Lớn thêm chút nữa, Ôn Địch bắt đầu quấn lấy Phương Nhân suốt ngày để hỏi mấy vấn đề kì quái.
“Lực vạn vật hấp dẫn là cái gì vậy ạ?”.
Phương Nhân khẽ cười rồi trả lời cho cô bé: “Nó có nghĩa là trên thế giới này, bất kỳ vật thể nào dù là vật sống hay vật chết thì đều sẽ có một lực hút giữa nhau”.
Ôn Địch mở to hai mắt kinh ngạc, Phương Nhân nghĩ ngợi một lúc rồi lấy trong ngăn kéo ra mấy tờ giấy nháp, vẽ lên trên đó một cái vòng tròn lớn rồi thêm tám vòng tròn nhỏ ở xung quanh.
“Nghe đây tiểu Ôn, hình tròn lớn này chính là Mặt Trời, còn đây là Trái Đất nơi chúng ta sống. Trái Đất này luôn chuyển động xung quanh Mặt Trời, bởi vì chúng phát ra lực hấp dẫn. Trong vũ trụ bao la rộng lớn, còn tồn tại rất nhiều hành tinh giống như Trái Đất vậy. Cho nên từ những hành tinh lớn nhất, cho đến những tiểu hành tinh bé như hạt bụi thì nó vẫn phát ra lực hấp dẫn”.
Nói xong Phương Nhân nghiêng đầu, ngạc nhiên khi phát hiện cô bé nhỏ nhìn không chớp mắt vào tờ giấy vẽ các hành tinh kia.
Một hồi lâu sau, cô bé mới mở miệng hỏi: “Anh Phương Nhân ơi! Mặt Trời là thứ lớn nhất ạ?”.
“Không phải”.
“Đây chỉ là phác thảo về hệ Mặt Trời và Mặt Trời là hành tinh lớn nhất trong hệ này. Nhưng hệ Mặt Trời chỉ là một phần rất nhỏ của Dải Ngân Hà thôi. Ngoài Dải Ngân Hà, còn có những Ngân Hà lớn hơn nữa. Thật sự thì vũ trụ...". Phương Nhân nhỏ giọng nói: “Vũ trụ là vô tận”.
Nghe đến đây, thân thể nhỏ nhắn của Ôn Địch bất giác run nhẹ lên.
Đây là lần đầu tiên cô bé mười một tuổi ý thức được sự nhỏ bé của bản thân và nhân loại.
Vài chục năm sau, mỗi khi nhắc đến hai từ vũ trụ, Ôn Địch đều vô thức rùng mình. Cô sợ hãi thế giới này và chính nỗi sợ ấy đã khiến cô nhìn thấy một thế giới khác so với những con người bình thường kia.
Ba năm sau, Trần Gia Hữu cũng trưởng thành, bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu lớn như những đứa con trai cùng lứa, chiều cao nhanh chóng vượt qua Ôn Địch, cậu còn hùng hồn nói rằng sang năm sau sẽ cao bằng anh Phương Nhân. Ôn Địch không phục, mỗi ngày đều chăm chỉ nhảy dây để tập luyện. Bấy giờ, tóc đã dài đến eo, sáng nào cũng phải chải chuốt rồi tết thành một chiếc bím gọn gàng.
Phương Nhân mỉm cười lặng thầm ở bên theo dõi sự thay đổi của hai đứa trẻ. Trong đầu hiện lên những suy nghĩ của riêng bản thân anh, thật không ngờ anh cũng đã chuyển đến Bắc Kinh này được sáu năm rồi. Thời gian trôi qua nhanh như chớp mắt, chẳng thèm chờ đợi một ai cả.
Trong ngõ nhỏ có các cô các dì, hễ rảnh rỗi đều thích giới thiệu đối tượng xem mắt cho Phương Nhân. Lúc mới đầu anh một mực từ chối, nhưng vì sợ phụ lòng họ nên đã thử gặp hai người. Thường thì anh sẽ cùng cô gái ấy đi dạo trên đường phố. Mặc dù trong bụng đầy chữ nghĩa nhưng anh vẫn không biết phải nói năng thế nào. Mỗi khi đến bữa cơm, Ôn Địch và Trần Gia Hữu đều nghe người lớn trong nhà bàn bạc đến chuyện hôn nhân đại sự của Phương Nhân: “Bác sĩ Phương, phương diện nào cũng tốt, chỉ tiếc là quá hướng nội thôi”.
Nghe được câu chuyện, hai đứa trẻ liền rủ nhau ngồi xổm bên ngoài nhà anh, không cho Phương Nhân bước ra khỏi cửa nửa bước, sợ anh sẽ bất thình lình dắt về một cô nào đó, kết hôn rồi sinh con, và sẽ không để ý gì đến bọn họ nữa.
Phương Nhân dở khóc dở cười, chỉ đành ngồi xuống gần chỗ Ôn Địch và Trần Gia Hữu giải thích cho chúng hiểu: “Hai đứa nghe này, con người ai cũng phải lớn lên, rồi đi xa gia đình, thậm chí là quê hương. Tất cả mọi người xung quanh chúng ta, cha mẹ, ông bà, bạn bè, thầy cô… một ngày nào đó, họ cũng phải rời đi. Người cuối cùng có thể kề bên ta, cũng chỉ là chính bản thân ta mà thôi”.
Hai đứa trẻ cúi đầu không nói lời nào, nhưng vẫn ngồi đó nhất quyết không cho Phương Nhân rời đi.
Anh cảm thấy bất lực, đành phải dùng đến cách khác: “Được rồi! Được rồi! Nghe lời đi, anh sẽ không ngó lơ hai đứa đâu nè!”.
Ôn Địch lúc này mới ngẩng đầu lên, cẩn thận quan sát nét mặt của Phương Nhân hỏi: “Anh Phương Nhân, vậy anh đã có người mình thương chưa ạ?”.
Phương Nhân nhìn vào đôi mắt sáng ngời của cô bé, trong chốc lát không biết trả lời như thế nào. Anh đã từng dạy cho Ôn Địch cùng Trần Gia Hữu rất nhiều thứ, nào là đọc sách rồi viết chữ, dạy chúng phải thành thật, biết giữ chữ tín, chỉ cho chúng phải trở thành một người có tâm địa thiện lương, chính trực. Bây giờ, còn phải dạy cho hai đứa nhỏ này, yêu là gì sao?”.
Phương Nhân luống cuống tay chân, chỉ có thể lắc đầu đáp: “Không có”.
“Vậy…”. Gia Hữu đảo mắt, mặt ngượng ngùng hỏi: “Thế nào là thích một người ạ?”.
Phương Nhân sững sờ, trong lòng thầm thở dài, hai đứa nhóc này càng ngày càng hỏi mấy vấn đề phức tạp, sau khi suy nghĩ xong anh liền trả lời: “Kiểu như là, khi em ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đêm, em bất chợt bắt gặp một vì sao lấp lánh”.
04
Phương Nhân có trí nhớ rất tốt, anh luôn nhớ rõ từng thao tác và chi tiết nhỏ của cuộc phẫu thuật mà mình đã thực hiện. Bệnh nhân bị viêm gan B cấp tính cần phải tiến hành phẫu thuật gấp. Lúc đó là năm 1966, ở Trung Quốc, căn bệnh này bị xếp vào hàng truyền nhiễm, ai nghe đến đều phải tránh né. Trang thiết bị y tế lúc này còn rất lạc hậu, cộng thêm sự thiếu hiểu biết của mọi người trên cả nước về bệnh viêm gan B nên đã gây ra rất nhiều thảm kịch lớn.
Khi nói về tình trạng này, Phương Nhân rất lo lắng. Anh đưa tay sờ đầu Ôn Địch và Trần Gia Hữu, nói: “Có lẽ mười năm là không đủ, nhưng mà hai mươi năm hoặc ba mươi năm… anh biết, rồi một ngày nào đó, đất nước chúng ta sẽ tốt hơn bây giờ”.
“Đến lúc đó…”. Anh nhìn hai đứa nhỏ rồi mỉm cười trìu mến, nói: “Đất nước này phải nhờ vào mấy nhóc xây dựng”.
Sau ca phẫu thuật đó, Phương Nhân uống một tách trà như thường lệ. Ngày hôm ấy, anh tan làm sớm, trông thấy một cửa hàng bánh ngọt chưa đóng cửa, anh bèn xếp hàng mua một cái. Vốn là anh không thích đồ ăn vặt kiểu này, nhưng Ôn Địch với Trần Gia Hữu lại rất thích. Nên anh mua cho bọn chúng.
Hôm nay, Ôn Địch đứng nhất trong bài kiểm tra lần này, còn Trần Gia Hữu lại thi trượt môn tiếng Trung, cậu nhóc buồn rầu đang vò đầu bứt tóc ở một góc: “Dương xuân bố đức trạch, vạn vật sinh quang huy”[1].
*[1] Trích trong bài thơ "Trường Ca Hành" của "Hán Nhạc Phủ"
Dịch nghĩa: Mặt trời xuân trải ân trạch, vạn vật sinh sôi trong huy hoàng*
Trông thấy Phương Nhân, hai đứa trẻ mừng rỡ mỉm cười, bỏ sách giáo khoa qua một bên rồi chạy nhanh về phía anh.
Nửa năm sau, Phương Nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và có cảm giác đau âm ỉ ở ngực. Ban đầu anh cũng không để ý đến, nhưng tình trạng càng ngày càng nghiêm trọng. Lúc này, anh mới đi đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện mình bị viêm gan B mà còn ở giai đoạn cuối. Vào ngày nhận giấy xét nghiệm, Phương Nhân ngồi trên chiếc ghế gỗ mà anh thường ngồi, trầm ngâm rất lâu, cuối cùng mới nhớ đến ca phẫu thuật trước kia. Lúc đó các biện pháp bảo vệ y tế còn khá sơ sài và một vết thương nhỏ trong cuộc phẫu thuật đó đã hủy hoại đời anh.
Anh đứng dậy, bắt đầu thu dọn đồ đạc của mình. Ngày ấy, anh đi khắp Bắc Kinh, thậm chí quên cả đường về. Khi đó, trên đường chỉ còn vài ánh đèn yếu ớt, phải cách một đoạn xa mới có thêm một cái bảng chỉ thời tiết ngày hè. Những con thiêu thân lũ lượt đập cánh va vào mấy ngọn đèn xung quanh đường.
Khi Phương Nhân còn đang ngẩn ngơ thì cũng đã về đến nhà. Anh nhìn thấy Ôn Địch với Trần Gia Hữu đang ngồi trước cửa. Hai đứa trông thấy anh đã vội thở phào nhẹ nhõm: “Anh Phương Nhân, cuối cùng thì anh cũng về rồi”.
Trong khoảnh khắc đó, cổ họng Phương Nhân bỗng chốc nghẹn lại, ánh mắt dần đỏ hoe, anh quay đầu bước đi thật nhanh, không muốn hai đứa nhóc phải nhìn thấy mình rơi lệ.
Cố đô Bắc Kinh này đã có lịch sử hơn ba ngàn năm kể từ khi thành lập. Phương Nhân thầm nghĩ trong lòng, hơn ba ngàn năm, sinh ly tử biệt, vui buồn hợp tan đều có hết. Nhưng ở đây, anh đã có một mái ấm trong cuộc sống đầy thăng trầm.
Nhưng tiếc là mọi thứ lại đến quá muộn khiến người ta không kịp nhận ra.
Anh đã không còn thời gian để chứng kiến Ôn Địch cùng Trần Gia Hữu lớn lên rồi trở thành người chính trực và theo đuổi những ước mơ tươi đẹp của chúng. Không thể ở bên cạnh hai đứa trong lúc chúng nó hoang mang bối rối, lúc mất mát, buồn bã, hay khi chúng thành công và hạnh phúc.
Cuộc đời của hai đứa nhóc còn rất dài, nhưng anh thì đã sắp kết thúc.
“Xin lỗi!”. Phương Nhân buồn bã và tuyệt vọng. Nước mắt nóng hổi cứ thế mà rơi vào lòng bàn tay thon dài.
Vào mùa thu năm 1966, đã có nhà bắt đầu dọn ra khỏi con hẻm, bầu trời Bắc Kinh giăng kín mây mù, không có một tia nắng nào lọt xuống mặt đất.
Phương Nhân quyết định từ bỏ phương pháp điều trị truyền thống. Ký thỏa thuận với bệnh viện, tự nguyện thử nghiệm các loại thuốc mới và các cách thức điều trị mới. Trong quá trình đó, anh luôn ghi chép kỹ càng các triệu chứng xuất hiện của mình khi điều trị. Anh nghĩ nếu làm như vậy thì sẽ có thể cứu được vài người mắc cùng căn bệnh quái ác này.
Vào mùa xuân năm tiếp theo, bông hoa lê trắng muốt đầu tiên bên ngoài nhà Phương Nhân đã nở. Người ta nói đó là một điềm lành, Ôn Địch với Trần Gia Hữu mừng rỡ đẩy cửa nhà Phương Nhân ra, đứng từ xa bắt đầu hét lớn: “Anh Phương Nhân, mau ra đi, mùa xuân đã đến rồi”.
Mà bên trong phòng Phương Nhân lại không có tiếng động, cũng không có một hồi âm nào cả.
Trước khi mất, Phương Nhân có viết một bức di thư cho Ôn Địch và Trần Gia Hữu. Tất cả tài sản của anh sẽ dùng để chu cấp cho mọi chi phí học tập sau này của hai đứa nhóc. Anh đã thu dọn phòng ốc gọn gàng, cửa vẫn mở và không hề đóng lại, lâu lâu có cơn gió lùa vào lại phát ra tiếng sột soạt của giấy trên khung cửa sổ. Hai cây bút lông, hai cây bút máy cùng một nghiên mực vẫn được đặt bên phía tay trái trên bàn làm việc như trước kia. Mấy tấm ảnh đen trắng được đóng khung kĩ càng, trong đó có tấm hình chụp Phương Nhân mặc áo khoác đen, hai bên trái phải ôm hai đứa trẻ. Vài tấm ảnh nữa thì thấy người thiếu nữ và thiếu niên ấy đã lớn hơn một chút, còn khuôn mặt Phương Nhân dần trở nên chín chắn theo năm tháng. Bên cạnh mấy bức ảnh còn có vài xấp giấy ghi chép lại những quyển sách mà anh muốn hai đứa đọc cho bằng được.
Giữa bàn là cuốn sổ mà Phương Nhân thường hay ghi chép. Mở nó ra, từng nét chữ cứng cáp mà tinh tế của anh hiện đầy trên những trang giấy trắng, ở đó viết rằng: Tuổi tác ngày càng tăng không phải vì đã già mà lý tưởng của chúng ta ngày càng trưởng thành. Thay vì lo lắng mình đã già đi thì hãy phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp. Sự nghiệp suy tàn thì đã sao, nó chỉ là lớp da bên ngoài, còn nhiệt huyết mà bị dập tắt thì đó mới là sự sụp đổ trong tâm hồn ta.
Anh đã dành cả cuộc đời của mình để cống hiến cho nền y tế Trung Quốc. Trong bảy năm sống ở Bắc Kinh, anh đã thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật và cứu sống vô số người thoát khỏi bàn tay của thần chết.
Chiếc áo khoác của chàng trai ấy vẫn còn phủ lên chiếc ghế gỗ đàn hương mà anh yêu thích. Vì hay đi khám bệnh dưới trời mưa nên anh đã bị bệnh thấp khớp, sau này có thói quen trùm áo khoác lên đầu gối khi ngồi trên chiếc ghế đó.
Cây bạc hà trên tủ vừa nhú lên chồi non mới, mang một màu xanh mơn mởn. Chiếc cốc trà tráng men anh vẫn hay dùng còn đặt ngay bên cạnh bàn, trên chiếc cốc đã nhạt màu có in một dòng chữ “Cát tường như ý”.
Mọi thứ đều giống y như khi Phương Nhân vẫn còn sống.
Lúc này, Ôn Địch và Trần Gia Hữu mười lăm tuổi đang quỳ bên cạnh giường anh, khóc nức nở, tiếng khóc vang vọng cả con hẻm nhỏ. Trên chiếc giường đơn trống trơn, chăn gối đã được xếp ngay ngắn.
Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ, thử địa không dư Hoàng Hạc lâu. [2]
*[2] Trích trong "Lầu Hoàng Hạc" (Hoàng Hạc Lâu) của Thôi Hiệu
Dịch nghĩa: Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi, nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc. (Theo thivien)Xem thêm...
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK