Giữa kinh đô phồn hoa, phủ Tường Quang lại mang một sắc màu nhẹ nhàng. Bước vào trong phủ đệ là một màu xanh tươi mát khiến tâm hồn tôi bỗng chốc trở nên rất dễ chịu.
Trong phủ Tường Quan của Đại an phủ Trần Thì Kiến trồng rất nhiều cây, cũng gần gũi như chính tính cách của ông vậy.
Đó là chuyện sau khi tôi và Đỗ Chi được phép tiến vào.
Trước đó, chúng tôi bị gác cửa chặn lại. Đỗ Chi tỏ ra khá ngạc nhiên, bởi độ thân thiết giữa cô cùng Lưu Bích Thủy ngày trước không phải bình thường. Lưu Bích Thủy không phải là người quảng giao, xét ra chỉ có mỗi mình Đỗ Chi là bạn bè. Chính vì vậy mà hai cha con Trần Thì Kiến và Trần Thì Công đều mắt nhắm mắt mở, tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho phép Đỗ Chi có thể tới thăm Lưu Bích Thủy bất cứ lúc nào.
Qua Đỗ Chi, tôi đã tìm hiểu được một chút về thân thế của Lưu Bích Thủy.
Năm nay (nếu còn sống) thì cô mười chín tuổi nên Đỗ Chi gọi bằng chị. Gia đình của Lưu Bích Thủy khá giàu có, làm nghề buôn bán lụa. Nửa năm trước, bà mối nhận lời phía nhà Trần Thì Kiến, đem sính lễ tới hỏi cho cậu con trai duy nhất là Trần Thì Công. Hai tháng sau, Lưu Bích Thủy chính thức về nhà chồng.
Bích Thủy là một con người có tính cách hướng nội, rụt rè, không thích giao tiếp với người lạ. Qua một lần "rút roi tương trợ", Đỗ Chi mới quen được Lưu Bích Thủy. Nghe nói kể cả khi ở nhà mẹ đẻ cho tới về nhà chồng, cô gái này luôn duy trì thói quen "thích ở nhà" của mình. Đại khái là chỉ khi nào có việc quan trọng, nếu không Lưu Bích sẽ không bước ra ngoài lấy một bước.
Nghe tới đây tôi chợt thấy một tia sáng lóe lên trong đầu.
Ngày hôm qua, Trần Thanh có phân tích rằng khả năng Lưu Bích Thủy giả tráo đổi với người thật ở bên ngoài phủ Tường Quang là cao hơn cả. Vì sao ư? Phủ Tường Quang là phủ đệ riêng của Kiểm pháp quan Đại an phủ sứ Trần Thì Kiến, không phải cái chợ mà ai thích vào thì vào, ai thích ra thì ra.
Tương tự với Đỗ Chi, chẳng qua cô có mối quan hệ đặc biệt với con dâu chủ nhà nên mới được thoải mái mà thôi. Để đưa được người thế thân vào, lại mang Lưu Bích Thủy thật ra ngoài thì thà dụ người thật ra ngoài cho dễ dàng hành động.
Mà theo Đỗ Chi nói, Lưu Bích Thủy ít khi ra ngoài, đây là một điểm phải chú ý.
Một tên gác cửa vào thông báo, tên còn lại áy náy giữ chúng tôi ở ngoài, lộ ra vẻ khó xử.
"Xin lỗi hai cô, nhưng cậu Công có dặn chúng con không được tự ý để người ngoài ra vào phủ nữa."
Trần Thì Công sao? Ha, rõ ràng ý này phải là của Lưu Bích Thủy giả mới đúng. Chỉ cần vài câu nài nỉ, tôi không tin Trần Thì Công lại đi từ chối vợ mình. Trần Thì Công lấy Lưu Bích Thủy vốn là ý của cha mình – Trần Thì Kiến, từ đó có thể thấy được ít nhiều gì thì ông cũng có chút thiên vị cho con dâu. Trần Thì Công đương nhiên sẽ không dám trực tiếp đối đầu, thay vào đó sẽ chấp thuận những yêu cầu của vợ mình bằng mọi cách. Sau đó hắn có thể thoải mái bay nhảy bên ngoài, ít nhất không để cha trách mắng là được rồi.
Một lát sau, người gác cửa còn lại dẫn theo một người phụ nữ chừng ngoài bốn mươi đi về phía chúng tôi. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết được bà ta mới chỉ hơn ba mươi tuổi mà thôi. Từ cách đi đứng cùng cử chỉ đoan trang, tôi không ngờ được đây cũng chỉ là một người hầu ở phủ Tường Quang. Bà ta nói năng rất hợp lẽ, khéo léo từ chối rằng Lưu Bích Thủy không tiện tiếp khách.
Đỗ Chi đã muốn nổi nóng đến nơi, còn tôi cũng sốt ruột không kém. Xác chết đã gần một tuần chưa xác định được thân phận, mà chúng tôi không thể ngày nào cũng đến gõ cửa phủ Tường Quang.
Hôm nay tôi nhất định phải gặp được Lưu Bích Thủy, dù cô ta là thật hay giả.
Một tay kéo Đỗ Chi về phía sau, tôi mỉm cười nói với người đàn bà: "Dì ơi, cháu nghe em Chi nói trước giờ rất thân thiết với Bích Thủy nhà mình. Vậy mà giờ Bích Thủy ốm, Chi không thể vào thăm cũng cảm thấy áy náy lắm."
Người đàn bà kia nghe vậy liền hơi cúi đầu, hai mắt liếc sang phải một cái rất nhanh rồi đáp: "Thực ra, sức khỏe của cô nhà tôi không có gì đáng ngại mà chỉ bị cảm thông thường mà thôi. Hai cô không cần phải lo lắng quá đâu."
Cả người bà ta cứng đơ, vai hơi nâng lên, trông rất gượng gạo. Tay tôi vẫn đang giữ tay Đỗ Chi, lắc nhẹ một cái.
Đỗ Chi rất phối hợp với tôi, ngoan ngoãn đứng yên giả bộ buồn bã.
Tôi lại nói tiếp: "Chuyện Chi và Bích Thủy thân thiết với nhau cả kinh đô đều biết. Không đi thăm bạn ốm thì lại mang tiếng cả ra. Hay dì cứ để chúng cháu vào, Chi nhìn thấy bạn khỏe mạnh mới yên tâm được."
Ý của tôi rất rõ ràng, nếu cứ năm lần bảy lượt ngăn trở người bạn thân duy nhất của Lưu Bích Thủy ngoài cửa thế này nhất định sẽ gây chú ý. Mà những kẻ làm chuyện xấu có bao giờ muốn được chú ý đâu?
Quả nhiên người đàn bà kia như giật mình một cái, liền đứng thẳng người lên, cười với chúng tôi: "Vậy mời hai cô vào trong."
Tôi nhíu mày một cái, mắt không rời người đàn bà.
Tôi quay lại, thấy mặt Đỗ Chi sa sầm. Cô nàng này đúng là một người dễ đoán, hỉ nộ ái ố đều thể hiện hết ra mặt. Nếu để người khác bắt thóp được thì không hay chút nào.
Tôi dùng ánh mắt trấn an tinh thần Đỗ Chi rồi đi nhanh hơn một bước ngang với người đàn bà, tỏ ra thật ngoan ngoãn và thân thiết hỏi: "Không biết dì tên là gì ạ... để tiện xưng hô ấy mà. Cháu tên là Tâm, nhà cháu vốn ở trấn Hải Dương, phủ Hạ Hồng, mới lên kinh không được bao lâu. Mong dì giúp đỡ nhiều ạ."
Cố tình tạo khoảng cách với Đỗ Chi, lại tự bản thân lôi hết thông tin cá nhân ra, dù người đàn bà kia suy nghĩ nhiều tới mức nào cũng sẽ bớt cảnh giác hơn bình thường.
Tuy vậy bà ta cũng chẳng phải người đơn giản, không trả lời tôi ngay mà còn khẽ liếc xuống nhìn Đỗ Chi đang lủi thủi đi phía sau đánh giá một hồi mới mở miệng trả lời.
"Tôi tên Phùng Tô. Cô gọi tôi là Tô được rồi. Tôi cũng là người Hạ Hồng, cô ở huyện nào?" Giọng bà ta nhỏ đi đôi chút, dường như không muốn để Đỗ Chi phía sau nghe thấy.
