Không những ông ta không làm gì cả trong số những việc đó, mà ngược lại còn dùng quyền hành của mình để chọn lấy đường lối hành động ngu xuẩn nhất và tai hại nhất trong những đường lối có thể theo. Trong tất cả những việc mà Napoléon có thể làm được: nghỉ lại mùa đông ở Moskva, tiến đánh Petersburg, tiến đánh Nizni Novgorod rút về phía sau, theo hướng bắc hay hướng nam, theo con đường mà sau này Kutuzov đã đi, không thể tìm được một việc nào ngu xuẩn và tai hoạ hơn cái việc mà Napoléon đã làm, tức là ở lại Moskva cho đến tháng mười để mặc cho quân đội cướp phá thành phố, rồi để lại một đội tuần thủ, ngập ngừng ra khỏi Moskva tiến về phía Kutuzov, không tìm cách mở trận, tiến chếch sang bên phải đi đến Maly Yaroxlav, vẫn không tìm cơ hội chọc thủng trận tuyến, không theo con đường của Kutuzov đi, mà lại lùi về Mozaisk trên con đường Smolensk qua những miền bị tàn phá tan hoang, - quả không tài nào nghĩ ra được một hành động nào ngu xuẩn hơn và tai hại cho quân đội: điều này sẽ được những hậu quả về sau chứng minh rõ rệt. Các nhà chiến lược tài ba nhất hãy thử tưởng tượng rằng mục đích chính của Napoléon là làm sao cho quân đội mình tiêu vong, rồi thử nghĩ ra một cách chắc chắn, bất luận quân Nga hành quân ra sao: họ sẽ không thể nghĩ ra được cách nào công hiệu hơn cái cách mà Napoléon đã chọn.
Napoléon, con người thiên tài, đã làm việc ấy. Nhưng nói rằng Napoléon làm cho quân đội mình tiêu vong là vì ông ta muốn hay là vì ông ta rất ngu xuẩn thì cũng sai như nói rằng Napoléon mang quân đội đến tận Moskva vì ông ta muốn thế và vì ông ta rất thông minh và thiên tài. Chẳng qua là trong cả hai trường hợp, hoạt động cá nhân của mỗi người lính, đã phù hợp với những quy luật chi phối hiện tượng đang xảy ra.
Các nhà sử học khẳng định hoàn toàn sai lầm (chỉ vì các hậu quả đã không biểu lộ cho hoạt động của Napoléon) rằng lực lượng của Napoléon bị suy yếu trong thời gian ở Moskva. Hồi ấy cũng như trước kia và sau này vào năm 1823, Napoléon đã vận dụng hết tài năng và sức lực của mình để đem lại thắng lợi tối đa cho bản thân ông ta và quân đội ông ta. Hoạt động của Napoléon hồi ấy cũng kỳ diệu như hồi ở Ai Cập, ở Ý, ở Áo và ở Phổ. Ta không được biết chính xác cái thiên tài của Napoléon đã biểu lộ cụ thể như thế nào ở Ai Cập, nơi mà bốn mươi thế kỷ chiêm ngưỡng sự vĩ đại của ông ta(1), vì ta chỉ được biết những chiến công vĩ đại đó qua những lời miêu tả của người Pháp, ta không còn cách nào phê phán cho đúng đắn về cái thiên tài của ta ở áo và ở phổ, vì phải rút những tài ltệu về hoạt động của ông ta từ những sách vở của Pháp và của Đức, và việc làm cho các quân đoàn nộp vũ khí mà không tốn một viên đạn và các pháo đài hàng phục mà không cần vây hãm, tất phải khiến cho người Đức có xu hướng thừa nhận thiên tài của ông ta - vì đó là cách giải thích duy nhất có thể dùng cho cuộc chiến tranh diễn ra ở Đức. Nhưng chúng ta thì nhờ trời không việc gì phải thừa nhận thiên tài của ông ta để chữa thẹn chúng ta đã giành được quyền nhìn thẳng vào sự việc một cách đơn giản, và chúng ta sẽ không nhường bỏ cái quyền đó.
Hoạt động của Napoléon, ở Moskva cũng kỳ diệu và thiên tài không kém bất cứ nơi nào. Từ khi tiến vào Moskva cho đến khi ra khỏi thành này, ông ta không ngừng ban bố hết mệnh lệnh này đến, mệnh lệnh khác, vạch hết kế hoạch này đến kế hoạch khác. Việc Moskva không còn cư dân và không cử đoàn đại biểu không làm cho ông ta nao núng. Ông ta không hề sao nhãng phúc lợi cho quân đội mình, cũng như hoạt động của quân địch, cũng như phúc lợi của các dân tộc Nga, cũng như việc quản lý các công việc ở Paris, cũng như những sự suy tính ngoại giao về những điều kiện hoà ước nay mai.
Chú thích:
(1) Ám chỉ một lời của Napoléon nói với binh sĩ khi đi ngang các kim tự tháp, trước khi glao chiến với quân mamluk của Ai Cập: "Hỡi binh sĩ, từ trên các đỉnh kim tự tháp kia, bốn mươi thế kỷ đang chiêm ngưỡng các người!"