Tôi ghét mùa hạ vì nó nóng bức, ồn ào cho nên vào những ngày nóng đến thiêu người tôi lại càng đặc biệt ghét nó.
Tôi thật sự rất thắc mắc sao lại có người có thể thích mùa hạ cơ chứ?
Tôi đem cái nghi vấn này đến hỏi ông nội, ông nghe xong liền cười lớn rồi đáp.
"Mùa hạ được mọi người yêu thích đặc biệt là tuổi học sinh vì nó đem đến thời gian thư giãn và vui vẻ cho mọi người, đặc biệt mùa hè mang đến lạc quan, hạnh phúc chứ không là bi thương, chia lìa như mùa đông, nên con người ta vẫn thích sự ấm áp hơn cái giá lạnh"
Tôi nghĩ thấy cũng đúng nhưng cũng chỉ là đối với người khác mà thôi còn đối với tôi mà nói mùa hạ vẫn là mùa tôi ghét nhất. Vậy mà cho đến lần đầu tiên tôi gặp anh trong một cơn mưa rào mùa hạ, anh như ánh mặt trời rực rỡ chiếu sáng cuộc đời tôi lúc đó tôi bỗng nhận ra một điều dường như tôi không còn ghét mùa hạ nhiều đến vậy nữa.
Tôi tên Hạ Vi, tôi được sinh ra vào tháng bảy, theo như mẹ tôi kể ngày tôi ra đời trời đặc biệt nắng, đến độ trên đường đến bệnh viện mẹ tôi nóng không chịu nổi còn phải chịu đựng cơn đau thật sự chỉ muốn vứt tôi đi cho rồi, đến sau này khi tôi lớn rồi mẹ tôi cũng vẫn thường xuyên càm ràm bên tai tôi.
"Đáng lẽ năm đó không tao không nên sinh mày ra làm gì. Phá thai sớm có phải bây giờ đỡ khổ hơn không?"
Tôi nghe riết, nghe hoài cũng quen bởi vì bây giờ hối hận cũng đã muộn nếu như mẹ tôi hối hận lúc mới mang thai tôi thì có lẽ bây giờ cả tôi và mẹ đều sẽ không khổ. Có lẽ cũng bắt đầu từ đó mà tôi ghét mùa hạ và đặc biệt là ngày sinh nhật của mình.
Gia đình tôi có bốn người, ba, mẹ, tôi và một đứa em trai. Khác với những gia đình bình thường gia đình tôi lại có chút phức tạp.
Ba tôi là một tên nghiện ma tuý, mẹ tôi thì là một người nghiện bài bạc còn em tôi thì nghiện chơi điện tử nói chung ở nhà tôi ai cũng có bệnh nghiện của riêng mình, tôi cũng có nghiện đấy nhưng là nghiện đọc truyện, tôi cực kỳ thích đọc tiểu thuyết đặc biệt là những tiểu thuyết có nội dung đau khổ, dằn vặt, nhiều người cũng từng hỏi tôi sao lại thích thể loại này, tôi không trả lời vì tôi dù có trả lời đi chăng nữa họ cũng không hiểu. Sở dĩ tôi thích thể loại này chỉ đơn giản một điều đó là khi tôi đọc những số phận bi thương ấy thì nỗi bất hạnh của tôi chẳng là gì cả, tôi sẽ cảm thấy bản thân được an ủi phần nào. Đây cũng coi như là một cách mà tôi tự trị liệu cho mình.
Nhà tôi vốn không nghèo nhưng vì ba tôi ăn chơi quá độ, không công ăn việc làm suốt ngày chỉ biết lấy cắp tiền của mẹ tôi rồi đến khi mẹ tôi thua bạc không còn tiền cho ba lấy nữa ba tôi liền chuyển sang lấy đồ trong nhà đem đi bán dần dà trong nhà tôi cũng chẳng còn đồ đạc gì mấy và nhà tôi từ đó trở nên vừa nghèo vừa ầm ĩ nhất trong xóm.
Hàng xóm nhiều lần đến than phiền việc ba mẹ tôi cãi nhau ầm ĩ gây mất trật tự mà cũng chẳng có ích gì, mọi chuyện vẫn cứ thế tiếp diễn. Nhưng dường như đối với một con nghiện như ba tôi mà nói việc lấy tiền của mẹ hay lấy đồ trong nhà đem đi bán là vẫn chưa đủ, tiền tôi dành dụm hằng ngày cất để mua sách, tôi vô cùng trân quý số tiền ấy tôi đã giấu nó thật sâu dưới ga trải giường thế mà cũng bị ba tôi lấy nốt.
Tôi quá đỗi uất ức nhưng lại không thể khóc trong nhà được vì nếu để mẹ tôi nghe thấy mẹ sẽ lại cãi nhau với ba, nhà của tôi sẽ lại ầm ĩ nữa nên tôi không còn cách nào khác là vác chiếc xe đạp cũ kĩ của mình chạy ra bãi cỏ mà bọn con nít trong xóm hay ra thả diều để ngồi khóc. Tôi lúc đó như là tù nhân được thả xích nước mắt đua nhau trào ra, tôi khóc thật lớn, khóc đến độ tim dường như sắp rớt ra ngoài thì mới chịu ngừng.
Tôi ngồi khóc đến tận chiều muộn, khi mặt trời dần lặn xuống tôi mới vác chiếc xe đạp quay về nhà. Về đến nhà tôi nghe âm thanh chửi bới của mẹ tôi, nghĩ chắc lại cãi nhau với ba tôi nữa rồi nhưng đến khi tôi vào nhà thì lại thấy không phải ba mẹ cãi nhau mà là mẹ tôi đang chửi em trai, do nó trốn học đi chơi điện tử bị mẹ tôi bắt được liền đánh cho một trận. Còn ba tôi thì giờ này vẫn chưa thấy về, tôi âm thầm lặng lẽ chui vào phòng mở sách ra học bài.
Nếu nói nhà tôi suốt ngày cãi nhau ầm ĩ thì cũng không đúng vì cũng có lúc gia đình tôi rất hoà thuận, ví dụ như có một ngày nếu ba tôi không lên cơn nghiện và mẹ tôi không thua bài thì tối ngày hôm đó gia đình chúng tôi sẽ cùng nhau ra ngoài ăn cơm rồi đến nhà cô Hương cuối xóm ăn chè.
Ai nhìn vào cũng đều nghĩ gia đình tôi là một gia đình vô cùng hạnh phúc. Mà bọn họ nghĩ vậy cũng không sai vì ba mẹ tôi thường làm phiền đến hàng xóm nên cứ hai, ba tháng lại chuyển nhà một lần nên mỗi lần đến nơi ở mới mọi người bắt gặp cảnh tượng này rồi nghĩ gia đình tôi rất hạnh phúc cũng chẳng sai.
Chỉ là bọn họ không biết đằng sau vẻ hạnh phúc đó là gì đợi đến khi biết được sợ rằng nhà tôi lại phải chuyển đi tiếp.
Năm tôi lên cấp ba, nhà tôi chuyển từ thôn Điền đến thôn Tây An vì chuyển nơi ở nên tôi cũng phải chuyển luôn chỗ học.
Trước ngày đi học ở trường mới mẹ tôi dẫn tôi đến nhà một cô giáo ngữ văn trong thôn, cô tên là Mỹ Hạnh cô rất đẹp và cũng rất dịu dàng, nhà cô nằm trong một con hẻm nên việc tìm đường có chút khó khăn.
Lần đầu tiên tôi và mẹ đến nhà cô được cô tiếp đãi rất chu đáo, cô mỉm cười lộ ra cái răng khểnh cộng thêm lúm đồng tiền bên má tôi nhìn đến mê mẩn, lúc đó tôi ước gì cô giáo là mẹ tôi thì sẽ tốt biết mấy.
Nhưng đó cũng chỉ là suy nghĩ viển vông của tôi mà thôi. Cô Mỹ Hạnh mời mẹ con tôi ngồi xuống ăn trái cây, cô còn đặc biệt cho tôi một túi kẹo bảo tôi mang về nhà để dành ăn, tôi nhìn túi kẹo rồi nhìn sang mẹ do dự không biết có nên nhận không vì tôi nhớ có lần tôi vô tình nhận giỏ bánh cam của cô hàng xóm cũ về nhà liền bị mẹ đánh cho một trận nên thân vì mẹ tôi từng nói cho dù có nghèo tới đâu cũng không được tỏ ra vẻ ăn xin như thế, nên từ đó tôi không dám nhận đồ bừa bãi nữa.
Tôi nhìn mẹ với ánh mắt khẩn thiết vì tôi thực sự không nỡ từ chối cô giáo xinh đẹp. Mẹ tôi cũng ngầm cho phép tôi nhận quà rồi tiếp tục tán gẫu với cô Mỹ Hạnh.
Tôi ngồi kế bên nghe cảm thấy có chút buồn chán liền xin phép lên sân trước chơi.
Nhưng lên rồi thì trời lại bỗng đổ cơn mưa, tôi thầm nghĩ số mình cũng quả là đen đủi quá đi. Vừa muốn bước chân ra ngoài chơi ông trời liền không cho mình đi nữa.
Tôi buồn bực đứng dưới mái che nhìn ra ngoài đường thì bống nhiên phát hiện trong cơn mưa xuất hiện một bóng dáng cao gầy của con trai, cậu mặc đồng phục học sinh, cậu một tay cầm trái bóng rổ, một tay đeo cặp sách. Đôi mắt cậu đen láy như hai viên ngọc trai đen. Mái tóc được cắt ngắn gọn gàng, hàng chân mày và sống mũi như từ điêu khắc mà ra. Nét nào ra nét ấy, không hề yểu điệu mà lại rất nam tính, sắc bén,
Cậu ta chạy nhanh trong mưa, bàn tay trắng trẻo đưa lên trán hòng che đi những giọt nước đang bắn vô mình, có vẻ như cậu mới tan học.
Tôi nhìn hình bóng càng ngày càng gần của người con trai ấy đến ngớ người, cảm thấy sao lại giống trong tranh đến thế.
Đến khi cậu con trai kia đứng trước cổng nhìn tôi với ánh mắt bực bội thì mới sực tỉnh lại nhìn cậu ta với ánh mắt chào hỏi thân thiện, tôi nhớ rất rõ lời nói của mình lúc đó vô cùng thân thiện, không hề có chút vô lễ nào cả.
"Xin chào, cậu tìm ai?"
Nhưng có vẻ như cậu con trai này không ưa vẻ thân thiện ấy của tôi, vẻ mặt vẫn rất là bực bội lẫn khó chịu.
Tôi khó hiểu nhìn cậu ta thắc mắc muốn gì thì nói đi chứ cứ đứng đó nhìn mình chằm chằm làm gì? Quả nhiên khi đã mất hết kiên nhẫn cậu ta mới khó chịu lên tiếng.
"Mở cửa ra.”
Tôi cảm thấy người này tuy đẹp trai nhưng nhân cách lại có vấn đề. Nên liền không muốn để ý nữa chuẩn bị quay vào nhà thì đằng sau cậu ta bỗng nói lớn.
"Mờ cửa cho tôi, đây là nhà tôi"
Tôi dừng lại bước chân đang ở trong không trung, cứng ngắc quay lại nhìn cậu ta thấy lúc này cậu ta đã hoàn toàn ướt nhẹp liền chân này xọ chân kia chạy ra mở cổng.
Tôi còn nhớ ánh mắt anh lúc đó nhìn tôi như muốn băm tôi ra thành từng mảnh nhỏ rồi quăng cho heo ăn, phải nói là rất đáng sợ.
E con trai một thân ướt như chuột lột đi vào nhà, cô Mỹ Hạnh thấy anh về liền chạy ra xem thấy anh bị ướt mưa vội vã lấy khăn lau tóc cho anh, vừa lau vừa trách mắng.
"Con lại quên không mang theo chìa khoá nữa đúng không? Thiệt là, sao không đợi tạnh mưa hẵng về, bị cảm thì làm sao?"
Nghe những lời này mắt anh thoáng liếc qua tôi rồi bình thản trả lời.
"Bị dính chút mưa thôi, không sao đâu mẹ.”
Nói rồi anh xin phép đi về phòng mình trước, mẹ anh thấy vậy liền có chút áy náy, hướng tôi và mẹ tôi nhẹ nhàng xin lỗi.
"Chị thông cảm, là do tôi chiều nó quen rồi nên không coi ai ra gì.”
Mẹ tôi bình thường ăn to nói lớn đột nhiên hôm nay lại ăn nói nhỏ nhẹ làm tôi có chút ngoài ý muốn, mà nghĩ cũng đúng đối với một người hiền thục như cô Mỹ Hạnh sao có thể hành động thô lỗ cho được.
Thế nên tôi liền có một phát hiện mới đó là mẹ tôi tuy ngoài đường hung dữ nhưng trước mặt cô Mỹ Hạnh mẹ tôi liền trở thành một thánh mẫu. Mẹ tôi cười xoà nói với cô Mỹ Hạnh.
"Không sao tuổi trẻ mà, con bé Vi nhà tôi cũng như vậy, vô cùng phản nghịch.”
Tôi nghe mẹ tôi nói những lời không đúng này, cảm thấy có chút oan ức nhưng tôi lại không dám xen vào lời của mẹ vì tôi sợ cô Mỹ Hạnh đối với tôi sẽ thất vọng, nên đành phải lặng im lắng nghe.