• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thứ Bảy, ngày 27-04-1991

Vua Charles đệ tam đi đến quyết định cuối cùng. Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra một cách đúng đắn theo sắc lệnh của Hoàng gia. Các phòng đầu phiếu đã đóng cửa, các phiếu đã được đếm, các máy điện toán đã tắt, và các chuyên gia cũng như các tay nghiệp dư đều ngã quỵ không còn tin vào tai mình khi họ nghe kết quả cuối cùng.

Vị vua mới đã không thể ngủ đêm thứ sáu hôm ấy. Trong lúc ngài vẫn còn chưa xem xét lại tất cả khuyến cáo mà những quan cận thần đã đệ trình cho ngài trong suốt hai mươi bốn giờ qua. Sự lựa chọn mà ngài cho phép đã chẳng đơn giản một chút nào, so với việc ngài vừa mới lên ngôi.

Mấy phút sau đồng hồ trong tháp Big Ben 1 đổ 6 giờ sáng, các Nhật báo buổi sáng được đặt ở hành lang bên ngoài phòng ngủ của ngài. Nhà vua lặng lẽ ra khỏi giường, mặc áo khoác và mỉm cười với người hầu vừa giật nảy mình khi ngài mở cửa. Nhà vua gom các tờ báo và mang tất cả vào phòng riêng để cho Hoàng hậu sẽ không bị quấy rầy.

Ngay sau khi ngài đã yên vị một cách thoải mái trong chiếc ghế bành mà ngài thích nhất, ngài giở qua trang xã luận.

Chỉ có một vấn đề đáng cho ngài quan tâm trong ngày hôm ấy. Tất cả báo giới London đều đi đến cùng một kết luận: Kết quả của cuộc bầu cử không thể nào gay go hơn, và vị vua mới đã bị đặt vào một tình thế hết sức tế nhị về vấn đề ai là người mà ngài sẽ bổ nhiệm làm Thủ tướng.

Hầu hết các báo vẫn tiếp tục trình bày với Nhà vua khuyến cáo riêng của họ về người ngài nên xem xét theo các quan hệ chính trị của riêng họ. Riêng tờ Times London không nêu quan điểm như thế, mà chỉ gợi ý rằng Nhà vua sẽ phải tỏ ra hết sức can đảm và dũng cảm trong lúc đương đầu với cơn khủng hoảng hiến pháp đầu tiên của ngài nếu nền quân chủ cần phải duy trì niềm tin trong một thế giới hiện đại

Vị vua bốn mươi ba tuổi thả mấy tờ báo xuống sàn và xem xét lại một lần nữa những vấn đề về nên lựa chọn người nào. Chính trị quả thực là một trò chơi kỳ lạ. Mới cách đây một thời gian ngắn rõ ràng đã có tới ba người để xem xét, thế rồi đột nhiên một trong số đó không còn là một người thi đấu nữa. Hai người còn lại – những người mà ngài nghi ngờ cũng không ngủ được đêm hôm ấy – tuy nhiên theo chừng mực nào đấy họ vẫn hết sức giống nhau. Cả hai người đó đã vào Hạ nghị viện năm 1964, đã điều khiển sự nghiệp sáng chói ở tuổi hai mươi lăm với tư cách thành viên của Nghị viện Anh. Họ đã chia nhau giữ các chức vụ Bộ trưởng Thương mại, Quốc phòng, Ngoại giao và Tài chính trước khi được bầu làm lãnh tụ Đảng của riêng họ.

Với tư cách Hoàng tử xứ Wales, Nhà vua đã quan sát cả hai người từ nhiều đường biên và dần dần khâm phục những đóng góp khác nhau của họ cho đời sống xã hội. Ngay thẳng mà nói, ngài phải thừa nhận ngài vẫn luôn luôn thích một người và trọng người kia.

Nhà vua xem đồng hồ tay rồi bấm một cái chuông trên chiếc bàn bên cạnh ngài. Một người hầu mặc bộ đồng phục màu xanh dương bước vào phòng như thể anh ta đang chờ đợi bên ngoài cửa suốt đêm. Anh ta bắt đầu bày bộ y phục sáng ra trong lúc vị quân vương đi vào phòng bên cạnh, ở đó mọi thứ để cho ngài tắm đã sẵn sàng. Khi Nhà vua trở lại, ngài mặc áo quần trong im lặng trước khi ngồi vào một cái bàn nhỏ bên cạnh cửa sổ để được phục vụ bữa điểm tâm. Ngài ăn một mình. Ngài đã để lại chỉ thị dứt khoát rằng không một người con nào được phép quấy rầy ngài.

Lúc tám giờ ngài lui về phòng đọc để nghe bản tin buổi sáng. Không có gì mới lạ. Các bình luận viên lúc này chỉ chờ xem ai là người sẽ được ngài mời vào Hoàng cung để hôn tay.

Lúc chín giờ mười lăm ngài nhấc điện thoại lên.

- Ông hãy lên ngay, - ngài chỉ nói như thế.

Một lát sau viên bí thư riêng của Nhà vua bước vào phòng. Ông ta cúi đầu chào, nhưng không nói gì, ông ta có thể thấy vị quân vương có vẻ đang bận tâm đến một chuyện gì đó. Mãi một hồi lâu sau ngài mới lên tiếng:

- Tôi đã đi đến quyết định, - ngài thanh thản nói.

Nếu Charles Gurney Hampton chào đời sớm hơn chín phút chắc là anh đã trở thành một bá tước và thừa hưởng một lâu đài ở Scotland, hai mươi hai nghìn mẫu 2 đất ở Somerset 3 và một ngân hàng Thương mại phát đạt ở London.

Phải mất mấy năm sau cậu bé Charles mới hiểu được ý nghĩa đầy đủ về việc đến đích thứ hai trong cuộc chạy đua đầu tiên của đời mình.

Người anh song sinh với cậu, Rupert sống sót qua cuộc thử thách này, và trong những năm kế tiếp chẳng những ốm đau mà còn bị thêm bệnh ban đỏ, bệnh bạch cầu và bệnh viêm màng não, khiến cho mẹ cậu, bà Hampton, luôn luôn lo sợ không qua khỏi.

Charles thì trái hẳn lại vẫn tồn tại và đã thừa hưởng tham vọng của dòng họ Hampton đối với cả người anh và bản thân cậu. Chỉ ít năm sau những người có cơ hội tiếp xúc với hai anh em lần đầu tiên đã tưởng lầm Charles là người thừa kế tước vị bá tước.

Suốt những năm dài, cha của Charles hết sức cố gắng khám phá một điều gì đó mà Rupert có thể vượt trội hơn cậu – và ông đã thất bại. Khi lên tám, cả hai cậu vào trường Sơ cấp tư 4 ở Summerfields, nơi đây nhiều thế hệ của dòng họ Hampton đã từng được chuẩn bị cho những khuôn khổ khắc nghiệt của Eton 5.

Trong tháng đầu tiên ở trường Charles đã được bầu làm lớp trưởng, và không một ai cản trở tiến bộ của cậu trên đường trở thành Trưởng khối học sinh ở lứa tuổi mười hai, vào thời gian đó Rupert đã bị xem là "cậu em Hampton". Cả hai cậu bé tiếp tục vào Eton, nơi đây trong học kỳ đầu tiên Charles đã đánh bại Rupert với từng môn học, chèo xuồng nhanh hơn cậu anh trên sông và gần như đánh chết cậu anh trong lúc đấu quyền Anh.

Năm 1947, khi ông nội của hai cậu, vị Bá tước thứ mười ba của Bridgewater, cuối cùng qua đời, cậu bé Rupert mười sáu tuổi trở thành Tử tước Hampton trong lúc Charles thừa hưởng một tước hiệu vô nghĩa.

Honorable Charles Hampton thường tức giận mỗi lần nghe cậu anh của mình được nhiều người lạ thưa gọi một cách cung kính: "Ông chủ".

Ở Eton, Charles vẫn tiếp tục xuất sắc và kết thúc những ngày ở trường với chức Chủ tịch câu lạc bộ Pop độc đáo ở Eton trước khi được đề nghị một chỗ ở Christ Church, Oxford, để học lịch sử. Rupert cũng học qua những năm tương tự nhưng không đạt được một bảng danh dự nào. Tới tuổi mười tám vị tử tước trẻ quay trở về sản nghiệp của gia đình ở Somerset để trải qua phần còn lại của đời mình với tư cách một địa chủ. Không một ai được thừa hưởng hai mươi hai nghìn mẫu đất mà lại bị xem là một nông dân.

Ở Oxford, Charles, thoát khỏi cái bóng của Rupert, tiến bộ với dáng vẻ của một người nhận thấy trường đại học có một điều gì đó buồn chán. Anh thường trải qua những ngày trong tuần đọc lịch sử các mối quan hệ, và những ngày cuối tuần các bữa tiệc ở nhà hoặc đi săn bằng ngựa. Vì không ai gợi ý rằng Rupert sẽ bước vào thế giới tài chính, người ta đoán rằng ngay sau khi Charles tốt nghiệp Oxford, anh sẽ kế tục cha anh tại Ngân hàng của dòng họ Hampton, đầu tiên với tư cách một viên giám đốc rồi lên chức Chủ tịch – mặc dầu chính Rupert sẽ là người cuối cùng thừa hưởng số cổ phần của gia đình.

Tuy nhiên, điều phỏng đoán này đã thay đổi khi một buổi tối Honorable Charles Hampton bị lôi kéo tới Oxford Union, cô ta đã yêu cầu anh đến nghe Sir Winston Churchil 6 xuất hiện trước công chúng để thảo luận chủ đề: "Tôi thà làm một thường dân hơn là một người quý tộc".

Charles ngồi ở phía sau một gian đại sảnh đông nghẹt những sinh viên đầy nhiệt huyết như bị mê hoặc bởi bài phát biểu của nhà lãnh tụ. Anh đã không bao giờ rời mắt dù chỉ một lần khỏi vị lãnh đạo chiến tranh vĩ đại trong suốt bài diễn văn vừa hóm hỉnh vừa hùng hồn của ông, mặc dầu điều vẫn lướt qua tâm trí anh là sự nhận thức rằng, nếu không có một sự tình cờ về việc ra đời, Churchil chắc đã là vị Công tước Marlborough. Đây là một con người đã chi phối sân khấu thế giới trong ba thập kỷ rồi sau đó gạt bỏ mọi vinh dự kế truyền mà một đất nước chịu ơn có thể ban tặng, kể cả tước vị Công tước London.

Charles không bao giờ tự cho phép mình đề cập tới tước vị của anh nữa. Kể từ lúc đó, tham vọng tột bực của anh không phải chỉ là các tước vị.

Một sinh viên khác lắng nghe Churchil đêm hôm ấy cũng đang suy xét tương lai của chính mình. Nhưng anh không quan tâm những lời lẽ nhồi nhét như các bạn của anh ở cuối gian đại sảnh đông đúc. Chàng thanh niên cao lớn mặc áo khoác dài và mang cà vạt trắng ngồi một mình trong một chiếc ghế rộng lớn trên bục cao, vì anh chính là Chủ tịch của Oxford Union. Dáng dấp đẹp trai một cách tự nhiên của anh không liên quan tới việc tuyển cử bởi vì phụ nữ vẫn còn không thể trở thành Hội viên.

Simon Kerslake không có được các lợi thế của Charles Hampton, là con trai độc nhất của một luật sư gia đình, anh đã hiểu được cha anh đã phải tự hạn chế như thế nào để đảm bảo cho con trai của mình phải luôn được học trong trường công ở địa phương. Cha anh đã qua đời trong lúc mẹ anh đang học năm cuối ở trường, để lại cho mẹ anh một khoản trợ cấp hàng năm thật nhỏ và một đồng hồ treo tường tuyệt đẹp của ông nội Mackinley. Mẹ của Simon bán chiếc đồng hồ một tuần sau đám tang để cho con trai bà có thể hoàn tất năm học cuối cùng với tất cả những món "phụ phí" mà các học sinh khác cho là đương nhiên. Bà cũng hy vọng rằng điều đó sẽ giúp Simon có cơ may tiếp tục lên đại học.

Từ ngày đầu tiên biết đi, Simon vẫn luôn luôn muốn vượt xa những cậu bé cùng tuổi. Người Mỹ chắc sẽ mô tả cậu như một kẻ "thành đạt", trong lúc nhiều người nghĩ về cậu như một kẻ huênh hoang, hoặc thậm chí ngạo mạn, theo bản tính ganh tị của họ. Trong học kỳ cuối cùng của cậu ở Lancing, Simon đã bị mất chức Trưởng trường, và mãi mãi nhận thấy mình không thể tha thứ cho ông hiệu trưởng về sự thiếu lo xa của ông. Sau đó trong năm ấy, cậu hụt mất một chỗ ở trường Đại học Magdalen của Oxford. Đó là một quyết định mà Simon không muốn chấp nhận.

Trong cùng chuyến thư đó, trường Đại học Durham tặng anh một học bổng mà anh đã viết thư từ chối "Các Thủ tướng tương lai không ai lại học ở Durham". Anh thông báo với mẹ.

- Còn Cambridge thì sao? – Mẹ anh nhẹ nhàng hỏi.

- Không có truyền thống chính trị, Simon đáp.

- Nhưng nếu không có may mắn được một chỗ ở Oxford, chắc là…?

- Đó không phải là điều con nói, mẹ à, - chàng thanh niên trả lời. – Con sẽ là một sinh viên tại Oxford vào ngày đầu tiên của học kỳ.

Sau mười tám năm thắng lợi viển vông, bà Kerslake đã rút kinh nghiệm nên ngừng hỏi con: "Làm sao con xoay xở được việc đó?".

Mười bốn ngày trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ Noel tại Oxford, Simon đăng ký ở trong một nhà khách nhỏ chỉ cách đường Iffley một khoảng. Trên một cái bàn được kê bằng một bộ ngựa gỗ trong góc phòng trọ mà anh định sử dụng lâu dài, anh viết ra một danh sách tất cả các trường Đại học ở Oxford, rồi chia chúng thành năm cột, dự tính sẽ đến ba trường mỗi buổi sáng và ba trường mỗi buổi chiều cho đến khi câu hỏi của anh đã được trả lời một cách rõ ràng bởi một thầy trợ giáo nội trú phụ trách tiếp nhận: " Năm nay trường có tiếp nhận sinh viên năm thứ nhất nào mà lúc này vẫn không thể đến trình diện hay không?".

Vào buổi chiều ngày thứ bốn, ngay khi mối nghi ngờ đang bắt đầu phát sinh và Simon đang tự hỏi phải chăng xét cho cùng anh sẽ phải đi đến Cambridge tuần tới, nơi anh vừa nhận được giấy gọi nhập học đầu tiên.

Vị trợ giáo phụ trách tiếp nhận ở trường Đại học Worcester nhấc cặp kính khỏi chóp mũi và chăm chú nhìn lên cậu thanh niên cao lớn có mớ tóc đen xõa trên trán. Cặp mắt nâu cuồng nhiệt của cậu thanh niên vẫn không rời khỏi vị trợ giáo. Alan Brown là vị trợ giáo thứ hai mươi hai mà Simon Kerslake đã tìm đến trong bốn ngày.

- Có, ông trả lời. – Đã có một chuyện đau buồn xảy đến: một em ở trường Trung học Nottingham, đã được nhận vào học ở đây, vừa chết trong một tai nạn xe gắn máy tháng trước.

- Anh ấy đã định học lớp… môn nào, thưa thầy? – Simon hỏi với giọng ngập ngừng một cách khác thường.

Anh cầu nguyện đó không phải là hóa học, kiến trúc hoặc văn học cổ điển. Alan Brown xem qua tập hồ sơ trên bàn, rõ ràng thích thú với trò đối chất nhỏ này. Ông nhìn kỹ vào một tấm thẻ trước mặt ông.

- Lịch sử, - ông thông báo.

Nhịp tim của Simon chợt lên tới một trăm hai mươi.

- Em vừa hụt mỗ chỗ ở Magdalen để học chính trị, triết học và kinh tế, - anh nói. – Thầy có thể cho em thế vào chỗ trống đó không ạ?

Ông già không thể che giấu một nụ cười. Trong hai mươi bốn năm qua, ông chưa bao giờ nghe thấy một đề nghị như thế.

- Tên họ của em là gì? – Ông vừa nói vừa đeo lại kính tựa hồ công việc nghiêm túc của cuộc gặp gỡ lúc này đã bắt đầu.

- Simon John Kerslake.

Tiến sĩ Brown liền nhấc máy điện thoại bên cạnh ông và quay một số.

- Nigel đó à? – Ông nói. – Đây là Alan Brown. Anh đã từng xem xét việc thu nhận một người tên Kerslake vào học ở Magdalen phải không?

Bà Kerslake không ngạc nhiên khi cậu con trai của bà tiếp tục giữ chức Chủ tịch của Oxford Union. Xét cho cùng, bà nghĩ, có phải đây chỉ là một bàn đạp nữa trên con đường đến chức Thủ tướng – Gladstone 7, Asquith 8… Kerslake?

Ray Gould ra đời trong một căn phòng nhỏ kín không có cửa sổ phía trên cửa hàng thịt của cha cậu ở Leeds. Trong chín năm đầu tiên của đời mình cậu đã sống chung trong căn phòng đó với người bà đau yếu của cậu, cho đến khi cụ qua đời ở tuổi sáu mươi mốt.

Việc gần gũi của Ray với bà cụ đã mất chồng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thoạt tiên có vẻ lãng mạn đối với cậu. Cậu thường lắng nghe hết sức thích thú trong lúc bà kể cho cậu những câu chuyện về ông cậu trong bộ đồng phục kaki chỉnh tề - một bộ đồng phục hiện giờ được xếp một cách ngay ngắn trong ngăn kéo phòng ngủ của bà, nhưng vẫn còn trưng bày trong bức ảnh màu nâu đã phai mờ bên cạnh giường bà. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau các câu chuyện của bà khiến cho lòng Ray tràn đầy buồn bã trong lúc cậu hay biết rằng bà đã trở thành một người vợ góa trong gần ba chục năm. Cuối cùng trông bà thật là thảm hại khi cậu nhận thức được rằng bà có kinh nghiệm thật ít ỏi như thế nào về thế giới bên kia căn phòng chật chội, trong đó và đã bị vây bọc bởi tất cả các vật sở hữu của bà và một chiếc phong bì ngả màu vàng đựng năm trăm tấm trái phiếu chiến tranh không thể đổi thành tiền.

Bà nội của Ray không hề có ý định làm một bản chúc thư, bởi vì tất cả những gì cậu thừa hưởng chỉ là căn phòng. Ban đêm nó không còn là một phòng ngủ đôi mà trở thành một phòng học, đầy những sách mượn ở thư viện và sách giáo khoa, loại sau thường trả trễ, tận dụng hết những món tiền túi vụn vặt ít ỏi của Ray. Nhưng cứ mỗi báo cáo của nhà trường được gửi về nhà, cha của Ray lại càng thấy rõ hơn rằng ông sẽ không nới rộng tấm bảng hiệu phía trên cửa hàng thịt để thay bằng hàng chữ "Gould và con trai".

Lúc mười một tuổi, Ray nhận được học bổng cao nhất vào trường Trung học Roundhay. Mặc chiếc quần dài đầu tiên – đã được mẹ cậu cắt ngắn bớt mấy inch – và mang cặp kính gọng sừng không thích hợp một chút nào, cậu lên đường đến trường mới vào ngày khai giảng. Mẹ Ray hy vọng còn có các cậu bé khác cũng gầy gò và đầy mụn như con bà, và mái tóc đỏ gợn sóng của con sẽ không khiến cho cậu liên tục bị chọc ghẹo.

Vào cuối học kỳ đầu tiên, Ray ngạc nhiên vì cậu vượt xa các bạn cùng tuổi, quả thực xa đến nỗi ông Hiệu trưởng phải thận trọng đặt cậu lên một dạng "cần để cho cậu bé thư giãn một chút" như ông giải thích với cha mẹ của Ray. Vào cuối năm, người ta dùng thì giờ chủ yếu trong lớp học, Ray được xếp thứ ba trong lớp, và đứng nhất tiếng La tinh về tiếng Anh. Chỉ khi xảy ra việc chọn lựa các đội thể thao Ray mới phát hiện cậu là hạng bét trong môn này. Tuy nhiên trí tuệ của cậu vẫn luôn luôn sắc sảo, dường như không hề phù hợp với cơ thể cậu.

Trong bất cứ trường hợp nào, sự cạnh tranh duy nhất mà cậu lưu tâm trong năm ấy là giải thưởng tiểu luận của trường cấp II. Người đoạt giải thưởng sẽ phải đọc bài thi của mình trước tập thể học sinh và phụ huynh vào ngày lễ phát thưởng hàng năm. Ngay cả trước khi cậu nộp bài thi, Ray đã diễn tập nhiều lần trong phòng ngủ vừa là phòng học, sợ rằng cậu sẽ không được chuẩn bị một cách hoàn chỉnh nếu đợi tới khi công bố người đoạt giải.

Thầy giáo dạy nghi thức của Ray đã nói cho tất cả học sinh biết rằng chủ đề của bài tiểu luận có thể do các cậu tùy ý chọn, nhưng cần phải cố hồi tưởng một kinh nghiệm nào đó độc nhất đối với các cậu. Sau khi đọc bài thuật lại cuộc đời của bà nội cậu trong căn phòng nhỏ phía trên cửa hàng thịt, thầy giáo dạy nghi thức không muốn xem một bài nào nữa. Tuy nhiên ông vẫn phải chật vật đọc hết các bài còn lại theo đúng nhiệm vụ của mình, và ông đã không do dự đề nghị trao giải thưởng cho bài tiểu luận của Gould. Sự dè dặt duy nhất, ông nhìn nhận với Ray, là việc lựa chọn đầu đề. Ray cám ơn ông về lời khuyên đó nhưng đầu đề vẫn giữ nguyên.

Vào buổi sáng lễ phát thưởng, gian đại sảnh của trường chật ních với chín trăm học sinh và phụ huynh. Sau khi ông hiệu trưởng đọc bài diễn văn và tiếng vỗ tay lắng xuống, ông thông báo:

- Bây giờ tôi sẽ mời học sinh đoạt giải thưởng tiểu luận lên đọc bài thi của cậu. Ray Gould.

Ray liền rời khỏi chỗ và bước một cách tự tin lên sân khấu. Cậu chăm chú nhìn xuống hai nghìn khuôn mặt chờ đợi và không tỏ vẻ lo sợ một chút nào, một phần vì cậu khó nhìn rõ quá khỏi hàng thứ ba. Khi cậu thông báo đầu đề của bài tiểu luận, một số cậu bé nhỏ tuổi hơn bắt đầu cười khẩy, khiến Ray ấp úng mấy dòng đầu tiên. Nhưng lúc cậu đọc tới trang cuối cả gian đại sảnh đông nghịt im phăng phắc, và sau khi cậu kết thúc đoạn cuối cậu đã được cử tọa đứng dậy vỗ tay tán thưởng lần đầu tiên trong đời.

Cậu bé mười hai tuổi Ray Gould rời sân khấu để trở về chỗ ngồi bên cạnh cha mẹ. Đầu của mẹ cậu cúi xuống nhưng cậu vẫn có thể trông thấy nước mắt chảy dài trên má. Cha cậu thì cố không tỏ ra quá hãnh diện. Ngay cả khi Ray đã ngồi xuống, tiếng vỗ tay vẫn còn tiếp tục, vì thế cậu cũng cúi đầu xuống như thể chăm chú nhìn vào đầu đề của bài tiểu luận đoạt giải thưởng: " Những đổi thay đầu tiên tôi sẽ tạo nên khi tôi trở thành Thủ tướng".

--- ------ ------ ------ -------

1 Big Ben: ngôi Tháp trên Nghị viện Anh ở London (tất cả chú thích là của người dịch).

2 Acre: đơn vị đo diện tích của Anh (khoảng 4050m2).

3 Somerset: một hạt ở Tây nam nước Anh rộng 3458 km2, dân số 441.000.

4 Prep (preparatony) School: trường sơ cấp tư ở Anh cho các học sinh 7-13 tuổi.

5 Eton: Thành phố trên sông Thames gần London dân số chỉ khoảng 5000 người nhưng có những trường tư nổi tiếng dành riêng cho giới Thượng lưu của nước Anh.

6 Sir Winston Churchil (1874 – 1965): vị Lãnh tụ của nước Anh vừa là nhà văn, hai lần giữ chức vụ Thủ tướng (1940 – 1945 và 1951 – 1955).

7 William Ewart Gladstone (1809 – 1898). Thủ tướng Anh (1868 – 1874; 1880 – 1885; 1886; 1892 – 1894).

8 Herbert Henry Asquith (1852 – 1928). Thủ tướng Anh (1908 – 1916).

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang