Cốc rượu trên tay
Xanh xanh lên với
Trời cao ngàn ngày
Dài nhanh lên với
Tóc xõa ngang mày
Lớn nhanh lên với
Bé bỏng chiều nay”
1.
Chiều rớt nắng trên ngọn sầu đông.
Nắng rơi xuống, rất dày, nhưng bị các nhánh lá cản lại trên cao.
Vô số nắng nằm trên ngọn cây.
Ở những khoảng trống, nắng tiếp tục rơi.
Tôi ngồi duỗi chân trên cỏ, nghe nắng ấm xuyên qua lớp vải.
Trước mặt tôi, trong dòng sông Kiếp Bạc, nắng đang đùa giỡn với cát.
Mùa hạ, sông Kiếp Bạc khô cạn. Lòng sông phơi những tảng đá đen, bây giờ đã mượt rêu xanh.
Cô Út Huệ ở bên kia sông. Hồi bé, đi thăm cô tôi phải lần mò qua cây cầu dây cheo leo, luôn đong đưa.
Tôi nhớ, mỗi lần qua cầu tôi phải nhắm tịt mắt, tay lần theo dây bám dò từng bước một.
Lớn lên một chút, tôi bạo dạn hơn hẳn, đã dám mở mắt nhưng không bao giờ đủ can đảm nhìn xuống lòng sông.
Cúi nhìn xuống, tôi sợ hãi cảm thấy không phải dòng nước đang trôi mà chính là cây cầu đang trôi. Cảm giác đó làm tôi lảo đảo, chếnh choáng như người say. Lần đó, nếu chú Thảo đi phía sau không kịp đưa tay tóm lấy tôi, tôi đã rơi xuống dòng nước đang chảy xiết kia.
Thoáng đó mà đã xa rồi. Chú Thảo đã mất trong một mùa mưa, sau một cơn tai biến. Con đường từ đường quốc lộ dẫn về làng đổ bê tông từ nhiều năm trước, nhưng nửa chừng thì ngoài huyện bảo hết tiền, chả hiểu tại sao. Thế là từ đường quốc lộ ngoặt về làng chỉ có bảy cây số đường phẳng. Bảy cây số còn lại vẫn là con đường đất đỏ lồi lõm, mùa nắng xe nảy tưng tưng, mùa mưa bánh xe bị bùn gói kín, không nhúc nhích được.
Chú Thảo người gầy gò nhưng huyết áp cao, cô Út Huệ bảo thế. Vào giữa mùa mưa năm đó, huyết áp chú có lúc lên gần 200. Chú bị đứt mạch máu mũi, máu chảy ướt cả ngực áo. Nhưng thím Lê không chuyển chú đến bệnh viện được.
Đường làng lầy lội như trâu tắm, xe gắn máy bì bõm lội sình một quãng đã nhuộm đầy bùn đỏ. Xe ô tô thì vô phương cựa quậy. Chú Thảo nằm chết gí ở nhà, đến ngày thứ ba thì mất.
Đám ma chú, tôi có về. Đáp xe đò từ Sài Gòn, chạy suốt hai ngày một đêm, đến ngã ba Quán Gò phải đón xe thồ ngược lên. Trong màn mưa lướt thướt, tôi thấy những ô tô đi đám chú dồn cục ở cuối con đường bê- tông, loay hoay một lúc đành quay về sau khi cử một người đại diện leo xe thồ đi tiếp.
Bà nội tôi mất trước chú Thảo mấy năm. Đó là hai người thân thiết nhất của tôi.
Lần gần nhất tôi về thăm bà xảy ra đã lâu. Nhớ lần đó tôi thường len lén bỏ tiền vào sạp gạo. Sáng, bà đong gạo thổi cơm thấy tiền trong sạp, ngước nhìn tôi dò hỏi:
- Cháu bỏ tiền vô đây phải không?
- Dạ, không ạ.
Bà nhìn tôi, hiền từ:
- Cháu chứ ai?
- Không phải cháu đâu bà. – Tôi tinh nghịch – Chắc trong nhà mình có một cô Tấm mà tại bà không biết đó thôi!
Bà móm mém cười:
- Đó là cậu Tấm không phải cô Tấm!