Học võ thì tôi chỉ học được vỏn vẹn một tháng: với các bài tập hít đất, ngồi vặn vẹo hai cổ tay hàng giờ để luyện gân cốt, tập đứng trung bình tấn, cuối cùng là bài quyền nhập môn. Khi tôi chuẩn bị song đấu để thi lên đai thì mẹ tôi bắt tôi nghỉ học. Lò võ đưa cho mỗi võ sinh một tờ giấy đem về nhà, trong đó phụ huynh hoặc người giám hộ phải ký tên đồng ý không đòi bồi thường hay khiếu nại nếu võ sinh chẳng may gặp rủi ro trong quá trình luyện tập và thi đấu (như gãy tay, què chân hay táng mạng do bị đánh nhầm chỗ hiểm). Đọc xong tờ cam kết, mặt mẹ tôi tái xanh như tàu lá: “Thôi, ở nhà đi con!”. Thế là tôi xếp bộ võ phục vào xó tủ, chẳng chút tiếc nuối hay buồn phiền. Tôi đâu có mộng làm cao thủ võ lâm. Tôi chỉ muốn tìm quên.
Tôi cũng chẳng tập trung được vào bài vở. Nhờ có căn bản, tôi vẫn lên lớp đều đặn, nhưng không còn đứng ở nửa trên bảng xếp hạng như hồi mới vào trường nữa.
Suốt một thời gian dài tôi không dám đọc sách, xem phim, nghe nhạc, vì bất cứ câu chuyện tình nào của bất cứ ai cũng làm tôi nhớ đến con Rùa. Một hình ảnh, một giai điệu hay một câu thoại quen thuộc cũng đủ làm tôi bị ám ảnh cả tuần lễ. Tự nhiên tôi trở thành con người sống khép kín. Mẹ tôi tuy không nói ra nhưng trông đôi mày cau lại của bà mỗi khi bà nhìn tôi với vẻ dò xét, tôi đoán chắc bà nghĩ bụng: Thằng này yêu đương cái kiểu gì thế nhỉ?
Mẹ tôi không biết gì về chuyện tôi bỏ quên trái tim ở làng Đo Đo. Trong ba năm tôi chôn mình ở Sài Gòn, mẹ tôi có về quê một, hai lần, nhưng dĩ nhiên chẳng ai thóc mách với bà về chuyện tôi và con Rùa vì nói cho cùng thì trừ hai đứa tôi, không ai biết giữa chúng tôi đã thực sự xảy ra chuyện gì. Cô Út Huệ có tìm cách để sổng bí mật về thân thế của con Rùa vào tai tôi cũng chỉ nhằm ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra thôi.
Mẹ tôi cho rằng tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng qua do tôi càng ngày càng mê mẩn con nhỏ Bích Lan. Mặc dù giống như mẹ Bích Lan, sẵn sàng tán thành hai đứa tôi trở thành một cặp, bà vẫn lộ sự lo lắng trước vẻ mặt giống như buổi chiều mùa đông của tôi - một vẻ mặt hoàn toàn tắt nắng mà theo bà chắc là do tôi phí sức vào tình yêu nhiều quá.
Bích Lan càng củng cố suy nghĩ đó của mẹ tôi bằng cách bây giờ gần như tối nào nó cũng lôi tôi ra phố. Suốt ba, bốn tiếng đồng hồ, trong khi hai bà mẹ đinh ninh hai đứa con của mình đang tung tăng bên nhau thì Bích Lan hẹn hò với người yêu của nó ở đâu đó còn tôi lặng lẽ chui vào rạp xem phim hoặc ra bờ sông ngồi hóng mát. Hôm nào cũng như hôm nào, chúng tôi vừa ra khỏi nhà đã lập tức chia tay ngã tư đầu tiên, chỉ quay lại đó theo giờ giấc đã hẹn để cùng sóng bước vào nhà.
Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi tôi nổi hứng đi hiến máu theo lời rủ rê của một đứa bạn cùng lớp. Rốt cuộc, máu của tôi không sử dụng được. Theo kết quả xét nghiệm, căn cứ vào sống lượng hồng cầu bị phá hủy, đặc biệt do số lượng bạch cầu tăng cao một cách bất thường, các bác sĩ nghi ngờ tôi bị ung thư máu.
Mẹ tôi ngất xỉu khi nghe tôi báo tin. Đây là lần thứ ba tôi làm mẹ tôi xúc động đến thế. Lần đầu là khi bà nghe tin tôi chết đuối ngoài đầm sen, dĩ nhiên rốt cuộc tôi không chết vì được người làng vớt lên. Lúc đó tôi bảy tuổi. Sau đó một năm, tôi lại làm mẹ tôi chết ngất khi bà phát hiện ra tôi mới tám tuổi đã biết mò túi bà nhân lúc bà ngủ trưa để lấy chùm chìa khóa mở tủ đánh cắp tiền.
Nhưng hai lần trước không kinh khủng bằng lần này. Khi tỉnh dậy, mẹ tôi lại tiếp tục khóc lóc làm như tôi đã chết rồi. Chỉ đến khi cả nhà (gồm tôi và hai mẹ con Bích Lan) xúm vào khuyên giải, bà mới nguôi ngoai được một chút nhưng rồi sau đó bà lại vào phòng nằm khóc tiếp.
Nghe mình bị ung thư máu, thoạt đầu tôi cũng phát hoảng nhưng dần dần tôi trấn tĩnh được. Dĩ nhiên tôi còn quá trẻ để chết. Tôi còn bao nhiêu việc chưa kịp làm, bao nhiêu hoài bão chưa kịp thực hiện. Tuy nhiên khi nhớ đến chuyện tình éo le giữa tôi và con Rùa, nhớ đến nỗi đau dai dẳng đang âm thầm gặm nhấm tâm hồn tôi bao ngày qua, tôi thấy cái chết không có gì đáng sợ. Đôi khi tôi nghĩ biết đâu thượng đế cố tình mang đến cho tôi chứng bệnh nan y này để giải thoát tôi khỏi những ngày tháng u buồn. Ờ, nếu tôi không thể lẩn tránh hoặc đi vòng qua tảng đá ngầm mà định mệnh đã dựng lên giữa tôi và con Rùa, đây là dịp để tôi nhảy khỏi con tàu số phận và bơi đi.
Mẹ tôi đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa khám lại một lần nữa, bệnh án vẫn không có gì thay đổi. Gần đây tôi thường cảm thấy người mệt mỏi, biếng ăn, sút ký. Mẹ tôi đổ tội cho con nhỏ Bích Lan. Tôi đinh ninh nguyên nhân đến từ con Rùa. Bây giờ hai mẹ con mới biết đó là triệu chứng của bệnh ung thư máu.
Các bác sĩ bảo năm tháng nữa sẽ có một đoàn bác sĩ nước ngoài đến làm việc tại bệnh viện. Họ có chương trình phẫu thuật ghép tủy cho bệnh nhân ung thư bằng các kỹ thuật mới nhất của ngành y. Tất nhiên cách chữa trị này cũng không có gì chắc chắn, tỷ lệ thành công trên thực tế không cao. Có thể tôi sẽ chết sau đó vài tháng, như đã từng xảy ra với các bệnh nhân khác trên thế giới. Nhưng tôi không sợ chết. Bây giờ, điều đáng lo nhất là tiền bạc. Ung thư máu là căn bệnh điều trị vô cùng tốn kém. Chi phí chữa bệnh rất lớn và chắc chắn là nằm ngoài tầm tay của mẹ tôi.
Một hôm có mặt đông đủ mọi người, mẹ Bích Lan bỗng nói:
- Chúng ta như người trong nhà, chị đừng ngại chuyện tiền bạc. Tôi coi cháu Đông như con, chữa trị cho cháu không chỉ là bổn phận của chị. Dù gì thì mai mốt…
Bà bỏ lửng câu nói và diễn tả cái ý tiếp theo bằng cách đưa mắt nhìn Bích Lan rồi nhìn sang tôi. Câu nói và cái nhìn đầy ngụ ý của mẹ Bích Lan khiến tôi vô cùng áy náy. Tôi biết bà là người tốt bụng, lại rất thương tôi. Bệnh của tôi dù cố chữa trị đến mấy khả năng thành công cũng không cao. Có thể hôn nhân của tôi và Bích Lan sẽ không bao giờ diễn ra theo ý bà. Nhưng và vẫn không ngại tốn kém để cưu mang tôi trong cơn hoạn nạn dù tiền bạc của bà dốc vào tôi lúc này chẳng khác nào dốc vào sông vào bể.
Tôi liếc Bích Lan, thấy nó cứ xoắn hai bàn tay vào nhau một cách vô thức, cử chỉ không thể nhầm của một kẻ đang cực kỳ bối rối, điều tôi không hề bắt gặp ở nó trước đây.
Tôi nín thở chờ nó lên tiếng, nhưng nó cứ mải nhìn xuống đất như thể hôm nay những mẩu gạch lát sàn đột nhiên đầy thu hút.
Cuối cùng, trước ánh mắt chờ đợi đã bắt đầu sốt ruột của mẹ, tôi đành ấp úng mở miệng:
- Dạ… con cảm ơn dì… nhưng thực ra giữa con và Bích Lan không hề có gì với nhau…
Tôi nói một cách khó khăn, cố không nhìn về phía Bích Lan, lòng tràn ngập cảm giác phản bội, dù rằng tôi không rõ sự phản bội đó khiến tôi cảm thấy nặng nề hơn hay giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Lòng tôi lúc này giống như chiếc bồn tráng men, hứng cả nước nóng lẫn nước lạnh, và quả thật tôi cảm thấy người gây gây sốt khi những cảm xúc trái ngược đang không ngừng giằng xé con người tôi từng phút một.
Dù thế, nếu được bắt đầu lại tôi tin tôi vẫn sẽ chọn cách nói lên sự thật, đặc biệt khi chuyện tình tưởng tượng giữa tôi và Bích Lan đang bắt đầu cần được nuôi sống bằng những khoản tiền lớn.