Thời gian này, Tô gia cũng đang rất bận rộn, đợt tơ tằm đầu tiên của mùa xuân đã làm xong, đây là loạt hàng quan trọng nhất trong năm. Tơ tằm làm xong nhanh chóng được vận chuyển đến các cửa hàng của Tô gia ở khắp nơi. Mặc dù những chuyện này không ảnh hưởng gì đến người dân bình thường nhưng chuyện cho hàng mới lên kệ cùng phân loại hàng cũ vẫn là chuyện phải làm. Chính vì vậy mà từ đầu xuân đến nay, Tô Đàn Nhi luôn luôn bận rộn, nàng thường xuyên về nhà vào lúc đêm khuya. Thỉnh thoảng, khi công việc rảnh rỗi mà thấy Ninh Nghị ở phía lầu đối diện là nàng lại lặng lẽ qua đó nói chuyện phiếm, thậm chí còn ăn chút hoa quả điểm tâm, mặc dù bình thời nàng chẳng mấy khi ăn những thứ này. Cũng có đôi lúc, nàng muốn tìm Ninh Nghị nói chuyện mà không gặp được hắn, trong lòng lại mơ hồ có chút mất mát.
Từ cuối năm tới nay, nàng cũng để ý thấy một số chuyện. Mỗi khi nàng phải suy nghĩ cách giải quyết thông tin từ các nơi gửi về, chỉnh lý một vài sự vụ hay đưa ra quyết định cho các cửa hàng mà phải thức đến khuya thì Hạnh nhi sẽ mang đến cho nàng một chén trà, còn Thiền nhi và Quyên nhi thì ở bên ngoài chơi cờ năm quân, có khi còn vừa chơi vừa ngủ gật. Nhưng cho dù muộn đến đâu đi chăng nữa, chỉ cần phòng khách và phòng ngủ của nàng vẫn sáng đèn thì ở cửa sổ bên tiểu lâu đối diện đèn còn sáng, còn thấy Ninh Nghị ngồi đọc sách viết chữ. Chỉ khi nào bên này đèn tắt, tiểu Thiền cũng đi nghỉ thì ánh đèn bên đó mới lặng lẽ tối đi.
Ban đầu nàng còn cho rằng đó chỉ là chuyện trùng hợp nhưng về sau để ý mới biết là không phải. Có mấy ngày dù đã làm xong mọi việc, nãng vẫn cố ý đợi đến khuya mới đi nghỉ thì không bao lâu sau người ở phía bên kia cũng tắt đèn.
Nhận ra điều này, nàng không nói ra, cũng không đi hỏi đối phương sao lại làm như vậy. Có những chuyện không cần phải nói, phải hỏi. Từ đó về sau, mỗi lần đi ngủ nàng lại có thói quen nhìn sang lầu đối diện, chỉ khi thấy đối phương tắt đèn thì mới lên giường nghỉ ngơi, trong lòng cảm thấy ấm áp.
Đối với Ninh Nghị thì đây chỉ là một việc bình thường. Gã bây giờ đã không muốn vướng vào những chuyện phiền toái, cũng không có hùng tâm tráng chí gì ngoài uớc mơ trở thành cao thủ đệ nhất thiên hạ. Nếu mấy người đã cùng ở trong một tiểu viện với nhau mà bảo gã nhìn một cô bé, so với mình trước đây nhỏ hơn không biết bao nhiêu tuổi mỗi đêm đều bận rộn đến tận khuya, còn mình lại vô tư đi ngủ thì cảm thấy thật không phải. Vậy nên chuyện sau khi nhìn thấy ánh đèn bên kia tắt rồi mình mới đi nằm cũng chỉ là vì để trong lòng cảm thấy thoải mái hơn. Còn Tô Đàn Nhi ở bên kia có suy nghĩ thế nào là chuyện của nàng, gã không muốn biết và cũng không có ý định can thiệp.
Vừa bước vào hè, Tần Lão lại mang bàn cờ ra chơi với mọi người, phần lớn những người này đều lớn tuổi hơn Ninh Nghị rất nhiều, trong đó cũng có một vài vị có chút tiếng tăm còn phần đông là những người yêu kỳ nghệ thông thường không có danh phận gì. Năm ngoái Ninh Nghị đã quen biết một vài người, bây giờ gặp lại cũng có người hỏi gã có phải là tác giả của “Thuỷ Điệu Ca Đầu” và “Thanh Ngọc Án” hay không. Gã chỉ gật đầu mỉm cười.
Quan hệ với Lý Tần đã gần gũi hơn nhiều, vào buổi trưa, sau lúc tan trường hai người vẫn đi ăn với nhau. Nguyên nhân chủ yếu là vì Ninh Nghị đã thiếu hắn một món ân tình trong vụ trứng muối. Tuy về sau có xảy sự việc của Cố Yên Trinh nhưng dù sao thì cũng không phải là lỗi của hắn.
Lý Tần là người xử sự rất đúng mực. Sau mấy tháng tiếp xúc, Ninh Nghị đã hiểu khá rõ tính cách cũng như những kinh lịch của hắn. Mấy năm trước Lý Tần từng thi đỗ tiến sỹ nhưng vì tư tưởng quá cấp tiến, đắc tội một vị quan to ở bộ Lại nên không được bổ nhiệm làm quan, tâm tư chán nản mới bỏ về Giang Ninh. Tuy bề ngoài hắn khiêm tốn giữ mình nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy sự phẫn hận hắn giấu trong lòng, khi nói chuyện tán gẫu tuy không có biểu hiện gì, nhưng qua một vài ý kiến bàn luận về những vấn đề học vấn sẽ biểu lộ rõ ràng suy nghĩ của hắn.
Nói một cách đơn giản thì tên gia hoả này sinh ra trong một gia đình giàu có, giỏi giang từ nho học, toán học cho đến cưỡi ngựa bắn cung, quân tử lục nghệ đều tinh thông. Đối nhân xử thế, ứng phó tiến thoái khéo léo. Người như vậy tại thời đại này là rất được. Xem xét cho kỹ thì hắn tuy chán ghét hủ nho, yêu thích thực tế nhưng vẫn không xa rời đại đạo, muốn vì cuộc sống của nhân dân mà suy nghĩ đường lối, ước mong xây dựng thái bình thịnh thế. Chỉ tiếc là giữa đường đứt gánh. Nho sinh bình thường mà đắc tội đại quan mà không được thăng chức phần lớn thường đau khổ cả đời. Hắn cũng đã từng buồn khổ một thời gian, bây giờ mới lấy lại được tinh thần, tự hỏi nho học, tự hỏi Vũ triều, tự hỏi con đường tương lai, cũng coi như là một người cầm được buông được.
Dù sao thì hắn cũng còn trẻ tuổi, nếu để qua vài chục năm nữa có khi lại trở thành một Tần Tự Nguyên khác chưa biết chừng. Ninh Nghị coi trọng người thông minh chứ không thích qua lại với đám văn nhân tài tử thông thường nên có thể tán gẫu mấy lời với Lý Tần. Tất nhiên trong khi giao tiếp không nên quá thân mật với kẻ sơ giao. Tuy rằng Lý Tần xử sự rất đúng mực, quan hệ của hai người trong thư viện cũng khá tốt, nhưng dù sao thì vẫn chưa thân thiết đến mức coi nhau như những người tri kỷ hay bạn tốt được.
Đương nhiên trong số các thầy giáo ở Dự sơn thư viện chỉ có hai người là hơi trẻ tuổi một chút. Việc Lý Tần đến đây giảng dạy, tuy rằng không tuyên truyền rộng rãi nhưng trong nửa năm nay cũng đã giúp thư viện nhận thêm được mười mấy học sinh...Tất nhiên đây lại là một chuyện khác.
Thời gian trôi qua nhanh chóng, Ninh Nghị đến Giang Ninh đã được một năm rồi. Ngẫm lại thì trong thời gian này cũng không xảy ra quá nhiều chuyện, chỉ sao chép hai bài thơ, tạo dựng được chút danh tiếng, làm quen với một số người, dần dần quen thuộc với nơi này và xem như bước đầu thích ứng với cuộc sống ở thời đại này. Thỉnh thoảng cũng có nghe được đôi lời bàn luận về tình hình xung đột giữa hai nước Kim - Liêu ở phương bắc, ngẫu nhiên cũng nghe thấy một vài thương hộ tiêu sư nói lên tình hình hỗn loạn không yên ở bên ngoài, khắp nơi giặc cướp chiếm núi xưng vương, một vài nhóm lớn nhất đang bị triều đình truy bắt. Những tin tức mang tính chất tạo phản như vậy không được truyền bá rộng rãi, khi tới tai các phú gia tại Giang Ninh thì chẳng còn bao nhiêu cảm xúc.
Tới cuối tháng tư, lúa mùa đã cấy xong. Bầu không khí vui vẻ tràn ngập trong ngoài thành Giang Ninh. Vì sắp tới tết Đoan Ngọ nên cuộc vui lần này không giống với lễ mừng năm mới. Ngoại trừ cuộc thi thuyền rồng trên sông Tần Hoài vào ngày mùng năm tháng năm còn có một đợt lễ hội kéo dài tới sáu ngày được cử hành nhân dịp Đoan Ngọ. Các thanh lâu trong vùng cũng sẽ tổ chức một cuộc thi để tuyển chọn hoa khôi.
o0o
Nếu như nói hội thi thơ hàng năm tổ chức vào lễ Trung Thu và lễ Thượng Nguyên ở Giang Ninh là để dành cho các tài tử, thì cuộc thi hoa khôi mùng năm tháng năm chính là dịp thịnh hội của các giai nhân. Tất nhiên đại đa số các tiểu thư khuê các hay những “giai nhân” đã lập gia đình thường không quan tâm đến chuyện này lắm. Thậm chí đây là một chuyện cần phải cân nhắc lại một cách sâu sắc nhưng cũng không nên phê phán, bởi vì tục lệ ở đây vốn là như vậy. Cho dù có liên quan đến những chuyện phong trần đi chăng nữa thì mọi người vẫn chỉ coi đó là vấn đề phong nhã mà thôi chứ không phải dơ bẩn hạ lưu gì.
Là một trong những sự kiện ưu nhã nhất trong năm, cũng giống như lễ hội Trung Thu và tết Thượng Nguyên, tất cả đều do quan phủ đứng ra bảo hộ. Trong lúc thi tài văn thơ, các tài tử đều có tâm lý văn vô đệ nhất nên việc tranh chấp giữa các tài tử là việc không thể tránh khỏi, những lúc đó quan phủ chỉ cần duy trì trật tự cơ bản là được. Còn cuộc thi lần này lại khác vì đây là một cuộc thi chân chính nhằm chọn ra tứ đại danh thủ và từ đó chọn một hoa khôi. Để có thể làm được việc này cần có một người đứng ra đánh giá công bằng và việc đánh giá này cũng chính là do quan phủ đảm nhiệm, nhân tiện có thể ngăn chặn những dối trá cũng như cãi cọ vô ích.
Quy tắc của cuộc thi thật ra rất đơn giản. Hoa khôi ư, xét cho cùng cũng chỉ để kiếm tiền mà thôi. Đã như vậy thì chỉ cần lôi kéo được người ủng hộ là có thể thành hoa khôi. Có điều để đạt được điều đó thì là một việc vô cùng phức tạp. Trong sáu ngày này, các thanh lâu ở Giang Ninh đều rộng cửa đón khách, hoặc giảm giá rượu hoặc chuẩn bị sân khấu để các cô nương biểu diễn. Nếu khách nhân cảm thấy yêu thích liền có thể mua hoa tới tặng, những bông hoa này chính là bằng chứng chứng tỏ sự ái mộ với cô nương đó. Trong chuyện này các thanh lâu cũng đã phải bỏ ra không ít công sức và thủ đoạn. Làm sao để lấy lòng khán giả, làm sao có thể khiến cho việc chọn hoa khôi trở nên sôi nổi và thu hút sự chú ý của mọi người, hơn nữa quan trọng nhất là làm sao đưa được vào đó một vài hoạt động văn nhã, nâng cao giá trị của các cô nương tham dự cuộc thi, thí dụ như để các tài tử làm thơ khen tặng...Nói chung là phải trông vào thủ đoạn của các thanh lâu.
Giang Ninh mười dặm Tần Hoài, trong thành tổng công có khoảng sáu bảy mươi thanh lâu. Ba ngày đầu của cuộc thi thật ra chỉ là giai đoạn chuẩn bị, mục đích là để hâm nóng bầu không khí mà thôi. Khi đó các thanh lâu phối hợp với nhau rất ăn ý, tuy rằng cũng không ngừng tuyên truyền nhưng những cô gái đứng ra biểu diễn trên sân khấu đều chỉ là những người tiếng tăm không lớn. Trong các nàng có người chỉ bán nghệ, có người vừa bán nghệ vừa bán thân, nhưng dù có danh tiếng hay không thì sau mấy ngày biểu diễn các nàng cũng có thể tạo được một chút tiếng tăm.
Các nàng sẽ nhớ rất kỹ những người đã ủng hộ mình trong mấy ngày này, những người tự biết mình không có đủ văn tài hoặc không có đủ tiền để có thể đoạt được các cô nương danh tiếng lớn hơn nên mới chọn các nàng. Như các huynh đệ của Tô gia vậy, tuy bọn họ luôn tự nhận phong lưu tài hoa, suốt ngày nhớ nhung Nguyên Cẩm Nhi hay Lục Thái Thái nhưng đến thanh lâu phần lớn là thân mật với các cô nương danh tiếng bình bình. Gần đây bọn họ luôn lấy lòng Tô Đàn Nhi thực ra chỉ vì muốn có tiền để mấy ngày này đến cổ vũ cho người mình yêu thích mà thôi.
Phải đến ba ngày sau mới có những tiết mục đặc sắc, mặc dù ban ngày vẫn không có gì khác với ba ngày đầu nhưng vào buổi tối sẽ tổ chức một đêm hội lớn ở gần bãi Bạch Lộ(1). Đêm hội này có sự tham gia của tri phủ đại nhân và rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Những cô gái tham gia sự kiện này sẽ được tuyển chọn dựa vào thành tích của ba ngày trước đó. Về cơ bản mỗi thanh lâu sẽ được hai suất tham gia thi tuyển. Trong số những nữ tử tham gia biểu diễn ba đêm trước sẽ tuyển ra mười sáu người. Vào tối ngày mùng bốn sẽ từ mười sáu người chọn ra tứ đại hành thủ, phải tới khuya ngày mùng năm mới là lúc tuyển chọn hoa khôi. Người có thể tham gia thịnh hội trong ba ngày này đều là người có tiền mà hoa khôi cũng chính là do sự ủng hộ của họ mà thành.
- Hàng năm việc tuyển chọn hoa khôi vẫn do quan phủ đứng ra tổ chức, ngay cả công tác chuẩn bị hoa cũng do quan phủ đứng ra, mà việc chuẩn bị hoa lại đem về lợi nhuận kếch sù. Như mấy năm trước có người thậm chí đưa tặng cả vạn đoá hoa, trên thực tế thì làm gì có đủ cả vạn đoá hoa bó lại cho hắn đi tặng... Tất cả những việc này, nếu chỉ dựa vào các thanh lâu thì không thể nào dễ dàng làm được mà phải thông qua quan phủ mới có thể tiến hành thuận lợi. Tiền mua hoa quan phủ sẽ lấy hai thành, hơn nữa tiền thuế hàng tháng vẫn cắn cứ vào đó mà tính toán như thường, riêng hai thành này là khoản quan phủ nghiễm nhiên có được. Mỗi năm số tiền họ kiếm được từ đây cũng không nhỏ.
Buổi trưa bên sông Tần Hoài, Ninh Nghị và Lý Tần từ trên tửu lâu đi xuống. Lý Tần đang cười nói với Ninh Nghị về những chuyện xảy ra gần đây cho tới việc chọn hoa khôi đang thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Hôm nay là ngày ba mươi tháng tư, cuộc thi hoa khôi đã bắt đầu, rất nhiều thanh lâu trong thành Giang Ninh cũng tổ chức nhiều hoạt động vô cùng long trọng, từ xa liền có thể nghe thấy tiếng đàn ca truyền đến. Một chiếc thuyền hoa chậm rãi trôi trên sông, đầy cờ hoa rực rỡ chạy dọc men bờ. Trong khoang thuyền, ngoài người lái còn có một vị nữ tử xinh đẹp, cô gái bỗng quay lại phía bên này vẫy tay gọi:
- Lý công tử, Lý công tử...
Thì ra nàng nhận ra Lý Tần.
- Buổi trưa nắng nóng, hai vị công tử nếu không bận việc gì, xin mời lên thuyền uống chén trà, nghỉ tạm một chút được chăng?
Ninh Nghị có chút khó hiểu quay sang nhìn Lý Tần, thấy vẻ mặt hắn tươi cười, chắp tay hướng về phía cô gái trên thuyền từ chối. Cô gái nói thêm vài câu rồi cũng không cố mời nữa. Đợi đi được một quãng, Ninh Nghị mới cười nói:
- Ha ha, Lý huynh đúng là người quen biết rộng rãi.
- Chỉ là trước kia có từng gặp mặt, không ngờ nàng vẫn còn nhớ.
Lý Tần cũng có chút đắc ý.
- Nếu ban nãy Lập Hằng muốn, chúng ta có thể lên thuyền ngồi chơi một chút. Nàng nhất định sẽ đón tiếp cẩn thận. Hơn nữa cũng không cần dùng tiền mua hoa, nếu có thể viết một bài thơ tán thưởng cô nương nào đó, thậm chí còn nhận được cả nhuận bút nữa đấy. Với những tài tử có danh vọng lớn, đôi khi đối phương còn tình nguyện hiến thân...
- Với tài năng của Lý huynh chắc là đã tiến cử không ít người đấy nhỉ?
- Cũng từng có, chỉ là nếu Lập Hằng chịu hiển lộ danh tính mà tham dự hẳn rất dễ dàng, e là chẳng cô nương nào có thể từ chối được đâu. Từ Trung Thu đến nay, tại hạ cùng Ỷ Lan cô nương từng gặp mặt vài lần. Nàng rất quan tâm đến Lập Hằng. Ta thấy nếu Lập Hằng có thể vì nàng làm một bài thơ thì chuyện nàng nguyện nâng khăn sửa túi giúp huynh không hẳn là không thể. Haha!
Trước kia Lý Tần chẳng mấy khi đề cập đến chủ đề này với Ninh Nghị, bây giờ vừa mở đầu câu chuyện đã không ngần ngại. Thơ từ ca phú của tài tử nhờ giai nhân mà được vang danh. Giai nhân cũng không thể bỏ qua sự ủng hộ của các tài tử. Đại hội hoa khôi hàng năm có không ít cô nương nổi bật nhờ thơ từ. Với thân phận của Lý Tần, nếu hắn vì một cô nương nào đó làm thơ thì giá trị của cô đó ngay lập tức được đề cao rất nhiều. Năm ngoái, tứ đại hành thủ lần lươt là Ỷ Lan, Lục Thái Thái, Nguyên Cẩm Nhi và hoa khôi Phùng Tiểu Tĩnh. Có người nói Lý Tần chính là một trong những tài tử ủng hộ Phùng Tiểu Tĩnh.
- Kỳ thực cuộc thi này cũng chỉ là việc tranh dành danh tiếng mà thôi.
Lý Tần lắc đầu cười.
- Vào lễ Trung Thu và Thượng Nguyên năm ngoái, hai hội thơ Chỉ Thuỷ - Lệ Xuyên rất khó phân cao thấp, hai bên luôn tranh đấu với nhau. Lúc đó Tào Quan đã gây được thanh danh lớn và trở thành tài tử hàng đầu của hội thơ Chi Thuỷ. Hắn làm hai bài thơ tán thưởng Nguyên Cẩm Nhi, những tài tử khác của hội thơ Chỉ Thuỷ cũng đều ủng hộ Nguyên Cẩm Nhi... Hà, sau đó bên hội thơ Lệ Xuyên liền xoay ra ủng hộ Phùng Tiểu Tĩnh. Khi đó Ô gia đang ủng hộ cho Ỷ Lan cô nương có thực lực mạnh nhất, chỉ có điều Ô gia vốn là thương nhân nên hơi kém về danh tiếng, rốt cuộc để cho Phùng Tiểu Tĩnh dành thắng lợi cuối cùng. Điều này thật sự cũng có chút khó hiểu...
- Tất nhiên tình hình năm nay đã khác, mà nguyên nhân chủ yếu chính bởi Lập Hằng huynh bỗng trở nên nổi tiếng. Nếu huynh không có ý định tham dự chuyện này thì cũng không có gì đáng nói, nhược bằng huynh cũng là kẻ có tâm thì, ha ha, nói không chừng tất cả mọi nhà sẽ hợp lực lại mà công kích huynh đó...
Lý Tần biết rõ ngày thường Ninh Nghị ít khi đến các thanh lâu, giao tiếp cũng không nhiều nên nói xong mấy lời này liền cười hỏi:
- Lập Hằng mấy ngày nay có dự định gì không?
- Tại hạ định tối mùng ba đến bãi Bạch Lộ xem biểu diễn.
- Nhà đồng ý cho huynh đi sao? Vậy phải cẩn thận suy nghĩ mới được...
Lý Tần vội vàng nói. Thực ra bây giờ hắn đang giảng bài ở thư viện Dự Sơn, cũng có thể coi như là khách khanh của Tô gia. Tô gia từng mấy lần mời hắn ăn cơm nên đã có dịp gặp mặt Tô lão thái công và Tô Đàn Nhi. Mà Tô Đàn Nhi cũng mấy lần đến tận thư viện Dự Sơn, vi vậy hắn khá rõ tính cách của nàng. Tuy nàng không phải người hẹp hòi gì nhưng dù sao nữ nhân cũng vẫn là nữ nhân. Hắn vừa nói phải suy nghĩ chính là để chỉ cuộc thi chọn hoa khôi sắp tới. Thông thường, nếu ngươi ủng hộ vị cô nương nào thì sau khi yến hội chấm dứt sẽ có một bữa tiệc để các nàng đứng ra cảm tạ. Trong bữa tiệc này sẽ có ca múa mà các tài tử cũng làm thơ chúc mừng, vừa ca ngợi cô nương mình ủng hộ vừa tạo danh tiếng cho bản thân.
Sau khi nghe Lý Tần thuyết minh rõ những uẩn khúc này, Ninh Nghị lắc lắc đầu cười đáp:
- Tại hạ đi cùng với Đàn Nhi.
Lý Tần ngẩn người một lúc mới nói:
- Vậy cũng đúng, trong mấy ngày biểu diễn này các nàng sẽ dốc hết khả năng của mình ra, dù chỉ đi xem không thôi thì đã rất hay rồi.
Lần này có thể coi là màn biểu diễn có trình độ cao nhất ở Giang Ninh, mấy ngày trước khi cùng chuyện trò với Ninh Nghị ở ngoài hiên lầu hai, Tô Đàn Nhi đã đề cập đến việc muốn cùng Ninh Nghị tới xem biểu diễn. Thực ra nàng biết Ninh Nghị rất thích những loại náo nhiệt thế này. Ngược lại Lý Tần thì có chút tiếc nuối trong lòng. Mặc dù trong nhà đã có thê tử nhưng hắn lại không có ý định mang các nàng theo đi dự hội. Chủ yếu là vì sau khi yến hội kết thúc, không chỉ có mỗi một việc hội ngộ giai nhân mà quan trọng nhất chính là kết giao bằng hữu. Mở rộng quan hệ, tạo dựng danh tiếng mới là mục đích chính của hắn khi dự hội.
Hai người cùng đi một đoạn đến một ngã rẽ thì mới chia tay. Ninh Nghị không còn việc gì khác nên trở về nhà, Tô Đàn Nhi cùng mấy nha hoàn cũng đã trở về. Thiền nhi và Quyên nhi đang líu ríu kể về những màn biểu diễn gặp được trên đường cùng tâm trạng mong ngóng tới cuộc thi lớn nhất trong ba ngày từ mùng ba đến mùng năm. Đáng tiếc tới lúc chạng vạng tối lại nhận được một phong thư. Ngay sau đó, hai tên chưởng quỹ vội vã đến phủ gặp mặt bàn bạc với Tô Đàn Nhi một hồi lâu. Tới lúc ăn bữa tối, Tô Đàn Nhi tỏ vẻ xin lỗi nói rằng không thể cùng đi xem biểu diễn.
- Đột nhiên có việc gấp, sợ là không thể cùng tướng công đi chơi được, hay là tướng công đi cùng tiểu Thiền vậy nhé.
Sau đó nàng nhỉ giọng nói:
- Văn Định, Văn Phương bọn họ cũng có mấy chục một trăm lạng, thiếp đã đưa tiền riêng cho tiểu Thiền, nếu tướng công ưng ý cô nương nào thì cứ việc mua hoa tặng. Tặng nhiều một chút thì đến tạ yến vào buổi tối còn có thể hưởng thụ mỹ nhân ân...Sau khi tướng công chiếm được cô nào rồi thì cũng không được bảo rằng thiếp đây keo kiệt đâu đó...
- Gian thương...
Nhìn thấu tiểu xảo của nàng, Ninh Nghị bật cười thở hắt ra.
Tô Đàn Nhi nhăn mũi cười hi hi.
Dù trước mặt Ninh Nghị nàng tỏ ra tự tin song có một vài việc nàng không thể không cân nhắc. Buổi tối cuối tháng tư ấy, sau khi trở về phòng, trong lòng Tô Đàn Nhi vướng chút buồn phiền. Nàng ưu tư nhìn sang ánh đèn ở gian phòng đối diện. Trông nàng bấy giờ giống như những thiếu nữ bình phàm, mặc dù thường ngày, mỗi khi nàng trầm tư suy nghĩ vẫn biểu hiện nét thành thục, lông mày hơi nhíu để lộ ra một cỗ khí thế ổn trọng được tài bồi theo năm tháng. Chỉ là lúc này, tuy rằng nàng cũng đang trầm tư suy nghĩ nhưng nét mặt không có một chút ổn trọng nào, ngược lại toàn là những biểu hiện của một thiếu nữ thông thường. Nàng ngồi bên bàn, buồn bã đưa tay lật mở từng trang sách dưới ánh đèn. Đây đơn thuần là cử chỉ của một thiếu nữ mà thôi.
Sau đó, nàng gọi tiểu Thiền vào phòng, vui vẻ cười nói với cô bé như mọi khi, rồi bàn tới việc đi xem biểu diễn ngày mùng ba, đồng thời lấy ra một chút ngân phiếu đưa cho cô bé. Tuy tiểu nha đầu hơi buồn vì Hạnh nhi và Quyên nhi không được đi xem biểu diễn, song vẫn tương đối phấn khởi vì dù sao mình cũng được tham dự, ngần ngừ một lúc mới nói:
- Tiểu thư, muội...Hay là để Quyên nhi đi cùng với cô gia, muội cùng với tiểu thư đi xử lý công việc ở nhà xưởng cũng được. Quyên nhi rất muốn đi xem lễ hội...
- Đợi xử lý xong công việc của ngay mùng bốn đến mùng năm là chúng ta có thể cùng nhau đi xem rồi.
Tô Đàn Nhi cười cười, đưa tay vuốt nhẹ gò má tiểu Thiền, nhìn thằng vào gương mặt thanh tú của nàng rồi lại nhìn sang cửa số phía bên kia, suy nghĩ một lúc, đoạn hít sâu một hơi như vừa quyết định việc gì đó.
- Tiểu Thiền, muội thực sự thích cô gia hả?
Tiểu Thiền ngây người, mãi hồi lâu không biết trả lời thế nào, ánh mắt bối rối, gương mặt bỗng trở nên đỏ hồng...
-------------------------------
(1) 白鹭洲: chữ châu(洲) có nghĩa là cù lao, bãi nổi trên sông.