Bởi có một thời gian Thẩm Tề không về nhà dùng bữa tối.
Trước đây, cho dù bận rộn thế nào chàng cũng sẽ về dùng bữa. Tôi nói với chàng bận quá thì không cần về nhà ăn đâu, nhưng chàng vẫn kiên trì trở về.
Dường như chàng rất muốn dùng bữa tối ở nhà. Có lẽ bận rộn cả một ngày nên muốn về nhà thư giãn, nghe chúng tôi nói chuyện cũng nên.
Nhưng dạo gần đây, gần như cả ngày cũng chẳng thấy mặt chàng đâu. Nếu nửa đêm thức giấc không thấy chàng nằm cạnh thì tôi nghi ngờ chàng không về nhà luôn ấy chứ.
Tôi cũng bóng gió hỏi thăm Thẩm Tề với cha nhưng hai người chỉ bảo có chút việc bận, một thời gian nữa là ổn.
Tôi không tin lắm.
Thế rồi hôm nay Thẩm Tề về nhà rất sớm. Người gầy xọp đi.
Lúc này tôi mới biết, Thẩm Tề gặp rắc rối khi biên tập và tu sửa sách sử.
Việc này nói lớn thì không lớn mà nói nhỏ cũng không nhỏ.
Chuyện là Thẩm Tề viết lại số lượng bạc mà các đại thần quyên góp và quốc khố đã xuất ra để giải quyết thiên tai lương thực năm ngoái.
Đây vốn cũng không có vấn đề gì. Nhưng lần cứu trợ thiên tai lương thực này, tiền quốc khố xuất ra không bằng tiền quyên góp của các đại thần. Chuyện này lại được viết rõ mồn một ra thì sao Thánh thượng vui cho được, giống như quốc khố còn không bằng nhà đại thần. Hơn nữa trùng hợp ở chỗ, đại thần quyên góp nhiều nhất chính là cha tôi. Những vị đại thần khác thì quyên góp tượng trưng lấy lệ, cực kỳ rất ít ỏi.
Cũng không biết vì sao năm ngoái cha tôi lại từ bi quá, quyên góp gần bằng tiền quốc khố xuất ra luôn.
Chuyện này vốn đã nhạy cảm, mà Thẩm Tề lại còn là con rể nhà tôi… Thánh thượng không nghĩ nhiều cũng khó.
Bây giờ Thánh Thượng chỉ nói chàng cần mẫn vất vả, cho chàng về phủ nghỉ tạm mấy ngày. Song, người sáng suốt đều biết đây là Thánh thượng đang phạt chàng.
Bên ngoài ai nấy đều mỉa mai châm chọc, nói Thẩm Tề tự mình chọn được ông cha vợ tốt, ỷ là mình có bệ đỡ nhưng chẳng bao lâu đã gặp chuyện.
Tuy không dễ nghe, nhưng cũng có lý. Chuyện này đúng thật giống như cha vợ và con rể đang kiêu ngạo kể công.
2.
Thẩm Tể chẳng ăn uống gì.
Hôm nay cha với mẹ tôi cũng không có hứng nói đùa.
Cảm giác không chịu nổi bầu không khí như vậy, tôi gọi Tuyết Yên tới, dặn dò em ấy mấy câu.
Sau đó, tôi kéo Thẩm Tề đứng lên.
- Cha mẹ ơi, con với Thẩm Tề ra ngoài một chuyến. Cha mẹ cứ ăn trước đi nhé.
Tôi kéo Thẩm Tề đi, đầu tiên là bảo chàng đi tắm, rồi giục chàng thay đồ để ra ngoài.
Thẩm Tề chẳng có ý kiến gì, thoạt nhìn hơi uể oải.
Không chịu nổi dáng vẻ chậm chạp của chàng, tôi thúc giục năm lần bảy lượt, cuối cùng chúng tôi mới đi ra ngoài được.
Tuyết Yên đã chuẩn bị một ít điểm tâm trong xe ngựa.
Tôi hỏi:
- Ta hơi đói, chàng không ăn hả?
Chàng đáp:
- Ta không đói lắm. Nàng ăn trước đi, lát nữa ta lại ăn.
Không ăn thì thôi vậy, tôi thầm nghĩ.
Dường như lúc này chàng mới phát hiện ra, hỏi:
- Chúng ta đi đâu vậy?
- Đi khắc biết!
3.
Sau khi xuống xe ngựa, Thẩm Tề nhìn tôi, hỏi:
- Chúng ta là…
- Đi chơi thuyền.
Trời đã vào hạ, sen nở khắp hồ. Bởi vì nơi đây được coi là địa điểm du thuyền nổi tiếng ở kinh thành nên lá sen trong hồ thường xuyên được cắt tỉa để thuyền nhỏ có thể chèo qua xuyên qua.
