Dòng nước lạnh buốt nhoắng một cái đã xối sạch lớp bùn trên mặt chú. Chú ho khan, giãy giụa rồi đứng lên, chỉ thấy bốn bề tối đen như mực. Chú không biết mình đã rơi vào đâu, chỉ biết từ phần eo trở xuống đều ngập trong nước, khắp xung quanh nồng nặc một mùi hôi thối kỳ dị.
Đèn pin vẫn sáng, giờ đã bị rơi xuống nước, chỉ còn thấy một đốm điện le lói. Chú Ba cúi xuống lần mò nhặt cái đèn pin lên. Vì đèn bị ngấm nước nên vừa sờ vào đã tắt ngóm, chú phải đập hai cái nó mới lại sáng lên, nhưng ánh sáng đã nhợt nhạt đi một chút.
Chú rọi đèn pin ra khắp chung quanh, phát hiện thấy mình đang ở trong một căn phòng gạch, bốn phía là bốn vách tường xây bằng gạch xanh[1] cắt gọt vuông vức. Quay ra đằng sau, chú nhìn thấy một hang động lớn được khoét ra trên bức tường gạch xanh, có vẻ là do sức người làm nên. Rõ ràng ban nãy chú đã trượt vào đây qua cái hang này.
Chú Ba xem xét một vòng, liền nắm được tình hình ngay lập tức. Nơi chú vừa đào bới có vấn đề. Có lẽ đó vốn là một cái hõm đã bị đất lấp lại, do trọng lượng cơ thể chú đè lên trên, mà ở dưới lại không có gì chống đỡ nên toàn bộ bùn đất phía dưới đạo động đã sụp xuống, khiến chú và đất đá cùng lăn vào trong mộ thất.
Cái hang trên tường mộ kia là ai đào ra vậy? Không lẽ trong lúc vô tình mình đã đào trúng cái đạo động mà đám người nhà ông bô dùng để chui vào huyệt mộ năm xưa? Có lẽ nào lại trùng hợp đến vậy sao?
Chú Ba ngẫm nghĩ, cảm thấy đúng là có khả năng đó. Bản lĩnh của mình đều do ông bô truyền dạy, mà bản lĩnh của ông bô lại do người đời trước rèn luyện cho. Vì cái nghề trộm mộ này bắt đầu xuống dốc từ sau thời nhà Thanh, cho nên kỹ thuật trộm mộ đều là dựa vào vốn cũ hết chứ chẳng phát triển thêm được bước nào. Nên đào đạo động ở đâu, đào đạo động như thế nào, tất cả đều phụ thuộc vào một cái quy tắc chết tiệt hết, đệ tử do một thầy dạy dỗ gần như 100% sẽ đào đạo động ở cùng một vị trí.
Tạm thời không suy nghĩ đến chuyện này nữa, chú tỉ mỉ quan sát xung quanh một lát. Phía sau lối vào đã bị bùn đất trượt xuống bít kín, cái xẻng không biết đã kẹt lại ở chỗ nào trong đất, muốn trở về bằng đường cũ e rằng hơi khó. Có điều, chú cũng chẳng lo cho lắm. Đã có thuốc nổ mang theo người đây, nếu ra không được thật thì cứ việc bùm một phát khoét luôn cái cửa trên trần là xong béng.
Mộ thất được xây thành hình tứ giác quy chuẩn, vòm trần và bốn phía đều có những phù điêu đơn giản. Mộ thất không rộng nhưng khá cao, bên trong nước đọng đến tận ngang hông. Đồ bồi táng chắc hẳn nằm ở dưới đó, nhưng với cái ao nước đen ngòm thế này thì căn bản cũng chẳng thấy được phía dưới có những gì.
Trên bức tường bên trái có một cánh cửa mở, nhiều khả năng là hành lang của tòa mộ cổ này.
Chỉ dựa vào những thứ này thì không thể nào đoán ra được thời kỳ lịch sử và địa vị xã hội của chủ nhân mộ cổ lúc sinh thời. Nhưng từ chiều cao của mộ thất thì có thể thấy chủ mộ này rõ ràng không phải nhân vật lớn cỡ vương hầu gì đâu.
Một cái mộ cổ bình thường thôi. Mộ thất thì có đấy, quy cách dĩ nhiên cũng không hề kém, vì sau thời cổ đại, người có được phòng xây bằng gạch đã chẳng còn nhiều. Nếu dùng hẳn gạch để xây mộ, thì chủ mộ kiểu gì cũng phải thuộc giai cấp quan lại trở lên. Có điều, cho dù có là quan lại, thì thường thường đa số các ngôi mộ này đều không có cơ quan bẫy rập nào quá tà môn, bởi vì năng lực của bọn họ chỉ có hạn. Dù ở triều đại nào đi chăng nữa, những thợ thủ công bậc thầy – đặc biệt là những người có kiến thức xây dựng lăng mộ – đều chỉ phục vụ cho một người là hoàng đế mà thôi. Hơn nữa bọn họ cả đời đại để cũng chỉ có thể cống hiến duy nhất một lần. Phần lớn những thợ thủ công bậc thầy đều bị chôn sống khi phong bế hoàng lăng. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Trung Quốc có nhiều thứ bị thất truyền đến thế.
Chú Ba định thần một lát, rồi lội nước đi vào trong hành lang tối như hũ nút. Nước lạnh buốt, lực cản lớn, khi bước đi làm gợn lên những lằn sóng, phát ra thứ tiếng khiến người ta khó chịu vô cùng.
Sàn mộ thất nằm dưới nước cũng không bằng phẳng. Chú nhiều lần vấp phải mấy thứ gì đó, suýt nữa ngã nhào. Bây giờ chú chẳng dám nghĩ xem mình đang giẫm lên cái gì nữa. Nếu nơi đây đúng là ngôi mộ cổ năm đó được ghi lại trong bút ký thì những vật chú giẫm lên, ngoại trừ mấy thứ đồ bồi táng ở đây, có thể còn là di hài của các bậc trưởng bối nữa. Chuyện này đã quá kích thích rồi, thôi tốt nhất là đừng nghĩ tới nó.
Hành lang dài khoảng 20 mét, đi hết rất nhanh. Sau hành lang là một gian mộ thất lớn hơn nữa, bốn phía không có mặt tường nào thông ra hành lang khác. Chú Ba biết đã vào đến hậu điện, tiến thêm vài bước nữa thì thấy ở chính giữa mộ thất có một bệ quan tài, nhô cao lên khỏi mặt nước.
Chú Ba chiếu đèn pin sang, không khỏi nuốt nước bọt đánh ực một cái, chân bắt đầu mềm oặt ra.
Chỉ thấy trên bệ đặt quan tài là một cái quan tài bằng đá, nắp đã bị bẩy lên, không biết đi đàng nào mất rồi. Tình cảnh này cũng chưa phải dạng hiếm gặp, nhưng thứ khiến chú có phần sợ hãi, ngoài chuyện đó ra, chính là hai bộ xương khô đang mục ruỗng. Cả hai bộ xương đang tựa vào chiếc quan tài mất nắp, y phục trên người rách nát tả tơi hết cả, hai cái xác đã bị phân hủy hoàn toàn, da thịt dính liền vào làm một với quan tài đá, vì chú đang đứng ở khá xa nên không thấy rõ là thuộc triều đại nào, nhưng chắc chắn không phải nô lệ tuẫn táng.
Chú Ba thoáng sửng sốt một lát, toàn thân ớn lạnh không dám lại gần. Trong lòng chú thầm nhủ, hai cái xác này lẽ nào lại chính là người nhà mình đã chết trong cổ mộ năm đó?
Cổ mộ, chú không phải mới vào lần đầu. Xác chết trong cổ mộ, từ lâu chú cũng đã luyện thành tư tưởng cứ lờ tịt đi, cứ coi mấy cái xác đó chẳng qua chỉ là một loại đồ vật. Thế nhưng những cái xác chú đang gặp lúc này đây lại rất có thể chính là của người nhà mình, trong lòng chú chợt dấy lên một cảm giác khiếp sợ không tên, tim đập dồn kịch liệt.
Chú lò dò đi đến bệ đá chính giữa mộ thất, toàn thân run lên bần bật, đèn pin cũng cầm không chắc. Trước tiên chú quan sát cái quan tài đá, thì thấy một mảng máu khô đét đóng cục dưới đáy quan tài. Mặt trong quan tài hình như còn được bọc tơ lụa, nhưng lại không thấy thi thể đâu cả. Chú lại ghé sát vào hai bộ hài cốt nhìn thử một cái, chỉ thấy thi thể mục nát gần hết rồi, đầu còn trơ lại mỗi hộp sọ, không sao đoán được có phải người nhà mình hay không. Nhưng chú Ba bỗng thấy trên tay một trong số hai cái xác có cầm một khẩu pạc-hoọc[2], bên trên khắc mấy chữ mờ tịt: Ngô Đại Quý, chính là tên của ông cố nhà mình.
Đầu gối chú Ba liền nhũn ra, chú quỳ sụp xuống nghiêm chỉnh dập đầu lạy hai cái. Chú Ba chẳng phải là người chu đáo giàu tình cảm gì cho cam, hành động lúc này của chú hẳn chỉ là một loại bản năng thôi.
Dập đầu quỳ lạy xong, chú Ba quay ra xem xét khẩu pạc-hoọc, thấy nó đã rỉ ngoèn hết xài từ lâu bèn ném qua một bên, xem xét đồ đạc trong cái quan tài đá. Chú đeo bao tay rồi thò vào trong áo quan, sờ sờ ấn ấn lớp tơ lụa dưới đáy quan tài.
Sau khi ấn một cái, chú Ba biết chắc thi thể cũng không nằm dưới lớp tơ lụa mục nát. Ngược lại, chú mò được một thứ có hình khuyên tròn giấu bên dưới lớp uế vật nát bấy như tương ở đáy quan tài. Chú hồi hộp với vào sờ thử, thì ra là một cái khuyên sắt.
Chú Ba đặt đèn pin lên mép quan tài đá rồi đưa hai tay nắm lấy cái khuyên sắt, dùng sức kéo một phát. Chỉ nghe đánh “cạch” một tiếng, đáy quan tài bất chợt vênh sang một bên, lộ ra một cánh cửa ngầm.
Não bộ chú Ba như nhảy giật lên một cái. Thật chẳng ngờ, cái huyệt mộ này không chỉ có một tầng. Chú lập tức móc bật lửa ra, toan ném vào bên trong cửa ngầm để xem phía dưới rốt cuộc là chỗ nào. Không ngờ chú vừa thò tay xuống thì chợt thấy ánh lửa soi tới một cái mặt quái dị chằng chịt nếp nhăn ló ra khỏi cửa ngầm.