Tôi khẽ reo lên trong lòng, đúng là ăn may. Không ngờ Đoàn Niệm Tâm lại là đồng hương với người đàn bà này. Để giành được thêm thiện cảm, tôi liền bắt chước hành động của Phùng Tô, cũng hơi cúi đầu và nhỏ giọng đi, tỏ vẻ cảnh giác với Đỗ Chi.
"Cháu ở huyện Trường Tân ạ."
Phùng Tô gật đầu, nét mặt trở nên hòa hoãn: "Tôi thì ở Tứ Kỳ...", nhưng Đỗ Chi bỗng nhiên lại đi nhanh hơn, muốn được tham gia cuộc nói chuyện. Phùng Tô liếc cô một cái, miệng mím chặt không chịu nói gì nữa. Tôi chẳng thèm giận cô gái này, dù sao nửa câu còn lại của Phùng Tô cũng không cần nói ra nữa.
Tới cửa phòng Lưu Bích Thủy, Phùng Tô ra hiệu cho chúng tôi đứng chờ ở ngoài. Bà ta vào trong trước, ở bên ngoài chúng tôi nghe loáng thoáng tiếng cãi cọ. Một lúc sau Phùng Tô bước ra với vẻ mặt không mấy vui vẻ, mời chúng tôi vào trong.
Thật kỳ lạ, Lưu Bích Thủy không nằm yên trên giường tỏ vẻ ốm đau đợi chúng tôi mà người ngồi dựa vào thành ghế, bộ dáng mệt mỏi. Thấy tôi và Đỗ Chi đi vào, cô ta cũng chỉ hơi ngẩng lên, mỉm cười với thái độ không mấy đón chào. Đỗ Chi đã được tôi dặn qua, không tỏ ra quá khích nữa.
Ban đầu chúng tôi tỏ ra khá gượng gạo, phần vì Đỗ Chi không dám nói nhiều vì sợ bản thân sẽ kích động mà gây ra chuyện không hay. Lưu Bích Thủy cũng giống như Phùng Tô, luôn tạo ra một khoảng cách nhất định với Đỗ Chi.
Theo đúng như những gì chúng tôi đã bàn bạc trước, Đỗ Chi nói mấy câu hỏi thăm vớ vẩn rồi xin phép ra ngoài đi vệ sinh. Trong phòng chỉ còn lại tôi và Lưu Bích Thủy. Cô ả vừa thấy Chi ra ngoài, không nhịn được mà kín đáo thở phào một cái, không may là đã bị tôi nhìn thấy hết.
Đỗ Chi đi khỏi, đối tượng bị để ý đương nhiên chuyển sang tôi. Ngay khi ánh mắt của Lưu Bích Thủy chiếu tới, tôi nhanh chóng bày ra vẻ mặt có chút bất mãn về phía ngoài cửa – chính là với Đỗ Chi vừa ra ngoài. Tôi giả bộ bị Lưu Bích Thủy bắt được biểu cảm đáng xấu hổ này, liền cười trừ rồi luống cuống đưa chén trà lên uống một hơi. Chỉ thấy mắt Lưu Bích Thủy mở to hơn một chút, có lẽ cô ta đã bắt đầu có thiện cảm hơn với tôi rồi.
Giống như người ta vẫn nói, kẻ thù của kẻ thù là bạn.
Tuy Đỗ Chi không phải là kẻ thù của Lưu Bích Thủy, nhưng lần trước cô nàng đã đến đây làm ầm lên, thể hiện rõ sự nghi ngờ của mình với ả. Và điều này chắc chắn khiến ả và đồng bọn phải cảnh giác mà thận trọng hơn.
Hôm nay viền áo của Lưu Bích Thủy che kín cổ, tôi không thể xác định được cô ta có vết sẹo hay không. Đúng là xui xẻo cho kẻ giả mạo này, lần ấy không biết vì sao lại hớ hênh để Đỗ Chi nhìn thấy chứ.
Tôi vẫn phải tiếp tục giả bộ sự xấu hổ, không dám nhìn thẳng vào mắt Lưu Bích Thủy. Cô ả khá hài lòng với biểu hiện này của tôi, còn gọi người vào rót thêm trà với một chất giọng mềm mỏng bất thường.
