Nói về phần An, kể từ khi hắn theo bạn vào Nam lập nghiệp đến giờ cuộc sống cũng chả giàu sang được là mấy. Hắn với thằng bạn xin vào làm một chân bảo kê trong sòng bạc và cũng thuê được một căn nhà nhỏ ở quận tư. Do làm nghề bảo kê, có thể nói An đã gặp đủ loại người và hắn chả còn sợ cái gì trên đời này kể cả cái chết. Nhà hắn là một căn nhà 2 tầng nho nhỏ nằm trong ngõ, mà ngoài mặt ngõ thì toàn là các nhà bán hòm, rồi điêu khắc bia đá hoặc là làm vòng hoa đám ma. Các nhà ở đây hầu như nhà nào cũng treo bùa trong nhà hoặc để hình bát quái trước cửa. Nhiều nhà thậm chí còn chưng tượng Phật bà ngay trong phòng khách. Nhưng riêng chỉ có mỗi An là ko làm vậy, nhiều người hỏi cớ tại sao mà không làm như họ, An chỉ nói:
- Ôi dào, thời đại bây giờ, ai còn tin vào ba cái chuyện ma quỷ nhảm nhí, toàn một lũ yếu bóng vía!
Chỗ An ở trước kia là một vùng tập kích của quân Mỹ khi vào miền Nam. Hồi đó khu này đông lính cộng sản cố thủ lắm. Nhưng khi Mỹ đổ vào thì giết sạch không chừa một ai, từ già đến trẻ. Làm vậy cũng chỉ bởi làm theo một cái lý “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Từ lâu lắm rồi, người dân quanh vùng này, hễ làm nghề gì buôn bán là ế ẩm vô cùng, nhiều nhà còn phải bán tháo nhà cửa để đi nơi khác. Thế nhưng từ đợt bà Tám Tiền mở dịch vụ bán hòm, thuê người về làm tại gia thì nhà giàu lắm, cũng như thế mà các nhà khác cũng làm để ăn theo. Lâu ngày dần dần khu này được gọi là “Phố Âm Phủ”. An đi làm bảo kê, nên thường về nhà rất muộn vì nhiều hôm còn ở lại nhậu nhẹt chán chê đến gần 3 giờ sáng mới về. Vào một ngày như mọi lần, sau một cuộc nhậu tới bến. An lại chân nọ đá chân kia đi bộ về nhà, đi dọc trên cái khu phố Âm Phủ này thì quả thật là hãi hết sức, từ đầu đến cuối phố, nào là hòm, là bia mộ, là vòng hoa… Nếu không phải là người sống ở đây thì có cho tiền cũng chẳng ai dám đi qua cái phố này lúc 3 giờ sáng. An đang lững chững bước đi, chợt nghe thấy có tiếng bước chân của hai người nữa, đi theo sau. Tiếng bước chân đi rất đều đặn. An lúc đầu nghĩ rằng chắc có ai đó cũng sống ở đây.
Nhưng bỗng hắn nhớ ra, là lúc rẽ vào làm gì có ai. Hắn bất thình lình dừng lại, tiếng bước chân kia cũng im bặt. Hắn lại cất bước đi, tiếng bước chân đằng sau lại đều đều. Hơi bực mình, An giả vờ đi một đoạn, vừa đi hắn bất ngờ quay đầu lại. thì thấy có hai cái bóng xa xa. Do đang say cộng với bóng đèn đường không được sáng cho lắm, chỉ thấy như một người phụ nữ đang dắt một đứa bé. Thấy An dừng lại, hai cái bóng kia cũng đứng lại. An lớn tiếng:
- Giờ này không về nhà mà ngủ, còn dắt còn đi lang thang làm gì nữa không biết!
Rồi hắn lại đi tiếp, đến lúc rẽ vào ngõ nhà hắn. An để ý thấy vẫn còn tiếng bước chân lẽo đẽo đằng sau. Lần này thì hắn tức lắm, quay hẳn người lại mà chửi:
- Con đ* kia! Bố mày nợ nần gì mày? Mà mày cứ lẽo đẽo theo tao thế hả? Có cút con m* mày đi không thì bảo!
Tiếng hét đó của An như xé tan bầu không khí im lặng, tiếng chó từ những căn nhà khác bắt đầu sủa ầm ĩ hết cả lên. Nhưng hai cái bóng đó vẫn bất động, chỉ lặng lẽ đứng đó. An tức mình, không thèm nhiều lời, chạy ngay vào nhà đóng cửa lại. Hắn mệt mỏi, cởi bỏ quần áo, chỉ mặc một chiếc xà lỏn chạy lên tầng hai ngủ. Vừa đặt mình xuống giường, hắn nghe thấy con chó ở căn nhà phía sau nhà hắn sủa dữ dội. Tiếng sủa giận giữ của nó, khiến người nghe phải rợn tóc gáy, nó cứ oang oang trong bầu không khí ban đêm, như thể một con quái vật khát máu. An bực mình, đang định tiến lại cửa sổ thò mặt ra chửi cho con chó chết tiệt đó một trận thì hắn hét toáng lên, khi mà thấy hai khuôn mặt của hai mẹ con lúc nẫy. Giờ thì An nhìn rõ lắm rồi, cái khuôn mặt trắng bệch, tóc xõa ra, hai cặp mắt trừng trừng nhìn về phía An. Hắn vớ chai bia, ném vào thành cửa sổ cái “CHOANG”, thì hai khuôn mặt kia cũng biến mất. Hắn cố trấn tĩnh lại, bật hết đèn lên. Hắn cố lý giải là tại sao tầng hai của hắn làm gì có ban công mà lại có người đứng đó được.
Sau gần một đêm thức trắng, lo sợ rằng hai cái bóng kia lại xuất hiện, An dường như kiệt quệ. Mới có hơn 7 giờ sang, hắn thất thiểu chạy ra quán cà phê đầu phố, mà cũng có thể coi là cái quán cà phê duy nhất còn tồn tại trên cái phố này. Nghe đâu chủ quán là một ông thầy có tiếng, nên đã yểm bùa căn nhà, nhờ vào đó mà việc kinh doanh mới không bị thua lỗ. Có nhiều hộ gia đình cũng đến mong ông yểm bùa nhà họ để làm ăn được phát đạt, nhưng ông đều từ chối cho dù người đến có trả ông bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Ông thường nói với những người đến xin yểm rằng:
- Thú thực là tôi cũng muốn giúp nhà bác lắm, nhưng khổ nỗi như bác biết, vùng này hồi xưa có bao nhiều người chết. Do không được cúng bái, lâu ngày tích tụ khí âm nhiều, nên vong hồn mới lởn vởn mà ám người bây giờ. Bất đắc dĩ tôi phải yểm bùa cái nhà này vì số tôi không hợp với việc buôn bán hòm. Tôi làm thầy mà giờ còn làm ba cái nghề phục vụ người chết nữa thì có ngày sẽ bị vong nó kéo đi lúc nào không hay. Tôi yểm nhà tôi đã tổn thọ đi mấy năm rồi, sợ làm cho nhà bác nữa thì e rằng khó mà giữ được cái mạng này.
Nhiều người nghe xong đều nghĩ rằng ông Tư là người ích kỉ, chỉ muốn làm cho nhà mình. Nhưng ông không trách họ, chỉ cười huề. Mới sáng sớm nay, đã thấy An thất thểu lò dò vô trong quán, gọi một tách đen đá đặc. Ông tư liếc nhìn nói vọng ra:
- Chú An, sao bữa nay dậy sớm quá dzậy?
An cũng đáp lại cho phải phép:
- À, chào thầy Tư, tối qua tôi không ngủ được.
Đợi cho thằng nhỏ bê tách cà phê đen lại cho An, ông Tư cũng chạy ra, kéo ghế ngồi cạnh. Ông nói giọng đùa cợt:
- Coi bộ chú có vẻ mệt mỏi hen? Hay hôm qua lại có con hàng nào ngon nên phệt tới sáng chứ gì?
An giọng mệt mỏi:
- Thầy lại trêu tôi, hàng ở đâu ra cơ chứ.
Nói xong, An cầm tách cà phê làm một ngụm lớn. Ông Tư cũng châm điếu thuốc, rít một hơi dài, từ từ nhả khói và tiếp lời:
- Đ* má, không biết tối qua có chuyện gì mà con chó mực nhà lão Sửu sủa inh ỏi, làm tôi mất cả ngủ. Má, cái con đó phải mang đi làm thịt cày thôi chú An nhỉ?
An cố cười gượng. Ông Tư lại tiếp lời:
- Nói đùa chú thế chớ con chó đó thiêng lắm đó nghen, do chính tay tui bắt về cho lão Sửu đó. Cái đợt mới mở tiệm bán hòm, lão qua nhà tôi riết. Nể tình là bà con xa, nên tui mới mua con mực đó, về huấn luyện làm bùa yểm cho nhà lão ý đó chớ. Mà chú đừng nói chuyện này với ai nghe chưa.
An tò mò hỏi thầy Tư:
- Thầy bảo thiêng là sao cơ hả thầy?
Ông tư cười hì, rít thêm một hơi thuốc rồi bảo An:
- Chà là hồi đem con mực về, tôi có buộc nó đằng sau vườn, nơi tôi thường ngồi luyện bùa. Cộng thêm vào đó hay dắt nó ra nghĩa địa cùng tôi buổi đêm. Cái việc mà luyện ra sao xin chú thứ lỗi tôi không thể kể chi tiết được. Nhưng mà sau khi đã huấn luyện xong. Con mực bây giờ có thể nhìn thấy được vong linh đấy. Có nó trong nhà là không một vong nào giám vô, kể cả ma xó cũng bị nó đuổi ra cơ mà.
An nghe đến đây chợt giật mình, rồi cố làm ra vẻ không tin:
- Thầy cứ nói quá lên, làm gì có chuyện chó mà nhìn thấy vong người chết?
Ông Tự giọng nghiêm nghị:
- Chả lẽ chú chưa từng nghe qua tên 7 con vật khắc ma hay sao (chó, mèo, chim cú, quạ, châu chấu, bướm)?
An cười đáp:
- Thầy ơi, con có nghe rồi, nhưng mà ví như chim lợn, người ta nói nếu chim lợn đậu trên nóc nhà ai thì nhà đó chắc chắn có đám ma, hoặc chỉ nghe tiếng nó kêu thôi, thì cũng gặp họa chẳng lành. Thế thì khắc ma chỗ nào hả thầy?
Ông Tư giọng điềm tĩnh:
- Chim lợn, sở dĩ đậu lên nóc nhà là vì nó linh cảm được nơi đó khí âm phát ra, thế chẳng phải là báo trước cho chủ nhà là có chuyện là gị. Còn khi nó kêu, là vì nó thấy vong hồn vảng vất, vậy chẳng phải là khắc ma sao?
An lúc này mới bắt đầu lo sợ, hắn nhớ rằng cái cửa sổ tầng hai của hắn nhìn thẳng vào sân nhà lão Sửu. Không lẽ con mực tối qua sủa như điên như dại là vì nhìn thấy bóng ma lấp ló ở đó? Đang chìm trong suy nghĩ chợt hắn giật mình khi nghe câu hỏi của ông Tư:
- Nãy giờ nói chuyện tui mới để ý, có phải chú đã thấy những thứ mà chú chưa từng thấy đúng không nào?
An ấp úng như cố tỏ ra vẻ cương quyết:
- Sao thầy lại nói vậy?
Ông tư mỉm cười, châm thêm điếu thuốc khác, vừa phì phèo hơi thuốc, ông nói:
- Tui thấy chú có qua một đêm mất ngủ mà tiều tụy đến nhường này, e có lẽ chú đang bị oan hồn nó bám theo chăng?
An chợt lớn tiếng:
- Nhưng tôi đã từng hại ai hay làm điều gì sai trái đâu mà oan hồn nó bám tôi?
Ông Tư bây giờ mới cười phá lên:
- Thật vậy sao? Chú có dám đặt cả cái mạng của chú ra mà thề là chú chưa làm điều gì sai trái không?
Nghe đến câu đó, An đứng phắt dậy, mắt nhìn chằm chằm vào mặt ông Tư. Ông Tư chỉ nhìn An cười khểnh rồi rít một hơi thuốc. Hắn để tiền trả tách cà phê rồi rảo bước ra khỏi quán.
Cả ngày hôm đó, hắn không tài nào làm việc nổi, một phần vì quá mệt mỏi, một phần vì bị ám ảnh bởi lời nói của ông Tư. Thấy hắn như vậy, nên ông chủ sòng cũng thương tình mà cho hắn về sớm. Mới có 8 giờ hơn tối mà hắn đã về đến nhà. Trên đường về, hắn vừa đi vừa cố lắng tai nghe coi có ai đi theo hắn không. Thỉnh thoảng còn quay đầu lại, nhìn xem thì không thấy gì. Vừa về đến nhà, hắn đổ ngay người xuống giường mà không cần thay quần áo. Cũng vì lí do quá mệt mỏi mà hắn dần dần chìm vào giấc ngủ lúc nào mà không hay biết. Lúc tình dậy, hắn thấy mình đang đứng trước căn nhà nhỏ ngoài Hà Nội. Vẫn cái bể nước đó, hắn nhìn mà rờn rợn. Rồi hắn đảo mắt một vòng quanh ngôi nhà. Tim hắn như ngừng đập khi nhận ra Minh, người vợ đã bỏ hắn bị treo cổ trên xà nhà ngoài hành lang, đang đung đưa. Hắn sợ kinh hồn khi mà cái xác đó chợt phát ra tiếng nói:
- Anh à… anh đã về rồi đấy ư? Lại đây với em nào …
Còn đang ngỡ ngàng thì cái nắp của bể nước bật mở. Một cô bé tóc tai rũ rượi ướt sũng từ từ chui ra. Cô bé tiến về phía hắn, từ từ ngẩng mặt lên, để lộ hai con mắt trắng bệch, lớp da mặt trương lên vì ngâm lâu trong nước. Đó là Hoa, cô bé bắt đầu gọi:
- Bố ơi… về với con đi bố… về với con…
An lần này thì đúng là hồn xiêu phách lạc, hắn cắm mặt chạy ra khỏi cửa, mồm la lớn:
- Không! Các người để cho tôi yên!
Hắn chồm dậy trên chiếc giường tầng hai, thì ra là một cơn ác mộng. Cả người đầm đìa mồ hôi, hắn coi đồng hồ mới có 6 sáu giờ sáng. Hắn ra khỏi giường, đánh răng rửa mặt rồi chạy ù ra tiệm bán đồ thờ cúng của bà Kim đầu ngõ. Vừa thấy An, bà Kim đã tất tưởi chạy ra:
- A, chú An. Mới sáng qua cửa hàng chị có chuyện chi dzậy?
An nhìn trước nhìn sau, rồi thì thầm với bà Kim:
- Chị bán cho em mấy lá bùa trấn nhà, cả cái bát quái nữa nhé.
Bà Kim thấy lạ hỏi:
- Chú mua hộ bạn hử? Hay là bị vong nó ghẹo, giờ biết sợ nên mới mua?
An giọng bực mình:
- Chị hỏi nhiều thế, chị có bán không hay để em đi ra tiệm khác đây?
Bà Kim hớt hải:
- Có, có chớ.
Rồi bà chạy vô trong lấy đầy đủ các thứ cho An, Thanh toán tiền xong, An cầm đồ chạy như điên. Về đến nhà, hắn treo cái bát quái lên trước cửa ra vào. Còn bùa, hắn chi chít từ tầng một đến tầng hai, nhiều nhất là xung quanh giường. Sau khi làm xong, hắn có vẻ an tâm lắm vì nghĩ rằng giờ thì mọi chuyện đã êm đẹp lắm rồi.
Nhưng hắn đã nhầm, đêm nào hắn ngủ cũng vẫn mơ một giấc mơ là về căn nhà cũ và gặp Minh và Hoa. Đã thế, khi tỉnh dậy, tất cả những lá bùa mà hắn đã dán đều tự động rách tan nát như có ai xé vậy. Còn chiếc bát quái thì vỡ vụn dưới đất. Lúc đầu hắn nghi là có người phá đám, nhưng quanh cái phố này, còn ai lạ gì An nữa mà dám dây vào. Cứ như vậy, An thử mua bùa và bát quái ở các tiệm khác, nhưng kết quả vẫn vậy. Mà dần dần, khi mơ, An còn la hét cả đêm, khiến bà con xung quanh bắt đầu rỉ tai nhau về việc An bị ma ám. Đến ngày hôm nay, thì nhìn An không khác gì một cái xác khô. Hắn đang thất thểu đi tới nhà thầy Tư, thật ra hắn muốn đến từ mấy bữa trước, nhưng sợ rằng thầy Tư biết chuyện hắn giết con mà báo với công an thì hắn rũ tù. Nhưng đã hơn hai tuần rồi, làm sao hắn chịu được nổi. Ngay đến ông chủ sòng còn đuổi việc hắn vì thấy hắn quá xuống sức, với cả sợ vạ lây cho sòng bạc của mình. Vừa đến cửa, An thều thào nói:
- Thằng… thằng Hai, mày kêu thầy Tư ra cho chú An gặp có việc.
Không kịp đợi thằng nhỏ chạy vào, ông Tư đã từ nhà trong bước ra, nhìn An cười nhếc mép và nói:
- Chú An, cuối cùng chú cũng đến tìm tui rùi sao…
An bất ngờ, định trả lời thì ông Tư ra hiệu cho An đi theo ổng vào bên nhà trong. Ông Tư dắt hắn đi xuyên qua căn nhà ra đến vườn sau cây cối rậm rạp. Rồi ông dẫn hắn vào một cái am nhỏ sau vườn. Trước am có trồng hai cây liễu, xung quanh thì toàn là cây trứng cá. Ông Tư dắt An lên am ngồi, ngay trước am để một pho tượng đức Phật bằng đồng đen bóng, hai bên là bốn vị tứ đại kim cương, dáng vóc uy nghiêm với khuôn mặt dữ dằn. An vừa ngồi xuống, thì ông Tư lấy từ trên bàn thờ xuống một cái ấm trà, bên ngoài có dán hai cái lá bùa đen nhìn rất lạ. ông Tư rót cho hắn một chén, nhìn thứ nước xanh xanh thì An đoán đó là nước trà. Ông Tư bảo hắn hãy uống ly trà này thật từ từ, để nó chảy từ trên xuống một cách chậm rãi. An làm theo lời ông Tư, quả nhiên hắn có thể cảm nhận được một luồng sức sống mới tuôn trào trong cơ thể. Khi thấy mặt An đã có tí thần sắc trở lại, ông Tư mới bắt đầu nói:
- Ta coi bộ chú em chịu không nổi nữa, nên mới đến tìm ta chứ gì?
An bắt đầu lộ rõ sự sợ hãi trên khuôn mặt, hắn nhìn ông Tư với vẻ thăm dò, hắn hỏi:
- Ý thầy là sao?
Ông Tư châm một điếu thuốc, rít một hơi, thổi khói thẳng vào mặt An rồi nói:
- Ác giả ác báo, thiện lai thiện báo đấy chú em ạ.
Lúc này An mới té ngửa ra đằng sau, chỉ một câu nói của ông Tư đã đánh chúng tim đen của hắn. Hắn ngồi dậy, giọng thì thào:
- Chả lẽ… thầy… đã biết hết…
Ông Tư rít một hơi thuốc dài, vừa nhả khói vừa đáp:
- Nếu nói về biết, ta biết nhiều hơn cả chú em nghĩ đấy…
An vội vàng hỏi:
- Bẩm thầy, nhưng sao thầy biết?
Ông Tư giọng trầm xuống và bắt đầu kể lại:
- Hồi chú em mới dọn vô cái xóm này, ta đã có để ý rồi. Trên đầu chú em vốn có một cái bóng đen mờ mờ trên đầu mà thường thường những người học đạo như ta mới có thể thấy, cái bóng đen đó chỉ xuất hiện trên đầu những kẻ đã từng giết người mà thôi. Hơn thế nữa, con mực nhà lão Sửu vốn ngoan lắm, nhưng từ khi chú về, cứ đến đúng đêm nào trăng sáng, nó lại tru rống lên.
An cắt ngang lời:
- Tôi tưởng đó là do nó động đực?
Ông Tư cười phá lên, rồi ông nói:
- Như tui đã nói, con mực đã được tôi huấn luyện và mỗi cái lần trăng lên mà nó tru lên tức thì là thời gian mà âm khí lên cao và oan hồn vảng vất. Với cả khi tôi bắt đầu để ý chuyện này, tui có mấy lần đi qua nhà chú em lúc buổi đêm.
An đang định cắt lời, thì ông Tư cười và bảo:
- Chú đừng hiểu nhầm ý tui, tui không có rình mò gì đâu mà chỉ xem cái sự lạ thôi.
An mặt tái đi:
- Sự lạ… Sự lạ gì cơ hả thầy?
Ông Tư lúc này mặt nghiêm lại, dập điếu thuốc và nói:
- Chú có biết trước cửa nhà chú, đêm nào cũng có ba bốn cái vong vất vưởng không?
An lúc này mặt tái mét, mồ hôi bắt đầu chảy ra, hắn cố hỏi lại:
- Nhưng tôi nghĩ chỗ này cơ địa hồi xưa chết bao nhiêu mạng, việc oan hồn vảng vất là chuyện bình thường mà.
Ông Tư nhìn An lắc đầu:
- Chú em ơi, nói là cơ địa, nhưng chỉ đên lúc nào mà khí âm nó lên cao, thì vong hồn mới vảng vất chứ. Còn như đây, đêm nào tôi qua cũng thấy, thì tôi đoán là chúng nó bám theo chú lâu rồi.
An bắt đầu thấy rờn rợn, hắn gặng hỏi:
- Nhưng sao chúng nó lại bám theo tôi?
Ông Tư nhìn thẳng vào mắt An:
- Chú quên vụ con chú, bé Hoa bị chú xô xuống bể nước rồi sao?
Lúc này An rùng mình, mồm há hốc ra. Ông Tư chậm rãi châm điếu thuốc và nói:
- Chú em muốn hỏi tại sao ta biết được những việc đó chứ gì, ta đã gọi con ma xó ở nhà chú lên và hỏi nó mọi điều về chú rồi. Chú cũng độc ác quá chứ, dám giết cả con gái ruột, mà ta cũng chả cần báo chính quyền làm gì, vì số chú chả sống được lâu nữa đâu.
An như người mất hồn, cả người hắn gục xuống như một cái xác không xương, hắn thì thào:
- Ý thầy là sao?
Ông tư thở hắt ra một hơi dài, giọng buồn rầu:
- Chú em ơi, ác giả thì ác báo, đó là điều tất nhiên của cuộc sống, mà báo cho chú em một tin buồn, vợ chú cũng mới chết cách đây có mấy tháng thôi.
An sợ xanh mặt, hắn lẩm bẩm:
- Trời ơi , Minh... Không thể nào…
Ông Tư rít một hơi thuốc:
- Chính vong con gái của chú đã kéo vợ chú về với nó đó, và bây giờ là đến lượt chú đây.
An lúc này thì bật khóc, như một đứa con nít. Hắn bò lại về phía ông Tư, van nài:
- Thầy ơi, thầy đã biết cơ sự như vậy… mong thầy giúp con ….
Ông Tư nhìn An, lắc đầu và nói:
- Đã biết có ngày hôm nay, sao hôm xưa còn làm. Về việc này, ta không thể nào giúp được chú em nữa rồi, phải chăng chú em tìm đến ta ngay từ lúc chú mới dọn đến thì may ra. Giờ cái nghiệp chướng nó quá nặng rồi chú em ạ. Nếu ta giúp chú thì e là cả ta cũng khó sống lắm.
An bò lại trước tượng, vái lấy vái để và lẩm bẩm cầu xin thần Phật thương xót mà cứu vớt. Ông Tư chỉ đứng lên, đỡ An dậy và bảo:
- Ta đã tính ngày giờ cả rồi, mạng chú không sống được quá tuần này đâu.
An gào lên:
- Không! Không thể có chuyện đó được!
Ông Tư cố trấn tĩnh An:
- Chú em nếu còn việc gì chưa hoàn thành thì hãy nói với ta, ta sẽ cố gắng hết sức. Còn về việc ma chay cúng tang cho chú em, ta sẽ lo liệu chu đáo, coi như là giúp chú em an nghỉ.
An vùng lên, chạy ra khỏi cái am, phi ngay ra cửa. Thằng nhóc ngoài tiệm thấy vậy chạy vô hỏi:
- Thầy ơi, có chuyện chi mà chú An chạy thục mạng dzậy?
Ông Tư đáp:
- Không có chuyện chi, con đi đặt gấp cho thầy một cái hòm nhé, tới nhà mụ Tám ấy, bảo tuần sau thầy sẽ lấy.
Thằng nhỏ hỏi:
- Bẩm thầy, mua hòm cho ai ạ?
Ông Tư quát:
- Còn không mau đi, đứng đó hỏi nhiều làm gì?!
Từ cái ngày ở nhà ông Tư về, An tối ngày cố thủ ở trong nhà. Hắn không dám mò ra đường. Cộng thêm những cơn ác mộng hàng đêm khiến hắn không tài nào ngủ được. Cứ như vậy mấy ngày liên tục, cơ thể hắn đã đuối lắm rồi. Cái đêm chủ nhật đó, mưa to kinh khủng. Bà con ai cũng đóng cửa ở trong nhà người ấy. Nói về An, hắn ngồi nép vào góc tường trên giường, hai tay cầm mấy nắm bùa cộng thêm vài ba cái bát quái. Nếu đúng như lời ông Tư nói thì hôm này là ngày tận số của hắn. Khi kim đồng hồ chỉ đã mười 1 giờ 45, bỗng đâu đó trong mưa, An nghe tiếng gọi ghê rợn:
“Bố ơi, về với con bố ơi…”. An hồn vía lên mây, cố bịt tai lại, và gào thét:
- Không! Chúng mày cút hết đi! Để cho tao được yên!
Một lúc sau, lại có tiếng gọi khác xen lẫn vào tiếng gọi đó: “Mình ơi… Về với em mình ơi...”. Cả hai tiếng nói cùng vọng về, khiến cho đầu óc An như điên đảo, hắn đập đầu vào tường rồi cầm tất cả những thứ hắn vớ được đập mạnh lên đầu nhằm xua đuổi cái tiếng nói vọng về. Cuối cùng, trước mặt An, ngay tại đầu giường, hai mẹ con Minh và Hoa đã đứng đó từ lúc nào, chìa đôi bàn tay về phía hắn như ý mời gọi.
Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, ông Tư đã cho người lên đồn công an báo rằng có người tự tử tại nhà. Đồng thời cũng bảo mọi người trong nhà mình phát tang cho An. Khi công an đến hiện trường, thì thấy An đã treo cổ lên xà nhà. Bên pháp y đã xác nhận An treo cổ từ đêm hôm trước, nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao An có thể tự treo cổ mình lên cao như vậy mà không cần đến một vật gì để đứng lên. Cái xác tuy đã được treo lên mấy tiếng trước, nhưng đến tận sáng nay vẫn đung đa đung đưa tựa như có hai người đứng hai bên đẩy qua đẩy lại vậy. Đầu tiên người ta nghi cho ông Tư là thủ phạm vì chỉ có mình ông là biết việc này, nhưng không có bằng chứng kết luận để buộc tội ông Tư. Sau khi kiểm tra toàn bộ căn nhà, công an còn phát hiện ra một lá thư mà An viết để trong ngăn kéo, qua xác định thì đó đúng là nét chữ của An:
“Thầy Tư không có tội đâu, đã đến lúc tôi về đoàn tụ với gia đình rồi.”Xem thêm...
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK