“Người đứng dưới gốc cây cao cao, ngẩng đầu nhìn cành lá rủ lòa xòa, từng chùm mận đỏ thắm, nhìn ai thoăn thoắt leo trèo, như khỉ con vượt sông băng núi, như chim con gãy cánh làm tổ.”
Mận rơi, mận rớt, đầy ắp cái thúng to.
Ngả sang con đường bên trái, cách quán nước không xa, vườn mận chín đỏ một góc trời lạnh giá, nằm im lìm sau dãy tre xanh xanh um tùm.
Những trái mận to nhất thường mọc trên cái cây cao và lớn nhất trong vườn. Chính là gốc cây già nép mình bên bụi chuối non, chiếm nửa diện tích khoảng đất trống. Phần rễ sâu của cây uốn mình chia từng nhánh nhỏ, bề mặt gỗ nhỡ ram ráp và sần sùi. Tán lá xòe rộng, kiên cố vươn cao, đón gió trời rạng đông, hứng sương chiều đổ muộn. Sắc đỏ thẫm loang trên chùm trái ngọt căng mọng, nhè nhẹ đong đưa dưới cành. Hương thơm dịu ngọt thoang thoảng tràn vào ruột gan cảm giác dễ chịu.
Rơm khô xếp chồng trên đất, trải đều quanh gốc cây, trái nào chín rớt cũng đỡ bị dập mạnh bên ngoài. Nghe chủ quán nước kể, tôi mới biết cái cây mình đang trèo đã già đời lắm rồi. Đến tháng Tám năm sau là tròn mười chín. Tính ra nó còn lớn hơn tôi, tận bốn tuổi.
Lòng bàn chân thấy nham nháp, trơn ướt, bất cẩn một cái là té như chơi. Có lẽ do mấy ngày nay mưa lớn, không khí dày đặc sương nên chỗ nào cũng ẩm ướt hơi nước. Tôi vịn chặt cành cây to, nhấc chân, chầm chậm di chuyển, bàn tay từ từ đưa ra. Một trái mận bỗng rơi xuống. “Bịch” một tiếng rõ lớn. Thật khác những lần trước. Nếu rớt vào chỗ rơm khô hoặc cái thúng tre đặt phía trên, âm thanh phát ra sẽ nhẹ, nhỏ hơn mới phải. Còn đây lại là tiếng lớn, nghe vào tai rất rõ.
Linh tính như mách bảo, tôi quay đầu nhìn xuống bên dưới, thế là giật thót cả người. Có người đứng trước gốc cây ngước mắt nhìn tôi, một cách chuyên chú. Là một người đàn ông áo trắng lạ mặt. Bầu không khí đột ngột trở nên yên lặng. Tôi lúng túng chà bàn tay lên vạt áo, môi mím lại như dính chặt nhau, không hiểu sao chẳng thốt được lời nào. Mà hình như, đối phương cũng không có ý định lên tiếng.
Rồi chàng ta bất ngờ khom lưng, nhặt lên thứ gì đó dưới chân, bước lên trước hai bước đặt vào trong thúng, sau đó xoay người rời đi. Từ đầu đến cuối, không có lấy một câu để lại.
Dám chắc thứ chàng ta vừa bỏ vào chính là trái mận đã rụng khi nãy. Đợi khi bóng dáng người nọ đã đi xa, tôi nhanh chóng leo xuống. Mất một lúc lâu để tôi thu dọn sạch sẽ chỗ rơm khô bừa bộn đặt xung quanh, sau khi ổn thỏa hết rồi mới yên tâm ôm theo đồ đạc ra khỏi vườn. Cũng khéo thật. Vừa đến đầu đường thì thấy người đàn ông áo trắng đó đứng cách tôi không xa, đang thong thả rảo bộ về trước.
Bốn bề đều là cây cối rậm rạp, dãy núi thâm thấp khuất sau những rặng mây. Trên đường đi, tôi cố gắng thả chậm bước chân, tránh phát ra tiếng động. Tuy nhiên, chốc lát vẫn bất cẩn đạp lên lá khô và đá nhỏ rải rác bên dưới. Mấy tiếng “loạt soạt” vang lên không lớn nhưng vẫn kéo dài chừng khá lâu. Tôi có thể khẳng định một điều, chàng ta nhất định nghe thấy, chẳng qua không tính quay lại xem.
Dù mới gặp lần đầu, vậy mà người này đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng tôi. Trước tiên là từ vẻ ngoài sáng ngời nổi bật, điệu bộ nghiêm trang lúc đi đứng cho đến khí chất cao quý như khắc sâu vào xương cốt. Người cao lớn khôi ngô, khoác áo gấm dệt cánh chim tơ vàng, chân đi giày nhung bạc đế mỏng. Đôi mày rậm, cái mũi cao cao, môi đỏ như điểm son tươi, ánh mắt trong trong nét tình. Mái tóc dài đen nhánh, mềm mại đổ xuống sau lưng, vài lọn tóc rũ rượi trước vầng trán. Cổ tay mang chuỗi ngọc mã não, túi gấm và quạt xếp giắt gọn bên đai lưng.
Nhìn từ đầu đến chân một lượt mới thấy chữ Mạo của người đi đôi với chữ Quý. Đã có dung mạo xuất chúng, trời cao lại còn ưu ái phước đức phú quý. Gấm vóc thước dài, nào là ngọc ngà, nào là vàng bạc. Nếu bảo, hoa thơm lạc giữa đồng cỏ hoang vu, nhạn trắng lạc giữa bầy quạ đen cũng không ngoa.
Chàng ta bước vào quán nước, nhàn nhã ngồi xuống vị trí gần cửa sổ, không cần vẫy tay hay lớn tiếng gọi như những vị khách khác, chủ quán đã vội vã chạy đến hỏi han đủ điều. Ông ấy giắt khăn lên đầu vai, mặt mày hớn hở đứng sau lưng người đàn ông nọ, hết bưng trà rót nước lại bổ quả cau, cắt lá trầu trong hộp. Đến cả tôi, khách quen của quán trong suốt ba tháng trời, thế mà cũng chưa lần nào được tiếp đón nồng hậu đến vậy.
“Sao trán của ngài lại sưng vậy? Lẽ nào bị con gì cắn à?”
“Lúc nãy ta ra vườn đi dạo, cũng do bất cẩn, không để ý đến mấy trái mận sắp rụng trên cây.”
“Vườn mận nhà tôi đang vào mùa chín nên dễ rơi rớt lung tung lắm. Nếu ngài định ghé đến đó chơi, nhớ phải cẩn thận đấy.”
Tôi vỡ lẽ, hóa ra trái mận đã rơi xuống khi ấy đã đập trúng người chàng ta sao? Nhìn kĩ mới thấy, vết sưng đỏ trên trán đã chuyển đậm hơn. U một cục thế kia, hẳn đau lắm cho xem.
“Chuyện lạ trên đời này không ít, nhưng mận ra hoa tháng Tám, chín cây vào tháng Mười, như vườn nhà ông chẳng hạn, lần đầu tiên ta mới được thấy.”
“Giống mận nhà tôi trồng toàn là dạng khan hiếm, tất nhiên phải khác biệt nhiều rồi.”
Lời hai người họ nói khiến tôi sửng sốt, ngó xuống cái thúng đang ôm trong lòng, đầu óc vẫn còn hoang mang. Mận không thể ra hoa vào tháng Tám, chín vào tháng Mười sao? Tôi không biết còn có chuyện này.
“Chà, cuối cùng cậu cũng về rồi.” Chủ quán chạy đến giúp tôi đặt cái thúng lên bàn.
Tôi đã đứng đây cả buổi trời vậy mà giờ ông ấy mới phát hiện. Đối đãi với khách ruột của quán sao mà qua loa thế không biết!
“Ông bận tiếp đón khách quý nên làm gì có thời giờ ngó ngàng đến ai nữa? Tôi về từ khi nào, ông còn chẳng thèm để ý.”
“Cùng lắm tôi lại gửi cậu thêm hai giỏ mận làm quà. Mận đỏ mận trắng, trái chua trái ngọt, tròn hay méo đều để cậu tự chọn.” Ông ấy nhét dao bổ cau vào tay tôi, mặt mày tươi rói. “Thú thật là tôi không giỏi têm trầu cho khách. Nếu cậu đồng ý giúp, ông già này nguyện mang ơn suốt đời.”
“Chuyện nhỏ ấy mà, không cần ông mang ơn đâu.” Tôi cười thầm. Hai bên trao đổi như vậy mới công bằng chứ. Nghĩ đến tối nay trở về, tay xách tay mang giỏ lớn giỏ nhỏ, lòng tôi liền lâng lâng cảm giác vui sướng. Đâu còn chỗ nào cho cơn giận dỗi vừa rồi.
Vào những ngày lễ ăn chay ở làng, có vài lần tôi xuống bếp phụ ông ấy làm mâm cơm cúng ông bà. Nhà nhỏ nên lễ cũng chỉ làm nhỏ, có gì thì dùng nấy, vừa đủ nấu vài món đơn giản cho hai người. Còn màu sắc hay hương vị, nếm thử mới biết, ít nhiều cũng thiếu thiếu phần nào đó. Cơ mà, tổng thể từng món vẫn được xem là chan hòa đầy đủ. Chủ quán không có tính bắt bẻ, vì đã quen cảnh bữa ít bữa nhiều nay mai. Về phần tôi, cơm canh mình nấu đời nào lại chê, dù thừa một miếng thịt nhỏ, một cọng rau khô cũng tiếc đứt ruột.
Một già một trẻ, bắt chõng ra sân ngồi, cầm trong tay chén chè khoai sọ nóng hổi, hàn huyên với nhau bao chuyện vặt vãnh, lẻ tẻ. Lâu dần, thân thiết từ lúc nào không hay. Bất giác nhận ra cả hai có nhiều điểm tương đồng đến ngạc nhiên, không khác chi đôi bạn tri âm quen biết đã lâu. Nên từ dạo ấy, cứ mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường đến quán nước bổ cau tươi, têm lá trầu cho ông ấy. Đổi lại, tôi có thêm người bạn hợp ý để trò chuyện, được ưu tiên nếm thử những món mới ra lò của quán, và thi thoảng cũng nhận về không ít lời khen ngợi, góp ý chân thành về tay nghề nấu nướng còn non nớt của mình.
“Để tôi đoán nhé. Đó có phải vị khách quý ông đã kể không?”
“Còn ai vào đây nữa, không phải khách quý thì tôi cần gì phải tốn công tốn sức đi hầu hạ.”
Tôi ghé vào tai ông ấy nói nhỏ: “Lúc đầu nghe ông không ngớt lời khen ngợi, cứ như thể đó là thánh thần phương nào, tôi còn ngờ ngợ trong lòng. Giờ thấy tận mắt mới biết ông nói chẳng hề sai, người đâu mà đẹp như tiên trong tranh vậy.”
“Tôi biết thế nào cậu Thanh cũng kinh ngạc mà, thế mới bảo là người như tiên cõi trời.” Đoạn, ông ấy bỗng nhăn mặt, đưa tay nhẹ vuốt lồng ngực. “Có điều tính tình quá gai góc, toàn nói năng hàm hồ, thật không biết lòng dạ ra sao.”
Nhìn bộ dạng mặt ủ mày chau của chủ quán, tôi đoán ông ấy khó mà chiều được lòng vị khách khó tính này. Trong lúc lơ đãng, tầm mắt tôi lướt xuống con dao nhỏ đang cầm. Bề mặt lưỡi dao còn dính ít vụn lá khô. Sau đó, tôi lại chăm chăm ngó đĩa cau trên bàn vị khách nọ.
Cũng không biết ông ấy cầm dao bổ thế nào mà thành ra có miếng to quá cỡ, có miếng lại vừa nhỏ vừa mỏng. Mấy nhúm lá trầu quế bị kéo cắt rách tơi tả, bị vò đến nát bét, vụn lá vương vãi khắp bàn. Nom thảm ơi là thảm. Đừng nói là chạm tay vào, khách quý người ta còn chẳng thèm nhìn đến dù chỉ một lần.
Tôi cầm theo rổ trầu và hũ đựng vôi, kéo cái ghế nhỏ ra trước cửa ngồi, vừa chuyên tâm làm, vừa không quên chú ý động tĩnh trong quán. Hay nói một cách chính xác hơn, để ý xem vị khách quý kia đang làm gì và sẽ nói những gì. Có lẽ vì thấy chàng ta cũng giống như mình, đều là người từ nơi khác đến làng này trong lòng mới sinh ra đôi chút hiếu kì. Giờ nghĩ lại mới thấy, suốt khoảng thời gian dài ở đây, ngoài tôi ra cũng chỉ có ba anh em Sa Vũ, Sa Bình, Sa Minh là “kẻ lạ mặt”, “người ngoài làng”.
Trở lại với công việc đang làm. Ban đầu, tôi dự định chọn cách làm đơn giản nhất là đặt miếng cau vào giữa hai lớp lá trầu quế, phết một chút vôi lên trên rồi cuộn tròn, tiếp đó sẽ cố định thân bằng sợi lá cắt mỏng theo hình đường chỉ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, làm vậy có đơn sơ quá không? Dẫu sao cũng là khách quý của quán mà. Lỡ đâu… người ta chê thì sao. Thế là, tôi quyết định têm trầu cánh phượng [12] để hậu hĩnh mời khách.
Công đoạn róc vỏ cau, cắt, gấp cuống lá, tỉa chũm, khắc hoa sao cho thật tinh xảo chẳng mấy dễ dàng. Đến khi làm xong các bước đầu tiên và cuối cùng, toàn thân tôi đều ê ẩm. Nhất là phần sống lưng với cẳng tay, nhói đến mức chảy cả nước mắt. Cơn buồn ngủ còn thình lình ập đến, hành hạ tinh thần tôi không ít. Đương lúc lim dim, tôi nghe chàng ta hỏi chủ quán về nguồn gốc những giống cây trái kì lạ trồng sau vườn. Như bưởi thơm mùi chuối mật, thanh long nửa ruột trắng, nửa ruột đỏ, lá cóc non có gai nhọn, hạt ổi to như quả trứng gà.
Chủ quán đáp, rằng đó là giống cây quý ông bà xưa để lại, chỉ trồng để ăn chứ không bán, gọi nó là đồ quý cũng bởi sự khác lạ đặc biệt này.
Chàng ta lại hỏi, người từ nơi khác đến thì có tội tình gì lớn mà dân làng ở đây lại cư xử quá quắt như thế. Nếu gặp đàn ông, họ nhào tới đánh đập, chửi bới. Lỡ gặp đàn bà, người sợ hãi chạy đi mất, người lại đứng trong góc chỉ trỏ, buông lời mắng nhiếc mỉa mai. Còn chẳng may gặp phải các cụ già, họ khóc òa nức nở rồi ngước nhìn trời than trách, nói quỷ dữ đã đến làng, mai này chúng bổ xẻ xác người, uống cạn máu tươi, róc da nhai xương.
Chủ quán tỏ vẻ bất ngờ, qua một hồi mới ngập ngừng trả lời: “Tuy tôi sống ở đây đã lâu nhưng thường ngày rất ít khi ra ngoài. Bởi lẽ cũng không rõ lắm, cớ sao họ ghét cay ghét đắng những người lạ mặt đến làng này.”
Tôi thấy chàng ta nâng chén trà lên ngắm nghía, ý cười nhạt thoáng trên môi, chẳng biết có tin hay không lời ông ấy nói.
Trầu đã têm xong, được tôi xếp ngay ngắn trong chiếc hộp tròn. Cơ mà lúc nhìn lại vẫn thấy thiếu thiếu thứ gì đó. Sau một hồi ngẫm ngợi, tôi bèn lấy một ít cánh hoa cúc trong túi, rắc đều xung quanh. Màu vàng của hoa cúc điểm xuyết trên sắc xanh lá trầu, làm vơi đi một phần mộc mạc và nhiều thêm một phần trang nhã, như những vạt nắng nhuộm ráng chiều rọi sáng dưới tán cây già.
Khi bưng hộp ra bàn, người đàn ông ngẩng mặt nhìn tôi, nhíu mày, không nói lời nào. Vẻ im lặng ấy như thể đang âm thầm dò xét, về một ai đó, về một kẻ lạ mặt từ đâu xuất hiện. Không kéo dài lâu, chàng ta nhanh chóng rời mắt, cuối cùng cũng chú ý đến mấy miếng trầu xếp trong hộp. Theo lí mọi việc kế tiếp vốn nên diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, khoảnh khắc chạm vào đôi con ngươi đen láy của người đối diện, tôi bất giác rùng mình. Một cảm giác kì lạ bỗng len lỏi vào lòng tôi.
“Cậu têm miếng trầu này chưa đẹp.” Chàng ta gấp lại quạt xếp, ngón tay chỉ vào giữa hộp, nhẹ giọng nhắc nhở.
Tôi giật mình, vội cúi đầu nhìn kĩ, đúng như lời người này nói, quả thật có một miếng trầu têm chưa được khéo. Cụ thể do phần lá tỉa hình răng cưa cài bên trái bị bung một góc nhỏ. Chỉ một chút thôi. Nếu không đủ tinh ý quan sát sẽ rất khó nhận ra khác thường.
Tôi lập tức kéo ghế ngồi xuống, cầm miếng trầu đó lên và gỡ hết phần lá bên ngoài, bắt đầu cắt tỉa từ đầu.
“Như vậy đã được chưa ạ?”
Tôi ngắm nghía miếng trầu vừa sửa xong, hẳn không còn chỗ nào mắc lỗi. Phía đối diện, người đàn ông gật đầu nở nụ cười nhẹ, có vẻ đã kha khá hài lòng.
“Chắc cậu không phải người ở làng này nhỉ?”
“Vâng, mà sao ngài biết được?” Tôi trố mắt ngạc nhiên trước câu hỏi xảy đến đột ngột.
“Ai ở làng này mà không cư xử kì lạ, nên đời nào họ lại chủ động bắt chuyện, hay thân thiện nói cười với người từ nơi khác đến.”
“Thấy nhiều rồi thì sẽ quen thôi. Trước đó, tôi cũng phải trầy trật lâu lắm mới có thể thích ứng dần với hoàn cảnh ở đây.”
“Thế cậu đến làng này được bao lâu rồi?”
“Tới nay đã ba tháng ạ.”
“Ta đến đây mới được mười ngày, nếm đủ cái cảnh vất vưởng phải ăn sương nằm gió [13]. Nhớ lúc đầu đi vào, con đường nào cũng mở rộng cửa chào đón. Tới lúc muốn đi ra, con đường nhỏ nhất cũng bị bịt kín.” Ánh mắt chàng ta hướng ra ngoài cửa sổ, ngay góc sân nhỏ, cạnh hàng rào có trồng giàn mướp non và khóm tre ngà xanh mướt. “Ta nghe dân làng kể với nhau, rằng các con đường dẫn ra làng đang được thi công sửa chữa. Do đó, người trong làng không được phép ra ngoài và người bên ngoài cũng không được phép đi vào.”
Ngón tay người khẽ gõ nhịp nhàng trên mặt bàn, trầm ngâm ra chiều suy tư: “Dường như không một ai biết chính xác ngày tháng nào mới làm xong. Lỡ đâu, họ cứ sửa mãi như thế… đến bao giờ mới có thể ra khỏi đây?”
Nghe xong mấy lời này tôi liền kinh ngạc. Bởi trong khoảng thời gian ba tháng qua ở làng Ngọc Lĩnh, tâm trí tôi chỉ tập trung vào việc tìm kiếm Hiền. Còn những chuyện khác bên ngoài, thú thật là tôi chưa từng để ý đến.
Nhưng nghĩ sao cũng thấy lạ nhỉ, chỉ sửa đường thôi mà, đâu nghiêm trọng đến mức phải ngăn cấm người khác ra ngoài. Dẫu đang thắc mắc rất nhiều thứ trong lòng nhưng khổ nỗi tôi lại không có cơ hội lên tiếng. Bởi vì từ nãy đến giờ, chàng ta liên tục liên thiên từ việc này rồi đến chuyện kia. Khó hiểu hơn nữa là, không cần người đối diện phải trả lời, chàng ta vẫn vui vẻ tự nói bản thân nghe, vẫn vui vẻ tự cười một mình. Xem có lạ không chứ.
Lúc đầu khi thấy vị khách này, tôi đã nghĩ, hẳn đó là một con người trầm tính, ít nói. Ban nãy ở ngoài vườn, đối mặt với kẻ đã làm mình bị thương, vết sưng còn đỏ tươi trên trán chính là bằng chứng rõ ràng nhất. Vậy mà, người vẫn thản nhiên quay lưng rời đi, không có dáng vẻ hốt hoảng, càng không giận dữ khiển trách, mặc kệ hành động ấy của tôi là vô tình hay cố ý. Song, nếu nói chàng ta là con người hiền hậu rộng lượng thì cũng không đúng hoàn toàn.
Thấy miếng trầu têm sửa vài chỗ chưa khéo, người sẽ kêu tôi làm lại từ đầu, bằng giọng điệu ra lệnh oai nghiêm như đấng bề trên. Khi tôi lỡ tay rót trà tràn ra chén, ánh mắt người sẽ liếc qua mang hàm ý chê trách. Bóc vỏ đậu phộng mà để nát phần ruột trong, lớp vỏ cháy đen rơi vương vãi trên bàn, người lập tức chau mày, nhăn mặt. Có khi còn bật cười, tắc lưỡi vài tiếng rồi lại thở dài trong ngán ngẩm. Nói thật, trông cứ như đang chê cười tôi vụng về vậy.
Xuất phát từ bản tính tò mò, tôi nghiêng đầu chăm chú nhìn vị khách quý trước mắt, với thái độ dè dặt và cẩn trọng. Mới gặp nhau lần đầu, dù ít hoặc nhiều thì hai bên cũng khó tránh cảm giác bỡ ngỡ và ngượng ngùng. Đáng lí nên cần thời gian để làm thân. Ngặt nỗi con người này thật quá thẳng thắn, lời ăn tiếng nói chẳng hề kiêng dè, điệu bộ còn tự nhiên như thể đang ở nhà của mình vậy. Dường như chàng ta chẳng có ý bận tâm người khác nghĩ thế nào, đánh giá ra sao về bản thân. Thích gì sẽ nói đó, không cần phải lòng vòng mấy lời thừa thãi.
“Ta hơi thắc mắc, sao cậu lại cho hoa cúc vào hộp vậy?”
“Hoa cúc có nhiều công dụng trị bệnh tốt lắm. Ăn sống, pha trà, hay ướp chè đều được cả. Trước đây, mỗi lần thầy tôi ăn trầu xong, ông sẽ ăn một ít để làm dịu mùi thuốc trong miệng, còn không thì uống một chén trà nóng ngâm hoa cúc khô làm ấm cơ thể.”
Người chú tâm lắng nghe, ánh mắt nghiền ngẫm ý cười thích thú. Thấy vậy, tôi càng hào hứng kể tiếp: “Người ta cũng hay dùng hoa cúc trang trí cho món ăn, như mấy món điểm tâm, đồ chay và mặn. Nhiều nhà còn dùng hoa cúc để làm nhang hương, son phấn, hoặc mài mịn thành bột nấu bánh, ngâm với rượu tươi trong vại. Nói chung là làm được rất nhiều thứ có ích.”
Nhấc miếng trầu khỏi hộp, đặt vào lòng bàn tay tỉ mỉ đánh giá, chàng ta ngước hỏi: “Trầu với cau này là mua ngoài chợ hay hái sau vườn của quán?”
“Là trồng sau vườn ạ.”
“Tiếc quá. Vậy chỉ có thể ngồi ngắm thôi.”
Vì sao không thể ăn nhỉ? Tôi thấy hơi khó hiểu, vừa định lên tiếng hỏi thì nghe chàng ta nói.
“Cây trái ở đây vừa quý hiếm vừa độc lạ, ta làm gì đủ phước phận để được động vào.”
Nhẩm lại lời này chừng mấy lần, ngẫm nghĩ thật kĩ vấn đề, tôi nhanh chóng hiểu ra hàm ý bên trong.
“Vậy tính ra số tôi thật may mắn. Bởi lẽ phước phận của tôi còn nhiều hơn ngài đó chứ.”
Sống lưng bỗng dưng lạnh toát. Lại thêm một cảm giác kì lạ đột ngột xuất hiện. Những lúc thế này, tôi cần thứ gì đó thật ngọt để xoa dịu tâm trạng. Đúng lúc trên bàn có đĩa mận ướp lạnh đã cắt sẵn. Sau khi nhận được sự cho phép, tôi nhét vội một miếng vào miệng. Vị ngọt mát lạnh lan tỏa đầu lưỡi. Cơ thể căng cứng của tôi dần được thả lỏng đôi chút.
“Món nào của quán tôi cũng ăn qua hết rồi. Nhất là hoa quả tươi trong vườn. Trái nào trái nấy cũng căng tròn mọng nước, ngọt hơn cả đường mía. Tôi ăn nhiều đến vậy mà có làm sao đâu. Sức khỏe vẫn tốt lắm ạ, không bị ảnh hưởng gì cả.”
“Nói không chừng là do ông bà phù hộ, thay cậu chắn lấy những chuyện xui xẻo.” Chàng ta liếc xéo tôi. “Cái gì cũng bỏ vào miệng, nhỡ có ngày chết mất cũng chẳng hay.”
Tôi gượng gạo cúi đầu, hai tay vò chặt lấy góc áo dưới bàn, đến khi can đảm ngẩng mặt nhìn cũng chỉ biết cười ngượng ngùng đổi chủ đề cuộc trò chuyện. Tôi bạo gan hỏi người về quê quán cũng như tên họ. May sao chàng ta vẫn vui vẻ trả lời, không lấy làm phiền hà bởi mấy câu hỏi mạo muội của tôi.
“Ta người họ Quang, tên Dương Huyền, quê ở huyện Túc Khiêm, Châu An Tô.”
Dương Huyền… Dương Huyền.
Lạ thật… Tôi nhíu mày, miệng lẩm nhẩm mải cái tên này.
“Nói ra sợ ngài không tin, nhưng tôi có cảm giác thân quen với cái tên Dương Huyền này lắm. Hình như đã nghe thấy ở đâu rồi…” Cụ thể là quen thế nào, nghe được từ đâu thì tôi không thể nhớ rõ. Và khi tôi cố gắng nghĩ về nó nhiều hơn, tâm trí bất giác mơ màng, trong đầu chỉ toàn một màu trắng xóa bao trùm.
“Cậu từng gặp ta rồi sao?”
“Không ạ.” Tôi quả quyết lắc đầu.
Nếu đã từng gặp không lí nào tôi lại quên. Từ trước đến giờ, đối với những người để lại ấn tượng sâu sắc trong mắt mình, nhất là nổi bật ở vẻ ngoài, phong thái hay khí chất, tôi đều sẽ ghi nhớ kĩ.
“Cái tên Dương Huyền này cũng đâu phải điều gì hiếm lạ. Có lẽ trước đây cậu từng nghe ai đó nhắc đến. Do không phải chuyện quan trọng nhất thời mới quên mất.”
Tôi rối rắm suy nghĩ, nghe cũng có lí nhỉ?
“Vậy còn cậu thì sao, người ở đâu, tên họ là gì?”
“Tôi tên Nam Thanh, người huyện Giang Hà, Châu Kì Xương.”
“Nam Thanh, Nam Thanh… phải chăng là trời xanh phương Nam [14].” Dương Huyền gõ nhẹ cán quạt vào lòng bàn tay, ánh mắt rời khỏi hộp trầu trên bàn, chuyển dần về phía tôi.
Tôi ngạc nhiên: “Ôi, làm sao ngài biết được thế?”
“Ta đoán bừa vậy thôi, ai ngờ lại đúng thật.”
Vào khoảnh khắc Dương Huyền nói ra những lời này dường như tôi đã trông thấy vẻ hoảng hốt trong mắt người. Cảnh tượng ấy diễn ra rất nhanh. Nhanh đến nổi chẳng kịp để tôi bắt giữ.
…
Ngồi hàn huyên với nhau được một lúc. Dương Huyền nhờ tôi đi hâm nóng rượu rồi mang ra bàn giúp. Khi tôi chuẩn bị ra ngoài mới phát hiện chủ quán không có ở đây. Tìm ngoài vườn cũng không thấy. Tôi vòng qua sau gian nhà, đẩy ra hai cánh cửa đóng bằng tấm gỗ ván, bước vào căn bếp tối chật hẹp, ẩm mùi rơm khô và bùn đất. Ngọn đèn dầu yếu ớt trên bàn hắt bóng mờ lên gương mặt dài nhợt nhạt. Ông ấy ngồi im lặng trên chiếc ghế tựa, mắt chăm chăm con dao nhỏ cầm trong tay. Nhìn nó chăm chú đến mức không nhận ra tiếng bước chân đang ngày càng gần từ phía sau.
Tôi cố ý phát ra tiếng động lớn bằng cách giẫm mạnh chân trên đất. Trước lúc chủ quán nhận ra điều khác thường, toan quay đầu nhìn ra sau, tôi đã kịp thời vỗ lên vai ông ấy, một cái rất nhẹ.
“Ra là ông trốn ở đây, hại tôi nãy giờ chạy khắp nơi đi tìm.”
Chắc hẳn tôi đã làm ông giật mình. Con dao rơi thẳng xuống đất. Một tiếng vang rõ lớn. Ánh đèn lay lắt như sắp tắt mất. Ông ấy cúi người nhặt lại để lên bàn, nửa bên sườn mặt khuất trong bóng tối.
“Trong bếp còn cả đống việc cần làm, già này rảnh rỗi đâu mà trốn với chả tìm.” Im lặng trong chốc lát, ông ấy niềm nở hỏi. “Nói chuyện với người ta thế nào rồi? Hợp ý chứ?”
“À thì… cũng khá ổn ạ.” Tôi bối rối liếc chỗ khác, nhỏ giọng đáp.
“Chắc là hợp ý nhau lắm, hai người giống nhau đến thế mà.”
“Giống chỗ nào vậy?”
“Cậu đi tìm một người còn sống, anh ta đi tìm một người đã chết. Chung quy, đều là mòn mỏi đi tìm trong vô vọng.”
Sắc trời bên ngoài đã gần tối. Căn bếp lạnh lẽo được thắp sáng bằng ngọn đèn dầu mới châm. Ông ấy nhét vào tay tôi giỏ mận to đầy ắp thứ.
“Ngày mai lại đến quán giúp tôi nhé.”
“Khách quý của ông không dễ hầu hạ đâu. Tôi làm mới nửa ngày mà đã rã rời muốn xỉu. Nội việc nói chuyện thôi cũng đủ khiến tôi đuối sức.”
Tôi trầm tư nghĩ đến lời ông ấy nói vừa rồi. Hóa ra hai người họ đều có cùng mục đích khi đến ngôi làng này.Chú thích:
[12] Muốn têm trầu cánh phượng, người ta gấp lá trầu làm hai theo chiều dọc, đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá, khoảng từ giữa lá lên phía cuống nhưng không được để đứt. Phần giữa lá, xén bỏ hai bên mép lại cho thẳng như têm trầu ăn thường ngày, phết một chút vôi ở giữa rồi cuộn tròn lại; sau đó dùi một lỗ ở giữa để gài cuống lá vào cho chặt. Hai rẻo lá được cắt gần sát cuống vểnh lên trông như hai cánh con chim phượng. – Hình ảnh dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám. (Trích từ bài viết Tư liệu và hiện vật – Giới thiệu tục ăn trầu được đăng tại baotangphunu.com)
[13] Ăn sương nằm gió: (風餐露宿) – phong xan lộ túc – ý chỉ ăn trong gió ngủ trong sương, dùng để chỉ nỗi cực nhọc, vất vả mưu sinh. Đồng nghĩa: ăn gió nằm sương, ăn tuyết nằm sương. (Nguồn tham chiếu: Viện Ngôn Ngữ Học – Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) – NXB Đà Nẵng, 2003)
[14] Hàm ý tên nữ chính được đặt theo câu “Nam phương thanh thiên.” (南方青天): 南方 – Phương Nam, 青天 – Thanh Thiên (bầu trời xanh)
Danh Sách Chương: