Xuân yến long trọng, phàm là người có tên có tuổi trong triều đình đều có thể được Hoàng đế ban cho một chén rượu mới. Mùa xuân năm nay khác với những năm trước, năm ngoái là khoa cử đầu tiên sau khi Tiểu Chiêu Đế lên ngôi, cho nên bữa tiệc năm nay có nhiều gương mặt mới mẻ hơn so với ba năm qua.
Có một vị quan văn trẻ tuổi đang giải thích với bạn của hắn – người vừa mới được tuyển chọn vào Quỳnh Đình: “… Ba năm trước, ngươi chưa đến Biện Đô nên không biết nhiều. Sau Thứ Đường án năm đó, bệ hạ còn nhỏ tuổi đã vội vàng lên ngôi, đương nhiên khiến rất nhiều triều thần bất an.”
Hứa Đạm là người U Châu, khoa nhị giáp năm nay hắn đứng thứ mười một, tuy rằng không thể so với Trạng Nguyên và Bảng Nhãn. Nhưng ở địa phương, danh tiếng hắn vô cùng tốt. Còn được phá lệ đề bạt, tuyển vào Quỳnh Đình.
Vị quan văn trẻ tuổi còn chưa nói xong, Hứa Đạm đã khó hiểu ngắt lời, hỏi: “Nhưng Tiên đế nhiều con trai như vậy, tại sao sau khi Thừa Minh Thái tử qua đời, Chính Sự Đường lại chọn bệ hạ hàng thứ sáu?”
“Im miệng, im miệng!” Vị quan văn trẻ tuổi gấp đến mức giậm chân, hạ giọng mắng: “Nói như vậy mà ngươi cũng dám nói. Nói ngươi ngốc, ngươi đúng thật là một tên ngốc mà! Bệ hạ chính là tiềm long tại vực sâu, có trời phù hộ, đương nhiên có thể bay lên tận trời rồi.”
“Hắn không dám nói, để ta nói thay hắn.”
Ở một bên khác Hứa Đạm, một sĩ tử đang cầm chén rượu lướt qua một vòng, bỗng tiếp lời: “Sau Thứ Đường án năm đó, Tiên đế nghe tin dữ của Trữ quân đã vô cùng đau buồn suy sụp. Vua đột ngột băng hà, chiếu thư lập trữ còn chưa viết lại, hoàng thành nhất thời mất chủ. Chư thần Chính Sự Đường vào cung bàn bạc đối sách suốt đêm, thế gia Biện Đô rục rịch ngóc đầu dậy, mạnh ai nấy làm, đều muốn đẩy hoàng tử trong tộc lên ngai vàng. Trước mắt chính là một trận gió tanh mưa máu…”
Đế hậu và Tể phụ chưa đến, thấy mọi người xung quanh vẫn đang uống rượu trò chuyện. Vị quan văn trẻ tuổi thở dài, không nhẫn nại sáp lại gần hơn, tiếp tục giảng đạo lý cho Hứa Đạm: “Về sau, Tể phụ Ngọc Thái sư đứng ra hòa giải, đề nghị chọn Kim thượng vốn không phải con của nữ tử thế gia lên ngôi. Bệ hạ khi còn là Hoàng tử tính tình nhu nhược. Dù mẹ ruột từng được sủng ái, nhưng xuất thân là tỳ nữ của Tiên Hoàng hậu, không thể làm mẫu nghi thiên hạ. Lúc bấy giờ, Thái sư đã bị Ngự Sử Đài chỉ trích một trận, nói ông ấy muốn noi theo Lý Tư và Triệu Cao, ép ấu chủ để điều khiển thiên hạ.”
“Nhưng trong số những người con của Tiên đế, quả thực chỉ có nhà mẹ của Kim thượng là không có họ hàng. Ngài ấy còn được Thừa Minh Thái tử chăm sóc nhiều năm, có họ hàng gần với Đông triều. Mọi người tranh cãi rất lâu cũng không giải quyết được gì. Trong sử sách có thế gia loạn chính, cũng có Tể phụ chuyên quyền, vết xe đổ vẫn còn trước mắt, tạo ra khốn cục khó giải quyết.”
“Biện Đô nguy cấp, thậm chí Cấm Quân và Đội Vệ Binh còn rút kiếm giằng co ở cửa Đông, binh loạn hết sức căng thẳng… Đúng lúc đó, may mắn thay, Hoàng hậu điện hạ đã ra mặt giải quyết khốn cục.”
Hứa Đạm nghe vậy vô cùng kinh hãi, liên tục cảm thán: “Thật là nguy hiểm! Nhưng điện hạ một thân nữ tử, sao có thể giải quyết hoạn nạn khốn khó của thiên hạ được?”
Sĩ tử cầm chén rượu bất mãn nói: “Đều nói nữ tử Bắc U các ngươi hiên ngang dũng cảm, thậm chí còn từng có nữ tướng quân. Vậy mà một người U Châu như ngươi lại phun ra những lời khinh thường nữ tử như vậy! Hoàng hậu điện hạ đương triều há lại có thể so sánh với người thường?”
Hứa Đạm vội vàng tạ lỗi: “Là tại hạ bất công, sớm nghe danh tiếng tài sắc vẹn toàn của điện hạ, là nữ tử trăm năm khó gặp.”
Vị quan văn trẻ tuổi ở một bên cũng tỏ vẻ tán thành: “Đúng vậy, Hoàng hậu vốn xuất thân là thế gia khai quốc công thần của Đại Dận. Tô thị mấy đời trâm anh, hai đời tam tướng, rạng rỡ biết bao! Điện hạ là nữ trưởng tôn của Tô Văn Chính Công, trưởng nữ của Đế sư. Nguồn gốc gia đình có truyền thống hiếu học, lại từng bái Cam Thị lang và Chính Thủ tiên sinh, văn võ song toàn, hoàn toàn xứng đáng là Lễ Lan Nguyên Chỉ, nữ nhân quân tử…”
Sĩ tử cầm chén rượu thật sự chịu không nổi lời tâng bốc lê thê của hắn, thẳng thắn nói chen vào: “Hoàng hậu điện hạ đã sớm được sắc phong làm Trữ phi, nhưng bản thân còn phải chịu tang cha nên chưa thể thành hôn với Thừa Minh Thái tử. Xảy ra chuyện này, điện hạ vì bảo vệ tính mạng của Kim thượng, người thân thiết với Thừa Minh Thái tử, để ngài không trở thành một con rối phải ăn bữa hôm lo bữa mai. Nên đã lấy kiếm Thiên Tử mà Tô thị nắm giữ mấy đời, một kiếm chém chết tên quyền thần thế gia ngang ngược trên phố Ngự, mở đường cho bệ hạ.”
“Văn thần thanh chính trong triều không ai không phải học trò Tô môn. Khi còn chưa đến U Châu đóng giữ, tướng môn Yến gia và Tô thị cũng từng là bạn. Mọi người đều liều mạng bảo vệ lẫn nhau, sự uy hiếp của Hoàng hậu điện hạ suýt nữa gây ra phản loạn ở Biện Đô. Thái sư thay mặt thế gia nhượng bộ, lúc này bệ hạ mới ngồi lên ngai vàng.”
Hứa Đạm than thở: “Ta là người phương Bắc thô lỗ, chỉ từng nghe qua những lời nói và hành động đẹp của điện hạ, không biết người còn gan dạ sáng suốt như vậy. Nam tử thiên hạ nghe thấy cũng phải hổ thẹn.”
Vị quan văn trẻ tuổi cướp lời: “Chưa hết đâu, khi bệ hạ lên ngôi còn chưa đến lễ đội mũ, theo lẽ thường, cần phải phụ chính Chính Sự Đường. Nhưng Thái sư thống lĩnh Chính Sự Đường, mọi người đều lo lắng họa chuyên quyền nên muốn Thái hậu buông rèm chấp chính. Nhưng mẹ ruột của bệ hạ xuất thân thấp kém, cũng không thể làm.”
“Cứ tranh cãi như vậy hơn nửa tháng, chư thần mới nhất trí góp ý kiến. Mời Hoàng hậu điện hạ cùng Thái sư phụ chính, hai người hỗ trợ lẫn nhau. Cuối cùng triều đình và dân chúng mới ổn định qua sóng gió.”
Sĩ tử cầm chén rượu cảm khái nói: “Hoàng hậu điện hạ chẳng qua tuổi mới đôi mươi, phụ chính càng là chuyện trước giờ chưa từng có. Ban đầu còn có người dâng tấu là gà mái gáy báo sáng(1). Nhưng mấy năm nay điện hạ không chỉ áp chế thế lực của Thái sư mà còn cùng bệ hạ bình ổn lũ lụt, trị nạn châu chấu, lại phái Yến gia đến Bắc U dẹp loạn xâm phạm biên cương. Ngay thẳng thanh chính, chưa bao giờ tham quyền, được thiên hạ ca tụng là người hiền đức.”