Lúc này mặt trời đã ngả về tây, ráng chiều phủ một màu vàng óng lên hoa sen và mặt nước. Người đi chơi thuyền đều đã về nhà cả, thuyền nhỏ xếp lần lượt trên bờ.
Tôi kéo Thẩm Tề đến cạnh một con thuyền nhỏ, khẽ hất cằm rồi nhìn chàng.
Thẩm Tề cười, nắm tay dìu tôi ngồi lên thuyền nhỏ.
Thấy tôi đã ngồi vững, chàng khom người cởi dây thừng, cầm hai mái chèo đặt lên thuyền rồi đẩy thuyền xuống nước.
Sau đó chàng lại nhanh nhẹn sải bước lên thuyền.
Nhìn động tác sải bước của chàng, tôi thầm nghĩ, vòng eo này thon đấy, không tồi đâu. Quả nhiên gầy trông phong lưu hơn nhiều, tôi rất thích.
Lên thuyền xong, tôi lấy khăn trải trên bệ đứng, lấy ít điểm tâm và nước đem theo trên xe ngựa ra.
Thẩm Tề vừa chèo thuyền vừa nhìn tôi, khẽ mỉm cười.
Tôi bất mãn nói:
- Chàng đừng cười, vất vả lắm mới đi chơi được thuyền, ta phải chuẩn bị cho tốt.
Thẩm Tề thấy thế cũng chẳng nói gì thêm, chỉ dừng lại, hít một hơi thật dài, ngả người nằm trên thuyền nhắm mắt lại.
Tôi biết chàng thật sự rất mệt, cũng không nói chuyện nữa.
Thuyền nhỏ theo dòng trôi lững lờ. Tôi ăn điểm tâm, thỉnh thoảng uống mấy ngụm nước.
Tiếng người họp chợ ở đằng xa truyền lại, bên tai là mái chèo va chạm với thuyền gỗ “lạnh cạnh”, khoang mũi ngập tràn mùi hoa sen thanh mát, thỉnh thoảng mấy chiếc lá sen bị gió thổi lướt qua mặt và tay.
Tôi biết chàng vẫn chưa ngủ.
Vào khoảnh khắc gió đêm ngày hè thổi đến này, chỉ hai người chúng tôi cùng nhau cảm nhận được gợn nước lăn tăn, nắng tàn chiều muộn và hương sen thơm mát.
4.
Qua một hồi lâu, tôi thấy hơi chán, định ngắt một đài sen chơi.
Tôi vừa cử động thì thuyền gỗ chợt “kẽo kẹt” một tiếng.
Tôi ngoảnh lại ngượng ngùng nhìn Thẩm Tề mỉm cười. Quả nhiên chàng mở mắt ra, ánh mắt hơi nghi hoặc.
Tôi chỉ vào đài sen kia, nói:
- Ta muốn hái cái đó…
Thẩm Tề ở đuôi thuyền. Chàng giơ tay hái rồi đưa cho tôi.
- Cám ơn.
- Không có gì. Nàng thích ăn cái này hả?
- Ừm… cũng không phải, ăn cho vui thôi.
Nhớ đến chàng là người Giang Nam, tôi tò mò hỏi:
- Mùa hạ ở quê chàng hẳn có nhiều hoa sen lắm hả?
Chàng từ tốn nói:
- Có, nhiều lắm, khắp hồ toàn là hoa sen.
Tôi hỏi tiếp:
- Vậy các chàng có đi chơi thuyền không?
- Có, nhưng không tới chỗ hồ hoa sen như vầy.
- Vì sao? Người Giang Nam không thích hả?
Thẩm Tề giải thích:
- Không phải, vì nhiều hoa sen nên có nông dân chuyên hái đài sen. Vì thế chỗ trồng nhiều sen sẽ không cho người ta tới gần.
Chàng nói tiếp:
- Hơn nữa kênh rạch đều chảy ngang qua nhà dân. Mọi người từ nhỏ đã đi thuyền trước cửa nhà mình chán chê rồi, nên đi chơi thuyền cũng chẳng có gì mới mẻ cả…
Trò chuyện một hồi lâu, thấy chàng chẳng khác ngày thường là bao, tôi mới hỏi:
- Bây giờ chàng… đã khá hơn chút nào chưa?
Chàng như nhớ đến chuyện gì đó, miệng thì nói “ổn hơn rồi” nhưng cả người lại hơi mệt mỏi.
Tôi tiếp tục an ủi chàng:
- Ta biết cả rồi. Thật ra không phải chuyện gì lớn đâu. Chàng mới vào triều, chưa hiểu mấy quy củ trong đó. Thánh thượng hẳn sẽ biết, không làm khó chàng đâu.
Chàng chẳng nói gì.
Tôi lại nói tiếp:
- Thánh thượng chỉ nói chàng nghỉ ngơi mấy ngày thôi mà. Vừa lúc nghỉ ngơi mấy hôm, sau lại đi Hàn lâm việc làm việc.
Chàng lên tiếng:
- Chuyện này không đơn giản vậy đâu. Có lẽ mấy ngày nữa Thánh thượng sẽ hạ chỉ giáng chức của ta.
Người này sao cứ nghĩ tới mấy tình huống xấu không vậy, tôi nói:
- Giáng chức thì sao nào? Là biếm chức không cho chàng làm quan nữa? Là không cho chàng cơ hội nữa? Chẳng phải chàng tự tin vào bản thân mình, tuy có chỗ dựa là cha ta rồi nhưng người ta cũng không thể coi thường bản lĩnh của chàng đấy sao? Bây giờ chàng không nghĩ vậy nữa hả? Lại nói, hiện tại Thánh thượng đã hạ chỉ đâu, chưa chắc đã giáng chức của chàng mà. Bây giờ chàng nghĩ mấy chuyện này để làm gì?
Tôi nhìn vào mắt chàng:
- Chuyện chưa tới đường cùng ắt vẫn còn hy vọng. Trên đời này nào có nhiều đường cùng như thế? Nghĩ đến tình huống xấu nhất cũng không sai nhưng chuyện gì cũng nên nhìn về phía trước, đừng tự từ bỏ bản thân.
Chàng nhìn tôi mãi một hồi lâu không lên tiếng. Đôi mắt chàng loé lên một tia sáng.
5.
Chẳng biết qua bao lâu, lúc bình tĩnh lại tôi thấy hơi xấu hổ.
Thấy chàng vẫn còn nhìn tôi chăm chú, tôi né ánh mắt của chàng, bẻ một lá sen, nằm xuống đắp lên che mặt.
Tôi loáng thoáng nghe được tiếng cười của chàng. Thuyền gỗ lại kêu “kẽo kẹt”, chàng cũng nằm xuống theo.
- Vạn Y, cám ơn nàng.
Giọng nói chàng từ đuôi thuyền truyền tới mũi thuyền.
Tôi nghe được, lén trốn dưới lá sen cười trộm.
6.
Thẩm Tề cảm thấy thật kỳ diệu.
Chàng biết trước giờ làm chuyện gì chàng cũng nghĩ tới tình huống xấu nhất, cũng cảm thấy như vậy chẳng có gì không đúng cả. Bởi vì chỉ có nghĩ tới trường hợp xấu nhất mới không luống cuống, không có chuyện vượt quá tưởng tượng.
Từ lúc vào kinh, chàng thuận lợi hanh thông, chuyện gì cũng nằm trong tầm kiểm soát của chàng.
Vì thế chuyện lần này ra ngoài tầm kiểm soát khiến chàng thấy sợ hãi. Mọi chuyện chàng làm đều vì để thực hiện khát vọng của mình. Lúc này nhìn thấy thái độ của Thánh thượng chàng sợ mình sẽ đánh mất cơ hội.
Chuyện này khác với kinh doanh. Lúc kinh doanh, chàng mang tâm lý được hay không cũng không sao, đủ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày là được rồi. Nhưng hoạn lộ lại khác. Đó là thứ rất quan trọng với chàng, do đó tâm chàng không bình lặng như trước, chỉ cần có chuyện gì xảy ra thôi cũng khiến chàng bất an.
Nhưng hôm nay nghe Vạn Y nói chàng mới hiểu ra được, thật ra cũng không phải chuyện gì lớn cả. Chàng vẫn còn cơ hội để chứng minh bản thân. Mọi chuyện vẫn chưa tới mức không thể cứu vãn.
Rõ ràng lúc làm kinh doanh chàng đã biết được đạo lý này. Vì sao bây giờ chàng lại quên mất nó chứ.
Mấy ngày nay ở chung với Vạn Y, Thẩm Tề càng cảm thấy Vạn Y thật sự rất tốt. Nàng làm gì cũng đều không thẹn với lòng, luôn luôn chân thành đối xử với người. Nàng có nhân cách hoàn hảo hơn chàng nhiều, lại hào phóng lan toả ánh sáng đó cho người khác.
Vạn Y thật sự giống như vàng ngọc lấp lánh vậy.
Thẩm Tề cười, cảm nhận lồ ng ngực mình như nổi trống. Trái tim sẽ không nói dối. Chàng thầm nghĩ.