Ở nhà họ Tống, trước giờ cô chưa từng được ngửi được mùi dầu thơm thế này. Ở nông thôn có thể tự trồng cải dầu, mặc dù mỗi gia đình không được chia cho bao nhiêu dầu nhưng cũng không cần phải có phiếu dầu thì mới mua được dầu như ở trên huyện. Cho nên khi nấu ăn, dù mọi người đều tiết kiệm dầu đến mức tối đa, song cũng không đến mức không có chút dầu nào. Nhưng nhà họ Tống lại là ngoại lệ. Với bà nội Tống mà nói, thứ con dâu mà ngay cả con trai cũng không sinh ra nổi, thế thì dầu cũng không có tư cách mà ăn, chút dầu được chia cho bà lấy thẳng đi, coi như đó là sự hiếu kính của nhà con trai thứ hai với mình.
Tống San từng láng máng nghe người ta nói, nhà bác cả cũng không ăn dầu đó mà lén mang lên huyện vụng trộm đổi thành tiền.
Cô lần theo mùi thơm đi đến phòng bếp. Lương Anh vừa bế con vừa ngồi nhóm lửa trước lò, thỉnh thoảng ném củi vào lò. Còn Trần Đông Mai phụ trách thức ăn trong nồi thì ra lệnh, muốn lửa to hơn thì bỏ thêm nhiều củi một chút, muốn lửa bé lại thì bỏ ít củi hơn.
Trong nồi tỏa ra hương nơm nức mũi, Trần Đông Mai bỏ cua vào chỗ bột đã được khuấy đều, lăn một lượt, rồi thả vào nồi, mùi thơm phưng phức lập tức tỏa khắp cả phòng.
Tống San nhìn Lương Anh vừa nhóm lửa vừa phải dỗ con, đi lên trước, vươn tay ra. “Chị dâu, để em bế Thần Thần cho!”
Tống San nói vậy xong, bản thân cô cũng đờ người, cách xưng hô như vậy với Lương Anh quả thực là trực tiếp buột ra. Lương Anh còn kinh ngạc hơn Tống San. Bình thường chị có bận hơn nữa thì cô em chồng này cũng tuyệt đối không giúp mình một tay, vậy mà bây giờ lại chủ động muốn bế Thần Thần.
Tên họ đầy đủ của Thần Thần là Lâm Thần. Cái tên này do Trần Đông Mai đặt. Ngay cả cháu trai nhỏ còn chưa thấy bóng dáng đâu dì cũng cùng đặt tên luôn rồi - Lâm Dạ, một sáng một tối, vừa nghe đã biết đây là hai anh em cùng một nhà.
Lương Anh muốn từ chối, chị có bận hơn nữa thì cũng không thể gây rắc rối gì cho cô em chồng này. Huống hồ trẻ con một tuổi đang là thời nghịch ngợm, cô em chồng còn là một cô bé, sức nhẫn nại có hạn, bế một lát trêu một lúc thì không sao, chứ bế lâu hơn sẽ thấy phiền ngay.
Kết quả là Lâm Thần vươn hai cánh tay nhỏ ra, Tống San lập tức đón lấy cu cậu.
Lâm Thần cười với Tống San.
“Hóa ra thằng nhóc này thích cô nó à.” Trần Đông Mai vui vẻ nói.
Trần Đông Mai dùng một chiếc bát lớn hớt cua lên, sau đó lại múc dầu còn thừa ra. Tống San nhìn qua, trong nồi gần như không còn lại dầu nữa. Bây giờ mới bắt đầu xào rau.
Tống San cầm một chiếc càng cua lên, thổi cho nguội bớt, trêu Tiểu Thần Thần. Nhóc con quả nhiên rất thích, hớn hở liếm, khua khoắng bi bô với Tống San, đòi tự cầm, không chịu cho Tống San cầm.
Mà Lâm Bình và Lâm An lùa gà vịt vào tổ xong thì cũng bắt đầu chạy vào bám trụ trong bếp.
Lâm Bình nhìn con trai, mặt mày vui vẻ. “Thằng nhóc này cũng biết cái gì tốt đấy nhỉ.”
Trần Đông Mai lập tức tiếp lời: “Cảm ơn trời đất là không giống anh.”
Lâm Bình sờ mũi, chỉ cười, cũng không phản bác lời mẹ. Từ nhỏ đến lớn, Lâm Bình và Lâm An đều đã nuôi dưỡng một thói quen: lời mẹ nói nhất định đều đúng, nếu mà không đúng, vậy thì chắc chắn sẽ bị bố đánh, đợi bị đánh đau rồi sẽ biết lời mẹ nói tuyệt đối chính xác không thể sai đi đâu được.
Còn Lâm An thì lén lút cầm chút cua lên ăn, bị Trần Đông Mai lườm cho một cái cháy mắt.
Lâm Kiến Nghiệp xử lý chỗ tre tươi vừa mới chặt về ở ngoài sân, nghe thấy âm thanh truyền từ trong nhà ra, khuôn mặt nhăn nheo cũng tụ lại thành nụ cười, động tác tay cũng nhanh hơn. Trước tiên là dùng dao phay chặt tre thành từng thanh đều nhau, sau đó vót tre, lớp bên trong màu vàng thường không cần tới, được dùng làm củi, phần bên ngoài rất hữu dụng, đùng để đan gùi, nong, giỏ, cả chiếu và lồng tằm đều cần chúng, bởi vì mặt này của tre dai hơn nên mới có thể đan thành các vật phẩm cần dùng trong cuộc sống.
Chỗ tre này đương nhiên là của chung. Bắt đầu từ tháng sau, mọi người phải lục tục thu hoạch ngô rồi, phải chuẩn bị rất nhiều gùi và giỏ. Nhưng đan những thứ đó luôn thừa lại một ít tre, có thể đan thành một vài thứ đồ cho nhà mình. Đây có lẽ cũng được coi như phần thưởng miễn phí cho những ai đã đan những thứ đó. Chiếc gùi nhỏ và chiếc giỏ nhỏ tinh xảo của Lâm Tố Mỹ đều có được như vậy.
Khi Lâm Kiến Nghiệp đan giỏ, bên cạnh cũng có một vài bạn nhỏ trong thôn ngồi xem. Lâm Kiến Nghiệp đan một hồi thì cầm những mảnh tre ở bên trong không cần đến nữa lên rồi tết thành một vài chú chim cho đám trẻ. Lâm Kiến Nghiệp cũng chỉ biết tết một hai loại động vật nhỏ, dẹt một chút là chim cu gáy, thân phồng thì chính là chim bình thường.
Lúc khói từ ống khói của các hộ gia đình trong thôn bốc lên, các bạn nhỏ lần lượt bị người nhà gọi về. Khi các bạn nhỏ ở bên cạnh Lâm Kiến Nghiệp chạy về nhà hết, bữa cơm của nhà họ Lâm cũng đã xong.
Lâm Kiến Nghiệp đi rửa tay, hai anh em Lâm Bình và Lâm An đi xới cơm, Trần Đông Mai thì lấy đũa, sau đó cả nhà ngồi bên nhau, hưởng thụ bữa cơm tối này.
Cua đương nhiên là sự tồn tại được chào đón nhất. Quanh năm hiếm lắm mới thấy chút đồ mặn, chứ bình thường đều ăn cháo khoai, có thể ăn một bữa cua, chắc chắn được coi là một bữa ăn thịnh soạn.
Lâm An giải quyết một chú cua lớn, rồi chậc chậc hai tiếng. “Sao Tạ Trường Du đó có sở trường mò cua thế nhỉ, con nào con nấy to bổ chảng, nếu mà là con đi mò thì đều là mấy con tôm bé tí thôi.”
Lâm An chẳng nói quá chút nào. Anh chàng đi mò cua, cua to bằng móng tay là nhiều nhất, bản thân anh chàng cũng ngại mang về cho người nhà.
Lâm Bình cũng cảm thấy chuyện này kì lạ. “Chắc là nó trời sinh đã có duyên với thịt thà cá mú rồi, nó đâu chỉ biết mò cua, còn có cả lươn chạch nữa, mấy năm trước còn cùng Quách Chí Cường bắt được một con lợn rừng đấy còn gì!”
Khi ấy Tạ Trường Du và Quách Chí Cường quả thực là anh hùng trong lòng người dân. Hai người họ bắt về được một con lợn rừng. Nhà nào trong thôn cũng đều được chia cho một chút, mọi người cũng có được chút mỡ lợn. Sau đó, ngày nào Tạ Trường Du và Quách Chí Cường cũng nhận được ánh mắt nồng nhiệt, thân thiết của người dân trong thôn. Người ta hy vọng ngày nào đó hai người họ lại bắt được một con lợn rừng nữa về. Kết quả là cặp anh hùng này khiến người ta đến với ánh mắt hy vọng rồi đi với ánh mắt thất vọng.
Đâu ra nhiều lợn rừng như thế chứ? Chắc chắn là chạy ra từ trong núi sâu, mà trong núi sâu có động vật gì, không ai biết được. Thanh niên mấy thôn bên cạnh nghe nói đến chuyện đó, còn có người cũng chạy vào núi sâu, thế rồi lợn rừng thì chẳng thấy đâu mà lại gặp phải rắn độc. Có một thanh niên bị rắn độc cắn, sau khi về nhà, vợ anh ta hút máu độc ra cho anh ta, kết quả là hai vợ chồng cùng dính độc mà chết. Sau khi chuyện đó xảy ra thì mới không có ai chạy vào trong núi sâu nữa. Thịt thà tuy tốt, nhưng trước phải có cái mạng đã.
Lương Anh nghe mấy câu thì vô cùng có hứng thú. “Nói vậy thì cậu ta thật sự học được tay nghề săn bắn của ông già nhà cậu ta rồi? Thế thì càng nhiều cô gái muốn gả vào nhà cậu ta nhỉ.”
Thời buổi này ăn được chút thịt chẳng dễ dàng gì, cho dù không nói đến thịt thì ngay cả lương thực cũng chẳng có nhiều. Mọi người vất vả trồng hoa màu, không ai dám lười biếng, nhưng sản lượng cũng không cao. Bởi nguyên nhân này, đội trưởng đội sản xuất lại nhắc tới việc khai hoang, có thể khai phá ra thêm một mảnh ruộng thì có thể trồng thêm chút hoa màu.
Nhưng không ai dám chê bỏ cuộc sống thế này, có được chút cháo mà húp đã là không tệ rồi. Có vài nơi người dân ở đó lười biếng, cũng không trồng hoa màu cho hẳn hoi, ai ai cũng đói lả, những người vụng trộm bán con gái cho người khác chẳng ít.
“Ăn cơm cũng không bịt được cái miệng mấy đứa bay lại.” Trần Đông Mai nghe vậy nên không vui. Đừng nói là đám chúng nó, bản thân dì cũng nghe thấy rằng có không ít người muốn kết thông gia với nhà họ Tạ, nghe thì cứ cảm thấy khó tả.
Mấy năm trước là lúc chính sách không tốt, nhà họ Tạ có thể săn bắn cũng phải vụng trộm, không dám quang minh chính đại. Còn bây giờ đã khác, những vật phẩm săn bắn được có thể mang lên huyện bán, cũng không có ai quản. Mọi người đều nói chính sách đã khác, mua bán đều đường đường chính chính. Nhưng những người thực sự dám chẳng được bao nhiêu, họ sợ chính sách lại quay về như trước, thế thì không phải là toi rồi sao?
Bây giờ cuộc sống của nhà họ Tạ quả thực càng ngày càng lên đời rồi.
Trần Đông Mai nhìn hai con trai với ánh mắt ghét bỏ – Người ta có thể mò cua, có thể bắt lươn bắt chạch, vì sao hai đứa mày không thể? Người ta có thể bắt được lợn rừng, dù rằng chỉ có một lần, vì sao hai đứa mày ngay cả một con thỏ cũng không bắt về được?
Người so với người đúng là tức chết người, con trai so với con trai đúng là muốn bỏ quách con trai đi cho xong.
“Ăn ăn ăn, chỉ biết có ăn, còn biết ăn hơn cả lợn nữa.” Trần Đông Mai trừng mắt nhìn Lâm An đang tiếp tục cầm cua lên.
Lâm An cầm càng cua, cầm không được, bỏ về cũng không xong, mặt đần ra.
Tống San muốn cười, nhưng cô nhịn lại. Lâm Bình và Lâm An ngày ngày bận bịu như thế, làm toàn những công việc tốn sức, đương nhiên sẽ ăn nhiều. Sức ăn của cô ít, ăn một bắp ngô, lại húp thêm nửa bát cháo đã thấy no.
Trần Đông Mai gỡ hai chiếc càng cua ra rồi mới đưa cho con gái, bởi vì dì biết con gái thích ăn thịt ở bên trong nhưng lại chê gỡ cua phiền phức.
“Con cảm ơn mẹ.” Tống San buột miệng. Sự kinh ngạc mà cách xưng hô này mang đến bị cái cúi đầu của cô che khuất. Sau đó cô vừa ăn, vừa giấu đi nhịp tim đang đập dồn dập.
“Mẹ” - cách xưng hô này, cô vừa khát khao vừa đấu tranh, vào lúc này nó lại buột ra.
Trần Đông Mai cười hớn hở. “Quả nhiên vẫn là Tiểu Mỹ ngoan nhất. Mẹ nuôi hai đứa mày mấy chục năm, hai đứa mày đã từng nói cảm ơn mẹ chưa hả? Một lần cũng không có.”
Lâm Bình và Lâm An lập tức cúi đầu, ngoan ngoãn húp cháo.
Lâm Kiến Nghiệp cũng nheo mắt lại, gắp thức ăn cho vợ. “Đừng chỉ lo cho Tiểu Mỹ, bà cũng ăn đi.”
Lòng Trần Đông Mai ngọt ngào, dì dịu dàng gật đầu. Trần Đông mai lúc này đã không còn bóng dáng mỹ nhân như trước đây nữa, thân hình thay đổi, mặt cũng có nếp nhăn, nhưng trong mắt Lâm Kiến Nghiệp, bà vẫn trẻ trung xinh đẹp như hồi lấy ông.
……
Bên phía nhà họ Tạ cũng đang ăn tối, màu sắc các món ăn không khác mấy với nhà họ Lâm. Tạ Trường Du không quen ăn món luộc nhạt thếch. Thế nên sau khi bán các động vật nhỏ mà mình săn bắn được, nhà họ Tạ đều sẽ mua dầu thực vật ở cửa hàng dầu trên huyện. Cho nên lượng dầu trong các món ăn của nhà họ Tạ quả thực cao nhất trong đội sản xuất. Cũng không khó tưởng tượng vì sao theo sự trưởng thành của Tạ Trường Du, anh trở thành người trông “ngon lành cành đào” trong thôn. Trần Tư Tuyết ra khỏi nhà thì sẽ luôn có người đến dò hỏi xem nhà họ có suy nghĩ gì về chuyện hôn nhân đại sự của Tạ Trường Du.
Tạ Trường Du gặm xong một bắp ngô, Trần Tư Tuyết thuận tay đưa bắp ngô còn lại qua. Hành động này của dì khiến Tạ Trường Bình bất mãn bĩu môi. Bố mẹ mình đúng là trọng nam khinh nữ, thương yêu nhất vẫn là cái thằng Tạ Trường Du không có lương tâm này.
Tạ Trường Du cười, nhưng không nhận. “Con không muốn ăn nữa, bố mẹ, bố mẹ nếm thử đi, con cảm thấy hương vị được lắm.”
Tạ Trường Bình nghiêng đầu nhìn anh. “Dù hương vị được, nhưng không nhìn xem ngô này họ gì à.”
Tạ Trường Du chia ngô thành hai nửa, một nửa cho mẹ, một nửa cho bố. Trần Tư Tuyết và Tạ Minh nhìn động tác của con trai, không đành lòng từ chối nữa. Vì con trai nghĩ đến họ, lòng họ như thấm mật, đôi mắt cũng đong đầy nét cười.
Tạ Trường Du gõ bát của Tạ Trường Bình. “Ăn cơm của chị đi.”
“Như mày mới gọi là ăn cơm, còn như tao gọi là húp cháo khoai.” Tạ Trường Bình hừ một tiếng. Chị thật sự bất mãn với thói quen xấu này của Tạ Trường Du. Thằng này không thích ăn khoai, chỉ húp cháo. Điều khiến người ta câm nín nhất chính là mọi người còn thuận theo nó.
Tạ Trường Du cũng hơi bất đắc dĩ. Chỉ là anh không thích ăn cái món đó thôi, quanh năm suốt tháng đều là nó, thật sự là nhìn thôi đã thấy chán ngán rồi.
“Được rồi, đừng chành chọe mãi với em nữa.” Trần Tư Tuyết nhìn con gái, gắp con cua to nhất cho chị. Tạ Trường Bình quả nhiên hài lòng thỏa mãn, không nói gì nữa.
Tạ Trường Du lắc đầu, con gái ấy à, đúng là một loài động vật phức tạp.