Một đôi vai gầy
Ở trong tan vỡ
Nụ cười thơ ngây
Ở trong mờ tối
Em ơi sáng đầy”
29
Đêm đó, tôi hầu như không ngủ được. Tôi cố dỗ giấc, biết rằng sáng mai phải thức dậy lúc tinh mơ nhưng mắt tôi vẫn mở thao láo. Lúc tối, trước khi bịn rịn chia tay con Rùa để quay về nhà cô Út Huệ, tôi đã nói với nó:
- Em ở lại bình yên. Ngày mai anh đi nhưng anh sẽ quay về với em thật sớm.
Tôi cố kềm giọng để không tạo cảm giác bùi ngùi nhưng tôi không thể ngăn được mắt tôi ươn ướt.
Con Rùa “dạ” khẽ. Nó cũng chúc tôi lên đường bình an. Chỉ vậy thôi, và siết tay tôi thật chặt. Có thể lòng nó đang ngổn ngang, cũng có thể nó tin rằng cả hai đứa tôi không cần phải nói thêm câu nào sau những gì chúng tôi đã thổ lộ với nhau tối hôm trước.
Con Rùa tiễn tôi tới hàng giậu ngăn đôi nhà nó và nhà cô Út Huệ. Vẫn không nói gì, tôi quay lại ôm nó một cái thật nhanh trước khi chạy vào nhà.
Bây giờ nằm nhớ lại, tôi như nghe được những lời hứa hẹn con Rùa thầm gửi gắm một lần nữa qua cái siết tay trong lúc đó “Em sẽ lớn! Em sẽ lớn nhanh thôi mà!”.
“Ừ, anh sẽ chờ em lớn”. Tôi thì thầm nói, tin rằng đó là một trong những câu nói thành thật nhất trong đời tôi.
Thằng Thục vẫn ngủ say bên cạnh. Tôi lắng nghe tiếng thở đều đều của nó, mỉm cười nhớ lại cảnh nó hùng hổ bênh vực con Rùa hồi trưa dù nó chưa bao giờ ưa con Rùa. Tối hôm qua, lúc cùng thằng Thục trở về từ nhà cô Út Huệ, tôi hỏi thím Lê về những ngày giỗ kỵ trong dòng họ. Khi biết ba tháng nữa là tới ngày bác Vận làm giỗ cho ông tôi, tôi nói với thím là tôi sẽ xin phép mẹ cho tôi về quê. Nghe tôi hứa như vậy, thím Lê mừng lắm. Nhưng thằng Thục mới là người mừng nhất. Nó nhảy nhót hớn hở như một đứa con nít lên ba, miệng bô bô từ lúc đó cho tới lúc leo lên giường, chỉ khi giấc ngủ tóm lấy nó rồi tôi mới có thể nằm yên theo đuổi những ý nghĩ trong đầu và băn khoăn nhủ bụng: Nếu thằng Thục biết tôi quyết định quay về làng sớm như vậy phần lớn vì tôi lo lắng cho con Rùa, cả vì nỗi nhớ nhung trong lòng tôi, không biết nó có giận lẫy hay không?
Cuối cùng thì đêm hôm đó tôi cũng chợp mắt được một chút, lúc gió bắt đầu kêu u u trên mái lá như giục mùa chong chóng sớm về mặc dù bọn trẻ làng tôi thường chơi trò này vào độ cuối năm. Trước khi chìm vào giấc ngủ tôi còn bắt gặp tôi lẩm bẩm với chính mính: “Ba tháng nữa. Ba tháng nữa thôi”.
Tất nhiên tôi đã không nói với con Rùa bao giờ tôi sẽ về, vì lúc ngồi với nó dưới bóng cây bướm bạc, tôi chưa trò chuyện với thím Lê về những ngày giỗ kỵ. Tôi nghĩ không cho nó biết trước có khi lại hay. Hẳn nó sẽ rất đỗi vui mừng khi thấy tôi bất ngờ xuất hiện vào lúc bọn trẻ làng đang say mê với trò dùng cọng dừa tết thành hình cào cào, châu chấu…
Khuya hôm đó, khi thiếp đi với những từ “ba tháng” lăn tăn trong đầu, cả khi thức dậy lúc trời còn mù sương vào sáng hôm sau để chở thằng Thục xuống đường quốc lộ đón chuyến xe sớm từ Đà Nẵng vào, tôi không thể nào tưởng tượng được là phải đến ba năm sau tôi mới có dịp trở lại làng Đo Đo.