Khang Hiền đột nhiên lên tiếng quát, trong sân lập tức yên tĩnh lại. Ngu Tử Hưng từng có một khoảng thời gian theo học Khang Hiền, lúc này thấy lão sư vốn nghiêm khắc nổi giận mà không biết vì sao, nhất thời hoảng sợ vội vã chắp tay cúi đầu:
- Minh.. Minh sư …
Khang Hiền là bậc thầy “lý học”(1), bối cảnh cũng rất sâu, tuy đệ tử không nhiều nhưng danh tiếng của lão những người ngồi đây đều rõ. Ánh mắt lão lúc này đảo qua toàn trường rồi dừng trên người Ngu Tử Hưng, xem ra là muốn dạy bảo đệ tử:
- Những lời này ngươi có thể tùy tiện nói ra sao?
Toàn trường bỗng chốc trở nên im lặng, Khang Hiền thả bút lông xuống rồi lại nhìn tới:
- Ta hỏi ngươi, hôm nay có mấy trăm bài thơ, nếu bài này viết lách xằng bậy, không đáng để coi, không đáng xếp hạng thì ngươi sẽ làm sao?
Lời này vừa nói ra, Ngu Tử Hưng đã rõ được ẩn ý trong đó, thân thể gã chấn động, giọng nói gượng gạo mà hành lễ :
- Đệ tử… đệ tử tất sẽ bỏ qua không quản tới nó nữa.
- Vậy… Trước kia ngươi đã từng gặp gỡ Ninh Lập Hằng? Đã từng biết người này, từng nghe thấy tên, từng gặp được hắn, biết được nhân phẩm hắn ư. Trước đây ngươi từng nghe được những lời bình phẩm không hay về hắn sao?
- Đệ tử… Đệ tử xin nghe.
Nói tới đây cũng đã đủ, Khang Hiền cười cười:
- Nếu đã biết đạo lý rồi thì ngồi xuống đi… Mọi người, hội thơ hôm nay có rất nhiều tác phẩm xuất sắc, ta mới vừa cùng Tần công bình luận, ví dụ như bài này…
Lão lên giọng, bắt đầu bình luận một tác phẩm của hội thơ, từng câu từng câu giải thích rõ ràng. Lão vốn uyên bác, lúc bình thơ lại tận lực nói ra, tuyệt không thổi phồng, chỉ nói sự thực, những bài này quả thật rất xuất sắc, hai bài của Ngu Tử Hưng cũng được đánh giá rất cao.
Lần nói chuyện này tốn rất nhiều thời gian, cuối cùng Khang Hiền mới đặt tờ giấy có ghi bài Thủy điệu ca đầu lên trên bàn:
- Bây giờ, mời chư vị lại bình luận bài Thủy điệu ca đầu này một phen xem sao?
Lão vừa nói xong, Tào Quan đang ngồi đứng dậy:
- Minh công cảnh tỉnh, đệ tử xin nghe. Nói ra thật xấu hổ, bài từ này quả nhiên tuyệt diệu, lời văn đẹp đẽ, ý cảnh sâu sắc, đệ tử không thể nào sánh kịp. Vừa rồi trong lòng nổi nên chút đố kỵ, may nhờ Minh công chỉ giáo mới có thể tỉnh ngộ. Trong hội thơ sôi nổi hôm nay, có thể thấy được những câu từ hay đến thế này thực là may mắn. Tuy nhiên, vừa rồi tại hạ mới làm được vài câu, mong được cùng mọi người bình luận một phen. Ha ha, tuy chỗ kia là châu ngọc, nhưng các vị ở đây đều rất tài hoa, không biết có vị nào nguyện ý bù đắp những chỗ khuyết thiếu cho bài thơ này không, không thể để cho uy danh của hội thơ Chỉ Thủy đi xuống được.
Những lời này vừa nói xong, Khang Hiền lập tức nở nụ cười:
- Phong thái quân tử hẳn phải là như vậy.
Tất cả mọi người đều nở nụ cười, bầu không khí trong trường lại lập tức sôi động. Có người cười nói:
- Tông thần, huynh mới được vài câu đã dám vọng ngôn. Tại hạ cũng làm một bài, chuyện lấy lại thể diện cho hội thơ phải do tại hạ mới đúng.
Tiếp theo là những trận thi thơ đấu từ kịch liệt, mọi người đều không muốn thua trận nên còn sôi động hơn lúc trước rất nhiều. Khang Hiền nhìn cảnh này mỉm cười rồi nâng chén trà lên uống, Tần lão bên cạnh cũng cười cười.
- Ha ha, vì sao Tần công cười?
- Ài, Minh công làm việc này thật không độ lượng chút nào, Lập Hằng tiểu hữu chẳng qua thắng ông có mấy ván, ông lại đặt y lên trên giàn lửa. Người quân tử mà thù dai như vậy là không tốt. Sau này gặp lại, y không tìm ông tính sổ mới là chuyện lạ đó.
Mặc dù nói vậy nhưng Tần lão vẫn cười vui vẻ, còn có vẻ háo hức chờ xem náo nhiệt. Vốn văn vô đệ nhất, bình thơ cũng không có tiêu chuẩn, nhưng đến một mức độ nào đó lời đồn thổi sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn, Thủy điệu ca đầu tuy rằng thực sự rất xuất sắc, không thể khiến tất cả đều “tự nhận thua kém”, cũng không thể khiến “mấy bài là đồ bỏ đi”, ấy vậy mà Khang Hiền lại dùng mấy câu để ám chỉ: các ngươi tự thấy mình không sánh được, việc đầu tiên nghĩ tới lại là hủy đi nhân phẩm của người ta, đây không phải là phong thái của bậc quân tử.
Chuyện đêm nay ở Tần Hoài truyền ra ngoài sẽ không chỉ có làm thơ, việc Khang Hiền trong hội thơ răn dạy mọi người chắc chắn cũng sẽ được truyền đi, kết quả thế nào thực khó mà tưởng tượng. Sau khi Tần công nói như vậy, nụ cười đầy vẻ hài lòng trên mặt Khang Hiền vẫn không đổi.
- Ô hay. Lão phu là tiếc cho kẻ tài hoa nên muốn giúp y thành danh, nếu gặp lại y phải cảm kích lão phu mới đúng. Tần công, ông nghĩ như vậy không phải là lòng dạ tiểu nhân sao?! Thường nói quân tử lòng dạ rộng rãi, tiểu nhân cân đo đong đếm, phải mở rộng tấm lòng ra mới được.
Trước đây hai người chưa từng tận mắt chứng kiến tài hoa của Ninh Nghị ra sao, nhưng đánh giá gã tuyệt đối không đơn giản. Lúc nãy bài từ đã làm bọn họ kinh động, may nhanh chóng hiểu được nên mới ở chỗ này cười nói vài câu, bên cạnh có một lão giả đi tới:
- Chẳng lẽ Ninh Lập Hằng này là…
Lão cũng thường đi đến bờ sông đánh cờ cùng Tần lão, từng gặp qua Ninh Nghị một lần, lại thấy đối phương họ Ninh nên đoán được. Vừa lúc Phan Quang Ngạn tiến tới, nghe được câu này bèn cười nói :
- Ninh Nghị này chẳng lẽ là người cùng Minh công…
Khang Hiền nở nụ cười, nhỏ giọng nói:
- Chính là tiểu hữu của ta, Tần công và Đỗ công. Bài từ này chắc không phải giả mạo. Tuy nhiên người này ít khi xuất hiện, cũng là bằng hữu, quân tử kết giao trong như nước(2), không nên suy nghĩ nhiều, xin Hạc lão thay ta bảo mật không để chuyện này truyền bá ra ngoài.
Phan Quang Ngạn lập tức tỉnh ngộ, liền nở nụ cười.
- Thì ra là như vậy.
o0o
Nếu biết trước tất cả những gì phát sinh trong thành Giang Ninh đêm nay, không biết Ninh Nghị có vì tìm lại cảm giác thời hiện đại mà dạy tiểu Thiền hát hay không. Dù sao gã bị cảm nên suy nghĩ hơi lung tung, tinh thần mệt mỏi, lại chưa tham gia hội thơ bao giờ nên không thể nào ngờ tới.
Đã quá nửa đêm, lúc này Ninh Nghị vẫn đang ngủ nên tất cả mọi chuyện đều không hay biết. Xe ngựa dần chạy qua con phố náo nhiệt, tốc độ rất chậm rãi, trên đường đầy nhóc những đoàn người chen chúc chơi đùa như trước, ánh lửa từ ngoài chiếu vào xe, Tô Đàn Nhi nhìn tiểu Thiền đối diện, trên tay nàng đang cầm tờ giấy chép bài Thủy điệu ca đầu, còn tiểu Thiền cúi đầu mắt chớp chớp, môi mím lại.
Chuyện xảy ra đêm nay nàng cảm thấy thật ly kỳ, đến bây giờ trong đầu vẫn có cảm giác nghĩ không thông. Bài từ trên tay đến cùng có bao nhiêu phân lượng, dẫu năng lực thưởng thức thơ từ của nàng không phải quá xuất sắc, nhưng mới liếc qua liền thấy chấn động trong lòng. Thật không dám tin thứ này lại nhận được từ tay tiểu Thiền, những chuyện về sau đã chứng minh nàng vẫn còn đánh giá thấp bài từ này.
Có thể thấy tên xấu xa Tiết Tiến kinh ngạc khiếp sợ thực sự rất vui. Rồi chuyện Bộc Dương Dụ mời nhóm phu tử (3) tới bình giảng càng làm cho nàng cảm thấy được coi trọng. Là một nữ thương nhân, nàng hiểu được tầm quan trọng của sự coi trọng này.
Người đời đều nói thương nhân trục lợi nên địa vị luôn nằm dưới chót của xã hội. Tuy rằng dùng tiền có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, có thể nâng địa vị cao lên một chút nhưng vẫn không thể tránh khỏi kỳ thị. Các thiên tai lớn bé hàng năm bọn họ đều xuất tiền xuất lực, vậy mà vẫn không đạt được cái danh lương thiện. Gia gia đầu tư tiền của vào học đường chính là muốn Tô gia có một nhóm văn nhân, cho dù hao tài tốn của thì chí ít cũng phải tiến vào hàng ngũ kẻ sĩ, tâm tình mong mỏi này nàng đã chứng kiến từ nhỏ.
Nhà họ Bộc cũng là như thế, và xem ra bọn họ đã có chút thành quả. Hàng năm bỏ ra rất nhiều công sức để chuẩn bị hội thơ Bộc Viên, đến giờ cũng gọi là thu được trái ngọt, xem như đã đặt được một chân vào tầng lớp nhân sĩ, chỉ là muốn bước nốt chân còn lại thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Mỗi khi nhắc tới hội thơ Bộc Viên là mọi người nghĩ ngay đến chuyện giàu xổi. Bài từ này được bọn họ coi trọng như vậy, xem ra là nó có chỗ tốt. Nhưng mà... có mấy người nói bài này có thể sánh với mấy bài của nhóm Tào Quan Lý Tần, điều này làm sao được chứ.
Trình độ của nàng không cao, đối với thơ ca chỉ là yêu thích và sùng bái, vì cách biệt khá xa nên có cảm giác hơi đối nghịch. Lúc chưa được gả đi nàng có mấy lần tham gia hội thơ, được thấy những văn nhân có tiếng làm thơ tả cảnh tại chỗ, cảm thấy thơ thật hay, cảm giác khiến người ta say mê. Mấy người Tào Quan, Lý Tần đều là những đại biểu cho sĩ tử Giang Ninh lúc bấy giờ, tuy gia gia muốn trong nhà có một vài tài tử nhưng chưa từng dám mơ có được một người có thể sánh với bọn họ, mà bài ca trên tay mình đây… lại là do tiểu Thiền đưa đến, lại còn nói do phu quân “không có tài hoa” của nàng làm ra. Trước đây rõ ràng y chỉ sáng tác được cái loại thơ “Tam ngẫu phù bích trì, phiệt khả do ái tư".(4) Bài thơ đó tuy không hiểu nhưng không giống thế này, hay là ... còn có ẩn tình.
Trong lòng nàng, vừa bởi danh tiếng của những văn nhân vốn sùng bái như Tào Quan Lý Tần mà có chút choáng váng, vừa bởi là một thương nhân nên nàng vẫn luôn tỉnh táo, sẵn sàng ứng phó với tất cả những gì ngoài dự liệu, chờ đến khi xuống thuyền nàng mới đi sâu làm rõ nhưng nghi ngờ trong lòng. Nhìn thân thể dường như cuộn nhỏ lại của tiểu Thiền, nàng bật cười:
- Thực sự là do cô gia viết sao?
Đối với tiểu Thiền, dĩ nhiên nàng không chút hoài nghi.
- Dạ.
- Ừ.. Tiểu Thiền, em kể lại một lần chuyện lúc em ở cùng cô gia tối nay được không
- Vâng.
Tiểu Thiền gật gật đầu rồi bắt đầu kể lại những việc xảy ra sau khi các nàng rời đi, đầu tiên là kể chuyện xưa, sơ lược mấy câu về Tây Du Ký, chỉ nói đó là chuyện về một con khỉ yêu quái, về sau nó học được các phép thần thông biến hóa.
- Đó... biến hóa như thế này này... đầu tiên giấu hạt ngọc này trong tay...
Tiểu Thiền vừa nói vừa biểu diễn ảo thuật lại một lần nữa, lúc ở trên thuyền định khoe với hai tỷ muội nhưng thất bại, lúc này lại thất bại lần nữa khiến nàng chán nản vô cùng, nhưng sau đó là nói đến chuyện ca hát và làm thơ.
- Nó là một kiểu hát khác sao?
Tô Đàn Nhi nhíu mày hỏi.
- Vâng, rất êm tai.
Thiền nhi gật đầu rồi lại hạ giọng nói:
- Cô gia bảo không được ra ngoài hát lung tung, bằng một tiểu nha đầu như em mà sửa cách xướng hát, mọi người sẽ nói tiểu Thiền không hiểu chuyện.
Thực ra có người nói là không hiểu chuyện hay không, chuyện ấy tiểu Thiền đều hiểu rõ, nhưng ở trước mặt tiểu thư tất nhiên không dám giấu diếm. Không lâu sau, dưới yêu cầu của Tô Đàn Nhi, tiểu nha đầu hắng giọng một cái rồi dùng "cách xướng mới” hát từng câu từng chữ bài Thủy điệu ca đầu, lời ca trong xe du dương vang vọng.
sau hát xong, Quyên Nhi cùng Hạnh Nhi vẫn còn như mê như say:
- Thật là êm tai…
Tô Đàn Nhi dựa vào thùng xe trầm mặc hồi lâu, rồi mở miệng hỏi:
- Tiểu Thiền, em theo cô gia lâu nhất, em cảm thấy cô gia thực sự là người thế nào..
Tiểu Thiền nghĩ một hồi rồi nói:
- Cô gia người, cô gia người… Tiểu Thiền cảm thấy cô gia không giống như con mọt sách, Huynh ấy… rất hài hước, đôi khi thích nói giỡn, thế nhưng lại có lúc tạo ra cảm giác trầm ổn, giống như mọi chuyện đều dễ dàng giải quyết … Khi nói chuyện cũng không giống như mấy phu tử kia, không xổ ra mấy cái chi hồ giả dã kia(5), sau đó…, sau đó.. không .., có vẻ không giống trước đây cho lắm…
Tô Đàn Nhi nghe xong chỉ khẽ gật đầu.
Rẽ qua con phố phía trước là đã tới Tô phủ.
---------------------------------
(1) Lý học: Phái triết học duy tâm đời nhà Tống và nhà Minh, Trung Quốc
(2) Nguyên văn: “Quân tử như thủy chi giao” Xuất phát từ Trang Tử - Sơn Mộc, chỉ sự giao tình giữa các bậc hiền giả.
Phù dĩ lợi hợp giả, bách cùng họa hoạn hại tương khí dã; dĩ thiên thuộc giả, bách cùng họa hoạn hại tương thu dã. Phù tương thu chi dữ tương khí dị viễn hĩ, thả quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ. Quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt, bỉ vô cố dĩ hợp giả, tắc vô cố dĩ ly.
Dịch (Lê Anh Minh dịch)
Vì lợi mà hội tụ, đến khi nghèo túng, hoạn nạn, tai họa, thì sẽ bỏ nhau. Vì thiên tính mà hội tụ, đến khi nghèo túng, hoạn nạn, tai họa, thì sẽ giúp nhau. Giữa đoạn tuyệt và tương trợ khác biệt rất lớn. Sự giao du của người quân tử thì nhạt như nước lã; sự giao du của kẻ tiểu nhân thì ngọt nồng như rượu ngọt mới cất. Nhưng cái nhạt của người quân tử sẽ dẫn đến thân tình, còn cái ngọt nồng vồ vập của kẻ tiểu nhân sẽ dẫn đến tuyệt giao. Hội tụ vô cớ thì sẽ ly tan vô cớ.
(3) Phu tử: nhà giáo, hiền triết.
(4) xem bài thơ ở chương 2
(5) nhưng câu nói khó hiểu, triết lý sáo rỗng...