Vì màn tiếp đất không hề nhẹ nhàng, Vân Ngọc nằm bất động không còn chút ý thức nào cả. Trời đêm lạnh lẽo luồn vào da thịt mảnh mai của cô gái trẻ. Cũng may, khi bị cuốn vào mắt xoáy, cô đang mặc trên người chiếc áo khoác khá dày vẫn còn chưa cởi ra từ khi đáp máy bay về Việt Nam. Nhờ chiếc áo khoác che thân, dù bất tỉnh nhân sự nhưng cô vẫn không bị nhiễm lạnh quá nặng. Cứ thế, Vân Ngọc nằm im lìm cho đến khi bụng phát ra âm thanh biểu tình rất lớn mới rã rời hé mắt nhìn quanh. Tay cô sờ soạng xung quanh, tìm tư thế thuận tiện nhất để ngồi dậy nhưng một chân của cô không thể cử động. Vừa tỉnh lại, bị cái lạnh và cơn tê tạm thời nên không kịp chú ý, giờ thì cả chân trái nhức nhối cực điểm.
Vân Ngọc ôm chân vừa xem xét vừa xuýt xoa, khóe mắt vô thức theo cơn đau mà dần ướt át. Khóc một lúc rồi nghĩ mãi như vậy cũng không phải là cách. Cô nén lại đau đớn, đưa tay xoa đi hàng nước mắt còn đọng trên đôi gò má, nhìn quanh xem tình hình. Cô phát ra âm thanh kêu cứu, đáp lại vẫn chỉ là vẻ âm u, đáng sợ của thiên nhiên về đêm.
Cô lại cho phép mình nghỉ ngơi thêm chốc lát. Một chân đã gãy, vẫn còn lại một chân nhưng cũng vô cùng tê mỏi. Trời đêm nguy hiểm, cô nghĩ tốt nhất vẫn là nép vào một góc chợp mắt đợi trời sáng. Cô rạp người trườn dần về phía trước như bài học quân sự đã từng học qua thời cấp 3, chú ý hơi nghiêng người tránh chỗ đau ở chân. Ít lâu sau đó cũng có được một nơi trú chân an toàn. Vừa ngả lưng, cơn mệt mỏi đã bủa vây, đưa cô chìm sâu vào giấc ngủ.
Những tia nắng mai rớt từng giọt từng giọt xuống mặt đất, chưa kịp rót thêm vào khoảng không gian Vân Ngọc đang nghỉ tạm. Lúc này, một ông lão tóc điểm bạc mang trên vai chiếc gùi đang hướng về sườn núi mà đi. Thường lệ, cứ cách hai ngày, ông lão lại lên núi hái thuốc về hành thiện cứu người. Ông có mái tóc hoa râm, chòm râu dài phất phơ trên gương mặt hồng hào, cùng đôi mắt hiền từ như ông Bụt bước ra từ cổ tích.
Cả đời ông say mê y thuật, quên mất cả việc chung thân đại sự, cho đến nhìn lại hành trình đời mình, tuổi bắt đầu già yếu mà thê nhi vẫn còn chưa có, lại chạnh lòng tủi thân. Nhưng ông không hề hối hận, thực sự hài lòng với y nghiệp giúp đời mình đã chọn. Từng bước chân sột soạt trên cỏ cứ tiến dần tiến dần về phía này, nơi có cô gái vì quá đuối sức mà thính giác cũng kém đi.
Ông lão nghiêng đầu tìm kiếm những thảo dược cần dùng, bất chợt trông thấy một cô gái mặc y phục rất lạ mắt đang nằm bất động. Theo quán tính, ông đưa ngón tay lại gần mũi cô gái, kiểm tra hơi thở, khá yếu ớt nhưng may mắn là vẫn còn. Ông nhẹ giọng vừa gọi vừa lay tỉnh cô gái.
Vân Ngọc hé mắt tròn xoe, chưa nhìn rõ lại dụi dụi lần nữa rồi nhìn thật kỹ. Có người đến, vậy là cô được cứu rồi, lòng vui mừng khôn xiết. Ông thấy khuôn mặt cô tràn đầy hy vọng, khẽ vuốt chòm râu, hỏi cô gặp nạn như thế nào, bằng một ngôn ngữ khác hẳn. Tập trung nghe kỹ thì đây là ngôn ngữ tương đồng với tiếng phổ thông của người Trung Quốc. Thật may, ngành học của cô ở đại học có một môn là tiếng Trung. Cô không chỉ biết qua mà thực sự học rất giỏi môn này. Thêm nữa, bạn gái cùng phòng với Vân Ngọc là người Hoa nên cô có cơ hội trau dồi ngoại ngữ rất tốt.
Định thần lại sau câu nói của ông lão, Vân Ngọc đáp lời ông bằng ngôn ngữ đồng nhất, lại nhìn quần áo ông đang mặc mà dấy lên hồ nghi hoang đường:
- Cháu đi cùng người bạn bị lạc mất. Cháu bị ngã gãy chân. Xin ông cho cháu hỏi nơi này là đâu, ông có thể giúp cháu được không? Cháu ngã đến choáng đầu gần hai hôm nay giờ mụ mị quên mất năm nào rồi ạ, ông nói giúp cháu với?
Nhìn trang phục kỳ lạ của cô gái trẻ, đoán cô đến từ một tộc quốc khác, ông đưa tay vuốt râu cười hiền theo thói quen, nhẹ giọng trả lời cô:
- Đây là Yên Trường Quốc, năm Thịnh Thành Đế thứ 28. Ta không hiểu sao cháu và bạn có thể lạc vào một nơi heo hút như thế này. Nhưng ta đi từ dưới núi lên đây không nhìn thấy ai mặc y phục khác biệt tương tự như cháu. Thật may cho cháu vì ta cũng là đại phu có thể chữa trị tốt thương thế này. Tạm thời khoan nhắc đến người bạn ấy, cháu theo ta xuống núi xử lý vết thương. Trên đường đi lại nghe ngóng tình hình tìm bạn của cháu nhé"
"Thịnh Thành Đế? Vậy là xuyên không về thời cổ. Họ dùng tiếng Trung nhưng nước này là Yên Trường Quốc, không phải Trung Quốc, vậy là thế nào?". Hoang mang cực độ, bao câu hỏi bủa vây trong lòng nhưng Vân Ngọc không có thời gian để lo sợ, chỉ có thể tiến thẳng về phía trước, mạnh mẽ đương đầu với thử thách của cuộc đời.
Vân Ngọc gật đầu đồng ý với ông lão, một bụng đầy cảm kích người đàn ông rất xứng với câu "lương y như từ mẫu". Ông bảo cô ngồi chờ trong chốc lát, để ông đi tìm những nhánh cây chắc chắn, sau đó xé một phần của chiếc trường sam mình đang mặc kèm bên ngoài cho bớt lạnh mỗi lần đi hái thuốc, đan thành vật dụng trợ lực kéo Vân Ngọc di chuyển xuống núi mà không gây thêm tác động lực cho vết thương ở chân.
Vân Ngọc nhìn quanh một lần nữa, miễn cưỡng rời đi sau khi xác nhận kỹ càng nơi đây không hề có bóng dáng của Trà Ngân. Một đường rời núi, cô không ngừng cầu nguyện Phật Trời giúp bạn mình tai qua nạn khỏi. Núi cao, đường xa, khi đến được nhà của vị đại phu thiện tâm thì trời cũng đã gần chiều. Ông nhanh tay thay y phục sạch sẽ, bắt đầu vệ sinh vết thương, tìm hai khối gỗ dài, dẹp đặt lên chân cô gái, bó chặt định vị xương chân. Những vết thương khác thì được bôi cao cẩn thận, và ông còn tận tụy sắc thêm thuốc giảm đau cho Vân Ngọc. Giữa lúc hoạn nạn gặp được người tốt bụng, xem ra ông Trời vẫn còn dành cho cô một lối thoát. Cô nhất định phải kiên cường hơn nữa.