Đỗ Chi cố tình rời đi thật lâu để tôi và Lưu Bích Thủy có nhiều thời gian nói chuyện, vừa để có được thiện cảm của cô ả, vừa giúp tôi tìm hiểu sâu thêm về con người này. Trong khi trò chuyện linh tinh, thi thoảng tôi lại giả như vô ý nói ra vài từ tiếng Anh và một số từ lóng, nhằm xác định cho rõ Lưu Bích Thủy giả có phải người hiện đại hay không. Nhưng đáng buồn, cô ta không có phản ứng gì đặc biệt lắm, còn hỏi tôi đang nói gì mà cô không hiểu được.
Hi vọng Lưu Bích Thủy cũng là một người du hành thời gian đến đây là chấm dứt.
Ban đầu, để khiến Lưu Bích Thủy có thiện cảm hơn với tôi – đặc biệt là khi cô ta là kẻ có quỷ trong lòng – tôi cũng sử dụng phương pháp giống như với Phùng Tô: Tự chia sẻ về bản thân mình trước. Nhưng việc này thực tế cũng không cần thiết bởi so với Phùng Tô thì Lưu Bích Thủy này còn quá trẻ, đương nhiên lòng nghi ngờ cũng sẽ không lớn bằng.
Tôi nói với Lưu Bích Thủy rằng mình mới đến kinh đô không được bao lâu, sau đó để lộ ra vẻ mặt thương tâm kể về câu chuyện bản thân bị người thương ruồng bỏ. Tôi còn thêm mắm dặm muối việc bị gia đình hắt hủi thế nào vì chuyện này. Nửa thật nửa giả, tôi một tay che mặt, một tay lén lút véo đùi mình một cái. Đau chảy cả nước mắt.
Lưu Bích Thủy dù sao cũng chỉ là một cô gái nhẹ dạ cả tin, thấy tôi khóc liền trở nên vô cùng cảm thông. Cô ta an ủi tôi mấy câu, tôi tỏ vẻ xúc động mà cảm ơn hết lời, đồng thời khen cô ta tốt bụng lương thiện, đưa lên tới tận mây xanh. Miệng Lưu Bích Thủy cong lên, trong lòng chắc chắn rất thích những lời khen thế này.
Tôi lau nước mắt, tỏ ra thật ngưỡng mộ nói: "Tôi cũng tìm được một người chồng như cậu Thì Công của cô thì tốt."
Trong con ngươi Lưu Bích Thủy lóe lên một tia sáng kỳ lạ, trong thoáng chốc, nét mặt cô trở nên méo mó. Ngay sau đó khuôn mặt cô trở lại bình thường, dường như khi nãy tôi đã bị ảo giác vậy.
Lưu Bích Thủy đưa tay lên sờ cổ họng, đáp: "Chị đừng nói vậy, rồi chị cũng sẽ tìm được người ấy thôi."
Một lời nói dối vô hại mang mục đích tốt, tôi mỉm cười.
Lúc này Đỗ Chi đã trở lại. Sự cảnh giác của Lưu Bích Thủy với cô vẫn không giảm, có mặt Đỗ Chi là cô ả không mở miệng ra nữa.
Khi tôi và Đỗ Chi ra về, Lưu Bích Thủy trở nên gần gũi hơn lần trước với Đỗ Chỉ rất nhiều. Cô ta dặn dò đứa hầu phải đưa chúng tôi ra tận bên ngoài mới được quay trở lại. Đỗ Chi có vẻ rất ngạc nhiên với thái độ này của Lưu Bích Thủy, nhưng vì đã được tôi dặn dò từ trước nên rất nín nhịn.
Trên đường đi tôi lại tiếp tục màn thân thiện hỏi tên tuổi của đứa hầu, nó tên là Hên. Tôi nháy mắt với Đỗ Chi một cái, cô hiểu ý liền ôm bụng kêu la, sau đó vội vã chạy biến đi một đằng. Hên trợn tròn mắt lên nhìn, bộ dáng như muốn chạy theo.
Tôi đưa tay kéo Hên lại, cười giải thích: "Chi đau bụng từ khi nãy, chúng ta đứng đây đợi một lát là được."
Hên không còn cách nào khác mà phải đứng lại cùng tôi, đôi mắt hướng về phía Đỗ Chi vừa chạy đi thêm một lần rồi lại cúi đầu.
