Mở đầu
Tháng mười hai, tôi đứng bên bờ sông ngắm nhìn ánh trăng bạc trên mặt nước lóng lánh. Anh chính là sóng nước lung linh, chiếu rọi vào cuộc đời vội vã của tôi.
Hoa lê rơi vào gió đêm
Giới thiệu
Nước Anh, mùa đông năm 1985, thời tiết lạnh giá, một mảnh hiu quạnh. Luân Đôn - vẫn đầy sương mù như cái tên của nó, nhưng chỉ mơ hồ nhìn thấy những bức tường ngói theo phong cách Gothic của những tòa kiến trúc cổ nơi đầu ngõ phố. Ai ai cũng đang chờ đợi để đón buổi bình minh.
Trong mấy ngày lạnh lẽo này, Ôn Địch đã nhận được giấy chứng nhận “Hữu tinh” bằng tiếng Anh cùng với mô hình vận hành quỹ đạo. Cô mang chúng bỏ vào sâu ngăn tủ, đóng lại rồi ngẩng đầu lên nhìn ra cửa sổ. Hình ảnh một vùng lá ngô đồng cuối cùng cũng điêu tàn hiện ngay trong tầm mắt.
Đây là hành tinh đầu tiên mà cô phát hiện ra trong vũ trụ bao la. Nó cách địa cầu khoảng 300 năm ánh sáng. Là một nhà phát hiện, cô đặt tên nó là “Hữu”. Đến thời điểm công bố, cô đứng giữa phòng họp có lịch sử lâu đời nhất của đại học Cambridge, lẳng lặng nói: “Ở các nước phương Đông chúng tôi, "hữu" đại biểu cho thần hữu, mang hàm ý là hạnh phúc đến với mình”.
Chạng vạng, Ôn Địch rời khỏi phòng thí nghiệm, đi xe lửa suốt đêm để đến Greenwich. Đài thiên văn đã đóng cửa, không có một bóng người. Cô mặc áo khoác kẻ sọc, ngồi trước cửa đợi suốt năm tiếng đồng hồ, chỉ để ngắm bình minh ở nơi được cho là có thời gian chính xác nhất trên thế giới.
Ôn Địch ngồi trước kinh tuyến gốc[1], tay nhẹ run chạm vào vạch phân chia giữa nam và bắc. Những du khách thường thích đặt chân lên đường kinh tuyến 0 độ, vì làm thế, họ như có thể được đứng tại trung tâm của thế giới. Mà người cô nhớ đến lại đang ở phía bên kia Đại Tây Dương xa xôi. Cô với anh ngày đêm cách biệt, chẳng biết trong giấc mơ của anh có còn hình bóng cô không.
[1]* Kinh tuyến gốc, còn gọi là kinh tuyến gốc 1 số không là kinh tuyến có kinh độ bằng 0°, đi ngang qua đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, Luân Đôn, nước Anh. Bên trái của kinh tuyến gốc là các kinh tuyến Tây, bên phải kinh tuyến gốc là các kinh tuyến Đông. (Theo Wikipedia)
“Trần Gia Hữu! Trần Gia Hữu…”.
Ôn Địch lẩm bẩm tên người kia, một nỗi đau âm ỉ dần lan ra khắp tâm trí, rồi gặm nhấm cả cơ thể. Hai người đã chia xa hơn mười năm, nhưng cô vẫn luôn tự lừa gạt mình. Hiện tại, thời khắc này, cô mới thừa nhận cô và anh đã kết thúc thật rồi.
Sinh ly cũng như tử biệt, anh mãi mãi cũng sẽ không thể nào biết, trong vũ trụ mênh mông tối tăm đó, có một vì sao mang tên của mình.
Khoảng cách 380 năm ánh sáng, cũng giống như, cả đời này, không còn cách nào để tương phùng.
01
Tháng 9 năm 1949, Bắc Bình lại đổi tên thành Bắc Kinh. Ba năm sau, Ôn Địch và Trần Gia Hữu được sinh ra trên mảnh đất này. Hai gia đình ở cùng một con ngõ, trước sân trồng đầy cây lê, cá vàng trong hồ sen thỉnh thoảng lại nhảy tọt lên khỏi mặt nước để đớp những đóa hoa trắng bị gió thổi bay đến.
Bấy giờ, người lớn trong nhà còn khá lạc hậu mê tín. Khi đứa trẻ được một tuổi thì chuẩn bị một đống đồ chơi như: bút, mực, giấy, chong chóng, đĩa quay… rồi lấy những cái này để suy đoán tương lai của con trẻ. Trần Gia Hữu bé bỏng cứ bò ra phía ngoài rìa, cuối cùng tay nhỏ chộp lấy một cái mô hình bánh hơi nước. Mọi người trong nhà ai nấy đều vui mừng khôn xiết, nói sau này trong nhà sẽ có một người kỹ sư.
Mấy tháng sau, tiểu Ôn Địch nhà bên được một tuổi. Song trước những món đồ chơi sặc sỡ đó, tiểu Ôn Địch lại khóc lớn. Người già trong nhà thấy vậy thì thở dài, lắc đầu nói: “Đứa bé này không thuộc về nơi đây, sau này nhất định sẽ rời xa quê hương”.
Ôn Địch và Trần Gia Hữu cùng nhau lớn lên trong con hẻm yên bình nhưng cũng không kém phần náo nhiệt. Cha Ôn Địch kỳ vọng rất nhiều vào đứa con gái này. Mỗi sáng đi làm lại khóa trái cửa, bắt cô ở trong phòng luyện chữ, học thơ.
Trần Gia Hữu cứ đúng giờ lại đến nhà Ôn Địch. Cậu thoải mái trèo lên cây lê rồi bò qua cửa sổ, thấy trái lê còn đọng hơi sương treo lơ lửng thì hái xuống, đưa vào miệng nhai, phát ra tiếng giòn rụm, ăn một hồi thấy chán thì vứt đi. Cậu hắng giọng gọi: “Ôn Địch! Ôn Địch!”.
Ôn Địch đi đến bên cửa sổ, ngó ngang ngó dọc nhưng lại chẳng thấy ai. Cô có hơi hoảng sợ, hoang mang trở về bàn học tiếp. Trần Gia Hữu lại to giọng kêu: “Ôn Địch! Ôn Địch!”.
Trần Gia Hữu đung đưa cành cây, khiến lá cùng trái rung rinh trong gió.
Đến mùa hè, Trần Gia Hữu lén kéo Ôn Địch trốn đến bờ sông chơi. Cô không biết bơi nên chỉ cởi giày rồi để hai chân xuống nước. Trần Gia Hữu thì kéo cao quần, đưa tay vào trong nước dùng sức tạt về phía Ôn Địch. Bọt nước bắn tung toé làm cô ướt sũng cả người.
Ôn Địch dùng chân tạt nước đánh trả, kết quả vui quá hoá liều, không cẩn thận đạp phải đám rêu xanh bên dưới, thế là thuận thế té nhào vào trong nước.
“Ôn Địch! Đứng dậy được rồi đó, nước chỉ sâu có một mét thôi mà!”.
Nghe thấy thế, Ôn Địch bán tín bán nghi, nín thở rồi ổn định cơ thể, đứng vững lên thì thấy nước chỉ cao đến cổ cô một xíu, mặt nước lăn tăn gợn sóng nhỏ.
Trần Gia Hữu thấy Ôn Địch sợ hãi, mở miệng trêu: “Ôn Địch, tớ từng nghe nói, trong nước sông này có một đại yêu quái á. Trước kia có một bà chị sắp lấy chồng, trước nhà có một con sông vừa rộng vừa xiết, mẹ chị ta đỡ chị ta lên thuyền rồi dặn khi đi thì nhất định không được quay đầu nhìn lại. Thế là ở trên thuyền, chị ta không dám ngoảnh đầu lại lấy một lần. Lúc sắp lên bờ, nghĩ là đã an toàn nên chị quay đầu lại nhìn, sau đó bỗng dưng xuất hiện một con yêu quái, và nó đã ăn sạch chị ta”.
Ôn Địch bịt tai hét lớn. Cô muốn dùng nó lấn át đi tiếng của Trần Gia Hữu.
Bộ dạng nhát gan của Ôn Địch chọc Trần Trần Gia Hữu bật cười, chìa bàn tay ướt sũng kéo tóc cô, ngẩng đầu ưỡn ngực nói: “Ôn Địch, cậu không phải sợ, tớ sẽ bảo vệ cậu”.
Trần Gia Hữu nói lời hứa hẹn son sắt, ánh mắt sáng trưng.
Nhiều năm sau, Ôn Địch đọc được nguyên mẫu của câu chuyện đó ở thư viện trường. Ấy chính là “Chuyện tình chàng Orpheus và nàng Eurydice” trong thần thoại Hy Lạp. Một cái quay đầu của nhạc công Orpheus lại vô tình giết chết nàng Eurydice - người mình thương yêu nhất. Ai đó đã bình luận sau quyển sách rằng: “Bi thương mới là chân lý của ái tình”.
Cô chậm rãi khép sách, ánh nắng rọi xuống bờ vai. Cô nhắm mắt suy tư, nghĩ suốt ngần ấy năm vẫn không có đáp án. Tại sao lại không thể quay đầu lại?
Trở lại năm 1958, Ôn Địch cả người ướt nhẹp, sợ sệt chạy về nhà thì bị cha mắng cho một trận. Cả nhà biết chuyện cô lén đến bờ sông chơi thì rất tức giận. Cha cô phạt cô quỳ xuống rồi quơ lấy cây tre phơi đồ đánh vào tấm lưng nhỏ gầy của Ôn Địch. Cô đau đến mức khóc toáng lên. Tiếng khóc vang khắp cả con ngõ nhỏ. Trần Gia Hữu đang ở trong nhà ăn cơm thì nghe thấy, vội vàng bỏ bát đũa xuống chạy một mạch sang. Cậu xông tọt vào sân nhà, không kịp ngừng lại, trượt dài một cái rồi té nhào trước người cô, đầu gối chà dưới đất tóe máu ra. Tay cậu ôm chầm lấy Ôn Địch, hoảng loạn kêu: “Đừng đánh cậu ấy! Đừng đánh cậu ấy!”.
Người lớn đứng bên chợt dừng tay, nhất thời không biết phải làm sao. Sấp nhỏ cũng tràn đầy căng thẳng, cắn răng ngẩng đầu, bày ra dáng vẻ hiên ngang bất khuất.
Cuối cùng, ông nội Ôn cười hiền hậu rồi lấy cành cây trong tay con trai ra nói: “Con cháu đều có phúc của con cháu, thôi dừng lại, vào ăn đi, đồ ăn nguội cả rồi”.
Lúc này, cả nhà Ôn Địch mới xoay người đi vào trong. Trần Gia Hữu vội đứng dậy rồi kéo cô hãy còn đang khóc nức nở lên. Ôn Địch nhìn thấy đầu gối chảy máu của Trần Gia Hữu thì ngẩn ngơ, rồi khóc to hơn nữa. Cậu gãi gãi đầu, lúng ta lúng túng chẳng biết làm sao. Sau cùng, Trần Gia Hữu giơ tay quẹt một giọt nước mắt trên mặt Ôn Địch, cho vào miệng nếm thử, rồi chau mày nói: “Mặn thật”.
Trăng non treo lơ lửng trên bầu trời, con ngõ cũng đã lên đèn, Ôn Địch nhìn chằm chằm Trần Gia Hữu, rốt cuộc cũng nín khóc rồi mỉm cười thật tươi.
02
Kể từ lúc bảy tuổi, mỗi sáng Ôn Địch đều ngồi xổm trước nhà Trần Gia Hữu đợi cậu cùng đến trường. Khi đó, bữa sáng của hai người đều rất đơn giản, chỉ có ly sữa đậu nành nhiều váng đậu cùng một cái bánh bao. Sức ăn của Trần Gia Hữu rất lớn nên bấy nhiêu đó không đủ no, Ôn Địch liền bẻ một nửa chia cho cậu. Trần Gia Hữu lại là đứa trẻ ham ngủ nướng, sáng nào cũng ầm ĩ một trận mới chịu dậy, có hôm ra khỏi cửa trên miệng còn dính nước sữa đậu nành trắng bóc. Ôn Địch liền chê cười Trần Gia Hữu mặt mày như mèo.
Ngày nọ của năm 1960, một chiếc xe xích lô cũ kỹ dừng trước ngõ nhỏ. Một chàng trai trẻ tuổi đầy nho nhã từ trên xe bước xuống, trông khá hào hoa và phong nhã. Anh mặc một chiếc áo phong cách Nho giáo màu xám tro, tay xách một chiếc va li da bò màu đen đầy tinh xảo. Phương Nhân đứng trước toà thành cổ tường xanh ngói đỏ, gỡ mũ xuống, thở phào nhẹ nhõm. Anh ta năm nay hai mươi sáu tuổi, tốt nghiệp khoa Y Trường Đại học Đồng Tế. Anh đến Bắc Kinh nhận chức tại bệnh viện Hiệp Hoà ở thành Đông với đầy vẻ phong trần.
Trên bầu trời xanh thẳm, cánh nhạn bay lượn thành dãy xẹt qua, anh nhìn hai đứa nhóc đang đùa giỡn dưới tàn cây, cười rộ lên: “Cựu thời vương tạ đường tiền yến, phi nhập tầm thường bách tính gia[2]“.
*[2] Hai câu thơ trong bài Kim Lăng ngũ đề của Ô Y Hạng. Dịch nghĩa ra là: “Chim én nơi lâu đài họ Vương, họ Tạ ngày trước, nay bay vào những nhà dân chúng bình thường.”
Ai cũng không ngờ được, vị khách trẻ tuổi mặt mày như tranh vẽ, có tính cách ôn hòa, nhã nhặn này lại có thể thay đổi cuộc sống của Ôn Địch cùng Trần Gia Hữu.
Rất nhanh, Phương Nhân đã chiếm được sự chào đón của bà con láng giềng quê nhà. Tính tình anh ta hiền hòa, khiêm tốn lại nhã nhặn, nhà nào có người cảm sốt cũng không cần phải chạy đến bệnh viện lớn xa xôi. Huống chi anh còn là sinh viên có học đàng hoàng, thỉnh thoảng người lớn trong xóm không biết chữ thường cầm báo đến gõ cửa nhà anh ta, ngượng ngùng cười hỏi: “Tiểu Phương ơi, cậu đọc xem hôm nay có chuyện gì lớn không?”.
Ông ngoại Trần Gia Hữu có mở một tiệm thuốc Đông y. Phương Nhân vô cùng kính trọng người già, thường hay cầm sách liên quan đến dược học qua thỉnh giáo. Qua lại lâu ngày như vậy nên Trần Gia Hữu cũng dần thân thiết với anh ta. Gặp nhau từ xa, cậu đã hét gọi: “Anh! Anh!”.
Cuối tuần, Ôn Địch làm bài xong thì qua tìm Trần Gia Hữu chơi, hiếm khi trông thấy Trần Gia Hữu lại có lúc chịu ngồi yên trên ghế, học điêu khắc cùng Phương Nhân.
“Hai người khắc gỗ để làm gì vậy?”. Ôn Địch khó hiểu hỏi.
“Cậu không hiểu đâu”. Trần Gia Hữu xua tay, phủi phủi đống mùn cưa trên người.
Phương Nhân mỉm cười, vẫy tay với Ôn Địch. Miếng gỗ và con dao nhỏ trong tay liên tục đảo, không bao lâu anh ta đã tạc xong một chú mèo con đầy sinh động. Ôn Địch trầm trồ, liên tục khen ngợi, vui vẻ nhận con mèo nhỏ đó, lâu lâu còn lén quay qua xem rốt cuộc Trần Gia Hữu đang khắc cái gì.
“Không được xem”. Trần Gia Hữu ra sức che đi đồ trong tay mình.
Phương Nhân đó giống như một cái bảo tàng lớn. Anh ta có rất nhiều tài lẻ khiến Ôn Địch cùng Trần Gia Hữu trầm trồ không thôi. Ôn Địch thích nhất đậu hũ anh ta nấu. Mỗi lần vừa nấu xong, cô đều lén bóc ăn vụng, nhưng mà nóng đến chảy cả nước mắt, nước mũi.
Cứ như vậy, người lớn trong ngõ mỗi khi muốn tìm hai đứa nhỏ nhà Ôn hay Trần thì cứ qua nhà Phương Nhân là sẽ tìm được, đó giờ luôn vậy.
Anh ta có một rương Tolstoy, Chekhov và Turgenev. Anh ta còn học tiếng Nga, nhờ người bạn thân đang du học bên đó gửi về bộ sách gốc, rảnh rỗi là liền ngồi trước bàn dịch sách. Vào lúc Phương Nhân làm việc, Ôn Địch và Trần Gia Hữu không dám quấy rầy. Hai đứa trẻ ngồi trên sàn nhà tự đọc sách, chữ nào không hiểu thì gãi gãi đầu cho qua.
Lên lớp 5, nhà trường bổ sung các tiết âm nhạc, dạy các em nhỏ học thổi Harmonica. Khi ấy đang vào độ xuân, đi đâu cũng thấy học sinh tiểu học đeo khăn quàng đỏ, tay cầm Harmonica xanh lục. Trần Gia Hữu học rất nhanh, lúc nào đi học thầy giáo cũng gọi câu lên bục thổi một khúc làm mẫu cho mọi người.
Việc mà Ôn Địch thích nhất chính là bày ghế ra ngồi trước nhà Phương Nhân, nghe Trần Gia Hữu thổi “Khúc nhạc chiều”. Mái tóc đen của thiếu niên hơi che khuất đôi mắt, cúi đầu, nét mặt dịu dàng, sợ làm phiền đến Phương Nhân trong nhà nên chỉ dám thổi nhỏ, âm thanh không quá lớn. Tiếng đàn nghe du dương cùng tiếng ếch bên đường, tiếng ve râm rang trên cây hòa thành một bản giai điệu mượt mà.
Trăng non mắc trên đỉnh đầu, xuyên qua ô cửa sổ giấy có thể trông thấy bóng hình Phương Nhân lay động cùng động tác lật sách của anh bên ánh nến.
Đêm nay vừa náo nhiệt lại vừa yên ả, khiến thời gian và vận mệnh không khỏi ngưng đọng theo.
Chờ chút nữa, chờ thêm chút nữa đi, được không?
Xem thêm...
Lục Diệc Ca
- Ngôn Tình
- Hoàn thành
- 11588
- Vietwriter