(1)Ta thường thấy gà trống gáy báo sáng, còn gà mái gáy báo sáng ẩn dụ cho điềm xấu.
Hứa Đạm nói: “Nương nương không chỉ được gia tộc truyền thừa, danh sư dạy dỗ, còn lớn lên cùng với Thừa Minh Thái tử. Thái tử điện hạ mười hai tuổi đã được phong Trữ quân, chưa từng bị văn nhân trong thiên hạ chỉ trích một câu. Người phong lưu như vậy, lại mất mạng dưới tay bạo dân, thật là…”
Hiếm thấy vị quan văn trẻ tuổi không trách mắng những lời nói bừa của hắn, mà chỉ thở dài: “Thứ Đường án là đại tang toàn thiên hạ. Kể từ Tĩnh Hòa năm đầu tiên, ba năm sau đó, cứ mùa xuân đến là trời rơi đầy tuyết, muôn hoa không nở, năm nay mới thấy trời quang. Khi Thánh Thiên Tử băng hà còn không có như vậy.”
Ba người còn đang xì xào bàn tán thì nghe tiếng nội quan ngân dài truyền đến từ phía xa, báo Hoàng đế và Thái sư tới. Mọi người dưới Điểm Hồng Đài đồng loạt đứng dậy hành lễ.
“Ngô Hoàng an khang –“
Chiêu đế Tống Lan năm nay tuổi vừa mười chín, so với trước khi lên ngôi đã cao hơn hẳn một cái đầu. Hắn đi cùng Tể phụ Ngọc Thu Thật, tùy ý nâng tay, ra hiệu mọi người đứng dậy. Trên người hắn thoảng qua sự uy bức của người bề trên.
Hứa Đạm khom người hành lễ, sau khi ngồi xuống lại lén lén lút lút quan sát. Tiểu Chiêu Đế cười tựa như không cười, đang chuyện trò vui vẻ với quyền thần bên cạnh. Sự “nhu nhược” “nhát gan” và vẻ ngại ngùng trong lời đồn dường như chưa từng xuất hiện trên mặt hắn.
Tuy nhiên cặp quân thần uy hiếp lẫn nhau, đao quang kiếm ảnh trong lời đồn ở trong mắt mọi người lại hoàn toàn không căng thẳng đầy mùi khói thuốc súng.
Sau khi Tống Lan ngồi xuống, liếc qua vị trí vẫn còn trống của Hoàng hậu ở bên cạnh, rồi quay đầu quan tâm nói: “Dạo này thân thể Thái sư khỏe hơn chưa?”
Mặt mày Ngọc Thu Thật giãn ra, cung kính đáp: “Được bệ hạ quan tâm, thần không sao.”
Ông ta ngừng lại một chút, mang theo ý dò hỏi nói: “Nghe nói bệ hạ mang một người bạn cũ từ Bắc U về.”
Tống Lan nghịch nghịch chiếc tua ngọc bên hông, không trả lời câu hỏi của ông ta: “Tự Bạch, ông không cần lo lắng chuyện nhỏ này, bất kể trẫm mang ai từ đâu về lúc nào cũng phải phụ thuộc vào ông.”
Ngọc Thu Thật nói: “Thần cũng không có ý đó, nhưng hành động này của bệ hạ e rằng sẽ bị triều thần chỉ trích.”
Tống Lan liền cười: “Tự Bạch không cần lo lắng, mặc dù chế cử [2] năm ngoái hắn không tham gia, nhưng cuốn《Thương Tri Luận》đã lan truyền trong kinh từ lâu rồi. Chuyến này trẫm cũng định gặp lại, chức quan của hắn đã định, chỉ là văn thư chưa chiếu. Trẫm lẻ loi từ nhỏ, khó lắm mới gặp được tri kỷ rất ăn ý với nhau. Nhất thời hứng khởi nên chưa chờ văn thư từ Lại Bộ đã trực tiếp kêu hắn theo Ngự giá về kinh. Trẫm đã nghĩ rồi, hành động này chẳng qua không theo đúng trình tự chứ cũng không quá đáng, tranh cãi mấy ngày là hết thôi.”
Ngọc Thu Thật nói: “Nhưng thần nghe nói, người này là…”
Ông ta còn chưa nói xong, cung nhân đã bắt đầu ngân dài giọng thông báo Hoàng hậu điện hạ đến. Ngọc Thu Thật liếc nhìn Tống Lan rồi lập tức đứng dậy, cung kính chờ ở bên cạnh.
Khi Lạc Vi đến, đầu tiên là nhìn thấy Tống Lan đứng dậy nghênh đón từ xa.
