Yên Thành từ xưa đến nay, cùng với những thủ phủ lớn khác mà so sánh, thì có hơi lạc hậu một chút. Nhưng gần trăm năm nay, nhờ có hoàng đế trị vì tốt nên Yên Thành mới phồn hoa hơn được một chút. Thương vụ mậu dịch thường xuyên qua lại ở cửa thành, đường phố tập nập, đất đai xung quanh thì phì nhiêu tươi tốt, không chỗ nào không giúp bá tánh có cuộc sống tốt đẹp hơn cả.
Các bá tánh phần lớn dựa vào trồng rau mà sống, mỗi loại lại được chăm sóc theo một phương pháp riêng, cho nên rau củ của mỗi nhà đều có hương vị ngọt ngào tươi mới. Bởi vì cách kinh thành không xa, cho nên những nhà hàng xa hoa quý tộc, hay những vương hầu tướng phủ, thậm chí cả trong hoàng thành......nếu muốn có đồ ăn tươi ngon, đều phái người tới Yên Thành để mua. Cứ ba ngày một lần lại tới đây một chuyến, để cho mọi người đều được nếm thử hương vị tươi ngon.
Nhưng trong Yên Thành lại có một nhà lại làm theo cách trái ngược. Nhà này không trồng rau làm giàu, nhà nay giữ độc quyền về.....thịt. Dùng nghề bán thịt nuôi sống một nhà già trẻ lớn bé trong nhà.
Bá tánh Yên Thành từ trước đến nay luôn sống tiết kiệm, không hay ăn thịt. Cùng lắm chỉ khi đến tết Nguyên tiêu hoặc là một ngày trọng đại nào đó mới ăn thịt mà thôi.
Nhưng, không hay ăn không có nghĩa là không ăn. Yên Thành cứ như vậy liền chỉ có duy nhất một nhà bán thịt, làm cho việc bán thịt này buôn bán tốt đến mức đủ cho cả nhà đều được sung túc.
Chưởng quầy đời thứ nhất của tiệm thịt Thiệu gia, Thiệu Quảng Nguyên, là người đã dẫn dắt Thiệu gia bước vào con đường khá giả.
Thiệu Quảng Nguyên là một người thô lỗ, không biết chữ. Tuổi trẻ ôm một bầu nhiệt huyết hùng tráng đi xung quân, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ biên giới. Nghe có vẻ to tát, nhưng tư vị thực sự trong đó, cũng chỉ trong lòng hắn biết được.
Thời thiếu niên không biết sợ là gì, nhưng lên đến chiến trường rồi, cùng nước láng giềng xung trận, thực sự dọa hắn đến tè cả ra quần.
Nước láng giềng vũ khí tân tiến, đao không biết dùng vật gì tạo thành mà cho dù nói chém sắt như chém bùn cũng không hề khoa trương. Xông pha vào nhóm binh sĩ tiền tuyến, vừa mới ra trận đã bị đao này múa xoẹt cho ngang cổ, ngã như chẻ tre.
Thiệu Quảng Nguyên tuổi trẻ sau khi nhặt được cái mạng nhỏ sau màn mua đao kia thì từ đó trở đi mỗi lần đi đánh giặc, đừng nói là xông pha trận mạc gì đó, mà chính là mỗi lần đều hận không thể chui tít tắp ở đội ngũ phía sau, nếu không được thì trực tiếp nằm giả chết trên chiến trường luôn.
Thật vất vả mới đợi được đến lúc chiến tranh kết thúc, hoàng đế phát cho mỗi người mười lạng bạc, cùng với một tấm lệnh bài hộ quốc, rồi cứ thể đuổi các tướng sĩ trẻ tuổi đi. Thiệu Quảng Nguyên mang theo tiền, cùng với hai thanh đao mà người nào đó làm rơi trên chiến trường, đi dọc theo đường núi, cuối cùng dừng chân ở Yên Thành.
Hai thanh đao kia bị hắn mài thành hai con dao, một dùng để giết heo, một dùng để thái thịt, lấy đó để sinh sống qua ngày.
Nhưng vẫn còn thiếu một vị tức phụ, vì thế, hắn liền cố gắng qua lại thật tốt với mấy bà mối, tặng cho họ rất nhiều móng heo, để bọn họ có thể tìm cho mình một tiểu tức phụ. Nhưng các cô nương đều không muốn gả cho hắn, bởi họ ghét bỏ vết sẹo dữ tợn như con rết ở trên mặt Thiệu Quảng Nguyên. Đối với nam nhân mà nói, đó là bằng chứng cho sự anh dũng trên chiến trường, nhưng đối với mấy nữ nhân luôn sống trong nhà thì đó đơn giản chỉ là một vết sẹo xấu xí mà thôi.
Cho nên Thiệu Quảng Nguyên rơi vào đường cùng, đành dùng hai lượng bạc, mua từ kỹ viện một kỹ nữ đã tàn hoa bại liệu về làm thê tử.
Nữ tử này lớn lên vô cùng xinh đẹp, tuổi trẻ chính là đầu bảng của thanh lâu, kiếm cho tú bà không ít tiền. Nhưng năm tháng trôi qua quá nhanh, chỉ trong chớp mắt, nàng ta đã 26 tuổi, trở thành gái lỡ thì.
Khi nàng ta 20 tuổi, cũng không biết từ khi nào thì trốn tú bà, lén lút thông đồng với một nam nhân nào đó, còn sinh ra một bé gái. Nhưng cuối cùng, người nam nhân nói nhất định sẽ cưới nàng ta đó đã chạy mất hút, chỉ để lại một túi gấm làm tín vật. Dần dần, năm tháng rực rỡ nhất của một nữ nhân cũng qua đi, tú bà lại không muốn dùng bạc trắng để nuôi hai miệng ăn, vì vậy khi có bà mối tới hỏi liền bán rẻ nàng đi.
Cứ như vậy, nữ tử này cùng với một bé gái bị bán cho Thiệu Quảng Nguyên làm tức phụ.
Tuy là nữ tử thanh lâu, nhưng Thiệu Quảng Nguyên vẫn đối xử với nàng ta rất tốt, dùng kiệu hoa để cưới nàng ta vào cửa, đêm tân hôn, những thứ bắt buộc phải có, hắn đều cố gắng chuẩn bị tốt. Đêm động phòng, Thiệu Quảng Nguyên xốc khăn voan lên, nghiêm túc nói: "Về sau chúng ta sẽ sống với nhau thật tốt. Ta sẽ bán thịt kiếm tiền, còn nàng chỉ cần sinh cho ta một đứa nhỏ là được rồi."
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gàng, hai năm sau, thê tử của Thiệu Quảng Nguyên liền qua đời vì khó sinh, nhưng đứa nhỏ trong bụng thì vẫn giữ được. Thiệu Quảng Nguyên ôm cốt nhục duy nhất của mình trong lòng, vẻ mặt khóc không ra nước mắt.
Những ngày tháng sau đó quả thực vô cùng khổ sở, Thiệu Quảng Nguyên một người phải chăm hai đứa nhỏ, đứa con gái riêng của vợ, cũng được đổi tên thành Thiệu Yên. Chữ Yên này cùng không có gì đặc biệt cả, chỉ đơn giản là tùy tiện chọn bừa một chữ làm tên mà thôi. Nhưng đối với đứa con trai ruột thịt của mình, hắn lại mời người kể chuyện Oai Bột Quang đến đặt tên, tên là "Thiệu Văn Quốc".
Nghe vô cùng có phong phạm, chính là lấy văn hộ quốc, ý muốn nói mong muốn sau này sẽ thật thông minh.
Mà bé gái duy nhất trong nhà, Thiệu Yên tiểu cô nương, từ sau khi nương chết, liền như một người ngoài sống nhờ ở nhà, vô cùng thiếu tự nhiên. Nhưng nàng chính là lớn lên trong kỹ viện, đối với việc nhìn sắc mặt người vô cùng có hiểu biết, cho nên liền cần mẫn tự giác làm việc nhà, chăm sóc đệ đệ.
Thiệu Quảng Nguyên trong lòng ít nhiều vẫn nghiêng về con đẻ của mình hơn, nhưng thấy tiểu nha đầu chăm chỉ cần mẫn nên hắn cũng luôn để nàng ăn no mặc ấm như thường.
Nhưng cảnh tốt không dài, khi Thiệu Yên cô nương 12 tuổi, trụ cột trong nhà là Thiệu Quảng Nguyên liền bị bệnh đi đời nhà ma, trước khi đi còn lôi kéo tay Thiệu Yên dặn dò: "Chăm sóc tốt cho con trai của ta nhé."
Nhưng câu cuối cùng thực sự trước khi chết lại là dặn dò Thiệu Yên đóng cho mình một cỗ thất tinh quan tài tốt nhất, dùng vôi vữa phong thật cẩn thận, chôn ở bên sườn núi Nam Sơn là nơi phong thủy tốt, còn phần bút tích đề trên bia mộ, thì cũng nhất định phải được phủ phấn vàng.
Không vấn đề, dù sao nàng cũng là một người hiếu thuận, cho nên liền lấy hết của cải tích lũy trong nhà, dựa theo yêu cầu của cha nàng mà hạ táng, sau đó mang theo đệ đệ bốn tuổi lên đỉnh núi đốt vàng mã cho ông ấy.
Sau khi hạ táng xong thì trong nhà cũng hết sạch tiền, vì thế Thiệu Yên cô nương 12 tuổi không thể không cầm lên hai con dao mổ lợn kia, bắt đầu tìm cách đổ đầy miệng mình và đệ đệ.
Một bé gái nhỏ nhắn tay cầm dao đứng trên băng ghế, nhanh nhẹn chặt thịt cho mọi người. Đao pháp tuy không tốt lắm, chặt xuống không được lưu loát, vẫn còn dính gân nhưng mọi người trong thành cũng thương nàng nên cũng không soi xét hà khắc gì. Chặt thế nào thì chặt, dù sao đằng nào cũng đều bỏ vào mồm cả, cùng lắm thì xách về nhà chặt lại là được rồi.
Người ta đều nói đứa nhỏ nhà nghèo thì sớm đảm việc nhà, Thiệu Yên cô nương theo số tuổi tăng lên thì kỹ thuật đao pháp cũng càng thêm điêu luyện. So với phong phạm của cha nàng năm đó thì chỉ có hơn chứ không có kém. Tiền cũng đã kiếm lại được rồi, không chỉ có thể lấp đầy miệng mình và đệ đệ mà còn có thể lợp được một mái nhà mới, tuy thực ra chỉ là lợp lại trên nền móng nhà cũ, lại trang hoàng lại một chút, xây thêm chút xà nhà, lợp thêm chút mái ngói, rồi thì cố định lại bờ tường, lại xây thêm nhà xí và sữa chữa một chút linh tinh...
Trước khi nàng 16 tuổi, trong thành cũng có người chạy tới làm mai. Nhưng Thiệu Yên cô nương lúc đó hãy còn do dự, nên nói muốn trở về nhà suy nghĩ thêm. Nhưng không ngờ về nhà không tới mấy ngày liền xảy ra chuyện.
Ngày ấy giết heo, không cẩn thận chân trượt một cái, trán liền hoa hoa lệ lệ ngã vào lưỡi dao. Một đao này đi xuống, không dài nhưng sâu.
Nàng vuốt cái trán, cầm thịt heo, đứng ở trước cửa tiệm. Đứng từ xa liền thấy bà mối phục sức hoa lệ lòe loẹt đi tới.
"Thế nào? Đã suy nghĩ kĩ chưa? Nhà Vương lão hán tuyệt đối sẽ không bạc đãi cô đâu." Bà mối thấp giọng nói, còn che miệng cười trộm. Nhưng vừa ngẩng đầu lên nhìn liền bị vết thương ở giữa trán Thiệu Yên cô nương làm cho kinh hãi, "Ai nha nha, cô nãi nãi của ta, sao mới mấy ngày không gặp mà đã bị phá tướng rồi thế này??"
Thiệu Yên che trán, có chút ngại ngùng, nhưng vẫn thành thực thừa nhận, "Ta.... Mấy hôm trước ta không cẩn thận bị thương."
Bà mối cau mày, nhìn cái trán của cô nương hồi lâu, cuối cùng buông tiếng thở dài, quay đầu đi, chỉ lưu lại lời nói: "Ta đi nói chuyện với đối phương. Ngày mai sẽ trả lời cô sau."
Ngày thứ hai bà mối tới, đứng ở trước cửa tiệm, vẻ mặt tiếc nuối: "Thiệu Yên cô nương này, không Phùng bà mối ta nói gì cô đâu, nhưng cô nói xem, cô thân là một cô nương lớn lên ở kỹ viện thì cũng thôi đi, sau đó lại còn đi làm loại chuyện xuất đầu lộ diện như đi bán thịt lợn này, may mắn có nhà Vương lão hán không chê bai cô, cô còn có thể.... Nhưng cô thế nhưng lại tự làm bản thân mình bị phá tướng..."
Bà mối nói đến đây, liền chỉ hận rèn sắt không thành thép, đấm ngực cả nửa ngày mới nói ra câu mấu chốt nhất, "Ngày hôm qua ta đã khuyên can cả buổi rồi, nhưng đối phương vẫn không đồng ý. Chuyện này, bỏ đi."
Thiệu Yên nghe được kết quả thì có sửng sốt, nhưng cũng không để trong lòng, nhanh nhẹn thái mấy lạng thịt ba chỉ, dùng giấy dầu gói lại rồi đưa cho Phùng bà mối, nói: "Phùng Đại nương hảo tâm giúp ta làm mai, là ta phụ ngài. Mấy lạng thịt ba chỉ này ta tặng ngài, ngài cầm về nhà để mọi người cùng ăn đi. Còn về chuyện này, ta không sao đâu."
Phùng bà mối đưa tay nhận thịt, lại tiếp tục đứng đó dông dài cả buổi nữa, còn giới thiệu cho nàng phương pháp trị sẹo tà môn rồi mới mang theo vẻ mặt cao hứng xách thịt rời đi.
Mà Thiệu Yên nhìn theo bóng dáng của bà mối, không tiếng động thở dài, chậm rãi thu dọn sạp thịt của mình, chuẩn bị về nhà nấu bữa cơm nóng hổi cho đệ đệ nhà mình.
Mười hai đương gả, mười sáu vãn gả.
Nàng đã 16 tuổi rồi. Aizzz....