Phần trước và phần sau câu chuyện của tôi đều hiện lên hình ảnh một bức tượng Phật bị buộc dây thừng vào cổ và treo lủng lẳng giữa không trung.
Tôi chọn kiểu gõ chữ Hán ABC thông minh. Hai ký tự “fo” đáng nhẽ chỉ cho ra một chữ Hán duy nhất: chữ “Phật”, nhưng tôi gõ mấy lần mà đều ra chữ “phụ” trong từ “phụ nữ”.
Cây du già lẻ loi bên đường đó không biết đã chết khô từ bao giờ, bản thân nó đã là một cái xác.
Các cụ già trong thôn Huyền Quái vẫn còn nhớ, ba mươi năm trước, có một cô gái tuổi chừng mười tám, vì bị cha mẹ cấm cản chuyện hôn nhân, không cho cô gặp gỡ người con trai mà cô yêu nên đã treo cổ lên cây tự vẫn. Khi ấy, cây du đang độ xuân thì, mái đầu xanh mướt
Khi chết, cô gái mặc bộ quần áo màu trắng.
Suốt bao năm qua, người ta vẫn rỉ tai nhau: trong những đêm khuya thăm thẳm, có một người con gái mặc bộ quần áo trắng, lững thững đi vòng quanh cây dụ già cô độc, từng vòng, từng vòng, như thể đang cố kiếm tìm linh hồn của mình.
Giờ đây người đàn ông mà cô yêu đã ngoại ngũ tuần, đã có cháu ẵm bồng và vẫn sống ở thôn Huyền Quái.
Tử thi đeo sợi dây chuyền hình chữ thập màu đen treo lơ lửng trên cây suốt một đêm dài.
Khuôn mặt nát bươm, chiếc áo phông đỏ rách tả tơi, nửa thân trên lõa lồ, hai bầu vú bị ăn mất, dầm dề máu. Cái đầu rũ xuống, lưỡi thè dài, hình như cái xác đang muốn liếm vết thương trên người nó.
Sớm hôm sau, một người đàn ông trung tuổi bị thọt chân tập tễnh đạp xe lên thành phố. Ông có việc cần gặp người chị họ. Lúc đi qua cây du già, thấy cái xác đung đưa trên cây, ông ta ngã bổ nhào xuống đất, bỏ cả xe đạp, ba chân bốn cẳng chạy về nhà…
Người trong thôn hay tin, lũ lượt kéo tới chỗ cây du hóng chuyện như một bầy ong.
Người đàn ông thọt không quay lại nữa.
Chiếc xe đạp nằm chỏng chơ trên đường, cách tử thi chừng mấy chục mét, bánh xe vẫn xoay tròn trong gió.
Chẳng bao lâu sau, cảnh sát hình sự đã có mặt tại hiện trường.
Họ giải tán đám đông, căng dây phân cách, tìm kiếm, đo đạc và chụp ảnh.
Tiết trời tháng ba, mầm xanh hãy còn ủ mình trong đất, mặt đất chỉ là một khoảng không buồn tẻ khiến sợi dây phân cách màu vàng phất phơ trong gió bỗng trở nên tươi tắn lạ thường.
Đám đông không ra về mà đứng túm năm tụm ba bên ngoài khu vực bị phong tỏa, xem sự thể từ đằng xa.
Một phóng viên muốn len vào hiện trường, nhưng bị cảnh sát ngăn lại.
Nửa tiếng sau, tử thi bị đưa đi.
Hai con quạ, một to một nhỏ, kêu quang quác nghe đến nhức óc, chúng lượn vòng mãi phía trên cây du nhưng không hề đậu xuống.
Hiện trường đã bị phá hoại, cảnh sát không tìm thấy manh mối nào.
Tuy vậy, họ tìm được một chiếc thẻ sinh viên trong túi của nạn nhân. Nhờ vậy, người ta biết được lai lịch của kẻ vong mạng: Cố Phán Phán, sinh viên trường Đại học Tây Kinh.
Trong chiếc túi khác của nạn nhân có một chiếc điện thoại di động Nokia màu đỏ. Có hai cuộc gọi cho cùng một người vào ngày nạn nhân bị giết.
Cảnh sát mau chóng tìm ra kẻ kết nối điện thoại với người bị hại. Anh ta tên Phục Thực, trợ lý Tổng giám đốc của hãng điện ảnh Kim Tượng.
Tối hôm đó, cảnh sát triệu tập Phục Thực.
Đó là một căn phòng rất đỗi tầm thường. Nó khác với những căn phòng khác bởi mùi sắt hoen gỉ nồng nồng.
Cảnh tượng giống hệt như cảnh trong các bộ phim truyền hình, một nam cảnh sát hình sự thẩm vấn, một nữ cảnh sát hình sự ghi chép lại.
Phục Thực ngoan ngoãn ngồi trên chiếc ghế băng dài kê giữa phòng, ánh mắt chiếu thẳng vào nam cảnh sát. Phục Thực lần lượt trả lời từng câu hỏi dồn của cảnh sát với vẻ mặt vô cảm.
– Anh và nạn nhân quen nhau như thế nào?
– Qua mạng.
– Hai người đã quen nhau bao lâu?
– Hơn hai tháng.
– Đã gặp nhau lần nào chưa?
– Hôm qua là lần đầu tiên.
– Hai người vẫn liên lạc qua điện thoại?
– Hôm qua là lần đầu tiên.
– Trong lúc nói chuyện trên mạng với nhau, nạn nhân có kể với anh về bất cứ kẻ thù nào không?
– Chúng tôi chỉ nói chuyện yêu đương.
– Anh có cảm nhận điều gì bất thường khi nói chuyện qua điện thoại với nạn nhân không?
– Không.
– Lúc thấy nạn nhân đã tử vong, tại sao anh không báo án?
– Phiền phức lắm!
Dù thẩm vấn thế nào, câu trả lời của Phục Thực vẫn ngàn lần như một.
Viên cảnh sát nam ngưng một hồi rồi hỏi tiếp:
– Anh không trung thực.
– Tôi rất trung thực.
– Anh rất không trung thực.
– Anh muốn nói sao thì chuyện thành vậy.
– Tôi thấy anh là người thông minh, anh thử nghĩ xem, toàn thân đã rơi xuống giếng rồi thì hai tai còn ở lại được nữa không? Anh nên khai thẳng thắn để đêm nay mọi người không phải nhọc công thức trắng.
– Những gì cần khai tôi đã khai hết rồi.
– Thế còn những gì không cần khai?
– Không có điều không cần khai, chỉ có điều… không nên hỏi thôi.
– Anh cứ hỏi.
– Các anh đã khám nghiệm tử thi chưa?
– Anh hỏi điều đó để làm gì?
– Tôi muốn biết thời gian cô ấy bị chết.
– Chúng tôi không thể nói điều đó với anh được. Anh còn gì muốn hỏi nữa không?
– Không!
Viên nam cảnh sát vươn mình vẻ mệt mỏi:
– Thôi được rồi, hôm nay chúng ta làm việc tới đây thôi. Mời anh đọc lại bản ghi chép, nếu không có vấn đề gì thì điểm chỉ vào.
Phục Thực điểm chỉ xong lại nhìn chòng chọc vào mắt viên cảnh sát nam. Chừng như anh ta đang chờ đợi một câu kết bởi nó quyết định việc đêm nay anh có thể trở về Ngọc Mễ hay không.
Viên cảnh sát mở ngăn kéo và lấy ra một chùm chìa khóa lớn. Tiếng chìa khóa va vào nhau xủng xoảng.
Phục Thực hỏi một cách đề phòng:
– Tôi có thể đi được chưa?
Viên cảnh sát nữ đáp lời:
– Anh chưa đi được! – Giọng nói cô ta ồm hơn cả giọng nói của người đồng nghiệp nam.
Tới tận khi bị đưa vào phòng tạm giam, Phục Thực vẫn không hé thêm lời nào.
Phòng tạm giam nằm tận cùng dãy hành lang, không có đèn.
Bước vào phòng giam, bàn chân Phục Thực đạp phải thứ gì đó nghe lạo xạo, có lẽ là một mảnh kính vỡ. Mùi gỉ sắt ở đây còn nồng hơn cả căn phòng ban nãy.
Cạch! Viên cảnh sát nam khóa cửa xong bèn cùng người đồng nghiệp nữ rời đi.
Lúc này đã qua giờ tan tầm, hành lang trở nên vô cùng tĩnh mịch. Đi được dăm bước, nữ cảnh sát dừng lại, ngoảnh đầu nhìn hàng lan can sắt của phòng tạm giam. Bên trong tối như hũ nút.
Vị nam cảnh sát cũng dừng bước theo, cất tiếng hỏi:
– Cô nhìn gì vậy?
– À, không có gì…
Rồi hai người lại tiếp tục đi về phía cửa cầu thang.
– Theo cô gã này có phải hung thủ không? – Nam cảnh sát hỏi nhỏ.
– 50 – 50.
– Nói thế cũng bằng không.
– Kinh nghiệm mách bảo tôi rằng nếu ta cảm nhận thấy khả năng gây án của đối tượng chỉ ở mức bốn mươi phần trăm hoặc sáu mươi phần trăm thì thông thường đó không phải hung thủ. Nhưng nếu ta cảm nhận khả năng gây án của y là năm mươi phần trăm thì đó có thể là hung thủ thực sự hoặc cũng có thể thuộc diện vô tội. Một khi cảnh sát chúng ta phải phân vân hai đằng, không biết phán đoán ra sao thì thường thường kẻ đó chính là hung thủ.
– Tôi không hiểu.
– Điều này huyền diệu lắm. Anh cứ coi như đó là trực giác của phụ nữ chúng tôi.
Khi đến cửa cầu thang, viên cảnh sát nam đột ngột dừng lại lần nữa.
Người đồng nghiệp nữ hỏi:
– Sao không đi tiếp?
– Rốt cuộc ban nãy cô trông thấy thứ gì? – Viên cảnh sát nam hạ giọng hỏi.
– Hình như tôi thấy hai luồng ánh sáng xanh lục từ phòng tạm giam. – Nữ cảnh sát ngần ngại cười trừ.
– Không thể nào!
– Cũng có thể do tôi hoa mắt.
– Chắc chắn là vậy!
Nói rồi, hai người tiếp tục bước xuống cầu thang, vừa đi vừa thảo luận về vụ án mạng.
Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân tử vong vào khoảng tám giờ tối qua. Nhưng Phục Thực nhận cuộc gọi đến của nạn nhân lúc mười giờ đêm. Khoảng chênh lệch này này là một câu đố lớn.
Giả dụ cuộc gọi đó đúng là do nạn nhân gọi thì vụ án này quả có chút ma quái.
Giữa đêm đen tịch mịch, một thi thể treo lủng lẳng trên cây, chầm chậm xoay tròn trên không theo chiều gió, bốn bề hiu quạnh vắng tanh, không một bóng người, cỗ thi thể ấy từ từ rút chiếc điện thoại di động, nhấn từng phím, từng phím một, gọi số Phục Thực rồi đưa lên tai và nói giọng dịu dàng: “Anh có muốn gặp em không?…”
Giả dụ người nhấn phím gọi không phải là kẻ bị hại thì vụ án này càng thêm phần phức tạp.
Theo điều tra của cảnh sát, không ai hay biết mối quan hệ giữa Cố Phán Phán và Phục Thực, chỉ biết nạn nhân có một người bạn trai tên Tát Nhĩ Hạnh và hai người khá thân thiết với nhau. Điều đó chứng tỏ, mối tình qua mạng vừa chớm nở hai tháng của Cố Phán Phán và Phục Thực là một chuyện tình vô cùng bí mật. Nếu vậy, kẻ nào lại hiểu rõ mối quan hệ giữa hai người đến thế? Thêm vào đó, chiếc điện thoại di động Nokia màu đỏ chỉ có dấu vân tay của Cố Phán Phán, chi tiết này làm loại trừ khả năng Phục Thực tự gọi điện thoại cho mình.
Tới chân cầu thang, viên cảnh sát nam bước lên ô tô trước, anh vừa khởi động xe vừa quay đầu lại nhìn. Nữ cảnh sát đứng im trước cửa, không bước lên xe.
Nam cảnh sát móc ngoắc tay gọi:
– Lên đi chứ!
Nữ cảnh sát đột nhiên nói:
– Có lẽ ta nên quay lại đó xem sao.
– Xem gì mới được? – Nam cảnh sát thắc mắc.
– Phòng tạm giam. – Nữ cảnh sát ngập ngừng đáp.
– Ok! – Nam cảnh sát rút chìa khóa, nhảy khỏi xe va đáp.
Nói rồi cả hai quay lại tòa nhà một lần nữa.
Bước chân nữ cảnh sát ngừng lại ngay khi hai người vừa tiến tới đầu cầu thang. Viên cảnh sát nam ra hiệu cho cô bằng mắt rồi một mình bước vào phòng tạm giam, bước chân đưa nhè nhẹ. Nữ cảnh sát nín thở và chăm chú dõi theo người bạn đồng nghiệp.
Trước khi tới phòng tạm giam, nam cảnh sát bám vào lan can cầu thang và ngó đầu vào bên trong quan sát.
Bên trong tối mò mò, chẳng rõ Phục Thực đang nép ở góc nào, cũng chẳng hay anh ta đang quỳ, đang ngồi hay đang đứng. Viên cảnh sát nam rảo bước quay lại và nói:
– Không có gì đâu. Đi thôi!
– Ừm… – Nữ cảnh sát đáp.
Một dòng tít nhỏ xíu về vụ án mạng tại thôn Huyền Quái được đăng trên báo Buổi Trưa.
Tin tức nhanh chóng lan truyền trên mạng. Cộng đồng mạng bàn tán sôi nổi.
Tại sao cô gái này lại đến thôn Huyền Quái?
Kẻ nào đã giết hại cô?
Tại sao hai bầu vú của cô bị ăn mất?
Không có lời giải nào cho những câu hỏi ấy.
Nhiều người có chung ý kiến rằng, vụ án này là một vụ giết người vì tình, kẻ giết người là một gã sát nhân cuồng loạn, gã đã nuốt từng miếng thịt trên bầu vú nạn nhân.
Nếu thế, người ta chỉ còn mỗi một việc: bắt hung thủ về quy án.
Liệu sự tình có đơn giản như thế không?
Tại sao con chuột máy tính trong ngôi biệt thự số mười chín lại vô duyên vô cớ rơi xuống hai lần?
Tại sao bức tượng Phật trong chiếc xe màu đen lại bị buộc dây thừng vào cổ và treo lủng lẳng giữa không trung? Đạo Phật có người tín kẻ không. Đã là tín đồ nhà Phật thì hiển nhiên không bao giờ làm điều đó. Kẻ không tin có thể không thờ phụng nhưng cũng chẳng ai lại cố ý mạo phạm thần linh. Như thế cũng có nghĩa, gã tài xế đầu to kia hoàn toàn không làm cái việc xúc xiểm nhà Phật, nhưng tại sao trong mắt của Phục Thực lại hiện ra cảnh tượng tội lỗi ấy?
Tất cả những điều đó, cảnh sát không hiểu, tôi không hiểu, bạn không hiểu, mọi người không ai hiểu.
Chúng dở dang với những dấu chấm hỏi.