Nhưng mặt biển lặng bỗng lại nổi sóng. Các nhà ngoại giao tưởng đâu những sự bất đồng của họ là nguyên nhân của cơn sóng gió mới. Họ chờ đợi chiến tranh xảy ra giữa các vị vua của họ, họ cảm thấy tình hình này không sao giải quyết nổi. Nhưng làn sóng mà họ cảm thấy dâng lên lại không xuất phát từ nơi họ dự kiến. Đó vẫn là làn sóng ngày trước và điểm xuất phát vẫn là Paris. Đó là làn sóng dội lại cuối cùng của cuộc vận động từ phương Tây, làn sóng này phải giải quyết được những khó khăn về ngoại giao tưởng chừng không giải quyết nổi và kết thúc cuộc vận động quân sự của thời đại này.
Con người đã làm cho nước Pháp tan hoang, một thân một mình, không có nội ứng, không có quân đội, đổ bộ lên đất Pháp.
Bất cứ người lính gác nào cũng có thể bắt ông ta, nhưng do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, không những không ai bắt ông ta, mà mọi người còn hân hoan đón chào con người mà vừa mới hôm qua họ còn nguyền rủa và một tháng sau họ lại sẽ nguyền rủa.
Con người này cần thiết để biểu lộ cho hồi kịch tập thể cuối cùng. Hồi kịch ấy đã diễn ra, vai trò cuối cùng đã đóng xong.
Người ta bảo diễn viên cởi bỏ trang phục và lau sạch son phấn, người ta không cần đến hắn nữa.
Và mấy năm trôi qua: trong thời gian đó, sống cô đơn trên hòn đảo con người ấy lại:tự diễn trước mặt mình một tấn kịch thảm hại, lại mưu mô dối trá đé bào chữa cho những hành vi của mình trong khi sự bào chữa này không còn cần thiết nữa, và bày ra cho tất cả thế giới thấy rõ cái mà người ta cho là một sức mạnh khi có một bàn tay vô hình dắt dẫn nó thật ra là cái gì.
Khi vở kịch đã diễn xong và diễn viên đã cởi trang phục, nhà đạo diễn đưa hắn ra cho chúng ta xem và nói: Hãy xem con người mà các anh đã tin tơởng? Đây, nó đây? Bây giờ các anh đã thấy rằng chính tôi chứ không phải nó chi phối các anh rồi chứ?
Nhưng bị quáng mắt vì sức mạnh của cuộc vận động, trong một thời gian dài, người ta vẫn không hiểu điều đó.
Cuộc đời của Alekxandr, con người cầm đầu cuộc vận động ngược lại từ Đông sang Tây, lại còn cho ta thấy một sự liên quan chặt chẽ và tất yếu hơn nữà.
Người có thể làm lu mờ tất cả những người khác và cầm đầu cuộc vận động từ Đông sang Tây này cần có những gì?
Người đó cần phải có ý thức về chính nghĩa, cần quan tâm đến những công việc của châu Âu, nhưng phải nhìn từ xa, không bị những lợi ích nhỏ nhất làm mờ mắt, người đó cần phải vượt lên trên các quốc vương đường thời về mặt đạo đức. Người đó cần phải có một nhân cách dịu dàng và hấp dẫn, cần phải có một mối hiềm khích riêng với Napoléon. Và tất những điều đó đều tập trung ở Alekxandr I, tất cả những điều đó đều được chuẩn bị bởi những cái gọi là ngẫu nhiên trong suốt quãng đời trước đây của ông ta, nếp giáo dục, xu hướng tự do ở thời kỳ đầu, những người cố vấn ở quanh ông, những sự biến ở Austerlix, Tilzit, và Erfurt.
Trong cuộc chiến tranh nhân dân, nhân vật này ngồi không bởi vì người ta không cần đến. Nhưng đến khi người ta thấy thế nào cũng phải có một cuộc chtến tranh của toàn thể châu Âu, nhân vật này liền xuất hiện đúng lúc và đúng địa vị của mình. Rồi sau khi liên kết các dân tộc ở châu Âu lại, ông ta đã đưa họ đến mục đích.
Mục đích đã đạt được. Sau cuộc chiến tranh cuối cùng năm 1815, Alekxandr đã lên đến tột đỉnh của quyền lực con người. Ông ta đã sử dụng cái quyền lực ấy như thế nào?
Alekxandr I, con người đã bình định châu Âu, con người từ lúc niên thiếu chỉ nghĩ đến hạnh phúc của dân tộc mình, con người đã đề xướng những cải cách tự do ở tổ quốc mình, đến bây giờ, khi mà hình như ông ta đã có được uy quyền tối cao và do đó có đủ khả năng mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mình, trong khi Napoléon đang ngồi xây dựng trong cảnh tù đày những kế hoạch trẻ con và dối trá nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân loại nếu ông ta có quyền lực thì Alekxandr I, sau khi đã làm xong sứ mệnh và cảm thấy bàn tay của Thượng đế đặt lên người mình, bỗng nhận ra sự vô nghĩa của cái quyền lực hư ảo kia, bèn tờ bỏ nó, trao nó lại cho cọn người đáng khinh bỉ và bị ông khinh bỉ, chỉ nói:
"Không phải vì tôi, không phải vì tôi mà nhân danh Chúa!(1) Tôi cũng chỉ là một người như các anh, xin để cho tôi sống như một con người và cho tồi nghĩ đến linh hồn của tôi và nghĩ đến thượng đế".
Cũng như mặt trời và mỗi nguyên tử ê-te đều là những hình cầu hoàn chỉnh tự bản thân nó và đồng thời chỉ là những nguyên tử của một tổng thể mà con người không thể thiếu được vì nó quá to lớn, mỗi cá nhân cũng mang trong bản thân những mục đích riêng, và đồng thời nó mang những mục đích ấy cũng là để phục vụ những mục đích chung mà con người không hiểu được.
Con ong đậu trên một bông hoa đã đốt một đứa trẻ. Thế là đứa trẻ sợ loài ong và nói rằng mục đích của ong là đốt người. Nhà thờ ngắm con ong đậu trên đài hoa và nói rằng mục đích của ong là hấp thụ hương thơm của hoa. Người nuôi ong nhận thấy con ong lấy phấn hoa và mật hoa đem về tổ nên nói rằng mục đích của ong là kiếm mật. Một người nuôi ong khác, nghiên cứu đời sống của bầy ong kĩ hơn, nói rằng con ong lấy phấn và mật để nuôi ong con và ong chúa, rằng mục đích của nó là bảo tồn nòi giống. Nhà thực vật học nhận thấy rằng trong khi mang phấn hoa bay từ hoa đực đến hoa cái, con ong làm cho hoa cái thụ tinh, và cho rằng đó chính là mục đích của ong. Một nhà thực vật học khác nhìn thấy hiện tượng di cư của thực vật nói rằng con ong góp phần vào sự di cư ấy, và người quan sát mới này có thể nói rằng đó chính là mục đích của ong. Nhưng mục đích cuối cùng của ong thì vẫn không thể quay về mục đích thứ nhất, thứ hai hay thứ ba mà trí tuệ con người có thể phát hiện được, trí tuệ con người càng được nâng cao trong việc phát hiện những mục đích này thì đối với nó mục đích cuối cùng lại càng hiển nhiên là không sao hiểu nổi.
Con người chỉ có thể quan sát sự tương quan giữa đời sống của ong với những hiện tượng khác của cuộc sống. Về những mục đích của các nhân vật lịch sử và của các dân tộc cũng cần phải nói như vậy.
Chú thích:
(1)Alekxandr sai đúc một huy chương kỷ niệm việc chiến thắng quân Pháp năm 1812 trên huy chương có câu này.