• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Charles Hampton lái chiếc Daimler của anh từ Hạ nghị viện đến ngân hàng của cha anh trong thành phố, anh vẫn còn nghĩ về đường Threadneedle của dòng họ Hampton như là ngân hàng của cha anh mặc dầu trong hai thế hệ gia đình chỉ là người có cổ phần thiểu số, với bản thân Charles với bản thân Charles làm chủ vỏn vẹn hai phần trăm phần hùn. Tuy nhiên, trong lúc ông anh Rupert của anh không tỏ ra ham muốn đại diện cho lợi ích gia đình, thì hai phần trăm đó đảm bảo cho Charles một chỗ trong Hội đồng Quản trị và một số thu nhập đủ để bảo hiểm rằng tiền lương nghị viên ít ỏi của anh gồm 1750 bảng mỗi năm đã được bổ sung một cách đầy đủ.

Kể từ ngày đầu tiên Charles có chân trong Hội đồng Quản trị của ngân hàng Hampton, anh đã không một chút nghi ngờ rằng vị tân chủ tịch, Derek Spencer, xem anh là một đối thủ nguy hiểm. Spencer đã vận động để cho Rupert thay thế cha anh khi ông nghỉ hưu, và chỉ vì sự khăng khăng của Charles đã khiến cho Spencer không thể chuyển vị bá tước già ra khỏi luồng tư tưởng của ông ta.

Khi Charles tiếp tục thắng được một ghế ở Nghị viện, Spencer lập tức đưa ra vấn đề trách nhiệm nặng nề của anh ở Nghị viện sẽ ngăn cản anh thi hành phận sự hàng ngày trong Hội động Quản trị. Tuy nhiên, Charles có thể thuyết phục đa số các giám đốc thân thiết về những lợi ích khi có một người nào đó thuộc Hội động Quản trị tại Westminster 1, mặc dầu luật lệ quy định rằng việc làm riêng tư của anh phải ngừng lại nếu anh được mời làm một vị Bộ trưởng của Quốc vương.

Charles bỏ chiếc Daimler trong ngân hàng Hampton. Anh vẫn thấy tức cười khi nghĩ đến chuyện chỗ đậu xe của anh có giá trị gấp hai mươi lần chiếc xe. Khu vực phía trước của ngân hàng Hampton là một di tích của thời ông cố anh. Vị bá tước thứ mười hai của Bridgewater đã đòi hỏi một cửa vào rộng đủ cho chiếc xe tứ mã của ông cụ quay trọn một vòng. Phương tiện vận chuyển này đã biến mất từ lâu, để được thay thế bởi mười hai chỗ đậu xe cho các giám đốc ngân hàng Hampton Derek Spencer, mặc dù có tất cả ưu điểm của trường Trung học chuyên ban văn chương, đã không hề gợi ý khu đất nên được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác.

Cô gái ngồi ở bàn tiếp tân bất thân ngừng đánh móng tay vừa kịp: "Chào ông Charles" trong lúc anh đi xuyên qua cửa xoay và mất hút vào một thang máy đang chờ sẵn. Mấy giây sau Charles ngồi vào phía sau một cái bàn trong văn phòng nhỏ lót ván gỗ sồi. Anh bấm một nút trên hệ thống liên lạc và cho viên thư ký hay rằng anh không muốn bị quấy rầy trong một tiếng đồng hồ kế tiếp.

Mười thành viên đảng Bảo thủ trong Nghị viện phỏng đoán rằng sau khi thất bại của ông trong cuộc bầu cử, Sir Alex Douglas – Home sẽ xuống một bước làm lãnh tụ phe Đối lập. Giờ đây, vào mùa xuân năm 1965, Charles biết anh phải quyết định bám theo đuôi áo ai. Trong lúc anh vẫn ở trong phe Đối lập, hy vọng duy nhất của anh là được giao một chức vụ nhỏ trong đảng Đối lập, nhưng như thế có thể hóa ra là bàn đạp để trở thành một vị Bộ trưởng trong Chính phủ nếu đảng Bảo thủ thắng cuộc bầu cử kế tiếp. Anh đối đầu với sự thử thách lớn đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Sáu mươi phút sau tập giấy trắng có mười hai cái tên viết trên đó bằng bút chì, nhưng mười cái đã bị gạch ngang. Chỉ còn lại hai tên của Reginald Maudling và Edward Heath 2.