Muốn tìm hiểu thêm về Lưu Bích Thủy, Hên chính là một đối tượng tốt. Tôi có thể thấy được rằng Hên không có chút nào yêu quý chủ của mình. Khi Hên được gọi đến, ngay khoảnh khắc nó ngẩng đầu lên nhìn Lưu Bích Thủy là tôi đã có thể thấy được nỗi bất mãn cùng sự khinh bỉ mà Hên dành cho Lưu Bích Thủy. Trong đám hầu, chỉ riêng Hên là không nhìn vào Lưu Bích Thủy.
Khi chủ nói chuyện, khóe miệng của nó hơi nhếch lên, mày nhăn lại. Và biểu cảm ấy chỉ thoáng qua trong một giây.
"Hên làm việc ở phủ Tường Quang lâu chưa?" Tôi bắt chuyện, cố gắng dịu dàng nhất mức có thể.
Cố tình thay đổi cách nói chuyện so với Lưu Bích Thủy, tôi tỏ rõ sự thân thiện của mình với Hên. Lưu Bích Thủy luôn dùng những từ ngữ thể hiện đẳng cấp chủ - tớ với đám người hầu như: "Mày tiễn khách của tao cẩn thận" hay "hầu hạ cho tốt", vì vậy dễ tạo ra sự thù ghét.
Tôi trực tiếp đổi cách gọi thành gọi tên, thay "hầu hạ" bằng "làm việc". Dẫu sao tôi cũng không phải người thời đại này, nên việc bằng vai phải lứa với Hên cũng chẳng là chuyện gì to tát.
Lần này miệng Hên hơi kéo lên, thể hiện rõ sự hài lòng. "Dạ bẩm cô, con theo hầu ông đã được ba năm."
"Ông" ở đây chắc chắn là Trần Thì Kiến.
"Ồ, vậy thì Hên cũng thuộc đàn chị trong nhà rồi ấy nhỉ?" Tôi tỏ ra ngưỡng mộ.
Hên cười nói không có, không có nhưng từ nụ cười của nó tôi có thể thấy nó rất vui. Có lẽ lâu rồi không có ai nói chuyện thoải mái lại khen ngợi nó như tôi cả.
Tôi cũng cười với Hên, hỏi: "Tôi có một thắc mắc thế này. Hên còn trẻ đã làm việc trong phủ lâu tới như thế, còn... ừm, người tên Phùng Tô thì sao? Tôi thấy bà ấy cũng có tuổi rồi."
Ngay khi nhắc tới tên Phùng Tô, nét mặt Hên thể hiện ra đúng những gì mà tôi đã thấy khi nó đối diện với Lưu Bích Thủy. Ha, cùng một biểu cảm cho hai người khác nhau.
Hên vẫn vô cùng ngoan ngoãn: "Bẩm cô, dì Phùng Tô mới vào phủ được nửa tháng thôi ạ."
Tôi còn chưa kịp tỏ ra ngạc nhiên, Hên liếc xung quanh thật nhanh rồi nhún chân lên nói thầm vào tai tôi: "Nhưng con đoán chừng dì Tô là người nhà ở quê cô Thủy, dì ấy mới vào phủ chưa được bao lâu mà đã được hầu hạ chính cho cô rồi."
Tôi liền cười bảo Hên rằng chỉ cần chăm chỉ là nó cũng sẽ được hầu chính thôi.
Hên bĩu môi một cái rất nhanh, đáp: "Gần một tháng trước con vẫn là hầu chính của cô Thủy đấy chứ ạ! Nhưng một lần con làm vỡ mất cái vòng ngọc, cô Thủy liền cho người đánh con một trận rồi đuổi ra ngoài."
Giọng Hên hơi nghẹn lại, đây chính là lý do mà Hên bất mãn với Lưu Bích Thủy. Vậy còn sự khinh bỉ thì từ đâu?
"Con đâu có cố ý làm rơi cái vòng ấy..."
"Ngoại trừ Phùng Tô, còn ai khác được vào phòng hầu hạ cô Thủy không?"
Hên lắc đầu: "Trước đây hầu hạ chính là có ba người, bao gồm cả con. Nhưng giờ chỉ còn có dì Tô thôi ạ."
"Ồ... lý do bị đuổi ra cũng giống như Hên sao?"
Lần này Hên gật đầu xác nhận. Rõ ràng Phùng Tô và Lưu Bích Thủy giả có mối quan hệ gì đó với nhau, đến mức cô ta phải tìm mọi cách để đuổi những người thân cận với người thật ra ngoài và đưa Phùng Tô đến cạnh.
"Thế... cậu Công có đối xử tốt với cô Thủy không?"
Một câu hỏi mang tính chất vu vơ, và những gì tôi thu lại đã trả lời nốt cho thắc mắc vì sao Hên lại có ý khinh bỉ đối với Lưu Bích Thủy.
Nghe tới tên Trần Thì Công, đôi mắt Hên mở to hơn bình thường, hai má hơi ửng đỏ. Rõ ràng là con bé có tình cảm với cậu chủ của mình. Nhưng ngay khi tôi nói đến Lưu Bích Thủy, Hên lập tức thay đổi thái độ. Dường như thời gian ba năm ở phủ Tường Quang đã khiến Hên nảy sinh tình cảm với chủ. Và việc Trần Thì Công bị cha ép lấy Lưu Bích Thủy cũng khiến Hên trở nên khinh bỉ cô chủ - người mà rõ ràng cậu chủ của nó không hề có tình cảm lại phải rước về.
Đầu tôi rối bung lên, lòng tràn đầy hối hận vì đã để bản thân dính vào một vụ án đầy những mớ bòng bong thế này. Tôi không phải là người của quan phủ, cũng không có khả năng sắp xếp chi tiết, để ý từng li từng tí.
Lý do tôi phải chạy khắp nơi rồi làm bộ làm tịch moi thông tin từ người khác để làm gì chứ?
Khi tôi và Đỗ Chi về tới nhà thì cũng đã quá trưa. Chúng tôi ăn qua loa rồi ai về phòng người nấy, mỗi người một tâm trạng khác nhau. Đỗ Chi rõ ràng là một người không có lòng kiên nhẫn, nhưng rất biết nghe lời. Hẳn là cô vô cùng tò mò tôi và Hên đã nói những gì, nhưng khi tôi bảo rằng mình mệt và muốn nghỉ ngơi thì lại đẩy tôi vào phòng không do dự. Đỗ Chi biết cách đặt người khác lên trên nhu cầu của mình như vậy.
Tối muộn, Đỗ Quân trở về. Sau khi bữa cơm tối kết thúc thì Trần Thanh và Phạm Bân cũng tới. Chúng tôi lại mở hội nghị bàn tròn, tổng kết những gì đã tìm hiểu được trong ngày.
Tôi và Đỗ Chi đi điều tra nghi phạm, Đỗ Quân cùng thuộc hạ điều tra hiện trường vụ án. Phạm Bân bị kẹt lại trong cung, không biết hôm nay là ngày gì mà lắm vị phu nhân mắc bệnh, hết đau đầu lại tới đau bụng, khiến không chỉ quan gia mà các thái y phải cuống cả lên.
Trần Thanh mất tích nguyên ngày, không tiết lộ lý do mà chỉ nói vô cùng bận rộn. Nghĩ tới đây tôi lại thấy sôi máu, liền quay sang phía Trần Thanh lườm một cái. Kết quả đụng ngay phải đôi mắt hoa đào của anh cũng đang chăm chú nhìn tôi, khiến tôi suýt chút nữa đã sặc nước trà.
Tôi vội vã mở lời, nhằm xóa đi sự bối rối, càng không muốn thấy nụ cười chứa đầy sự châm chọc của Trần Thanh: "Người khả nghi thứ hai sau Lưu Bích Thủy giả là Phùng Tô. Bà ta có vẻ vượt quá thân phận, không cần thông báo với chủ trước mà đã tự tiện để chúng tôi vào nhà. Hơn nữa, mỗi lần nhắc tới Phùng Tô hoặc khi bà ta bước vào phòng, Lưu Bích Thủy giả đều lộ ra sự sợ hãi. Mỗi lần như vậy, cô ta đều đưa tay lên chạm vào má mình một cái."
Tôi chỉ hận không thể nói hết được những suy đoán trong lòng mình ra. "Chúng ta phải điều tra thật kỹ thân phận của Phùng Tô..."
Với khuôn mặt tự mãn vô cùng, Trần Thanh cướp lời tôi: "Chờ thêm vài ngày nữa là sẽ có kết quả."
Tôi và Đỗ Chi ngạc nhiên hỏi: "Sao cơ?"
Đỗ Quân hắng giọng một cái: "Cậu Thanh đã cho người đi điều tra về Phùng Tô từ hôm qua rồi."
Đỗ Chi và tôi lại tiếp tục đồng thanh: "Cái gì?"
"Nếu Lưu Bích Thủy giả có đồng phạm thì khả năng kẻ đó cũng được đưa vào phủ Tường Quang là rất cao." Trần Thanh chậm rãi trả lời.
Tiếp đó là Phạm Bân: "Trong phủ Tường Quang, kể cả người hầu cũng được cho ăn mặc đầy đủ, đương nhiên kẻ kia không thể để Lưu Bích Thủy giả hưởng lợi một mình. Trong đám người hầu mới được tuyển vào phủ trong vòng mấy tháng trở lại đây thì chỉ có Phùng Tô là đáng nghi nhất."
Điều này tôi cũng biết, nhưng đều là do tự tôi dò hỏi được. Còn ba người kia rõ ràng đã biết từ trước lại không nói gì, để tôi tốn thời gian không đâu như vậy. Rõ ràng là họ muốn thử tôi, muốn biết tôi có khả năng hay không.
Tôi cố kìm nỗi tức giận của mình xuống, hạ giọng hỏi: "Các anh làm thế nào xác định được Phùng Tô là tên thật của bà ta? Nhỡ đâu đó chỉ là tên giả giống như Lưu Bích Thủy thì sao?"
Trần Thanh tủm tỉm cười: "Cô nói xem."
Quá đơn giản. Tôi nhếch môi cười một cái mới anh ta, đáp: "Phản ứng tên gọi của Phùng Tô và Lưu Bích Thủy khác nhau. Vì Lưu Bích Thủy vốn không phải tên thật, nên mỗi lần tôi gọi tên, cô ta đều hơi ngừng lại một chút mà không đáp lại ngay, khuôn mặt ngơ ngác..."
Phạm Bân liền ngắt lời tôi: "Dù không trả lời ngay thì cũng đâu thể nói lên điều gì."
"Đúng thế. Nhưng ánh mắt thì không biết nói dối." Dứt lời tôi mới quay sang nhìn Phạm Bân, thật muốn một lần dùng ánh mắt của mình vả cho hắn vài cái.
Hắn vẫn chưa hiểu lắm về câu nói của tôi, liền lộ ra vẻ mặt suy nghĩ. Nhân cơ hội này, tôi gọi thật to: "Anh Bân!"
Phạm Bân giật mình, ngẩng đầu lên rồi mới hỏi lại: "Sao?"
Tôi cười: "Ánh mắt của Phùng Tô cũng y chang của anh vậy."
Y liền tỏ ra khó chịu vì bị so sánh với Phùng Tô.
Cách xác định tên của Phùng Tô là thật hay giả của đám Trần Thanh đơn giản hơn tôi rất nhiều. Anh chỉ cần cho người đi dò hỏi người trong phủ Tường Quang một chút là biết được. Người đã xuất phát về quê cũ của Phùng Tô từ hôm qua, chờ vài ngày là sẽ có kết quả.
Trần Thanh nói: "Về phía Lưu Bích Thủy giả đã có người đi điều tra, còn Lưu Bích Thủy thật thì sao?"
Đỗ Quân liền cung kính đáp lời: "Bên nhà mẹ ruột của Lưu Bích Thủy đã bỏ buôn bán từ lâu, khá kín tiếng và không chịu gặp người lạ. Người của chúng ta căn bản không thể tiếp cận được cha mẹ Lưu Bích Thủy, nhất là khi họ nghe nhắc tới con gái mình thì hai vợ chồng lại càng tỏ ra khó chịu."
Đám người Trần Thanh liền trở nên trầm ngâm trước thông tin từ Đỗ Quân. Đương nhiên, thân thế của Lưu Bích Thủy cũng là một trong những thông tin quan trọng nhằm lật tẩy Lưu Bích Thủy giả.
Tôi nhấp một ngụm trà, mỉm cười nói: "Lưu Bích Thủy vốn là con nuôi."
Danh Sách Chương: