• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Chuyển ngữ: Trần

Ải Bắc gió tây tung vó ngựa, Giang Nam mưa phùn thắm hạnh hoa.

Đương là năm Thiên Khải thứ bảy. Tiết Tiểu Mãn, Thiếu Dương tướng hỏa[1]. Ngày giờ xung khắc, Đại Hung.

Giờ Thìn vừa điểm, gió chợt nổi lên, thổi áo quan màu trà đạm của người trên cồn cát bay phấp phới.

Hơn hai mươi Cẩm Y Vệ nhất loạt vận áo đen, khoác áo choàng, đội nón vành có mạng che. Diệp Thiên Lang cầm đầu đứng tựa bên ngựa, trầm ngâm nhìn một nhóm người ngựa đang chạy nước rút giữa đại mạc.

Xa xăm nẻo Tây Bắc, đường xưa ngàn dặm như sông nước chảy quanh, sa mạc vạn mẫu tựa bể rộng bát ngát, ngoài mấy gốc liễu bách sừng sững giữa cát vàng, tiêu điều mà diễm lệ, xung quanh không có lấy một ngọn cỏ.

Chuyến này Cẩm Y Vệ truy lùng nghiệt dư bè đảng của hai người Tả – Dương. Ngoài mặt là phụng chỉ của Thiên Khải Đế, thực chất nói trắng ra là Ngụy Trung Hiền lập chiếu giả, làm trái lệnh. Thuở thiếu thời, Diệp Thiên Lang bái sư Tả Quang Tế, cũng học giáo lý nhà Nho nhân từ hướng thiện, trung quân ái quốc. Có điều thói đời trêu ngươi, hiện giờ hắn là con nuôi của ông Cửu thiên tuế[2] kiêm chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ, đương nhiên không nhắc ơn xưa, không niệm tình cũ, chẳng những đích thân dắt người diệt sạch đao khách trong phủ họ Tả, còn tự tay giết hết cả nhà ân sư.

Không ái dục, không oán hận, chẳng vương bận, sinh vào thời loạn, không cần một trái tim nhân từ, chỉ dựa vào hai bàn tay sát nghiệt để sống.

Ấy thế mà lại có những kẻ chẳng biết sợ, cứ nhất mực đòi lấy sức châu chấu đá xe, lội ngược dòng nước lũ, vớt lấy một đôi chim non duy nhất sống sót của nhà họ Tả đi mất.

Chẳng qua chỉ là truy bắt cặp con thơ của Tả Quang Tế với một nhóm bè đảng tàn dư mà thôi, chẳng những điều động hết cao thủ đứng đầu Cẩm Y Vệ, còn phiền đến Chỉ huy sứ đích thân ra trận, chuyến công cán lần này ắt không đơn giản. Hơn hai mươi người cầm giáo nghênh đón, thấy nhóm người trên hoang mạc càng lúc càng xa, Thiên hộ[3] La Vọng bước tới, lên tiếng nhắc nhở: "Đại nhân, còn không đuổi theo sẽ mất dấu."

Thực ra cũng chẳng chạy được bao xa, bị Cẩm Y Vệ truy đuổi sát nút liền mấy ngày, vào lúc này ngược gió lại càng khó đi, người nào người nấy chậm rề rề, người ngựa đều sức cùng lực kiệt, đã là nỏ mạnh hết đà.

"Cung tiễn." Diệp Thiên Lang lấy cung tiễn từ chỗ La Vọng, kéo cung, tên lên dây liền bắn.

Tên xuyên qua đầu, người đàn ông chạy ở trước nhất ngã ngựa, chỉ trong chớp mắt gió cát đã vùi lấp quá nửa thi thể. Đàn ngựa bám theo con đầu đàn bị kinh sợ, lập tức giậm vó hí vang, ba người còn lại bị đàn ngựa hốt hoảng này hất khỏi yên ngựa, những người còn lại không thể không ghìm cương đứng lại.

Diệp Thiên Lang lại bắn liền hai tên. Chỉ nghe hai tiếng vun vút, hai người đàn ông vừa bò dậy từ lún cát liền lần lượt gục xuống. Đều dứt khoát một tên xuyên sọ, thi thể ngã xuống một trước một sau, chết chẳng nhắm mắt.

Người đàn ông thứ ba ngã ngựa còn chưa kịp bò dậy, một vị công tử áo trắng bên người đã lập tức vung kiếm, chắn được mũi tên thứ ba xé gió lao tới, nghe thấy y hét to: "Các vị đại ca, một lát nữa Cao minh chủ sẽ tới tiếp ứng, xin hãy đưa các công tử đi trước!"

Công tử áo trắng khinh công không tồi, nâng kiếm vọt lên đã thoắt xa cả trượng, xông thẳng về phía đám người trên cồn cát.

Cẩm Y Vệ lục tục lắp tên định bắn, Diệp Thiên Lang lại giơ tay lên cản. Người này tên Lộc Lâm Xuyên, không chỉ là người quen từ thuở thiếu thời, tính ra còn là bạn đồng môn của hắn.

Họ Lộc vốn là thế gia đại tộc được liệt vào hàng Tam công[4], trong phủ con cháu đầy đàn, từ xưa công danh vang dội. Vậy nhưng đến đời Lộc Công Hoán, bởi bị cuốn vào tranh chấp bè phái triều đình không dứt, bèn chủ động xin Vạn Lịch Đế từ chức phò tá nội các. Tuy rằng động thái bo bo giữ mình này quả thực là bất đắc dĩ, nhưng sau khi thoái ẩn, cuộc sống cũng coi như có thú hàn vi, duy chỉ tiếc rằng con cháu hiếm muộn, còn lại mỗi Lộc Lâm Xuyên là dòng độc đinh.

Cũng may rằng hậu duệ độc đinh này lại khiến nếp nhà nở mặt. Chẳng những diện mạo thanh tú hiền lành, còn văn võ song toàn, chẳng gì không biết. Kiếm pháp Kinh Hồng xuất thần nhập hóa được truyền thừa từ danh gia võ học, còn có chút tay nghề điêu khắc, rất được lòng vua Hi Tông.

Lộc Lâm Xuyên và Diệp Thiên Lang cùng là học trò của Tả Quang Tế, năm Thiên Khải thứ hai đỗ Thám hoa. Tương truyền văn chương y vấn đáp trên triều mực bút trôi chảy, ý tứ hàm súc, khiến nguyên lão hàn lâm cũng phải hổ thẹn. Vua Hi Tông vốn định bổ nhiệm Lộc Lâm Xuyên làm Trạng nguyên, song, lại e sắc phong một Trạng nguyên mười sáu tuổi sẽ rước lấy thị phi, mới nhượng bước cho vẹn đường, bổ nhiệm làm Thám hoa. Nay y vừa mới hai nhăm lẻ hai, còn kém Diệp Thiên Lang đôi ba tuổi, thời khắc này, đáy mắt lại tràn ngập cô độc cùng bi phẫn, bộ dạng thấy chết không sờn.

Diệp Thiên Lang không định bắn chết Lộc Lâm Xuyên, cũng chẳng phải vì niệm tình đồng môn hay động lòng trắc ẩn.

Đến tận khi người kia cách mình không còn xa lắm, hắn mới cởi áo choàng đen, vọt người lên nghênh đón, không rút đao cũng chẳng vận nội lực, chỉ tụ ba phần chân khí giữa kẽ tay, tay không so chiêu với đối phương.

Đối thủ hời hợt đến vậy, nhưng bên kia lại chẳng dám lơ là, dốc toàn lực đối phó. Lộc Lâm Xuyên rót hết nội lực toàn thân vào kiếm Kinh Hồng, định đem mạng ra cược để đọ sức.

Thấy đối phương vọt người tung chiêu "Phi Hồng Bất Dục Quy", vẻ như định cá chết lưới rách, muốn lấy đầu mình, Diệp Thiên Lang không hề né tránh, nửa thân dưới không hề nhúc nhích, ngón tay bay múa như gảy tỳ bà, trước hết đánh tan thế kiếm mạnh mẽ, rồi lại dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp lấy mũi kiếm. Ngón tay của hắn cực kỳ thon dài, làn da mịn như tằm băng tơ giá, khớp xương tinh xảo hơn cả thiếu nữ đôi mươi, chỉ có một chỗ thiếu sót duy nhất, ấy là màu da nhợt nhạt đến kinh người.

Kiếm Kinh Hồng bị kẹp giữa hai ngón tay, không thể chém xuống thêm một phân. Lộc Lâm Xuyên cảm nhận được một luồng khí lạnh từ chuôi kiếm truyền tới, buốt giá đến độ khiến đầu óc của y gần như đình trệ. Rũ mắt nhìn, chẳng biết từ bao giờ thân kiếm đã phủ một lớp băng sương.

Mặt trời giữa đại mạc tỏa nắng gay gắt, băng sương trên thân kiếm lại đọng mà chẳng tan, chỉ phút chốc đã làm cổ tay y đông cứng.

Hai ngón tay của Diệp Thiên Lang vận lực, kéo đối phương tới trước mặt mình, nhấc tay phủi cát đọng trên vai, nói: "Kiếm là kiếm tốt, võ công lại chưa đến đâu."

Bốn mắt cận kề nhìn nhau, Lộc Lâm Xuyên không khỏi rùng mình. Y đương nhiên đã từng gặp Diệp Thiên Lang trước đây, nhưng người trước mặt hiện giờ nào còn dáng vẻ năm xưa nữa. Làn da xanh xao, sắc môi hơi tím, dưới tóc mai, mày kiếm là một đôi mắt phượng vô cùng u tối, lạnh lẽo, nhất là một bên tai còn đeo một chiếc khuyên màu lam khổng tước. Diệp Thiên Lang không phải người phiên bang dị tộc, càng chẳng phải trời sinh tướng mạo yểu điệu, đeo khuyên tai đáng lý trông cực kỳ quái gở, nhưng lại bởi tướng mạo hắn tuấn mỹ phi phàm mà ngược lại có cảm giác tà mị khiến người ta kiêng dè.

Chỉ trong khoảnh khắc bần thần ấy, khí lạnh từ cổ tay đã xâm chiếm từng tấc một, cánh tay phải cầm kiếm như bị kim đâm một hồi, cảm giác đau đớn qua đi lập tức mất hết tri giác. E sợ hàn khí nhập thể, Lộc Lâm Xuyên vội vận chuyển chân khí bảo vệ tâm mạch, tay trái như vuốt hổ, lấy tư thế bắt mồi tập kích về phía cổ họng Diệp Thiên Lang. Vậy nhưng đối phương đã dự liệu được trước, ung dung hất nhẹ hai ngón tay, liên tiếp điểm vào ba huyệt dương trì, chi câu, tứ độc trên cánh tay trái của y, khéo léo hóa giải đòn tấn công này.

Tựa hồ cũng không có ý định giết chết, Diệp Thiên Lang thả Lộc Lâm Xuyên ra, nói: "Ta và ngươi có nghĩa tình đồng môn, để lại thứ đốc chủ muốn, ta có thể tha chết cho ngươi."

Lộc Lâm Xuyên gằn giọng đáp: "Hay cho một Diệp đại nhân... Ngươi nhận giặc làm cha, cõng rắn cắn gà nhà, còn có mặt mũi tự xưng là đồng môn với ta?"

Diệp Thiên Lang hỏi vặn lại: "Thế nào là giặc?"

"Hoạn quan họ Nguỵ chuyên quyền, lôi kéo kẻ siểm nịnh kết bè đảng, phán tù oan, giết trung lương, còn mặc sức vơ vét của cải trăm họ, khiến dân chúng lầm than, nội loạn tứ bề..." Nhớ đến thảm cảnh người dân phải bán con đổi lấy cái ăn, xác chết đói phơi thây đầy đồng, nhớ đến nỗi ô nhục khi quân Kim xâm lược mở đất, thôn tính bờ Diệp Hách, Lộc Lâm Xuyên mặt mũi đỏ gay, tay chân run rẩy, khẳng khái chất vấn, "Mà nay giặc ngoại xâm lăm le bờ cõi, Đại Minh ngàn cân treo sợi tóc... Hoạn quan họ Nguỵ này lẽ nào còn không phải mối mọt quốc gia? Lẽ nào không phải là "giặc"?!"

Diệp Thiên Lang nhàn nhạt nói: "Phải thì đã sao?"

Quả là đã chẳng chung chí, nửa chữ cũng thừa. Lộc Lâm Xuyên lập tức xoay cổ tay vung kiếm, kiếm pháp Kinh Hồng cuồn cuộn như dải thác sông ngân, liên tiếp nhằm vào chỗ hiểm của đối phương.

Thân người Diệp Thiên Lang khẽ dịch chuyển, đao Tú Xuân[5] bên hông xoẹt một tiếng rời vỏ, thoáng chốc đao kiếm va chạm giao triền.

Tâm pháp nội công của Diệp chỉ huy sứ có tên "Ngũ Uẩn Phần Tâm Quyết", là một tâm pháp vô cùng quỷ quyệt âm lãnh, nhưng đao pháp lại được truyền từ thời Chiến quốc, có tiếng là hiên ngang dũng mãnh.

Song, lúc này, kiếm Kinh Hồng ra chiêu lại vừa nhanh vừa tàn ác, chiêu nào chiêu nấy đều tiến công mãnh liệt, định liều chết một phen. Mà thế đao của Tú Xuân đao thì lại lúc nhanh lúc chậm, tựa hồ cũng chẳng khao khát chiến thắng, cứ vờn bắt giày vò giữa một cương một nhu, một thờ ơ một hừng hực này. Tựa như mảnh trời đất này không có ta cũng chẳng có kẻ khác, chỉ có bóng đao ánh kiếm, liễu bách cát vàng.

Vậy mà chỉ một thoáng, thế đao của Diệp Thiên Lang chợt thay đổi. Gần như trong chớp mắt, Lộc Lâm Xuyên đã rơi vào thế hạ phong, vừa căm hận vừa nôn nóng, càng nôn nóng lại càng túng quẫn. Bị hóa giải thêm hai mươi chiêu, bại cục đã rõ, đến cả góc áo bào phi ngư cũng chẳng chạm tới được.

Đôi mắt phượng u tối chợt vụt sáng như điện nham, kiếm Kinh Hồng nghe một tiếng đanh gãy gọn đã lìa làm hai. Diệp Thiên Lang đột nhiên thu đao, áo bào phi ngư màu đen dính đầy máu tươi, mão quan võ lụa đen trên đầu lại chẳng mảy may lay động.

Tà áo trắng của Lộc Lâm Xuyên bị nhuộm đỏ. Y quỳ trên đất, trên người có khoảng mười vết thương. Tuy bởi đối phương không dốc toàn lực nên vẫn chưa vong mạng, nhưng đã chẳng còn sức để chiến đấu nữa.

Rũ mắt nhìn kẻ cận kề cái chết, đầu mày Diệp Thiên Lang hơi nhíu lại, ánh mắt không rõ là thương hại hay khinh bỉ. Tú Xuân đao đặt trên vai Lộc Lâm Xuyên, thân đao xoay chuyển lau vài cái, đã sạch vết máu trên đao.

Giọng hắn nhẹ bẫng, nói: "Đao pháp Xuân Thu đã luyện thành, đa tạ."

Thương thay cho Lộc Thám hoa thông tuệ hơn người đến giờ lại mới hiểu ra, hồi nãy người này vung đao nương tay, chẳng qua là muốn lấy mình ra luyện đao mà thôi. Mà giờ hắn rũ tay áo, giết một người cũng chỉ như phẩy đi một hạt cơm dính trên vạt áo vậy.

Y chật vật bò lết muốn lấy lại thanh đoản kiếm bị vùi trong cát. Diệp Thiên Lang nhẹ nhấc bước, trước khi bàn tay đầy máu kia chạm được đến chuôi kiếm bọc da cá nhám, đã chắn trước mặt y. 

"Đại trượng phu thà chết trong chứ chẳng sống đục... Dẫu ta có hủy vật đó đi, cũng quyết không... quyết không giao vào tay ngươi..."

Diệp Thiên Lang nhắm mắt lại, vẻ mặt có phần mỏi mệt, có vẻ cũng chẳng buồn khuyên nhủ thêm nữa: "Ngoan cố như vậy thì chính là tự tìm chết."

Lộc Lâm Xuyên đang khép mắt chờ chết, chợt nghe bên tai một giọng nói trầm thấp hồn hậu, tựa như tiếng vọng từ giếng cạn:

"Đao chẳng phải đao tốt, võ công càng chẳng ra gì."

Chú thích:

[1] Thiếu Dương tướng hỏa: Liên quan đến Y Dịch. Hiểu nôm na thì Thiếu Dương là một trong lục khí. Quân hỏa là tâm hỏa, còn hỏa ở những bộ phận tạng phủ khác đều là tướng hỏa.

[2] Vua là vạn tuế [vạn tuổi], cửu thiên tuế [chín ngàn tuổi] ở đây tức là chỉ dưới vua.

[3] Thiên hộ: Tên chức quan thiết lập từ thời Kim. Đến thời Minh, Thiên hộ là thủ lĩnh của Thiên hộ sở, đóng quân tại những châu phủ trọng yếu, thống lĩnh 1120 người, phân thành 10 Bách hộ sở.

[4]Tam công: chỉ ba chức quan cao cấp nhất trong triều đình phong kiến.

[5]Đao Tú Xuân: Bội đao của Cẩm Y Vệ và Ngự Lâm Quân dưới thời Minh. Hình dạng giống đao giắt hông bình thường nhưng ngắn và nhỏ hơn, thân đao có độ cong.

Trần có lời muốn nói: Hallo mọi ngừi, tui lại đào hố rồi đây~ Có lẽ đây không phải là thể loại quen thuộc đối với những vị biết đến Dê Nhỏ qua manhua, nhưng Wei Norah là một tác giả tui rất rất thích, mà đến tận bây giờ tui mới có đủ động lực để thử sức với truyện chữ. Wei Norah nổi tiếng với những bộ truyện hiện thực hướng bối cảnh hiện đại tàn khốc và Vô Tình Vật là một trong những tác phẩm võ hiệp hiếm hoi của tác giả, cũng như là một tác phẩm hiếm hoi lấy bối cảnh lịch sử có thật (cuối thời Minh), vậy cũng coi là một khởi đầu đủ đặc biệt rồi chứ nhỉ ^^?! Trước mắt thì chỉ có mình tui thầu bộ này thôi, có điều mỗi chương cũng khá ngắn nên nếu không bận việc gì khác thì tốc độ lý tưởng là mỗi ngày một chương mới >v<~

Hy vọng mọi ngừi hãy bình luận thiệt nhèo để tiếp động lực cho mình lê lết trên con đường này nha, chúc mọi ngừi thưởng thức vui vẻ!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang