. Nếu Leonardo đứng trên bục giảng, chắc chắn chàng còn cho gấp đôi như thế.
Một người trên màn ảnh, một người trên lớp học, nhưng tất nhiên sẽ cư xử giống nhau, vì họ đều là hai trai đẹp.
Có thể giảng cho đám tôm cá đang ngồi ở chợ biết điều đó được không? Không!
Nên Ly Cún quay về chỗ, sau khi đưa ra một câu dự đoán:
-Giờ Lịch sử lần sau sẽ có nhiều điều phi thường và hấp dẫn đây.
Cả chợ đều nhất trí điều này.