Đêm nay chẳng quá an tĩnh. Bên ngoài mưa ngớt dần, cơn giông hóa thành mưa bụi gõ lên mái ngói, vang tiếng rả rích tựa như đám đông thầm thì, lao xao huyên náo, đuổi thế nào cũng không đi.
Trước giờ Diệp Thiên Lang đều ít ngủ, cũng ngủ không sâu. Bên cạnh có chút tiếng gió thổi cỏ lay cũng có thể khiến hắn tỉnh giấc. Lúc tỉnh dậy, đầu thường đau như sắp nứt, khó trở vào giấc, vậy nên trước giờ hắn đều không cho người khác lại gần lúc mình đang ngủ. Từng có một ả hầu ỷ mình xinh đẹp, không chịu tin, nửa đêm mò vào trong phòng Diệp Chỉ huy sứ, phanh mở cặp vú nõn nà cùng chiếc rốn nhỏ, cầm một nhành hương kích dục từ Tây Vực đưa tới, định gạo nấu thành cơm, một bước lên mây.
Ngờ đâu thứ hương kích dục đến thái giám cũng phải đầu hàng lại chẳng có tác dụng, Diệp Thiên Lang bị tiếng gót sen đánh thức, chưa đợi người đẹp kiều diễm trần truồng bò lên giường, hắn đã ra tay vặn gãy cổ cô ả, máu văng tung tóe.
Đây là bệnh căn để lại từ thời tóc còn để chỏm. Hồi đó, Diệp Thiên Lang vẫn chưa có cái tên đẹp như thế này. Vì hắn sinh vào mười chín tháng chạp, tên mụ là Thập Cửu. Nhà còn một chị gái lớn hơn mấy tuổi, tên A Ngũ. Hai chị em đầu sát bên đầu, vai kề vai, cùng ăn cùng ngủ, gắn bó khăng khít. Diệp Thập Cửu bảy tuổi theo cha lên núi kiếm ăn cũng không quên nhặt mấy hòn đá đẹp về tặng cho chị mình. Diệp A Ngũ khéo tay, còn lấy viên đá xanh lấp lánh đó làm thành một đôi khuyên tai, lúc nào cũng đeo không rời người.
Đáng tiếc ngày vui ngắn chẳng tày gang. Năm Vạn Lịch thiên tai dồn dập kéo đến, hết hạn hán lại lũ lụt, lúc nạn châu chấu, lúc lại dịch hạch. Thôn nhà họ Diệp ở, tưởng như chỉ trong một đêm mười nhà chết chín.
Người sống ở đời, muôn đắng vàn khổ, muốn chết phứt đi cũng chẳng dễ dàng gì. Sơ sểnh một cái là bị những dân đói khác lôi đi, biến thành bữa ăn trong miệng người ta, thành thịt tế hiến cho dạ dày người ta.
Diệp A Ngũ vẫn thường nhường lại vài miếng cháo loãng của mình cho em trai, còn không quên siết chặt tay nó, áp sát vào tai nó dặn dò. Thập Cửu, buổi đêm tuyệt đối đừng ngủ say quá, kẻo không sống nổi nữa đâu.
Đá phấn trong bụng trương lên, vô cùng khó chịu. Diệp Thập Cửu nửa hiểu nửa không, chỉ biết tiếp tục dính lấy chị gái như hình với bóng. Cho đến khi mẹ chết vì đói, cha cũng bởi đói mà đổ bệnh nặng, một hôm chợt gọi hai chị em đến trước mặt, tỉ mẩn săm soi một hồi, lại chẳng nói chẳng rằng.
Nửa đêm hôm đó, Diệp Thập Cửu đột nhiên nghe thấy tiếng động, lại thòm thèm cảm giác thoải mái, không lo đói khát trong mơ, chẳng chịu mở mắt dậy.
Ngày hôm sau tỉnh giấc, trên chõng chỉ còn lại mình nó. Cha bưng một bát canh thịt vào, bảo nó rằng, đêm qua chị con bị sói mò vào thôn tha đi rồi. Người trong thôn đuổi vào hang sói thì đã muộn, chỉ đành giết sói con để trút giận. Lại chỉ vào nồi canh, nói, đây là thịt sói hoang.
Diệp Thập Cửu dẫu có nhỏ tuổi vô tri đến mấy, cũng biết chị gái mình đã gặp nạn. Tuy lòng đau buồn vô hạn, lại chẳng cưỡng nổi cái khổ lâu ngày không nếm được vị thịt. Thấy bát canh thịt sói mùi thơm đến lạ, nước canh sóng sánh, bèn mặc canh còn bỏng miệng, vội vàng nhận lấy bát canh vồ vập ngấu nghiến.
Đến tận khi đã húp cạn nước canh, mới thấy một chiếc khuyên màu lam óng ánh nằm dưới đáy bát.
Diệp Thập Cửu ngẩn người một chút liền hoàn hồn lại. Tranh thủ lúc cha không để ý, nó bèn giấu khuyên tai vào ống tay áo, lại cầm đũa trong tay gõ lên mép bát, xin cha thêm bát nữa.
Có điều tới đêm bụng nó bỗng quặn đau thắt lại, chạy ra khỏi phòng chưa bao xa đã lăn lông lốc, ngã vào trong vũng lầy, nôn thốc nôn tháo. Nước mắt lăn dài trên mặt bốc mùi thiu thối. Mảnh trăng khuyết treo trên đỉnh đầu, lạnh như móc câu, nhọn hoắt như đao, từ rày người được chiếu rọi chẳng còn được yên giấc.
Hổ dữ không ăn thịt con, vậy nhưng người đến bước đường cùng, chỉ e đúng như lời lão Mạnh phu tử nói, chẳng khác cầm thú là bao. Cha Diệp Thiên Lang cũng từng học chữ, còn từng thi đỗ Cử nhân[1], lừa được làng giềng xa gần bị mùi thịt hấp dẫn, lại chẳng qua mắt được đứa con trai thông tuệ từ nhỏ của mình.
( [1]Gốc là Hiếu liêm, ban đầu là tiêu chuẩn đề cử các quan chức dân sự do Hán Vũ đế thiết lập, đến thời Minh Thanh trở thành nhã xưng dành cho Cử nhân.)
Lay lắt chưa được đến nửa tháng, hai cha con lại đói đến phát cuồng. Cha Diệp vốn định giết luôn cả đứa con út lấy thịt nhưng rồi cuối cùng lại không nỡ xuống tay với dòng độc đinh nhà họ Diệp này, bèn ngửa đầu lên trời than dài một tiếng, buông dao chặt củi giương cao trong tay xuống.
Trước lúc lâm chung, cha Diệp đã hốc hác, mỏng dẹt như giấy, gò má trũng xuống không ra hình người. Hai hàng nước mắt già nua rơi lã chã, siết chặt tay con trai, ngàn lời muốn nói, không cam tâm, không đành lòng sau cùng đều gói gọn lại trong một câu dặn dò sau cuối:
Thập Cửu à, cha chẳng mong ngày sau con áo thắm miện vàng, thăng quan tiến chức, chỉ mong sao cho con tiếp tục sống là tốt rồi.
Từ sau khi mất hết người thân, một bên tai Diệp Thiên Lang đeo chiếc khuyên tai của chị gái, còn may mắn thoát khỏi kiếp nạn...
Do là có kẻ buôn người thấy mặt mũi nó xinh xắn còn đeo khuyên tai, lầm tưởng là bé gái, bèn bắt nó đưa ra khỏi thôn, tính đem bán vào kỹ viện. Chẳng ngờ trên đường trắc trở trùng trùng, lại gặp may được Vương An chọn trúng.
Diệp Thập Cửu vẫn luôn nhớ rõ, hôm mình được Vương An triệu kiến đã đông cóng đến mức run lập cập, đói đến độ sắp tắt thở. Vương An nhân từ, bèn sai đầy tớ hấp một lồng bánh phượng hoàng ngũ sắc cho, nói với nó, đây chẳng những là thứ bánh ông thích, mà còn là điểm tâm mà Thiên tử Đại Minh thường dùng nhất.
Nắm miếng bánh mềm mại nóng hôi hổi trong tay, giương mắt nhìn tòa nhà lớn, khoảnh sân rộng cùng với ông cụ từ ái trước mặt, Diệp Thập Cửu giơ tay sờ lên chiếc khuyên tai của mình, thầm tạ ơn duyên số sắp đặt, cảm tạ người chị quá cố phù hộ mới có thể bắt được một cơ hội sống này.
Hỏi tên, đáp rằng Thập Cửu.
Không giống Ngụy Trung Hiền nửa chữ cũng không biết, Vương An qua lại gần gũi với người đảng Đông Lâm, ắt cũng biết chút thi thư, hiểu chút văn vẻ. Thấy đứa bé này trông như ngọc đẹp đựng trong tráp băng trên đỉnh núi cao, ngàn người khéo cũng chẳng lựa ra được đến một đứa như vậy, lập tức vui mừng ban cho tên "Thiên Lang".
Vương An mến Diệp Thiên Lang, đương nhiên cũng ưng tính tình thoạt trông có vẻ trong sáng đơn thuần của nó, mà Diệp Thiên Lang cũng quả thực khiến người ta sinh lòng yêu mến. Từ rày chẳng gặp chuyện giông tố triều đình hiểm ác, chẳng hay giang hồ mưa máu gió tanh, một lòng một dạ ở lại phủ Vương An luyện công đọc sách, dần dà nảy sinh chút nghĩa tình ông cháu với vị thái giám già này.
Sau khi Thiên Khải đế đăng cơ, Vương An liền thất thế, bị giáng xuống làm tịnh quân[2] Nam Uyển. Đề đốc Nam Uyển Lưu Triều phụng lệnh Ngụy Trung Hiền giết chết Vương An, nhưng lại sợ sau này Thiên Khải đế hỏi đến tung tích của vị thái giám già này, bèn lần lữa không chịu xuống tay. Vừa may đương lúc khó vẹn đôi đường thì cứu tinh lại tìm đến tận cửa.
( [2]Quân đội được tổ chức bởi thái giám.)
Lưu Triều cố ý không cho ăn uống. Vương An đã đói nhiều ngày, đói lòa cả hai mắt. Ông nằm rạp trên đất, đào sạch củ cải dưới hàng giậu, chỉ đành ăn tạm đất bùn lấp bụng đói. Tuy hai mắt đã lòa, mà tai lại thính nhạy hơn trước, vừa nghe tiếng bước chân vào viện đã biết ngay là ai đến.
Đang độ giữa đông lạnh buốt, trời âm u sắp đổ tuyết, Diệp Thiên Lang giờ đã vận y phục nha dịch Cẩm Y Vệ, quỳ một chân trước mặt Vương An, lệnh cho thuộc hạ đặt một đĩa bánh phượng hoàng ngũ sắc xuống đất, gọi ông một tiếng, a công.
Dẫu đã đến bước đường cùng, song vẫn chẳng thể buông xuống tự tôn của đốc chủ Đông Xưởng ngày xưa, Vương An gồng mình ngồi xếp bằng dậy, cười nói: "Đứa nhỏ này rốt cuộc cũng đến rồi đấy à."
Diệp Thiên Lang gật đầu, cũng mỉm cười: "Hôm nay sắc mặt a công có vẻ tốt."
Tuy hai mắt Vương An đã lòa nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, biết hiện giờ mình đã đói đến người không ra người, quỷ không ra quỷ, làm sao còn có thể tốt cho được. Thầm nghĩ Ngụy Trung Hiền đã sớm giăng thiên la địa võng, đứa trẻ này dẫu có bản lĩnh bằng trời cũng chẳng thể tùy tiện lui tới dưới mí mắt của Đông Xưởng được, bèn có chút ngờ vực hỏi: "Con tới cứu ta sao?"
Diệp Thiên Lang lắc đầu, tích chữ như vàng: "Không phải."
Dẫu gì cũng lăn lộn chốn quan trường nhiều năm, Vương An hơi ngẩn người, liền lập tức hiểu ra: "Con tới cứu lấy bản thân mình."
"Phải." Diệp Thiên Lang ngập ngừng một chốc, "Không chỉ muốn cứu mình, còn muốn cứu những người trong phủ."
"Con làm sao cứu nổi bọn họ?"
"Sinh vào thời loạn, còn sống dẫu gì cũng tốt hơn không. Chỉ là hai chữ "trung hiếu" trói buộc nặng nề, ắt phải có người làm kẻ đi đầu, gánh lấy ô danh này trước."
Tuyết lả tả sà xuống, thế gian hai màu trắng đen rạch ròi.
Vẻ mặt lãnh đạm, tuy chẳng chút gợn sóng, chẳng hề có cảm xúc lay động, về tình về lý lại đều hết mực chân thành. Trái lại, Vương An chỉ tỏ vẻ kinh ngạc, cười khổ nói: "Con... thế mà vẫn còn tình người ư?"
"Mười năm sớm chiều kề cận, chung sống dưới một mái nhà, con nào phải cỏ đá, há có thể vô tình." Diệp Thiên Lang ngẩng đầu nhìn về phía sắc trời càng thêm ảm đạm, đẩy đĩa bánh phượng hoàng ngũ sắc về phía Vương An, giọng nói lại không hề có ý giục giã, "A công, ăn điểm tâm đi nhân lúc còn nóng."
Gió rít gào, tuyết tung bay, thoáng chốc đất trời đã phủ màu trắng xóa. Từ đầu đến cuối, Diệp Thiên Lang đều bất động quỳ giữa gió tuyết, kiên nhẫn chờ đợi Vương An từ tốn nhai nuốt bằng hết bánh phượng hoàng ngũ sắc, rồi mới ra tay siết chết ông ta.
Xong xuôi, Diệp Thiên Lang đứng dậy phủi tuyết đọng trên đầu vai, khuôn mặt vẫn tĩnh lặng vô tình tựa như đồng hoang sau tuyết. Chỉ là khi tuyết tan ra trên khuôn mặt ấm áp, lại tựa như hàng nước mắt hữu tình.
Mưa gió ngoài quán trọ lại mau hơn, tiếng động lạ bên tai văng vẳng không dứt, cuối cùng cũng khiến hắn tỉnh hẳn.
Lần theo hướng tiếng động ấy bước ra khỏi phòng, dừng lại trước một cửa buồng khách. Phiến cửa chưa khép hẳn, trước cửa treo một hàng rèm châu óng ánh. Tầm mắt vắt qua rèm châu, Diệp Thiên Lang thấy một nam một nữ đang ôm ấp làm tình bằng tư thế ngồi.
Phòng rất tối, chỉ để một ngọn đèn dầu chập chờn sắp tắt. Dưới ánh đèn, cách rèm châu chốc chốc lay động, tựa hồ ngăn cách ở giữa là bóng hoa mẫu đơn ngập sân ngày cũ, mông lung rực rỡ.
Hắn nhận ra đôi trai gái đang giao hợp kịch liệt này.
Tấm lưng trần trụi trắng nõn của người đàn bà đối diện với hắn, còn người đàn ông xiêm áo nửa phanh ra, tóc dài xõa tung, vùi mặt vào vai người đàn bà. Quá nửa mặt đã bị tóc đen như thác che lấp mất, chỉ lộ ra một đôi mắt, như cười như không, trông về phía hắn.
Rèm châu lung lay, ánh nến nghiêng ngả, Khấu Biên Thành dựng ngọn trỏ thon dài bên môi, tủm tỉm xuỵt một tiếng.
Diệp Thiên Lang nhận ra đôi mắt ấy.