Chắc hẳn cái tên Song Hà hay bút danh Boy Già không còn xa lạ với bạn đọc khắp mọi miền từ Nam ra Bắc, đặc biệt là cư dân mạng, các công dân Facebook. Nhà văn trẻ Song Hà đã trở thành một hiện tượng văn học đương đại, bởi văn hóa đọc của độc giả hiện nay khác trước rất nhiều, họ “khó tính” hơn hẳn những độc giả của thế hệ trước. Thời giờ các độc giả khó tính chỉ tiếp nhận những tác phẩm thực sự xuất sắc hoặc những gì họ thực sự quan tâm. Và để phát hành được một cuốn sách hay và thu hút được những độc giả khó tính là một điều không hề dễ dàng, thế nhưng nhà văn trẻ Song Hà đã làm được điều đó. Đầu tiên, độc giả đến với những trang viết của anh một cách tình cờ, tự nhiên qua bạn bè giới thiệu, thấy cộng đồng mạng chia sẻ trên facebook nên họ tò mò muốn biết và muốn đọc thử “một lần cho biết” và kết quả là họ đam mê, háo hức, thậm chí là nghiện văn của anh. Có độc giả đã từng viết status trên facebook và comment trên bài viết của anh rằng, văn của anh như có ma lực khiến họ không thể cưỡng lại được. Nhiều người cứ hễ mở laptop hay smatphone là phải vào ngay trang cá nhân của anh để xem hôm nay nhà văn có viết gì mới không? Vậy tại sao Song Hà lại làm được điều kỳ diệu ấy?
Lý do khiến văn phong của anh được mọi người ưa thích bởi cách viết của anh không theo lối truyền thống, ủy mị mà thay vào đó là những lời văn vượt ra khỏi cách viết thông thường để đạt tới mức sâu sắc, câu cú theo vần điệu, giọng văn tưng tửng nhưng tràn ngập cách nói khẩu ngữ đời thường khiến cho người đọc vừa sửng sốt vừa kinh ngạc nhưng lại rất đỗi thân quen, gần gũi. Khi đọc văn của anh họ có cảm giác như tâm trạng của họ hòa vào từng nét chữ, câu văn, giống như tác giả đang giúp họ bộc lộ cảm xúc vậy.
Xuyên suốt các tác phẩm của anh, phong cách này luôn được tác giả vận dụng một cách triệt để, do đó giọng điệu và phong cách viết văn của Song Hà thường mang một dấu ấn riêng không thể lẫn vào đâu được. Hơn nữa đề tài mà nhà văn khai thác cực kỳ phong phú và đa dạng, với tính cách phóng khoáng, không chịu gò bó bởi các chuẩn mực, những bài viết của anh đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ khiến cho cả những độc giả khó tính nhất cũng bị chinh phục. Trên từng trang viết của anh, độc giả có thể bắt gặp một anh chàng hay khoe mẽ “Sang Tây ăn ở như Ta, về nhà ăn ở như Tây” (Chuyện về chiếc xe máy Sim Sơn), một câu chuyện tình cảm động thời sinh viên, chuyện quá vãng quanh chiếc quần đùi Thái, chuyện nóng bỏng về kinh doanh đa cấp vv.. đều được phơi bày như bản chất mà nó vốn có. Đọc xong, cảm giác rưng rưng, vừa buồn cười lại vừa cay cay nơi khóe mắt là tâm trạng chung của độc giả khi đọc những tác phẩm của anh. Một vấn đề không thể không nhắc đến trong phong cách viết văn của nhà văn Song Hà đó là cách xây dựng tình huống truyện, các chi tiết, các sự vật được nhào nặn điêu luyện như nhảy múa trước bạn đọc, như ào ra khỏi trang viết. Nào là cái anh chàng đưa người yêu về nhà thì thụp hôn nhau trong phòng tắm rồi tìm mọi cách để che mắt ông bố, nhưng kết truyện tác giả mới hé lộ cho thấy, ông bố còn cao tay hơn ông con rất nhiều. Nào là đôi ăn vụng thì thụp hẹn hò nhau tranh thủ khi tập thể dục, nào là ông anh họ giới thiệu cho cán bộ kinh doanh đa cấp,... tất cả các tình huống đó, chi tiết đó đều được nhà văn xây dựng một cách khéo léo, cứ như tự nó diễn ra vậy.
Tôi rất thích thú và tâm đắc với cách nhà văn gọi tên nhân vật, ngoài những nhân vật chính có tên tuổi như Ranh con tên Ly, cu Bổ đôi, chàng Bánh mật,... thì những nhân vật phụ, anh gặp đâu gọi đấy, vừa hài hước lại dễ nhớ như Tóc tém, Áo trắng... Tất cả những điều đó dường như là chất kết dính để “dính” độc giả vào văn của anh một cách tự nhiên, thú vị. Và đương nhiên, còn rất nhiều vấn đề hấp dẫn khác trong phong cách của Song Hà mà tôi chưa thể kể hết, những điều ấy xin để dành cho độc giả chiêm nghiệm, thẩm thấu.
Nhà văn Trương Vân Ngọc
_