Charles xé rời tờ giấy có viết chữ và tờ có dấu ấn bên dưới rồi cho cả hai tờ qua máy hủy tài liệu bên cạnh bàn. Anh cố gắng tập trung chú ý vào chương trình nghị sự cho phiên họp hàng tuần của Hội động Quản trị ngân hàng. Chỉ mỗi một mục, mục bảy, dường như hết sức quan trọng. Ngay trước mười một giờ, anh gom góp giấy tờ và đi về phía phòng họp. Hầu hết các bạn đồng sự của anh đều đã ngồi vào chỗ khi Derek Spencer nêu mục số một trong lúc chiếc đồng hồ trong phòng họp báo giờ.

Trong suốt cuộc thảo luận có thể đoán trước sau đó về lãi suất ngân hàng, biến động trong giới kim loại, tín phiếu châu Âu và chính sách khách hàng – đầu tư – tâm trí của Charles cứ lang mang trở lại với cuộc bầu cử ban Lãnh đạo sắp đến và tầm quan trọng về việc ủng hộ người thắng cuộc nếu anh cần phải nhanh chóng được đề bạt từ băng ghế sau cùng.

Lúc họ tới mục bảy trên chương trình nghị sự, Charles đã quyết định. Derek Spencer mở ra một cuộc thảo luận về các số tiền được đề xuất cho Mexico và Balan, và hầu hết những thành viên của Hội đồng Quản trị đều đồng ý với ông ta rằng ngân hàng nên tham dự vào một nơi, chứ đừng nên mạo hiểm vào cả hai nơi.

Tuy nhiên tư tưởng của Charles không hướng vào Mexico City hoặc Warsaw, mà hướng về nơi gần hơn nhiều, và khi vị chủ tịch yêu cầu bỏ phiếu, Charles không có ý kiến gì.

- Mexico hay Ba Lan, Charles? Anh ưu tiên cho nước nào?

- Heath, - anh trả lời.

- Xin lỗi, tôi nghe không rõ, - Derek Spencer nói.

Charles choàng tỉnh lại từ Westminster trở về đường Threadneedle để nhận thấy mọi người quanh bàn phòng họp đang nhìn chằm chằm vào anh. Với dáng điệu của một người đã suy nghĩ kỹ vấn đề, Charles quả quyết nói:

- Mexico. Sự khác biệt lớn giữa hai Quốc gia có thể đánh giá một cách chính xác nhất bởi thái độ trả nợ của họ. Mexico có thể không muốn trả nợ, nhưng Ba lan sẽ không thể trả, như vậy tại sao chúng ta không nên giới hạn những mạo hiểm và hỗ trợ cho Mexico. Nếu xảy ra việc tố tụng tôi thích đối đầu với một kẻ không chịu trả tiền hơn là với một kẻ không thể.

Các thành viên lớn tuổi hơn ở quanh bàn gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Anh con trai chính hiệu của Bridgewater đang được xếp vào vị trí trên cùng của Hội đồng Quản trị.

Khi phiên họp kết thúc, Charles cùng các đồng sự dùng bữa trưa trong phòng ăn của các giám đốc. Một căn phòng treo hai bức tranh Hogarth, một bức Brueghel, một bức Goya và một bức Rembrandt 3 - đúng là một cách nhắc nhở khác về khả năng chọn người thắng cuộc của ông cố nội anh – có thể giải trí ngay cả người sành ăn phóng túng nhất. Charles không chờ tới khi có một quyết định giữa hai loại phô mai Cheddar và Stilton trong lúc anh muốn trở về Hạ nghị viện để tham dự cuộc chất vấn các Bộ trưởng của các Nghị viện.

Khi đến Hạ nghị viện anh đi tới ngay phòng hút thuốc, từ lâu được đảng Bảo thủ xem là khu vực dành riêng cho họ. Nơi đó, ngồi trong những chiếc ghế bành da thật sâu và trong bầu không khí nồng nặc mùi xì gà cuộc trò chuyện hoàn toàn thích hợp đối với ai sẽ là người kế vị Sir Alec Home.

Sau đó trong buổi chiều hôm ấy Charles trở về hội trường Hạ nghị viện. Anh muốn quan sát Heath và những thành viên lãnh đạo đảng Đối lập của ông xử lý những sửa đổi của phe Chính phủ từng điểm một. Heath đứng lên đối diện với vị Thủ tướng, tập giấy ghi chú trên bục phía trước ông.

Charles dự định rời hội trường khi Raymond Gould đứng lên để nêu một điểm sửa đổi từ hàng ghế sau cùng. Charles vẫn ngồi yên tại chỗ. Anh phải lắng nghe với sự khâm phục đầy bực tức trong lúc sự nắm bắt sức mạnh trí tuệ qua lời tranh luận của Raymond bù đắp một cách dễ dàng nghệ thuật hùng biện không mấy xuất sắc của anh ta. Mặc dầu Gould được nghỉ nhiều hơn số người mới được thu nhận vào ghế dân biểu của đảng Lao động, anh ta không làm cho Charles sợ. Mười hai thế hệ với sự khôn khéo và nhạy bén trong công việc kinh doanh đã giữ nhiều phần to lớn của Leeds trong tay của gia đình Bridgewater mà những người tương tự như Raymond Gould thậm chí không hề hay biết.

Charles dùng bữa tối trong phòng ăn của các thành viên đêm hôm ấy và ngồi cái bàn lớn chính giữa phòng do các Nghị viện đảng Bảo thủ chiếm giữ. Chỉ có một chủ đề trò chuyện, và trong lúc vẫn hai cái tên được nổi bật thì rõ ràng đây là một cuộc chạy đua kèm nhau sát nút.

Khi Charles trở về ngôi nhà ở quảng trường Eaton của anh sau cuộc biểu quyết lúc mười giờ, vợ anh, Fiona, đã quấn kín mít trên giường và đọc quyển "The Commedians" của Graham Greene.

- Họ đã để cho anh về sớm hôm nay.

- Không tệ lắm, - Charles nói, và bắt đầu vui vẻ kể cho nàng nghe anh đã trải qua một ngày như thế nào, trước khi chuồn vào phòng tắm.

Charles tưởng anh khôn khéo, nhưng vợ anh, Lady Fiona Hampton, nhũ danh Campbell, con gái duy nhất của Công tước Falkỉk, hoàn toàn khác hẳn. Nàng và Charles đã được lựa chọn cho nhau bởi ông bà nội của họ và không một ai hỏi han hoặc nghi ngờ sự sáng suốt trong việc lựa chọn của họ. Mặc dầu Charles có rất nhiều bạn gái trước khi họ thành hôn, anh vẫn luôn luôn nghĩ anh sẽ trở về với Fiona. Cha của Charles, vị bá tước thứ mười bốn, vẫn luôn luôn nhất quyết rằng giai cấp quý tộc đang trở nên quá lỏng lẻo và đa cảm về tình yêu.

- Đàn bà, - anh tuyên bố, - là để sinh con và đảm bảo một sự tiếp tục của dòng giống đàn ông.

Vị bá tước già thậm chí trở nên tin chắc hơn khi ông được thông báo rằng Rupert tỏ ra ít quan tâm đến phái nữ và hiếm khi bị bắt gặp đi cùng với phụ nữ.

Fiona chắc sẽ không bao giờ công khai gây bất hòa với vị bá tước già và thầm thích thú với ý nghĩ cho ra đời một cậu con trai để thừa kế tước vị bá tước. Nhưng cho dù có nhiệt tình và cố gắng hết sức Charles dường như không thể sinh con nối dõi. Fiona đã được một bác sĩ ở đường Harley cam đoan rằng không có lý do nào khiến nàng không thể mang thai. Vị chuyên gia đã gợi ý rằng có lẽ chồng nàng cần phải đến bệnh viện để kiểm tra. Nàng lắc đầu, biết chắc Charles sẽ gạt bỏ một ý kiến như thế ra ngoài tai, bất kể anh thích có một cậu con trai, thiết tha đến mức nào.

Fiona trải qua phần nhiều thời gian rảnh rỗi của nàng trong đơn vị bầu cử Sussex East để giúp đỡ thêm cho sự nghiệp chính trị của Charles. Nàng đã biết sống với thực tế rằng cuộc hôn nhân của họ không có tính chất lãng mạn và hầu như đành cam chịu những lợi ích khác của hôn nhân. Mặc dầu nhiều người đàn ông thú thật một cách thầm kín và công khai rằng họ nhận thấy dáng dấp thanh lịch của Fiona quả là hấp dẫn, nàng vẫn khước từ mọi sự theo đuổi của họ hoặc giả vờ không nhận thấy.

Lúc Charles từ phòng tắm trở ra trong bộ đồ ngủ bằng lụa xanh, Fiona đã lập xong một kế hoạch, nhưng trước hết nàng cần được trả lời một số vấn đề.

- Anh thích ai hơn?

- Đó sẽ là một chạy đua sát nút, nhưng anh đã mất cả buổi chiều để quan sát những ứng cử viên đứng đắn.

Anh đã đi đến kết luận chưa? – Fiona hỏi.

- Heath và Maudling là những người có nhiều hy vọng trúng cử nhất, mặc dầu thành thật mà nói anh chưa bao giờ trò chuyện với bất cứ một ai trong hai người đó lâu hơn năm phút.

- Trong trường hợp đó chúng ta phải chuyển điều bất lợi thành thuận lợi.

- Em muốn nào gì vậy, em yêu? – Charles hỏi trong lúc anh trèo lên giường bên cạnh vợ.

- Anh hãy nhớ lại chuyện cũ đi. Khi anh là Chủ tịch Câu lạc bộ Pop ở Eaton, anh có thể nhớ tên một người nào trong số sinh viên năm thứ nhất hay không?

- Chắc chắn không, - Charles nói.

- Đúng. Và em sẵn sàng cá rằng cả Heath lẫn Maudlinng đều không thể nhớ tên hai mươi người trong số mới được thu nhận làm Nghị viên đảng Bảo thủ.

- Em định dẫn anh đến đâu, Lady Macbeth?

- Sẽ không có bàn tay quỷ quái nào cần thiết cho vụ thành công rực rõ này. Nhất định anh phải tình nguyện tổ chức thu nhận một đám người mới cho ông ta. Nếu ông ta trở thành lãnh tụ, chắc chắn ông ta nghĩ là nên lựa chọn một hai khuôn mặt mới cho phe mình.

- Em đúng là một người của dòng họ Campbell.

- Được rồi, chúng ta hãy xem xét kỹ lại, - Fiona vừa nói vừa tắt ngọn đèn bên phía nàng.

Charles không xem xét kỹ lại mà chỉ nằm trằn trọc gần trọn đêm, đầu óc cứ nghĩ tới những gì anh đã nói. Khi Fiona thức dậy sáng hôm sau nàng tiếp tục câu chuyện tựa hồ không hề bị gián đoạn

- Tốt hơn nên giữ nên, - nàng nói tiếp, - trước khi người anh lựa chọn thông báo ông ta sẽ ra ứng cử, yêu cầu ông ta sẽ chạy đua nhân danh các thành viên mới.

- Thông minh, -Charles nói.

- Anh đã quyết định chọn ai?

- Heath, - Charles trả lời không do dự.

- Em sẽ ủng hộ phán đoán chính trị của anh, - Fiona nói, - Anh chỉ việc tin em khi cần tới sách lược. Trước hết, chúng ta soạn thảo một bức thư.

Trong bộ đồ ngủ, trên sàn nhà ở cuối giường, hai con người thanh lịch thảo đi thảo lại một bức thư ngắn cho Edward Heath. Cuối cùng bức thư được soạn thảo xong lúc chín giờ rưỡi và được chuyển bằng tay đến phòng ông ta ở khách sạn Albany.

Sáng hôm sau Charles được mời đến căn hộ nhỏ dành riêng cho người độc thân uống cà phê. Họ nói chuyện trong hơn một tiếng đồng hồ và thoả thuận đã đạt được.

Charles nghĩ Sir Alec đã thông báo từ chức của ông vào cuối mùa hè, như vậy sẽ giúp anh có tám tới mười tuần để tiến hành chiến dịch. Fiona đánh máy một danh sách tất cả các thành viên mới và trong suốt tám tuần lễ kế tiếp từng người trong số đó được mời đến ngôi nhà của họ ở quảng trường Eaton để uống rượu. Fiona đủ tinh tế để hiểu rằng các thành viên của Hạ nghị viện đông nhờ nhiều khách mời khác, thường là từ Thượng nghị viện. Heath sắp xếp để thoát khỏi công việc ở Nghị viện về Đạo luật Tài chính và bỏ ra tối thiểu một giờ mỗi tuần cùng với gia đình Hampton. Trong lúc ngày từ chức của Sir Alec Home đến gần hơn, Charles vẫn tin tưởng rằng anh đã tiến hành kế hoạch của mình theo một cách tế nhị và kín đáo. Chắc chắn anh sẽ sẵn lòng đánh cuộc rằng không một ai khác hơn Edward Heath có ý nghĩ anh đã dính líu sâu đến mức nào.

Chỉ một người đàn ông tham dự buổi nói chuyện thứ hai của Fiona trông thấy chính xác chuyện đang xảy ra. Trong lúc phần lớn các khách mời sử dụng thời gian của họ vào việc say mê ngắm bộ sưu tập mỹ thuật của gia đình Hampton, Simon Kerslake vẫn để mắt canh chừng hai vợ chồng chủ nhà. Kerslake không tin chắc Edward Heath sẽ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới để làm lãnh tụ phe Đối lập và cảm thấy tin tưởng rằng Reginald Maudling tất nhiên sẽ được đảng chọn. Xét cho cùng Maudling chính là Bộ trưởng Ngoại giao thuộc đảng Đối lập, một nguyên Hiệu trưởng danh dự của trường Đại học và có thâm niên công vụ cao hơn Heath rất nhiều. Quan trọng hơn nữa, ông là một người đàn ông có gia đình. Simon không tin đảng Bảo thủ sẽ chọn một người độc thân để lãnh đạo họ.

Ngay sau khi Kerslake rời khỏi nhà Hampton anh nhảy vào một chiếc taxi và trở về ngay Hạ nghị viện. Anh nhận thấy Reginald Maudling trong phòng ăn của thành viên. Anh đợi cho tới khi Maudling đã ăn xong mới hỏi họ có thể nói chuyện riêng với nhau một lát hay không.

Maudling là một người cao lớn, có bước chân kéo lê trên mặt đất. Ông hoàn toàn không biết tên của thành viên mới. Cho dù ông có trông thấy anh lang thang quanh toà nhà, chắc là ông đã phỏng đoán rằng, với dáng dấp như thế, anh chỉ là một xướng ngôn viên của đài truyền hình đang tường thuật tại chỗ cuộc tranh giành chức Chủ tịch. Ông mời Simon đi theo ông vào văn phòng để uống một ly.

Maudling vẫn thường hết sức chú ý lắng nghe tất cả những gì chàng thanh niên đầy nhiệt tình phải nói và chấp nhận ý kiến của thành viên mới biết rành rẽ mà không cần hỏi han. Theo thoả thuận Simon phải cố gắng chống lại chiến dịch của Hampton và báo cáo lại kết quả hai lần mỗi tuần.

Trong lúc Hampton có thể kêu gọi tất cả năng lực và ảnh hưởng của việc xuất thân từ Eaton, thì Kerslake cân nhắc những điều thuận lợi và bất lợi của cuộc tranh tài theo một cách sẽ gây ấn tượng cho một người tốt nghiệp đại học Harward ngành Kinh doanh. Anh không làm chủ một ngôi nhà nguy nga ở quảng trường Eaton trong đó Turners và Hollbeins được nhận thấy trên các bức tường chứ không phải trong những cuốn sách. Anh cũng thiếu một bà vợ đầy hấp dẫn thuộc giới thượng lưu, - mặc dầu anh hy vọng chẳng bao lâu sẽ không còn như thế. Anh không có bao nhiêu tiền, nhưng anh đã xoay sở được khá đủ trong thời gian làm việc ở đài BBC để chuyển từ căn hộ nhỏ xíu ở sân của Bá tước đến một ngôi nhà nhỏ ở góc đường Beaufort tại Chelsea. Giờ đây Lavinia ở nhà ban đêm nhiều hơn, nhưng anh vẫn không thể thuyết phục nàng cư trú ở đó một cách thường xuyên.

- Anh không có đủ chỗ chứa giày của em, - nàng đã có lần nói với anh.

Điều đó vẫn không ngăn cản Simon thích thú khi có nàng ở gần và biết rõ nàng có khiếu chính trị. Sau bữa ăn tối anh đã gặp Maudling nàng yêu cầu được biết.

- Nhưng tại sao anh ủng hộ Reggie Maudling?

- Reggie có kinh nghiệm nhiều hơn hẳn Heath và trong bất kỳ trường hợp nào ông ấy quan tâm đến những người chung quanh ông nhiều hơn.

- Nhưng ba nói Heath có kỹ năng chuyên môn hơn rất nhiều, - Lavinia nói.

- Rất có thể như thế, nhưng người Anh vẫn luôn luôn thích những ngón tay nghiệp dư điều hành chính phủ của mình, - Simon nói và thầm nghĩ không có thí dụ nào hay hơn cha của nàng.

- Nếu anh thực sự tin chuyện nghiệp dư đó, tại sao anh lại dấn thân vào?

Simon xem xét câu hỏi một hồi lâu trước khi hớp một ngụm rượu vang và trả lời.

- Bởi vì, thành thực mà nói, anh không phải xuất thân từ hạng người tự động điều khiển trung tâm sân khấu của đảng Bảo thủ.

- Đúng, - Lavinia vừa nói vừa cười – Nhưng em…

Simon trải qua những ngày kế tiếp cố gắng khai thác tận cùng những người chắc chắn ủng hộ Maudling và Heath, mặc dù nhiều thành viên khai là ủng hộ cả hai ứng cử viên, tuỳ theo ai là người hỏi họ. Những người đó anh liệt vào danh sách không rõ rệt. Khi Enock Powell ném cái mũ lên giá, Simon không thể tìm thấy một thành viên mới nào khác hơn Alec Pimkin là người công khai ủng hộ anh.

Simon không hề cố gắng tác động đến số phiếu của Pimkin. Dáng người mập lùn đó đi lạch bạch giữa quầy rượu của các thành viên và phòng ăn phù hợp hơn là trong hội trường và thư viện. anh ta chắc chắn đã xem Simon "vượt quá địa vị của mình". Cho dù anh ta đã không bỏ phiếu cho Powell, mọi người đều biết rằng anh ta hơi nể sợ người bạn học cũ Charles Hampton, và Simon đứng vào hàng thứ ba. Như thế là bỏ lại bốn mươi thành viên thuộc nhóm mới được thu nhận tạm thời vẫn còn phải được theo dõi. Simon ước tính cứ bốn mươi người thì mười hai chắc chắn bỏ phiếu cho Heath, mười một cho Maudling và một cho Powell, còn mười sáu chưa quyết định. Trong lúc ngày bầu cử tới gần rõ ràng chỉ có một ít trong số mười sáu người đó cuối cùng đã biết ứng cử viên nào tốt, còn hầu hết vẫn còn chưa chắc chắn họ sẽ bỏ phiếu cho ai.

Bởi vì Simon không thể mời tất cả đến căn nhà nhỏ của anh ở góc đường Beaufort, anh phải đến gặp họ. Trong sáu tuần lễ cuối cùng của cuộc chạy đua anh tháp tùng vị lãnh tụ anh đã lựa chọn đến hai mươi ba đơn vị bầu cử của các thành viên, từ Bodmin đến Glasgow, từ Penrith đến Great Yarmouth, thông báo cho Maudling một cách kỹ càng trước mọi cuộc mít tinh.

Dần dần ai cũng thấy rõ rằng Charles Champton và Simon Kerslake là đại diện được lựa chọn trong số đảng viên Bảo thủ mới được thu nhận tạm thời. Một số thành viên phẫn nộ về những chuyện kín được rỉ tai nhau trong các buổi tiệc đứng ở quảng tường Eaton, hoặc về sự khám phá ra rằng Simon Kerslake đã viếng thăm các đơn vị bầu cử của họ, trong lúc những người khác chỉ ganh tỵ đối với phần thưởng dồn dập của kẻ chiến thắng.

Ngày 22 tháng 7 năm 1965, Sir Alec Douglas – Home chính thức thông báo từ chức với uỷ ban 1922, gồm tất cả các nghị viện đảng Bảo thủ.

Ngày được lựa chọn cho cuộc bầu cử chức Lãnh tụ chỉ còn năm hôm nữa. Charles và Simon bắt đầu tránh mặt nhau, và Fiona khởi sự đề cập đến Kerslake, đầu tiên trong chỗ riêng tư, rồi giữa nơi công khai, như là "một con người tự lập huênh hoang". Nàng ngừng sử dụng những từ đó khi Alec Pimkin hỏi với vẻ hết sức ngây thơ có phải nàng đang đề cập tới Edward Heath hay không?

Buổi sáng bầu phiếu kín cả Simon và Charles bỏ phiếu sớm và trải qua phần còn lại của ngày hôm ấy bằng cách đi tới đi lui trong các hành lang của Hạ nghị viện cố ước định kết quả. Tới giờ ăn trưa cả hai người bên ngoài tỏ ra hết sức vui mừng nhưng bên trong lại thất vọng.

Lúc hai giờ mười lăm họ ngồi trong căn phòng rộng lớn của uỷ ban để nghe vị Chủ tịch của Uỷ ban 1922 công bố bản thông báo lịch sử.

- Kết quả cuộc bầu cử lãnh tụ đảng Bảo thủ trong Hạ nghị viện là như sau:

Edward Heath: 150 phiếu.

Reginald Maudling: 133 phiếu.

Enoch Powell: 15 phiếu.

Charles và Fiona liền mở một chai King trong lúc Simon dẫn Lavinia đến rạp Oil Vic để xem phim The Royal Hunt of the Sun.

Anh ngủ suốt đoạn trình diễn xuất sắc của Robert Staphens trước khi được Lavinia lái xe đưa về nhà trong im lặng.

- Em phải nói tối nay đi với anh thật là hứng thú, - nàng lên tiếng.

- Anh xin lỗi em, nhưng anh hứa sẽ bù lại trong nay mai, - Simon ngần ngại nói tiếp, - Chúng ta hãy ăn tối ở Anna vào ngày.. thứ hai nhé. Chúng ta sẽ biến dịp đó thành một cơ hội đặc biệt.

Lavinia mỉm cười lần đầu tiên trong đêm hôm ấy.

Khi Edward Heath thông báo nhóm Đối lập của ông trong chính phủ, Reggie Maudling được đề cử làm Phó chủ tịch. Charles Hampton nhận được lời mời tham gia nhóm môi trường của phe Đối lập với tư cách phát ngôn viên.

Anh là người đầu tiên trong số mới thu nhận tạm thời nhận được trách nhiệm Nghị viện.

Simon Kerslake nhận đuọc một bức thư viết bằng tay của Reggie Maudling cám ơn anh về những nỗ lực kiên quyết của anh.

--- ------ ------ ------ -------

1 Westminster: một quận ở phía Tây London nơi tọa lạc Thượng viện và Hạ viện thuộc Quốc hội Anh, gọi chung là Nghị viện (Parliament).

2 Edward Heath làm Thủ tướng từ 1970 đến 1974.

3 William Hogarth (1697-1764): họa sĩ và điêu khắc gia Anh. Pieter Brueghrl (1525-1569), họa sĩ Flanders (một nước ở Tây Bắc châu Âu) Francisco José de Goya (1746-1828) ; họa sĩ Tây Ban Nha Rembrandt (1606-1669): họa sĩ và điêu khắc gia Hà Lan.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK