Điều khiến nó trở nên khác thường chính là sự xuất hiện của hai chiếc xe cảnh sát hộ tống đằng sau, ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy dưới mưa trông thật đẹp mắt.
Con chó hoang ngồi trong màn đêm khi nãy dường như vừa đánh hơi thấy mùi gì liền quay ngoắt đầu lại và chăm chú theo dõi.
Chiếc xe dâu màu đen tiến vào sân sau quán rượu, hai xe cảnh sát đỗ nép hai bên. Bốn viên cảnh sát cao sàn sàn nhau đứng mỗi người mỗi góc quan sát động tĩnh bốn bề.
Trong quán rượu, người chủ trì gầy đứng trên sân khấu và trịnh trọng tuyên bố:
– Thưa quý vị, cô dâu chú rể đã tới!
Tiếng hoan hô dậy lên như sấm.
Anh ta nói tiếp:
– Tuy nhiên hôm nay cô dâu không được khỏe, rất mong quý vị thông cảm.
Chờ một hồi vẫn không thấy bóng dáng cô dâu đâu, tiếng vỗ tay bắt đầu thưa dần, quan khách dáo dác đưa mắt tìm kiếm khắp xung quanh.
Cuối cùng cũng đã đến lúc người chủ trì mập kéo roạt bức màn sân khấu. Cô dâu chú rể xuất hiện ngay trước mắt mọi người, chàng bồng nàng trên tay, bước từng bước chậm rãi từ đằng cửa sau lên sân khấu.
Tát Nhĩ Hanh khoác chiếc áo vest đuôi tôm màu đen, làm nổi bật chiếc nơ áo trắng muốt. Bông lụa đỏ thắt lệch trước ngực cứ xéo xuống thảng như sắp rơi ra bất cứ lúc nào. Chú rể sở hữu vóc người cao to, khuôn mặt điển trai, làn da tươi mịn cùng ánh mắt thanh thoát, nhìn là biết ngay con nhà gia thế. Có lẽ do phải mệt mỏi lo toan hôn sự nên sắc mặt anh không được tươi cho lắm.
Cô dâu nằm cứng đờ trong vòng tay anh, tuyệt không cử động. Nàng mặc bộ váy cưới kiểu nữ hoàng Victoria phong cách thời Phục Hưng, trên đầu điểm xuyết trân châu và hoa lụa. Tà váy dài trắng như tuyết thướt tha nền đất, khe khẽ phất phơ theo nhịp bước của chàng trai.
Ngoài việc bầu ngực hơi phẳng thì vóc dáng nàng cũng tuyệt vời đấy chứ. Chỉ có điều nàng đeo mạng che mặt nên không ai trông thấy rõ dung nhan.
“Cô dâu làm sao vậy?” Quan khách bắt đầu ghé tai nhau xì xào. Cô nàng môi mỏng quen tính nghĩ sao nói vậy, khe khẽ rỉ tai người ngồi cạnh:
– Hay đấy là… người thực vật?
Người ngồi kề bên huých nhẹ khuỷu tay vào người cô, rồi lại hướng mắt lên sân khấu.
Cuối cùng Tát Nhĩ Hạnh cũng đã đứng ngay ngắn trên sân khấu, anh khẽ nghiếng mình chào khán giả, khóe môi gắng gượng nở nụ cười và nói:
– Trời có đòi mưa thì tôi vẫn phải lấy vợ. Muộn như vậy rồi mà các bạn vẫn đến tham dự lễ thành hôn của chúng tôi, xin chân thành cảm ơn!
Toàn bộ quan khách lập tức giữ im lặng, không một ai lên tiếng.
Hai chân Tát Nhĩ Hành khẽ rung lên, anh nhẹ nhàng đỡ cô dâu đứng thẳng xuống và tiếp lời:
– Ngày hôm nay tôi không mời chủ hôn, chỉ có hai người bạn tạm đứng ra chủ trì buổi lễ.
Hai người chủ trì béo và gầy lần lượt cúi chào khán giả.
Tát Nhĩ Hạnh nói tiếp:
– Và cũng chẳng có ai làm người chứng hôn… Theo thông lệ thì người chứng hôn phải tuyên đọc giấy chứng nhận kết hôn trước toàn thể mọi người. Tôi và Phán Phán không làm bất cứ tờ chứng nhận nào hết. Đó là thứ vô dụng nhất trên đời vì chỉ khi nào li hôn ta mới cần đến nó.
Nói đến đây, anh cúi xuống đắm đuối nhìn cô dâu trong vòng tay:
– Sau buổi lễ ngày hôm nay, tôi và Phán Phán sẽ mãi mãi ở bên nhau đến từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm, từng thế kỷ…
Quan khách càng nghe chú rể nói, khuôn mặt càng bừng lên vẻ trang trọng và ngưỡng mộ..
Người chủ trì gầy xua tay ra đằng sau, một nhân viên quán rượu đứng hóng chuyện nãy giờ bèn lui về. Một lúc sau, khúc nhạc “Wedding March” được cất lên. Chẳng hiểu vì lẽ gì mà lúc này nghe giai điệu ấy lại thoảng thấy lạnh lẽo u sầu.
Con chó hoang vẫn ngồi im lìm trước quán rượu. Nó nhìn chăm chăm vào thân hình cô dâu qua lớp cửa kính, đầu mũi giật giật liên hồi. Mưa dăng dăng bốn phía, khắp chung quanh đầy ứ hơi tanh.
Người chủ trì béo bắt đầu cất giọng sang sảng:
– Nhất bái thiên địa…
Tát Nhĩ Hạnh ôm cô dâu cúi mình.
– Nhị bái cao đường…
Tát Nhĩ Hạnh cúi mình, tay vẫn ôm cô dâu.
– Phu thê giao bái…
Chú rể cúi mình lần cuối, người con gái vẫn nằm trong tay anh.
– Cùng lên thiên đường…
Một tia sét bất chợt lóe lên giữa trời kèm theo tiếng sấm ì ùng. Ánh chớp soi tỏ chữ “hỉ” dán trên cửa sổ quán rượu. Một chữ hỉ màu trắng.
2
Cánh cổng khu biệt thự Ngọc Mễ tựa một lằn ranh nằm chắn giữa hai thế giới. Phía trong cổng là ánh sáng lấp loáng, yên bình của đèn neon. Còn ngoài cổng là cánh đồng mịt mùng giữa mông lung vô tận. Đặt chân qua cổng, Phục Thực như vừa rời khỏi thế giới của ánh sáng để bước vào cõi riêng của đêm tối.
Anh chờ mãi một lúc lâu mới thấy có chiếc taxi xuất hiện. Tài xế là một cô gái còn khá trẻ, thấy khách đòi tới thôn Huyền Quái, cô ta chê xa rồi đạp ga chạy thẳng. Ngay sau ấy lại có tiếng động cơ khác vang tới “brừm brừm” mỗi lúc một gần. Một trong hai chiếc đèn trước của nó đã hỏng, chiếc còn lại chiếu xuyên ngang màn đêm. Xe đỗ xịch ngay trước mặt Phục Thực, một cái đầu nhem nhuốc thò ra:
– Taxi không anh ơi?
– Thôn Huyền Quái, đi được không? – Phục Thực hỏi.
– Thôn Huyền Quái ư? Muộn thế này rồi… – Tài xế nói.
– Tôi trả gấp đôi. – Phục Thực đáp.
Đắn đo một hồi, người tài xế trả lời:
– Lên xe!
Chiếc xe nom thật kỳ dị, Phục Thực vừa quan sát nó vừa chui vào bên trong:
– Xe này là xe gì vậy?
Tài xế lắc lắc cái đầu và nói:
– Xe này vốn là xe kéo, tôi độ thêm cái vỏ jeep thôi mà.
– Thế ta nên gọi nó là xe kéo hay xe jeep? – Phục Thực hỏi.
– Ô hay! Dĩ nhiên là xe jeep rồi! Giả sử có một con người mang nội tạng của sói bên trong, anh vẫn sẽ gọi đó là người chứ không phải sói, đúng chứ? – Tài xế quả quyết.
Phục Thực nhìn thẳng vào mắt tài xế vài giây rồi đáp:
– Có lý đấy!
Tài xế cười đắc chí và đạp chân ga, chiếc xe jeep liền xình xịch nổ máy.
Vầng trăng khuyết cong cong treo trên bầu trời dường như càng đỏ thậm, tựa hồ một con mắt độc nhãn. Cõi nhân gian mênh mông là thế nhưng nó chẳng nhìn ai, chỉ dõi theo mỗi chiếc xe màu đen đang bon bon chạy trên đường.
Chiếc xe đen đi men theo đường vành đai số năm thành phố Tây Kinh nhằm hướng tây thẳng tiến. Nó băng qua không biết bao nhiêu dãy nhà nối tiếp nhau thành một dải miên man. Ánh đèn điện mỗi lúc một thưa, còn cây cối mỗi lúc một dày, cây cối ấy chính là tóc của thế giới này.
Chợt có một vật gì đó xù lông bỗng lao ra từ vệ đường tối mò, nó cúi mặt xuống, chân tập tễnh chạy ra trước xe.
– Cái gì thế? – Phục Thực hỏi.
Tài xế nheo mắt nhìn cho rõ vật lạ trước mặt.
– Sói à? – Phục Thực hỏi.
– Vùng này lấy đâu ra sói! Chắc chó hoang thôi.
Nói rồi tài xế ra sức bấm còi: “Bim! Bim! Bim!” Con vật liền nhảy phắt vào lùm cây dưới vệ đường và biến mất dạng. Suốt từ lúc xuất hiện cho đến khi biến mất, nó chưa hề ngẩng mặt lên lần nào.
– Anh thấy không? Mõm nó gặm một mẩu xương, hình như vẫn còn nhỏ máu. – Phục Thực nói.
– Gần đây có nghĩa địa mà!
– Anh có vẻ khá quen vùng này?
– Cô sáu nhà tôi sống ở thôn Huyền Quái.
– Ồ.
– Anh chưa đến đấy bao giờ à?
– Chưa.
– Hẻo lánh lắm!
– Nhưng tôi thích cái tên đấy.
– Thật ra ngày trước người ta không gọi là thôn Huyền Quái đâu.
– Thế gọi là gì?
– Gọi là Huyền Quải. “Huyền” là cheo leo, “quải” là treo lên ấy! – Tài xế vừa nói vừa chỉ vào bức tượng Phật Như Lai treo lúc lắc trước cửa xe – Nghe khó hiểu quá hả?
– Không! Rất rõ ràng!
– Năm 1982, người ta đã đổi tên thôn này trong lần đổi tên đầu tiên của cả nước.
– Tại sao lại tên là thôn Huyền Quải?
– Cái đấy tôi cũng chịu.
Xe chạy được non nửa tiếng đồng hộ, thì tài xế chỉ ra ngoài và bảo:
– Đến nơi rồi đây.
Phục Thực khom người nhìn ra bên ngoài. Cách đường cái chừng cây số có một ngôi làng toàn những căn nhà đất hai tầng thấp lè tè, lập lòe ánh đèn cô tịch.
– Anh xuống chỗ nào?
– Xuống đây luôn đi!
Phục Thực trả tiền, trước lúc xuống còn tranh thủ liếc nhìn bức tượng Phật treo trước cửa sổ.
Chiếc xe đen xem chừng rất gấp gáp, Phục Thực vừa mới đặt chân xuống đất, chưa kịp đứng vững thì nó đã rùng mình một cái rất ra vẻ ta đây xe jeep rồi lịch xịch lê đi mất.
Tiếng động cơ xe mỗi lúc một nhỏ dần, bốn xung quanh lặng ngắt như tờ. Phục Thực lấy điện thoại ra và gọi vào số của Mục Phân Mục Phân.
– Em đang ở đâu?
– Anh đang ở đâu?
Phục Thực ngó nghiêng xung quanh, thấy bên đường có một am ni cô với bờ tường gạch xanh cao cao, cỏ khô um tùm giăng tứ phía, nom điêu tàn, ma mị và kỳ quái.
– Anh đang ở am ni cô.
– Anh vòng qua am ni cô, đằng sau chính là thôn Huyền Quái, em đón anh giữa đường nhé!
– Sao em lại tới đây?
– Tới chơi!
– Em mặc quần áo màu gì?
– Quần bò xanh và áo phông đỏ. Mà cần gì phải biết nhỉ, ở đây chỉ có hai ta, không nhầm được đâu!
– Cũng phải!
Trời tối như đêm ba mươi, Phục Thực dè chừng bước xuống lòng đường, quả nhiên anh thấy một dải đường đất trơ trụi trải ra trước mắt bèn chậm rãi men theo.
Chó trong làng bỗng sủa rộ lên, tiếng trầm tiếng bổng chen nhau lẫn lộn. Chẳng hiểu hai con chó đang dương oai hay cùng phát hiện ra điều gì đó bất thường mà sủa lên cảnh báo. Chúng cứ ra sức sủa thật hăng.
Dải đường đất vắng tanh không một bóng người. Phục Thực bước, bước mãi, đột nhiên hai chân bỗng díu lại khiến anh suýt nữa ngã nhào. Anh quỳ xuống quờ quạng, thì ra chỉ là một miếng gạch. Tiếp đó, có một mùi gì đó thoang thoảng chạm vào mũi khiến đôi mắt anh chợt trở nên cảnh giác.
…
Về sau, anh kể lại với Mễ Gia thế này:
Lúc ấy chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào anh lại sực nhớ đến một thứ không nên nhớ, đó là bức tượng Phật treo trong chiếc xe jeep “kéo”, nói chính xác hơn là bị sợi dây buộc ngang cổ rồi vắt lên lủng lẳng.
Anh đứng phắt dậy, từ từ quay lưng lại và quan sát bốn xung quanh. Một cây du cổ kính đứng cô liêu ven đường, trên cây có một vật lạ đen thù lù đang đung đưa khe khẽ.
Anh tiến lại gần hơn và rồi chết đứng khi trông rõ đó là một cô gái. Cô mặc cái áo phông đỏ cùng chiếc quần bò xanh, khuôn mặt nát bươm, máu trộn lẫn thịt không còn hình hài của khuôn mặt theo đúng nghĩa. Anh thất thần trong giây lát rồi lập cập rút điện thoại, nháy vào số của Mục Phần Mục Phân.
Chiếc điện thoại trong túi áo cô gái đổ chuông lanh lảnh.
Mười giờ tối nay, khách khứa được mời lục tục đội mưa vượt gió tới quán rượu dự lễ thành hôn…
Mười giờ tối qua, tiếng chuông điện thoại của chàng trai vang lên, đó là cuộc gọi của cô gái quen qua mạng gửi tới lời mời gặp gỡ…
Mười giờ mười lăm phút tối nay, xe cưới vén mưa đưa cô dâu và chú rể tới quán rượu…
Mười giờ mười lăm phút tối qua, người con trai ấy đang tới ngoại ô phía tây trên chiếc xe jeep kéo.
Mười giờ bốn lăm phút tối nay, người chủ trì giới thiệu cô dâu đã đến…
Mười giờ bốn lăm phút tối qua, người con trai ấy đặt chân xuống đoạn đường đất cạnh am ni cô, tìm người tình ảo chưa từng gặp mặt…
Mười giờ năm mươi tối nay, chú rể ôm cô dâu bái trời lạy đất…
Mười giờ năm mươi tối qua, người con trai ấy trông thấy cảnh tượng một cô gái bị treo lủng lẳng trên cao tít ngọn cây…
Hôm nay…
Hôm qua…
Hôm nay là hôn lễ.
Hôm qua là ái tình.
Từ hôm qua cho đến hôm nay…
Bộ áo cưới bao bọc trọn lấy toàn thân cô dâu, chỉ để lộ ra phần cổ trắng toát, bên trên đeo sợi dây chuyền mặt cây thập giá đen. Tiếng sấm bất chợt nổ đùng đoàng khiến chú rể giật mình, làm cây thập giá rớt xuống đong đưa giữa khoảng không…
Người con trai ấy dùng ánh sáng hắt ra từ màn hình điện thoại di động chiếu chậm rãi từ dưới lên trên thi thể đang treo lơ lửng… Trên cổ người con gái xấu số có đeo một mặt dây thập giá đen, khẽ đưa đẩy nhè nhẹ trong gió…