Lúc mới quen Tống Lan, nàng mới chín tuổi rưỡi, Tống Lan còn nhỏ hơn nàng một tuổi. Sau khi quen thân, mỗi lần nhìn thấy nàng hắn đều vẫy tay từ xa, tràn đầy tính tình thiếu niên. Hiện giờ thân phận hắn cao quý, không thể làm những hành động tùy hứng như ngày xưa nữa nên đã phái nội thị đến nghênh đón nàng, thể hiện tình cảm hòa thuận của họ với người trong thiên hạ.
Nhưng không biết tình cảm này có mấy phần thật, mấy phần giả đây.
Lạc Vi chắp tay, hơi khom người hành lễ với Hoàng đế. Ngọc Thu Thật ở bên cạnh cũng cung kính quỳ xuống khấu đầu: “Thần thỉnh an Hoàng hậu điện hạ.”
“Thái sư đứng dậy đi.”
“Thần bái tạ.”
Hôm nay Tống Lan mặc sam bào màu vàng đất, theo lệ thì hắn phải mặc màu đỏ son hoặc tím vàng kim. Nhưng bản thân hắn không thích, cho nên đổi thành màu vàng kim nhạt không thường thấy. Thật ra cũng không tính là không tuân theo quy củ.
Trên áo bào buộc một chiếc thắt lưng tê giác vàng ngọc lỏng lẻo, tóc dài búi lên đỉnh đầu, trâm cài bằng ngọc đen. Màu sắc u ám càng làm khuôn mặt còn chút trẻ con của hắn tăng thêm vài phần uy nghiêm.
Dưới đài vang lên tiếng xì xào, khen ngợi tình cảm hòa thuận khiến người đời ngưỡng mộ của Đế hậu. Lạc Vi nắm tay Tống Lan ngồi xuống vị trí bên phải hắn.
Không biết vì sao, trong ngày xuân ấm áp mà tay hai người đều lạnh như băng. Ngay cả hơi ấm từ đối phương cũng không thể cảm nhận được.
Chỉ là Lạc Vi cũng không để ý cảm giác khó chịu trong lòng bàn tay, nhưng Tống Lan lại quan tâm nắm chặt tay nàng, thấp giọng hỏi: “Sao tay A tỷ lại lạnh như vậy? Sau khi thân thể nàng khỏi bệnh chớ nên cực nhọc, mấy ngày nay bận rộn nhiều chuyện à?”
“Dù mới lập xuân có mấy ngày nhưng hôm nay gió to.” Lạc Vi lắc đầu, vẻ mặt vẫn như cũ, thậm chí còn nở nụ cười ngọt ngào, rồi nói: “Sau trừ tịch hiếm gặp Thái sư, mấy ngày trước còn nghe Tùy Vân nói nhớ phụ thân. Hôm nay dù sao cũng phải tìm cơ hội cho cha con hai người gặp nhau mới được.”
Người Lạc Vi nhắc đến chính là con gái út Ngọc Tùy Vân của Ngọc Thu Thật, nàng tiến cung năm thứ hai sau khi Tống Lan lập hậu.
Hậu cung của Tống Lan thưa thớt, ngoại trừ Hoàng hậu, đến nay chỉ có một vị Quý phi là Ngọc Tùy Vân và một Chiêu nghi do Thái hậu phong tước.
Ngọc Tùy Vân là con gái của Ngọc Thu Thật nên đương nhiên không thân với Lạc Vi. Hai người xưa nay không qua lại nhiều, bây giờ Lạc Vi nói những lời này, không biết nàng có ý khiêu khích Tể phụ hay không.
Tống Lan liếc nhìn Ngọc Thu Thật, sau khi Ngọc Thu Thật cười nói “Đa tạ nương nương” hắn mới thở phào nhẹ nhõm.
Lạc Vi lặng lẽ nhìn hai người diễn kịch.
Trước đây nàng mắt mù tai điếc mới không nhìn ra âm mưu dưới trướng của cặp quân thần này. Dù sao cũng cảm thấy năm đó khi mới gặp, Tống Lan chỉ là một đứa trẻ mù mờ không biết gì, sợ quyền thế của người lớn nên không thể không khúm núm vì lợi ích.
Sau này, nàng mới biết hết thảy chẳng qua là diễn cho thiên hạ và nàng xem mà thôi. Nhưng hiện giờ thời cơ chưa đến, trong lòng nguội lạnh cũng không thể nói thêm gì.
Sau khi Hoàng hậu ngồi xuống, thịnh hội Điểm Hồng chính thức bắt đầu. Trung Hòa Thiều Lạc tấu chương Hiển Bình [3], các văn thần và tân khoa sĩ tử cùng nhau tiến lên bái kiến, khung cảnh nhất thời náo nhiệt.
“Đình Yến?”
Hôm nay Lạc Vi mệt mỏi buồn ngủ, vẫn liên tục xuất thần, mãi đến khi Tống Lan ở bên cạnh nàng gọi một cái tên nàng chưa từng nghe, mới đột nhiên tỉnh táo một chút.
Nàng ngẩng đầu lên, liếc mắt liền thấy công tử lục y vừa mới được dẫn lên đài.
Hắn đi đến gần, trong mỗi lời nói cử chỉ đều không hề có sự sợ hãi hay câu nệ, chỉ có vẻ lười nhác thờ ơ.
Bóng tối thoáng qua nơi đáy lòng, một âm thanh từ đó chợt vang lên.
Tống Lan bên cạnh sát lại gần nàng, dùng âm thanh chỉ hai người có thể nghe thấy trầm giọng nói: “… A tỷ, đây chính là Diệp Tam công tử đến từ Bắc U do ta tự đề bạt, cũng là người quen cũ của chúng ta, A tỷ còn nhớ không?”
Người mặc lục y thẳng lưng bái lạy, sau ba cái rập đầu mới ngẩng đầu lên: “Thần Diệp Hách, bái kiến bệ hạ, bái kiến nương nương.”
Lạc Vi nhìn hắn chằm chằm, dường như hắn đã nhận ra, khóe môi lộ ra ý cười khó thấy.
Tống Lan mở miệng nói: “Đình Yến, đứng dậy đi.”
Hắn đáp lại: “Thần tạ ơn bệ hạ.”
Đúng như lời Lạc Vi nói trước đó, mới vừa rồi còn là ngày xuân đầy nắng đẹp. Hiện tại phía chân trời ngày càng nhiều mây bao phủ, có đám mây che khuất mặt trời, sắc trời trở nên âm u.
Một bên là cung nhân trang nghiêm chắp tay cúi đầu, một bên khác là ánh mắt lạnh lùng của Tể phụ, tầm mắt của hạ thần lục y lướt qua Lạc Vi, chỉ dừng lại trong nháy mắt.
Sau nụ cười nhạt, mưa gió trên bầu trời sắp kéo đến.
Lạc Vi nghe thấy mình hỏi: “Diệp Tam công tử? Tam công tử… đã làm lễ đội mũ chưa?”
Tống Lan không nhận ra sự khác thường của nàng, chỉ cười đáp: “Đương nhiên rồi, Tam công tử tên Hách, hiệu Cừ Hoa, tự Đình Yến.”
“Yến… là yến nào?”
“Yến trong thịnh yến.”
——————–
Tác giả có lời muốn nói:
Chú thích:
[1] Thái sư: Thái sư từ lâu đã là một chức hão. Ngọc là Tể phụ, tiểu hoàng đế là Ngọc nâng đỡ lên ngôi, cho nên sau khi Ngọc bái tướng, còn phải gia phong Thái tử và Thái sư. Hoàng đế ban cho ông ta gia phong này là để chứng tỏ địa vị danh chính ngôn thuận của ông ta. Ngọc thích người khác gọi mình là Thái sư, nên tất cả mọi người đều gọi ông như vậy (Tự Bạch là tên tự của ông);
[2] Chế cử: một loại hạng mục khoa cử, khi quốc gia có việc lớn, Hoàng đế hạ chiếu cầu người tài đức, đến khi bố trí khoa môn triệu tập đi dự thi đình, Hoàng đế sẽ đích thân kiểm tra, người trúng tuyển được ban xuất thân chế khoa, cuộc thi này không diễn ra thường xuyên;
[3] Trung Hòa Thiều Lạc tấu chương Hiển Bình: Trung Hòa Thiều Lạc là âm nhạc chỉ dùng cho cúng tế, triều hội, yến hội của hoàng gia, là nhã nhạc truyền thừa từ lâu. Vào đầu thời nhà Minh, nó được tổ chức lại và đặt tên là Trung Hòa Thiều Lạc, mượn dùng ở đây; Hiển Bình là một chương nhạc, tương tự còn có chương Tuyên Bình và Ý Bình, diễn tấu trong nhiều dịp khác nhau, đôi khi là tân hoàng đăng cơ hoặc triều đại mới được thành lập, chương nhạc cũng sẽ được soạn mới.